Featured Image: Jonathan Morris
Nhiều người Việt Nam ngày nay vẫn tin tưởng một cách ngây thơ rằng chính phủ kiểm soát không cho người dân sở hữu và sử dụng súng là để bảo vệ họ, là để bảo vệ xã hội khỏi bạo lực do việc sở hữu súng của những kẻ tội phạm. Sự thật có phải đúng là như vậy?
Trên thực tế khi bạn hay tôi đối mặt với bọn tội phạm, chúng ta ngay lập tức trở thành những người ở tuyến đầu phòng vệ. Lúc đó quá trễ để gọi sự trợ giúp của một ai đó. Những công dân tuân thủ luật pháp luôn là những người ở tuyến đầu đối mặt với tội phạm để bảo vệ bản thân và gia đình mình.
Trong khi đó, những chính trị gia lại nói với chúng ta rằng họ muốn bảo vệ chúng ta khỏi tội phạm có vũ trang bằng cách tước đi quyền sở hữu và sử dụng vũ khí của cá nhân để tự vệ. Đây là lời nói dối lớn nhất của tất cả bọn họ.
“Thế giới này tràn ngập bạo lực bởi vì bọn tội phạm có súng. Chúng ta, những công dân tử tế tuân thủ luật pháp, cũng nên có súng. Nếu không thì chúng sẽ thắng và những người tử tế sẽ thua” – James Earl Jones
Những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề kiểm soát súng thường gắn liền với những cảm xúc mạnh mẽ của cả hai phía. Bên cạnh đó việc lạm dụng khai thác đề tài này đã ít nhiều tầm thường hoá vấn đề kiểm soát súng. Nó cực kỳ nguy hiểm vì quyền được trang bị vũ khí để tự bảo vệ không phải là vấn đề tầm phào. Và quyết định không nên được đưa ra dưới bất cứ áp lực của sự sợ hãi hay hoảng hốt nào.
Kiểm soát súng đi ngay vào trái tim của khái niện mà chúng tôi gọi là Tự do và do đó nó cần được xem xét một cách tổng thể và thận trọng.
Vậy kiểm soát súng chính xác là gì? Nó là kiểm soát dòng chảy của súng trong nước. Nhiều người suy nghĩ đơn giản hơn thì cho rằng kiểm soát súng là tịch thu súng của tất cả mọi người. Kiểm soát súng không hề có nghĩa là tịch thu súng. Điều này là không khả thi bởi vì các phần tử tội phạm trong xã hội sẽ không bao giờ giao nộp súng của chúng, lực lượng quân đội và cảnh sát cũng không.
Câu hỏi đầu tiên khi đó trở nên rõ ràng: Ai là người kiểm soát súng? Câu trả lời là chính phủ mà ở đây chúng ta sẽ gọi là những Người Làm Luật.
Câu hỏi tiếp theo chúng ta cần phải hỏi là: Súng của ai bị kiểm soát? Câu trả lời là nhân dân, những người đã giao nộp súng của họ. Họ là những công dân tuân thủ luật pháp mà chúng ta sẽ gọi là những Người Tuân Luật
Câu hỏi cuối cùng, súng của ai sẽ không bị kiểm soát? Chúng ta có thể giả thiết là bọn tội phạm sẽ không giao nộp súng của chúng và chúng ta sẽ gọi là những Người Phạm Luật
Và như vậy bạn đã có bức tranh tổng thể. Khi nói về kiểm soát súng, chúng ta dễ dàng phân chia xã hội thành ba nhóm có thể nhận diện dễ dàng: Người Làm Luật, Người Tuân Luật và Người Phạm Luật.
Có một sự tranh cãi dai dẳng rằng: Có thật kiểm soát súng, bằng cách nào đó, sẽ làm suy yếu nhóm Người Phạm Luật? Làm thế nào có thể như vậy được? Bạn có tin rằng những tên tội phạm sẽ giao nộp vũ khí của chúng trong khi chúng lại phụ thuộc vũ khí đó để thực hiện tội ác? Ngay cả khi có lệnh kiểm soát súng đi vào hiệu lực thì những vũ khí này vẫn đang lưu thông và những kẻ tội phạm vẫn đang sở hữu súng.
Thomass Jefferson nói về kiểm soát súng:
“Họ tước vũ khí chỉ của những ai không có chiều hướng hoặc đã xác định không phạm tội. Những luật như vầy chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn cho người bị tấn công và tốt hơn cho kẻ tấn công.”
Biện pháp kiểm soát súng cũng không chứng minh được đã tạo được rào cản đáng kể nào cho những kẻ tội phạm đang muốn sở hữu súng. Bất cứ ai với một số vật liệu đơn giản và có truy cập internet là đã có thể tìm thấy hướng dẫn cách và tự mình chế tạo súng. Trên thực tế điều sẽ xảy ra chỉ là súng sẽ được mua bán chợ đen. Hệ luỵ của nó là việc củng cố quyền lực của, hoặc sinh ra các tổ chức mafia nắm quyền kiểm soát việc kinh doanh này.
Như vậy, liệu luật kiểm soát súng có nên được áp dụng lên những công dân tuân thủ luật pháp như là biện pháp để bảo vệ họ, những công dân tuân thủ luật pháp, khỏi bọn tội phạm không để luật đó ràng buộc chúng?
Do nhóm tội phạm không bị ảnh hưởng bởi luật kiểm soát súng. Trên thực tế nhóm này là những ngưởi ủng hộ mạnh mẽ việc kiểm soát súng bởi vì nó giải trừ một cách hiệu quả vũ trang của những người mà chúng muốn làm hại.
Theo bản khảo sát Tội Phạm Quốc Gia Mỹ: “Nếu nạn nhân của vụ cướp không tự vệ, thì những kẻ cướp sẽ thành công trong 88% các trường hợp và nạn nhân sẽ bị thương trong 25% các trường hợp. Nếu nạn nhân chống cự lại với súng, tỷ lệ “thành công” của vụ cướp rơi xuống chỉ còn rơi xuống chỉ còn 30% và tỷ lệ nạn nhân bị thương giảm xuống còn 17%.”
Vậy cái gì là lợi ích của việc kiểm soát súng đối với những Người Tuân Luật. Phải chăng là sự giảm đi của tội phạm? Điều đó là không thể. Các số liệu thực tế từ các quốc gia gần đây ban hành luật kiểm soát súng chứng thực điều này. Hãy lấy ví dụ của Úc. Úc thiết lập kiểm soát súng năm 1996 và chính phủ đã thu giữ và tiêu huỷ 640, 381 vũ khí cá nhân, chương trình này cũng tiêu tốn của người đóng thuế Úc hơn 500,000 dollar và kết quả thu được sau 12 tháng là: tội phạm giết người tăng 32%. trên toàn nước Úc, các vụ tấn công tăng 86%.. Trên toàn nước Úc, các vụ cướp có vũ trang tăng 44%.
Chỉ riêng trong tiểu bang Victoria, tỷ lệ giết người có vũ trang tăng 300%. Cần lưu ý rằng trên thực tế trong khi những công dân tuân thủ luật pháp giao nộp súng, thì những kẻ tội phạm không, chúng vẫn sở hữu súng. Trong khi số liệu của 25 năm trước cho thấy tốc độ giảm đều đặn tỷ lệ cướp có vũ trang thì điều này đã thay đổi hoàn toàn sau 12 tháng thực thi luật kiểm soát súng tại đây, do giờ đây tội phạm được đảm bảo rằng các mục tiêu của chúng không được tự vệ.
Cảnh sát Úc đã thất bại trong việc giải thích tại sao an ninh công cộng lại giảm sút sau khi chính phủ đã tiêu tốn hàng đống tiền của và nhân lực cho chương trình quét sạch súng khỏi xã hội Úc. “Tự vệ không phải là lý do để sở hữu súng” – John Howard, Thủ tướng Úc, phát biểu. Và đó là một trong những lời nói dối vĩ đại của các chính trị gia.
Giả sử nếu chúng ta cũng tin vào luật kiểm soát súng, ai sẽ là người chúng ta sẽ trông cậy khi đó. Chỉ có một nhóm cuối cùng: Nhóm Làm Luật, hay là chính phủ. Chính phủ sử dụng các lực lượng công an, cảnh sát để bảo vệ chúng ta.
Chúng ta có một quyền được ban tặng bởi Tạo hoá là quyền tự bảo vệ bản thân. Từ đâu mà công an lấy quyền bảo vệ chúng ta? Thật vô nghĩa khi để cho công an bảo vệ mạng sống của chúng ta trong khi chúng ta là một cá nhân thì lại bị từ chối quyền đó.
“Khi cảnh sát nổ súng, thì việc họ bắn nhầm người vô tội gấp khoảng 55 lần hơn là thường dân bắn nhầm.” – David Kople
Những người Tuân Luật cần phải được sở hữu súng không chỉ để bảo vệ họ khỏi nhứng kẻ Phạm Luật mà quan trọng hơn khỏi những Người Làm Luật. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ thậm chí đã đảm bảo quyền sở hữu súng của dân chúng bằng cách đưa nó vào ngay trong Hiến Pháp Mỹ. Tu chính án số 2 viết: “Quyền của mọi người được trang bị và giữ súng, sẽ không bị xâm pham.”
“Những dự định tốt sẽ luôn được dùng để biện hộ cho các giả thuyết của nhà cầm quyền. Hiến Pháp được xây dựng để bảo vệ chống lại sự nguy hiểm của các dự định tốt đó.” – Noah Webster
Đây là lý do tại sao bước đầu tiên diễn ra trong một xã hội độc tài là tịch thu vũ khí của tất cả người dân. Nhìn lại lịch sử số lượng người vô tội bị giết nhiều nhất không phải do những Kẻ Phạm Luật, mà luôn bởi những Người Làm Luật.
- Năm 1929, Liên bang Sô Viết thiết lập kiểm soát súng. Từ 1929 tới 1953, khoảng 20 triệu những người bất đồng chính kiến, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
- Năm 1911 Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập kiểm soát súng. Từ 1915 đến 1917, 15. triệu người Armenia, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
- Đức quốc xã thiết lập kiểm soát súng năm 1938 và từ 1939 đến 1945, tổng cộng 13 triệu người Do Thái và người khác, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
- Trung Quốc thiết lập kiểm soát súng năm 1935. Từ 1948 đến 1952, 20 triệu người bất đồng chính kiến, kkông thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
- Uganda thiết lập kiểm soát súng năm 1970. Từ 1971 đến 1979, 300,000 người theo đạo Thiên Chúa Giáo, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
- Campuchia thiết lập kiểm soát súng năm 1956, từ 1975 đến 1977, 1 triệu “trí thuc”+’ , không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
Kiểm soát súng dựa trên một câu hỏi hết sức cơ bản: Bạn tin tưởng ai hơn: chính phủ hay người dân?
“Trong số nhiều hành động sai trái dưới sự cai trị của Anh Quốc tại Ấn độ, lịch sử sẽ nhìn vào luật tước đi vũ khí của người dân trên toàn quốc như là một trong những luật đen tối nhất.” – Mohandas K Gandhi
Nhưng hãy quên tất cả lý thuyết và quên tất cả con số thống kê, bởi vì kiểm soát súng thực sự không phải là về kiểm soát súng, mà là một thứ lớn hơn rất nhiều. Đó là về kiểm soát quyền, nó là về quyền của mỗi chúng ta để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình khi bị đe doạ. Nó là về việc một người sở hữu súng không có nghĩa anh ta là tội phạm hay có tội. Và trên hết thảy nó là về TỰ DO.
“Giài giáp nhân dân là cách hiệu quả nhất để nô lệ hoá họ.” – George Mason (Phỏng theo Ron Ownby Frisco)
Tại Việt Nam vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tiệm vàng đã có thể có kết cục không bi thảm đến thế nếu gia đình người chủ tiệm vàng được phép sở hữu và sử dụng súng để tự bảo vệ mình. Rõ ràng tên cướp khoẻ mạnh sẽ bất lợi hơn khi đối mặt với hai vợ chồng già nhưng có súng để tự vệ. Hãy hỏi những người chủ tiệm vàng rằng họ có muốn mọi người được phép sở hữu súng hay không?
Một ví dụ khác, nếu những người nông dân được phép sở hữu và sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình, có thể sự việc đã không tồi tệ đến thế khi ông Vươn dùng súng chống trả lại lực lượng cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Những ông chủ tịch Huyện sẽ phải làm việc tôn trọng pháp luật hơn, sẽ phải nghiệm túc đàm phám với người dân, hơn là có thiên hướng sử dụng sức mạnh để trấn áp những người dân trong các giao dịch còn đang tranh cãi. Nếu người dân được phép sở hữu súng, sẽ có ít khiếu kiện đông người tranh chấp đất đai hơn, vì luật lệ khi đó sẽ được tôn trọng hơn do các ông chủ tịch xã hiểu được hậu quả khi người dân bị dồn vào bước đường cùng sẽ đứng lên và phản kháng với vũ khí của họ là như thế nào.
Nếu bạn nghĩ kiểm soát súng là để bảo vệ bạn, hãy suy nghĩ lại.
Quyền sở hữu và sử dụng súng để tự vệ là quyền cơ bản để bảo vệ tự do của chúng ta.
chưa thấy bài nào có các lập luận thiếu sót như vậy. Theo tác giả, tự do tức là được dùng súng và được phép lấy mạng người khác? Cảnh sát được lập ra làm bù nhìn? Hiện giờ kẻ manh động dùng dao đã giết cả nhà người ta, giờ cho nó dùng súng để nó làm nhanh và dễ hơn? Mấy con số đưa ra không có căn cứ, dẫn chứng (nói tỷ lệ giết người tăng 300%, tức là trước có 1 vụ, giờ tăng thành 3 vụ?)
Ở đây kiểm soát bao gồm CẤM với người dân và hạn chế với người thi hành công vụ. Nếu có xô xát xảy ra thì tổn thất về mạng người là nhỏ nhất có thể, kẻ phạm tội cũng là con người.
Nôm na, nếu 1 kẻ lao vào cướp tài sản + dùng dao gây thương tích thì vẫn tốt hơn là 1 cuộc đấu súng làm chết vài người trong cuộc, mà ở đây 2 bên đều có súng. Tóm lại, bài viết này rất ngụy biện.
Nếu nhớ không nhầm thì Rousseau trong khế ước xã hội có viết về quyền tự vệ của công dân có đoạn đại khái như sau ( chỉ nhớ ý) : nếu anh bị kẻ khác tấn công thì anh có quyền đáp trả lại với một hình thức tương đương vì vậy việc cấm tư hữu súng đạn có thể coi là một tội ác tiếp tay cho cái ác
Dạo này nhiều thanh niên choai choai bị ngộ Mỹ. Dân chí thì thấp, ý thức thì con ruồi, tổ chức xã hội thì chưa đâu vào đâu. Chừng nào chưa kiểm soát đc. mặt con ng` thì dẹp cái trò súng đạn đi. Thời gian tìm hiểu lý luận của ng` Mỹ để dạy đời thì nên dùng để tìm hiểu thêm về Vn đi. Đời cuối cùng vẫn là làm đc. cái gì, chứ ko phải là nói đc. cái gì
đồng ý,h ra ngoài nhìn đâu cũng thấy mấy con gà choai choai,cho nó dùng súng ,thằng nào mắt lé đi qua nó bị cho là khệnh khạng,khiêu khích nó cho 1 viên kẹo đồng thì xuống âm phủ mà phân mình nha,
Lập luận của bài viết giống hệt lập luận của những nhà tư bản sản xuất súng đạn. Họ – những nhà tư bản sản xuất súng đạn luôn lươn lẹo trong lý lẽ và dùng bàn tay lông lá quyền lực của mình để bảo vệ lợi nhuận từ việc sản xuất súng đạn. Muốn vậy họ phải cổ võ cho việc tự do sở hữu súng. Tôi sẽ chỉ ra một ví dụ để chứng minh.
Ngày 14 -12 – 2012, một vụ thảm sát bằng súng xảy tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newtown, bang Connecticut, nước Mỹ. Danh tính thủ phạm được xác định là Adam Lanza 20 tuổi, được xác định là một kẻ rối loạn về nhân cách.
Những nạn nhân gồm tên 12 bé gái và 8 bé trai, trong đó 16 em mới 6 tuổi. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là bé Noah Pozner vừa mới tổ chức sinh nhật lần thứ sáu hồi tháng trước. Một nạn nhân khác là bé Josephine Gay vừa lên 7 vào ngày 11-12-2012, ba ngày trước vụ thảm sát. Sáu nạn nhân người lớn đều là phụ nữ, lớn tuổi nhất là cô Mary Sherlach, 56 tuổi, chuyên viên tâm lý của trường. Cô Sherlach cùng với cô hiệu trưởng Dawn Hochsprung thiệt mạng khi cố gắng ngăn cản tay súng.
Vụ thảm sát tại Trường Sandy Hook lại một lần nữa khiến nước Mỹ bước vào cuộc tranh luận sôi sục về vấn đề kiểm soát việc sở hữu và sử dụng súng.
Người nước ngoài đến Mỹ thường ngạc nhiên khi thấy súng đạn được bày bán tự do như một mặt hàng bình thường. Người mua chỉ cần có đủ các điều kiện về tuổi quy định, không có tiền sử phạm tội hoặc bệnh tâm thần và được cảnh sát cho phép thì có thể mua súng và được cấp giấy phép sở hữu súng. Người mua chỉ cần tự khai vào một biểu mẫu, người bán gửi bản khai đó cho cảnh sát, sau khi đối chiếu với hệ thống hồ sơ lưu trữ toàn quốc về nhân thân của công dân Mỹ, cảnh sát sẽ trả lời có cho phép mua súng hay không (mọi liên lạc đều qua mạng), còn nếu thấy có vấn đề, cảnh sát lập tức đưa người đó về đồn thẩm tra.
Ai chưa biết cách dùng súng thì không được mua súng. Nơi bán súng thường có bãi thử súng. Người mua súng phải qua sát hạch tương tự khi lấy bằng lái xe: sát hạch lý thuyết rồi sát hạch thực tế khả năng dùng súng. Có giấy phép rồi hằng năm phải trình xét.
Quản lý súng lỏng lẻo như vậy là kết quả các cuộc vận động lobby của Hiệp hội Súng quốc gia (National Rifle Association of America – NRA) vốn là một tổ chức do những thợ săn và người thích súng lập ra năm 1871. Có tới tám Tổng thống Mỹ từng là thành viên NRA: Grant, Theodore Roosevelt, Eisenhower, Kennedy, Nixon, Reagan, George H.W. Bush, đặc biệt ông Bush con (George W. Bush) được coi là tổng thống thân thiện nhất với súng.
Thời xưa, khi việc người dân sở hữu súng chưa gây ra lắm rắc rối thì NRA chủ yếu mở các khóa huấn luyện cách sử dụng súng an toàn, kỹ thuật bắn súng và săn bắn. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở đi, khi nhiều người Mỹ lên tiếng đòi kiểm soát súng thì NRA đã từ vai trò câu lạc bộ những người yêu súng trở thành đoàn thể chính trị phản đối việc cấm súng.
Ngày nay NRA có 4,3 triệu hội viên và là một trong những đoàn thể có thế lực nhất nước Mỹ. Họ từng chi 10 triệu USD cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2008. Tờ Washington Post cho biết trong lần bầu cử Quốc hội gần đây, 4/5 ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử. Vì thế các chính khách rất ngại chống lại NRA.
Để đưa ra lý lẽ cho việc sở hữu súng, những người phản đối việc cấm súng, trong đó bao gồm cả Hội NRA và đảng Cộng hòa, đưa ra lập luận rằng thông thường cảnh sát chỉ đến hiện trường sau khi đã xảy ra hành động phạm tội, vì thế mang theo súng là cách tự vệ tốt nhất của người dân khi đối mặt với hung thủ.
Trong buổi nói chuyện trên đài truyền hình tin tức Fox hôm 15-12-2012 ngay sau cuộc thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, dân biểu Cộng hòa Louis Gohmert lập luận rằng vấn đề không phải là một quốc gia tràn ngập súng mà là công dân không được trang bị súng đầy đủ. Ông cho rằng các nạn nhân trong vụ nổ súng tại Trường Sandy Hook có lẽ đã được cứu, nếu giáo viên được mang súng đến trường. Ông nói: “Nghe câu chuyện về hành động anh hùng của vị hiệu trưởng, tôi ước gì bà ấy có một khẩu súng trường trong văn phòng của bà. Như vậy khi nghe tiếng súng bà sẽ mang nó ra, mà không phải lao ra, một cách anh hùng, với hai tay không”.
Đến lúc người dân cũng phải tự đặt ra câu hỏi, tính mạng con người hay khẩu súng quan trọng hơn! Với nước Mỹ, việc tự do sở hữu súng đã đem đến hàng loạt vụ xả súng thảm khốc. Khẩu súng làm sao so được với tính mạng con người!
Chả hiểu tóm lại là bạn muốn nói gì? Không đồng ý, cũng chẳng phản bác được. Những dẫn chứng bạn đưa ra còn ủng hộ tác giả????
Tôi đã viết rất rõ ở trên: “Đến lúc người dân cũng phải tự đặt ra câu hỏi, tính mạng con người hay khẩu súng quan trọng hơn! Với nước Mỹ, việc tự do sở hữu súng đã đem đến hàng loạt vụ xả súng thảm khốc. Khẩu súng làm sao so được với tính mạng con người!”. Tôi phản đối việc tự do sở hữu súng đạn.
Bạn phải hiểu ở đây có hai nhóm lợi ích. Một nhóm muốn cấm sử dụng súng và một nhóm muốn cổ võ cho việc sử dụng súng – thường là các nhà sản xuất súng. Tác giả bài viết trên đang đứng trên phương diện ủng hộ việc tự do sở hữu súng nên lập luận phải giống lập luận của các nhà sản xuất súng đạn. Ví dụ tôi đưa ra để chứng minh luận điểm này!
Làm người lại đặt quyết định vào tay kẻ khác cũng là người, đó gọi là làm thú cũng không chính xác, vì thú dữ sẽ dũng cảm và thẳng thắn. Ba cái luật lệ chẳng qua để mị những kẻ sống bằng sự sợ hãi, ru rú sống người chẳng ra người ngợm chẳng ra ngợm. Luật lệ không bao giờ làm cho cuộc sống an toàn hơn, nó chỉ cho cảm giác như thế mà thôi, trên thực tế chỉ có những con cừu non ngây thơ mới tin vào luật, bởi vì cừu non thì trong thâm tâm nó đã tự cho nó thấp kém hơn người khác.
Xin lỗi tôi quá ngu, phát biểu linh tinh có gì bỏ qua nhé!
Không vấn đề, tôi tôn trọng cách suy nghĩ của bạn! Cám ơn bạn!