28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nhân chuyện nghĩa vụ quân sự bàn về chính trị

Featured image: military-life

 

Trước nay ở Việt Nam, chuyện chính trị vẫn cứ luôn bị coi là nhạy cảm. Gần đây mấy từ như  tự  do, dân chủ, cũng thành từ  nhạy cảm, sắp tới e rằng cả từ độc lập, hạnh phúc cũng bị xếp vào các chữ nhạy cảm nốt.

Chuyện bắt đầu từ khi mình có giấy gọi lên trình báo về nghĩa vụ quân sự. Đây cũng chẳng phải lần đầu, nhưng mấy lần trước mình đều đang là sinh viên cả. Nói thật cũng chẳng mấy người có tuổi đời sinh viên dài như mình, nhưng dù dài mấy thì vẫn đến lúc bị gọi.

Nói đến chuyện nghĩa vụ quân sự, nhà mình ai cũng lo lắng. Ngày xưa mỗi lần mình bàn về các chính sách nhập ngũ, phụ huynh đều cho rằng chế độ tuyển quân ép buộc như ở Việt Nam là hợp lý, vì đó là nghĩa vụ của mỗi công dân. Thế nhưng đến lúc mình bị gọi đi nghĩa vụ thì ông bà lại buồn phiền rồi than thở, kiểu như là nếu mình đi làm nhà nước, nếu mình học thạc sĩ… thì có phải tốt không. Đi bộ đội thế là phí mất mấy năm tuổi trẻ.

Ấy là chưa kể tới đủ mọi hình thức bắt nạt, hành hạ này nọ trong quân đội mà mình được nghe đồn, nghe kể từ khắp mọi người (mà nguồn gốc thì toàn là anh này anh kia đi nghĩa vụ về).

Mới đây, đọc được đề xuất tăng tuổi gọi nghĩa vụ từ 25 lên 27 (tức là có thêm cả triệu người nằm trong diện nghĩa vụ), kéo dài thời gian phục vụ…

Trước khi bàn về chuyện vĩ mô, mình xin chia sẻ luôn là nếu gọi thì mình sẽ đi, không đút lót chạy chọt. Nguyên nhân thứ nhất là vì mình không thích chạy chọt kiểu ấy. Nguyên nhân thứ hai là cũng muốn tự thử thách bản thân. Dù sao thì quân đội cũng là một trải nghiệm khác biệt, và 1 năm rưỡi nói chung là không quá dài với một người không có nhiều lo lắng về sự nghiệp như mình. Dù sao thì muốn phán xét về một cái gì, không gì tốt hơn là tự mình trải nghiệm nó.

Chuyện nghĩa vụ quân sự trên thế giới

Trên thế giới thực ra có rất nhiều cách tuyển quân, tựu chung chia làm hai loại chính là quân tình nguyện và quân nghĩa vụ. Chính sách tuyển quân tình nguyện có đại biểu điển hình là nước Mỹ, nơi bộ đội được coi là một nghề, với sự cạnh tranh công bằng và chế độ đãi ngộ là yếu tố chính để thu hút người tham dự. Chính sách tuyển quân theo kiểu nghĩa vụ, điển hình nhất là ở Hàn Quốc, nơi mọi thanh niên đều bắt buộc phục vụ trong quân ngũ khi đến tuổi.

Bên cạnh hai chính sách điển hình này, còn một số giải pháp khác như việc bỏ tiền để thuê lính đánh thuê hay nghĩa vụ bắt buộc nhưng người dân có thể đóng tiền để không phải đi, hoặc có thể thuyết phục và trả tiền cho một người khác để thay thế.

Xét về bản chất, mục tiêu của thành lập quân đội là để bảo vệ chủ quyền của một quốc gia, là để bảo vệ hòa bình của người dân mỗi quốc gia đó. Tuy vậy, việc gia nhập quân đội lại là một công việc nguy hiểm, có khả năng dẫn đến việc hy sinh tính mạng, và tối thiểu thì việc ép buộc nhập ngũ (trong trường hợp tuyển quân nghĩa vụ) là một hành động làm giảm thiểu tự do của mỗi cá thể.

Nhiều triết gia đã đưa ra các quan điểm và lý giải khác nhau về vấn đề này

Cách giải thích đơn giản nhất thuộc về những người thuộc phái vị lợi (mà chúng ta cứ hiểu đơn giản là nhóm thiểu số phải phục tùng đa số – hay còn gọi là dân chủ). Khi hòa bình bị tổn hại, tất cả chúng ta đều sẽ chịu ảnh hưởng. Vì thế nhất định phải có một số người hy sinh vì lợi ích lớn lao hơn của số đông. Điều này thường được các chính trị gia tô vẽ lên thành “sự hy sinh cao cả”. Đây là lý lẽ mạnh để ủng hộ cho chính sách tuyển quân nghĩa vụ.

Tuy nhiên, cách lý giải này không thuyết phục đối với những người tin vào sự công bằng và bình đẳng. Tại sao một số người lại phải hy sinh vì người khác? Sẽ là không công bằng với thiểu số bị chọn để hy sinh. Không hợp lý khi yêu cầu một người đi mạo hiểm tính mạng bởi vì anh ta hợp với công việc đó hơn một số người khác.

Một cách giải thích khác sử dụng khái niệm “nghĩa vụ” hay “trách nhiệm”. Khi một người trở thành công dân của một quốc gia, anh ta được hưởng một số quyền lợi (như được pháp luật bảo vệ), đồng thời buộc phải thực hiện một số “nghĩa vụ”, đây giống như một hình thức trao đổi công bằng. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể nói rằng ai cũng có trách nhiệm bảo vệ quốc gia chứ không biện được cho việc một số người có thể không phải chịu nguy hiểm tính mạng vì họ làm việc cho nhà nước hay đang đi học. Điều này dẫn đến hoặc quốc gia phải thực thi chế độ ép buộc hoàn toàn như Hàn Quốc (tất cả đều phải đi và không phân biệt), hoặc bắt buộc nhưng được quyền lựa chọn hình thức (dân sự, có vũ trang hoặc không vũ trang).

Thực tế thì một nửa quốc gia trên thế giới hiện nay theo đuổi chính sách quân tình nguyện, bao gồm cả các cường quốc quân sự như Mỹ hay Trung Quốc, các quốc gia bất ổn như Iraq hay Pakistan. Điều đáng ngạc nhiên là dù áp dụng chính sách quân tình nguyện, Trung Quốc vẫn có khoảng 2 triệu lính chủ lực.

Mặt trái

Việt Nam hiện nay nằm trong số ít các quốc gia theo đuổi chính sách tuyển quân nghĩa vụ bắt buộc, và có thời gian phục vụ nghĩa vụ vào loại top 30 trên thế giới.

Chưa bàn về mức độ nguy cấp của an ninh Việt Nam với các nước láng giềng. Sự thực là nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có thể huy động được 200 triệu quân dự bị, một con số hoàn toàn áp đảo, chưa kể hệ thống trang thiết bị. Vì thế tôi luôn tin rằng mọi lý lẽ về việc cần tăng cường thời gian nhập ngũ, kéo dài độ tuổi gọi nghĩa vụ liên quan tới lý do an ninh đều là bất hợp lý. Vì bao nhiêu cũng là không đủ.

Chính sách tuyển quân kiểu nghĩa vụ ép buộc nhưng có phân biệt như hiện nay có hai mặt trái lớn:

Thiệt hại về kinh tế

Về cơ bản, mọi can thiệp ép buộc đối với lựa chọn của người dân đều dẫn đến thiệt hại về kinh tế, cho cả nhà nước lẫn công dân. Ví dụ như tôi mới mở một công ty, nhưng vì phải đi nghĩa vụ quân sự nên công ty thiếu người lèo lái, dẫn đến phá sản, hoặc hợp đồng dang dở, không được thực hiện. Nhà nước tuy rằng có thể được lợi trước mắt vì có được một thời gian lao động công ích từ công dân, nhưng thực tế thì lại thiệt hại vì lao động này không tự nguyện, không đúng chuyên môn nên không đạt được hiệu suất sử dụng lao động cao nhất.

Tạo bất bình đẳng

Với chính sách hiện nay, những người đi học đại học, hoặc làm việc cho nhà nước có thể được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Điều này là không công bằng đối với các công dân. Ví dụ như thanh niên dân tộc thiểu số, người miền núi, gặp khó khăn hơn trong việc đi học và đỗ đại học. Hoặc như những người có năng lực và lựa chọn khác (ví dụ như nghệ sĩ, vận động viên) hoặc người không có nguyện vọng học cao nhưng vẫn đóng góp tích cực cho xã hội (chủ doanh nghiệp, nông dân,…). Những người này không cần học đại học, không làm cho nhà nước, nhưng không thể nói là họ đóng góp cho xã hội ít hơn người khác.

Chưa kể, việc bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ của mỗi công dân. Vì thế nếu không buộc phải nhập ngũ, thi mỗi công dân bao gồm cả phụ nữ, lao động nhà nước, sinh viên, cũng cần phải đóng góp (bằng tiền, hay bằng giờ lao động công ích), nếu không sẽ là bất công với những người bị gọi nhập ngũ.

Lời kết

Quân đội là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia để bảo vệ chính mình. Nhưng một chính phủ lúc nào cũng phải rao giảng về nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc và lấy an ninh quốc gia ra để làm người dân sợ hãi và buộc phải nhập ngũ thì không phải một chính phủ tốt.

Một chính phủ tốt, sẽ cố gắng tạo ra một quốc gia mà người dân luôn tự nguyện bảo vệ, chứ không phải bằng sự ép buộc. Còn nếu không, cho dù quốc gia có thể độc lập, liệu dân chúng của quốc gia đó đã cảm thấy hạnh phúc?

 

Hoàng Đức Minh
Hà Nội 4/11/2014

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

16 BÌNH LUẬN

  1. Khì khì, tôi nói thẳng, tác giả đừng cáu.
    Lý do duy nhất mà khiến cho việc ở Việt Nam người ta cứ không muốn đi nghĩa vụ, ấy là vì hai chữ “Cộng Sản” mà thôi!
    Tôi hỏi tác giả nhé, tác giả có thấy ai đi lính về mà có cuộc đời khấm khá lên không?
    Rồi là khi đi lính về thì có thấy ai được học cái gì tử tế không, hay là cuối cùng chỉ toàn làm thằng cu ly mất dạy hết?
    Thật sự ra, đừng nghĩ tôi phán xét ai, nếu bảo tác giả tìm hiểu sự thật về lịch sử ở Việt Nam, và sau đó khi tác giả biết sự thật về cái chính quyền Cộng Sản Việt Nam hèn mọn với giặc, liệu tác giả có muốn đi lính cho nó hay không?
    41 năm dựng lên cái xã hội của Cộng Sản, đổi lại, người dân sống trong thời đại của những tên độc tài Cộng Sản được cái gì? Họ chẳng được gì ngoài nghèo đói, và người dân thì thờ ơ với nhau, chấm hết.
    Nên, tác giả là một người dân, đã trải qua tình cảnh, đời sống của một người dân, hãy hiểu thật kỹ vấn đề hơn đi! Hiểu như kiểu tác giả, khì khì, chả trách mà lũ chính quyền Việt Nam cứ liên tục nói phét trên TV, còn trong thực tế thì nó chẳng giảm được một đồng thuế nào hay làm cho cuộc sống của người dân đỡ khổ lên, khi họ cứ phải “Có nghĩa vụ này, có nghĩa vụ nọ”, trong khi lũ tham nhũng thì đang cầm ngay tiền thuế của dân để ăn mòn, ăn bớt, làm cho quốc gia ngày càng suy yếu, kém dần đi về tài nguyên cũng như đạo đức con người!

    • Mình cũng đồng ý với ý kiến của bạn! Tuy nói là đi nghĩa vụ là đang bảo vệ cho quốc gia. Thế nhưng có cũng có nghĩa là chúng ta đang bảo vệ cho một chính quyền mà chúng ta không hề muốn nó tồn tại. Nhiều người nói quan chức nhà nước là do dân bầu ra. Nhưng thực tế là bầu cử thì khi nào cũng có người ủng hộ và người chống đối. Những quan chức thắng cử thường là những người có số phiếu ủng hộ nhiều hơn số phiếu chống đối. Và thế là có một bộ phận những người chống đối phải chịu sự chi phối của người cầm quyền mà họ không hề bầu ra. Điều đó là không hề công bằng một chút nào. Chưa kể đến là ở Việt Nam toàn là mua chức mua quyền và con ông cháu cha. Những người đó không hề được người dân ủng hộ và thế là người Việt mình không muốn đi nghĩa vụ vì không muốn nằm dưới quyền những tên độc tài như vậy!

  2. Mình có vài lời góp ý với bài viết
    1/ Có rất ít người dân nào tự nguyện đi nghĩa vụ cả,dù ở đâu thì nghĩa vụ quân sự vẫn là sự ép buộc thôi,nghĩa vụ quân sự là điều phải làm và được quốc hội thông qua thành luật đàng hoàng,mà luật thì chỉ có ý nghĩa chung chứ ko đúng với từng cá nhân.Mất tự do,mất thời gian hay thiệt hại kinh tế là chuyện riêng,còn luật là luật.
    2/ Chính sách nghĩa vụ ở VN khiến người dân chán ngán vì tình trạng bất bình đẳng,do phường xã chỉ gọi theo chỉ tiêu,sinh ra chạy chọt,giàu thì ở lại,nghèo mới phải đi.
    3/ Ko nên đem con số của TQ ra rồi nói VN làm gì cũng ko đủ,vì quân sự thì số lượng ko bằng cách dùng.Bạn đừng quên Quang Trung ở Huế chỉ có 5 vạn quân sau đó ra Nghệ An tuyển thêm 5 vạn,tổng cộng chỉ có 10 vạn quân mà quét sạch 29 vạn quân Thanh.
    4/ Không phải vì chính phủ tốt hay vì dân cảm hạnh phúc mà họ tự nguyện đi nghĩa vụ đâu,không có chuyện đó đâu.
    Nhưng nếu nhìn vào Israel thì người dân lại thích đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc,bởi vì lợi ích nhận được từ nó là quá nhiều.
    Ba năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Israel rất tuyệt vời,nó tương đương với 3 năm Đại Học nhưng còn hơn thế nữa vì sau đó mỗi năm một tháng vẫn huấn luyện kỹ năng sống và giao lưu với nhau cho tới năm 45 tuổi.Nghĩa vụ quân sự là môi trường cho mọi thanh niên Israel thành danh và thành nhân,mối quan hệ xã hội phát triển mạnh và việc khởi nghiệp,gọi vốn,tìm bạn cùng chí hướng,học kỹ năng lãnh đạo… đều diễn ra tại 3 năm này.Nghĩa vụ quân sự giúp phát triển óc khoa học và sức khỏe,nó trở thành 1 lối sống lành mạnh nên ai cũng ủng hộ,nó chính là tấm vé vào đời của thanh niên Israel chứ không phải bằng Đại Học.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI