Tôi rất thích viết, nhưng những thứ tôi viết ra toàn là mấy dòng triết lý cùn, không đầu không đuôi, dài chừng khoảng dăm ba chục chữ trên facebook. Dài hơn thì là viết nhật ký và viết thư cho người yêu, cũng không đuôi không đầu. Hoặc dài hơn nữa, có bố cục đủ để gọi là một bài luận thì chắc chỉ có thể kể đến cuốn luận văn tốt nghiệp mà hồi đó tôi phải trầy trật lắm mới nặn ra cho đủ số trang yêu cầu tối thiểu. Viết luận quả là một thách thức đối với tôi, vì tôi viết cái gì cũng siêu ngắn, và vì tôi ghét nhất là viết mở bài và kết bài. Nên khi Triết Học Đường Phố mở cuộc thi này, tôi cứ đứng bên ngoài lao xao ngó vô thôi chứ không có ý định nộp.
Vậy mà trớ trêu sao tôi vẫn cứ viết, vì thấy ngứa tay quá. Ngứa mũi nữa. Dưới bếp, cậu tôi đang nấu sữa đậu nành, mùi sữa chín bay khắp nhà thơm phức.
Thế nên bây giờ chúng ta sẽ đi thẳng vào thân bài luôn nhé.
Từ lúc nhỏ tôi đã luôn là một đứa trẻ tò mò thích tìm hiểu khám phá xem cái gì nằm phía sau mấy thứ bị che khuất. Đằng sau bụi rậm ấy là gì? Biết đâu là cả một thế giới người tí hon trong đó? Bên trong chiếc đồng hồ là gì? Cái gì làm cho kim đồng hồ chạy? Phía sau bầu trời, xa hơn cả nơi mặt trời và mặt trăng đang cư ngụ sẽ là cái gì ngoài đó? Liệu chúng ta có phải là những người tí hon đang sống dưới chân những người khổng lồ và bên dưới chúng ta là những người còn tí hon hơn nữa cũng đang thắc mắc phía trên họ là gì? Hay là bên ngoài ấy còn những thứ gì khác?
Khi đã lớn hơn nữa thì tôi bắt đầu thắc mắc về con người, về xã hội. Tại sao người ta phải làm thế này mà không phải thế khác? Tại sao chúng tôi lại nghèo, còn người ta thì giàu? Tại sao có chiến tranh? Tại sao người ta lại tàn phá thiên nhiên? Tại sao con người bệnh tật? Và, đời sống này, bản chất của nó là gì nhỉ?
Tôi nhận ra câu hỏi về bản chất cuộc sống là một câu hỏi rất thú vị. Vì mỗi lần tìm kiếm câu trả lời, tôi lại nhìn thấy nó ở một khía cạnh khác, như thể bạn đang nhìn vào một tinh thể đá quý có nhiều góc cạnh vậy. Khi thì tôi thấy nó ở góc cạnh tình cảm, khi thì tôi thấy nó ở góc cạnh năng lượng – vật lý, khi thì tôi thấy nó ở góc cạnh tâm linh. Hôm nay, tôi nhìn thấy nó ở góc cạnh chuỗi mắt xích.
Dưới góc nhìn về đời sống như một chuỗi mắt xích, tôi thấy mỗi cá thể sống tồn tại trong thế giới này bản thân nó không sở hữu bất kỳ một thứ gì cả, kể cả cơ thể – body. Đời sống của từng cả thể là sự vay mượn thuần túy từ vũ trụ. Nó mượn các nguyên tố để cấu thành nên nguyên tử và phân tử, nó mượn ánh sáng để tạo ra năng lượng hoạt động, đồng thời nó cũng trả về cho vũ trụ các nguyên tố và năng lượng khác của chính nó trong suốt đời sống ấy. Nhiệm vụ duy nhất của nó là vận động. Vận động càng nhiều, nguồn lực vay mượn được từ vũ trụ càng lớn và sản phẩm trả về cho vũ trụ cũng tương xứng.
Cái cây mượn nhựa sống từ đất, từ nước, từ không khí, ánh sáng để sinh trưởng; rồi cái cây trả ơn vũ trụ bằng hoa cho ong hút mật, bằng quả cho người, cho khỉ, cho voi, và bằng chính nó khi bản thân nó cũng bị ăn. Con sóc cũng vay mượn những hạt dẻ làm thức ăn, gốc cây làm chỗ ở, không khí để hít thở, rồi sau đó con sóc trả ơn bằng phân nó thải ra làm giàu cho đất nuôi cây, bằng thịt của nó trong dạ dày của thú ăn thịt. Cứ tiếp tục theo chuỗi thức ăn như vậy, ta có thể thấy toàn bộ đời sống của thiên nhiên là một sự vay trả liên hoàn và cân bằng một cách hoàn hảo. Vì không sở hữu nên tự nhiên chỉ tiêu thụ vừa đủ những gì chúng cần và trao trả lại tất cả những gì chúng có.
Con người cũng thuộc về tự nhiên nhưng con người không hành xử như vậy.
Con người muốn sở hữu. Tiền là một phát minh quan trọng giúp con người trao đổi hàng hóa, nhưng cũng đồng thời mang lại hầu hết các rắc rối khi nó còn có một chức năng khác: Chức năng lưu trữ. Thóc chỉ có thể được trữ trong vòng vài tháng đến một năm; nhưng tiền, vàng, bạc, vỏ sò thì có thể lưu trữ được đến hàng trăm năm mà vẫn giữ nguyên được giá trị của bất kỳ món hàng nào mà con người muốn đổi chác. Nhờ có tiền mà con người có thể giữ lại những gì vay mượn được từ vũ trụ mà không cần trả. Và đó cũng là lúc sự cân bằng bắt đầu bị phá vỡ. Con người bắt đầu muốn sở hữu nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết. Con người hoạt động ngày càng nhanh hơn, nhanh hơn nữa để có thể vay nhanh hơn, tích lũy nhiều hơn. Sở hữu, vay nhưng không trả hoặc trả không đúng cách những nguồn tài nguyên từ vũ trụ – đó chính là dòng chảy ngầm bên dưới bức tranh hiện thực của nhân loại: Ô nhiễm môi trường, rác thải, đất đai cạn kiệt, bệnh tật, đói nghèo.
Điều tương tự cũng lặp lại ở một khía cạnh khác, khía cạnh tinh thần. Bi kịch xảy ra khi chúng ta đã quên rằng mình không hề sở hữu bất kỳ ai hoặc bất kỳ thứ gì, chúng ta hành xử như kẻ ngáo đá và gây ra biết bao nhiêu hỗn loạn:
Tôn giáo CỦA tôi
Người yêu CỦA chị
Lãnh tụ CỦA tao
Tư tưởng CỦA họ
Quá khứ CỦA mày.
Ôi của với chẳng cua! Chúng ta, những con người hiện đại, thiết nghĩ rằng hãy nên im lặng một chút mà nhìn vào tự nhiên, nhìn vào cách vận hành kỳ diệu của cơ thể này để nhớ lại tổ tiên của chúng ta đã vay trả vũ trụ như thế nào. (Thực ra thì chúng ta hay gọi là “nhận” và “cho” nhưng tôi dùng từ “vay/trả” để đối với từ “không sở hữu”. Không sở hữu thì làm gì có để mà cho và nhận?) Bằng đầu óc hạn hẹp của mình, tôi tin rằng khi chúng ta bắt đầu bớt nhìn thấy những cái gì là “của” đi, thì đó cũng là lúc chúng ta dần học được cách sống sao cho khiêm nhường, cho hòa nhã với tự nhiên và đất trời. Và chỉ cần như thế thôi cũng đủ để những vấn đề của nhân loại, của đất nước được hóa giải mà không cần phải tốn công tranh đấu rồi. Phải không nhỉ?
Phải! Tôi đã mơ như thế đấy, còn bạn mơ thấy gì?
Tác giả: Phương Vy
thân này tứ đại hợp thành, nay hợp mai tan, có gì là của mình đâu mà cứ vơ lấy rồi nhận là của tôi, của chúng tôi. rồi này là quan điểm của tôi quan điểm của ảnh. thế là thù hận, cự cãi. rồi thì khổ.