27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chờ một cặp I – You

Featured Image: Stuart Seeger

 

Có một điểm nhỏ mình muốn nói về cách xưng hô của người Việt. Nhỏ nhưng… rất “phức tạp”! Những gì được nói ra có thể không mới, nhưng cũng không cũ.

Người Anh có thể xưng hô I – YOU với bất kỳ ai, không phụ thuộc tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị. Người Trung Quốc – nước phong kiến Trùm Sò trong lịch sử Á Đông, cũng có những từ xưng hô tương tự I – YOU (rất tiếc không biết nó viết như thế nào)! Vậy mà Việt Nam mình thì không! Bạn tuyệt đối không thể xưng hô “Tôi – Ông” với những người bề trên trong dòng họ của mình, nếu không muốn bị trẹo quai hàm.

Trong tiếng Việt không có những từ cùng nghĩa với I – You. Bằng chứng là khi dịch I và YOU sang tiếng Việt, người dịch phải sử dụng một loạt các từ có ý nghĩa na ná như nó (song không phải nó): “cô – cháu, ông – tôi, tao – mày, con – bố, đằng ấy – mình”, .v.v…

Mình cảm thấy, hai từ I – You hoàn toàn chỉ dùng để phân biệt hai đối tượng giao tiếp: chủ thể và khách thể. Còn trong tiếng Vỉệt, cách xưng hô không những phân biệt hai người đang nói chuyện, mà còn định rõ thứ bậc của họ.

Khi nói chuyện với mẹ, một đứa bé người Anh có thể gọi Mom một lần, sau đó có thể liên tục gọi YOU, thì đứa trẻ Việt Nam cần phải gọi “mẹ” liên tục từ đầu đến cuối.

Từ vấn đề xưng hô này, kéo theo những vấn đề khác, rất phức tạp

Chẳng hạn, bạn – một nam thanh niên – bước vào cửa hàng ABC và gặp một phụ nữ trát đầy phấn đứng sau quầy. Bà ấy sử dụng phấn son vừa là để giảm đi những nếp nhăn vốn dễ gây khó chịu cho khách hàng, vừa là một nỗ lực vô vọng hòng chiến đấu với thời gian. Bạn phải xưng hô ra sao? Gọi họ là “chị” để làm họ hạnh phúc với ý nghĩ: nỗ lực cải tạo nhan sắc của họ đã có hiệu quả!? Hay gọi họ là “cô” để họ không cảm thấy bị xúc phạm?… Theo kinh nghiệm của mình, cứ gọi là cô cho chắc ăn. Lý do không phải từ phía họ, mà từ phía chồng của họ. Hãy cẩn thận nếu ông ấy đứng sau quầy!

Nếu một người con trai trông thấy một cô gái hấp dẫn nhưng lớn hơn mình 5, 6 tuổi. Ý nghĩ phải gọi đối phương là chị sẽ làm tịt hết mọi ước vọng viển vông của anh ta. Nếu gọi cô ta là “em” cho dễ tán, anh chàng này có thể sẽ phải nhận một ánh mắt kỳ thị và ý nghĩ “râu xanh, bệnh hoạn” từ cô gái (tất nhiên không phải lúc nào chuyện cũng xảy ra như thế).

Hay khi bạn là con gái, học đại học năm thứ tư, chưa yêu và rất sợ già! Bạn đến ký túc xá và duyên số run rủi bạn gặp phải một em trai học năm nhất, trẻ trung, hài hước, ga-lăng, đồng thời đẹp trai đến vô vọng! Bạn đổ từ cái nhìn đầu tiên! Nhưng nếu em nó gọi bạn là chị, thì cơ hội của bạn hoàn toàn chấm dứt. Giả như tiếng việt có I – YOU có phải hay không!?

Như vậy cách xưng hô đầy đẳng cấp của Việt Nam đã làm mất đi cơ hội của bạn

Rồi bạn ra trường. Sau bao năm phấn đấu, bạn thành đạt. Tất cả mọi người đều tôn trọng bạn. Trong một lần về quê, một đứa nhóc khoảng 10 tuổi gặp bạn ở trên đường. Nó biết bạn vì bạn quá nổi tiếng. Và, nó chào bạn một cách thân mật, đầy tình họ hàng: “Mày mới về hả Giang!” (Giả sử tên bạn là Giang). Bạn ớ người, hỏi lại nó: “Cháu là con nhà ai mà lại gọi bác như thế?”. Thằng bé cười sằng sặc: “Bác gì! Chị gái mày lấy thằng cháu gọi tao bằng ông trẻ đấy!” Tình trạng trẻ con đè đầu người lớn, ở nông thôn, không phải hiếm!

Một ví dụ khác: Bạn bằng tuổi nó. Theo dòng họ (họ xa), bạn là anh nó. Nhưng vợ bạn phải gọi nó bằng chú (vợ bạn có “họ gần” với nó). Vậy thì, bạn sẽ xưng hô như thế nào? Và sẽ như thế nào nếu nó nhân cơ hội đó bắt bạn trở thành đứa cháu bé nhỏ?

Vân vân và vân vân…

Chính sự phức tạp trong xưng hô khiến nhiều người đàn ông nói dối về tuổi thật của họ, để được bạn bè anh em kính trọng trên bàn rượu. Thậm chí, sự phân tranh xem ai là anh, ai là em có thể khiến người ta ốp nhau vỡ đầu chảy máu!

Cũng chính nó làm những người phụ nữ, vốn sợ già, phải đối mặt với tuổi tác của mình. Dù trong xã hội ta, xu hướng tránh hỏi tuổi của phụ nữ – như một phép lịch sự – có lan rộng đi chăng nữa! Hỏi bà ấy bao nhiêu tuổi và gọi bà ấy là “bác” thì cũng có khác nhau là mấy đâu.

Nói chung, cách xưng hô của người Việt rất phức tạp và khó sử dụng ngay cả với người Việt Nam. Sơ xuất một chút trong xưng hô có thể làm người khác tự ái nghiêm trọng.

Không hề hỗn xược khi xưng hô I – YOU với cha mẹ và người lớn tuổi, vì I – YOU không đồng nghĩa với “Mày – tao” hay “Tôi – ông”. I – YOU là tất tổng của tất cả các đại từ xưng hô cộng lại, trừ đi sự phân biệt cấp bậc, vai vế trong giao tiếp.

(I, YOU) = (cô + dì + chú + bác + bố + mẹ + ông + bà + cháu + con + anh + em + n…) – (thứ bậc, vai vế)

Nói cách khác I – You là cách xưng hô bình đẳng. Bình đẳng ở chỗ, dù ta đứng trên hay đứng dưới, hơn tuổi hay ít tuổi so với nhau, xét cho cùng, chúng ta vẫn là những CON NGƯỜI, với cùng những quyền và giá trị người không hề hơn kém nhau. Với nền tảng đó, chúng ta có quyền nói chuyện với nhau không cần cấp bậc, địa vị. Chỉ đơn giản là con người nói chuyện với con người.

Trong tiếng Việt không thể tìm thấy những từ tương tự như I và You. Cách xưng hô của người Việt hoàn toàn lệ thuộc vào vai vế, là cách xưng hô thiếu tự do. Đến bao giờ mới có một cặp I – YOU cho người Việt Nam? Có thể là không bao giờ. Trừ khi người Việt chuyển hẳn sang dùng những thứ tiếng “dễ xưng hô” như Tiếng Anh. Tất nhiên gần như chẳng người Việt Nam nào muốn thế…

Vậy, giả sử có một cụm I – YOU cho tiếng Việt, người ta sẽ tự hỏi: sự tôn trọng nằm ở đâu? Bởi vì xưng hô đúng thứ bậc là thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Thực sự thì sự tôn trọng còn được biểu hiện ở nhiều từ ngữ khác, sắc thái khác trong ngôn ngữ. Và sự tôn trọng còn được biểu hiện ở hành động.

 

Vũ Kenzo

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

74 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của bạn làm mình nhớ đến một câu chuyện kể về một người thầy giáo, sau này yêu và lấy học trò của mình, mà bố mẹ của người học trò đó còn ít hơn cả tuổi ông, đến khi về nhà không biết phải xưng hô thế nào, lúng túng quá ông đành tự xưng là ” bản thân” ^^

  2. Ôi, tôi gặp PN mà chắc chắn là nhỏ tuổi hơn thì gọi là em, nếu chưa chắc thì trước tiên gọi là chị, có thể gọi hoài nếu còn gặp, nhưng nếu thấy ‘sương’ nàng thì tôi tìm cách chuyển sang em (trừ trường hợp nàng lớn tuổi hơn tôi), hihi….

    • Tác giả bài viết này đã dẫn trường hợp đó, nếu nàng lớn tuổi hơn mà “Nhà gom lá bàng” chết mê chết mệt, nhưng phải gọi là chị thì… “tịt hết mọi ước vọng viển vông của anh ta”.

        • A ha… nếu tất cả chúng ta đều có dũng khí như bạn Nhà Gom Lá Bàng, cần gì đến cặp I – YOU nữa?

          Nhưng bạn ơi, liệu có xảy ra trường hợp ngược lại, tức là có cô nào đấy nhỏ tuổi hơn bạn, nhưng lại chuyển sang xưng… chị với bạn “10 lần thành công hết 10” không?

          • Hehe, PN rất thích được gọi là em, chỉ trừ mấy… bà già khó tính, thiệt đó (tôi đã gặp rồi, nhưng hiếm lắm).

          • Dù hiếm nhưng người đầy dũng khí như bạn vẫn gặp, vậy thì những người ít dũng khí hơn sẽ gặp nhiều lắm đấy. Như vậy là vấn đề vẫn còn nan giải rồi, ít nhất là với những người như Vũ Kenzo và… tôi.

  3. Trong cái khó nó mới ló ra cái hay của các ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào cũng có cái hay của nó.
    Trích 1 đoạn trong bài viết của triết gia Nguyễn Công Thiện, một người nổi tiếng là biết rất nhiều ngôn ngữ khi còn rất trẻ:
    “Còn tiếng ngoại quốc? Tôi coi những thứ tiếng ngoại quốc như những trò chơi nhảm nhí. Hồi 13-14 tuổi, tôi đã học tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Hoà Lan, tiếng Ba Lan, vân vân. Đến năm 18-19 tuổi, tôi lại học thêm tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hy Lạp, tiếng Tây Tạng, vân vân. Bây giờ có lẽ tôi đã quên hết mọi thứ tiếng, tôi chỉ nhớ một tiếng A của chữ Phạn, chỉ nội có tiếng A này có lẽ tôi phải đầu thai đến một trăm kiếp nữa thì mới hiểu nổi hết tất cả ý nghĩ kỳ lạ của tiếng A trong chữ Phạn!”

  4. Bạn viết về mặt trái của nó. Bạn cũng nên viết thêm mặt phải của nó
    Không có một thứ ngôn ngữ nào là hoàn hảo cả. Sự đa dạng ngôn ngữ (hay văn hoá) làm cho cuộc sống này tốt hơn chứ không phải một ngôn ngữ hoàn hảo và duy nhất làm cuộc sống này tốt hơn

    • Tôi nghĩ rằng bạn hơi cầu toàn. Nhìn tiêu đề bài viết đã giới hạn phạm vi nội dung bài viết này rồi. Tôi đồng ý với bài viết gọn ghẽ của tác giả. Đối với một bài viết kiểu này, chúng ta không nên quá tham lam. Chủ đề của bài viết không phải là bàn về cách xưng hô của người Việt, mà chỉ giới hạn ở ước muốn khắc phục một nhược điểm nhỏ của nó thôi, nhược điểm nhỏ gây ra nhiều điều phức tạp.

  5. Mình muốn giúp tác giả bổ sung 1 chút. Thật ra tiếng Anh với cách xưng hô I và You không thể nào bằng tiếng Trung vì trong tiếng Trung (Mình biết nên lấy ví dụ luôn), ngoài từ dân dã dùng hàng ngày hay thân thiết như 我 (I) -你 (You) thì còn dùng từ 您 với nghĩa tương đương You nhưng mang hàm ý trang trọng hơn.
    Còn với đoạn cuối của bạn, mình không đồng ý. Đúng là hành động thể hiện sự tôn trọng, nhưng vừa gặp một người mà bạn đã “Hey you” hoặc “Ê mày” thì thật sự khiếm nhã ngay từ
    lúc mở miệng rồi.
    Đối với luận điểm bài viết, mình lại không đồng ý dù ý tưởng này khá hay! Mình là người Việt, yêu tiếng Việt và cũng muốn dùng tiếng Việt. Tiếng Việt có nhiều đại từ nhân xưng như vậy là một điều khác biệt và rất hay. Chúng ta nên trân trọng nó.

  6. Không cãi nhau vì chuyện này đâu! nhưng cho hỏi: ví dụ: nếu như bạn cần năn nỉ thầy giáo cho bạn làm kiểm tra lại – thì câu nói:”Thầy cho con kiểm tra lại!” với chất giọng ngọt ngào truyền cảm hay là:”You cho Me làm kiềm tra lại!” khô khốc – giọng điệu nào sẽ hiệu quả hơn???
    Danh xưng của Việt Nam – tự nó mang trong người một sự tôn trọng và yêu thương. Từ “Ông” và “cháu”, “Cha” với “con”…đã mang sẵn một sắc thái biểu cảm không cần nhìn vào nét mặt người đối diện mà vẫn biết được tâm tư tình cảm của người đối diện. Bạn thử đọc một bài thơ tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt thì lúc nào bạn cũng sẽ cảm giác rằng bản dịch tiếng Việt nghe dễ thương hơn vì danh xưng của tiếng Việt làm cho bạn đón nhận được sắc thái tình cảm tốt hơn!
    Khó và phức tạp chỉ bởi vì Danh xưng của Việt Nam mang trong đó nhiều ý nghĩa hơn là một danh xưng để gọi nhau đơn thuần!
    Danh xưng tiếng Việt khó-nhưng chỉ khó với người nước ngoài-còn chúng ta, những người Việt 100% lại chê nó khó-Tôi thật không hiểu tại sao lại vậy?

  7. Một con người Việt Nam đi khinh tiếng mẹ đẻ thay vì tạo ra một vốn ngôn từ tốt hơn cho Tiếng Việt.

    Thử bắt óc ra nghĩ xem tiếng anh đã thiếu đi cái gì, Gọi thằng ngu học cũng bằng “you”, gọi ông cha dòng tộc cũng bằng “you”, ngay cả gọi con chó cũng bằng “you”. rồi thì sao? Sự khinh bỉ thể hiện ra bên ngoài qua cái vỏ bọc của hệ ngôn ngữ truyền thống, tin theo đồng tiền của ngôn ngữ lai hóa và bộc lộ bản chất “ngu từ nhỏ” khi mà không qua nổi giáo trình Tiếng Việt lớp 1 . Tự do ? Sắc thái, chẳng lẽ stephen hawking đang nằm liệt phải dùng sự trợ giúp của máy tính mới nói đc cùng cần sắc thái? chẳng lẽ một người nói ngọng luôn bị hiểu nhầm về cách biểu đạt? hay một thằng bé chưa biết gì cũng thể hiện sai mục đích?

    Tôi dám hỏi chữ I-You có bao nhiêu sắc thái?

    Tôi dám hỏi các những đại từ nhân xưng của Việt Nam mỗi từ chỉ có 1 sắc thái thôi à?

    Những câu nói bình dân tao-mày nghe có vẻ “đường phố”, nhưng nếu ai đã được đi học các chương trình 12 năm Kiến thức ( tôi nhắc lại rằng những ai đi học và được học chứ không phải kẻ chưa biết gì về Tiếng Việt), chắc hẳn sẽ hiểu rằng trong những bài thơ ca, dù những câu nói có vẻ mộc mạc “tau-mi” nhưng bằng cái hạ giọng ấm áp thời kháng chiến nó đã tiếp lên sức mạnh cho nhân dân biết chừng nào. Tôi hỏi rằng cứ ” I-you” thì có làm nên được lịch sử hay chỉ là sự cứng nhắc đến ngán ngẩm của một hệ ngôn ngữ nghèo nàn ?
    Nếu mà CẢM THẤY KHÓ XỬ khi sử dụng Tiếng Việt Thì cũng chỉ là sự lừa dối khi dùng Tiếng Anh để che đi sự ngu dốt của mình mà thôi.
    Và tôi nhắc lại, khi mà còn chưa biết đến Tiếng Việt thì làm ơn đừng mang nó đi so sánh, hãy để trong Tiếng Việt được trong sáng như mọi người dân Việt Nam này !

    • Mình không nghĩ là tác giả viết bài này với ý khinh Tiếng Việt, mà chỉ để đưa ra ý kiến về những mặt chưa tốt của Tiếng Việt để mà thay đổi theo hướng tốt hơn. Mỗi nước có một văn hóa riêng, và một phần văn hóa được thể hiện qua cách sử dụng ngôn ngữ của nước đó. Và văn hóa luôn luôn thay đổi, cho nên cách ngôn ngữ sử dụng sẽ thay đổi theo. Tiếng Việt có nhiều đại từ nhân xưng như vậy một phần là do văn hóa Việt Nam khá coi trọng vai vế trong gia đình và xã hội.
      Còn việc sau này trong Tiếng Việt có thêm từ để thay thế cho tất cả các đại từ nhân xưng khác thì cũng không liên quan đến sự trong sáng của Tiếng Việt.

    • chả ai đi gọi cách đặt quan điểm của người khác là ‘khinh’ cả
      tại sao phải thêm đủ các loại sắc thái lằng nhằng, mang tính chất phân biệt khi đều là con người với nhau?
      và hệ ngôn ngữ nghèo nàn? thử hỏi ngôn ngữ nào mới dùng ‘từ mượn’ thay vì nghĩ ra từ mới?

  8. Mình đọc bài thì thấy bạn có đưa ý kiến là cách xưng hô phức tạp làm mất đi cơ hội. Nhưng lại đưa ví dụ về một thằng nhóc nào đó có quyền gọi bất cứ ai là “mày”, xưng “tao” nếu nó có vai vế lớn hơn. Ví dụ sau thì bạn lại nói về việc vai vế chồng chéo nhau. Mình không hiểu lắm về cách lập luận của bạn, 2 ví dụ này thì có liên quan gì đến việc mất cơ hội, bạn có thể giải thích thêm không?

  9. Rất đồng tính với những ý kiến bạn đưa ra bởi mình cũng có lúc nghĩ đến sự hạn chế của cách xưng hô giao tiếp của người Việt.Mỗi khi để né tránh các thứ bậc tôn ti và sự gièm pha của một vài thành phần,mình hay chuyển qa dùng Tiếng Anh nhưng nó chỉ hạn chế trong những stt của mình update trên fb thôi,bên ngoài cuộc sống thực thì đâu lại vào đấy.

  10. Tôi thích có nhiều người bàn về chuyện này hơn nữa. Đây chính là vấn đề của người Việt, vì vậy những người Việt suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này cần nghĩ cách giải quyết. Tiếng Việt rất hay đối với người Việt, dù sau này chúng ta có dùng tiếng Anh đi nữa thì tiếng Anh cũng chỉ là ngôn ngữ thứ hai mà thôi, vậy chúng ta nên mượn cặp I – YOU này từ ngôn ngữ khác hay lấy từ kho từ vựng tiếng Việt, hay sáng tác ra từ mới? Có ai đưa ra được giải pháp hợp lý được nhiều người chấp nhận, để rồi chúng ta sẽ dùng nó một cách phổ biến hay không?

    • Mượn tiếng nước khác hay tự vẽ ra cũng được. Nhưng không nên dùng I – You, vì I phát âm ra tiếng Việt là “ai”, sẽ gây khó hiểu. Không dùng tiếng Trung vì đang ghét Trung :)).

      • Hiện nay tôi áp dụng cách xưng “tôi” và hy vọng rằng từ “tôi” sẽ trở nên thông dụng trong “xưng” ở mọi lứa tuổi mọi tình huống chứ không phải chỉ như bây giờ, mọi người sẽ dần dần tiếp nhận từ “tôi” với cảm xúc khác đi. Khi chúng ta xưng “tôi”, thì dù có hô ai là “anh” hay “chị” cũng không làm chúng ta “mất cơ hội” như ví dụ nào đó trong bài nữa. Khi học sinh sinh viên chuyển sang xưng “tôi” với giáo viên thì đó sẽ là một bước tiến đáng kể. Nếu sinh viên nói: “Thưa thầy, tôi nghĩ rằng…” thì sẽ khác rất nhiều với việc xưng “em” hay “con” trong cùng ngữ cảnh.

        • Mình thì chẳng nghĩ việc xưng hô thầy – tôi trong trường là cái gì đó đáng kể cả. Nó là sự thể hiện của sự yếu kém đạo đức trước mắt. Lâu dần thì sẽ là sự mai một văn hóa, nói cách khác là sự nhược tiểu của văn hóa nước nhà khi bị văn hóa nước ngoài lấn áp.

          • Tôi muốn nói là “mọi người sẽ dần dần tiếp nhận từ “tôi” với cảm xúc khác đi”. Cách xưng hô nghe có vẻ lễ phép có nâng cao được đạo đức của người Việt trong thực tế đâu? Và giáo dục của Việt Nam hiện nay đâu có chứng minh được tính ưu việt của nó bằng việc xưng hô lễ phép. Yếu kém đạo đức trước tiên thể hiện ở sự thiếu trách nhiệm về hành động của mình. Khi người ta luôn xưng hô theo cách làm cho mình trở nên bé nhỏ, người ta dễ có tâm lý chối bỏ trách nhiệm của bản thân, đó chính là sự “nhược tiểu”.

          • Yếu kém do đạo đức người làm nghề giáo, cơ chế quản lý và đường lối giáo dục, chứ không phải yếu kém do cách xưng hô bạn ạ. Xưng hô lễ phép là cách thể hiện cái riêng biệt, truyền thống của đất nước. Xưng hô lễ phép không làm nên sự thành công của giáo dục nhưng nó không phải là nguyên nhân thất bại của giáo dục, bạn đừng đổ lỗi cho việc đó.
            Nhược tiểu là việc người ta dễ dàng chối bỏ văn hóa, hoặc truyền thống của chính mình để chấp nhận một cách dễ dàng thứ văn hóa ngoại lai khác. Mù quáng nhìn vào những thành công của người ta rồi cứ cho rằng mình khác người ta cái gì thì là mình sai. Đó chính là nhược tiểu bạn ạ.

          • Có lẽ bạn không đọc kỹ comment của tôi rồi. Tôi đâu có lời nào đổ lỗi cho việc xưng hô trong những yếu kém của giáo dục, tôi chỉ thấy bạn gán cho việc xưng hô “sự thể hiện của sự yếu kém đạo đức” mà thôi.

            Nước Mỹ là một nước “diversity”, một nước thuộc loại “lai căng” nhất, nhưng điều đó có biến người Mỹ thành “nhược tiểu” không? Có lẽ bạn nằm trong số những người lo lắng cho việc “gìn giữ bản sắc dân tộc”, nhưng tôi lại muốn nói rằng nỗi lo đó là thừa thãi. Bởi vì không ai, dù cố gắng đến đâu, có thể biến mình thành người khác. Họ chỉ có thể cố gắng biến mình thành con người mới so với con người cũ của họ mà thôi.

            Có lẽ nào trong tâm trí của bạn, người Việt Nam chính là giống người nhược tiểu, cho nên bạn mới phải lo rằng người Việt cứ nhìn vào thành công của người khác là mù quáng rồi nghĩ rằng mình sai?

          • Có lẽ mình hiểu nhầm. Bạn vui lòng giải thích lại câu:
            “Khi học sinh sinh viên chuyển sang xưng “tôi” với giáo viên thì đó sẽ là một bước tiến đáng kể.” Đáng kể ở đây là thế nào? Là giống với Mĩ và phương Tây ư?

            Nước Mĩ là một nước nhập cư, người dân đến từ các nền văn hóa khác nhau. Nên nếu có từ nào đó có thể miêu tả văn hóa Mĩ được thì “lai căng” cũng không phải là từ quá xa nghĩa. Đó là bản chất của nước Mĩ, nên không thể nói Mĩ là nhược tiểu được. Việt Nam khác Mĩ, Việt Nam không phải là đất nước của những người nhập cư! Bạn hãy nhìn rõ sự khác biệt trước khi lấy Mĩ ra làm dẫn chứng.

            Thật đáng tiếc là những người trẻ Việt Nam lại cho rằng việc giữ gìn bản sắc dân tộc là thừa thãi. Nó hoàn toàn là có thật. Ngay khi bạn chẳng cần phải cố gắng gì thì trong cái thế giới mở thế này, bạn cũng sẽ bị biến thành một kẻ lai căng đấy, chứ không phải là không thể biến thành người khác được đâu.

            Người mới (so với người cũ của bạn) là một người sống ở Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam, gốc gác tổ tiên là Việt Nam, tóc đen, da vàng nhưng mà trong đầu thì tôn sùng văn hóa phương Tây, thậm chí còn đứng ở góc nhìn của phương Tây để hắt hủi ngôn ngữ dân tộc (như tác giả của bài Viết) hay là phủi tay với văn hóa dân tộc sao.

            Mình gọi đó là những kẻ lai căng thực sự, chứ không còn phải trong ngoặc kép nữa!

            Thật chẳng lấy gì làm hay ho khi một người Việt Nam khi giao tiếp với một người nước khác mà cứ thao thao nói về văn hóa Mĩ, hay kể về cuộc sống bằng chuẩn mực xã hội Mĩ. Và rồi cho đó là MỚI (so với những cái CŨ). Trong mắt người nước ngoài thì đó là những kẻ buồn cười và kệch cỡm thôi chứ chẳng hay ho gì đâu bạn ạ.

            Ở đây, sính ngoại chính là biểu hiện của sự nhược tiểu.

            Tiếp thu những cái hay của văn hóa khác là cần thiết, nhưng trước khi tiếp thu thì hãy biết tại sao nó hay và nó có hợp với Việt Nam hay không. “Lai căng” của Mĩ hiển nhiên không phải là một trường hợp hợp với Việt Nam. Càng phải thận trọng hơn nữa trong việc xóa bỏ, hoặc chỉ trích văn hóa dân tộc.

            Câu hỏi cuối không hiểu là bạn hỏi mình hay là có ý tự trách bản thân? Nếu bạn hỏi mình thì mình có thể trả lời luôn phủ định luôn.

          • Tôi thấy bạn đã đi quá xa rồi. Từ “tôi” là một từ thuần Việt chứ không hề là từ mượn.

            Đọc lại cuộc trò chuyện của chúng ta từ đầu đến cuối, tôi nhận ra bạn luôn tự đặt mình trên tư thế của một kẻ có hiểu biết và ý thức cao hơn tôi. Không có gì là không tốt nếu bạn giữ được niềm tin và sự kiêu hãnh đó cho bản thân. Tuy nhiên không hề vì thế mà tôi trở thành người nhỏ bé đi.

            Chúc bạn luôn mạnh giỏi!

          • HỌC VĂN ÂU, VĂN Á, VĂN PHI; LÀM GIÀU THÊM VĂN VIỆT.
            MÀI TIẾNG BẮC, TIẾNG TRUNG, TIẾNG NAM; ĐẠT CHUẨN MỰC TIẾNG TA.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI