27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cái đẹp là gì?

Mấy ngàn năm trước đến tận bây giờ con người vẫn cứ mãi tranh luận về cái đẹp. Vậy đẹp là gì? Trả lời câu hỏi này sẽ giúp ích nhiều cho cuộc sống mỗi cá nhân, giúp ta có cái nhìn đúng đắn và cởi mở hơn về quan niệm thẩm mỹ của xã hội hiện nay.

Trước tiên, xin gới thiệu quan điểm thế nào là một người phụ nữ đẹp qua cái nhìn của thổ dân châu Phi. Phần này tôi dựa trên tài liệu khảo cứu của sử gia kiêm triết gia Will Durant cách đây chừng 50 năm. “Tất cả những mọi da đen mà tôi được biết cho rằng đàn bà đẹp là đàn bà mập, thân hình thẳng đuôn, không có eo, từ nách xuống tới hông như cái thang”. Tai như tai voi, vú xệ xuống đó là những nét duyên dáng nhất và theo cách nhìn của họ thì người đàn bà nào béo phì nhất là người ấy đẹp nhất. “Tại xứ Nigeria béo và mập gần như đồng nghĩa với nhau. Một người đàn bà béo phì đến nỗi đi phải có hai nữ tì đỡ, cặp hai bên thì mới được coi là đẹp; còn như tuyệt đẹp thì phải nặng tới nỗi lạc đà mới chở nổi”. Chưa hết, ngay cả Darwin cũng bảo “Ai cũng biết rằng mông của phụ nữ Hottentot nhô ra dị thường và vẻ đẹp ấy rất được đàn ông da đen tán thưởng. Một hôm ông thấy một phụ nữ được xem là mỹ nhân của xứ đó mà mông lớn tới nổi mỗi khi cô ta ngồi xuống đất rồi, muốn đứng lên thì phải lết tới một chỗ dốc…”

Đúng là óc thẩm mỹ kỳ lạ, thật khác với chúng ta. Đàn ông da đen không ghét gì bằng những hình thể ngược lại, nghĩa là mấy siêu mẫu chân dài cao ráo, eo thon ngực căng tròn thời nay sẽ bị xem là xấu không có chỗ nào khen được. Còn như mấy bà mấy béo phì chỉ thích ăn và lười vận động sẽ khiến bọn này tán thưởng không ngớt là tuyệt sắc giai nhân. Xét theo cách nhìn của họ thì ở Việt Nam số mỹ nhân đang gia tăng nhanh chóng, bất kẻ đàn ông hay đàn bà, tuổi teen hay tuổi sòn. Ra đường đâu đâu cũng gặp người mập, so với cách đây chừng 10 năm thì dường như ai cũng mập hơn nhiều. Ngày trước người Việt còn chuộng mập vì thấy sang sang thế nào, còn bây giờ quan niệm đó đã thay đổi, người ta còn sợ mập nữa ấy chứ, bằng chứng là có câu ca dao hiện đại “Ngày xưa bụng bự thì sang. Ngày nay bụng bự xơ gan tiểu đường”.

Bây giờ bàn về thời trang “nude” một chút. Trên khắp thế giới có nhiều bộ lạc họ để hở hết da hết thịt mà chẳng biết quê gì cả, có bộ lạc còn xấu hổ khi phải bận quần áo nữa. Theo Will Durant thì nữ tù trưởng vùng Baloda hoàn toàn khoả thân khi tiếp khách quan trọng và trong một số rất ít bộ lạc thì trai gái “làm chuyện ấy” giữa chốn đông người mà không chút mắc cở.

Ngày trước ở các vùng cao hẻo lánh Việt Nam, nhiều phụ nữa người dân tộc thiểu số cởi trần giã gạo, đi rẫy, thăm hàng xóm, tham gia lễ hôi, nói chuyện cười đùa vô tư… cũng chẳng phải hiếm. Mấy tấm ảnh chụp hình thiếu nữ tắm suối khoe ngực và tóc dài được nhiều người khen là đẹp, là rất tự nhiên, đánh giá có tính nghệ thuật cao. Nhưng bây giờ tục đó trở nên hiếm rồi, có lẽ do đời sống hiện đại và đàn ông miền xuôi lên trên ấy lừa tình nhiều quá, họ cũng phải thay đổi thói quen để còn đề phòng với “yêu râu xanh”.

Trong giới showbiz Việt cái vụ lình xình ăn mặc phản cảm, “scandal sex”, cảnh nóng, ảnh nude… chưa khi nào có hồi kết (gần đây có vụ ảnh nude tập thể “Đêm đại hội chân dài 7” gây sốc dư luận). Dường như sự phát triển nghệ thuật có tính chất chu kỳ, nghĩa là sau thời gian chán ngán sáng tạo thì người ta có xu hướng quay lại cái của thời trước. Chẳng biết có thể gọi đây là sự phát triển nghệ thuật được không nhưng chắc một điều rằng dư luận sẽ phản đối vì quá phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt. “Nghệ sĩ” cho rằng dư luận đâu óc thiển cận, nông cạn chẳng biết gì về thưởng thức nghệ thuật còn dư luận lại cho nhiều nghệ sĩ biến thái, đồi bại. Đúng ra cái chuyện nude, trần truồng như nhộng là vẻ đẹp tự nhiên (như ở mấy bộ lạc, ở vùng cao nói trên) và cũng là chuyện bình thường như người ta hồi nhỏ cởi truồng lông nhông ngoài đường tắm mưa thôi, nhưng vì đầu óc người ta “đen tối” quá, người ta muốn lợi dụng cái vẻ đẹp tự nhiên ấy để kiếm tiền, để thỏa mãn thị hiếu thấp hèn nên mọi sự mới phức tạp thế này. Chẳng biết ai đúng ai sai, dư luận hay nghệ sĩ (không quơ đữa cả nắm)? Cái này ta sẽ bàn sau.

Tiếp tục lấy ví dụ trong các lĩnh vực khác như văn chương, âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ, kiến trúc… thì dài dòng lắm. Dùng tạm 2 cái dẫn chứng vui vui trên cũng đã đủ cho ta vài cái nhìn thoáng hơn một chút về cái đẹp rồi.

Một đối tượng không làm cho người ta thích vì nó đẹp, mà vì nó làm cho người ta thích nên người ta mới bảo là đẹp. (Phụ nữ mập không phải đẹp mà vì đàn ông da đen thích mập nên mới bảo phụ nữ mập là đẹp).

Một vật gì làm thoả mãn một thị của ta thì ta cho đó là đẹp. Một bữa ăn ngon giúp ta no bụng có thể đẹp, rồi một cuốn phim X giúp ai đó giải đáp được sự tò mò giới tính thì họ cũng cho là đẹp.

cái đẹp
Ảnh: Picstopin

Cái đẹp bị chi phối bởi trình độ nhận thức và sự hiểu biết cá nhân, bởi văn hoá, môi trường sống và hoàn cảnh lịch sử. Cái đẹp không thể miễn cưỡng áp đặt từ người này qua người khác, vùng này qua khác, thời này qua thời khác được.

Hiện nay, một bộ phận xã hội mình có quan điểm phố biến thế này: “ai thích ảnh nude, phim X, nhạc sến… hay bất cứ thứ gì khác ngược lại với tục lệ văn hoá, với số đông thì cứ tự nhiên thưởng thức, còn ai cho rằng phản cảm đồi bại thì tránh xa ra việc gì phải bài xích cho mất công. Nghệ sĩ có quyền sáng tạo riêng của họ, còn khán giả có quyền lựa chọn riêng của mình. Phải tôn trọng quyền tự do của mỗi người”. Quan điểm như vậy không sai và chẳng có gì để nói hết nếu như nó là chuyện rất riêng tư của mỗi người, nhưng đằng này người ta phổ cập đại chúng, tung ra thị trường, người ta muốn kiếm tiền thì nó lại là chuyện khác. Ranh giới giữa cái đẹp và xấu, thiện và ác, nghệ thuật và dung tục rất mong manh, nhiều khi chỉ là một – có tính chất 2 mặt. Không phải ai cũng nhận thức được cái đẹp, thấy được cái thanh cao trong dung tục nên nếu để nghệ thuật phát triển tự do thế này sẽ không tốt cho xã hội, đặc biệt với những đầu óc phàm tục và non nớt. Thứ nghệ thuật mạo danh đó không nuôi dưỡng tâm hồn họ mà chỉ nhằm thoả mãn thị hiếu nhất thời. Gạc nghệ thuật rởm qua một bên, chỉ còn nghệ thuật chân chính từ nude, từ sex thì nghệ thuật chân chính này vẫn còn là con giao hai lưỡi, nó cũng có hại cho phần đông có óc nhận thức kém. Đây là cuộc chiến giữa tự do cá nhân và quy tắc xã hội, theo luật đấu tranh phát triển thì mỗi bên nhường nhau một chút, cùng tồn tại thống nhất trong mâu thuẫn, chẳng khi nào có hồi kết cả (cho dù ở thời đại nào, ở xã hội nào: Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ hay Trung Phi…) và người ta cứ phải tốn giấy mực, tốn nước bọt đều đều.

Bây giờ ta quay trở lại với nhận định ban đầu: thích thì cho là đẹp, thoả mãn thị dục thì cho là đẹp thì hãy còn khiếm khuyết lắm. Một bữa ăn ngon mà hại sức khoẻ ta thì bữa ăn đó không thể đẹp; xem nhiều ảnh nude nghệ thuật mà ra đường cứ gặp phụ nữ là tưởng tượng lung tung, mất tập trung trong công việc thì ảnh đó với người xem đó nhất định là xấu rồi (có hẳn một hội chứng bệnh về hiện tượng này)… Thứ ta thích, ta muốn, ta thấy “đẹp” mà có hại cho ta, cho xã hội thì không thể đẹp được.

Vậy cái đẹp là cái mình thích mà làm cho đời mình phong phú lên, nuôi dưỡng tâm hồn mình, khiến ta thêm yêu cuộc sống, có ích cho bản thân và xã hội. Cái đẹp có thể thuộc vật chất hoặc tinh thần. Một ly nước sạch uống vào ta thấy đã khát, sảng khoái; giọng con nít bi bô tập nói khiến ta thấy ngộ nghĩnh, vui thích; bầu trời đêm lấp lánh những vì sao, cánh đồng thơm ngát hương lúa chín, một định luật vật lý, một hành vi bác ái, một kỷ niệm trong sáng của tuổi thơ… tất cả đều đẹp hết.

Khả năng cảm nhận cái đẹp thiên về tình cảm nhiều hơn lý trí và bị chi phối rất lớn bởi trình độ nhận thức, hiểu biết cá nhân. Nhận thức của con người có thể vượt thoát rào cản không gian, thời gian và định kiến xã hội. Không có tiêu chuẩn chung nào cho cái đẹp cả, cũng không thể chỉ dạy mà chỉ có thể truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức thôi, “có những bộ mặt xấu mà dễ coi, có những bộ mặt không xấu mà khó coi; có những áng văn viết không thông mà khả ái, có những án văn viết thông mà đọc rất chán. Điều đó không dễ gì giảng cho hạng nông cạn hiểu được” (Lâm Ngữ Đường). Nếu ai cũng được nâng cao nhận thức về cái đẹp (trách nhiệm của giáo dục), có óc thẩm mỹ, mà nhất là bọn trẻ con bây giờ, thì mấy thứ mạo danh nghệ thuật, dung tục phản cảm tràn lan ngoài thị trường sẽ hết đất sống.

Nguyễn Hữu Lâm

 

 

Chú thích

[1] Will Durant (1885-1981), Nguồn gốc văn minh, dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nguyên tác “The story of Civilization”

[2] Lâm Ngữ Đường (Li Yutang, 1895-1976), một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, được xem là có công lớn trong việc giới thiệu văn hoá Trung Quốc ra thế giới.

*Feature image: Wallpaperpin

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Theo tớ: Đó là những gì vô hình không nắm bắt được, cái đẹp chỉ trở nên lung linh và tỏa sáng khi đôi mắt và tâm hồn của người cảm nhận thấy được nó bằng trái tim mình. Cái đẹp thực sự bao giờ cùng trường tồn và đi cùng năm tháng… (Ví dụ: tình yêu chẳng hạn! ^^)

  2. đọc xem e càng loạn hơn @@! không lẽ vẻ đẹp nào có ích cho xã hội, được mọi người chấp nhận thì mới gọi là đẹp ==!, e nghĩ chỉ cần mình thấy nó đẹp là đủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI