28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thời đại hiện tại…

“Thời đại hiện tại là thời đại đẹp nhất, vì chỉ nó mới là thời đại của chúng ta.”

Câu này đã được đọc từ đâu khi nào bởi ai chả nhớ nữa. Chỉ nhớ tôi đã không hề tin nó. Đây rõ ràng là một mẩu thông điệp “truyền cảm hứng”, thứ giờ vẫn thường được bán buôn theo tá và chỉ hữu ích nếu người ta chưa sinh nhật 12 tuổi.

Nhưng thế mà tôi lại cứ nhớ câu ấy mãi.

Không nhớ như cảm giác hào hứng khi được tự tay giáng xuống một lưỡi rìu lửa. Không như cái đau đầu dễ chịu của một ly guilty pleasure. Mà như những đám mây xám nhạt và buồn tẻ, lờ đờ trôi trên nền trời buồn tẻ và xám nhạt, mà sự ẩn nhẫn kỳ dị lại làm nổi lên một bập bùng vô lý rằng sau chúng, chỉ cần dịch 1 cm thôi, là một luồng chói lọi. Có muốn cũng không dễ để thủ tiêu hy vọng đó, nhất là khi nó cứ im lìm như một con rắn nấp sâu trong cỏ.

Con rắn ấy đã lao ra chính lúc xuất hiện nhân vật tôi viết rất nhiều bài từ năm ngoái: Donald J. Trump.

Tôi đã tin câu nói trên lần đầu tiên. Vì tôi bắt đầu tin thời đại này chính là của chúng ta. Người ta không thể thật sự sở hữu cái gì nếu không hiểu nó. Cũng không ai hiểu cái gì nếu không thể đặt câu hỏi về nó. Nhưng cách nào để đặt câu hỏi trong một thế giới mà mọi đồ vật đều dán nhãn: Cấm động vào, dễ vỡ. Chả thứ gì hay điều gì trong trật tự đó là của chúng ta, kể cả chúng ta.

Một ông thầy nào đó của tôi hồi xưa cho rằng tôn giáo thuần tuý thì phải giống chính trị, nên chỉ Hồi giáo mới là tôn giáo thuần tuý. Ngày nay theo David Gelernter lẫn Ann Coulter thì chính trị cánh tả đích thực là một loại tôn giáo. Trong cái nhà thờ của những con chiên cấp tiến này, phải đạo chính trị (Political Correctness – PC) chính là rường cột của đức hạnh.

Nhiều phim tôi xem hồi bé với bối cảnh phong kiến châu Âu hay có chủ đề (chống) đức hạnh nhà thờ. Một diễn biến phổ thông là: nhân vật nữ chính tốt bụng xinh đẹp trong sáng tuy nhiên hoàn cảnh éo le chết chồng bỏ chồng hay không chồng mà chửa, bị vùi dập chèn ép bởi lề thói giả tạo của xã hội phong kiến chống lưng từ giáo hội, ở cao trào nàng sẽ bị một tập đoàn những nhân vật có vai vế nào đó tra khảo soi mói về tiết hạnh. Mở ngoặc, trong đó kiểu gì cũng có một một bà quý tộc giàu già độc đoán và một cha dê xồm.

Tính châm biếm rẻ tiền ở đây thực ra không phải vấn đề, tôi thấy nó như mô tip vô tình rớt hang lụm được bí kíp trong truyện chưởng, nghĩa là đã xem thì phải chấp nhận. Tôi chỉ dị ứng mấy lời buộc tội vớ vẩn của hội đồng kẻ ác kia. Kiểu, thì tất nhiên bọn này rởm rít, nhưng sao thành phần có đầu óc có thể rởm rít một cách che đậy sơ sài như thế? Tôi chắc mẩm kịch bản cố cho mấy nhân vật phản diện này ngu ngốc hơn trong thực tế như một sự thiên vị phô phang với nhân vật chính.

Ký ức đã theo bao năm ấy mãi sau này tôi mới biết là nhầm. Hôm nay đúng tròn 1 năm rưỡi kể từ ngày Trump chiến thắng bầu cử Mỹ 9/11/2016. Tôi đã chả mấy khi quan tâm đến chính trị cho đến kỳ bầu cử ấy và Trump ngẫu nhiên xuất hiện. Đó là loại ngẫu nhiên mà bạn không biết được quyền tồn tại, rồi nó xảy đến và táng cho bạn một cú trời giáng, bởi ít khi người ta biết mình có thể từng ngu nhiều và ngu sâu sắc như thế. Đọc những bài phê phán Trump hay bảo vệ Clinton của những tờ chính thống uy tín thời đó, tôi mới nhận ra: những người thông minh cũng có thể nói những câu cưỡng từ đoạt lý với vẻ trơ trẽn diệu kỳ như thế đấy. Mà cả ngàn người đọc còn không thấy lộn mửa nữa kìa. Đây có phải chính là cách thời xưa cũng từng diễn tiến hay không? Những tờ báo này giáo điều và sùng tín sự tế nhị chính trị y như những ông bà quý tộc mê trích dẫn Kinh Thánh, và họ hung hăng trịch thượng cũng chả kém các vị thầy tu. Kể cũng hay khi thấy chủ nghĩa cấp tiến, thứ luôn phủ nhận tôn giáo với một vẻ trí thức kẻ cả, thực ra lại là một dumbed down version của tôn giáo về nhiều mặt. Những người phát ngôn cấp tiến này có đủ cả hiểu biết hay đầu óc, nhưng một bong bóng vô hình mà dầy chắc nào đấy đã cách ly họ với thế giới thực và che cho họ không nhận ra sự lố bịch của mình, y như điều từng xảy ra với những ng sùng đạo có thể có đầu óc và hiểu biết.

Đó mới chỉ là một sự phản tỉnh nhỏ bé của riêng tôi. Với nhân dân Mỹ, còn có những thành trì vững chắc hơn của định kiến đã bị đập bỏ kể từ khi Donald Trump xuất hiện.

Chỉ 3 tuần sau khi nhậm chức, Trump có cú tweet gây sóng đầu tiên “những kẻ đốt cờ nên bị chịu trách nhiệm, có thể tù một năm hoặc tước quyền công dân.”

32169198_10214882175501420_7669723284597899264_n

Báo chí cánh tả chả cần ai nhắc đồng loạt chửi Trump phát ngôn thiếu hiểu biết, vi hiến, độc tài, bởi theo phán quyết từ Toà tối cao năm 1989, đốt cờ là hợp lệ như một biểu hiện của tự do ngôn luận. Song, cũng từ phát ngôn sóng gió ấy, đã xuất hiện nhiều tranh luận trên báo chí chính thống lẫn các mạng xã hội “Đốt cờ là hợp pháp, nhưng nó có nên là hợp pháp? Cấm đốt cờ có chắc chắn vi phạm tự do ngôn luận?” Từ đó, báo chí và dư luận khui lại vấn đề nóng cách đây 11 năm, và nhớ lại tỷ lệ bỏ phiếu cho phán quyết 1989 là sít sao: 5 thuận vs. 4 chống. Từ năm 1995 đến 2006, quốc hội đã 6 lần bỏ phiếu ra luật cấm đốt cờ, luôn đạt đại đa số ở Hạ viện và chỉ bị bác bỏ ở Thượng viện. Năm 2006, ngay Thượng viện cũng thiếu 1 phiếu nữa sẽ đạt đại đa số (trên 2/3) để được thông qua. Đó giờ không còn lần bỏ phiếu nào nữa.

Như vậy, chỉ bằng dưới 140 chữ, Trump đã làm được điều mà Hillary từng soạn thảo cả dự luật với mục tiêu y hệt vẫn không làm được: Khơi dân Mỹ lật lại một câu hỏi cũ mà đáp án tưởng như đã hiển nhiên. Điều đó không có nghĩa Trump đúng hay dư luận phải thay đổi đáp án. Nhưng qua phát ngôn trên, vô tình hoặc không Trump cũng thúc cho dư luận, gồm fan ông và cả mọi đầu óc vẫn còn đủ ngây thơ để chào đón thách thức, hãy dí sát mũi để nhìn rõ hơn thế giới này thay vì chấp nhận nó mặc định như lúc ta mới được thả vào. Kết quả của sự thúc ép này là, câu trả lời dù có ra sao cũng sẽ xuất phát từ một hiểu biết đầy đủ hơn. Mà đây là gì nếu không phải mục tiêu cao nhất của tự do ngôn luận?

32104906_10214882181461569_2945017667087499264_o

Rõ ràng, sẽ hời hợt và ngây thơ khi nghĩ giá trị của tự do ngôn luận chỉ ở chỗ nghe lạ tai hay nói cho sướng miệng. Báo chí cánh tả cho rằng Trump xài ngôn ngữ bình dân để mị hoặc tầng lớp redneck, ít học vùng rốn Mỹ. Sự ngạo mạn này khiến họ mãi cắm đầu trong cát không nhìn ra thứ một nửa nước Mỹ thấy xuyên qua các phát ngôn bạt mạng kia: những sự thật hiển nhiên, quan trọng, cần thiết, song bao năm qua bị cánh tả vùi lấp trong vô vàn băm chẻ vụn vặt về thanh nhã vs. khiếm nhã. Chỉ Trump dám nhắc đến và dám cho những vấn đề ấy spotlight xứng đáng. Và cũng nhờ dám giải quyết những vấn đề cốt yếu đó thay vì chạy theo những thứ sang trọng màu mè, sau có 1 năm rưỡi, chính quyền Trump đã đạt được những thành tựu kinh tế chính trị gắn liền với “kỷ lục” “lần đầu tiên” và “ngoài dự đoán”.

Gần 2 tuần trước, đã xảy ra một sự kiện lịch sử mà có lẽ không mấy ai sinh ra trong thời đại này từng nghĩ mình may mắn sống đủ lâu để kịp chứng kiến: Kim Jong Un và Moon Jae In bước qua biên giới, gặp mặt, bắt tay, tiến tới hội nghị chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Những trái tim nhỏ máu thời Obama luôn rên rỉ đằng mồm về phản chiến như một thói quen cao nhã, nhưng cứ động đến giải pháp thì rón rén bàn lùi. Ở thời Trump, kỳ tích đã xuất hiện nhờ hành động dứt khoát, sau những cú tweet chao đảo Internet, và bằng một chính sách nghe chả văn hoa mùi mẫn gì: Peace through strength. Uỷ ban Nobel, gánh hát của cánh tả kể từ năm 2009, liệu có vượt qua những định kiến chính trị để trao Nobel prize cho Trump như Moon gợi ý? Khó biết được. Song ko quan trọng. Những gì thực sự quan trọng thì luôn đơn giản, như Trump nói thôi:

32161736_10214882185621673_6286276033217822720_n

Và những thành tựu và nỗ lực không ngừng ấy của Trump cuối cùng đã chạm tới bên kia lằn ranh chính trị. Tôi không hề ngạc nhiên khi tuần qua, Kanye West, sau một năm rưỡi thập thò, đã quyết định công khai ủng hộ Trump. Kanye thực ra không cần phải thật lòng hâm mộ ai, anh ta chỉ đơn giản là không chịu nhắm mắt. Đồng ý với các chính sách Trump hay ko, không người nào có tý đầu óc tự do không đặt nghi vấn khi cả năm qua giới truyền thông, lẽ ra phải là tiếng nói công tâm nhất, lại chỉ làm mỗi việc xồ vào xâu xé kể cả các lỗi chính tả trên twitter trong lúc thế giới thì sững sờ về cuộc gặp liên Triều. Trên đời chỉ có một tội đáng nhận sự công kích man rợ và toàn diện như thế: nói thật.

32105114_10214882192221838_1776767059129008128_n

Và giờ thì mọi nguồn lực từ chính trị gia, nhà báo, đến người nổi tiếng, lại đang nã vào vài dòng tweet của Kanye, sự trừng phạt khủng khiếp hơn mọi scandal quá khứ. Bởi K là một quả bom có thể mở đầu cho một làn sóng phản tỉnh trong cộng đồng da màu, khối cử tri quan trọng nhất của cánh tả, để nhận ra rằng đảng Dân Chủ chỉ lợi dụng họ để leo lên và rồi phản bội, y như cũng từng lợi dụng và phản bội tầng lớp công nhân những năm 50. Về mặt nhạy cảm chính trị, Kanye giống một nhân vật mà nêu tên hẳn sẽ khiến Tùng Hoàng Nguyễn phụt ối vào màn hình: John Lennon. Cả hai đều có khả năng dò ra mạch đập của thời đại và join vào lúc nó đang sôi sục mạnh mẽ song vẫn chưa thành mainstream, aka lúc hứa hẹn nhất. Sự đảo chiều là khá ngoạn mục khi vào lúc này đây, rightism is the next counterculture and conservatism is the next punk, đi cùng sự dâng lên từ đủ lĩnh vực của các nhân vật như Ann Coulter, Milo Miannopoulos, Jordan B.Peterson, Roger Scruton, Pewdiepie, …

32089231_10214882195661924_6171561081694060544_n

Và theo những cách giản dị ấy, viên thuốc để đào thoát khỏi ma trận ngăn nắp của phải đạo chính trị, khai phá lối mới, và biến không tưởng thành hiện thực, không nằm ở những hứa hẹn hay kể cả năng lực của Trump, mà nhờ ở nhân vật này đã mở ra một tiền lệ gợi cảm hứng cho cả một làn sóng khác. Donald J. Trump đã bắn phát tên đầu tiên, tuy sớt qua mang tai tên khổng lồ vẫn kịp chứng minh một sự thật giản dị sẽ cổ vũ vô kể những ai khác đang e dè: Khổng lồ cũng có thể bị chảy máu.

Bằng cách tấn công trực diện, liên tục, không kiềng nể vào “phải đạo chính trị” và cơ bản là đủ thứ cấm kỵ, Trump đã trao cho không chỉ nhân dân Mỹ mà mọi ng theo dõi ông cơ hội chất vấn thế giới, với quyền được giang tay ra, từ đỉnh tháp cao lãnh đạm thả xuống một quả cầu pha lê chỉ để hỏi: Thế thì sao? Thế thì đã làm sao?

Thực tại đã thật hơn từ lúc ấy. Sự im lặng cuồng nộ trở nên rõ ràng như tạc vào không khí. Những điều tưởng xa xôi, đã qua lâu lắc lắm, lại đang diễn ra ngay trước mặt và mang màu sắc khác. Thế giới thở phập phồng và rung lên một phấn khích kìm nén dù mới trông vẫn vậy.

Tôi biết, đây có thể sẽ chỉ là một khấp khởi ngây thơ về ma trận nữa. Nhưng có sao, giữa hai sự giả dối, chúng ta vẫn sẽ chọn sự giả dối chưa từng nếm thử. Với đầy đủ háo hức như lần đầu được chiêm ngưỡng một luồng chói lọi.

 


Tác giả: Chau Thi Huyen Nguyen

(Bài viết được sưu tầm, không nhất thiết có cùng quan điểm với THĐP)

Featured image: Korea Summit Press Pool—AFP/Getty Images
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI