27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Review] Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ – Những xúc cảm chạm đến tận tâm can

Featured Image: Bìa sách “Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ” phiên bản tiếng Anh

 

Khaled Hosseini, với cuốn sách qua tuyệt vời luôn ám ảnh tôi về giá trị nhân sinh, Người Đua Diều, đã khiến tôi phải đọc cuốn sách thứ hai của ông, Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ. Cuốn sách này ngốn thời gian của tôi gấp đôi so với Người Đua Diều, không phải bởi vì nó ít hấp dẫn hơn, ít lôi cuốn hơn mà bởi vì cảm xúc mà nó mang lại cho tôi quá mãnh liệt. Thật sự tôi không hiểu tại sao cuốn sách này lại không có giải thưởng nào.

Nhiều tác giả khi viết sang cuốn thứ 2, thứ 3 thường sẽ chịu ảnh hưởng bởi văn phong của cuốn sách đầu tay của mình. Nhưng, Khaled Hosseini thì hoàn toàn khác, tuy cùng nói về Afghanistan nhưng nội dung và cách dẫn truyện cũng như cảm xúc ông đem lại từ cuốn sách đối với tôi thật tuyệt vời. Đúng như câu nhận xét đầu sách: “Bạn sẽ muốn hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc cuốn sách này.” Tôi đã phải ngừng đọc rất nhiều lần chỉ để bình ổn cảm xúc của mình và để đi đến cuối cùng của cuốn sách.

Cái kết mở ra chân trời hy vọng và dường như là phần thưởng cho những gì cuộc đời mỗi con người trải qua. Cuộc đời hai người phụ nữ với thân phận khác nhau, hoàn cảnh sống trái ngược nhau, một bị sinh ra trong sự ghẻ lạnh và miệt thị, còn một người được sinh ra trong sự ấm áp, đùm bọc của gia đình, mà nổi bật chính là tình cảm của người cha. Thế rồi, số phận đưa đẩy họ đến với nhau, cùng nhau sát cánh đi qua chặng đường gian nan của cuộc đời khắc nghiệt.

Khát khao được sống trong cuốn sách thực sự rất mãnh liệt, đày đọa, khổ ải và dối trá đều không thể ngăn được cái ước muốn và hy vọng vào tương lai, vào cuộc đời tươi sáng phía trước. Tôi không biết nêu bản thân mình sống trong cái xã hội đầy rẫy sự kỳ thị, phân biệt và bất công như trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, tôi có thể sống hay không, thậm chí bản thân tôi có thể sẽ tự kết liễu đời mình. Để vượt qua được những chặng đường đầy những trói buộc, lừa lọc, âm mưu, dục vọng và cả sự hèn nhát, Mariam và Laila đã có một nghị lực phi thường. Nghị lực của tình mẫu tử, của sự đồng cảm, của tình yêu và đặc biệt là của niềm hy vọng.

Sự hy sinh của Mariam cho cuộc sống của Laila, Tariq và Azazi, sự chuộc lỗi đối với Zalman quá cao cả. Một con người sống trong niềm hy vọng dối trá, sinh ra trong sự ruồng bỏ và trải qua thời thanh xuân đầy cam chịu và uất ức lại có thể hy sinh bản thân mình chỉ đơn giản vì niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống tràn ngập sắc màu cho gia đình Laila. Cái hình ảnh của một harazi nhắc nhở tôi nhớ về Hassan trong Người Đua Diều. Giá trị nhân văn thực sự đã làm ấm lòng người qua từng trang sách.

Hình ảnh mà Laila đã mơ về Azazi, cô con gái bé bỏng của cô với Tariq, niềm hy vọng mà Tariq để lại cho cô, thực sự làm tôi khiếp sợ, hình ảnh cô bé phải nằm trong bao nilong để trốn phiến quân Taliban và sự gào thét của cô bé đã làm tôi bật khóc. Hình ảnh Azazi đối với tôi chính là niềm hy vọng, nếu thực sự cô bé phải chết, có thể sẽ làm tôi thực sự sụp đổ và chán ghét cuốn sách. Những gì cô bé đã chịu đựng khi phải ở trại mồ côi và cái cách mà cô bé đã cố gắng thể hiện niềm vui trước mẹ Laila và Mariam để họ được cảm thấy yên lòng khiến tôi cảm phục nhưng lại đầy xót xa khi cô bé luôn luôn gặp những cơn ác mộng.

Cuốn sách thực sự đã mang lại cho tôi quá nhiều suy ngẫm, xúc cảm và cả nỗi ám ảnh. Hình ảnh của mỗi nhân vật mang một sức hút riêng, Nana, người mẹ sống trong tủi hận và bất mãn của Mariam; Jalil, người cha hèn nhát của Mariam; Rasheed, người đàn ông gia trưởng, dối trá và khốn nạn nhưng lại có một chút trách nhiệm với gia đình; Tariq, một chàng trai dũng cảm, thủy chung, nghị lực và giàu lòng vị tha; Babi của Laila, một con người nhẫn nhịn nhưng ngập tràn lý tưởng sống…

Cảm xúc mà cuốn sách mang lại quá đỗi chân thực, bước chân vào những khó khăn, vào sự chia ly, tôi lại cảm giác niềm hy vọng đang ẩn chứa sau từng câu chữ, để rồi đọc và tìm kiếm cái niềm vui, niềm hạnh phúc trong đó. Thế nhưng, khi bắt được một tia hy vọng, tôi lại có cảm giác sợ hãi về điều Mariam và Laila sắp sửa đối mặt. Trong chiến tranh, ta khao khát được hòa bình và lẽ đương nhiên, khi có được hòa bình sau bao nhiêu gian khổ, ta luôn luôn sợ hãi về cái sự yên bình thiếu vững chắc ấy.

 

Ngọc Mai

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI