27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự học (phần 1): Không trông chờ được gì nhiều từ trường học

Nếu bạn đến La Mã vào thế kỷ 1 TCN, bạn sẽ thấy giáo dục ở đây khá thú vị, khi học sinh được học rất nhiều về tranh biện. Các gia đình quý tộc thời kỳ này thường thuê những người có tài hùng biện giỏi để giảng dạy cho con em họ, hoặc cho con em mình đến trường để mài giũa khả năng tranh luận. Bạn có thể bắt gặp chàng trai trẻ Julius Caesar¹ đang phản biện lại ông thầy của anh ta. Đừng cười nếu bạn thấy Julius nói gì đó dở hơi, anh ta sẽ giết bạn khi lên ngôi đấy.

Từ La Mã hãy thuê một con lạc đà để đi về phía đông qua những con đường tơ lụa. Bạn sẽ đến Trung Hoa, nơi đang trải qua giai đoạn thịnh trị dưới thời nhà Hán. Giáo dục ở đây không vui vẻ và tự do như ở La Mã. Học sinh được dạy chủ yếu về Nho học, với tư tưởng “trung quân ái quốc” hay “vua xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà bạn thường thấy trong mấy bộ phim cổ trang. Giáo dục thời nhà Hán cũng nặng về lý thuyết như bây giờ và bạn sẽ bắt gặp nhiều anh chàng đang ngồi lẩm bẩm học thuộc sách Luận Ngữ². Nhớ đừng chê bai gì nền giáo dục ở đây nhé, kẻo bạn sẽ bị thiến như Tư Mã Thiên³ đấy.

Tại sao lại có sự khác nhau trong cách giảng dạy ở hai nền giáo dục Đông và Tây như vậy? Điều gì đã quyết định thể chế giáo dục ở các quốc gia? Câu trả lời là do đặc điểm chính trị và xã hội của các quốc gia đó.

La Mã đi theo chế độ cộng hòa, quốc gia này có hiến pháp và quốc hội. Bạn biết quốc hội rồi đấy, đó là nơi các chính trị gia cãi nhau ỏm tỏi suốt ngày về đủ thứ vấn đề nhức đầu, sau đó thông qua quan điểm nhận được nhiều lá phiếu nhất. Vậy nên khả năng tranh luận rất quan trọng với quan chức La Mã. Những người có khả năng tranh biện sẽ dễ đạt được vị trí cao trong quốc hội và từ đó có được nhiều quyền lực. Đó là lý do mà các gia đình đều cho con em mình theo học những nhà hùng biện giỏi, và các trường học ở La Mã đều coi kỹ năng hùng biện là môn học quan trọng nhất.

Ngược lại, nhà Hán đi theo chế độ quân chủ chuyên chế, nơi mọi quyền lực đều nằm trong tay hoàng đế. Nhà vua không cần những người tranh luận giỏi vì họ sẽ cãi lại chính ông ta. (Trong khi đó, các vị vua có lẽ không muốn phải gọi đao phủ quá nhiều). Nhà vua cần những người có thể giúp ông ta giữ vững sự thống trị của mình đối với dân chúng. Vì vậy, vị hoàng đế quyết định tư tưởng Nho học đề cao đạo đức và lòng trung thành sẽ là môn học chính được giảng dạy. Việc giảng dạy đạo Nho trên toàn quốc sẽ giúp đào tạo ra những người có đạo đức để cai trị nhân dân và trung thành với hoàng đế.

Đó là những người nhà vua cần, những người có thể giúp ông ta giữ vững sự cai trị với nhân dân và không phản kháng lại ông ta. Vậy nên tư tưởng Nho học mới được giảng dạy tại Trung Hoa suốt hai ngàn năm qua. 

TRƯỜNG HỌC: GIÁO DỤC VÌ CHÍNH QUYỀN

Mọi nền giáo dục⁴ đều do chính quyền tạo ra và chịu sự chi phối của chính quyền. Các chính quyền hình thành trước, sau đó các chính quyền này mới cho xây dựng trường học và quyết định học sinh sẽ học gì trong chương trình học. Trong xã hội nguyên thủy khi chưa có nhà nước, thì cũng chưa có nền giáo dục. Chính quyền Cộng hòa La Mã có trước, sau đó chính quyền này mới quy định học sinh phải học tranh biện. Chính quyền phong kiến của nhà Hán có trước, rồi chính quyền này mới quy đinh các trường học phải giảng dạy đạo Nho.

Nhưng các chính quyền thực chất là công cụ quản lý xã hội của giai cấp thống trị⁵. Vì thế, các nền giáo dục được chính quyền xây dựng nhằm mục đích đào tạo ra những con người có thể phục vụ tốt cho việc quản lý xã hội của chính quyền, chứ không nhằm mục đích đào tạo người học trở nên tốt hơn. Mục tiêu của những trường học là đào tạo nên những người có thể giúp chính quyền quản lý xã hội và không lật đổ sự thống trị của nhà nước.

Nền giáo dục của chính quyền phong kiến đào tạo Nho học vì tư tưởng này giúp tạo ra những con người “trung quân ái quốc” có thể giúp hoàng đế quản lý được đất nước và duy trì sự thống trị của nhà vua. Nền giáo dục của của chế độ cộng hòa đào tạo những con người có khả năng tranh biện vì những người tranh biện tốt sẽ có thể tham gia quốc hội và lãnh đạo đất nước. Vậy nên nền giáo dục luôn bị chi phối bởi chính quyền, và NỀN GIÁO DỤC LÀ ĐỂ PHỤC VỤ CHÍNH QUYỀN, CHỨ KHÔNG PHẢI CHÍNH NGƯỜI HỌC.

Bên cạnh sự chi phối của chính trị, nền giáo dục còn bị ảnh hưởng bởi xã hội. Xã hội sẽ tác động đến nền giáo dục thông qua nhu cầu của người học. Ví dụ như chính phủ Việt Nam quy định nền giáo dục phải tập trung đào tạo nặng lý thuyết các môn toán lý hóa. Nhưng khi nhiều bậc phụ huynh muốn con em được học kỹ năng mềm, các trường học của Việt Nam sẽ bắt đầu đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy. 

Nhưng nhu cầu của con người ngàn đời nay luôn là có một địa vị cao trong xã hội. Vì thế, mọi người sẽ có xu hướng học tập những thứ giúp họ đạt tới địa vị cao. Và trớ trêu thay, con người thường tin rằng những thứ giúp ta có địa vị cao chính là thứ được giảng dạy bởi nền giáo dục mà chính quyền đã quy định từ trước. Cha của Caesar cho ông học tranh biện vì tin rằng cãi nhau tốt sẽ giúp Caesar lấy được một chân trong viện nguyên lão. Phụ thân của Tư Mã Thiên cho ông học đạo Khổng vì nghĩ rằng trở thành một Nho sĩ uyên thâm sẽ giúp ông có một chức quan trong triều. Bố mẹ chúng ta muốn ta tốt nghiệp đại học, thi đỗ công chức nhà nước, có bằng thạc sĩ và vào Đảng cũng là vì muốn ta có được vị trí trong bộ máy chính quyền. Việc xã hội luôn tin tưởng vào giáo dục truyền thống làm cho những nền giáo dục được mở rộng ra và tiếp tục giảng dạy những thứ cần cho chính quyền.

Và thế là, các nền giáo dục đi theo cái vòng lặp sau:  

a. Chính quyền quy định nền giáo dục sẽ học những gì. Những thứ mà nền giáo dục dạy sẽ nhằm mục đích giữ ổn định xã hội và phục vụ chính quyền. 

b. Người dân sẽ học những thứ chính quyền đã quy định để có địa vị cao trong xã hội.

c. Chính quyền: ồ, người dân có nhu cầu học những cái này nè, mở rộng nền giáo dục ra thôi.  

d. Xã hội: chính quyền giảng dạy thêm cái này chứng tỏ họ cần những người như vậy, đi học để có địa vị cao đi nào các con yêu. 

e. Vòng lặp này cứ thế tiếp diễn làm nền giáo dục được mở rộng ra và người dân càng tin tưởng vào trường học hơn.

…….

f. Tôi: Ủa thế trước giờ mình đi học để làm cái quái gì vậy?

g. Vẫn là tôi: Sắp đến giờ ra chơi chưa ý nhỉ?

Quy luật này đúng ở mọi nền giáo dục. Chính quyền tư bản cần sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường. Thể chế này cần những con người nhanh nhạy và biết nắm bắt cơ hội kinh doanh, hay những người có thể làm giàu. Vậy nên nền giáo dục ở các quốc gia tư bản khá tự do để đào tạo ra những con người nhanh nhạy có thể phát triển nền kinh tế cho chính quyền. Đó là lý do self help, thứ sinh ra để giúp con người làm giàu xuất hiện và phát triển tại đây. Còn ở các nước XHCN, chính quyền cần những con người có tư duy và lí luận tốt để nắm bắt được học thuyết Marx – Lenin, nên chương trình giảng dạy rất nặng về lý thuyết và có yếu tố chính trị trong chương trình học. Đó là lý do chúng ta phải mỏi mắt phân biệt mấy lọ hóa chất và vất vả tìm “x” hồi phổ thông, rồi tiếp tục bị chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng XYZ làm khổ khi lên đại học⁶. 

VẤN ĐỀ CỦA NỀN GIÁO DỤC 

Hãy nhìn vào bức hình bên dưới. Đừng nhìn vào IKIGAI, quên nó đi. Hãy nhìn về góc phần tư thứ 4, nơi phần [NGHỀ] là giao của [thứ xã hội cần] và [thứ bạn có thể kiếm được tiền]. 

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'THÚ CHÚNG ΤΑ CẢN Việc bạn yêu thích Đan mê Sứ mệnh Việc bạn làm giỏi IKIGAI Cái thế giới cần Chuyên môn Nghề Việc làm ra tiển THỨ TRƯƠNG HỌC DẠY'

Nền giáo dục được tạo nên bởi chính quyền, nên nó sẽ tập trung vào giảng dạy thứ mà xã hội cần (thứ chính quyền cần). Nền giáo dục chịu ảnh hưởng bởi xã hội, nên nó sẽ giảng dạy những thứ giúp bạn kiếm được tiền (hay thứ giúp bạn có địa vị cao, mà trong xã hội hiện nay thì có tiền là có địa vị cao). Vì thế, tất cả những gì nền giáo dục hướng đến là tạo ra cho người học một công việc. Hệ thống giáo dục của chúng ta chỉ nhằm mục đích giúp ta có một công việc hay nghề nghiệp (kỹ sư, bác sĩ, kiểm toán,…) nào đó.

Vấn đề nảy sinh ở đây. Vì toàn bộ việc học hướng đến công việc, nó bỏ qua việc đào tạo [thứ người học thích] và [thứ người học giỏi]. Có bao giờ trường học sẽ hỏi bạn “em thích học điều gì” hay “em có tài năng gì” không? RÕ RÀNG LÀ KHÔNG! Trường học chỉ tập trung đưa bạn vào một cái khuôn có sẵn, bất kể năng khiếu và sở thích của bạn là gì. Vì thế, những người chỉ phụ thuộc vào giáo dục truyền thống rất hiếm khi tìm được đam mê của mình hay khai phá được tiềm năng của bản thân. Trớ trêu thay, đây lại là hai yếu tố quan trọng nhất của một sự nghiệp thành công trong mô hình IKIGAI. 

Bên cạnh đó, giáo dục truyền thống cũng bỏ mặc luôn việc dạy những kỹ năng mà bạn cần cho cuộc sống, ví dụ như giao tiếp chẳng hạn. Hệ quả là đa số mọi người hầu như không biết gì về những kỹ năng này, và cuối cùng đều phải tự học lấy từ “trường đời”. 

Giáo dục truyền thống dạy thứ mà xã hội cần, chứ không phải thứ bạn yêu thích. Trường học chỉ cho bạn biết nghề nghiệp nào kiếm được tiền, chứ không thể khai phá tiềm năng của bạn để bạn xây dựng sự nghiệp riêng của mình. Nền giáo dục là vì chính quyền và xã hội, chứ không phải vì chính bạn. Vì thế nên các trường học đều không thể nuôi dưỡng lòng yêu thích của người học với việc học cũng như không thể giúp học sinh phát huy thế mạnh của bản thân. 

Bạn có thể thấy rõ kết quả của giáo dục truyền thống:

a) ta không học thứ mình thích, thế là việc học trở nên chán ngấy

b) ta không học thứ mình giỏi, và chẳng bao giờ tối đa hóa được tiềm năng của mình

và c) những thứ cần thì không học, còn những thứ học thì không cần.

Không ai trong chúng ta dùng đến logarit khi đi mua rau và ta cũng không dùng hóa học để phân biệt loại đồ uống nào là ngon nhất trên menu. Trong khi đó, ta không biết cách phải mở lời với người đối diện như thế nào. Ta không biết cách kiểm soát cơn giận của mình ra sao. Ta cũng không biết mình thích gì và có thế mạnh ở điểm nào luôn. Cuối cùng thì ta chán ngấy với việc đến trường và bắt đầu trốn học đi chơi.  

Vậy nếu đã chẳng trông chờ gì được từ giáo dục truyền thống, tại sao ta không tự giáo dục lấy chính mình?

TỰ HỌC: GIÁO DỤC VÌ CHÍNH MÌNH

Ấy, tôi không có ý định bảo bạn hãy bỏ học như Bill Gates và đem 1 can xăng đến đốt trường cấp 3 đâu nhé. Những thứ ta thu nhặt được từ trường học không hẳn là vô ích. Các môn toán hoá tuy không thể ứng dụng nhưng có thể mài sắc tư duy của bạn và ngoại ngữ đôi khi giúp bạn say hello với Tây trên hồ Gươm. Trong xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam, việc có một tấm bằng vẫn là cần thiết. Vấn đề là mọi người thường dành toàn bộ thời gian học tập của mình cho giáo dục truyền thống, dẫn đến ta sẽ không thể biết được rất nhiều kiến thức và kỹ năng mà ta nên có và cần phải có. 

Chúng ta cần biết rất nhiều các kiến thức và kỹ năng khác nhau để có thể có một cuộc sống và sự nghiệp tốt. Nếu bạn muốn có sự nghiệp thành công, bạn cần biết cách quản lý thời gian, xây dựng thói quen, tự kỷ luật. Nếu bạn muốn ứng xử và giao tiếp tốt với xã hội, bạn phải học cách ăn nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, nắm bắt cảm xúc của người khác. Nếu bạn muốn có cuộc sống viên mãn, bạn phải biết điều tiết cảm xúc của mình, hiểu cách tâm trí mình hoạt động,… Tiếc thay, những kỹ năng quan trọng này hầu như không bao giờ học được trong nhà trường. 

Đó là lý do vì sao việc tự học lại quan trọng. Tự học là để cung cấp cho bản thân những kỹ năng cần thiết mà không thể tìm thấy ở nơi giáo dục truyền thống. Những thứ mà ta cần biết không thể học trong trường, vậy nên ta cần phải tự học lấy. Nếu đã chẳng mong chờ được gì ở giáo dục truyền thống, thì cách duy nhất là tự mình giáo dục lấy mình. Tự giáo dục, đó là cách giáo dục đẹp đẽ và cao quý nhất.   

Và đó là cách mà các danh nhân đã làm. Cá nhân tôi không biết một danh nhân nào chỉ mài đũng quần trên ghế nhà trường thôi mà có thể thành tựu được cả. Những tài năng rực rỡ nhất đều sinh ra từ việc tự học và tự rèn luyện. Steve Jobs bỏ học đại học nhưng vẫn có thể thành công. Abraham Lincoln từng không được đến trường trong suốt tuổi thơ trước khi là tổng thống.  

Phần còn lại của loạt bài viết này sẽ chia sẻ những ý tưởng về việc tự học mà tôi đã thực hiện trong suốt mấy năm qua. Đây sẽ không phải là một bản hướng dẫn chi tiết về việc tự học như cuốn “Tôi tự học” của cụ Nguyễn Duy Cần mà là những ý tưởng hay ho tôi chắt lọc được ra trong quá trình tự học. Chúng khác với những thói thường và có lẽ không mấy dễ chịu để chấp nhận, nhưng với tôi đó là điều tốt. 

Đầu tiên là, ta sẽ thấy trong phần hai, tạo ra hứng thú với việc học bằng cách chủ động quyết định việc học của mình. Tiếp theo là, ta nên thay đổi mục tiêu của việc cải thiện bản thân thế nào để có được cả thành công và hạnh phúc. Kế đến là, làm thế nào để không trở thành một tên mọt sách. Và cuối cùng là cách nhận biết những nguồn thông tin tốt và xấu trên internet trong thời đại ngập tràn “self help” bẩn này. 

Một lưu ý quan trọng: Vì quan điểm của tôi về việc học không giống với truyền thống, bạn cũng không nên hiểu từ “học” mà tôi sử dụng trong loạt bài viết này là việc ngồi một chỗ đọc sách và rồi làm bài tập. Học đối với tôi là việc trau dồi những kiến thức, rèn luyện những kỹ năng và bồi dưỡng những đức tính cần thiết cho cuộc sống của mình. Nói cách khác, bạn có thể hiểu TỰ HỌC đối với tôi là việc TU THÂN, hay hoàn thiện bản thân mình.

Bạn có thể ghé thăm blog của tôi tại: fb.com/cahoileothac

Bài viết liên quan:

Tự học (phần 3): Thành nhân tính trước, thành công tính sau

Tự học (phần 2): Học chủ động thay vì học thụ động

Tác giả: Vũ Đức Huy

Biên tập: THĐP

__________________________________________

CHÚ THÍCH

¹ Julius Caesar: nhà quân sự tài ba, nhà độc tài, người chấm dứt chế độ cộng hòa ở La Mã và đặt nền móng cho đế chế La Mã.

² Luận Ngữ: một bộ sách quan trọng trong Nho học do Khổng Tử và các học trò biên soạn. Luận Ngữ là một trong Tứ Thư. 

³ Tư Mã Thiên: một vị quan thời Hán Vũ Đế. Ông bị hoạn vì cãi lời vua. Ông là người viết nên bộ Sử ký, một trong những bộ sách lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử loài người. 

Cần phân biệt rõ “giáo dục” và “nền giáo dục”. “Giáo dục” thì có thể đến từ bất cứ đâu. Bố mẹ dạy tôi cầm đũa, đó là giáo dục. “Nền giáo dục” lại là sản phẩm của chính quyền và do chính quyền quy định, bao gồm bộ giáo dục, trường học, môn học nào được đề cao (ở VN là toán, lý, hóa chẳng hạn),… 

C. Mác – Ph. Ăng-ghen: Tuyển tập, tập I, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1970, trang 584

Just for fun, không có ý gì đâu. 


💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI