Featured image: Tranny
“Tạo hoá luôn ung dung, nhưng mọi thứ đều được hoàn thành.” — Lão Tử
Sống vội vã
Trong cuộc sống đô thị tấp nập, bận rộn được coi là một chuẩn mực đánh giá sự thành đạt của con người. Chúng ta thường nghe mọi người nói chuyện với nhau những câu thoại thật “vội vã”.
Trưởng phòng lấy le với cậu thực tập sinh mới toanh: “Tôi có cả trăm công việc đang cần được triển khai, cậu làm như vậy trễ tiến độ của tôi mất.”
Chủ dự án nói với nhà thầu: “Tôi muốn rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành việc này, sẽ không kịp mất.”
Hay đơn giản cặp tình nhân trong một sáng café đầu tuần: “Nhanh lên em, anh trễ làm mất rồi!”
Vội vã dường như trở thành một lối sống thời thượng, mọi người làm việc, gặp gỡ, giao tiếp… với một tần suất nhanh đến chóng mặt, với năng lượng của một chú chim ruồi năng nổ… Vội vã trở thành thước đo sự thành công, sự quan trọng của một cá nhân.
Về cơ bản, phong trào “vội vàng” chỉ có ở các đô thị lớn, do xu thế toàn cầu hoá, bởi nhu cầu của công việc đòi hỏi mỗi cá nhân phải đảm bảo “số lượng công việc cần hoàn thành” ở mức cao nhất có thể, mỗi vị trí công việc đều có chỉ tiêu, cam kết. Dần dần, xu hướng này dẫn đến việc mỗi cá nhân buộc phải vội vã hơn để hoàn thành cam kết của mình.
Thế nhưng, cố gắng “đáp ứng đúng số lượng” không đồng nghĩa với “trở nên chất lượng hơn”
Người Mỹ làm việc trung bình 44 giờ/tuần, người Anh là 40 giờ/tuần, con số này ở Pháp là 35 giờ/tuần, thế nhưng năng suất làm việc của người Pháp vẫn cao hơn người Mỹ hoặc người Anh. Nổi tiếng nhất về tác phong chậm chãi, có lẽ là người Thụy Điển. Ví dụ như ở hãng xe Volvo, Thụy Điển, thời gian tối thiểu để hoàn thành bất kỳ một dự án nào của công ty cũng là 2 năm. Nó dường như trở thành một quy tắc.
Liên quan nhiều hơn đến cách sống của người Thuỵ Điển, tôi xin trích lại câu chuyện của Blogger Leo Babauta, tác giả trang blog nổi tiếng về thiền định như sau:
“Lần đầu tiên tôi tới Thuỵ Điển, một trong những đồng nghiệp đến đón tôi ở khách sạn mỗi buổi sáng. Lúc đó tháng 9, trời hơi lạnh và có tuyết. Chúng tôi thường đến chỗ làm sớm hơn 30 phút và anh ấy thường đậu xe cách rất xa lối vào (2000 nhân viên của công ty đều lái xe đi làm).
Ngày đầu tiên, tôi không nói gì, ngày thứ hai và thứ ba cũng vậy. Rồi đến một buổi sáng, tôi hỏi: Anh có phải đỗ xe ở một chỗ cố định không? Tôi để ý chúng ta luôn đỗ xe rất xa lối vào ngay cả khi không có một chiếc xe nào khác ở bãi đỗ gần cửa ra vào.
Anh chậm rãi trả lời: Một khi chúng ta đến đây sớm, chúng ta sẽ có thời gian để đi bộ. Ngược lại, bất kỳ ai đến muộn sẽ trễ giờ nên cần một chỗ đỗ xe gần cửa ra vào để kịp đi nhanh hơn. Anh không nghĩ thế sao?
Hãy hình dung khuôn mặt tôi lúc đó.”
Sống chậm hơn, tập trung hơn. Đó là hạnh phúc
Có lẽ chúng ta đã nhận thức sai ngay từ đầu về tác phong làm việc. Công việc rập khuôn làm chúng ta bị lập trình mặc định để nghĩ rằng “vội vã” đồng nghĩa với năng suất làm việc tốt, mà quên đi rằng, tốc độ làm việc không quan trọng bằng sự tập trung trong công việc.
Công việc sẽ được hoàn thành tốt hơn, khi ta cố gắng làm việc đa nhiệm, chìm trong một núi email, cuộc gọi, hay khi ta chỉ tập trung hoàn thành một công việc quan trọng nhất trong cùng một khoảng thời gian nhất định.
Buổi gặp gỡ sẽ thú vị hơn khi ta luôn bị gián đoạn bởi điện thoại, nói những câu chuyện vô thưởng vô phạt ngoài chủ đề; hay khi ta dành thời gian tập trung trò chuyện, chia sẻ quan điểm với nhau thật cởi mở.
Cuộc sống sẽ thú vị hơn khi ta như một cỗ máy, chỉ biết thức dậy vội vã đến văn phòng vào buổi sáng, trở về nhà trong trạng thái mệt lữ, say xỉn vào lúc khuya hay khi ta luôn biết chuyển động chậm lại, dành thời gian quan sát, hiểu rõ mọi thứ đang diễn ra quanh mình, cân bằng công việc và thư giãn.
Tôi tin rằng, mọi người đều có thể nhận thức được câu trả lời
Vậy nếu, bạn đồng ý với tôi rằng sống chậm và tập trung là một lối sống đúng đắn thì hãy lên kế hoạch cải thiện nhịp sống vội vã của bạn ngay từ bây giờ.
Tôi trước kia vốn là người hấp tấp, làm gì cũng nhanh nhảu đoảng. Thế nhưng, hàng ngày tôi vẫn thường mơ về những phút giây chậm chạp hạnh phúc đã từng đi ngang qua cuộc đời mình.
Một sáng cuối tuần ngày thơ bé, mẹ sai đi chợ. Con đường dẫn đến chợ đẹp lạ lùng: Hàng cây bên đường xanh tốt, nắng sáng chủ nhật trong veo, thi thoảng còn gặp vài người quen lớn tuổi, tôi khoanh tay chào và nhận được nụ cười đáp lại. Giây phút ấy trôi qua thật chậm chạp, trong trẻo. Kết quả là tôi đi chợ mất cả tiếng đồng hồ, bị mẹ mắng nhưng niềm vui vẫn lấp lánh trong lòng thơ trẻ.
Tôi học nhạc, bản nhạc phối Mederato (vừa phải) mà nó quyến rũ quá, tôi đòi thầy đổi thành Adajo (chậm rãi) mới chịu học. Học mà lòng cứ mê mẩn, tay nâng niu từng nốt nhạc như nâng niu bàn tay người tình.
Buổi tối bên nàng, tôi cùng nàng đi dạo dọc bờ hồ se lạnh, kể nàng nghe những chuyện đùa, lặng lẽ ngắm nàng cười, từ nụ cười ấy mà mơ ước. Chúng tôi chậm rãi trải qua từng phút ở bên nhau, chẳng lo nghĩ hay nhớ đến một núi công việc đang nằm trên bàn giấy chờ chúng tôi hoàn thành. Chậm rãi trở thành viên đường ngọt ngào nhất, bỏ vào ly chè bóng tối đen đặc dành cho chúng tôi. Chốc chốc tôi cười lém lỉnh: Ai lại vừa bỏ thêm viên đường vào ly chè đêm tối thể em nhỉ, ngọt ngào quá đỗi.
Hay sáng nay tôi cafe ở H, theo một cách rất lạ lùng. Tôi ngồi tay chống cằm, mắt đăm đăm nhìn cà phê nhỏ giọt. Không thích album hôm nay quán mở, tôi đeo headphone & repeat bản Making Memories Of Us. Miệng không nói, mắt không hiếu động, ngó nghiêng như mọi ngày. Anh chủ quán lại vỗ vai hỏi: “Có chuyện buồn hả em?” Giá mà có cách nào để tôi giải thích cho anh hiểu sự im lặng hạnh phúc của tôi. Tôi lắc đầu cười theo kiểu: It’s okay. I’m fine!
Nhạc nền của Making Memories Of Us dắt tôi vào một chuyến phiêu lưu, tôi cảm tưởng như những dòng ký ức đẹp đẽ mềm mại trôi qua tay mình. Cảm giác như thể nhúng bàn tay vào dòng suối thượng nguồn tươi mát trong một buổi trưa hè chói nắng.
…
Những giây phút sống chậm như thế thật là đáng quý trong cuộc đời!
Cuộc sống sẽ tốt đẹp, nhiều giá trị hơn khi không vội vã. Hãy luôn luôn nhớ kỹ điều này: Tạo hoá luôn ung dung, nhưng mọi thứ đều được hoàn thành!
Hồ Thụ
cũng có khi đúng với một thời điểm một công việc nào đó như bạn nói cái cần gấp thì không thể chậm trễ được không gì là tuyệt đối nó chỉ hữu hạn ở mức nà đó thôi
ok, nhất trí cao với quan điểm của bạn .
ai cũng muốn sống chậm, sống ung dung, nhưng thực tế thì cuộc sống chuyển động rất nhanh. Trong một thời điểm, có hàng nghìn người trên thế giới cùng làm 1 công việc như bạn, như chung ta, và nếu chậm thì ta sẽ ở phía sau. Muốn đạt được một điều gì đó cần nhanh và tập trung. Ví dụ về việc đỗ xe xa ở Thụy Điển đề cao tính cộng đồng, để cái nhanh là cho cả một tập thể, là 1 thông lệ rất đẹp, nhưng ko có nghĩa là người ta thích chậm.
Ta vẫn cần những lúc chậm để suy nghĩ được sâu, nhưng chỉ nên 1 phần chậm còn 9 phần phải nhanh.
mình nghĩ khác, việc gì cũng có thời điểm của nó cả, nhanh một chút hay chậm đi một chút chưa hẳn đã xấu, chỉ đừng để nước đến chân mới chạy dài là được