31 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn có yêu công việc của mình không?

Featured Image: Becca Heuer

 

Bạn có yêu công việc của mình không?

Công việc tôi đang nói ở đây là công việc kiếm cơm của bạn, là công việc mà hàng tháng bạn khao khát lương nhảy về tài khoản như sa mạc khô cằn chờ ngày mưa đến. Là công việc sáng đi tối về đều đặn 2 buổi trên một cung đường với 1 tuần 7 ngày, đến nỗi bạn có thể đếm được hết bao nhiêu quán bán đồ ăn sáng, bao nhiêu công viên và bao nhiêu góc đường sẽ có các anh áo vàng cầm còi huýt huýt mỗi khi có người đi lệch tuyến, vượt đèn đỏ, ngược chiều hoặc cái gì tương tự như thế.

7 ngày của bạn…

Cung đường của bạn…

Công ty của bạn, đồng nghiệp của bạn…

Công việc của bạn…

Nhưng… bạn có yêu nó không?

Bạn học Đại học. Bạn tốt nghiệp. Bạn ra trường. Rồi từ đây, bạn đâm đầu vào đời như một kẻ vừa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm sau nhiều năm trời mê mải tìm kiếm, như một lữ hành kiệt sức vừa nhìn thấy suối nguồn và đất liền. Bạn mừng rỡ reo vang, phấn khởi, phấn chấn, bới móc tận con tim bao nhiêu nhiệt huyết, tuổi trẻ và sinh lực của bạn để đến với miền đất hứa đó.

Rồi bạn nhận ra đời không như mơ, không như những câu chuyện bạn vẽ ra hàng đêm trước khi đi ngủ để tự trấn an mình bằng những hình đẹp đẽ sau khi ra trường.

Cái thưở mới ra trường ấy, khi bạn vẫn còn rực cháy khao khát cống hiến và chứng tỏ bản thân, bạn nhận một công việc vì rất nhiều lý do:

  • Bạn muốn tích lũy thêm kinh nghiệm với một mức lương khiêm tốn và tự nhủ khi nào con chim đã đủ cánh thì việc tìm đến miền đất hứa để “vỗ béo” sẽ không phải là quá khó.
  • Bạn bị choáng ngợp bởi ánh hào quang của các công ty hàng đầu đất nước, thậm chí là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới và nhận ra rằng đó là thiên đường cho bạn cả về tiền và tiếng. Bạn nháo nhào tìm kiếm và đặt nỗ lực để tham gia chương trình quản trị viên tập sự của họ. Hẳn đó sẽ một trải nghiệm tốt đối với một đứa mới tập tễnh bước vào đời như bạn.
  • Hoặc đơn giản là bạn thích công việc đó dù rằng nó chẳng hề liên quan gì đến 4 năm ngồi mài mông trên giảng đường Đại học.
  • Hoặc càng đơn giản hơn nữa, bạn nhận việc vì nó đúng là ngành bạn đã theo học.

Và có thể còn vài lý do khác nữa mà tôi chưa đủ tầm để phát hiện ra, hoặc giả những lý do này quá phổ biến cho một người vừa rời ghế nhà trường để đến với một môi trường hoàn toàn mới khi nhận công việc đầu tiên trong đời mình.

Nhưng rồi… 1 năm hoặc 2 năm sau, hãy cho tôi biết, bạn có yêu nó không?

Có thể, sau 2 năm, cái nhiệt huyết của một sinh viên vừa ra trường đã giảm đi rất nhiều “nhờ” cái sự đong đưa, đưa đẩy của cuộc đời, của công việc và của con người. Có thể sẽ có nước mắt, rồi có quyết tâm rồi có cả bức xúc, hoặc có thể có sự an nhàn, thoải mái hoặc thỏa mãn. Ai mà biết được.

Lúc này, hãy thử trung thực nhìn lại, sau khi đi qua quãng thời gian đầu tiên cho một công việc trong đời, cái lý do để bạn vẫn đang làm công việc hiện tại, vẫn đang đi trên con đường ấy hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm… thì nó còn muôn màu muôn vẻ hơn cả 2 năm trước:

  • Bạn nhận được một mức lương tương đối tốt, kiểu như “ngó lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai được như mình”, và bạn biết là phải nắm lấy công việc này, chủ yếu là vì con số hàng tháng nhảy nhót trong tài khoản của bạn có thể giúp bạn sống đủ và lo cho gia đình (trả nợ cho bố mẹ, cưới vợ, cưới chồng….) dù rằng bạn ớn tận cổ mỗi sáng phải đặt chân vào công ty và nhe răng cười như thể cuộc đời này tuyệt vời lắm khi bạn được đi làm ở đây.
  • Bạn hài lòng với công việc hiện tại: nhàn hạ, “áp lực” chỉ là 2 từ bạn đọc trên báo chí và nghe than thở từ những người khác, vắng sếp thì trốn đi ăn sáng, uống café hoặc về sớm, chỉ phải lo báo cáo khi sếp cần, không cần lo nghĩ đến kế hoạch, doanh số, deadline…
  • Bạn sợ phải thay đổi sang một môi trường mới, con người mới, công việc mới, con đường đi làm cũng mới nốt. Bạn thích cảm giác an toàn hơn, thích gặp những con người mà mấy năm trời bạn từng gắn bó, công việc của bạn cũng cứ đều đều như thế từ năm này qua năm khác.
  • Bạn hài lòng với chế độ công ty, môi trường của công ty nhưng bạn không hài lòng với công việc hiện tại.
  • Hoặc bạn chỉ đang làm việc cầm chừng để ấp ủ mở công ty riêng hoặc buôn bán nhỏ trong vài năm tới…

Nhưng… bạn có yêu công việc của mình không?

Việc yêu thích công việc của mình, theo tôi là không quá khó. Không phải bạn làm đúng ngành học hoặc có một mức lương khủng là có thể khẳng định bạn có yêu công việc của mình không. Bạn chỉ cần thích nó, luôn mỉm cười với nó, muốn sống chung với nó, không muốn rời xa nó. Tôi thấy tình yêu như thế là quá đủ rồi.

Lương thì quan trọng đấy nhưng cái khiến cho tinh thần bạn phấn chấn và giúp cho hiệu suất công việc của bạn tốt trong thời gian lâu dài thì chưa chắc đã là lương đâu.

Bạn có thể đã có một thời gian mất phương hướng, loay hoay và bế tắc trong công việc nhưng đến thời điểm bây giờ, khi tôi hỏi “bạn có yêu công việc của mình không?” và nhận được câu trả lời “có” của bạn, tôi cho là tôi vô cùng ngưỡng mộ bạn. Tôi ngưỡng mộ bất cứ ai khi đọc bài này và có câu trả lời “có”. Vì bạn biết rồi đấy, bạn chỉ có một cuộc đời, một lần sống nhưng bạn có nhiều lựa chọn, nhiều con đường và nhiều công việc. Hãy chọn cho đúng để bạn luôn cảm thấy cuộc đời này ngày nào cũng đáng sống, và con đường đi làm hàng ngày của bạn sẽ ngắn hơn, nhiều tiếng hát hơn (nếu bạn biết hát và huýt sáo) và nhiều niềm vui hơn.

 

Nhóc Con Bon Chen

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không yêu công việc hiện tại của mình, nhưng nhờ nó mà tôi xây dựng nền tảng cho lý tưởng của tôi, vì vậy tôi vẫn phải làm

  2. minh yeu cv cua mih. nhug lai chat vat voi no de co tien. nhieu khi thay nan lm nhug bo thi lai ko bo duoc. boi vi chi can lm cv ma mih thih thi mih cam thay vv va co hung thu nhug khi nghi den tien thi troi oi la troi…..

    • Đừng quá lo nghĩ về tiền, việc bạn yêu công việc của bạn đã là điều quý giá lắm rồi. Rất nhiều nhà triệu phú và tỉ phú trên TG trở nên giàu có không phải làm công việc có nhiều tiền mà là làm những công việc mà họ yêu thích. Bill gates trở thành tỉ phú không phải do ông kiếm đc 1 công việc có lương cao mà do ông ấy làm công việc mình thích – viết phần mềm.
      Nếu bạn muốn tìm hiểu về các đặc điểm của người thành công thì hãy vào: https://www.youtube.com/watch?v=9ndD1vYdaVY
      P/s: khi viết nhận xét, bạn nên viết có dấu và tránh viết tắt nhiều quá nhé. Đau mắt lắm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI