28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hố sâu kề bên vườn xoan nhà chú ếch con

Featured Image: Lora-Zombie

 

Nhân tình cờ đọc bài “Biến trẻ thành cụ non”[1] của cô Hoàng Xuân, một bài viết được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội gần đây. Nói một cách tóm lược, theo như cô Hoàng Xuân, thứ nhất là trẻ con “trong trẻo, hồn nhiên”, thứ hai là chúng ta không thiếu bài hát hay cho thiếu nhi, nên đừng bắt trẻ con phải gắng gượng hát những bài ca của người lớn. Về phần mình, tôi cũng muốn chia sẻ một số ý kiến cá nhân, với những ví dụ minh họa gần gũi nhất có thể với tất cả mọi người, đồng thời phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại.

Thế nào là trong sáng?

Ta thường nói những đứa trẻ sơ sinh là hiện thân của sự thánh thiện, bởi ở chúng không có bất cứ suy nghĩ xấu xa nào. Đúng hơn, chúng chưa có bất kỳ suy nghĩ nào. Và ta gọi đó là sự trong sáng. Vậy khi lớn dần lên, chúng va vấp nhiều với cuộc sống, thấy những điều bất công, tâm trạng thường xuyên ưu tư, trí óc nhiều khi trăn trở, như thế là không còn trong sáng? Dù cho chúng vẫn là người lương thiện hết mực?

Tôi quan niệm “trong sáng” ở thời đại này theo cách khác. Cái trong sáng của trẻ sơ sinh, ấy là bởi chúng chưa biết gì. Quan niệm trong sáng của tôi ở đây là biết tất cả, nhưng không làm điều xấu.

Thứ nhất, bởi ngày nay thông tin đã được truyền tải và cập nhật đến từng nhà, từng người, một cách “quá nhanh, quá nguy hiểm”, thì một đứa trẻ năm tuổi cũng đã được tiếp xúc rất nhiều thông tin. Làm thế nào trong tình cảnh đó, chúng ta có thể ép chúng phải trong sáng theo kiểu “chưa biết gì”? Điều đó là bất khả.

Thứ hai, với một khối óc không có nhiều hiểu biết sớm về thế giới bên ngoài, liệu khi lớn lên chúng có đủ khả năng để đối phó và tự bảo vệ mình trước những hiểm họa của cuộc sống bên ngoài? Tội phạm ở độ tuổi trẻ em ngày càng gia tăng, nếu không có hiểu biết, chúng làm sao tránh được sa ngã?

Ai đã xem bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” đều biết đến đám mây “cân đẩu vân”, nó chỉ cho những ai có tâm hồn trong sáng ngồi lên. Và Songoku đã ngồi lên nó từ khi còn là cậu bé ba tuổi đến năm sáu mươi. Một người đã làm ông nội, chiến đấu chống bao kẻ âm mưu làm bá chủ thế giới, thâu tóm vũ trụ, chẳng lẽ lại không biết đến điều xấu? Ông biết rõ cái xấu, nhưng tránh xa cái xấu, đấu tranh tiêu diệt cái xấu, và “cân đẩu vân” mãi luôn chào đón ông.

Nhà khoa học máy tính Lý Khai Phục cũng đã từng chia sẻ trong bài “Đàn ông, nếu đã hai mươi, nếu chưa hai lăm” rằng: “Em không có quyền ngồi trong cái tháp ngà của trường học, rồi bảo em yêu thế giới này tươi đẹp. Tôi muốn em phải nhìn thấy cái đen tối của thế giới, sự bẩn thỉu của cuộc đời, sự xấu xa của con người, sau đó mới nói rằng em vẫn yêu thế giới này, em vẫn yêu cuộc sống và em sống.”[2] Theo thiển ý của tôi, câu này dành cho mọi lứa tuổi.

Thiết nghĩ, đó mới là cái trong sáng tối thượng.

Cái hố sâu làm gì trong vườn nhà chú ếch con?

Tuy nhiên, hầu hết mọi bậc phụ huynh đều muốn ngăn chặn con cái tiếp xúc với cái xấu. Nhân cô Hoàng Xuân nói về các bài hát thiếu nhi, tôi cũng muốn kể một chuyện, chuyện thằng em hàng xóm hay qua nhà tôi chơi, lúc nó còn nhỏ xíu, độ hơn bốn tuổi. Có lần đang nghe bài hát “Chú ếch con” của nhạc sĩ Phan Nhân, nó đột ngột hỏi tôi: “Sao mẹ nói với em là con còn nhỏ phải đi học, mà chú ếch lớn rồi, làm chú rồi, mà vẫn còn phải ngồi học bài vậy anh? Mà sao kế bên vườn xoan lại có cái hố sâu kỳ vậy anh?”

Câu đầu làm tôi phì cười, nhưng câu sau tôi hơi thấy lạ. Tua lại cuốn băng, tôi nghe thấy đúng là cô bé trong băng đang hát: “Chú ngồi học bài một mình bên hố sâu kề vườn xoan.” Ngày xưa khi tôi học hát bài này thì phần lời đó là “hố bom kề vườn xoan”. Bài hát được viết trước 75, thời mà hố bom nhà nào cũng có. Tôi không thể giải thích cho một thằng bé bốn tuổi về sự hãi hùng của chiến tranh, nhưng bom thì nó biết, là cái “đụng là nổ cái bùm, chết liền”, nên nó có thể hiểu vì sao lại có hố bom.

Đây chỉ là một ví dụ, có thể bài hát sau khi truyền miệng thì trở thành một dị bản vô tình. Nhưng trên thực tế, chuyện những bài hát thiếu nhi bị sửa lời không hiếm (ví dụ như bài “Khăn quàng thắp sáng bình minh” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta vẫn ghi “Nhạc và lời: Trịnh Công Sơn”, nhưng bao nhiêu phần còn lại trong đó thực sự là bút tích của Trịnh?), đa phần là vì quan niệm: “Những cái đó, để trẻ con biết sớm làm gì?” Cái tâm lý né tránh đó chẳng đưa đến đâu cả, nó chỉ kéo dài cái quãng thời gian “không biết gì”, và “không có phương pháp phòng vệ” của trẻ em. Điều đó rất nguy hiểm. Nếu chúng không biết thế nào là tốt xấu, làm sao chúng tránh xa những đứa bạn xấu ở trường? Nhất là trong bối cảnh trẻ con thời nay lớn rất sớm, tiếp xúc rất nhiều thông tin. Cha mẹ cấm cản thì chúng thỏa trí tò mò ở bạn bè, và không hề phòng vệ.

Vẽ đường cho hươu chạy, có gì sai?

Ngày nay cha mẹ không có nhiều thời gian bên con cái, nhất là đối với những gia đình ở thành phố. Chúng đa phần được đưa đến nhà trẻ, hoặc do những cô giúp việc chăm nom. Chúng bắt gặp rất nhiều khái niệm mới từ nhỏ. Và hiểu theo cách riêng của mình. Chúng học hỏi theo cách ấy: thu thập những ý niệm, hình dung về nó, và đến khi lớn lên, một ngày đẹp trời chúng sẽ thốt lên: “À, thì ra chính xác nó là như thế.”

Còn về nhạc, chúng sẽ được nghe nhiều lắm. Hàng xóm bật loa to ầm ầm, các cửa hàng buôn bán ngoài đường, thậm chí các xe bán kem hay kẹo kéo dạo vẫn mở băng “cho cả xóm cùng thưởng thức”. Chúng nghe nhiều như vậy, hằng ngày như vậy, bắt chúng đừng nhập tâm, suốt ngày phải “hổng dám đâu”, là vô lý!

Chúng ta không cho chúng hát những bài hát của người lớn, nhưng chúng ta vẫn kể chuyện cổ tích cho chúng nghe. Chúng đã nghe chuyện “Hòn Vọng Phu”, thì chúng sao lại không thể hát “Đá trông chồng”? Chúng không biết những cảm giác yêu đương “gặp nhau là say, say ngất say ngây”, nhưng chúng biết rằng tình cảm gia đình, bố mẹ yêu thương nhau là có thật. Chúng không biết thế nào là chiến tranh, nhưng chúng biết rằng nó đáng sợ lắm, ghê gớm lắm, và cầu trời đừng để nó diễn ra. Còn về chi tiết hơn, lớn lên chúng sẽ nghiệm ra.

Thứ đến, chúng nghe nhạc người lớn, đâu có nghĩa là chúng không nghe nhạc thiếu nhi? Chúng nghêu ngao về tình yêu thì đâu phải là chiều chiều chúng không còn thơi thả diều? Cứ để chúng thấy tất cả và tự do lựa chọn cho mình.

Hơn nữa, chúng ta là người lớn, đều từng qua thời trẻ con, đều từng thấm thía một điều rằng: những cái thuộc về thế giới người lớn, những điều người lớn vẫn bảo “tụi con còn nhỏ lắm, lớn lên rồi ba mẹ nói”, đối với trẻ còn luôn hấp dẫn khôn cùng. Ta càng cấm cản, chúng càng tìm mọi cách để biết. Lấy gì đảm bảo chúng sẽ không hiểu sai, lệch lạc vấn đề?

Ông cụ non hay “mãi mãi tuổi sơ sinh”?

Trẻ con hát nhạc tình yêu người lớn không xấu, tôi chỉ phản đối nếu chúng say mê những bài hát ủy mỵ, trầm cảm, chán đời, nói khái quát là những loại tình cảm tiêu cực. Để chúng có ý niệm rằng tình yêu thật đẹp, có vui có buồn, có yêu thương, có chia tay, có hết thảy mọi cung bậc, thậm chí đễn nỗi đau chia ly do tình yêu đem lại cũng đẹp khôn cùng, để rồi khi lớn lên chúng tự trải nghiệm và cảm nhận, vẫn hơn là để chúng coi tình yêu luôn là điều gì đó ướt át, và thất tình thì thật là sầu đời, mọi thứ chẳng còn nghĩa lý gì cả.

Các nền giáo dục tiên tiến luôn cố gắng tập cho trẻ tiếp xúc với thực tế sớm. Lớp học vốn dĩ là xã hội thu nhỏ đủ mọi tính cách tốt xấu. Những đội hướng đạo sinh được lập ra với mục đích trang bị cho trẻ những biện pháp đối đầu với mọi tình huống trong cuộc sống. Chúng ta thì ngược lại, muốn trẻ em “chỉ biết học thôi, chẳng biết gì”. Vậy việc học còn có ích gì mấy? Mỗi lần cãi nhau với bạn, chúng không thể tự mình tìm cách xử lý tranh chấp, mà luôn kết thúc bằng câu “mày chờ đó, tao về méc má”, không phải là điều hay. Chúng ta quan sát để can thiệp kịp thời, nhưng nếu chưa có gì nghiêm trọng, thì cứ để trẻ con tự xử lý với nhau, rồi sau mỗi mâu thuẫn, chúng lại trưởng thành hơn. Đó là giáo dục thời hiện đại.

Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, để trẻ con làm ông cụ non thì an toàn và vững vàng hơn nhiều so với việc để chúng “mãi mãi tuổi sơ sinh”, và kết thúc bằng việc “chết vì thiếu hiểu biết”.

Thà chúng ta tìm cách để bầy hươu đừng chạy sai đường, còn hơn để chúng tự mò mẫm rồi lạc lối, vô phương cứu vãn. Nếu không thì có khi chúng lại thắc mắc: “Cái hố sâu đào bên vườn xoan đó để làm gì? Chuẩn bị ngâm rượu ếch à?”

 

Trần Sơn Huy

Tham khảo:

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. nội dung bài viết có vài điều hợp lý nhưng có vài điểm nghiêm trọng cần nói rõ. cần cho trẻ con biết tốt xấu là đúng nhưng còn tùy vào mức độ nhận thức của chúng, trẻ con là những tờ giấy trắng, suy nghĩ chúng còn rất non nớt, trong khi điều đáng nói là chúng thường rất thích bắc chước người lớn, ý tưởng mở rộng cho chúng biết tốt xấu là một sai lầm rất nghiêm trọng. ta chỉ phòng được cái xấu khi ta thật sự hiểu cái xấu đó là như thế nào, mà không phải cho một đứa bé nhìn thấy cái xấu rồi bảo đó là xấu thì nó sẽ hiểu mức độ của cái xấu đó. ví như việc dùng dao đâm một người chết, ta hiểu tính nghiêm trọng của hành động đó, ta hiểu sinh mạng là quý giá đến thế nào, ta hiểu gia đình nạn nhân sẽ đau đớn thế nào. nhưng một đứa bé làm gì cảm nhận được những điều đó. với nó, dùng dao đâm bạn cũng chẳng khác chi dùng tay đánh bạn cả, mà nó cũng biết đánh bạn là xấu đấy thôi nhưng nó cùng thường đánh nhau với các bạn khác. Vậy nếu chúng thấy quá nhiều những cảnh đâm chém thì thế nào? hậu quả không thể tưởng tượng nổi. với những điều tốt chúng ta không cần ngăn chận nhưng với những điều xấu thì nên có giới hạn, cho chúng biết từ từ từng mức độ theo khả năng tư duy của chúng. điều xấu nếu tiếp nhận vượt qua khản năng hiểu biết thì rất dễ trở thành nỗi ám ảnh với chúng, huống hồ trong cuộc sống tốt xấu đôi khi rất khó phân biệt, với những người trưởng thành là điều tốt nhưng nếu trẻ con biết được và bắt chước thì nó thành điều xấu và hậu quả có thể ảnh hưởng suốt quảng đời còn lại của chúng. Trẻ con luôn cần phải đựơc bảo vệ trước những điều chúng chưa có khả năng tự vệ, cả mối nguy hiểm đến thân thể lẫn tâm trí chúng. điều tốt làm hay không làm đều không gây hậu quả gì, nhưng nếu điều xấu mà bị bắt chước và làm thì đến khi hậu quả thật sự diễn ra chúng ta không tài nào quay lại được. Tất nhiên chúng ta cần dạy chúng những điều tốt và xấu, nhưng dùng nhiều phương cách cho chúng tiếp nhận dễ dàng với suy nghĩ của chúng. các câu chuyện cổ tích là một ví dụ. và không thể bảo là vì thông tin ngày nay lưu truyền với tốc độ chóng mặt mà ta cứ cho chúng tiếp xúc thả cửa. trong thời kỳ mới ta phải có biện pháp bảo vệ mới, cái biện pháp đó thế nào mới là quan trọng. còn vẫn như cách giáo dục cũ thì không hiệu quả, mà vẽ đường cho hưu chạy càng nghiêm trọng hơn. Còn nền giáo dục nước ngoài? nền dân trí họ rất cao, nền giáo dục cũng ưu việt nên trẻ con ý thức chúng cao hơn trẻ con nước ta rất nhiều. Nhưng họ cũng có các biện pháp hạn chế cái xấu lan đến chúng. quyền và trách nhiệm trong gia đình được phân rất rõ ràng, phạm lỗi thì phạt nặng, nhưng nếu chúng thắc mắc gì thì luôn được cha mẹ giải thích cho chúng hiểu theo lứa tuổi của chúng. nền dân trí nước ta chưa làm nổi những điều đó nên giải pháp trước tiên là cố gắng ngăn chặn, sau đó là tìm giải pháp phù hợp chứ không thể thả cửa được.

  2. Mình nghĩ thà cho trẻ con va chạm với cái xấu, cái ác để mà nhận ra và tránh xa còn hơn cứ cho chúng một tuổi thơ “hồn nhiên”. Tất nhiên, người lớn chúng ta phải biết “dẫn đường cho hươu chạy”, phải là một con đường mà chúng ta có thể bảo bọn trẻ là; ” con đã biết con đường đúng đắn để đi rồi chưa?”.

  3. bài viết rất hay và hợp lý ,
    thời đại mà nhà nhà internet,wife thì gần như miễn phí,
    con nít nó vốn tò mò,thà giải thích cho nó rõ ,còn hơn đến lúc vướng vào rồi lại ko biết phải ứng xử ra sao,
    mà con nít thì nó vốn bồng bột,mà tivi thì chẳng chiếu dc chương trình nào có tính giáo giukc 1 tý ,mở ra toàn thấy cướp hiếp giết ,
    giải thích chỉ cho nó biết hành động như nào là đúng chứ cứ trốn tránh ko ai bày rồi nó cứ tưởng cuộc đời cũng như mấy bộ phim rẻ tiền thì nguy

  4. đọc xong bỗng nhớ tới 1 câu nói của Khổng Tử, đại ý là: nếu ta đi cùng 2 người trên đường, 1 người thiện và 1 người ác, thì cả 2 người ấy đều là thầy của ta. Người thiện dạy ta những điều hay để ta noi theo, người ác dạy ta những điều ác mà ta cần tránh xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI