27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Những điều cơ bản cần biết về Chủ nghĩa Stoic (chủ nghĩa “khắc kỷ”)

thdp translation 3

“Một lý do tuyệt vời để chọn ra một vị thần hay một dạng tâm linh nào đó để thờ phụng – có thể là Jesus (Giê-su) hay Allah… hay các nhóm nguyên tắc đạo đức không thể vi phạm – là vì hầu như mọi thứ khác bạn tôn thờ sẽ nuốt sống bạn.”

— David Foster Wallace

Trong 28 ngày của tháng Mười, tôi cùng 7 người khác đã trải qua những đêm lạnh cắt da và cái nắng ban ngày như thiêu đốt tại một nơi hoang vu trên sa mạc Utah trong tình cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng (gần một tuần không có thức ăn). Ngoài cuốn sách dạy kỹ năng sinh tồn, tôi còn mang theo bên mình quyển Letters from a Stoic (Những lá thư từ một Stoic (phát âm: Stô-íc)) của Seneca. Ngày qua ngày, tôi đã thấy một vài thành viên trong nhóm bỏ cuộc bởi sự khắc nghiệt và nhiều lý do khác. Tôi thường hỏi tại sao tôi lại làm một việc điên rồ như vậy.

Từ lâu, tôi đã là một người hâm mộ Chủ nghĩa Stoic, và bởi vì chỉ đọc quyển sách Letters from a Stoic trong suốt một tháng qua, nên tôi dành rất nhiều thời gian để chiêm nghiệm về triết lý này trong cuộc sống ngày nay. Bài viết này được thực hiện với mục đích giúp các bạn hiểu được những nguyên tắc cơ bản của một trường phái triết học cổ xưa nhưng có liên hệ mật thiết đến hiện tại.

>> [THĐP Vietsub] (TED-Ed) Chủ nghĩa “khắc kỷ” là gì?

LỊCH SỬ

Chủ nghĩa Stoic được thành lập vào khoảng thế kỷ 3 TCN bởi Zeno, một người con của nước Cộng hòa Síp (Cyprus). Trong tiếng Anh, Chủ nghĩa Stoic có tên gọi là Stoicism, bắt nguồn từ chữ stoa – một khu vực có kiến trúc hình mái vòm – nơi Zeno giảng dạy cho học trò ở Athens. Trong nhiều thế kỷ, Chủ nghĩa Stoic đã là một trong những trường phái triết học có sức ảnh hưởng nhất trong thế giới Hy-La (Hy Lạp – La Mã), và với lượng đông đảo tín đồ và giáo chủ, họ đã chỉnh sửa và phát triển nó trong mấy trăm năm. Tuy nhiên, những giá trị cơ bản vẫn luôn được giữ nguyên vẹn.

Mục tiêu chính của trường phái này là giúp con người có được hạnh phúc bằng cách đạt được điều thật sự quý giá trong cuộc sống, đó chính là arete trong tiếng Hy Lạp hay virtus trong tiếng La-tinh (dĩ nhiên nghĩa của những từ này sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với từ “virtue” – mang nghĩa “đức hạnh” trong tiếng Anh). Lẽ chí thiện (lý tưởng thượng đỉnh) (Summum bonum) này là sự tập hợp của bốn phẩm chất:

  1. Trí tuệ, hay sự thấu hiểu đạo đức
  2. Cản đảm
  3. Tự chủ
  4. Công bằng trong việc đối xử với người khác

Một khi đã theo đuổi và đạt được arete, con người sẽ có được sự viên mãn, thật sự tự lập, tự chủ,  miễn nhiễm khỏi đau khổ và những điều không may. Arete không phải là phẩm chất chỉ dành riêng cho một tầng lớp hay vị trí nào, thậm chí khi một người nô lệ có được arete thì anh ta sẽ được tự do, bởi vì không ai, kể cả nhà vua, có thể tác động đến anh.

Trong Chủ nghĩa Stoic, không có một vị thần nào (ND: không phải tôn giáo), nhưng họ thường nhắc đến thánh ý (divine will) theo nhiều cách khác nhau, nhìn chung đều mang nội dung rằng tất cả chúng ta đều chung sống trong một cộng đồng với những điều kiện và hạn chế như nhau. Do đó, nghĩa vụ của chúng ta là phải sống hòa thuận và phù hợp với cộng động này. Nghĩa vụ này gồm 2 điểm:

  1. Chúng ta không nên phàn nàn, thay vào đó ta chấp nhận số phận của chính mình dù có thế nào đi nữa.
  2. Chúng ta nên sống theo quy luật tự nhiên.

Bước 1 – Chấp nhận số phận

Tại sao chúng ta phải hoàn toàn chấp nhận số phận? Thoạt nghe, điều này dường như khuyến khích ta không nên cố gắng cải thiện tương lai. Tuy nhiên, đó là một cách hiểu không đúng. Ví dụ, những người khắc kỷ rất chú trọng vào các dịch vụ công cộng hay luôn cố gắng cải thiện bản thân. Do đó trong trường hợp này, chấp nhận số phận có nghĩa là không nên quá coi trọng những thứ nhất thời, ngắn hạn. Nếu biết cách buông bỏ những điều không quan trọng, một người có thể tìm cho mình được sự bình yên trong tâm hồn và sự mãn nguyện không màng vật chất mà không gì có thể lay chuyển được. Nếu biết cách chấp nhận tất cả mọi thứ trên đời đều đến và đi, thì sự mãn nguyện và bình yên đó sẽ luôn đứng vững trước mọi thử thách của tham vọng, giàu sang, và nguy hiểm nhất là lòng tham. Hãy nhớ rằng khái niệm mọi thứ “đến và đi” cũng chính là một nguyên tắc cốt lõi trong Thiền Tông.

Bước 2 – Sống theo quy luật tự nhiên

Khái niệm “Quy luật tự nhiên” là một khái niệm hơi mang tính cá nhân, nên điều này cũng lý giải vì sao “chất vấn tục lệ tập quán” là một trong những điểm cơ bản của Chủ nghĩa Stoic. Tuy nhiên, có một số tư tưởng quan trọng lại rất dễ hiểu:

  • Tập sống với nhu cầu tối thiểu. Một người nên biết cách sống chỉ với những thực phẩm cơ bản, nước, quần áo và chỗ trú. Seneca đã từng viết trong thư của mình: “Thỉnh thoảng trong nhiều ngày bạn tập sống mãn nguyện với loại thức ăn nhạt nhẽo nhất, với số lượng cực ít, và bộ quần áo thô ráp. Khi đó, bạn hãy tự hỏi bản thân: ‘Đây có phải là điều mà mình từng lo sợ?’”(67). Chính ý tưởng này (và đặc biệt là câu trích dẫn này) đã khiến tôi thử thách bản thân trong 28 ngày ở một nơi hoang vắng và gần như không có thức ăn.
  • Chúng ta nên biết cách phát triển khả năng lý luận của mình. Như thế nào? Chúng ta phải hoàn thiện khả năng đó để chinh phục được những cảm xúc hủy diệt từ bên trong: nỗi buồn, nỗi đau, nỗi sợ (đặc biệt là nỗi sợ chết) và sự mê tín. Lý trí sẽ cho phép chúng ta thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực trên, kiểm soát được những ham mê của bản thân, hiểu rằng không có gì là tốt hoặc xấu, tất cả đều phụ thuộc vào ý nghĩ của chúng ta, và chấp nhận tâm trí như một nơi tốt hơn để tìm thấy sự thật chứ không phải cơ thể hay cảm xúc. Một câu nói của Seneca mà những người khắc kỷ rất tâm đắc: “Con đường ngắn nhất dẫn tới sự sung túc chính là coi thường sự sung túc.”

Tác giả: Maneesh Sethi

Biên dịch: Mai Nguyen

Hiệu đính: Prana


📌 Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 9 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha đang giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership 

📌 Volume 1, 2, 3 Free! (Click here)

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI