27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hãy tỉnh táo trước các vị thần

(Bài viết chỉ là những quan điểm cá nhân của tác giả)

Tôi lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật, tôi cũng chẳng mấy quan tâm hay tìm hiểu về Đức Phật và các bức tượng trong chùa làm gì. Chỉ đơn giản đấy là sự thờ phụng, là đức tin là niềm tin vô điều kiện của các Phật tử về một Đức Phật cứu độ chúng sanh. Đương nhiên, mọi sắp đặt của tôn giáo rất hoàn hảo. Tôn giáo đánh thẳng vào điểm yếu của những kẻ hèn nhát, tạo ra địa ngục và thiên đường. Sau hàng vạn năm, họ sợ hãi và tôn sùng những điều hiển nhiên mà bao đời nay người ta đã vẽ ra không chút nghi ngờ. Tôi là một trong số đó, tôi quyết định quy y Tam Bảo và trở thành Phật tử từ khi mười bốn tuổi, tôi đến chùa đọc Kinh và nghe Giảng.

các vị thần 2Ảnh: TiBine 

Vài lần tôi đến thử nhà thờ vào lễ Giáng Sinh và cầu nguyện như tất cả mọi người. Có một thằng nhóc đã nói với tôi rằng “Nếu tôi đã theo đạo khác thì không được đến nhà thờ làm lễ nếu không sẽ bị xuống địa ngục”. Vì còn là một đứa trẻ, tôi vẫn tiếp tục sự tò mò, một phần là được nhận bánh của Cha, phần khác thì được xem rước lễ rất vui.

Nhà thờ và nhà chùa bề ngoài có vẻ khác nhau. Nhà chùa thì khói nhang nghi ngút và tượng vàng, còn nhà thờ lại đầy ắp những ngọn nến lung linh. Kiến trúc của chùa thì gồm các kiểu chữ tam, chữ công và chữ đinh bắt nguồn từ Trung Quốc và kiến trúc Stupa của Ấn Độ còn nhà thờ lại theo kiểu kiến trúc Gothic bắt nguồn ở Tây Âu. Rõ ràng mỗi nơi đều có những vẻ đẹp và sự linh thiêng riêng biệt. Và khi đi lễ nhà thờ tôi cảm giác các con Chiên vô cùng kính cẩn và trong ánh mắt họ toát lên những niềm tin vô cùng mãnh liệt về phép màu và Chúa y như những Phật tử tôi đã nhìn thấy. Tôi tưởng như họ đã được nhìn thấy bằng da bằng thịt đức tin ấy là một con người có sự sống đang đứng trước mặt họ chăng? Hay chỉ vì tôn giáo đã nghiên cứu hành vi con người sâu sắc đến nỗi có thể nắm thóp mọi tâm hồn ở mỗi cá thể này.

Đến đây, xin đừng trách phạt tôi là một con quỷ vô thần chỉ vì tôi có phần báng bổ Chúa trời hay vị chư Phật nào của các người. Tôi cũng có đức tin, tôi cũng là một kẻ mơ mộng tin rằng luôn có những vị thần bảo hộ. Có lần tôi đã gấp một nghìn ngôi sao giấy và ước tôi được học sinh giỏi. Vâng, điều ước thành hiện thực như một phép màu.

Nhưng khi nhìn vào hiện thực, rõ ràng tôi chưa bao giờ thấy một ai đó hiện ra như một ông Bụt hiện trước mặt Tấm. Tôi chỉ biết tôi có một niềm tin mãnh liệt, một niềm tin mà không bất kỳ ai có thể chạm vào và sờ nắm nó. Khi chúng ta tin vào sự cứu rỗi, sự cứu rỗi xuất hiện để chúng ta trở nên mạnh mẽ giống như luật hấp dẫn vẫn chưa lý giải. Quả thật, Phật hay Chúa hay bất kỳ đạo nào cũng thế, họ tạo ra những hình mẫu, những pho tượng tưởng như ta sẽ dễ dàng dùng bàn tay trần tục mà vuốt ve vào. Thật ra đó chỉ là sự nhân hóa của niềm tin cho dễ hình dung. Những con người có cái đầu ngắn ngủi và trí tưởng tượng bay xa sẽ luôn vẽ ra những bức tranh về thiên đàng và địa ngục về Chúa Trời và Đức Phật về cõi vĩnh hằng y như nghĩa đen của các cuốn Kinh. Nhưng những con người thông thái sẽ hiểu theo những nghĩa bóng khác nhau về các hình tượng và cả về lời rao giảng thao thao bất tuyệt của các Cha và Trụ trì.

các vị thần 3Ảnh: Skitterphoto 

Sau khi khoa học phát triển, số người đi nhà thờ ít hơn vì gần như tất cả sự nhiệm màu của Chúa đã có đáp án. Ban đầu tôi cũng nghĩ như thế là hiện đại, là không mù quáng nhưng dần dà tôi thấy nhờ có khoa học mà con người bắt đầu trở thành những cái máy hoạt động cứng nhắc. Thay vì mỗi cuối tuần hay mỗi tối họ đến nhà thờ hoặc cửa chùa để đọc Kinh cho tâm thanh tịnh thì họ chui trong phòng với đầy các loại thiết bị tối tân, những suy nghĩ chạy vòng vo trong đầu về thế giới và những điều xa tít chân trời, chẳng liên quan gì đến họ. Những nhà khoa học, họ nghĩ đức tin đã lỗi thời, chính họ mới là kẻ đại diện cho sự hiện đại. Và chính họ cũng không thoát khỏi đức tin về điều mình sẽ nghiên cứu và tạo ra cho thế giới. Vậy đức tin của họ có khác gì đức tin của các con Chiên và Phật tử? Nếu phân tích rạch ròi thì có sự khác nhau rõ ràng nhưng nếu bao quát vấn đề đấy cũng chỉ là những niềm tin vào phép màu như nhau. Khoa học tìm kiếm những điều bí ẩn của thế giới bên ngoài còn tôn giáo lại đi thật sâu và kiếm tìm nội tâm chính mình. Rõ ràng đó là sự đối xứng, cân bằng và bổ trợ mà mọi vật thể trên trái đất này đều như thế, ví dụ như notron và electron.

Tôi đã đi từ một đứa trẻ với đức tin mù quáng đi chùa, lễ Phật, dâng hương mà chẳng biết mình làm điều đó vì cái thá gì. Cho đến một tuổi trẻ ngông cuồng, kiến thức nông cạn, thích thể hiện mình vô thần, vô đạo đôi lúc còn tôn sùng quỷ dữ. Nhưng giờ đây, tôi có một đức tin với cả Phật và Chúa, với cả chính bản thân tôi. Đôi lúc họ thần thánh hóa, đôi lúc họ thích nói quá về thiên đường và địa ngục nhưng vẫn có một điều tốt đẹp cạnh bên, họ đều hướng đến những điều lành và cứu rỗi những linh hồn yếu đuối. Bất kỳ điều gì cũng không nên thái quá, chúng ta nên tỉnh táo khi nghe, đọc về những điều ta chưa biết. Nhìn nhận một cách khách quan về mặt tốt và xấu, đừng để bất kỳ lời nói nào làm lu mờ tâm trí kể cả điều đó hướng tới trái tim ta. Một liều thuốc sẽ chữa khỏi bệnh nhưng hai liều có thể làm ta chết ngay lập tức.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: ZERIG 
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. Thiên đàng (cõi trời) và địa ngục là có thật,tuy nhiên cả hai đề vô thường.Lời Phật nói đều là nghĩa đen,về khía cạnh luân hồi,người được cho là không thông thái thì sẽ hiểu đúng lời Phật,còn người được cho là thông thái,trí tuệ thì hiểu theo cái nghĩa hời hợt khác(nghĩa bóng gì đó) thì hiểu sai lời Phật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI