28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Người không vì mình, trời tru đất diệt

 *Photo: Touching Peace Photography

 

Bản thân mỗi con người khi sinh ra đã là một cá thể duy nhất và mỗi cá thể đó đã là một giá trị sẵn có. Có thể ai cũng biết điều này, nhưng không phải ai cũng biết trân trọng và giữ gìn nó.

Tục ngữ có câu: “Người không vì mình, trời tru đất diệt.” Có người bảo tục ngữ gì vớ vẩn, nói thế chẳng phải khuyên người ta sống ích kỷ à. Nếu câu này sai thì không có gì để bàn cãi, nhưng nếu nó đúng, thì chứng tỏ hơn bảy tỷ dân trên quả đất này, tất cả đều rất “vì mình” chứ không thì đã bị trời tru đất diệt cả rồi, nhỉ?!

Ngày một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời – thế giới đón chào một sinh linh mới, xã hội có thêm một thành viên mới, gia đình kết nạp một cái tên vào hộ khẩu, ông bà có đứa cháu ẵm bồng, cha mẹ có con yêu để cưng nựng. Rõ ràng là một điều đáng vui mừng đấy chứ, nhưng đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao lúc ấy lại khóc ầm ĩ lên như thế. Nhà Phật có bảo, ngay từ khi được sinh ra con người đã biết đời là bể khổ, ra đời là bơi vào bể khổ, thế nên khóc. Đâu, sống có gì khổ, sướng quá đi ấy chứ.

Hồi bé tý ấy, chẳng biết gì đâu, đói mà chưa được “chịt” – khóc. Tè dầm mà mẹ chưa thay tã – lại khóc. Đêm trời nóng, không có quạt mát – cũng khóc. Rồi lắm khi, ưng lên là khóc chứ cũng chẳng cần lý do. Bé tý thôi nhưng muốn cái gì mà không được thì khóc la om sòm, giờ nghĩ lại, thấy ta “ích kỷ” thật, cơ mà đâu phải mỗi mình ta. Dù là tiến sĩ, bác học hay thiên tài cũng đều thế cả đấy thôi.

Lớn hơn một chút, ý thức về mọi thứ xung quanh dần được hình thành. Biết ăn, biết nói, biết chơi, biết học. Mẹ bảo phải ngoan, thì nhất định không khóc nhè. Bố dặn không được trốn học, thì sẽ chăm tới trường. Ông khuyên phải biết chia sẽ, thì sẽ mang bánh cho bạn ăn cùng. Bà nói phải biết giúp đỡ người khác, thì sẽ trông em cho mẹ đi chợ. Hồi ấy, ta chăm ngoan, vâng lời là để người khác vui. Vậy phải chăng ta sống vì bố mẹ, ông bà, anh chị…?

Lớn hơn một chút nữa, khi sự phát triển đã đạt đến một mức để mỗi con người ý thức về cá nhân, về tình yêu, về cuộc sống. Có thể vào một sáng đẹp trời nào đấy, ngắm mình trong gương và tự hỏi, ta ước mơ gì, ta sống để làm gì và sẽ chết đi vì điều gì. Rồi lao đầu vào học hành, rèn luyện, mong có một ngày được giống cái người trên tấm ảnh dán tường mà mỗi tối đều ngắm trước khi đi ngủ. Lúc ấy, mới biết, trước giờ, dù có làm gì, cho ai, thì rốt cuộc cũng là cho bản thân mình. Đó là quy luật của cuộc sống, cứ như một vòng tròn luân hồi, rồi điều gì rồi cũng sẽ trở về như vốn đã thế, trở về nơi vốn đã thuộc về.

Bây giờ, càng lớn càng hoang mang, lẽ nào người không vì mình, trời tru đất diệt thật. Có phải cũng vì quá sợ bị trời tru đất diệt mà người ta “vì mình” một cách triệt để, triệt để đến nhẫn tâm và tàn ác.

Có đợt, thị trường rộ lên chuyện trái cây tẩm hóa chất độc hại để hàng tháng không hỏng. Rau xanh vừa phun thuốc hôm trước, hôm sau đã thấy chào hàng rôm rả ngoài chợ, rau muống đem ngâm nước cống, dưa chuột được “tắm” hóa chất độc…được rao bán tràn lan như những thứ vật phẩm tươi ngon, béo bổ.

Rồi khi nọ, dân tình xôn xao vụ tham nhũng đường dây 500 KV Bắc – Nam. Bộ trưởng năng lượng, một thứ trưởng, hai phó tổng giám đốc, hai phó giám đốc…đã tham ô 3,1 tỷ đồng. Vụ tiêu cực tại công ty Tamexco làm thất thoát gần 100 tỷ đồng của nhà nước. Thân làm “phụ mẫu” thiên hạ nhưng rất vì mình, đến mức phá hoại nhà nước, ăn chặn của dân như thế này không biết trời có tru, đất có diệt?

Cũng vì hám chút lợi, lắm người không ngại nhẫn tâm với người khác. Nói đi đâu cho xa, người ta cũng vừa mới vì vài lon bia mà ngó lơ lời thỉnh cầu của người bị nạn. Chưa kể các vụ chặt chém, tàn sát người vô tội để cướp của, đổi lại là những bán án tù chung thân, thậm chí là tử hình. Quả thực, “hám lợi là bản chất của con người, vì thế, có rất nhiều điều luật được đặt ra để bảo vệ của người trước đồng loại của mình.”

Nhớ đợt báo đăng tin, có anh tài xế nọ lạng lách vượt ẩu, đâm phải người kia, thấy nạn nhân bị thương nặng nhưng chưa chết, anh lập tức quay xe, cán thêm lần nữa. Hỏi ra mới biết, vì sợ sẽ tốn kém viện phí, thuốc men cho nạn nhân, thôi thì, cán cho chết luôn, theo quy định của pháp luật thì tông chết người chỉ cần đền bù chừng chục triệu với ít chi phí ma chay. Sững sờ.

Bữa nọ, nghe người ta kể có anh nọ yêu cô kia, nhưng cô kia không yêu lại mà chuẩn bị kết hôn với một người khác, thế là canh lúc không ai để ý, anh này đột nhập vào nhà và đâm chết cô gái. Cưới xin chẳng được, gia đình nhuốm màu tang tóc, đớn đau. Ngẫm nghĩ, không biết yêu thế này là yêu kiểu gì.

Số có thể là do trời định, nhưng phận thì phải tự nắm lấy

Mỗi người chỉ có một sinh mạng, chỉ có một lần để sống nhưng lại buông xuôi, phó mặc cho cuộc đời xô đẩy, rồi lại đổ lỗi cho số phận đã định như thế thì không thể khác đi được, chỉ với điều này thôi, bạn cũng đáng bị trời tru đất diệt.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời, chỉ một lần để sống vì thế hãy cứ sống vì mình. Vì bản thân mà phấn đấu, vì tương lai mà nỗ lực. Con đường nào cũng dẫn đến thành Rome, chọn cho mình một con đường muốn đi. Một con người để đôi chân sải bước, để tự tin là chính mình, để tự hào rằng ta đã sống trọn, đã vì bản thân (cũng là vì tất cả) mà cố gắng.

Cho dù có đứng trên đỉnh cao nhất, mà đôi chân đã giẫm chết bao sinh linh, đôi tay cướp bóc trên mồ hôi, công sức của người khác, thì lúc ấy, bạn đã làm vấy bẩn vị trí cao đẹp đó, vấy bẩn xã hội, cũng là vấy bẩn cả một đời người. Cái tội đó, trời không tru, đất chẳng diệt nhưng đủ để khiến bạn phải sống mà một nỗi hổ thẹn với đất trời.

 

 

Xu Hip Mi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

11 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không biết rõ nguồn gốc của câu nói nầy và chủ nhân của nó có ngụ ý gì. Điều tôi mong rằng nó không có mục đích khuyên người ta sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình mà không đến người khác.

  2. Mình hiểu câu nói này ám chỉ trên đời chả có ai sống không vì bản thân cả , đó là cái đầu tiên , tôi có thể hy sinh cuộc đời mình cho gia đình , bạn bè , người thân nhưng trên hết đó phải là CỦA TÔI , dù là người ko quen biết thì cũng để mình ko áy náy , hối hận gì cả . Kể cả phật hay đạo cũng thế , họ dạy người khác hướng thiện , làm sao để MÌNH hướng thiện – giúp đỡ người khác , sống vì người khác ? Tất cả cũng chỉ quy về bản thân mà thôi . Khó có thể tưởng tượng người không sống vì mình là người như thế nào ?

  3. Tôi không biết rõ nguồn gốc của câu nói nầy và chủ nhân của nó có ngụ ý gì. Điều tôi mong rằng nó không có mục đích khuyên người ta sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình mà không đến người khác.

    Theo tôi nghĩ nó dạy cho con người biết thứ tự hầu đạt được kết quả tốt cho chính mình và người khác. Giống như trong câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” có nghĩa là lo được gia đình, rồi mới nói chuyện lo cho tổ quốc, sau đó mới lo cho tất cả mọi người. Thử hỏi nếu
    không lo nổi cho gia đình thì làm sao lo nổi cho đất nước và thế giới. Nói xa thêm một chút nữa là trước khi nói chuyện gia đình thì phải đề cập đến một đơn vị căn bản hơn, đó là bản thân.

  4. tôi thât thích cái cách bạn viết cũng như tiêu đề. Bản chất mỗi con người là sự ích kỉ, tôi không tin trên đời này có người có thể chỉ sống vì người khác mà không sống cho bản thân mình. cảm ơn vì bài viết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI