“Nhân vô thập toàn” là câu cửa miệng của hầu hết mọi người khi nói về lỗi lầm. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta dựa trên câu đó để bao biện cho những hành động sai trái của mình. Thực chất, “nhân vô thập toàn” là cái nhìn cảm thông đối với mọi người xung quanh, đừng chấp nhất những lỗi lầm của người khác; hãy sống một lối sống vị tha. Không phải vì “nhân vô thập toàn” mà chúng ta cứ mê muội trong những hành vi không tốt của bản thân, để rồi bảo thủ, chai lì trong những lầm lỗi.
Vì “nhân vô thập toàn” nên mới sản sinh ra những lỗi lầm. Và lỗi lầm là gì? Lỗi lầm chính là những điều sai trái mà ai trên đời cũng từng vấp phải trong suy nghĩ, lời nói, cử chỉ và hành động. Tuy nhiên, có những sai lầm lại ẩn sâu trong điều mà phần lớn chúng ta cho rằng hợp lý, là đúng đắn, là lý tưởng cao đẹp… và để nhận ra được điều đó, có lẽ nhiều người phải mất cả đời. Không dám khoe mình, tôi chỉ mong muốn được chia sẻ, vì tôi cũng từng phạm điều lỗi lớn nhất của đời người!
Tuy sinh ra trong cảnh bần hàn và mồ côi cha, nhưng tôi lại được lớn lên trong sự đầy đủ từ tình yêu thương bao la của mẹ. Thời ấu thơ của tôi trôi qua êm đẹp. Nhưng đến năm học lớp mười hai, tôi lột xác thành một kẻ học đòi sự bê tha, và bắt đầu lao vào nhiều thứ mà lúc nhỏ tôi vô cùng ghét. Nguyên nhân chỉ vì sợ cảm giác cô đơn, sợ lạc loài. Cảm giác ấy khiến tôi mê loạn trong ghen tương với bạn khi chúng đi chơi mà không rủ tôi. Thèm được vui cùng bè bạn, thèm được thể hiện, không muốn bị thiếu và bị quên lãng, tôi say sưa trong các cuộc bia rượu, cà phê, karaoke… với bè bạn. Và trong nhiều ngày tháng, tôi đã bỏ lơ đi rằng ở nhà mẹ vẫn đang trông ngóng tôi về ăn cơm; nhiều khi, mẹ phải thức chờ tôi đến tận nửa đêm.
Khi được mẹ nhắc nhở, vui thì tôi thờ ơ cười trừ, buồn thì tôi cãi trả; thậm chí đã vài lần, tôi la lối trước mặt mẹ. Rồi tôi tự khoác cho mình lớp áo bảo vệ đầy sự hỗn hào rằng: “Mẹ biết gì! Vui vẻ với bạn mà mẹ cũng không cho nữa! Mẹ phải hiểu con đang hòa đồng với mọi người! Mẹ không hiểu gì về bạn bè của con cả! Mẹ toàn chia rẽ con với bạn…!” Trong đầu tôi dần xuất hiện những dòng tục tĩu sau mỗi lần to tiếng với mẹ.
Lương tâm ban đầu nhắc tôi rằng: “Mày là con, sao mày dám hỗn với mẹ?” Nhưng rồi vài lần như thế xảy ra, tiếng nói của lương tâm dần yếu ớt và bị đè bẹp dưới tiếng gọi mãnh liệt của các thú vui bên ngoài căn nhà nhỏ. Chúng cám dỗ tôi, cuốn hút tôi, và tôi đã bị chúng chế ngự. Chẳng lâu sau đó, tôi và mẹ không còn ngồi tâm sự như trước nữa.
Lúc nhỏ, tôi hy vọng rằng khi lớn lên, sẽ tìm một công việc nào đó tự chủ về thời gian để được gần gũi với mẹ hằng ngày. Nhưng rồi sau những lần to tiếng, tôi chỉ muốn đi làm thật xa, để được tự do và không bị phiền hà từ bà già phiền phức – mẹ tôi. Thậm chí, đã có lần, trong đầu, tôi từng mong cho bà chết sớm để được sống trong hai chữ “bình yên.”
Nhưng, ông Trời vẫn còn thương tôi lắm! Ông không để tôi sa vào vũng lầy sâu thẳm của tội đại ác – bất hiếu. Trong một lần về thăm quê, tôi chỉ biết lủi thủi ở nhà, buồn chán vì không có ai cùng trang lứa để chơi: Bạn bè đã đi thành phố làm, thanh niên trai tráng cũng đi xa, ruộng nương giờ chỉ còn những ông già, bà già chăm lo… nhà cao, cửa rộng, đường xá to và đẹp, nhưng sự ấm cúng ngày nào giờ phủ đầy sự vắng tanh.
Một hôm, tôi bắt chuyện với một người lớn tuổi trong làng. Ông khoe, các con của ông đứa nào cũng thành đạt, nhà to đẹp ở thành phố, con cháu thì được học trong trường quốc tế, không thua kém ai… Bất giác tôi hỏi: “Các anh chị con của bác giờ đã đi làm xa, chỉ còn hai bác ở nhà, vậy các bác có thấy buồn không ạ?”
Với nụ cười đượm chút bùi ngùi, ông nói: “Ai mà không buồn hả cháu! Sinh con ra, nuôi chúng lớn khôn cùng nhau, nhỏ thì nó quấn quýt bên mình, tình cảm khắng khít; giờ lớn lên, chúng lại đi xa, nhà cửa trống vắng, mặc dầu dư ăn, dư của, nhưng thấy thiếu thốn lắm. Nhưng biết sao giờ, lúc xưa hi sinh cho con cái được, thì giờ cũng phải cảm thông cho chúng nó, để chúng nó có công danh sự nghiệp, lâu lâu chúng còn nhớ về thăm nhà, vậy là đã vui lắm rồi! Làm cha làm mẹ phải biết hi sinh cho con cái chứ!”
Nghe đến đây, tôi thấy có gì nhoi nhói ở trong lòng.
“Làm cha làm mẹ phải biết hinh sinh cho con cái,” câu nói ấy tự nhiên vang đi vọng lại trong đầu tôi với dòng suy nghĩ: “Vậy con cái thì hi sinh cho cha mẹ được bao nhiêu?”
Những ký ức chôn vùi trong tôi bị đánh thức: Làn gió nhẹ hiu hiu từ chiếc quạt mo trong tay mẹ làm dịu cơn nóng trong những đêm hè oi bức; tiếng cười reo sung sướng mỗi khi thấy mẹ đi chợ về; những bát cơm sậm màu chan canh mướp, canh bầu; những câu hát ru dân dã giản đơn; những ngày đầu mẹ đưa một cậu bé đến trường trên chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kỹ; những sự chăm sóc ân cần khi người con ốm nằm trên giường; những hôm mưa dầm, mẹ bị chóng mặt phải nằm cả ngày, nhưng đến bữa vẫn gắng gượng nấu cho đứa con yêu chút thức ăn… Từng hình ảnh dần hiện lên trong đầu tôi như mới xảy ra ngày hôm qua.
Cố gắng ngăn không cho những giọt nước rơi xuống má, tôi nhéo vài cái thật đau vào đùi, vào bụng… nhưng tất cả đều vô tác dụng, mắt cứ ấm lên và nhoè dần. Tôi cảm nhận có cái gì đó sai sai trong mình bao lâu nay. Một lỗi lầm sẽ mãi mãi là lỗi lầm, cho đến khi ai đó nhận ra được nó và không là quá muộn cho một sự “tái sinh” nếu vẫn còn cơ hội để chuộc lại những lỗi lầm ấy.
Không còn ảo mộng vào những công việc tiền nhiều, công danh sự nghiệp lừng lẫy, không còn thèm khát những thú vui bè bạn, không còn những chuyến đi du lịch thăm quan, không còn những con đường thành phố tấp nập, hào hoa,…tôi lại khép mình “lủi thủi” ở nhà với mẹ như cậu bé ngoan ngày nào.
Và điều khác ngày xưa đó là: Bữa cơm đạm bạc không chỉ còn do tay mẹ nấu; những bộ phim, những bài nhạc tôi yêu thích được thay bằng những chương trình dân ca và những bộ phim hài mang lại nụ cười tươi trên mặt mẹ; những tiếng la mắng, giờ đã dần được thay bằng những tiếng trách nhẹ nhàng của mẹ; những lời cau có, khó chịu, la lối: “Bực mình, biết rồi, nói mãi…” giờ đang dần được thay bằng những câu nói pha chút bông đùa: “Con là con trai, những công việc của phụ nữ con đâu có giỏi hết, mẹ cũng phải thông cảm cho con một chút, để sau này con còn lấy vợ nữa chứ!”
Có ai đó nói với tôi rằng: “Tốc độ thành công của của con phải nhanh hơn tốc độ lão hóa của mẹ, nếu không lo phấn đấu làm ăn kiếm thật nhiều tiền bây giờ, ngộ nhỡ sau này mẹ con đổ bệnh, lấy tiền đâu mà con chữa chạy? Làm người phải biết lo tính cho xa!”
Tôi vốn biết việc lo gây dựng sự nghiệp là điều đúng, kiếm nhiều tiền để lo cho gia đình và cha mẹ sau này là điều tuyệt vời, không thể chê trách. Nhưng tại sao lại mang trong đầu suy nghĩ làm thật nhiều tiền để sau này chữa bệnh cho cha mẹ? Tại sao không nghĩ cha mẹ mình sẽ sống vui sống khỏe đến hết cuộc đời? Có được mấy ai khi thành công trong sự nghiệp mà được ở bên, chăm sóc cha mẹ hằng ngày đâu? Nếu có cũng cực ít, vì người ta sẽ đi mướn ô-sin, người ở. Và đó là cách trả ơn cha mẹ ư?
Tôi sẽ không bao giờ dại dột thêm một lần nào nữa mà đem đổi thời gian bên mẹ và nụ cười của mẹ để đi kiếm tiền của, danh vọng. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và gần bên mẹ, những tiếng cười, sự quan tâm, chăm sóc sẽ là liều thuốc bổ. Tại sao phải tạm bỏ quên sự chăm sóc cho mẹ hằng ngày để kiếm tiền, rồi dùng chính tiền ấy mua thứ “thuốc bổ rẻ mạt” mà thực trong lòng mẹ không cần đến?
Trong muôn tội ở thế gian, bất hiếu là tội đứng đầu. Tội bất hiếu không chỉ biểu hiện ở những sự mắng chửi, đánh đập, đối xử tệ hại, vô ơn, khiến cha mẹ phải buồn đau khóc lóc…mà còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm sóc của chúng ta đối với cha mẹ hằng ngày. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta, những ai đã và đang phạm những lỗi với cha mẹ hãy bình tâm lại, hãy nghĩ về những ngày xa xưa, khi chúng ta còn được bồng ẵm trên tay cha mẹ, ai đã chăm lo, nuôi dưỡng chúng ta mà chẳng quản khó nhọc, ai đã đã dạy chúng ta những tiếng nói đầu đời, ai đã lo cho chúng ta từng miếng cơm, tấm áo, cái quần …?
Có thể khoảng cách thế hệ giữa chúng ta và cha mẹ đã và đang gây ra nhiều sự ngăn cách, nhất là trong thời buổi công nghệ 4.0 này, việc tâm sự, nói chuyện với cha mẹ thật khó hơn việc cầm chiếc smartphone lên. Nhưng dầu thế nào chúng ta phải biết rằng, sau này chúng ta cũng sẽ có những đứa con, chúng ta liệu có muốn tình trạng của chúng ngày sau sẽ giống chúng ta ngày nay không? Hãy quan tâm cha mẹ nhiều hơn,… để khoảng cách giữa các thế hệ sẽ dần thâu hẹp lại và mong rằng ngày nào đó khoảng cách ấy sẽ không còn nữa.
Suy đi nghĩ lại, cha mẹ cũng là con người, “nhân vô thập toàn” là điều khó tránh khỏi, vì thế nếu cha mẹ có sai sót điều gì, thì chúng ta – những đứa con hiếu thảo, đừng bao giờ nặng lời; thay vì cãi trả, hãy nhỏ nhẹ tỏ bày trong sự tôn kính và hãy nhớ lấy “vết xe đổ” ấy của cha mẹ, để ngày sau chúng ta đừng đi vào đó.
Ngày nay, tôi mạnh dạn và tự hào trong lương tâm mà nói rằng, tôi đã và đang sở hữu một niềm đau – điều đã khiến tóc mẹ tôi phải bạc màu. Tôi không cho phép mình chôn sâu những gì đã làm mẹ tôi phải buồn rầu. Không phải tôi không thương mình, không phải để tôi sống mãi trong tình trạng ưu sầu, cũng không phải tôi sẽ cứ sống như vậy, mà để hằng nhắc nhở tôi không được phép quên, không được phép tái phạm những điều không tốt mà đã khiến mẹ tôi phải nặng đầu.
Trong xã hội thực tại, có thể tạm nói rằng tôi là một thằng điên với thứ suy nghĩ lạc hậu và thiển cận, nếu thế giới này toàn những kẻ như tôi thì sẽ chẳng có sự phát triển. Vâng! Nếu có ai đó chê, trách móc, chế giễu tôi là con người không có ý chí tiến thủ, tôi cũng vẫn luôn nở nụ cười tươi. Vì tôi biết mình đang ở vị trí nào trong cuộc đời. Tôi chỉ cần đủ sống để được chăm sóc mẹ của mình. Thế là đủ lắm rồi. Cuộc đời này vốn là một bài toán nhân sinh, có nhiều cách giải, nhưng chỉ có một kết quả đúng thôi. Con người có sự tự do đi theo con đường của mình, nhưng lâu lâu hãy nhìn lại thời gian chúng ta dành cho cha mẹ được bao nhiêu.
Tôi – một con người nhỏ bé, xin mạn phép được tiếp gót nhà thơ Đỗ Trung Quân “gửi tặng” cho những ai được diễm phúc còn có mẹ bài thơ của ông:
“Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?
Hôm nay…
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
Ai mất mẹ?
Sao lòng anh hoảng sợ
Tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
Bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới!”
Tác giả: Xuan Dang
*Featured Image: Pezibear
Cảm ơn em đã tham gia cuộc thi nhé!
Chào Xuan Dang, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi. Tôi rất vui khi bạn đã biết yêu thương mẹ mình hơn, vui cho bạn và cho cả mẹ bạn. Xét về nội dung và trình độ tôi thấy bài viết vẫn chưa đủ sức gây ấn tượng đặc biệt và nổi bật. Nên tôi sẽ chấm 75 điểm.
Xin chào bạn Xuan Dang,
Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện với THĐP. Mình có đôi lời nhận xét như sau:
Bạn có những chiêm nghiệm mở rộng ra khỏi phạm vi trải nghiệm cá nhân, ra đến thực trạng trong xã hội. Mình đánh giá cao điều này.
Mình thấy bài thi của bạn nói vừa đủ được những nội dung cần thiết của một trải nghiệm sai lầm. Tuy nhiên, xét về tính sáng tạo, nghệ thuật thì bài viết chưa có gì đáng kể.
Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn và gia đình luôn có những phút giây yêu thương, ấm áp.
Thân mến,
Vũ Thanh Hòa