27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Làm thế nào để phụ lòng người và liều lĩnh đánh mất tất cả

7

[2583 chữ, 9 phút đọc]

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần gia đình sắm một đầu máy VCR hay stereo mới, tôi hay nhấn từng nút điều khiển, cắm và rút từng đoạn dây dẫn, chỉ để xem mọi thứ hoạt động như thế nào. Theo thời gian, tôi nắm được cách chúng hoạt động. Và cũng bởi vậy, chỉ có mình tôi trong nhà là thường xuyên sử dụng các thiết bị này nhất.

Giống như nhiều đứa trẻ thuộc thế hệ millennials, tôi được cha mẹ xem như một dạng thần đồng vậy. Với họ, việc có thể cài đặt đầu máy VCR mà không cần nhìn vào sổ hướng dẫn cũng khiến tôi trở thành một Tesla tái sinh. Bố mẹ vẫn hay lắc đầu, cười ha hả và nói “Làm sao con dùng được thứ đó vậy nhỉ?” còn tôi chỉ biết nhún vai và cũng chẳng thực sự hiểu được câu hỏi. Các nút điều khiển ở sẵn đó rồi, chỉ việc bấm vào và xem điều gì xảy ra. Sau cùng ta cũng sẽ biết được cách bấm đúng nút thôi.

Nhìn lại thế hệ của cha mẹ tôi và cười chứng sợ công nghệ của họ thì thật dễ dàng. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có những lĩnh vực mà trong đó chúng ta rơi vào tình huống giống như cha mẹ tôi với đầu máy VCR mới: Chúng ta chỉ ngồi nhìn, rồi lắc đầu và nói “Nhưng làm sao lại thế được nhỉ?” Trong khi thực ra rất đơn giản, hãy cứ thực hiện thôi.

vcr-1221156_1280
Photo: InspriredImages

Tôi cũng nhận được email từ nhiều người đặt ra những câu hỏi như vậy suốt. Và trong nhiều năm, tôi không biết phải nói gì với họ cả.

Một cô gái nọ có cha mẹ là những người nhập cư và họ đã tiết kiệm cả đời để chi trả cho cô học trường y. Nhưng bây giờ, khi học trường y cô ấy lại chán ghét nó, không muốn dành cả đời mình làm bác sĩ và muốn bỏ học hơn bất cứ thứ gì. Cô gái cảm thấy bị mắc kẹt – tới mức cô ấy bắt đầu gửi email cho một người lạ trên internet và đặt một câu hỏi ngớ ngẩn, hiển nhiên: “Làm thế nào để tôi bỏ học y?”

Hoặc một anh chàng sinh viên đã thầm yêu cô trợ giảng của mình, và anh ta không dám nghĩ tới chuyện sẽ vượt qua những ranh giới vô hình chắn giữa hai người. Vì vậy, anh ta trăn trở thái quá với từng cử chỉ, từng nụ cười, từng dịp được tán gẫu ngoài lề với cô ấy. Thế rồi anh ta email cho tôi cả một “tiểu thuyết” dài 28 trang kết thúc bằng câu hỏi hiển nhiên và ngớ ngẩn: “Làm thế nào để tôi ngỏ lời với cô ấy đây?”

Hay một người mẹ đơn thân có mấy đứa con đã bỏ học và chúng đang suốt ngày nằm dài trên đi-văng, ăn uống và tiêu tiền của bà, và không biết tôn trọng sự riêng tư của bà. Bà ấy muốn chúng tiếp tục cuộc sống của chúng, và bà tiếp tục cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bà ấy quá sợ phải xua đẩy các con mình đi, đến mức đã hỏi tôi: “Làm thế nào để tôi bảo chúng chuyển đi đây?”

Đây là những câu hỏi VCR. Từ ngoài cuộc, câu trả lời rất đơn giản: Chỉ việc đừng nói nữa và hãy làm thôi.

Nhưng từ trong cuộc, từ cách nhìn của mỗi người kể trên, những câu hỏi này dường như phức tạp và mờ mịt vô cùng – những câu đố hiện sinh bí hiểm gói trong một chiếc hộp KFC chứa đầy những khối Rubik.

Những câu hỏi VCR rất khôi hài ở chỗ chúng có vẻ khó khăn đối với những ai đặt câu hỏi, và lại có vẻ dễ dàng đối với những ai không hỏi.

Vấn đề ở đây là những cảm xúc của chúng ta. Hoàn thành giấy tờ để nghỉ học trường y là một hành động đơn giản và hiển nhiên, nhưng phụ lòng cha mẹ bạn thì không. Ngỏ lời hẹn hò một cô trợ giảng đơn giản chỉ là vài câu nói, nhưng chuyện chấp nhận rủi ro bị từ chối và bẽ bàng cực độ thì phức tạp hơn nhiều. Yêu cầu người khác dọn ra khỏi nhà của mình là quyết định rõ ràng, nhưng cảm giác như thể bạn đang bỏ rơi con cái của mình thì không.

Tôi đã vật lộn với chứng lo âu xã hội trong suốt phần lớn thời niên thiếu và thanh niên của tôi. Tôi dành gần như cả ngày để xao nhãng bản thân mình với những trò chơi điện tử, và gần như cả đêm, tôi uống rượu hoặc hút thuốc để gạt đi cảm giác bất an. Trong nhiều năm, ý nghĩ nói chuyện với một người lạ – đặc biệt là nếu người đó đặc biệt hấp dẫn/thú vị/nổi tiếng/thông minh – dường như là không thể đối với tôi. Tôi đã loanh quanh bối rối trong nhiều năm tự đặt ra những câu hỏi VCR ngu ngốc:

“Làm thế nào? Làm thế nào để bước tới và nói chuyện với một người? Làm thế nào người ta có thể làm như vậy chứ?”

Tôi đã giữ đủ kiểu niềm tin tai hại về chuyện này, chẳng hạn như không được phép nói chuyện với ai đó trừ phi có được một lý do thực tế để làm vậy, hoặc rằng phụ nữ sẽ nghĩ tôi là một kẻ hiếp dâm bệnh hoạn nếu tôi chỉ cần mở miệng nói “Xin chào.”

Vấn đề là ngày đó những cảm xúc của tôi đã định nghĩa hiện thực của tôi. Bởi vì cảm giác như mọi người không muốn nói chuyện với tôi, tôi đã trở nên tin rằng mọi người không muốn nói chuyện với tôi. Và do vậy, dẫn đến câu hỏi VCR của tôi: “Làm thế nào để nói chuyện với ai đó?”

Bởi vì không tách bạch được những gì tôi cảm thấy với những gì thực sự diễn ra, tôi đã không có khả năng bước ra khỏi chính mình và nhìn thế giới như nó vốn dĩ: Một nơi chốn giản dị mà trong đó hai người có thể bước đến với nhau bất cứ lúc nào và nói chuyện.

Những rào cản về cảm xúc và chấp nhận mạo hiểm

Trước đây, tôi đã viết nhiều về những suy nghĩ của chính chúng ta thường không đáng tin cậy. Chúng ta có rất nhiều thiên kiến về tri giác và sự thiếu hiệu quả về tinh thần đang diễn ra. Và vì những sai lệch tri giác này, tôi đã có những bài viết về chuyện chúng ta phải cẩn thận trong phán xét người khác, và đừng chấp nhận một niềm tin mà không có chút hoài nghi nào.

Nhưng cảm xúc cũng không đáng tin cậy như bộ não. Trái tim cũng có khả năng khiến chúng ta lầm lạc không kém cái đầu. Chỉ vì một cái gì đó dường như xấu không có nghĩa nó là xấu. Chỉ vì một cái gì đó dường như đáng sợ không có nghĩa nó là đáng sợ. Chỉ vì một người dường như là một tên cà chớn ích kỉ không có nghĩa họ là một tên cà chớn ích kỉ.

Quá thường xuyên, chúng ta để cho mình bị những cảm xúc chi phối. Chúng ta trở nên dung hợp với chúng. Chúng ta là chúng. Điều đó ăn sâu vào chúng ta, tới mức trở thành một phần ngôn từ của chúng ta. Chúng ta nói “Tôi sợ hãi” thay vì “Tôi cảm thấy sợ hãi.” Chúng ta nói “Bạn thật ác ý” thay vì “Có vẻ như bạn ác ý.” Chúng ta xác định cả bản thân, và người khác, với cảm xúc của ta, không có sự tách biệt giữa chúng ta, và từ đó chúng ta vô thức xem cảm xúc của mình như cả bản sắc và số phận của chính mình.

Về nhiệm vụ “làm cuộc sống của bạn đỡ tệ hơn”, đây là một vấn đề cấp báo động 1. Phó thác niềm tin hoàn toàn vào những cảm xúc của chính mình – mà không chút hoài nghi, không hề kiểm chứng – sẽ khơi dậy sự ái kỷ quỷ quái trong chúng ta. Người nào luôn luôn bị ám ảnh bởi cảm xúc và sự thỏa mãn của chính mình cũng là người không thể nhìn ra ngoài bản thân, một người không thể đặt mình vào vị thế quan điểm và cảm xúc của người khác, một người không thể chạm đến những giá trị vượt ra ngoài công trạng và thành quả của họ.

social-anxiety
Khi bạn cho phép những cảm xúc định nghĩa cách bạn nhìn thế giới, bạn trở nên đắm chìm trong chính mình

Văn hóa của chúng ta cổ xúy cho dạng ích kỉ vi tế này – một sự liên tục đồng nhất với những cảm xúc và thèm khát được cảm thấy tốt hơn. Nhưng cảm thấy tốt hơn không nhất thiết là thực sự tốt hơn. Sự nguỵ biện này xuất hiện trong các quảng cáo, trong các bài phát biểu chính trị, trong phim ảnh và văn chương, trong ngành công nghiệp xoay quanh khái niệm tự trợ (self-help) của chúng ta: “Nếu bạn cảm thấy tồi tệ thì đúng là tồi tệ. Nếu bạn cảm thấy tốt thì đúng là tốt”, “Làm theo trực giác”, “Lắng nghe tiếng lòng”, “Tin theo trái tim”, “Hãy sống cho ngày hôm nay”,…

Những lời sáo rỗng này vấy bẩn tâm trí chúng ta và giới hạn chúng ta vào những công việc đơn giản và nhỏ nhoi trong sự hiện hữu tổng thể của chúng ta. Chúng giáng chúng ta xuống những cảm xúc đơn thuần, hoàn toàn bỏ qua bản chất đích thực của chúng ta.

Bạn có thể cảm thấy tức giận với mẹ mình, nhưng cơn giận đó không định nghĩa mối quan hệ của bạn với bà ấy. Bạn có thể cảm thấy lo lắng về việc thay đổi cuộc sống, nhưng sự lo lắng đó không định nghĩa cuộc sống của bạn. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi về việc khẳng định ranh giới của mình, nhưng cảm giác tội lỗi đó không định nghĩa con người bạn là hay bạn muốn trở thành.

Bạn không phải là cảm xúc của bạn. Bạn là một cái gì đó lớn lao hơn thế. Chúng ta phải học cách tự giải phóng khỏi những cảm xúc của chính mình. Chúng ta phải học cách đứng độc lập với những gì chúng ta cảm thấy.

Cái ngày tôi học được cách đứng dậy và đến trò chuyện với người mà tôi muốn cùng trò chuyện đang ở bên kia căn phòng cũng là ngày mà tôi đã học được cách để ngừng nói “Tôi không thể trò chuyện với bất cứ ai”, và thay vào đó nói rằng “Cảm giác tưởng như mình không thể nói cùng ai vậy.” Quyết định đơn giản này, để nhận định cảm xúc của tôi là tách biệt với thực tại, cho phép tôi từ chối cảm xúc đó, để nói “Tôi cảm thấy như không ai muốn trò chuyện với tôi, nhưng cảm giác đó có thể rất sai. Hãy thử xem sao.”

Xin đừng hiểu lầm tôi, những cảm xúc rất quan trọng. Bạn cảm thấy xấu về việc bỏ học trung học và tổn thương cha mẹ bạn là có lý do chính đáng. Cảm giác đó thật tệ.

Nhưng khi lựa chọn những điều để làm với cuộc sống của bạn, cảm xúc không thể là lý do duy nhất. Hãy cảm nhận những cảm xúc của mình nhưng bạn đừng để bản thân bị định nghĩa bởi chúng. Hãy nhận biết cảm giác ấy và rồi hành động dựa trên một điều gì đó lớn lao hơn thế.

Cảm xúc rất hữu ích. Nhưng chúng là những gợi ý sinh học, không phải là giáo lệnh của chúng ta.

Hồi tiểu học, tôi có một giáo viên tên là cô Weeks. Bất cứ khi nào bạn xin phép cô Weeks liệu mình có thể đi vệ sinh được không, cô ấy sẽ cho bạn một cái nhìn hài hước và nói “Tôi không biết, em có thể không?” một cách đầy trịch thượng, như thể bạn đột nhiên mất khả năng đi lại, hoặc là đã thức dậy ngày hôm đó trong cảnh bỗng dưng rụng mất cả hai tay rồi vậy.

Thật khó chịu. Nhưng có một bài học quan trọng trong cách giễu cợt của cô còn đọng lại trong tôi. Chính là thế này: Có một sự khác biệt giữa những gì chúng ta có khả năng làm và những gì chúng ta cho phép mình làm. Chúng ta thường không nhận ra sự khác biệt đó.

Cha mẹ tôi không bao giờ tự cho phép bản thân lọ mọ vào đầu máy VCR bởi vì họ quá sợ mình sẽ phá hỏng một thứ đắt tiền hoặc tự làm xấu mặt. Cũng trong khi đó, cha mẹ tôi chưa bao giờ nhận ra rằng họ vốn luôn hoàn toàn đủ khả năng để sử cái thiết bị cục mịch ấy.

Trong nhiều năm, tôi chưa bao giờ cho phép bản thân mình thoải mái nói chuyện với người khác vì tôi cảm thấy như thể tôi chưa đủ giỏi giang với họ – cũng là cái cảm giác mà tôi đã để cho nó định nghĩa thực tại của tôi và con người của tôi.

Ngày mai, ở một nơi nào đó trên thế giới này, ai đó sẽ bỏ học trường y vì cô ghét nó, dù có làm cha mẹ cô thất vọng vô cùng. Một người khác sẽ bảo những đứa con lười biếng của bà nhấc mông khỏi chiếc đi-văng và chuyển đi. Ai đó sẽ mạo hiểm và ngỏ lời với vị cô trợ giảng quyến rũ của mình. Tất cả những người này sẽ biết về những thất vọng và phán xét sắp xảy ra khi họ làm vậy. Cơ thể họ sẽ đóng băng. Tâm trí họ sẽ hét lên. Tay họ sẽ run rẩy. Họ sẽ cảm thấy như cuộc sống của họ sẽ kết thúc vào ngày hôm đó, và họ sẽ đứng và nhìn khi bầu trời trên đầu họ vỡ tan và sụp đổ.

Nhưng họ cũng sẽ biết, ở một nơi nào đó bên trong chính mình, một cách vô thức hay có ý thức, rằng một điều gì họ cảm thấy sẽ không hẳn nó đúng là như vậy. Rằng những cảm xúc và trăn trở của chúng ta, giống như mọi thứ khác trong thế giới này, rồi sẽ qua đi và tiêu tan. Rằng mặc dù mạo hiểm tất cả mọi thứ, họ cũng không mạo hiểm điều gì cả.

Và bởi vì họ biết điều này, họ sẽ hoàn thành được nó một cách ổn thỏa thôi. Họ sẽ phụ lòng người khác. Họ sẽ nghe thấy những tiếng la hét. Họ sẽ phá vỡ bầu trời và đứng ngẩn ngơ dưới một vầng trăng thinh lặng.

Họ sẽ trở nên hoàn thiện hơn.

Tác giả: Mark Manson
Dịch: Sang Doan
Review: Dương Tùng

*Featured Image: Pexels

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI