27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

“Nền giáo dục, nền tuyên truyền chính trị đã khiến cho thói quen đọc sách nằm ngoài chính thống hầu như không còn”

 

 

Nhà triết học người Pháp Voltaire từng nói rằng:

“Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người.”

Báo Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với ông Chu Hảo – Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản (NXB) Tri thức về “Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới” – một “ngọn lửa” mà ông và những người cộng sự ở NXB này miệt mài thắp lên trong lòng những người yêu sách ở Việt Nam.

Thưa ông, xin ông chia sẻ với độc giả về ý tưởng và ước vọng của tủ sách có cái tên rất lạ – “Tinh hoa tri thức thế giới” này?

– Nước Nhật từ thời Minh Trị – Thiên Hoàng khoảng những năm 1860-1890, các nhà khoa học đã dịch hầu hết các tác phẩm kinh điển của Democrat, Aristotle, Plato, Kant, Hegel… và tập hợp thành tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Nhiều người cho rằng đó là một trong những nguyên nhân cốt  lõi khiến nước Nhật thời Minh Trị đã vươn lên trở thành một quốc gia hùng cường.

Đầu thế kỷ 20, các sĩ phu yêu nước của Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… đã tổ chức dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Hán. Những cuốn sách này được truyền bá về trường Quốc học Huế với tên gọi “Tân thư”. Nhiều sĩ phu yêu nước của Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… đều đọc tủ sách này. Những hiểu biết về tự do, bình đẳng, bác ái; những tư tưởng về dân chủ, dân quyền từ đó bắt đầu được nhen nhóm ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, thỉnh thoảng cũng có một vài NXB cho ra mắt một số cuốn sách kinh điển của thế giới nhưng không có tính hệ thống và Nhà nước chưa đứng ra tổ chức làm. Từ năm 2005, NXB Tri Thức bắt đầu tiến hành dịch những cuốn sách đó từ nguyên bản sang tiếng Việt chứ không phải từ tiếng Hoa hay tiếng Nhật.

Tủ sách này có tên gọi là “Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới”. Mục đích thành thập tủ sách này là muốn truyền tải các tri thức phổ quát của nhân loại về chính trị kinh tế học, triết học, khoa học xã hội tự nhiên và nhận thức luận khoa học mà các nước tiên tiến khác đã dịch thành tủ sách của nhà nước và phổ biến cho cộng đồng, cung cấp thêm những giá trị tinh thần đã trở thành phổ quát của nhân loại.

Khởi nguyên của ý tưởng này là từ đâu, thưa ông?

– Trong suốt quá trình làm việc với cộng đồng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam (ông Chu Hảo là nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ – PV), tôi nhận ra rằng, trình độ văn hóa chung của anh em cán bộ mình thiếu rất nhiều bởi ngay trong trường phổ thông, chúng ta chỉ được học một thứ, biết một thứ, đi thi một thứ cho đến tận bây giờ chứ không có ai khuyến khích và ít có điều kiện, cơ hội mở rộng kiến thức ra ngoài cái được coi là chính thống. Tôi nghĩ rằng những giá trị phổ quát của toàn nhân loại thì dân mình cũng có quyền được biết.

Trong thế giới ngày ngay, chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng, chấp nhận sự khác biệt. Không phải cái gì không giống ta đều xấu. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn cái khác biệt so với chúng ta, điều đó không có nghĩa họ xấu hơn chúng ta. Hiểu biết những giá trị phổ quát chung của nhân loại giúp cho mình không đi lạc lối.

Tôi lấy ví dụ như nền giáo dục của chúng ta hiện nay: Nhiều người cho rằng chúng ta đang đi lạc lối so với cái phổ quát của nhân loại. Vì sao lại như vậy? Vì chúng ta không tham khảo kỹ, không học tập kỹ những cái gọi là phổ quát, những kinh nghiệm của nhân loại đã thay đổi trong quá trình phát triển của nó cho nên mới duy trì một nền giáo dục lạc hậu đến tận bây giờ. Vừa rồi, Trung ương mới thông qua nghị quyết về đổi mới giáo dục. Ai cũng mong giáo dục của chúng ta sẽ chuyển biến, nhưng kết quả thực hiện nghị quyết này thì còn phải chờ.

Tôi đồng ý với ông về quan điểm những tinh hoa tri thức của nhân loại nên được phổ biến rộng rãi đến nhiều người. Hẳn ý tưởng này nhận được rất nhiều sự ủng hộ?

Từ năm 2005 chúng tôi thành lập NXB Tri Thức, mục đích chính là để xuất bản Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Được sự ủng hộ của lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam,với nỗ lực của tập thể anh chị em trong NXB và sự hỗ trợ rất hiệu quả của mạng lưới cộng tác viên và độc giả, chúng tôi đã tồn tại được đến ngày hôm nay.

Theo kế hoạch, chúng tôi phải xuất bản được gấp 3 lần hiện tại, tuy nhiên hiện nay mỗi năm chúng tôi chỉ xuất bản được vài ba chục cuốn vì dịch những cuốn sách về triết học, xã hội học, kinh tế chính trị học không phải là dễ. Muốn dịch thì phải có nền tảng văn hóa chung tốt. Số cộng tác viên hiện tại đều đã lớn tuổi nên họ dịch chậm vì rất  rất cẩn trọng.

Ví dụ như dịch giả Nguyễn Xuân Khánh dịch cuốn “Tâm lý học đám đông”, dịch giả Phạm Toàn dịch “Nền dân trị Mỹ” mất cả năm trời…đến những tác phẩm kinh tế học của Hayek, nhận thức luận khoa học của Thomas Kuhn, những cuốn sách về triết học của John Stuart Mill hay Karl R. Popper…không phải ai cũng dịch được.

Các em trẻ giỏi ngoại ngữ có nhiều nhưng không phải ai cũng dịch được. Đến bây giờ vẫn còn mấy trăm cuốn nữa nhưng chưa có ai nhận dịch. Tuy nhiên, lớp trẻ đang dần trưởng thành, một số người trẻ có ý thức tự bồi dưỡng để dịch những cuốn đó. Anh em trí thức ở nước ngoài cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Khó khăn thứ hai là tiền để sản xuất những cuốn sách này không có. Chúng ta có 90 triệu dân nhưng nền giáo dục, nền tuyên truyền chính trị đã khiến cho thói quen đọc sách ra ngoài chính thống hầu như không còn. Mỗi bản sách chúng tôi phát hành được 1000 – 2000 cuốn đã là thành công lắm rồi, không NXB nào có thể sống được với lượng phát hành như thế. Dù Liên hiệp hội có hỗ trợ nhưng chúng tôi vẫn phải tự hạch toán chứ không thuộc biên chế nhà nước nên kế hoạch chậm lại rất nhiều.

Điều khích lệ lớn nhất với chúng tôi đó là dòng sách này tuy mới lạ nhưng có uy tín khá tốt trong cộng đồng. Độc giả ngày càng quan tâm, tác dụng cũng ngày càng tốt. Vì thế dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ mục đích của mình.

Như ông vừa chia sẻ, những cuốn sách này dù là sách kinh điển nhưng đều là những tri thức phổ quát của nhân loại?

Ở các nền giáo dục tiên tiến, học sinh năm cuối cấp phổ thông đã được giáo viên giới thiệu để thảo luận. Tôi được biết, nền giáo dục miền Nam cũ cũng như vậy. Khi chúng tôi xuất bản tủ sách này, học sinh sinh viên của ta rất ngỡ ngàng.

Điều hạn chế nhất của không ít người làm khoa học ở Việt Nam là không biết đọc cái gì, không thiết tha đọc cái gì ngoài những thứ chính thống đã được học.

Tôi nghĩ rằng khi có điều kiện thì phải  xây dựng cho bằng được tủ sách này để truyền cho các thế hệ mai sau. Có thể những phiên bản đầu dịch chưa tốt, sau này sẽ có người dịch lại nhưng phải có người bắt đầu.

Theo quan điểm của ông, sự xuống cấp chung về đạo đức xã hội mà chúng ta đang lo lắng hiện nay, có phần nào nguyên nhân từ việc thiếu những tri thức nền, tri thức cơ bản như thế hay không?

Đấy cũng là một trong những lý do hết sức cốt yếu. Giáo dục và văn hóa mà bất cập thì chúng ta phải trả giá hàng thế kỷ. Hiện trạng xã hội ta hiện nay có một phần rất lớn do lỗi trong hệ thống dẫn dến không phát huy được năng lực sáng tạo, không phát huy được độc lập tư duy và tự do học thuật…

Với Tủ sách này chúng tôi muốn bổ sung cho xã hội những luồng tư tưởng tốt đẹp khác mà người Việt Nam cần phải biết. Biết thiên hạ làm gì, thiên hạ nghĩ gì, cái gì hay thì theo, cái gì dở thì tránh xa chứ không thể để cho con cháu ngàn đời chỉ biết có một thứ mà cái thứ đó nhiều người đã cho là sai lầm.

Theo đánh giá của cá nhân ông, Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới có thành công được như ông và đồng sự mong đợi chứ?

Chỉ có số lượng là không được như mong đợi nhưng ý nghĩa của nó, tác dụng của nó với những người đã đọc thì tôi hoàn toàn thỏa mãn. Số người đọc càng ngày càng nhiều, số thầy giáo sử dụng những cuốn sách này dạy sinh viên ngày càng nhiều, trí thức đến với cuốn sách này càng nhiều, trong các hội sách người ta nói đến tủ sách tinh hoa  cũng ngày càng nhiều, đó là phần thưởng vô giá đối với tôi.

Trong quá trình làm tủ sách này và trong quá trình ông cùng các bạn bè tri thức của mình trong nỗ lực thúc đẩy xã hội này tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, có khi nào cảm thấy nản lòng không?

Ngay từ đầu chúng tôi đã hình dung không dễ vì chưa chắc các cơ quan chức năng đã chấp nhận dòng sách của chúng tôi. Trong khi từng cuốn sách một chúng tôi phải thuyết minh, các cơ quan truyền thông đại chúng nhắc lại các khẩu hiệu về tự do, dân chủ, phát huy năng lực sáng tạo thì trên thực tế những tác phẩm nào nói đến tự do, nói đến dân chủ là khó xuất bản nhất, phải đi giải thích nhiều nhất.

Có những tác phẩm từ thế kỷ 19 khi nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa ra đời, khi Đảng cộng sản chưa ra đời nhưng có nhiều người cứ nghĩ rằng họ chỉ trích mình đây – nó vô lý như vậy đấy. Thế nhưng đấy là cuộc đời, là sự thật mà chúng ta không tránh đi đâu được. Tôi giải thích được đến đâu thì tôi xuất bản được đến đó.

Có lúc nào nản lòng không ư? Cũng có lúc gần như thế thật, nhưng tôi lại nghĩ rằng nếu mình và đồng nghiệp không quyết tâm đi theo đến cùng, bỏ dở thì không biết đến bao giờ mới khởi động lại được, như thế là có lỗi với  xã hội, với các thế hệ trẻ. Tôi rất mừng vì hiện nay có những người trẻ thỉnh thoảng lại đến đây mua sách và lên đây gặp tôi và chia sẻ những thứ mà họ đã được đọc.

Ở nước ngoài họ nghiên cứu những cuốn sách này rất sâu. Tôi lấy thí dụ như cuốn Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) của F.A. Hayek – cuốn sách gối đầu giường của nhóm cải cách Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã đọc, ông ta nắm được tư tưởng hay trong đó và áp dụng vào đổi mới năm 1978.

Nhiều cuốn sách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc được giới thiệu để đọc trong khi đó chúng tôi rất khó khăn để có thể xuất bản được. “Đường về nô lệ” chỉ chứng minh một điều rất đơn giản, nếu công hữu tư liệu sản xuất để nhà nước thao túng tất cả, không chấp nhân thị trường tự do thì sẽ đi đến khốn cùng, sẽ về lại thời nô lệ…

Nhưng ông có lo lắng khi giới trẻ bây giờ họ sống nhợt nhạt, ít trăn trở hơn, ít quan tâm đến các vấn đề lớn của đất nước hơn các thế hệ trước đó?

Đó là lỗi của nền giáo dục của mình.

Đến nay, phía NXB có kế hoạch, dự định nào  để đưa bộ sách này vào các trường Đại học, các cơ quan bộ ngành để cho cán bộ đọc không, thưa ông?

Chúng tôi đã có kế hoạch tặng sách cho các thư viện của các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước nhưng gặp không ít khó khăn do vấn đề kinh phí. Phía Liên hiệp hội cũng đã có kế hoạch cấp cho NXB mỗi năm 800 triệu để làm việc đó nhưng chúng tôi không tiêu được do hệ thống tài chính quá phức tạp, rắc rối, coi trọng hóa đơn chứng từ hơn là hiệu quả thực sự. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và chúng tôi vẫn đang tiến hành kế hoạch này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Tuấn Ngọc, Một Thế Giới

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Thưa ông Chu Hảo, cảm ơn những tâm huyết quý báu của ông. Tôi rất muốn được tham gia là một thành viên dịch bộ sách đó, và xin được đóng góp là tổ chức truyền bá nó trên mạng thì khả năng bị kiểm soát sẽ khó hơn rất nhiều.

  2. Cám ơn về bài viết, mình đã biết thêm được một tủ sách quý giá mặc dù mình đủ khả năng để đọc bản gốc nhưng đọc bản dịch do các dịch giả ngày đêm nghiên cứu vẫn giúp mình hiểu thêm nhiều điều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI