Photo: Wikipedia
“Nếu bạn không học hành hẳn hoi thì đừng nhận là fan của tôi.”
– Shim Chang Min (thành viên của nhóm nhạc Dong Bang Shin Ki)
“Quái lạ, cái nhóm nhạc gì mà đông thành viên quá vậy? Đã vậy dòm đứa nào cũng na ná nhau.”
Đó là cảm nhận của tôi sau khi xem mv Run Devil Run lần đầu tiên. Hôm đó tự dưng ông anh nổi hứng bật nhạc thiệt là lớn, lớn đến nỗi còn nghe được mấy chữ “you better run run run” rồi “neon neon neon” gì nữa kìa. Cũng do cái tật tò mò vô tội vạ, nên nhào vô xem ké mv với ảnh một hồi rồi hỏi đang nghe bài gì, của nhóm nhạc nào đây.
Phần cũng do hồi đó tôi cũng có một cô bạn, hầu như ngày nào đi học cũng líu lo về nhóm này hoài, trong khi bình thường cô bạn này rất mê… trai đẹp. Tự hỏi cái tụi gái Hàn Quốc này có gì hay ho mà sao mấy bạn nữ mê quá trời, thôi thì cũng chịu khó làm mặt dày hỏi cô bạn này, đi nghe lại mấy bài hit trước đó, rồi đi xem mấy cái show truyền hình thực tế mà nhóm này đã từng tham gia như Hello Baby, Invincible Youth…
Rung rinh. Loảng xoảng. RẦM!
Đó là cách mà tôi và 9 cô gái Girls’ Generation đã yêu nhau… à nhầm, đến với nhau như vậy đấy.
Kể từ dạo đó tôi rất thích xem các chương trình thực tế, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của 9 cô gái ở trên. Bạn sẽ được nghe họ nói chuyện, chia sẻ những câu chuyện về sự nghiệp và đôi lúc là chuyện đời tư của họ. Chưa kể có mấy trò chơi vận động và nhiều thứ khác cũng rất hay ho, mà tôi không thể viết gói gọn trong vài trang giấy như thế này được. Vì nếu bạn thật sự thần tượng một người nào đó, mà bạn chỉ xem mv và thưởng thức các bản nhạc mp3 trên mạng, có lẽ bạn đã bỏ qua những thứ vô cùng thú vị khác để tìm hiểu thêm về thần tượng của chính mình, ngoài khả năng ca hát của họ.
Khi họ tham gia những chương trình này, chúng ta sẽ được thấy rất nhiều khía cạnh khác về thần tượng của mình. Dĩ nhiên, những chương trình như vậy sẽ có kịch bản, cơ mà chuyện đó là chuyện của nhà đài và ekip, việc ngồi xem và thưởng thức hãy cứ để fan lo hết.
Có những lời nói, những hành động chỉ nhìn thấy thôi mà đã muốn cười bể bụng. Có những tâm sự, những giọt nước mắt chứng kiến xong mà muốn xốn xang cõi lòng.
Tôi yêu quý 9 cô gái này vì nhiều lý do khác nhau: Đẹp gái, tài năng, có ước mơ, luôn tập trung vào mục tiêu của mình,… trong đó lý do quan trọng nhất để tôi thần tượng họ, là vì họ có NHÂN CÁCH. Họ có những thứ thật sự đáng để tôi học hỏi. Chẳng hạn như Seohyun có thể nói tới mấy thứ ngôn ngữ khác nhau, Hyoyeon là một chuyên gia chọc cười và gây bất ngờ của nhóm mỗi khi đi show, vân vân và còn nữa…
Theo thời gian, họ đã trở thành thần tượng của tôi
Bây giờ bạn sẽ thắc mắc vì sao bạn bè, những người xung quanh và rất nhiều cư dân mạng lại si mê và nói về thần tượng suốt ngày như vậy phải không? (Nhắc nhỏ: Đoạn sau có những từ “đao to búa lớn” có thể khiến bạn nhức đầu nhẹ)
Trong bất cứ xã hội nào, ở bất kỳ tầng lớp giai cấp và hoàn cảnh nào đi chăng nữa, con người luôn muốn mình trở nên tốt đẹp hơn và hoàn thiện hơn. Để chạm được tới cái đích đến chính đáng đó, người ta thường có xu hướng lựa chọn cho mình một/nhiều hình mẫu để noi theo, ngưỡng mộ và làm mục tiêu phấn đấu. Nhu cầu về thần tượng ra đời từ đó.
Hay nói cách khác, thần tượng là người được ngưỡng mộ, tôn sùng hơn mức bình thường một chút. Như vậy, định nghĩa về thần tượng là một khái niệm đẹp, chẳng có gì sai trái cả. Vấn đề chỉ xoay quanh hai thứ: nhân vật được thần tượng – hay các giá trị mà nhân vật đó đại diện có xứng đáng hay không, và những hành động ủng hộ thần tượng diễn ra như thế nào.
Trên thế gian này, thần tượng của bạn có thể là nghệ sĩ âm nhạc nào đó – Super Junior hoặc Girls’ Generation của K-pop. Thần tượng của bạn cũng hoàn toàn có thể là một nhà văn nào đó, như chú Nguyễn Nhật Ánh hay cô Nguyễn Ngọc Tư. Thần tượng cũng có thể là một nhân vật… hư cấu trong một bộ truyện như Son Goku hay Doraemon chẳng hạn.
Bất kỳ ai mà bạn có thể tưởng tượng ra!
Lý do để hâm mộ thì nhiều. Các bạn trẻ hâm mộ hai nhóm nhạc Hàn Quốc nêu trên – có thể vì họ hát hay, đẹp trai, xinh gái chẳng hạn. Vậy còn hai nhà văn nêu trên thì sao? Nhiều người thần tượng họ vì những tác phẩm, những con chữ đi vào lòng người của họ, chứ đâu có ai đòi hỏi họ phải đẹp trai đẹp gái và hát hay như các nhóm nhạc K-pop đâu phải không? Chẳng qua xu hướng bây giờ người ta thần tượng ca sĩ nghệ sĩ nhiều thôi, và đó là một chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, những điều ở trên chỉ mới là một mặt của đồng tiền
Một cô bé 13 tuổi ở Trung Quốc mê nhóm EXO của Hàn Quốc đến nỗi bỏ bê học hành, không màng ăn ngủ. Trong một lần cãi vã, em nói: “Bố mẹ không tốt bằng thần tượng.” Điều đó đã vô tình làm cho người cha bị kích động dẫn đến… giết chết con gái.
Hay vào dịp Super Junior biểu diễn tại Việt Nam, trong khoảng thời gian nhóm di chuyển từ khách sạn ra sân bay về nước, có rất nhiều “fan cuồng” đã bám theo để mong được nhìn thần tượng lần cuối. Thế là xe máy, xe ôm, thậm chí cả taxi đã được thuê để… “đón đầu” thần tượng. Tuy nhiên, những điều đó lại gây nguy hiểm cho chính họ và còn làm cản trở giao thông của những người đi đường nữa.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà cách đây vài năm Bộ Giáo Dục đã từng ra một cái đề thi văn đánh trúng vào “chỗ hiểm” của rất nhiều bạn trẻ – đặc biệt là những fan K-pop: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.” Chính cái đề bài này đã khiến cho một số bạn có quyết định khá tức cười là bỏ thi chỉ vì nó… động chạm đến mình, mà họ không biết rằng hành động đó chỉ càng chứng tỏ họ “mê muội” mà thôi. Vì giữa “ngưỡng mộ” và “mê muội” là một khoảng cách rất mong manh. Mê muội quá mức có thể khiến bạn có những hành động thiếu suy nghĩ, si mê, thậm chí chẳng còn là chính mình nữa.
Nếu bạn ngưỡng mộ người ta và muốn học hỏi những cái tốt của họ, điều đó rất đáng khen ngợi. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh với bạn thêm điều này, rằng dù thần tượng có là ca sĩ nghệ sĩ nổi tiếng đến mấy đi chăng nữa, họ cũng chỉ là người bình thường, chứ không phải thần thánh. Họ cũng cần có những thời gian riêng tư, và chúng ta – những fan hâm mộ cũng nên biết cách thần tượng họ trong một khuôn khổ nào đó, không nên đi soi mói quá sâu vào đời sống của người ta.
Tôi không biết ở Việt Nam đã có kiểu fan này chưa, nhưng ở Hàn Quốc thì lượng sasaeng fan thâm nhập đời tư của thần tượng khá nhiều. Thâm nhập đời tư thần tượng đến mức phải gọi là khủng hoảng. Cụ thể là những fan này theo đuổi thần tượng sung đến mức, họ còn dám lắp đặt thiết bị ghi hình và ghi âm trong… phòng tắm của người ta, nghe mà cứ như thể mình đang xem một bộ phim hành động của Hollywood với những phân cảnh đột nhập hoành tráng tập trung vào các điệp viên của FBI hoặc CIA vậy!
Bản thân tôi đã và đang là fan của một nhóm nhạc thần tượng trong một thời gian không ngắn mà cũng chưa lâu. Chỉ mới trải nghiệm đủ để biết mà tự giới hạn bản thân không phát cuồng tới mức xúc phạm gia đình, bỏ học bỏ hành, quên ăn quên ngủ, thậm chí là… bán thân để có tiền đi xem thần tượng diễn. Chỉ mới trải nghiệm đủ để biết rằng những giá trị mà tôi thần tượng ở họ là hoàn toàn xứng đáng với tình cảm mến mộ của mình, không phải đọc mấy cái tin khoe hàng, không phải nghe thấy những phát ngôn gây sốc cùng những scandal có thể làm mất lòng tin người hâm mộ, gây đen tối đầu óc xuất hiện nhan nhản trên mấy tờ báo lá cải trong và ngoài nước. Thành ra nhiều khi cũng chẳng thể ưa được một vài người cứ nói này nói nọ về thần tượng của mình mà chẳng có thông tin cụ thể, trong khi bản thân họ cũng cuồng thần tượng có thua gì ai. Cuồng tới mức mà bố mẹ bạn bè xung quanh còn phải lắc đầu vì đã hết thuốc chữa!
Ca sĩ thần tượng dù cho có đẹp trai đẹp gái tới mấy, tôi cũng chưa thấy ai có những ca khúc “hit” để đời chỉ vì họ… quá đẹp hay thường xuyên khoe hàng bao giờ cả. Khoe hàng, gây scandal thì cũng có thể nổi tiếng đấy, nhưng sẽ chẳng giành được sự tôn trọng đúng nghĩa từ phía người hâm mộ, thay vào đó là những cái lắc đầu ngao ngán cùng những thái độ tiêu cực khác. Vì cái chính là giọng hát thì chẳng nghe thấy đâu, chỉ toàn ba cái gì linh tinh chẳng liên quan.
Dù chúng ta thần tượng những con người khác nhau, có khi người tôi thích lại là người bạn ghét hoặc ngược lại, nhưng tôi tin là đa phần chúng ta đều muốn hướng tới hai chữ “lành mạnh” khi nhắc đến văn hoá thần tượng. Hâm mộ người nào đó, không nhất thiết cứ phải bất chấp tất cả mọi thứ chỉ để được gặp người trong mộng, không phải xù lông lên bật lại người khác khi họ động chạm đến thần tượng của mình, không nhất thiết cứ phải nói này nói nọ về thần tượng của người khác khi mình không thích họ. Miễn là bạn đừng có trao hết tất cả ước mơ, hy vọng của bạn đem đi cho người ta là được. Vì nếu bạn xem thần tượng của bạn là cả thế giới, vậy bạn có bao giờ nghĩ đến việc một ngày nào đó thần tượng của mình chấm dứt sự nghiệp, hoặc thậm chí là dính scandal chưa? Khi thế giới sụp đổ rồi, bạn sẽ sống thế nào đây?
Đã là con người, thì chẳng ai trên thế giới này hoàn hảo tuyệt đối 100% cả, và thần tượng cũng sẽ khó tránh khỏi sai lầm. Thần tượng của tôi cũng đã từng có những sai lầm nhất định khi mới bước chân vào showbiz Hàn Quốc, thậm chí họ đã vắng bóng một khoảng thời gian khá dài trước sóng gió dư luận, chủ yếu là đến từ… fan của các nhóm nhạc cạnh tranh khác. Thế nhưng cuối cùng họ cũng đã vượt qua được, trở lại mạnh mẽ và trở thành một trong những nhóm nhạc nữ được yêu thích nhất tại xứ sở Kim chi, không chỉ có các bạn trẻ mà cũng có khá nhiều người lớn tuổi yêu thích họ nữa.
Cuộc sống thì luôn cần cái gì đó để yêu thích, và thần tượng là một trong số đó. Một chút gì đó để ngưỡng mộ. Một chút gì đó để học hỏi. Một chút gì đó để giải trí…
Chỉ cần một chút thôi, chứ đừng là tất cả…!
Nhật Niên
Mình là Cass nên đối với những vấn đề này thì thường nhạy hơn người thường. Comment này mình thật không muốn vạch lá tìm sâu trong sự nghiệp của S9, mình chỉ thấy thất vọng khi bạn viết về S9 nhưng lại lấy cái quote của Changminnie. Nó có liên quan gì tới bài viết của bạn sao? Và thêm nữa, sau khi đọc bài này, mình cảm thấy bạn không phải fan Kpop chân chính. Nó hời hợt quá!
đọc đã thấy không thích tí nào