Featured Image: Wikipedia
Đàn ông phải dài, không được ngắn. Phụ nữ lại càng phải dài, không được ngắn. Dài và kín. Nếu ngắn thì sẽ gặp rất nhiều trắc trở trong cuộc sống. Tôi muốn nói tới quan niệm về trang phục của chúng ta.
Tại sao vào những chốn “linh thiêng” lại không được ngắn? Người ta đã từng sa sả phê phán những phụ nữ ăn mặc mong manh giữa địa phận của thánh thần. Có lẽ những người phê phán đã giao tiếp được với thần thánh hoặc ít ra cũng được thánh thần báo mộng, vậy nên mới biết các thần không thích nhìn phụ nữ mặc váy ngắn, áo ngắn, lộ khe ngực, khe đùi…
Nhưng tại sao thánh thần không thích nhìn? Chẳng ai nói rõ hết. Người ta chỉ nói chung chung: Ăn mặc như vậy là xúc phạm! Thế thôi.
Phải chăng bản thân bộ ngực của phụ nữ hoặc cặp đùi của họ, cái lưng trần của họ… tự thân chúng đã là một sự xúc phạm nặng nề của tạo hóa? Chắc chắn là không! Nếu vậy, việc để lộ nó ra một chút thì có gì mà xúc phạm?
Tôi không biết câu trả lời, chỉ xin phép đưa ra một vài giả thuyết:
Phụ nữ không được hở hang vì thuần phong mỹ tục. Đây là lý giải quá chung chung, xin phép bỏ qua.
Phụ nữ không được hở hang vì thánh thần không thích nhìn? Thánh thần đã thoát tục rồi thì việc nhìn hay không nhìn có ảnh hưởng gì đâu? Nói những kẽ hở trên trang phục phụ nữ “xúc phạm thánh thần” mới chính là sự xúc phạm thánh thần.
Phụ nữ không được hở hang vì sự hở hang sẽ gây ra ham muốn từ phía nam giới, có thể dẫn đến những ý nghĩ dâm ô và các hành vi đồi bại, từ đó gây ra phạm pháp và tệ nạn xã hội. Đây có lẽ là gốc rễ của mọi vấn đề liên quan tới sự hở hang. Nhưng quốc gia nào nổi tiếng nhất về hiếp dâm mà bạn biết? Đối với tôi đó là Ấn Độ, một quốc gia khá kín đáo.
Phụ nữ thuộc sở hữu của đàn ông: Trẻ thì của bố, lớn thì của chồng, già thì của con. Vậy nên phải kín giữa nơi công cộng để không rơi vào tay người đàn ông khác. Tôi tin đây mới là lý do chính yếu mà người ta ghét nhìn phụ nữ hở nơi công cộng (miệng thì ghét, mắt thì cứ nhìn thô lố).
Người ta có thể thích nhìn hở hoặc không thích nhìn hở, nhưng thiết nghĩ hở là quyền tự thân và phụ thuộc vào con mắt thẩm mỹ riêng của mỗi người. Con mắt đó có thể tốt hay xấu, một số người hở xấu như ma làm! Tuy nhiên, anh không thích không có nghĩa là nó tồi tệ.
Có một lý do khác, rất chung chung, nhưng được áp dụng phổ biến đối với cả phụ nữ hở và đàn ông hở. Nó là nguyên nhân người ta bắt các sĩ tử mặc quần ngắn phải về thay đồ trước khi vào phòng thi. Nó là: không phù hợp!
– Quần ngố không phù hợp với giảng đường! Về thay! Đây là môi trường học thuật chứ có phải chỗ chơi đâu!?
Tôi không biết tại sao môi trường học thuật lại không phù hợp với quần ngắn. Lẽ nào trang phục ngắn và hơi hở hở sẽ ngăn cản khả năng tiếp thu kiến thức và sự sáng tạo, ngay cả khi đó chỉ là một chiếc quần ngố, hay váy ngắn (lộ đầu gối)? Theo tôi biết thì một trong những thời điểm đầy sức sáng tạo của con người là khi họ đứng trong nhà tắm, hát nghêu ngao và không mặc gì cả!
Khi còn học đại học, trong một “hội nghị” sinh viên, tôi thậm chí còn được nghe một “sinh viên tiêu biểu” đề xuất ý tưởng đặt tấm gương cực lớn trước cổng trường để làm trong sạch học đường! Theo anh bạn mà tôi đã quên béng cả diện mạo lẫn danh tính này, mỗi khi đi đến trường, những nữ sinh mặc váy ngắn sẽ tự nhìn thấy họ trong gương nó phản cảm như thế nào, họ sẽ tự xấu hổ ra sao và từ đó không dám mặc ngắn nữa. Anh khác thì đề nghị dán khẩu hiệu phê phán việc mặc ngắn khắp nơi trong trường!
Gác lại chuyện khẩu hiệu, tôi chỉ muốn nói đến cái gương vì ý tưởng này lạ quá. Nếu để cái gương tại cổng chính hay cổng phụ, chắc người ta sẽ đứng ngắm nhiều đến nỗi tắc nghẽn lối đi, và các sinh viên khác tha hồ chậm giờ.
Khi vào công ty, sự bất công xảy ra theo chiều hướng khác. Tại đây, nữ giới được giải thoát khỏi quần dài: Họ đã có thể mặc váy ngắn quá đầu gối, dù không được quá ngắn. Còn nam giới chúng tôi, chỉ được quyền mặc quần ngố vào những ngày làm việc không chính thức; còn lại là cứ phải dài.
Vũ Kenzo
Vấn đề là nó càng ngày càng ngắn, hở, đến nỗi trang phục giờ chỉ mang ý nghĩa làm đẹp chứ không còn để che chắn, bảo vệ cơ thể nữa.
Ko biết nói gì với tác giả luôn. Ăn mặc là do ý thức, cần phải biết chổ nào mặc cái gì chứ, nó thể hiện trình độ văn hoá của mỗi người. Một người nết na, có học vấn chả ai lại mặc áo 2 dây, hở rốn, váy ngắn tới mông long nhong ra đường. Một người đàn ông có văn hoá, thì phải biết ăn mặc chỉnh chu đi ra đường, chả ai lại đến nơi công cộng, nơi sang trọng, nơi tôn nghiêm mà quần đùi, áo 3 lổ cả.
Và nói thật, nếu bạn so sánh với Âu-Mỹ cho rằng họ phóng khoáng, ăn mặc tự do vì bạn chỉ xem phim, đọc báo thấy thì bạn lầm to, đó cũng là những người có văn hoá ko cao. Tôi làm việc với người nước ngoài, họ ko gò bó trong cách ăn mặc như bắt buộc phải đồng phục công sở nhưng bảo đảm với bạn rằng họ cũng ko ăn mặc lố lăng như vậy khi đi làm hay đến các nơi công cộng.
Tác giả suy diễn như một người hành tinh khác mới đến trái đất vậy. Muốn biết vì sao phải có quy định về ăn mặc thì chỉ cần tưởng tượng:
– bạn đến chùa nghe giảng kinh thì các ông sư mặc quần áo hiphop ra giảng, trời nóng quá thì mấy ông ấy cởi quần áo ra cho nó mát;
– Giả sử bạn là phái đẹp, bước vào phòng làm việc ở công ty nhưng phòng thì trật trội mà có đến hàng chục ông tướng cởi trần, chỉ mặc duy nhất quần đùi hoặc sịp, người đầy mồ hối, súng ống lựu đạn ẩn hiện khắp nơi.
– bạn đến trường thì các thày cô mặc đồ bơi để dạy, vì hết giờ các thày cô sẽ đi bơi nên mặc thế cho tiện.
– bạn bật ti vi xem các nhà lãnh đạo của đất nước trả lời trước báo trí quốc tế về tình hình chính trị, do quá căng thẳng mấy ông này nude luôn trước ống kính cho thoải mái và chĩa thẳng khẩu shotgun nòng ngắn vào ống kính uy hiếp khán giả truyền hình.
Khi đó bạn sẽ thấy sao? (Các ví dụ chỉ mang tính tượng trưng)
Bạn mặc đồ chủ yếu cho người khác ngắm, vì vậy không thể thích gì mặc cái đó được.
Tôi đang thử tìm câu trả lời, và thử đặt ra câu hỏi để mọi người cùng tìm, nhưng câu trả lời của các bạn cũng không xa hơn những gì tôi đặt ra là mấy. Truyền thống, tính dục, sự sở hữu, và có thêm một yếu tố mà tôi chưa viết là sự phân biệt đối tượng (trang phục dùng để phân biệt vị trí và chức năng của từng người). Nhưng đây không phải những lý do bản chất. Cái gì đã làm những con vật trước kia trần chuồng nay phải che đi thân thể mình, và thậm chí còn phải che một cách quá cầu kỳ với vô cùng nhiều quy tắc như thế?
Dù thế, câu hỏi này quá xa khả năng trả lời của chúng ta ở đây. Bài viết chỉ nói về những điều kỳ lạ mà tôi nhận thấy thôi. Mà mọi người thì nghiêm túc quá. Thế nên tôi cũng khá thích những ví dụ của bạn. Mặc dù sau ngần ấy ví dụ mà bạn lại kết luận rằng mặc đồ chủ yếu cho người khác ngắm, thì thật vô cùng phí phạm những ví dụ thú vị mà bạn đưa ra.
Về chuyện người ngoài hành tinh… nếu được là người ngoài hành tinh thì tốt, tôi cũng thích ngắm vũ trụ lắm nhưng chưa có dịp :)). Có điều, thỉnh thoảng giả làm người ngoài hành tinh rồi nhìn về trái đất, cũng thấy lắm sự lạ lắm đó bạn.
Tôi ưng bạn.
“Cái gì đã làm những con vật trước kia trần chuồng nay phải che đi thân thể mình, và thậm chí còn phải che một cách quá cầu kỳ với vô cùng nhiều quy tắc như thế?”
Có lẽ chúng ta nên quay trở lại thời kỳ tiền sử trần truồng nhỉ? Từ đầy lông ở băng hà, rồi rụng lông ở tiền sử, rồi thì mặc da thú giữ ấm, rồi thì trang sức, vân vân vân. Ái chà, để liên hệ các bạn bên trường KHXHNV :))
Hình như có chỗ hơi ngược bạn ạ, băng hà người ta rụng khá nhiều lông rồi và phải mặc da thú giữ ấm thì phải. Với lại tiền sử không phải là sự tiếp diễn của bằng hà.
Bẻ câu chữ vậy thôi chứ thực ra chuyện đó không quan trọng. Cái chính là ý bạn đưa ra: người ta mặc quần áo để thay thế cho bộ lông. Nhưng như thế thì thời tiền sử không đồng nghĩa với sự trần truồng, và sự trần truồng cũng không đồng nghĩa với tiền sử. Phải không nhỉ?
Chúng ta có cởi hết thì cũng không thể thành khỉ đâu, bạn yên tâm ^^.
cách viết của bạn thú vị thật, mặc dù mình có quan điểm khác nhưng vẫn muốn đồng tình
còn mình là nữ, mình nghĩ lúc đi một mình (không có bảo tiêu) thì không nên mặc ngắn, để tự bảo vệ mình thôi, bạn biết đấy, người có người tốt và người không tốt, nguy hiểm tiềm tàng
còn khi mà thấy nữ khác mặc ngắn, hở, thiệt tình là mình cũng nhìn không rời mắt, nhất là nữ đẹp, không phải ganh ghét j đâu, nhưng thật là rất hấp dẫn, mình nghĩ với một số người là rất kích thích, có một số người ganh ghét chỉ trỏ nữa, mặc kệ những điều đó thì các em ấy cũng phải tự tin mà.
nói chung là tự tin thì mặc, và cũng nên tự bảo vệ mình.
Bạn sẽ nghĩ sao nếu bạn đến một cơ quan nhà nước mà cán bộ công chức mặc áo ba lỗ, hai dây, quần đùi, váy ngắn và đi dép tông? Hay ở trường đại học của bạn các thầy cô giáo mặc những trang phục như vậy tới đứng trên giảng đường và dạy bạn? Mọi trang phục đều phải phù hợp với hoàn cảnh, không gian. Và tôi tin rằng mặc dì bạn viết như vậy nhưng bạn ăn mặc sẽ chẳng khác gì mọi người xung quanh cả.
Chả nghĩ sao cả, trang phục chả nói lên được cái gì, quan trọng là họ mặc cái gì, mà họ thích cái đó, họ thực sự cảm thấy thoải mái, họ thực sự không quan tâm người khác nghĩ gì, mà họ cảm thấy thoải mái với thứ họ mặc, vậy tại sao mình phải nghĩ ngợi về việc họ mặc gì? (Há chẳng phải hết sức nực cười à?)
Hay đấy :v đậm cái tôi cá nhân, có thể sẽ trái ý vài người nhưng cái ý của bạn rất hay :3
Thật mắc cười với chàng ”sinh viên tiêu biểu”, tôi tự hỏi không biết chàng ta có biết con gái dành gần cả giờ để soi gương trước khi ra đường không và chàng ta có phải trai không :3
~baka~
Một cái nhìn … không hẳn là mới hay lạ gì mà chỉ là đa số người ta ko muốn viết ra. Khi nhận thức tốt hơn thì bạn sẽ không còn suy nghĩ này.
Hiểu đơn giản và phù hợp nhất rằng sự hở hang của phụ nữ làm tăng dục tính cho bản thân , cho người xung quanh, không nên tí nào ở nơi công cộng và nhất là nơi lịch sự, tôn nghiêm. Dục tính ảnh hưởng đến công việc, tình cảm, tâm lý, vvv…Thí dụ như thầy giáo làm sao giảng bài cho nữ sinh váy ngắn đến bẹn, khéo mà mất tư cách của nhau. Còn về Ấn Độ, khi nào bạn ở tại Ấn Độ, bạn hiểu được sự thật thì chúng ta nói tiếp chứ bây giờ bạn chỉ mới ngồi tại VN đọc báo VN đưa tin về Ấn Độ mà thôi.
Tôi chả thèm bàn về đàn ông mặc dài hay ngắn làm gì. Vì đàn ông có mặc quần 5cm ngoài đường thì chưa chắc mấy cô, mấy chị đã thấy kích thích. Trời sinh cái giống đàn bà nó thế!
Mà cả đàn ông ở Sài Gòn thì tuềnh toàng đủ kiểu chứ chả phải lúc nào cũng cầu kỳ như ngoài Bắc vậy đâu. Quần short là chuyện thường với họ trừ nơi công sở.
Cho tớ hỏi là :
Đúng là công sở thì có cái quan niệm phải được mắt .. vì thế váy ngắn và quần dài là phù hợp. Vậy còn nơi tôn nghiêm, lịch sự là sao ? Ai tạo nên cái này ? Đâu phải với ai nó cũng là cái chốn tôn nghiêm, lịch sự ….. cũng như bạn không thể bắt dân Ấn theo tập quán Việt ……. còn chuyện váy ngắn …. bạn có thể thử nhìn …….. Nhật :v
Đây tớ nói đơn giản …. tư cách của mỗi người mà thôi :3
~baka~
Bạn này nhiều lần reply tôi và lần nào cũng hỏi, trả lời rất ngô nghê…Thật tình tôi không muốn trả lời bạn vì khi bạn lớn bạn tự trả lời đc mà. Bạn đang ở độ tuổi thích cái mới, cái lạ, thích ngược chiều đám đông nhưng bạn cần đọc,học hỏi nhiều hơn trước khi tiếp nhận bất kỳ ý kiến trái ngược lẽ thường nào bởi không phải cứ “lạ” là đúng,là hay.
“Đặt ra vô số câu hỏi mà không khi nào cố gắng tìm ra hay khám phá, là đặc tính của một cái trí tầm thường.”— Jiddu Krishnamurti.
Không tớ muốn tham khảo chính cái quan điểm của bạn nên tớ mới hỏi bạn :3 bằng không tớ có thể hỏi bạn tớ, bác google, .v.v…….
Nhưng ở đây tớ thấy lạ hay trắng ra là không thích lắm phần cmt của bạn :3 nên tớ mún trực tiếp hỏi để xem ý kiến của bạn nó như thế nào
~baka~
đồng ý vs bạn!
ví dụ khi đi nhà thờ, chùa chiền ngta mặc đồ ngắn ngắn/hở hang thì cũng chả ảnh hưởng đến thánh thần nào cả
đúng, nhưng nó ảnh hưởng đến những người xung quanh
ngta đến những nơi đó để tìm những cảm giác tâm linh, nếu các cô gái mặc đồ hở hang sẽ khiến người khác không thể tập trung được mà nhất định sẽ bị phân tâm k ít thì nhiều, cái này k chỉ là phép lịch sự, mà là ý thức thôi! ý thức về việc mình làm gì đừng để ảnh hưởng k tốt đến người khác
còn nếu muốn trách ai đó rằng “ai mướn a bị phân tâm, ai mướn a suy nghĩ k đứng đắn bla bla” thì thật là ấu trĩ
mình đồng ý vs tư tưởng bài viết về 1 số điều như là k phải cứ hở là tồi tệ… nhưng chuyện lôi thánh thần vào cái cách ăn mặc của con người như thế thì nông cạn quá
Và cũng thật sự không hiểu cái bạn Nhock Mons ở dưới nói cái gì nữa, “tư cách” chả liên quan đến chuyện ăn mặc bạn ạ! tư cách khác nhân cách nhé, và thậm chí cách ăn mặc cũng chả nói lên nhân cách là bao
à k biết suy nghĩ có hơi phồn thực quá k nhưng khi đọc câu đàn ông phải dài mình lại nghĩ tác giả đang nói đến thứ khác chứ k phải quần áo :v :v :v quê quá
Nửa đoạn đầu thì có lý nhưng đoạn về sau có vẻ sa đà vào ý kiến chủ quan và không hợp lý lắm. Đúng là mình mặc sao thì cũng chả ảnh hưởng đến suy nghĩ hay cách mình làm việc, và mình mặc thì mình hưởng, đại loại vậy. Tuy nhiên, nếu thế thì người ta phát minh ra các thể loại trang phục để làm gì?
Theo tôi đc biết, ngoài việc làm đẹp bản thân người mặc, thì bên cạnh đó nó rất quan trọng trong việc nói lên anh là ai, và anh nghĩ sao về người đối diện. Nghe đoạn cuối có vẻ hơi lạ đúng không? Nhưng đó chính là sự thật, xem qua vài bộ phim của Mỹ, thậm chí người ta còn phải quan tâm đến màu của…cà vạt, vì trong một số ( nhiều ) trường hợp, màu sắc cũng góp phần trong việc truyền tải thông điệp ngầm đến đối phương. Một thứ nhỏ nhoi như vậy mà người ta còn phải xem trọng, mà đấy còn là ở “Tây” nhé thì bạn cũng nên hiểu rằng tổng thể chung càng phải quan trọng đến mức nào..
Có thể ở các trường nghệ thuật thì không bị giới hạn nhiều về trang phục, nhưng đó là trong quá trình bạn ĐÃ và ĐANG học ở đó, không phải khi đi thi. Đi thi đâu chỉ có thầy cô ở trường đó trong mà còn rất nhiều thầy cô khác từ các trường khác nhau về trông. Trong nghệ thuật thậm chí bạn cởi truồng thì cũng chả ai quan tâm, nhưng ngành khác thì họ có thể coi đó là sự xúc phạm và thiếu tôn trọng. Bạn đòi hỏi người khác nghĩ trên quan điểm của bạn, thể bạn đã bao giờ nghĩ trên quan điểm của họ chưa?
Trời nắng thì nhiều giám thị vẫn phải quần dài sơ mi đóng thùng, sinh viên tình nguyện thậm chí không được mặc thêm bất cứ loại áo chống nắng hay khẩu trang gì, công an, CSGT thì càng không nói… Vậy thì trong 2-3 ngày thi, đúng hơn là chỉ vài giờ đồng hồ mặc quần dài thì các bạn mất gì nào? “khổ” đến đâu ? Bạn nghĩ đó là bất công, thế công bằng ở đâu với những người phải mặc đồng phục quanh năm suốt tháng?
Cuộc đời vốn không công bằng, nó là sự chấp nhận mất đi để đạt được một thứ gì đó về. Bạn muốn mặc thoải mái? ok! Nhưng thế đồng nghĩa bạn sẽ không thể ép buộc đc cảm xúc người ta nghĩ về bạn khi thấy bạn mặc nó, cũng như việc họ đối xử với bạn như thế nào. Mặc là quyền của bạn, vậy họ nghĩ sao cũng là quyền của họ, đúng chứ ?
Cái đây tôi xin được nói ở VN thôi chứ k dám nói trên thế giới. Vì ở Nhật nữ sinh mặt đồng phục váy ngắn hay Mỹ sinh viên vẫn được ăn mặc tự do.
Tôi chỉ hỏi bạn 1 câu. Khi đi làm giấy tờ ở các cơ quan Nhà Nước bạn có mặc quần đùi, áo ba lỗ tới k?
Trã lời dùm …. dám thì có dám đó :3 cơ mà ai bảo lãnh tui đây :3
~baka~
Có thể tôi lạc hậu hoặc là bạn quá hiện đại nhưng tôi nghĩ mặc thế nào là quyền tự do cá nhân của mọi người nhưng có một quy ước bất thành văn (hoặc thành văn) mà người phương Đông (có thể xét nét hoặc kém phát triển hơn) thường nói “Y phục xứng kỳ đức” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng hoặc/và “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” theo tôi là đúng và mọi người nên sống theo quy ước này thì hay hơn vì mình mặc đôi khi để cho người nhìn là chính (ví dụ bộ comple, váy đầm không hề thoái mái). Theo tôi hiểu thì đại ý bạn phê phán ở nước mình về chuyện ăn mặc nhưng ở phương Tây điều này còn khắt khe hơn nhiều bạn ạ, bạn thử sang đấy tham gia vào dạ tiệc hoặc dạ tiệc màu trắng xem, nếu bạn mặc tự do đến đấy thì tôi nghĩ bạn chỉ muốn độn thổ thôi. Thân ái, một ý kiến trái chiều.
Tôi không có ý định so sánh đông tây ở đây. Tôi viết về điều này vì thấy nó lạ, mặc dù bên ngoài nó rất quen đấy. Và tôi cũng không biết câu trả lời là gì… Tôi chỉ đặt câu hỏi về quan niệm ăn mặc, với một chút đùa chơi. Đơn giản vậy.
Vào cơ quan nhà nước VN, không được bận quần lửng, quần sort. 😐 Cái quần què.
Bài viết có điểm riêng trong cách nhìn. Khá thú vị. Nhưng theo tôi, nếu bạn quan tâm đến con người xã hội của bản thân thì nên xem trọng chuyện kín hở, lúc nào nên kín, lúc nào nên hở. Nó phản ánh giá trị của bạn trong mắt người khác. Bạn làm tôi nhớ đến con người nguyên thủy, không nên có sự phân biệt.