Featured Image: Wikipedia Commons
Tôi vừa thoát qua khỏi một cơn đau thừa sống thiếu chết. Từ nhỏ tới giờ tôi ít khi phải vào viện trừ một lần bị muỗi sốt rét đốt. Đó là lần duy nhất tôi phải vào viện. Nhưng đó là bệnh cấp tính, là vấn đề sức khoẻ thông thường mà lỡ chẳng may thì ai cũng có thể mắc phải. Lần đau này thì khác, tôi cảm nhận rõ rằng sức khoẻ của mình đã có chiều hướng đi xuống, bước sang một giai đoạn khác. Có lẽ giai đoạn tuổi trẻ của tôi đã trôi qua thật rồi!
Hôm vừa rồi tôi có việc ra ngoài bỏ quên điện thoại trong phòng riêng. Khi về thì thấy 2 cuộc gọi lỡ của mẹ. Tôi liền gọi lại cho mẹ. Bạn có biết câu cửa miệng mà mẹ hay hỏi tôi nhất khi bắt đầu một cuộc điện thoại với tôi là gì không? “Con sao rồi?” Chỉ đơn giản vậy nhưng lần này tôi bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa trong câu hỏi đơn giản đó của mẹ tôi.
Về tôi, khỏi phải ai phán xét hay nhận xét, tôi cũng tự biết mình là loại người nào, sự ngang bướng của tôi có thể sánh với bất kỳ kẻ ngang bướng nào từng tồn tại trên thế gian. Tôi thích làm những việc khác thường. Tôi đã làm những việc khác thường. Tôi chưa bao giờ hối hận vì bất cứ quyết định nào của mình. Nhưng giờ đây, tôi thực sự cảm thấy hối tiếc vì ước gì tôi đã hành xử khác đi, theo cách thông minh hơn đối với những quyết định của mình. Bởi vì dù có gặt hái được bao nhiêu điều trong cuộc đời này đi chăng nữa, tôi cũng đã từng làm cho nước mắt của mẹ mình phải rơi!
Tôi hiểu rõ sự khó khăn của tất cả các bạn sinh viên nào có ý định bỏ học để bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ thầm kín nhất của bạn. Đây không phải là quyết định của những người bình thường. Đây là quyết định của người có đủ dũng khí và sẵn sàng tự chịu trách nhiệm cho tương lai của mình. Đây là con đường ít người đi. Đây là con đường đi ngược lại so với số đông. Số đông thì có nhiều lý lẽ hơn số ít, số đông thì lý lẽ của họ nặng ký hơn lý lẽ của bạn. Cho nên trước khi đi đến quyết định của mình thì bạn phải hiểu rõ bạn sẽ phải chống lại với điều gì.
Nếu bạn may mắn hơn tôi thì cha mẹ của bạn không thuộc về số đông. Nhưng may mắn này là 6 con số độc đắc mà không dễ gì thuộc về bạn. Cho nên bạn hãy cẩn thận với quyết định của chính mình. Quyết định đó có thể đưa bạn lên tận đỉnh vinh quang hoặc có thể dìm cuộc đời bạn vào tăm tối và gây ra vô vàn rắc rối từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Đừng bao giờ ảo tưởng nếu bạn chưa thực sự biết mình là ai và sức mạnh nội tâm của bạn có đủ để vượt qua những ngày tháng khó khăn khi phải vừa thực hiện ước mơ vừa chống chọi lại với vô vàn ý kiến tồi tệ mà mọi người nhắm vào bạn. (Bạn có thể đọc lại bài Không bỏ đại học mới là ngu)
Khi tôi quyết định bỏ học mà chưa có một hướng đi cụ thể nào, bầu trời thật u ám, giông bão đã nổi lên. Tôi nghĩ mình đủ mạnh mẽ, tôi đã từng nghĩ như thế. Tôi có thể bỏ ngoài tai tất cả mọi lời đàm tiếu nhưng khi đối diện với chính ba mẹ mình thì mọi điều trở nên khác hẳn. Khi đó không phải là những lời khuyên nhủ, tranh luận hay ý kiến mà là ánh mắt buồn thăm thẳm của ba và những giọt nước mắt của mẹ thì nếu bạn là tôi, bạn sẽ làm gì?
Cách đây mười mấy năm trước, có một đêm như thế, một đêm mà ba tôi ngồi một góc không nói gì, mẹ tôi thì khóc liên tục vì không thể hiểu nổi tại sao đứa con mà mới đó vẫn còn ngoan ngoãn giờ đây lại có một quyết định điên rồ đến vậy. Tôi không chịu đựng được những giọt nước mắt đó, tôi cũng không biết phải làm cách nào để những giọt nước mắt của mẹ thôi rơi. Khoảng cách giữa các thế hệ trở nên thật nghiệt ngã. Không thể chịu được và cũng không biết phải làm gì thêm nữa, giữa đêm, tôi không nhớ mấy giờ, tôi mở cửa và lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Đêm đó tôi đã thề rằng nếu tôi không thành công trước 30 tuổi, tôi sẽ tự mình leo lên lan can lầu 4 và nhảy xuống!
Hành động đó nhiều người có thể sẽ xem là tất cả những gì điên rồ nhất của tuổi trẻ, nông nổi và bốc đồng. Nhưng hãy khoan, nếu bạn biết về lịch sử của gia đình và dòng họ tôi, bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại có tính cách đó, bạn sẽ hiểu tại sao tôi có quyết định đó. Bạn sẽ hiểu điều gì đã thôi thúc tôi, bạn sẽ hiểu điều gì giữ lửa cho tôi trong suốt những năm tháng dài khi chưa thành công người khác luôn nhìn vào tôi với sự mỉa mai châm chọc. Bạn sẽ hiểu ngọn lửa nào mà tôi muốn thắp lên trong trái tim mình, tôi muốn ngọn lửa đó lan sang Mẹ của tôi, tôi muốn ngọn lửa đó lan truyền sang những người thân yêu của tôi, tôi muốn ngọn lửa đó lan sang những bạn trẻ có chí hướng và đầy khát khao.
Bạn có biết rằng khi phải ở trong những thời khắc khó khăn nhất, khi không thể làm gì để dung hoà giữa ý muốn của người thân và ước mơ cháy bỏng của mình, tôi phải nương nhờ tới tiếng nói từ trong tận sâu thẳm trái tim mình. Tôi không cần biết bạn sẽ quyết định như thế nào, hãy quyết định dựa trên sự chính trực, tình yêu và điều cao cả.
Tại sao tôi vẫn quyết định nghỉ học dù gia đình ngăn cản tôi?
Hãy để tôi kể cho bạn nghe về cuộc đời của mẹ, của bà, những người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Năm 1955 mẹ tôi được sinh ra ở Quảng Ngãi. Tuổi thơ của mẹ trôi qua phập phồng sống nay chết mai trên mảnh đất giao tranh ác liệt. Hãy hình dung về giai đoạn đó theo cách ít tưởng tượng nhất qua các đoạn văn tôi sưu tầm sau đây:
“Anh ta bắn [vào đứa bé] với một khẩu a.45. Nhưng trượt. Chúng tôi cùng cười. Anh ta tiến thêm khoảng 1 mét rồi lại bắn trượt. Chúng tôi cười. Cuối cùng anh ta dí súng vào đầu đứa bé và cho nó ăn kẹo đồng”
“Vài người cố dậy và bỏ chạy. Họ không thể và ngã xuống. Tôi nhớ có một người phụ nữ, chị ta đứng dậy và cố gắng làm việc đó – cố gắng chạy – với một đứa bé trên tay. Nhưng chị không thể.”
“Binh lính bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết… Những nơi khác trong làng, nỗi bạo tàn [của lính Mỹ] mỗi lúc chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt; những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu “C Company” (“Đại đội C”) trên ngực.”
Trong bối cảnh chiến tranh khủng khiếp như thế thì việc theo phe này hay phe kia thực ra chẳng phải là vấn đề gì quan trọng. Có lẽ sự tàn ác của phe Mỹ đã vô tình làm cho hầu hết người xứ Quảng đều đi theo phe còn lại. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Vì thế, năm 1961 ông ngoại tôi bị bắt và bị biệt giam ở Khánh Hoà, sau đó không lâu bà ngoại tôi trúng đạn và đã bị đem vô nhà xác. Một kì tích xảy ra là các bác sĩ Mỹ phát hiện ra bà còn sống và đã cứu sống bà. Trong hoàn cảnh đó mẹ và dì tôi đã may mắn được đến giúp việc nhà cho 1 sỹ quan, có lẽ chính ăn nhờ ở đậu tại nhà 1 sỹ quan cao cấp mà mẹ và dì mới sống sót đến ngày ông ngoại tôi được thả tự do.
Sau khi được trả tự do không lâu, nhận thấy không thể bảo toàn tính mạng cho gia đình nếu tiếp tục ở lại Quảng Ngãi nên ông ngoại tôi đã đưa tất cả gia đình vào Lâm Đồng, nơi được cho là ít giao tranh hơn. Tôi không biết điều gì đã giúp ông ngoại đưa ra quyết định đó nhưng trong tận sâu thẳm theo linh cảm của mình tôi biết nếu ông làm khác đi thì ngày hôm nay tôi đã không xuất hiện trên trần thế để viết cho bạn đọc những dòng này.
Tuổi thơ dữ dội và cuộc sống khó khăn khiến cho mẹ tôi dường như không tin vào một tương lai màu hồng nào mà tôi cố vẽ ra. Đối với mẹ thì việc tôi ăn học đàng hoàng và có một công ăn việc làm đã là ước mơ tốt nhất của bà. Đó là ước mơ rất chính đáng của mẹ mà tôi hoàn toàn hiểu rõ. Đó cũng đã từng là ước mơ của tôi khi tôi chưa nhận ra những điều vô lý trong giáo dục đối với việc thực hiện ước mơ cụ thể của từng người. Nhưng tôi đã không hiểu một điều, tôi nhận ra những điều vô lý đó nhưng mẹ tôi không thể nhận ra vì mẹ không hề đến giảng đường như tôi, mẹ không có điều kiện để tận mắt chứng kiến các sự kiện quan trọng mà tôi từng chứng kiến. Mẹ không có điều kiện đọc nhiều sách như tôi. Mẹ không gặp những người giàu có tại Sài Gòn như tôi. Mẹ không có nhiều tham vọng như tôi. Và nhiều nữa…
Tôi biết rằng tôi không phản bội lại ước mơ của mẹ, tôi chỉ muốn hiện thực hoá một ước mơ lớn hơn. Nhưng tôi đã quá quyết đoán, đã quá đột ngột trong hành động của mình. Đó là điều duy nhất mà tôi cảm thấy cực kì hối tiếc. Tôi và bạn cần phải hiểu một chân lý đơn giản là dù với bất kì cách hành xử nào thì người mẹ chân chính vẫn luôn luôn muốn điều tốt nhất cho con mình, có thể là theo cách nhìn riêng của các mẹ. Vì thế tôi nghĩ đáng lẽ ra tôi phải có cách hành xử thông minh hơn gấp bội lần, bởi vì tôi nghĩ mọi vấn đề luôn có cách để giải quyết một cách thông minh.
Nhưng hãy để tôi tiếp tục nói về những suy nghĩ sâu xa của mình, nói về điều gì đã có thể giúp tôi dồn mọi quyết tâm để thay đổi đời mình. Thật lạ lùng là dường như tất cả mọi cha mẹ người Việt đều có những ước mơ mà ước mơ đó lại chẳng liên quan đến chính họ mà là dành cho những đứa con của mình. Cha mẹ sống và nỗ lực để thực hiện ước mơ mà họ dành cho con cái! Đó trông có vẻ là một hành động cao quý nhưng ẩn chứa trong đó lại là bi kịch lớn lao. Vì không sống với ước mơ của chính mình, mọi cha mẹ sống theo lối đó đều không hạnh phúc. Làm sao chúng ta có thể hạnh phúc khi không được sống cho chính mình. Cha mẹ nghĩ khi con thành đạt thì họ sẽ hạnh phúc, sẽ viên mãn nhưng theo tôi trào lưu xã hội này lại hoàn toàn phi logic.
Cha mẹ bạn sẽ phải chờ bao lâu để được nhìn thấy bạn thành công? 12 năm, cộng với 4-7 năm tiếp theo, hàng chục năm tiếp theo nữa để có một vị trí thực sự xứng đáng trong xã hội. Vài chục năm! Bạn hãy nghĩ về con số vài chục năm. Hãy hình dung về con số đó, hãy quy nó ra số tháng, số tuần, số ngày, số giờ mà họ phải mòn mỏi đợi chờ để nhìn thấy sự thành đạt của bạn. Đó là chưa nói đến nếu chẳng may bạn không thành đạt gì cả, trở thành một nhân viên quèn sống cuộc sống lê thê chán nản cho đến hết đời. Điều không may đó thì vẫn đang rất phổ biến đấy thôi!
Từ nhỏ tôi cảm nhận được ước mơ con cái sẽ thành đạt của ba mẹ trên đôi vai của mình. Vì tôi học tập tốt nên hy vọng của ba mẹ càng nhiều. Nhưng trong suốt những năm tháng tôi còn ở gần ba gần mẹ tôi chưa bao giờ nghe nói về ước mơ của chính ba mẹ mình. Mẹ chỉ nói về tương lai của tôi và các em tôi mà trong đó không có tương lai của mẹ. Có thể là cả ba lẫn mẹ tôi đều có những ước mơ thầm kín nhưng đã không bao giờ hiện thực hoá những ước mơ đó. Tôi cảm thấy một điều gì đó không đúng, không những tồn tại trong gia đình tôi mà là tồn tại trong rất, rất nhiều gia đình Việt Nam. Tôi phát hiện ra điều đó là hoàn toàn sai lầm.
Cha mẹ không thể chắp cánh cho con nếu chính họ không thể thực hiện được ước mơ, sứ mệnh của chính họ trong cuộc đời. Nhưng không nhiều lắm những người cha, những người mẹ nhận ra điều đó. Họ không thể nhận ra bởi vì bị tác động nặng nề từ các xu hướng xã hội, phong tục tập quán, tư tưởng đạo giáo, tâm lý đám đông và vô vàn những tác động khác. Họ bị xã hội lợi dụng một cách thô bạo. Những người cha quét rác, những người mẹ bán vé số, những gia đình nghèo xơ xác, những câu chuyện cha mẹ dù nghèo vẫn cố cho con đi học được truyền thông tung hứng ca ngợi lên tận mây xanh càng làm cho xu hướng sai lầm này được củng cố và phát triển.
Nếu bạn có tình yêu sâu sắc đối với cha mình, với mẹ mình, với dòng họ của mình, với anh chị em của mình, với thế hệ sau của mình thì bạn sẽ làm gì khi nhận ra tất cả bi kịch đó? Bi kịch là cha mẹ của bạn đã hy sinh cả đời họ để làm những thứ sai lầm. Họ bị ngành giáo dục và xã hội lợi dụng. Bạn sẽ làm gì?
Sống trong gia đình mình tôi không thấy được sức mạnh, sự tự tin, niềm kiêu hãnh, niềm hân hoan, hạnh phúc thực sự khi cha mẹ cứ phải “cày” hết năm này đến năm khác chỉ để dành dụm tiền phục vụ cho chuyện học hành của tôi và các em. Bạn có thấy mẹ bạn vui khi nhà trường gởi giấy thông báo học phí trễ hạn? Bạn có thấy vui nổi không khi bạn 40 tuổi và ước mơ cha mẹ bạn mong muốn ở bạn vẫn còn ở xa tít mù phía chân trời? Bạn có thấy vui không khi cha mẹ của bạn ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn đau đáu vì con mình chưa thành đạt? Bạn vui nổi không? Tôi thì không, tôi có thể nhìn thấy tương lai thê thảm đó. Tôi đã nhìn thấy các sự kiện đó xảy ra khắp nơi xung quanh mình. Những người con chán nản, thất bại hoặc cố sống theo ước muốn của cha mẹ. Bên cạnh đó là vô số hình ảnh thất vọng của cha mẹ vì dường như đối với họ sau hàng chục năm ôm lấy hy vọng vào ngành giáo dục họ đã hoàn toàn bị lừa!
Toàn bộ gia đình đều sẽ không hạnh phúc nếu tiếp tục đi theo mô hình cũ. Không phải riêng một mình tôi. Đó mới chính là điều đáng sợ nhất. Tôi muốn gia đình mình hạnh phúc. Ham muốn đó chính là ngọn lửa mà tôi đốt lên trong tim mình. Gia đình tôi hạnh phúc thế nào được nếu tôi không hạnh phúc! Vấn đề chính là chỗ đó. Cha mẹ không thực hiện ước mơ của mình, không sống cuộc đời của mình mà lại hy sinh toàn bộ cho con cái. Mới nhìn qua thì cách làm đó thật đáng ca ngợi nhưng nếu đào sâu tận nền tảng thì đó lại là cách làm nghịch lý.
Cha mẹ thành công, hạnh phúc, tự do, sống cuộc đời chính họ một cách tuyệt vời thì chính điều đó mới là tấm gương cho những đứa con. Đó mới chính là cách làm đúng đắn. Còn hiện nay cứ tới mùa thi ở TPHCM hay Hà Nội bạn đều thấy vô số người cha, vô số người mẹ kè kè bên đưá con cưng cứ như chúng mới vào mẫu giáo! Việc học trở thành không phải của riêng đưá con, nó trở thành gánh nặng cho hầu hết các gia đình. Thế mà không hề có một ai chịu tự mình phân tích, không một ai chịu thay đổi, không một ai dám tách ra khỏi lề lối cũ mèm đó.
Khi bạn nhận ra bi kịch của thời đại bạn nhất định sẽ yêu quý gia đình mình hơn. Không ai khác chính là cha là mẹ của bạn và tôi đã bị lôi tuột vào cái vòng xoáy nghiệt ngã do xã hội và marketing giáo dục tạo nên. Cha mẹ đã không thể thực hiện những ước mơ của họ chỉ vì mải miết tìm cách thực hiện ước mơ cho con cái. Thế rồi mọi gia đình đều chịu gánh nặng đó. Mọi người tự làm khổ nhau vì cái gánh nặng được khoác áo mỹ miều đó. Mỗi lần ba hay mẹ tôi phải đi xin miễn giảm học phí cho tôi hoặc các em tôi thì bạn có biết tôi nghĩ gì không? Mỗi khi thấy mẹ tôi ngày qua ngày tiết kiệm từng đồng cừng cắc chỉ để lo cho việc ăn học của các con thì bạn biết tôi nghĩ gì không? Tại sao cha mẹ phải khổ thế chỉ để cố với tới một tương lai mà ở đó tôi biết sẽ có hằng hà sa số sinh viên ra trường, giành giật công ăn việc làm với nhau, tranh đoạt lẫn nhau để vươn lên vị trí tốt hơn người khác. Để thỏa lòng cha mẹ là phải làm như thế hay sao các bạn thân mến?
Kiên quyết thay đổi số phận không có nghĩa là bất hiếu, không có nghĩa là bất kính, không có nghĩa là không yêu thương cha mẹ mình. Bạn phải yêu thương gia đình mình đủ lớn để có đủ lòng can đảm và quyết tâm đập tan, xóa sạch cái bi kịch mà sẽ lặp đi lặp lại mãi có thể kéo dài đến nhiều thế hệ nữa của bạn. Hãy tự hỏi chính bạn: bạn có muốn con bạn ở trong một gia đình giống bạn, trong một gia đình mà cha mẹ phải vất vả chỉ để nuôi các con ăn học hay bạn muốn con bạn ở trong một môi trường mà cha mẹ chúng được sống một cuộc đời tràn trề ý nghĩa và truyền cảm hứng cho con cái? Tôi không muốn trở thành người cha chỉ biết cúi mặt kiếm tiền để nuôi con mình ăn học. Tôi muốn trở thành một người cha có cuộc sống tuyệt vời, sống ý nghĩa, sống tự do, tràn đầy niềm vui. Tôi muốn con mình có thể sống an nhiên thoải mái tung cánh bay cao bay xa dù có dưạ vào hệ thống giáo dục hay không. Tôi muốn xây dựng nên một gia đình đầy cảm hứng sáng tạo. Tôi muốn xây dựng nên một gia đình khác biệt. Tôi muốn mình trở nên mạnh mẽ không gì có thể quật ngã và con cái mình cũng vậy. Tôi muốn thay đổi dòng họ của mình mãi mãi!
Khi mẹ khóc vì tôi bỏ học, tôi chưa đủ sâu sắc để hiểu tại sao. Giờ đây thì tôi hiểu rõ ngày đó mẹ đã rất sợ hãi, sợ hãi không biết đứa con to xác này của mẹ có đủ sức để đi con đường quá khác lạ so với hầu hết mọi người hay không. Mẹ sợ hãi vì không làm cách nào có thể tin vào quyết định của tôi. Mẹ không có đủ dữ kiện để tin rằng tôi sẽ thành công. Mẹ sợ tôi sẽ thất bại. Mẹ sợ tôi sẽ lạc lối. Mẹ sợ một tương lai không có gì đảm bảo dành cho tôi. Mẹ sợ hãi không biết tôi có bị vấn đề gì về thần kinh hay không. Cả ngàn lẻ một thứ khác làm cho mẹ sợ hãi.
Giờ đây tôi hay nghĩ vui nếu ngày đó mà mẹ không hề khóc thì mới là vấn đề lớn. Bởi vì chỉ có thể xuất phát từ mong muốn bảo vệ an toàn cho con thì mẹ mới có những phản ứng như thế. Nhưng tôi không muốn cả đời mình mẹ phải luôn lo lắng cho những đưá con của mẹ. Có thể phải mất 5 năm, 10 năm hay lâu hơn thì tôi cũng sẽ bằng hành động của mình chứng minh cho mẹ biết rằng tôi đủ sức đương đầu với mọi thứ trong cuộc sống.
Thành đạt hay giàu có chỉ là những thứ quá nhỏ bé so với việc bạn làm cho mẹ mình an lòng và tin rằng đưá con của mẹ có thể san phẳng bất cứ khó khăn nào mà nó gặp phải trong đời. Thành đạt hay giàu có có là gì so với việc bạn có thể chứng minh cho cha mẹ mình biết rằng bạn luôn có ngọn lưả trong tim dẫn đường, luôn có niềm vui trong nội tâm và có đủ khả năng sống hạnh phúc. Thành đạt hay giàu có có là gì so với việc bạn trở thành một con người giàu có về tâm hồn, tử tế và chân chính. Thành đạt hay giàu có có là gì so với việc bạn có thể sống với 100% tiềm năng và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh. Thành đạt và giàu có có là gì so với việc bạn trở thành con người đầy sáng tạo và thích khám phá. Thành đạt và giàu có có là gì khi bạn trở thành người sẵn sàng thách thức và đập tan mọi giới hạn về khả năng của chính bạn. Và nhiều nưã… Thế nhưng những đức tính đó, những khám phá về sức mạnh bản thân đó bạn sẽ có được ở giảng đường hay có được khi phải đối diện với cuộc sống thực muôn màu?
…
Khi sức khỏe của tôi có dấu hiệu không tốt tôi nghĩ rằng không biết điều gì sẽ xảy ra cho cho cha mẹ chúng ta khi họ bước sang tuổi 60,70 và hơn nưã. Mẹ tôi đã khóc khi tôi bỏ học nhưng mẹ sẽ khóc vì hạnh phúc nếu biết được rằng suốt mười mấy năm qua tôi đã nỗ lực có, sai lầm có, thành công có, thất bại có nhưng tôi đã được sống đúng với con người thật sự của mình. Mẹ mơ ước tôi có thể sống trong đầy đủ vật chất vì có lẽ đời mẹ đã quá vất vả thì tôi đã làm được nhiều hơn thế. Tôi nghĩ tôi thật may mắn vì đã vượt qua rất nhiều sóng gió, điều mà càng ngày càng làm cho tinh thần của tôi thêm mạnh mẽ và giúp tôi có thể thấu hiểu được sức mạnh của tính khiêm tốn kết hợp với lòng kiêu hãnh. Bạn nghĩ tôi bỏ đại học để làm giàu, đó chỉ là biểu hiện ở bề ngoài. Thực ra tôi bỏ học để khai phá chính bản thân mình, tìm ra những quyền năng còn giấu kín đâu đó trong chính bản thân mình, tìm ra sứ mệnh thực sự của mình khi đã hiện diện trên thế gian tươi đẹp này. Và tôi chưa bao giờ dừng quá trình đó lại.
Nếu có một quyển sách mà tôi sẽ đọc không bao giờ chán thì đó chính là quyển sách về lịch sử, về sự thay đổi của chính dòng họ mình. Trong đó có sợi dây vô hình nối kết các thế hệ lại với nhau. Những nhân vật chính trong đó bao gồm tổ tiên, cha mẹ, tôi và các thế hệ kế tiếp. Trong quyển sách đó thì mẹ là nhân vật mà tôi muốn khi lật qua mọi trang có nhân vật đó tôi sẽ mỉm cười thật hạnh phúc vì mẹ đã sinh ra những đưá con có tâm hồn thật mạnh mẽ, trong đó có tôi.
Mỗi người chúng ta hãy làm gì đó thật đặc biệt, bởi vì khi bạn làm điều gì đó với tình yêu sâu sắc và lòng kiêu hãnh, bạn sẽ không thể thất bại. Mỗi người hãy tự viết nên lịch sử dòng họ theo cách mà mình muốn. Mỗi người hãy viết nên quyển sách mang tên Mẹ, tên Cha, tên mình, tên con mình với dữ kiện là các sự kiện có thật nhưng đẹp hơn cả cổ tích. Nhiều người đã không còn tin vào những câu chuyện cổ tích. Tôi thì nói rằng nếu bạn thực sự có đủ các tính cách tốt đẹp mà bạn sẵn sàng rèn luyện thì cuộc đời bạn sẽ đẹp còn hơn cả cổ tích ấy chứ.
Mr. Bow
Sài Gòn, ngày 12/08/2014
“Trong bối cảnh chiến tranh khủng khiếp như thế thì việc theo phe này hay phe kia thực ra chẳng phải là vấn đề gì quan trọng. Có lẽ sự tàn ác của phe Mỹ đã vô tình làm cho hầu hết người xứ Quảng đều đi theo phe còn lại. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. “. =>
(y)
Tôi đã đọc đi đọc lại, tôi vẫn chưa hình dung ra nội dung như thế nào. tôi chỉ thấy cách marketing của tác giả quả bậc cao.
Nhưng vẫn thích đọc, đọc để ngộ. ngộ ngộ……….
Tuyệt vời :))) Thấm !
Một bài viết rất có hồn.
ĐỌC ĐI ĐỌC LẠI MỚI THẤY ẨN SÂU TRONG NỘI DUNG BÀI VIẾT NHỮNG ĐIỀU HAY.
Cảm ơn!
Một bài viết quá tuyệt vời. Như đang nhìn vào chính bản thân mình, gia đình mình. Cảm ơn tác giả
không biết phải bình luận làm sao để xứng đáng đặt dưới bài viết quá tuyệt vời của tác giả