(1143 chữ, 5 phút đọc)
Sáng ra ngồi lắng mình trước hiên nhà bên những giọt cà phê tận hưởng một đời sống chậm chạp đang lặng lẽ trôi qua từng ngày. Có tiếng gió mây thổi sau đồi thông, tiếng chim hót ngân nga trên cành cây, tiếng bước chân đi của mấy bác nông dân làm vườn trên con dốc, những hình bóng thấp thoáng của cô thôn nữ đang thu hoạch rau màu, những trái dâu chín bọng đã đến ngày lên đường rời xa quê hương được vận chuyển trên các chuyến xe… Tất cả thứ tiếng cùng cất lên rồi cùng hòa tan vào khung cảnh hữu tình của một thuở thanh bình thơ mộng. Ôi một Đà Lạt mơ màng khiến bao người say đắm gọi tên mà tôi cũng không thể ngoại lệ. Thái Thanh trong nhà từ chiếc loa hát vang: “Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say.” Ừ, tôi cũng đang ngủ say, say quá là say.
Một ngày đẹp trời thế này mà nói nhăng nói cuội về thứ triết học vớ vẩn của tôi thì quả là bậy bạ ngu xuẩn. Triết học có nghĩa lý gì khi mình sống và lãng quên đi những điều ý nghĩa ngay bên cạnh. Có đọc bao nhiêu sách thánh hiền mà trái tim rỗng tuếch thì cũng chỉ là tay trắng về không. Tri thức quả thật là chuyến xe viễn chinh đưa chúng ta đến những chân trời rộng mở, nhưng nếu ngay một bông hoa trong vườn tôi còn không biết đến cơ may để thưởng thức, liệu đứng trước đại dương núi non hùng vĩ bao la, tôi sẽ cảm được gì?
Vậy nên hôm nay quên hết tất cả chúng đi, nói về những điều bình dị bên cạnh, nói về những bụi cỏ bên ven đường, nói về con đường dẫn lối vào khu đồi tôi sống, nói về những con bò vẫn mải mê gặm nhắm đùa vui, nói về ông lão giàu có kích xù là địa chủ của nguyên quả đồi này, nhưng vẫn say sưa với cái thú dắt bò đi chăn mỗi ngày.
Có một ông lão giàu có sống ngoài phố nhưng đã quen với cảnh núi đồi, với những ngày lao động chân lấm tay bùn, quen với mấy vựa rau màu, với mấy con bò nên sáng ra dắt bò đi chơi, thả rong trên đồi, để mặc chúng nhảy múa khiêu vũ với mây trời cây gió, để chúng được vui chơi với thiên nhiên hữu tình. Còn lão, lão cũng có thú vui riêng với việc cuốc đất chăm bón, với những chiếc xe rùa chở đầy cỏ dành dụm. Thỉnh thoảng, lão dừng chân nghỉ ngơi, buôn chuyện thiên hạ với mấy gã làm vườn khác bàn chuyện thế sự. Lão gặp ai cũng mỉm cười, gặp ai cũng hỏi chuyện.
Gặp tôi cũng chẳng khác, nụ cười duyên dáng phúc hậu ấy, những câu hỏi không đầu không đuôi mà đôi lần tôi ngớ người vì không rõ điều mà lão muốn nói. Chẳng hiểu gì, chẳng biết nói gì, nhưng sao hễ trông thấy là dù có cách xa thật xa vẫn muốn mở miệng chào thưa. Đó phải chăng là sức mạnh của một con người thần thái chất phác thật thà lại gần gũi nên luôn thu hút được tình cảm của những người xung quanh.
Ngày nào cũng ngồi dưới hiên nhà nhìn lão mà lòng cuộn trào những mơ ước thèm thuồng. Ước gì người dắt bò đó là tôi, ước gì người đang cắt cỏ hăng say ấy là tôi, ước sao tôi được sống tao nhã thanh đạm. Không chỉ riêng tôi, bao nhiêu người khát khao sống một cuộc đời bình dị đến vậy. Tôi đã đọc được bao nhiêu người trên báo có tham vọng từ bỏ thành phố về quê chăn bò. Nhưng sự thật là gì, thôi đừng có mơ ước viển vông, làm gì có bò mà chăn. Tưởng chăn bò đơn giản lắm sao? Người sống thành phố lâu năm liệu có chịu nổi cảnh mưa nắng dãi dầu cuốc bộ mấy quả đồi kéo lê mấy con bò về nhà khi chiều tàn, sáng ra mở mắt đã phải lụi cụi dắt chúng đi ăn.
Ngay cả tôi cũng lắm khi ảo tưởng. Có thể tôi đã quen với cảnh dầm mưa dãi nắng, có thể tôi đang sống một cuộc đời yên bình nhàn hạ. Tuy nhiên, sống yên bình đến thế này thì lấy đâu ra tiền mua bò để chăn. Hôm bữa thấy ông lão có đời sống mình đang mơ ước nên cũng về nhà bày vẽ thăm dò muốn mua một con bò. Nhưng cha tôi đã đập tan giấc mơ đó của tôi một cách hụt hẫng vì mua bò con cũng cần lắm tiền lắm của. Nuôi một con tưởng đâu dễ dàng lắm sao? Mình nuôi một con chó còn không có cho nó ăn, sống mà nghèo nàn quá còn không nuôi nổi mình lấy đâu ra mà nuôi con vật này kia.
Bởi vậy mới thấy cái khổ của giấc mơ được đi chăn bò. Người giàu có thì sức lực họ không cho phép, điều kiện hoàn cảnh xung quanh họ không cho phép. Về quê chăn bò thế nào họ cũng liệu tính đắn đo, rồi lập gia đình, rồi cảnh quê nghèo ruộng đồng không có đủ môi trường cho con cái họ phát triển. Rồi họ cũng không sớm thích nghi được với quê dã. Người sống được, người sẵn sàng vứt bỏ hết tất cả mọi thứ để được đi chăn bò thì lại nghèo nàn, lại không đủ tiền mua bò, không đủ tiền nuôi bò.
Thực ra thì một khi giấc mơ không đủ lớn, người nuôi chí không đủ sức để vun đắp cho nó, giấc mơ nào rồi cũng chỉ là giấc mơ thôi. Ai muốn mơ gì cứ mơ cho thỏa sức vì đâu ai đánh thuế giấc mơ. Biết thế nên sáng nào ra hiên ngồi ngắm ông lão chăn bò, tôi cũng mơ màng muốn có một con bò để được dắt nó rong chơi trên quả đồi này. Nhưng khi sương mai đã tan biến, nắng đã lên và cuộc sống thật đang quay trở lại, cà phê đã uống sạch, nhạc cũng đã phát đến cuối bài, phải vùng dậy bắt tay với cuộc đời này lại thôi. Còn giấc mơ với mấy con bò ư? Đó chỉ là một giấc mơ xa xỉ thôi mấy bác ạ! Lo mà làm việc đi, đừng có ảo tưởng!
Tác giả: Ni Chi
*Featured Image: Free-Photos
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
“Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say.”
Một trong những bài anh thích nhất của Phạm Duy. Em muốn nuôi bò để vắt sữa hay để làm gì?
Em nghỉ chơi anh rồi @@
Nghỉ chơi vậy sao anh có thể tặng em một con bò được nữa :)))
Bữa nay em đi quét dọn nhà cho người ta lại rồi, ko có ngồi ở nhà mơ mộng chăn bò nữa cha nội ơi:))))))