28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tại sao bán hàng đa cấp ưu việt thế mà không đánh bại được phương thức bán hàng thông thường?

Chào mọi người, thể theo nhận xét trong topic Đừng như kẻ mù đi đọc sách. Đây cũng là điều mà mình cảm nhận từ bấy lâu nay, nên quyết định sẽ viết một seri về các kiến thức và quan niệm mà bấy lâu nay, do nhiều lí do mà đa phần người Việt, dù là dân tri thức hay không, không nắm hoặc hiểu một cách sai lệch hoàn toàn.

Trong seri này mình sẽ nói về rất nhiều chủ đề liên quan, ví dụ như kinh tế, triết học, đạo đức, v.v… theo phương pháp bình dân và có các ví dụ dễ hiểu nhất có thể, nhằm giúp các bạn bình dân có thể hiểu được.

Trước hết có lẽ mình sẽ tập trung chút về kinh tế để tạo sự hấp dẫn, sau đó sẽ chuyển sang các chủ đề khác khó hiểu, hoặc gây tranh cãi hơn.

Trên đây là phần giới thiệu sơ của mình, sau đây là bài đầu tiên trong seri, mời mọi người thưởng thức và nhận xét để mình có thể sửa chữa tốt hơn. Thân.


Bán hàng đa cấp ở Việt Nam, nó là cái gì đó được gắn liền với sự ghê tởm và kinh sợ ngay khi người ta nói về nó, mặc dù thực ra nó chính là cái gần gũi nhất với đời sống người dân lao động bình thường.

Như mọi người đều biết, giá sữa của Việt Nam thuộc vào hàng cao ngất ngưỡng, như bao nhiêu thứ khác, mà trong đó có 30-40% là chi phí quảng cáo. Nói cách khác, bạn mua một hộp sữa giá 100k, thì giá trị dinh dưỡng và gia công trên hộp sữa đó thực ra chỉ có khoảng 50k, 10k tiền lời cho nhà sản xuất, còn lại 40k là các chi phí như quảng cáo, hoa hồng, nghiên cứu sản phẩm mới,… trong đó quảng cáo nó hốt ít nhất 30k. Nói cách khác, mỗi 100k mua sữa bạn bỏ ra, thì bạn tốn 30k chả để được cái cóc khô gì cả . Và đó là vấn đề của bán hàng thông thường.

Quay trở lại với bán hàng đa cấp, thực ra chả có ông to bà lớn nào phát minh ra cái này cả, mà nó là thứ tự nhiên diễn ra suốt hàng ngàn năm qua cạnh chúng ta mà không ai gọi tên thôi . Chúng ta đều biết, rượu gừng và cháo hành tía tô là 2 trong số vô vàn thứ giải cảm cực nhanh, và đương nhiên, trên TV chả có ai đi quảng cáo rượu gừng với cháo hành cả. Thế tại sao chúng ta đều biết chuyện đó, và đều đi chợ hàng ngày mua nào rượu, nào gừng, nào hành, nào gạo,…? Đơn giản, vì đó là điều được người quen và người thân của các bạn mách cho, và các bạn cứ vô tư nghe theo mà đếch cần suy nghĩ 1 giây nào cho nó nặng óc. Quá bình thường, đúng không? Đấy chính là cái gọi là “bán hàng đa cấp” đấy .

Cái điều bình thường mình nói ở trên, là 1 dạng sơ khai của bán hàng đa cấp. Hình thức thứ 2, và cũng chính là hình thức hiện nay của nó, được ra đời khi các tập đoàn sản xuất tầm cỡ quốc gia hay xuyên quốc gia ra đời. Lấy ví dụ thế này:

_ Khi ra 1 sản phẩm sữa X mới cáu, các nhà sản xuất và chuỗi phân phối của nhà sản xuất đó sẽ quảng cáo nó dăm ba bữa gì đấy. Khi đó, khoảng 10% người tiêu dùng thường xuyên sẽ để ý và biết tới sản phẩm mới của họ .

_ Sau đó, những người này mua sản phẩm về dùng. Sau đâu đó 1 tuần lễ, vì sữa chất lượng tốt (hay hóa chất trong đó quá tốt) mà da dẻ của các mợ căng bóng hồng hào cứ như hoa hậu quý bà, đẹp lên trông thấy . Thông thường, khi các mợ ra chợ hoặc vào sở gặp nhau, tự nhiên ai nhìn vào cũng thấy một mợ nào đó mới 1 tuần mà đẹp lên trông thấy là xúm xít vào hỏi. Đang sướng, thế là sau 1 hồi õng eo “giấu nghề”, cuối cùng thì chuyện nó cũng lòi ra: mua sữa X mới ra mà về uống, khắc đẹp . Thế là ôi thôi, cuối cái giờ làm hôm ấy các mợ cứ gọi là kéo đoàn kéo đội kéo hội kéo bè đông như quân Nguyên ba lần cộng lại đi xâm thực cái cửa hàng bán sữa tội nghiệp nơi góc phố lá vàng rơi. Nội trong vòng 1 giờ đồng hồ bao nhiêu sữa nó chuyển từ dạng bột thành dạng lỏng rồi thành dạng hơi tuốt. Công ty cấp nước cũng nhờ thế mà vượt chỉ tiêu tháng đó .

_ Hiệu ứng dây chuyền, các mợ kia sau 1 tuần uống sữa cũng đẹp lên trông thấy . Thế là các mợ tích cực đi lễ chùa, cúng giỗ hiếu hỉ, shopping, cầu lông quần vợt, karaoke hát hò các kiểu, cốt là gặp được càng nhiều người càng tốt, để mà khoe cái làn da baby mới chăm được . Khoe được càng nhiều thì càng phê. Đã phê thì chưa cần ai đánh cũng khoe hết tổ tông họ hàng cái nhãn sữa kia tên là Ít-xì. Chiều hôm đó, “đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng tiến bước, tiếng chân rền vang trên đường gập ghềnh xa…”.

_ Cứ thế tiếp diễn, dần dần, hầu như bất cứ ai có nhu cầu cũng sẽ tìm mua cái sản phẩm kia mà nhà sản xuất lẫn bên phân phối không cần phải ra rả suốt ngày lúc 6h30 trên VTV3: “Chăm phần chăm, sữa tươi nguyên chất chăm phần chăm…”.

_ Đương nhiên những hoạt động trên kia là hoàn toàn tự nhiên, và chả có cơ quan đoàn thể nào nó mất tiền bỏ ra để đốc thúc nó cả. Nói cách khác, giá một hộp sữa giờ chỉ còn khoản 70-75k, do không còn phải cõng phí quảng cáo nữa (còn nếu không giảm giá thì cứ xác định là đối thủ cạnh tranh nó đánh cho vỡ mồm nhá ).

_ Không những thế, các nhà sản xuất và phân phối còn nghĩ ra một hình thức kích thích hoạt động kia: họ lập ra 1 hợp đồng, và trong 1 ngày đẹp trời, một mợ nào đấy vào mua sữa, họ đưa hợp đồng cho mợ ấy với nội dung: mỗi khi có một ai đó nghe theo lời giới thiệu của chị mà tới mua 1 hộp sữa X của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ chuyển 1k vào tài khoản ngân hàng của chị. Chỉ phải đi khoe sướng thân, đã thế lại còn có tiền xài mà chả mất gì, họa có điên mới không ký, cần bút ký cái xoẹt ngay và luôn.

_ Nhà sản xuất họ sẽ có 1 hệ thống kiểm soát thông tin toàn quốc (hoặc toàn cầu), chỉ cần khách hàng đó mua hàng ở bất cứ đại lý nào, hệ thống sẽ ghi nhận và chuyển tiền vào tài khoản của “người giới thiệu”.

_ Làm sao nhà sản xuất họ biết ai là “người giới thiệu” khách hàng mới tới với họ? Đơn giản lắm, hỏi thẳng. Thế thôi. Câu hỏi đặt ra: “Tui không thích tiền của tôi chảy vào túi con kia, tui nói láo thì sao”. Tốt thôi, cứ nói láo là biết thông qua TV hay gì đấy, không ai rảnh và ngu tới mức đi điều tra khách hàng của mình cả. Có điều, ở những nước mà con người có nền giáo dục đàng hoàng và coi trọng nhân cách, hiện tượng này rất ít xảy ra. Đa phần người ta sẽ vui vẻ nói thật và coi như một lời cám ơn “người giới thiệu” kia vì đã giúp họ tìm được một sản phẩm tốt. Chỉ ở những quốc gia khốn nạn mà con người bị đẩy vào cảnh phải bán nhân cách mà chạy ăn từng bữa và lừa đảo nhau là một trò quen đến trơ mặt lợn ra thì may ra con người ta mới có cái suy nghĩ “ăn không được thì đạp đổ” tới từng đồng một như vậy.

_ Tổng kết lại: người tiêu dùng mua được sữa với giá rẻ hơn 29k , người giới thiệu (tức một số lượng người tiêu dùng đầu tiên nào đó) được 1k, nhà sản xuất được lợi 10k như cũ nhưng lại tăng được năng suất bán hàng (vì giá sản phẩm rẻ hơn nhiều). Tất cả đều được lợi, chỉ có VTV và các trang báo là bị thiệt, vì không còn người thuê quảng cáo nữa.

Thế đọc tới đây, bao nhiêu người sẽ đặt câu hỏi: tại sao bán hàng đa cấp nó ưu việt thế mà lại không đánh bại được phương thức bán hàng thông thường?

Lí do có khá nhiều, nhưng nói chung lại tập trung vào các lí do sau đây:

_ Thứ nhất, là thói quen tiêu dùng của người dân. Ví dụ, một sinh viên luật không tìm tới sách thông qua TV, họ tìm sách thông qua lời khuyên của các tiền bối khóa trên và thông qua các lời khuyên trên internet. Một nhà xuất khẩu chỉ có thể tìm được đối tác thông qua các chợ quốc tế. Tuy nhiên không ai lại đi mua gói bột giặt cho gia đình tại hội chợ hàng chất lượng cao cả. Họ chỉ việc ra chợ và bốc cái gói bột giặt nào mà họ thấy trên TV gần đây nhất. Chính văn hóa mua hàng dựa trên quảng cáo trên TV mà không quan tâm đúng mức chất lượng sản phẩm của đa số người tiêu dùng đã đẩy tới cái cảnh các đại lí và cửa hàng tạp hóa chỉ nhập hàng được quảng cáo rầm rộ trên báo chí, TV (và hiện nay còn thêm internet). Chính đây là lí do đầu tiên bóp chết nền kinh tế phân phối hàng hóa theo phương thức đa cấp chết từ trong trứng nước .

_ Cũng từ diều trên lại tiếp tục đẻ ra “nghịch lí” thứ hai: chỉ có ở các quốc gia trình độ dân trí cao, và cơ quan quản lí chất lượng hoạt động tích cực thì mới có điều kiện cho bán hàng đa cấp phát triển. Nói cách khác, nước nó càng giàu thì dân nó càng khôn, hàng dân nó xài lại càng tốt càng rẻ, nước nào càng nghèo thì hàng càng kém mà lại còn đắt cắt cổ .

_ Do dân trí thấp là một phần, sự yếu kém của chính phủ với loại hình phân phối hàng hóa này, để xảy ra tình trạng lừa đảo tràn lan không thể kiểm soát, sự hoang mang và trạng thái “auto block mind” của dân chúng với hình thái kinh doanh mới này cứ mặc nhiên mà phát triển, khiến bao nỗ lực phổ biến nó thành hư không .

_ Lí do cuối cùng: đạo đức và lòng tin. Cái này thì khỏi bàn. Cứ lên google coi các vụ “miễn phí” với lại “hôi của” là các bạn tự biết “đạo đức” nước này nó ở đâu rồi đấy

Thế ở VN tại sao cứ nghe tới đa cấp thì người ta cứ giãy lên như đĩa phải vôi thế?

_ “Đa cấp chỉ rặt lừa đảo.”

=> Điều này là sai hoàn toàn, như mình đã giải thích ở trên, đa cấp là phương pháp bán hàng hoàn toàn tự nhiên, nói cách khác có thể khẳng định đây chính là một trong những phương pháp bán hàng hiệu quả nhất tồn tại trên đời. Chuyện lừa đảo có thể diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ lĩnh vực nào, bạn buôn bán bình thường vẫn có thể bị lừa, cho người khác mượn tiền cũng có thể bị lừa, nhận lời làm giúp ai cái gì cũng có thể bị lừa…

_ “Nhiều người quen của tui từng làm cho tụi nó rồi, chỉ toàn là lừa lọc nhau.”

=> Mình xin khẳng định luôn, trừ khi ở VN sửa chữa được 4 việc mình đã nêu trên, trong đó quan trọng nhất là phía cơ quan quản lí thị trường – chính phủ, bằng không ở VN sẽ không có bất cứ công ty nào hoạt động theo mô hình đa cấp mà thành công cả. Những nơi bạn hoặc người thân bạn đã làm chỉ toàn là nơi lừa đảo mà thôi.

_ “Bán hàng đa cấp nghe là thấy lừa đảo rồi, làm gì có việc ngồi chơi mà có ăn.”

=> Bán hàng đa cấp, chưa và không bao giờ là một cái “nghề” cả. Nó giống như việc bạn trồng một hạt cỏ và đợi cho nó mọc lên trong vườn nhà bạn mà thôi. Cỏ thì nó tự mọc, vì nó mọc là vì lợi ích của nó. Trong quá trình đó nó cho bạn những thứ bạn cần một cách tự nhiên. Vậy thôi. Đương nhiên là nếu bạn dài tay, rải hạt thật nhiều, thì đồng cỏ rộng bao la bát ngát, khi đó cứ cắt cỏ bán là giàu, vậy thôi .

_ “Sao mình thấy vào đa cấp tụi nó bắt phải làm thế này thế nọ, đóng tiền, v.v…”

=> Như ví dụ mình nêu trên, mô hình đa cấp thực thụ chả ai tới dí sản phẩm vào mặt bạn đâu, họ làm theo chu trình hết sức bình thường: quảng cáo -> truyền miệng -> bán hàng. Có điều thay vì chi tiền vào bước phi tự nhiên là quảng cáo, họ thúc tiền vào bước tự nhiên hơn, do đó đạt kết quả mĩ mãn hơn. Bất kỳ điều gì khác lạ so với điều kiện bán hàng thông thường, thì đó chỉ là lừa đảo mà thôi.

Như vậy, các bạn hãy tưởng tượng, một đất nước với nền kinh tế chỉ có phân phối hàng hóa thông qua quá trình bán hàng đa cấp, thì nền kinh tế sẽ được hưởng lợi khủng khiếp như thế nào so với phương pháp truyền thống?

_ Thứ nhất, như mình đã nói, chi phí của nhà sản xuất sẽ được giảm đi rất nhiều, năng suất bán hàng tăng mạnh, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, họ sẽ có nhiều tiền đầu tư cho bản thân và công việc, họ lại càng làm ra nhiều tiền, khi đó họ lại càng mua sắm nhiều, nhà sảng xuất lại càng thu được lắm tiền, họ tái đầu tư và gia tăng chất lượng sản phẩm, vòng lặp cứ thế quay, quay, quay,…

_ Thứ nhì, không chỉ bản thân người bán – mua được lợi, mà các đối tượng ngoài quan hệ mua bán khác cũng được lợi, điển hình là người giới thiệu và ngân khố quốc gia. Và như mình nói, khi nhu cầu quảng cáo giảm đi từ các “ông lớn”, thì bảng giá quảng cáo sẽ giảm xuống, khi đó các doanh nghiệp nhỏ có thêm nhiều cơ hội thuê quảng cáo, nói cách khác là tăng cao khả năng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.

_ Thứ ba, khả năng ổn định hóa doanh số bán hàng của doanh nghiệp ổn định hơn rất nhiều so với khi quảng cáo truyền thống, vì cơ bản, cách bán hàng này phụ thuộc rất nhiều vào uy tín giữa doanh nghiệp – người tiêu dùng. Chừng nào bạn còn chưa mất lòng tin, thì khả năng bạn bị hất cẳng một cách bất ngờ không kịp trở tay là chuyện không thể. Nói cách khác, chừng nào doanh nghiệp còn liên tục tự cải thiện mình thì chừng đó tỉ lệ phá sản của doanh nghiệp còn rất thấp.

_ Thứ tư, việc gia tăng dòng tiền và sự sản xuất sản phẩm, phát triển doanh nghiệp mới cũng chính là phương án giải quyết số 1 cho vấn đề thất nghiệp. Đồng thời đảm bảo rất tốt nguồn ngân sách cho các chính sách an ninh xã hội khác do không phải tốn bất kỳ khoảng chi nào cho vấn đề việc làm.

Đương nhiên, bất kỳ cái gì cũng có điểm mạnh và điểm yếu, mình liệt kê ra vài điểm yếu chí mạng của mô hình này:

_ Lợi dụng lòng tin: nằm ở vấn đề lương tâm con người và đạo đức doanh nghiệp, khi có một trường hợp lừa đảo diễn ra, thì vấn đề không chỉ của mỗi doanh nghiệp, ngành nghề đó, mà sẽ ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế do nó ảnh hưởng tới xương sống của toàn bộ nền kinh tế – lòng tin. Nếu như các phương pháp marketing thông thường, khi một hãng xe để xảy ra lỗi lớn, thì cùng lắm chỉ có doanh nghiệp đó phá sản và doanh thu toàn ngành giảm mà thôi. Còn với mô hình đa cấp, sẽ là quy mô toàn bộ nền kinh tế.

_ Lười hóa người lao động: đây là luận điểm mà các bên chống đa cấp thường xuyên đưa ra để phủ nhận đa cấp. Nếu như không cần làm vẫn có tiền, thế khi số tiền nhận được từ khoảng hoa hồng này đạt mức tối thiểu người ta cần để duy trì cuộc sống, thì người ta nghỉ việc nằm nhà hết thì sao, hay nói cách khác, cả xã hội này chúng nó chỉ đi bán hàng đa cấp thì lấy đếch tiền đâu ra?

Đây là câu trả lời:

  • Điều này không phải là không thể xảy ra, khi đó nền kinh tế sẽ dần lụn bại dần, do những người sản xuất ít dần, khả năng sản xuất giảm dần, quá trình tái đầu tư bản thân của doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng giảm, cuối cùng dẫn tới việc lượng hoa hồng giảm, và buộc họ phải làm việc lại mới có tiền mà xài tiếp. Đây là một chuyện không phải là không thể diễn ra, và cách phòng tránh nó chỉ có một: giáo dục về điều này cho người dân, để họ không làm thế, vậy thôi.
  • Không bao giờ cả xã hội điều trở thành dân bán hàng đa cấp cả. Ví dụ một cộng đồng 100 người, thì 10 người đầu tiên thành “người giới thiệu” bán gạo cho 90 người còn lại, thì đương nhiên việc 90 người kia trở thành “người giới thiệu” là không thể. Đương nhiên trong số 90 người đó vẫn có thể có người trở thành “người giới thiệu” bán dầu chẳng hạn, nhưng việc một người thành “người giới thiệu” của quá nhiều mặt hàng tới mức nghỉ việc cho khỏe thì quả thật hơi bị… ảo tưởng.

OK, trên đây là bài viết đầu tiên của mình, bất kỳ ý kiến phản biện, câu hỏi thắc mắc, mở rộng nào, mời mọi người post phía dưới, và nếu được thì tag mình vào để mình để ý trả lời, vì mình không thường xuyên lên THĐP lắm nên sợ không theo dõi kịp, cám ơn các bạn đã đọc .

P/S: kỳ tiếp theo có lẽ sẽ nói về bitcoin hoặc quyền sỡ hữu đất đai, đương nhiên là cũng sẽ cố kiếm ví dụ và giải thích dễ hiểu nhất có thể, sẽ tương đối lâu, vì muốn nói được cho ai cũng hiểu rất khó, nên không viết nhanh được.

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI