26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Độc lập quan trọng, nhưng hòa bình còn quan trọng hơn

Featured image: Happybonez

 

Tình hình Biển Đông đang trở nên ngày càng căng thẳng trước hành động đâm vào tàu kiểm ngư, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam được cử ra chặn đường giàn khoan HD-981. Chuyên gia, người dân và chính phủ nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích, coi đó là sự “khiêu khích” của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.

Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ Việt Nam đã đưa ra tiếng nói của mình, những status, lời kêu gọi hay các trang fanpage mà lượt like lên đến cả trăm nghìn bắt đầu tràn ngập các quan điểm về biển Đông, về cách hành xử với Trung Quốc. Những quan điểm ấy bao gồm việc kêu gọi biểu tình, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, cả những lời ủng hộ chiến tranh hay việc sẵn sàng nhập ngũ. Thời gian gần đây, những tiếng nói này đã mở rộng ra cả việc kêu gọi chính phủ thả những tù nhân chính trị do thể hiện quan điểm về chế độ.

Như người ta vẫn nói, một trái tim nóng luôn cần một cái đầu lạnh, đặc biệt trong bối cảnh mà hàng triệu quả tim đang nóng, tình hình an ninh khu vực căng thẳng, một giọt nước có thể làm tràn ly, một quyết định có thể cướp đi sinh mạng của cả nghìn người.

Xin đừng nói bạn hay thù

2000 năm lịch sử đất nước là 2000 năm lịch sử của những tranh đấu. Những điều đọng lại trong lòng bao thế hệ sau từng ấy năm học lịch sử trên ghế nhà trường là những từ như “giặc Tàu”, “giặc Mỹ”, “giặc Pháp”, là quân Mông Nguyên, là quân Ngụy. Không chỉ có vậy, chúng ta luôn tự hào là người dân của một đất nước anh hùng, là những chiến thắng vinh quang trước mọi đế quốc hùng cường, là một dân tộc mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chúng ta đã quen với việc gắn cái mác “bạn” hay “thù” lên một dân tộc, một quốc gia; và chúng ta cũng quen với việc cứ chiến thắng là vinh quang, là anh hùng.

Chính vì thế, tôi chẳng hiểu được vì sao có những năm truyền thông vẫn cứ nhắc đi nhắc lại tình hữu nghị “16 chữ vàng” “núi liền núi, sông liền sông” với người láng giềng Trung Quốc. Tôi vẫn không hiểu nổi tại sao Trung Quốc lại là người anh em tốt khi vẫn trợ giúp quân sự cho Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp rồi lại thành kẻ xâm lược khi thực hiện cuộc “chiến tranh biên giới” năm đó, cái năm mà mẹ tôi kể rằng bà phải đi đắp hào xây phòng tuyến. Tôi cũng không hiểu tại sao các nước bạn như Thái Lan, Singapore hay Malaysia lại coi Việt Nam là “cựu thù” sau cuộc chiến với quân Pol Pot dã man, điều khiến Việt Nam mãi năm 1995 mới gia nhập được ASEAN.

Có quá nhiều điều về chính trị mà tôi không thể hiểu, cũng không thầy giáo nào trả lời. Nhưng tôi tin, một chính phủ không thể đại diện cho cả một dân tộc, cho người dân của toàn bộ đất nước. Tôi chưa từng thấy có một chính phủ nào có thể hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ ấy. Mở rộng ra, không có một cá nhân, một tổ chức, một đoàn thể nào có thể đại diện cho tiếng nói của cả dân tộc, cho dù đó là tập hợp của những cá nhân tiến bộ nhất.
Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, gặp gỡ những người bạn từ khắp năm châu, bao gồm cả những người bạn Trung Quốc, Mỹ, Pháp… không ai trong số họ trông giống như những kẻ xâm lược tàn ác hay những người ủng hộ chiến tranh. Bao nhiêu phần trăm trong số những người bỏ lá phiếu bầu lên chính phủ hiện tại của Mỹ, của Iran, của Trung Quốc là những người thực sự yêu thích chiến tranh?

Không phải tình cờ mà nhà văn Nguyên Ngọc và một người lính Điện Biên Phủ đều nói với tôi rằng, chính tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của cuộc cách mạng Pháp mà họ học được từ nền giáo dục bắt buộc khi đó lại chính là tư tưởng đã khai sáng cho con đường cách mạng của họ chống lại người Pháp và các cuộc đấu tranh sau này. Một đất nước lột xác từ những tư tưởng tiến bộ đến vậy mà vẫn có thể đem quân sang xâm chiếm nước khác đó thôi.

Tôi từng tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa người lính Việt Minh và người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ có cùng dòng máu, cùng màu da, cùng tiếng nói, và họ chĩa súng vào nhau, rồi một người ngã xuống. Phải chăng, những người “lính Ngụy” phía bên kia vĩ tuyến 17 là quân thù, là kẻ bán nước, hay chỉ đơn thuần là một người có niềm tin chính trị khác biệt và họ đã thua cuộc?

Tôi tin, không ai trong chúng ta muốn làm kẻ sát nhân, dù là tôi, là bạn hay người Mỹ, người Trung Quốc. Chúng ta chỉ là những con người đang chiến đấu cho niềm tin của mình. Niềm tin đó có thể vì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ hay làm giàu mạnh cho đất nước. Xin đừng gọi những kẻ bên kia chiến tuyến là quân thù, đừng biến sức mạnh của thù hận trở thành động lực của hành động. Không phải mọi chiến thắng đều là vinh quang và đáng ăn mừng.

Yêu nước, hãy yêu cả hòa bình

Tôi được sinh ra trong thời đại hòa bình, và đó là điều tôi luôn cảm thấy may mắn. Suốt một thời gian dài, tôi thậm chí còn không thể tưởng tượng được rằng chiến tranh thực sự mới chỉ kết thúc vài chục năm trước đó, rằng trên thế giới vẫn tồn tại những nơi mà người ta còn đang xả súng vào người khác.

Đối với tôi, chiến tranh luôn là thứ dã man, khủng khiếp mà người thường khó thể tưởng tượng. Những bộ phim chiến tranh khiến chúng ta cảm thấy việc bắn nhau và được chết trên chiến trường là điều gì đó đầy vinh quang đối với một người đàn ông. Những tác phẩm thơ ca, văn học thời kỳ chiến tranh chưa bao giờ nói về một người lính sợ hãi, chưa bao giờ nói về những người lính hoang mang, chưa bao giờ nói đến sự nghi ngờ trong những chiến lược của chỉ huy, chưa bao giờ nói đến những mâu thuẫn, những sự gian trá, đến sự mất đoàn kết trong nội bộc của ta. Những người lính trong văn chương có thể có nỗi nhớ nhà, nhưng họ sẽ ngay lập tức biến nỗi nhớ nhà ấy thành động lực, không một người lính nào trong văn học đào ngũ, họ chết anh dũng kể cả trước những đòn tra tấn của địch.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tin những người lính đấy là những anh hùng của dân tộc, nhưng tôi cũng tin rằng không phải bất cứ ai cũng có thể thực sự dũng cảm như họ. Chiến tranh không phải là trò chơi của những người bình thường nhỏ bé, có những bí mật mà ngay cả chính những người tham gia cuộc chiến cũng chỉ biết sau hàng chục năm trận chiến kết thúc. Chuyện “thỏ hết giết chó săn” cũng chẳng phải chỉ trong dã sử Trung Hoa mới có.

Yêu hòa bình không phải hèn nhát, yêu nước không có nghĩa là sẵn sàng chiến tranh.

Hãy đấu tranh bằng lương tâm, không phải bằng súng đạn

Trước những đe dọa của Trung Quốc lên một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, tự bản thân người Việt đã bắt đầu chia rẽ, trong một thời điểm chúng ta cần đoàn kết nhất. Những chỉ trích trên các diễn đàn, báo chí hay những mâu thuẫn sau cuộc biểu tình hôm 11/5 mới đây đã cho thấy điều đó.

Tôi không nói rằng đoàn kết là phải thống nhất ý kiến trăm người như một, đoàn kết đơn giản chỉ là không triệt tiêu, không áp đặt lên người khác những quan điểm của mình. Chúng ta có thể chỉ trích một quan điểm, nhưng không nên chỉ trích bất cứ cá nhân nào, bởi vì bất cứ ai cũng có niềm tin của riêng mình. Khi đất nước lâm nguy, việc gọi nhau là “anh hùng bàn phím”, “lũ hèn nhát và sợ chết” hay “lũ cơ hội” không giúp đất nước thoát khỏi cơn nguy khốn.

Tôi vẫn luôn tin rằng, không thể dùng bao lực để chống lại bạo lực, không thể dùng thù hận để chống lại thù hận, không thể dùng áp đặt để chống lại một sự áp đặt khác. Bài học trong cuộc chiến tranh tại Campuchia đã cho Việt Nam một bài học lớn: “Không chỉ đơn thuần dùng súng đạn có thể giải quyết vấn đề”, sự cô lập của cộng đồng quốc tế lúc đó là cái giá mà chúng ta phải trả dù cho ta coi đó là một hành động tự vệ và “trợ giúp nhân đạo”.

Việt Nam có thể chiến thắng một lần, hai lần, một trăm lần, nhưng chúng ta sẽ còn phải đánh nhau đến bao giờ nữa?

Trong hàng chục nghìn bia mộ vô danh ngoài kia, sẽ có thêm tên tôi, tên bạn, tên của bao nhiêu người nữa? Và sẽ ra sao nếu chúng ta thua, khi cuộc đời không phải chuyện cổ tích, nơi người thắng mới là kẻ viết nên lịch sử? Việt Nam giờ đây sẽ là một quốc gia thế nào nếu ngày ấy dân tộc chiến thắng là Chăm Pa chứ không phải Đại Việt?

Gandhi vĩ đại, người anh hùng đã dẫn dắt dắt dân tộc Ấn Độ thoát khỏi sự đô hộ của Anh bằng phương pháp đấu tranh lương tâm của mình. Người dân Ấn Độ đã dành được độc lập và hơn thế nữa mà không dùng tới những phương tiện chiến tranh. “Muốn có hòa bình, bạn phải là hòa bình”, tư tưởng ấy của Gandhi đã truyền cảm hứng cho Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tây Tạng, cho bà Aung San Suu Kyi đấu tranh dành tự do dân chủ ở Myanmar hay ngay cả lãnh tụ Nelson Mandela trong cuộc đấu tranh ở Nam Phi.

Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, yêu nước không phải lúc nào cũng là mong nước ta trở thành một “cường quốc”. Cá nhân tôi chỉ mong nước ta là một quốc gia nhỏ bé nhưng xinh đẹp, yên bình. Đối với tôi, yêu nước là cố gắng để dân ta ai cũng hiểu biết, ai cũng yêu thương và đoàn kết. Không phải vì ta yếu mà hèn, cũng không phải vì ta nghèo nên hèn, ấy là vì ngu dốt mới sinh ra những thứ đó.

Cái mà chúng ta cần bây giờ không phải là một cuộc cách mạng, một cuộc đấu tranh, ấy là một cuộc cải cách như Minh Trị vậy, hay như lời cụ Phan Châu Trinh là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Khi nào dân ta đoàn kết, bao dung, tôn trọng tự do, thôi không kìm kẹp nhau nữa, tự nhiên nước ta sẽ giàu đẹp. Có vậy, nền hòa bình mới đến lâu dài, và chẳng cần thứ chiến tranh nào cả.

Cựu đại sứ Nguyễn Trung đã nói với tôi một câu làm tôi nhớ mãi:

“Cái dân tộc thế nào thì nó sẽ chọn cho mình một chế độ thế ấy.”

Tôi xin mượn lời của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về tư tưởng của nhà cách mạng, nhà văn hóa Phan Châu Trinh để kết thúc bài viết này:

“… độc lập không phải là bước cuối cùng, mà như một bước trong tầm đi xa hơn là phát triển dân tộc, phát triển dân tộc cho kịp với toàn cầu, với thời đại thì độc lập mới có ý nghĩa, và lâu bền.”

Trong bài viết sau, tôi sẽ cố gắng trình bày về phương pháp đấu tranh lương tâm của Gandhi và một vài kiến nghị của tôi trong cách áp dụng nó đối với tình thế hiện tại.

 

Hoàng Đức Minh
Hà Nội, 12/5/2014

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

68 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không nghĩ cái chúng ta cần là một cuộc chiến vì tôi chắc chúng ta sẽ thua. Nhưng cái tôi cần là hành động cứng rắn quả quyết tận dụng được sự ủng hộ quốc tế, làm trung quốc sẽ phải cận trọng hơn trong hành động. Tôi chắc trung quốc không muốn tham dự vào một cuộc chiến mà họ không có được sự ủng hộ quốc tế. Đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Cái chúng ta cần là một cuộc cách sâu rộng như Minh Trị. Tôi không chắc lắm suy nghĩ của tôi có giống tác giả không nhưng tôi thấy giải pháp hòa bình của tác giả “mềm” quá và tôi cũng không thích tiêu đề bài viết. Hòa bình là thứ chúng ta chọn nhưng có thể không có được (vì như một bạn đã viết… ta thích hoa hồng nhưng kẻ thù buộc ta ôm cây súng) nhưng độc lập thì là thứ chúng ta chọn được. Tiếc là chúng ta không chọn ngay từ đầu.

  2. Chúng ta đấu tranh bằng lương tâm. Đúng! Đấy là điều tốt. Nhưng nếu chúng ta chiến đấu với một kẻ LƯƠNG TÂM BỊ THA HÓA thì sao? Tôi không phủ nhận sự yêu chuộng hòa bình trong mỗi con người. Nhưng ai ai cũng nhận thấy rõ sự bành trướng của TQ trên thế giới nói chung và việc tranh chấp, gây hấn ở biển Đông nói riêng. Tham, sân, si có thể che mờ lý trí của con người và thậm chí khiến họ đánh mất đi lương tâm của mình bạn à!
    Bạn hãy nhìn xem, lãnh thỗ của họ đã rộng lớn thế rồi, giáp biên đến 14 quốc gia, nền kinh tế của họ nằm ở các top đầu của thế giới, các nước láng giềng đôi khi phải nhận viện trợ từ họ..Vậy cớ sao hằng ngày vẫn diễn ra việc TQ gây hấn với láng giềng? Tại sao vậy?
    TQ dù là cường quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn nội bộ: dân số, tài nguyên, khoáng sản,..nhưng đó chỉ là một phần vô cùng nhỏ góp phần là lý do cho việc làm sai trái của họ. Lý do thiết thực nhất đã đc các chuyên gia kinh tế-chính trị thế giới nhận định đó là: tham vọng trở thành CƯỜNG QUỐC BIỂN của TQ…

    Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Nguyễn Việt Hùng: “lịch sử đã chứng minh rằng có những sự hòa bình phải được mua bằng máu. ”
    “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”….

    hay Nguyễn Nhật Thái Dương: “Bằng những phương thức nhẹ nhàng, ta có thể làm rung chuyển cả thế giới”.
    “Đây có lẽ là điều bạn nghĩ tới khi tiếp thu tư tưởng của ông.
    Nhưng bạn có biết rằng Gandhi cũng từng nói : “Thà bạo lực, nếu trong tim có bạo lực, còn hơn là khoác tấm áo choàng phi bạo lực để che dấu đi sự bất lực””.

  3. và bạn nghĩ sao nếu hòa bình mà không có độc lập! hay bạn muốn chúng ta bị coi như xứ an nam mít và giống như trăm năm về trước Ông Cha chúng ta bị khai hóa văn minh

  4. Tôi cũng đã không hiểu tại sao mọi người lại không biết đến vụ thảm sát Ba Chúc, Tri Tôn An Giang cũng do Pol POt gây ra, ngày đó mọi người đã phải chạy tán loạn, ngay cả con nít cũng không tha.

    Tôi đã tìm rất nhiều tài liệu trên mạng nhưng dường như vụ này bị ém nhẹm, vậy thì nếu Thái Lan, Campuchia, Singapore và các nước khác biết thì họ còn coi Việt Nam là cựu thù không!?

    Quá đau đớn cho ngày tháng ấy!

  5. độc lập hay hòa bình !!cái nào cũng quan trọng nhưng cả 2 cái đó đều phải đổi lấy = máu + nước mắt của cả dân tộc .đừng ảo tưởng vào cái ai cho hay tự nhiên sẽ đến, muốn có và giữ thì phải bảo vệ = sứ của mình, đừng trông mong vào cái mà đc bố thí,xin cho vì nó sẽ ko bao h có hoặc có thì cũng ko thể bền vững, cũng giống như bạn cầm 1 cục vàng ra đường mà những kẻ có dã tâm cũng biết là bạn có thì biết chuyện j sẽ sảy ra chứ

  6. Cám ơn tác giả! Bài viết phân tích rất sâu sắc, chúng ta những người trẻ cần tiếp xúc nhiều với tư tưởng mới này có như vậy Việt nam mới hòa bình mãi mãi. Quan điểm nhân sinh của Hồ Chủ Tịch

  7. “Độc lập quan trọng,nhưng hòa bình còn quan trọng hơn” ư? Chừng ấy thôi đã đủ thấy một lí lẽ trái khoáy, một tư tưởng nhu nhược và yếu hèn biết chừng nào.Ai chẳng muốn hòa bình,ai chẳng muốn đất nước mình xinh đẹp và yên ả,nhưng e rằng,theo như lời bạn nói thì cả tổ quốc này,dân tộc này ngàn năm sau sẽ vẫn mãi luồn cúi xỏ xin,thậm chí làm nô lệ để cầu mong chút lòng “nhân đạo” của kẻ thù mà ban phát “hòa bình” cho chúng ta rồi. Chúng ta muốn hòa bình,nhưng ai cho chúng ta hòa bình?không có con đường nào khác là phải đấu tranh đến cùng. Hãy nên biết ơn những người đã đánh đổ cả máu xương của mình để đất nước được độc lập,để thế hệ chúng ta có cơ hội được sống những ngày bình yên như hôm nay.Đừng ngồi đó rêu rao giảng đạo những lời lẽ phản trắc,vô ơn để người khác phải thốt lên rằng: “Chẳng thà bạn không nói để người ta tưởng bạn ngu. Còn hơn là mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa”.

  8. “Cá nhân tôi chỉ mong nước ta là một quốc gia nhỏ bé nhưng xinh đẹp, yên bình”.

    Bạn muốn yên bình nhưng người khác không muốn bạn được yên bình thì bạn phải làm thế nào? Cuộc sống này đâu phải là một vế như bạn nói.

  9. Ai cũng hiểu rằng, trong thời đại văn minh của ngày hôm nay, giải quyết tranh chấp bằng súng đạn là hạ sách, với những người có hiểu biết nhất định có lẽ chẳng ai mong muốn chiến tranh xảy ra. Tôi cũng vậy! Tôi có nhớ ai đó đã từng nói đại khái rằng “Trong mọi cuộc chiến tranh, bên nào cũng sẽ tự nhận là mình có chính nghĩa”, trong hoàn cảnh hiện thời cho dù chiến tranh chưa xẩy ra, thì cả người dân VN hay người dân TQ đều nghĩ rằng phía bên kia mới là người có lỗi. Bây giờ đứng trên tư cách một người con nước Việt, với tất cả những hiểu biết của tôi về lịch sử xâm lược của TQ và với những thông tin gần đây cập nhật liên quan đến chiếc giàn khoan HD981 thì tôi nói rằng TQ là kẻ gây hấn, và lần này rõ ràng là một hành động xâm lược, trước nhất là về khía cạnh kinh tế.
    Tôi không đồng ý với tác giả bài viết ở đoạn “Trước những đe dọa của Trung Quốc lên một vùng lãnh thổ đang tranh chấp”(trích), rõ ràng đó là Vùng đặc quyền kinh tế của VN, không là một vùng tranh chấp nào cả!!!
    Tôi hoàn toàn ủng hộ tác giả trong tinh thần cổ vũ cho hòa bình. Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh rằng có những sự hòa bình phải được mua bằng máu.
    “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”….

    • Đây không phải là kẻ thù, mà là người bạn lớn nhất mà cộng hòa XÃ HỘI CHỦ NGHĨA việt nam có thể có được trong lúc này .

      Hãy biến nó thành cơ hội .

      • what?? Cơ hội cho đảng và nhà nước trục lợi?? độc lập dân tộc ta có từ thời văn lang vua hùng. TQ coi ta là bạn hay chỉ có mình ta ngộ nhận cái cơ hội đó

      • Đến lúc này mà bạn chưa tỉnh sao ? Bạn tự nghĩ ra điều đó hay ai đó nói cho bạn nghe suốt ngày khiến bạn tin là như vậy ? Đảng cầm quyền trung quốc chính là kẻ thù của chúng ta.

  10. Mình chỉ muốn nói với bạn điều này, Gandhi từng nói : “Tôi phản đối bạo lực vì khi nó định làm điều thiện, điều thiện chỉ là tạm thời, cái ác nó gây ra là vĩnh viễn” ; “Bằng những phương thức nhẹ nhàng, ta có thể làm rung chuyển cả thế giới”. Đây có lẽ là điều bạn nghĩ tới khi tiếp thu tư tưởng của ông.
    Nhưng bạn có biết rằng Gandhi cũng từng nói : “Thà bạo lực, nếu trong tim có bạo lực, còn hơn là khoác tấm áo choàng phi bạo lực để che dấu đi sự bất lực”.

    Tại sao những câu nói của ông lại tương phản nhau như vậy? Thực ra nó ko hề.

    Điều mà bạn đã bỏ sót, đó là sự bạo lực, sự bạo lực thuần khiết xuất phát từ tiếng gọi của trái tim, ko bị vấy bẩn bởi mục đích hay tư lợi, sự bạo lực để bảo vệ người khác, bảo vệ công lý, bạo lực nhưng xuất phát từ tâm hồn bình yên và trong sạch, nó cũng là hòa bình.
    Điều này Huy Cận cũng đã đề cập đến:
    “Sống vững chải bốn nghìn năm sừng sững
    Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
    Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
    Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”

    Bạn hãy suy nghĩ đi nhé 🙂

  11. – Có 1 điều chắc chắn là những người dân lương thiện như cha mẹ, anh chị tôi, bạn bè tôi, những người thân thích và cả tôi nữa, hầu hết chẳng ai muốn chiến tranh, sẵn sàng nhẫn nhịn để có hoà bình. Nhưng cũng có 1 điều chắc chắn, khi đất nước bị XÂM LƯỢC thì chúng ta phải chiến đấu.
    – Độc lập là gì? Hoà bình là gì? Rồi thì cái nào quan trọng hơn? Trong
    chừng vài trăm chữ khó mà hiểu hết được suy nghĩ của người viết. Chắc
    chắn người viết đã đọc nhiều, suy nghĩ nhiều nên mong mọi người hãy góp ý
    xây dựng và đừng chụp mũ vội.

  12. “Việt Nam có thể chiến thắng một lần, hai lần, một trăm lần, nhưng chúng ta sẽ còn phải đánh nhau đến bao giờ nữa?”

    Cạc Mác nói “Hạnh phúc là đấu tranh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, chúng ta không lúc nào ngừng đánh nhau aka đấu tranh .

    “Độc lập quan trọng, nhưng hòa bình còn quan trọng hơn”

    Rất chí lý! Tôi ủng hộ ý tưởng này . Chỉ đề ra một cách vừa có độc lập, vừa giữ được hòa bình “Nhập Tống!”. Hãy ủng hộ sự sáp nhập của 2 đảng Cộng Sản, chúng ta sẽ có được độc lập, đồng thời vẫn giữ được nền hòa bình .

    “Độc lập tự do” trong tư tưởng Bác Hồ vĩ đại là độc lập tự do với nền tảng Xã Hội Chủ Nghĩa . Chắc các bạn còn nhớ câu thơ bất hủ của nhà thơ vĩ đại Chế Lan Viên, tác giả của “Người Đi Tìm Hình của Nước: Tiêu Đời, lộn, Điêu Tàn”, “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”. Và câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, vĩ đại nhất trong số các nhà thơ Tiền Chiến, Trung Chiến hay Hậu Chiến “Bên đây biên giới là nhà, Bên kia biên giới cũng là quê hương”.

    • mình nghĩ có chỗ nhầm lẫn. Bác chưa bao giờ có tư tưởng nền tảng XHCN cả. Ngay cả tên nước Bác còn đặt là “VIệt Nam dân chủ cộng hòa”, cho thấy Bác đã nhìn ra cái sự bất cập trong nền XHCN rồi. Đừng dẫn Các Mác ra đây nữa.
      Và ý bạn nói sáp nhập 2 đảng cộng sản là gì vậy? Đoạn cuối bạn đang nói gì vậy?

      • Bác này phản động quá mà!

        Bác đọc lại tên nước mình cái . Quên thì tôi nhắc: cộng hòa XÃ HỘI CHỦ NGHĨA vn

        Tôi mới check lại cách đây 3 giây, nước ta vẫn được/bị ĐẢNG CỘNG SẢN lãnh đạo, và ĐẢNG CỘNG SẢN vẫn kiên quyết kiên định CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ NIN và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu tư tưởng Bác Hồ vĩ đại không gắn liền với chủ nghĩa Xã hội, không gắn liền như hình với bóng ma với lý tưởng Cộng Sản, với Chủ Nghĩa Mác-Lê Nin thì Bác Hồ lập Đảng Cộng Sản làm gì vậy ? Bác Hồ đã la to sau khi đọc Mác-Lê Nin “Eureka” và chạy tô hô ra đường nên Chủ tịch Nguyễn Trường Tô Hô mới noi gương Bác đấy!

        Đồng Đăng đây, nọ Bằng Tường

        Song song đôi mặt như gương với hình

        Bên ni biên giới là mình

        Bên kia biên giới cũng tình quê hương…

        Tố Hữu

    • Bạn này phát ngôn rất là phản động. Mình nghi ngờ bạn là thành phần thân TQ chứ chẳng có con dân Việt Nam nào lại muốn sáp nhập với TQ cả nếu không ông cha ta vất vả đấu tranh dành độc lập trước TQ hơn 2000 năm qua để làm gì?

      • Bạn mới là phản động .

        Ông cha ta không có Đảng Cộng Sản lãnh đạo, không có chủ nghĩa Mác-Lê Nin làm kim chỉ 6 giờ, không có Bác Hồ vĩ đại lãnh đạo, so sánh thế nào được với đất nước vinh quang bây giờ!

        Ông cha ta đã chống lại nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em . Thắng lợi xong chỉ biết xây dựng một nền phong kiến để làm lợi cho riêng mình . Đảng Cộng Sản lãnh đạo nhân dân đạp đổ chế độ phong kiến xuống tận bùn đen, đồng thời kiên quyết dẹp bỏ những tư duy phong kiến thối nát, đưa cả nước Việt-Trung tới đại đồng, tới chủ nghĩa Xã hội, tới chủ nghĩa Cộng Sản . Ngày xưa là sai lầm, chúng ta sẽ dẹp bỏ những tư duy sai lầm, chữa lại những sai lầm của lịch sử .

    • Ban hiểu chũ nghĩa Mác-Lênin chứ?? Bạn thông suốt mọi ý đồ của TQ chứ, bạn hiểu nhân dân cần gì không?? Bạn biết lãnh đạo có chính sách gì à?
      Bác Hồ với tư tưởng là độc lập tự do với nền tảng XHCN là đề cao XHCN lấy làm con đường hướng tới chứ không phải tư tưởng cứ thấy XHCN là bong bong vào, tính Bác độc lập và yêu thiên nhiên nên ở đâu Bác cũng lấy làm tài được. Còn nữa, đừng nói là Bác Hồ vĩ đại, Bác rất vĩ đại, nhưng với phát ngôn của bạn, tớ chỉ thấy nó kì lạ và mất đi bản chất của Bác thế nào ấy! Tớ cảm nhận được!

  13. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”
    – Hồ Chí Minh-
    Tôi có một số câu hỏi mong được bạn làm rõ
    1. Hòa bình là gì? Muốn có hòa bình ta phải làm gì?
    2. Hòa bình để có độc lập hay độc lập để có hòa bình
    3. Tôi có 1 ví dụ nhỏ:
    Ngày xưa, ai đi học mà chẳng bị bắt nạt, thường thì những đứa to con hay bắt nạt, trốn lột đứa bé con. nếu là bạn là đứa bé con bạn sẽ làm gì để nó không đánh mình nữa (hòa bình)? có 3 cách
    A. Hằng ngày bạn phải cống nạp tiền để nó không đánh bạn nữa
    B. Cho người lớn biết ( cô giáo, ba mẹ) biết hành vi bắt nạt trấn lột đó, để người lớn can thiệt, khuyên răn, hòa giải. Nếu nó không nghe vẫn tiếp tục hăm dọa,, bắt nạt nữa thì quyết chiến đấu 1 phen.
    Theo tôi thì chắc chắn bạn sẽ chọn Phương án A. bởi vì nó dễ làm chỉ cần hằng ngày đưa tiền cho nó là xong.

    • ừ mình cũng đồng ý. Có lẽ tác giả nên viết là Hòa bình quan trọng, nhưng độc lập còn quan trọng hơn chứ, nhỉ? Tuy nhiên, theo ý mình, tác giả đã có ý nói như thế này “chúng ta không thể đánh thắng mãi được. Quá khứ dù huy hoàng nhưng cũng qua rồi. Điều bây giờ chúng ta cần làm là biết lượng sức mình. Phải tìm cách nào vừa giữ hòa bình, vừa khẳng định được chủ quyền độc lập”. Mình hiểu như vậy.

    • Ngạn ngữ do thái có câu :”trong 2 cách thì nên chọn cách thứ 3″ ở đây bài viết đề cập tới “phương pháp đấu tranh lương tâm” phải làm sao cho cái thằng bắt nạt nó day dứt với cái lương tâm của nó

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI