- “Thuyền trưởng, hay bọn mình bắt cóc mẹ của bọn trẻ con để đem về làm mẹ của chúng mình?”
- “Tuyệt vời! Hook kêu lên.”
Có lẽ đây là chi tiết dễ thương, hài hước mà xúc động nhất trong truyện Peter Pan dành cho một kẻ tự nhận mình có tính cách “quái dị” và nhiều lúc cũng cần mẹ kinh lên được như tôi đây. Đọc xong cuốn truyện, tôi chẳng quá bận tâm đến cuộc phiêu lưu kỳ ảo của “cậu bé không bao giờ lớn lên” Peter ấy, tôi cũng không lấy làm ấn tượng lắm với chuyện đám cướp biển lừa được lũ trẻ lạc và rồi chúng lại bị bọn trẻ ranh bịp bợm trở lại, vì một bức tranh lớn khác đã hiện lên choáng ngợp tâm trí tôi, đó là: Ở đây toàn một lũ không có mẹ, và chúng đang đánh nhau!
Mẹ, theo định nghĩa ban đầu của tôi, là bất kỳ ai, bất kỳ điều gì mang lại cho chúng ta cảm giác được chăm sóc, thương yêu và dưỡng nuôi, mẹ cho chúng ta cảm giác như đang ở nhà – thoải mái, yên bình và an toàn tuyệt đối. Nếu những gì tôi nghĩ là đúng thì quả nhiên, tất cả nhân vật trong truyện đều là những kẻ thiếu thốn tình yêu thương trầm trọng!
Nhìn kỹ lại mới thấy, Peter đã cướp Wendy từ chính tay mẹ của cô bé để mang về làm mẹ mình (Dù rằng Wendy tình nguyện ra đi nhưng quyết định của nàng ta đã bị Peter thao túng), rồi những tên cướp biển lang thang tội nghiệp lại cướp Wendy từ tay Peter để mang về làm mẹ mình (lần này không phải thao túng, vụ cướp vẫn thành công nhờ mưu hèn kế bẩn!). Các bạn có thấy không, người ta thiếu thốn tình cảm đến mức trở nên đê tiện và phải giở món cướp giật thủ đoạn, ngay đến cả người mẹ đáng kính họ cũng đem ra tranh giành nhau. Ôi chao, đáng thương thay cho những đứa con khốn khổ! À mà không! Phải là đáng thương thay cho người mẹ mới đúng! Chao ôi!
Tôi dám cá rằng già nửa số người trên hành tình này dù có mẹ đi chăng nữa nhưng vẫn luôn sống trong sự thiếu thốn tình cảm, cần người sẻ chia và chăm sóc! Tôi không có ý đổ lỗi cho những bà mẹ không biết quan tâm con cái mình (nếu như thế thật thì cũng đáng bị đổ lỗi lắm), điều tôi muốn nói ở đây là:
“Bên trong mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ, chúng cần được yêu thương và dưỡng nuôi.”
Các bạn có nhận ra những lúc mình cáu kỉnh, giận dỗi khi không được làm điều mình thích, những lúc mình tham lam quá mức, đòi hỏi quá mức sự chiều chuộng, quan tâm từ người khác, những lúc mình cần được khen ngợi khi làm tốt điều gì đó rồi nhanh chóng cảm thấy tủi thân ghê gớm khi chẳng ai ngó ngàng gì đến mình cả? Đó chính là phản ứng của đứa trẻ bên trong bạn đó. Nó luôn kiếm tìm sự chú ý, sự yêu thương, sự chấp nhận từ người khác, nó huênh hoang, tự mãn, thích thể hiện, thích phiêu lưu, tự do, sáng tạo, lãnh đạo và đặc biệt, nó rất dễ bị tổn thương. Có nhiều những vết thương lòng sâu sắc và chất chồng đến mức người ta luôn khao khát tìm được một mái ấm, một người yêu, người tri kỷ, để lắng nghe, để vỗ về, để dỗ dành mỗi khi họ khóc.
Nói tới đây tôi lại nhớ đến mấy câu hát trong bài Try của Pink: “Why do we fall in love so easy? Even when it’s not right.” Vì sao ư? Vì chúng ta khổ quá rồi, có ai ngỏ lời yêu (hay chỉ mới bật đèn xanh thôi) là chúng ta đã xiêu vẹo ngay lập tức! Nhưng bi kịch thật sự đó là hai kẻ đều thiếu thốn tình cảm lại cùng lúc đòi hỏi tình yêu từ kẻ kia, và họ vẫn có cảm giác rằng mình đang cho đi tình yêu khi ở trong mối quan hệ quá đỗi nghèo nàn đó.
Nghe thật muốn phì cười vì nó chẳng khác gì hai kẻ đang cùng chết khát giữa sa mạc khô cằn, mừng rỡ gặp nhau và cùng mong kẻ khốn cùng kia tưới cho mình một ít nước. Vâng, họ sẽ được tưới nước mát thôi, nước mát trong ảo ảnh! Và rồi khi cơn khát càng ngày càng dâng cao, còn ảo ảnh thì càng lúc càng mờ nhạt, đó là lúc họ nhận ra lưỡi hái của thần chết đã kề sát cái cổ họng héo quắt của họ. Thiếu thốn lại càng thiếu thốn, cộng thêm niềm tin vào tình yêu bị sụp đổ, thêm một chút căm phẫn đớn đau, kẻ đó sẽ chết nhanh hơn bao giờ hết!
Nếu tôi được làm mẹ của lũ trẻ lang thang rồi được cướp về để làm mẹ của những tên cướp biển cũng lang thang nốt ấy, thì có lẽ tôi sẽ không làm những công việc như “bà mẹ trẻ Wendy” vẫn làm trong truyện, đó là: Hàng ngày kể chuyện Lọ Lem cho những đứa con, nhắc chúng đi ngủ rồi dém chăn cho từng đứa vào buổi tối, và khâu khâu vá vá đủ các thứ từ tất rách cho đến đầu gối quần bị thủng. Tôi, chính tôi sẽ làm một cuộc cách mạng trong sự nghiệp làm mẹ này, bằng cách dạy cho tất cả những đứa con bé bỏng cách yêu thương chính bản thân mình, cách tự đối mặt với nỗi cô đơn và những nỗi đau để biết cách an ủi, chữa lành cho chính mình.
Tóm lại tôi sẽ dạy chúng cách tự làm mẹ của chính chúng nó! Để không đứa nào phải tranh cướp tôi hay bất kỳ bà mẹ nào khác nữa, chẳng có đứa nào phải giết nhau bằng được chỉ vì nhìn thấy vẻ hợm hĩnh đáng ghét của đứa kia nữa! Chúng nó sẽ tự biết yêu thương bản thân và biết yêu thương nhau, dù cướp biển và lũ trẻ lạc đã từng là kẻ thù không đội trời chung. Sau đó ắt hẳn câu chuyện sẽ có những khung cảnh thật ngọt ngào, ấm cúng:
Thuyền trưởng Hook một tay giơ móc sắt làm móc treo mũ và quần áo cho cả nhà, tay còn lại đánh đàn tưng bừng rộn rã, trong khi Peter dạy tất cả các thủy thủ cách nhấc mình lên khỏi mặt đất để diễn cảnh “Những người Hà Lan bay” và rồi cuối cùng, Smee sẽ hát ru cho cả lũ chìm vào giấc ngủ ngon lành sau một ngày chơi bời mệt nghỉ. Thế là tôi được rảnh nợ cho đến hết đời và tha hồ có thời gian đi nghỉ mát dưỡng già ở Wonderland (không phải Neverland đâu nhé)! Hô hô hô.
Đùa chút thôi! Vậy là một người mẹ không chỉ đơn giản đẻ ra những đứa con, mà một người mẹ thật sự cần đẻ ra những người mẹ – những người kiên nhẫn, biết lắng nghe, trí tuệ sắc sảo cùng trái tim đầy nhân từ. Thế giới này cần nhiều mẹ hơn bao giờ hết, vì các bạn cứ nhìn mà xem, ngay đến mẹ Trái Đất to lớn như thế, bao dung như thế cũng chẳng đủ cho những đứa con tham lam và ngu dốt, suốt ngày chỉ thải ra ngùn ngụt những khói và tòng tọc những nước đen ngòm cho người mẹ khốn khổ xử lý, rồi khi rảnh rỗi, chan chán, cũng như lúc hóa điên lên vì lòng tham, chúng lại quay ra đâm chém anh em đồng loại và ăn thịt các anh em khác loại.
Các bạn ạ, Peter và tất cả các nhân vật khác trong truyện đều cần mẹ, chỉ trừ mẹ của Wendy, vì không ai đề cập đến rằng bà Darling có cần một người mẹ không, khi bà ấy còn đang mải mê làm một người mẹ. Nếu như ai cũng cần mẹ theo đúng nghĩa là một dòng nước mát lành, là đại dương xanh bao la và là Mặt Trăng êm dịu thì sẽ còn ai hỏi đến mẹ nữa không khi đã có bà rồi? Liệu còn bà mẹ nào khác nữa ở ngoài kia nữa không, người mà chẳng bao giờ xuất hiện bằng xương bằng thịt trước mắt ta nhưng luôn ở trong tâm hồn ta, một nơi thật gần gũi mà đôi lúc ta lại cảm thấy xa lơ xa lắc.
Ý tôi muốn nói là Người mẹ tinh thần của mỗi người. Có thể đó là Phật, là Chúa, là mẹ Quán Âm hay mẹ Mary, đối với những tín đồ sùng bái tâm linh, tôn giáo; hay có thể đó chỉ là một giọng nói khẽ khàng trong tâm khảm chúng ta, gợi lên một hình bóng thân thuộc luôn yêu thương và giúp ta bình an trước mọi giông tố cuộc đời, người mà xuất hiện trong từng lời nguyện cầu của chúng ta và ru ta đi vào giấc ngủ thanh bình, để rồi sáng hôm sau thức giấc, mọi nguyện ước đã đều được thành tựu theo cách ngọt ngào nhất.
Một đứa trẻ thiếu đi người mẹ Trái Đất sẽ vướng phải không ít khó khăn trong cuộc đời, chúng sẽ gặp ít nhiều vấn đề nào đó về sức khỏe, tâm lý hoặc sinh lý. Nhưng một đứa trẻ hoàn toàn quên mất người mẹ tinh thần của mình, chúng sẽ không bao giờ tìm về được NGÔI NHÀ thật sự của chúng. Trong lòng đứa trẻ đó sẽ luôn phảng phất cảm giác lang thang, lạc lối dù nhà cửa đề huề, gia đình đầy đủ, thường xuyên ám ảnh cảm giác bất an dù cả đời đã sống lương thiện, và đôi lúc nghĩ mình bị hoang tưởng khi trỗi lên cảm giác mất đi nguồn cội dù ngày nào cũng ba lần vái lạy bàn thờ tổ tiên.
Tôi dám khẳng định rằng, ngoài một người mẹ bằng xương bằng thịt (có thể dưới hình hài một người mẹ, người yêu, người bạn, người thầy, người tri kỷ, v.v…), chúng ta còn rất cần một người Mẹ tinh thần, một người hướng dẫn cho tâm hồn. Các bạn có bao giờ tự hỏi rằng: Điều gì đã thôi thúc Peter đi tìm một người mẹ? Ai đã nhắc cho cậu bé ý tưởng đó nếu như không phải là người mẹ tinh thần của cậu? Và ai là người “xúi bẩy” Hook đi cướp “mẹ Wendy” về cho riêng mình? Những bà mẹ sẽ mãi là những bà mẹ, luôn thấu hiểu đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình và giúp nó đi tới để đạt được điều mà nó cần, điều tốt nhất cho nó. Chẳng phải Peter và Hook đều cần Mẹ đó sao?
Nhắc đến Mẹ không thể không nhắc đến cha, vì bản chất cuốn truyện này đã sặc mùi nhị nguyên. Ấy thế mà tôi lại chẳng thấy hình ảnh người cha ở đâu cả, cho dù Peter có giả vờ làm cha đi chăng nữa, cậu ta chẳng hiểu cái cóc khô gì cả! Quên cha đi, tôi chỉ đang thấy hàng núi phân cực và những sự chia rẽ trải đều khắp truyện.
Điển hình dễ nhìn thấy nhất là cuộc chiến giữa Peter và Hook, giữa những đứa trẻ và những tên cướp biển, giữa sự ngây thơ trong sáng và sự xảo trá đen tối. Nhưng ôi chao, bản thân sự phân cực này đã đầy đau đớn hơn rất nhiều lần cuộc chiến tranh mà hai phe gây nên với nhau rồi. Bi kịch nhất là khi cả nhân loại đều đứng về phe Peter cùng đồng bọn và hả hê, mãn nguyện khi nhìn thấy Hook cùng những người đồng nghiệp bị giết chết không còn một mống nào, dù là bị kiếm đâm hay rơi vào mồm cá sấu.
Những người Mẹ hẳn phải xót xa lắm khi nhìn những đứa con chém giết nhau như vậy. Tôi không muốn đứng về phía “tốt đẹp” để mà phải nhìn cái “xấu xa” bị đâm chém. Tôi không muốn thấy ai bị tàn sát cả vì mọi biểu hiện của sự sống đều đáng được trân trọng, dù là trong ý niệm của cả thế giới, những thứ gọi là “xấu xa” đó là những điều đáng bị nguyền rủa. Tôi thấy điều duy nhất đáng bị nguyền rủa chính là bản thân những lời nguyền đó (Mà cũng chẳng cần, chính sự nguyền rủa đã tự mang năng lượng của sự nguyền rủa rồi, nó đã tự uống thuốc độc trước khi bỏ chính mình vào bát nước của kẻ khác rồi). Câu truyện trở nên quá tàn nhẫn khi được nhúng vào một sự chia rẽ và phân cực tột độ.
Bây giờ các bạn hãy tạm quên cậu chàng Peter với những chiếc răng sữa dễ thương đi, hãy nhìn thuyền trưởng Hook mà xem, ông ta là biểu hiện đẹp đẽ và sinh động nhất của sự lật lọng, mưu mô, của sự ảo tưởng về vẻ quý phái lịch thiệp, của sự ghen tuông đố kỵ và đôi lúc của sự ngây thơ, ngốc nghếch như một cậu trẻ nít. Như thế có gì là sai khi một người sống thật lòng với chính họ nhất? Hook đâu có cố gắng giả tạo, cố gắng sống khác đi với bản chất của mình để làm vừa lòng ai, trong khi cái việc ấy lại là việc yêu thích của phần lớn số fan Peter Pan, nếu như không nói là của hầu hết những người sống trên cõi đời này (cả người đang sống và những người đã từng sống nhé).
Tôi muốn cả hai bên đều được tung hô, Peter và Hook, vì mọi biểu lộ chân thành của họ đều đáng được trao cho những cái hôn, dù nó là dễ thương hay cáu kỉnh, là thẳng thắn hay xảo trá, là cần mẹ hay không cần mẹ. Còn những ai không chân thành, những ai dối lòng chính mình và ngăn trở dòng sự sống biểu hiện, những kẻ đó sẽ chẳng bao giờ được sự sống ủng hộ. Vậy nên dối trá với chính bản thân mình là điều nguy hại nhất mà tôi từng biết. Nhưng… nếu họ dối trá một cách chân thành thì sao nhỉ? Mẹ kiếp, những cái hôn đấy, bảo họ lấy hết rồi biến đi! (Não của tôi cần được nghỉ ngơi, làm ơn!)
Vậy nên hỡi những bạn trẻ, với những nội dung liên quan đến mẹ tôi vừa nêu trên, nếu các bạn đã đọc truyện rồi và xem cả phim nữa thì hẳn các bạn cũng thấy được khả năng nổi bật nhất của Disney trong vụ chuyển thể này đó là “tầm thường hóa” tác phẩm lừng danh xứ Anh Quốc và “dung tục hóa” Peter Pan nổi tiếng xứ Neverland khi để cho Wendy và Peter yêu nhau như một cặp gà bông lãng xẹt.
Tình Mẹ, nó ở một đẳng cấp hoàn toàn khác với tình yêu trẻ ranh này. Bây giờ bọn học sinh cấp một cũng yêu nhau được như vậy! Nó chẳng có gì là vĩ đại trong tình yêu đó cả, tôi chỉ nhìn thấy biểu hiện của một dạng tâm sinh lý bất ổn do sử dụng quá nhiều sản phẩm biến đổi gen, hay một cái gì đó bất thường tương tự.
Peter trong sáng như một đứa bé mới chào đời. Chẳng có đứa trẻ mới chào đời nào lại mặt đỏ tưng bừng khi được một kẻ khác giới hôn cả, vì nó còn chẳng thèm quan tâm xem giới tính của chính mình là cái cóc khô gì. Thứ duy nhất nó quan tâm trên đời đó là mẹ, là mẹ chứ không phải “gấu chó” và mấy vụ hôn hít ngu xuẩn.
Nếu như câu chuyện thành công trong việc nhắc khéo người đọc về tầm quan trọng kinh khủng của những người mẹ thì nó còn chứa cả một bể đầy những hình ảnh ẩn dụ, mà nếu viết chúng ra và giải nghĩa tất cả thì ta có thể xuất bản một cuốn sách dày cộp dài khoảng 600 trang với tựa đề Peter Pan và ngôn ngữ biểu tượng. Cuốn sách sẽ lần lượt diễn ra như sau: Chương 1. Peter – Đứa trẻ bên trong mỗi người. Chương 2. Wonderland – Những chiều kích khác trong vũ trụ. Chương 3. Tinker Bell – Mọi thứ không như vẻ bề ngoài, đôi lúc trái ngược một cách quái đản,… Và cứ như thế cho đến chương 60. Cái hôn – Tình yêu hoặc là cái cúc treo ở sợi dây chuyền trên cổ.
Phải nói là truyện có quá nhiều ngôn ngữ biểu tượng mang nội dung sâu sắc, nếu nó chỉ được viết để cho bọn con nít đọc chơi thì thật quá hoài công, để cho chúng nó xem “sản phẩm lỗi” của Disney là được lắm rồi, vì cuốn sách này thừa sức làm thầy cho hàng triệu người lớn trên quả đất này!
“Peter Pan” được viết nên bằng một văn phong đậm chất hài hước, phản ánh một nội tâm phong phú và trí tưởng tượng không biên giới của tác giả. Hài hước đủ các cấp độ từ mỉa mai, châm biếm cho đến quái đản, hại não. Tôi có cảm giác tác phẩm là sự kết tinh toàn bộ chất hài từ những cuốn truyện thiếu nhi đặc sắc nhất như: “Nhóc Niclolas” “Pippi tất dài” và “Lão Kẹo Gôm”. Nếu không học được chút gì về cách làm Mẹ hay về những bài học khác trong nội dung của cuốn sách, người lớn có thể học được cách pha trò hay rèn luyện cái óc khôi hài của mình đến trình độ làm đứa con bật dậy ngồi cười rơi cả răng ngay sau khi vừa ru nó vào giấc ngủ.
Chẳng phải trong cuộc đời, hài hước là điều mà chúng ta cần chỉ ngay sau mẹ thôi đó sao! Vì một khi mẹ không thể làm chúng ta an bình và đi qua khó khăn được (thật ra là chúng ta quá ngu dốt khi không hiểu được lời mẹ) thì chúng ta cần tìm thấy chút hài hước trong mọi tình huống ngặt nghèo của cuộc sống. Ví như khi nghe tên sếp quát tháo điên cuồng vào mặt, ta lại nhớ đến tiếng loa phát thanh của thôn những lúc bị chập điện, rồi ta lại khẽ mỉm cười trong lòng và dâng trào cảm giác an bình khi nhớ về quê hương yêu dấu. Thế đó, hoặc là mẹ, hoặc là khiếu hài hước sẽ cứu rỗi cuộc đời bạn. Sẽ thật may mắn nếu như bạn có một bà mẹ hài hước, cả thế giới sẽ muốn làm anh em của bạn!
Tóm lại, “Peter Pan” là một tác phẩm đáng để các bạn nghiền ngẫm cũng như tận hưởng. Nếu chủ đích của tác giả viết cuốn truyện này là để cho người ta thấy rõ được bức tranh về nhị nguyên, về sự chia rẽ và tranh đấu, về mẹ, thì tôi sẵn sàng cho nó điểm 10 đẹp nhất. Nhưng với tư cách là một độc giả hướng đến sự hợp nhất và hài hòa, thì tôi thấy “Peter Pan” chưa vượt qua được mức điểm liệt. Tôi có thể cho nó 9 điểm về tính bạo lực, chia rẽ và tranh đấu, 1 điểm còn lại cho lòng nhân từ. Nhưng vì cuốn truyện đã gợi mở cho tôi những ý tưởng về mẹ và “mãn não” (thỏa mãn bộ não) tôi bằng những pha gây cười số một, tôi sẽ cho nó điểm 8.0/10.
Xin tặng các bạn một bài thơ nhé, coi như lời cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài review này. Bài thơ có tựa đề “Lời của Mẹ”:
Này con ơi nghe lời mẹ dặn
Đảo điên trời đất mấy mùa trăng
Dòng đời vội vã bao mưa nắng
Bình an con giữ lặng trong lòng.Chuyện người ta đâu cần nghe ngóng
Mắc vào lòng bao mớ bòng bong
Đường con thẳng tiến đi muôn dặm
Giũ cho sạch rác chớ lòng vòng.Con ơi hay giữ đủ thong dong
Khi đời đen, đỏ, tím với hồng
Người đâu phiền hà con mấy chốc
Gồng lên một cổ với bao tròng.Mẹ luôn ở đây con thấy không?
Là tiếng ca nhỏ khẽ trong lòng
Mang nặng còng lưng con mỏi mệt
Trong vòng tay Mẹ hé cầu vồng.Con ơi hãy cứ lặng yên thôi
Bên Mẹ con đã có Nhà rồi
Kệ ngoài kia bão hay mưa quất
Ngủ ngoan con chẳng vướng sự đời.Dõi theo con qua hẻm cong, ngõ tối
Ngày thư thả, chiều ngả chơi vơi
Mẹ ở đây dẫn đường chỉ lối
Khi con lạc mất ánh mặt trời.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn rằng:
“Trong mỗi chúng ta đều có Peter và Hook. Hãy làm Mẹ của cả hai đứa này!”
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Em đúng là một kho báu chưa được phát hiện. Mấy bài review của em đọc rất thõa mãn, không cần biết em viết dài tới đâu anh đọc mà không muốn kéo xuống nhiều vì sợ hết :))
“Ối giời ơi! Tôi được người ta phát hiện ra rồi nè!….Cảm ơn anh nhé, nhà thám hiểm! Là lá la” :)))