27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn đã thử điều khiển cuộc sống của mình theo cách này chưa?

Bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta, của tôi và của bạn, của bất kỳ ai đi chăng nữa đều bị chi phối bởi rất nhiều thứ, trong đó có hai điều chính yếu nhất. Hai điều này vốn dĩ là của chính chúng ta, từ chúng ta, nó chi phối ta nhưng ta lại không nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể điều khiển nó. Nắm giữ được cách chi phối và sử dụng tốt hai thứ này, ta sẽ thành công và làm chủ cuộc sống của mình.

Tạo thói quen, tạo cuộc đời

Có lẽ bạn đã phát chán những bài viết dài dòng của tôi, nên xin vào đề luôn bằng đoạn giới thiệu khá hay ho của Sean Covey về điều chính yếu đầu tiên: Lời bộc bạch của những thói quen, hãy ngẫm nghĩ kỹ những lời thói quen đang nói với bạn:

“Tôi ở đâu ư? Tôi luôn đồng hành cùng với bạn, trong bạn. Tôi có thể trở thành người trợ giúp đắc lực cho bạn nhưng cũng có thể là sự cản trở, là gánh nặng nhất của bạn. Tôi sẽ nâng bạn đến thành công hoặc biến bạn thành kẻ thất bại. Tôi sẽ luôn bên bạn và làm theo ý muốn của bạn.

Điều khiến tôi là một việc dễ dàng, nhưng bạn phải kiên quyết với tôi. Cho tôi biết thật chính xác bạn muốn ứng phó một vấn đề nào đó ra sao, rồi sau một vài lần thực hiện, tôi sẽ thực hiện đúng như vậy. Tôi là bạn của những bậc anh hùng vĩ nhân, và cả của những người ti tiện, đớn hèn. Ở những người vĩ đại, tôi cũng họ tạo nên những điều vĩ đại. Ở những ai chủ bại, tôi ra tay đẩy họ đến đường cùng, mà chính họ không hề biết.

Tôi không phải là một cái máy, dù vậy, tôi hoạt động với độ chính xác cao hơn một cái máy, cộng thêm trí thông minh của chính bạn. Bạn có thể sử dụng tôi để đạt tới thành công hoặc để tự hủy hoại mình. Vì với tôi hai điều đó không có gì khác biệt, chẳng có gì quan trọng.

Hãy nắm lấy tôi, huấn luyện tôi, kiên quyết với tôi. Rồi tôi sẽ đặt cả thế gian dưới chân bạn. Hoặc hãy dễ dãi nuông chiều tôi. Rồi tôi sẽ tiêu diệt bạn. Đầu tiên, tôi chỉ là một suy nghĩ hoặc là một hành động tình cờ của bạn. Rồi tôi trở thành THÓI QUEN của bạn. Và cuối cùng, tôi là người điều khiển bạn!”

Vâng, chỉ ngắn gọn thế thôi, hẳn bạn cũng đã hình dung ra thói quen có sức mạnh như thế nào và cuộc đời bạn sẽ bị tác động nhiều đến ra sao bởi những thói quen tốt hay tốt. Tôi đã từng gợi ý cho bạn một vài thói quen đơn giản nhưng tuyệt vời như là đọc sách, như là giữ bên mình một cuốn sổ tay để viết vào đó danh sách việc làm và những ý tưởng, như là luôn đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho cuộc đời, như là tìm hiểu thông tin về các chủ đề trong cuộc sống, như là tập thể thao giữ gìn sức khỏe và cơ thể đẹp, như là tập nêu chính kiến của mình sau các bài viết và mọi cuộc tranh luận, như là hãy cố gắng đem niềm vui đến cho mọi người bằng những món quà nhỏ…

Kể cả khuyên bạn rời xa những thói quen xấu xí như hãy dừng việc đọc tin tức vớ vẩn, đừng lãng phí thời sinh viên hay đừng hâm mộ một người nổi tiếng… Tất cả những bài viết trước đây, đều có thể quy về việc tôi đang cố khuyên bạn hình thành những thói quen có lợi. Tạo và duy trì được những thói quen đó, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ khác biệt, bạn sẽ không còn tầm thường, không còn làng nhàng và chịu chung một cảnh của những người bị động mặc cho cuộc đời xô đẩy hay chèn ép.

Hãy cố gắng duy trì những thói quen đó. Đó là điều cần làm, nên làm và phải làm, không phải ngày mai, mà ngay hôm nay, ngay lúc này nè, hãy lên danh sách những thói quen bạn cần có để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn bây giờ, tôi xin nói về một thứ khác nữa. Một thứ không kém phần quan trọng giúp thay đổi cuộc đời bạn đang sống, tất nhiên theo chiều hướng tích cực hơn. Tôi thích những thứ tích cực, tôi khao khát tạo ra những điều tích cực trong cuộc sống và tôi sẽ làm mọi thứ để duy trì sở thích của mình, và để giúp các bạn, nếu có thể.

Kiểm soát cảm xúc – kiểm soát cuộc đời

Ngoài thói quen, có thể bạn đã biết rằng, thứ chi phối cuộc sống và hành động của bạn nhiều nhất, chính là cảm xúc. Dạ vâng, chính là cảm xúc. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều bị thứ bùa mê này toàn quyền kiểm soát. Bạn ở bên ai đó, người yêu, người nhà hay bè bạn nhiều hay ít, vì cảm xúc họ mang lại cho bạn, bạn ngồi trong một quán cafe yêu thích vì cảm xúc của bạn khi ở đó. Bạn mua một món đồ đôi khi biết không hợp với mình nhưng cảm tình với cô nhân viên khiến bạn không thể dừng lại. Bạn phản ứng quá mạnh trong những tình huống nhỏ bé vì không thể dừng lại cảm xúc.

Đã bao lần bạn có những quyết định sai lầm chỉ vì nghe theo những cảm xúc nhất thời. Đã bao lần bạn cố hình dung về một cảm xúc trong quá khứ mà mình đã đánh mất chỉ mong được trải nghiệm nó thêm một lần nữa. Đã bao lần bạn cảm thấy tâm hồn ngập tràn ánh nắng trong khi tiết trời âm u mưa gió, và đã bao lần bạn cảm thấy đất trời như không còn chút sinh khí chỉ vì chính tâm hồn bạn không còn chút sinh khí… Không thể kể ra hết những gì cảm xúc tác động tới bạn và cuộc sống của bạn đâu. Nó là điều bình thường thôi nhưng lại quá quan trọng, nó nhỏ bé thôi, nhưng tác động lại quá khủng khiếp. Cảm xúc chi phối mọi hành động, mọi con người, dù là bất kỳ ai trên đời, miễn bạn không phải là robot.

Một khi biết được cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chúng ta thế nào, ta sẽ biết ngay việc cần làm, cũng như đối với thói quen, chính là tạo ra những cảm xúc tốt đẹp, duy trì nó và tránh xa những cảm xúc xấu xí. Đó là bước đầu để bạn kiểm soát cảm xúc của mình. Một khi kiểm soát được cảm xúc bạn sẽ không còn gặp nhiều khó khăn thường gặp trên đời nữa.

Tất nhiên nhiều người sẽ cho rằng chúng ta không thể kiềm chế được cảm xúc. Tôi cũng khá đồng ý với ý kiến này, nhưng mà nghe này, chúng ta không thể kiềm chế PHẦN LỚN cảm xúc, không có nghĩa là chúng ta không thể kiềm chế TẤT CẢ, và quan trọng hơn nữa, điều quan trọng nhất luôn mà bạn cần tin tưởng, đó là: Không có gì là không thể…

Là một người nhiều cảm xúc và hay bị nó chi phối, tôi có xu hướng nuông chiều và hay tự tạo ra những cảm xúc mình mong muốn. Bạn cũng có thể làm theo tôi trong một số trường hợp thế này.

Hãy tự tạo ra và duy trì những cảm xúc tốt đẹp

Tại sao chúng ta cứ luôn phải chờ đợi những điều tốt đẹp từ người khác, như một kiểu nhận ơn bố thí. Tại sao chúng ta không tự tạo ra nó? Tin tôi đi, bạn hoàn toàn có thể. Nếu như bạn thèm một món ăn, bạn sẽ đi tìm mua và ăn nó. Nếu như bạn thích cảm giác yên bình của một quán cafe quen, khi cần có cảm giác yên bình, bạn sẽ tìm đến nó. Nếu như bạn thích cảm giác ở bên một người, tại sao không tìm đến họ?

Tôi đọc nhiều sách nhưng thích nhất cuốn “Đắc Nhân Tâm“, vì đó là cuốn sách mà tôi yêu thích và tâm đắc nhất. Tôi thường xuyên nói về nó, nếu có ai hỏi xin ý kiến về sách, tôi sẽ giới thiệu nó ngay. Nếu như ai đó cần lời khuyên về giao tiếp, tôi cũng sẽ giới thiệu không chút ngại ngần. Tôi nói tới nó nhiều tới mức, giờ đây, cứ nhắc đến cụm từ “đắc nhân tâm” là tự nhiên tôi khựng lại, tất cả kiến thức trong sách như sống dậy, thôi thúc tôi hành động theo nó, thôi thúc tôi cư xử tử tế như sách yêu cầu.

Nó như là một liều thuốc hiệu quả tức thời vậy. Thế nên mỗi khi tôi nóng giận hay gặp những tình huống không như ý, tự động tâm trí tôi lặp đi lặp lại cụm từ “đắc nhân tâm”. Thế rồi tôi kìm nén cảm xúc lại, khi nhớ ra rằng cảm xúc nóng giận tức thời luôn là cảm giác tiêu cực nhất. Vì vậy, mỗi khi cần nhắc mình tử tế và hòa nhã, tôi lại tự đọc thần chú Đắc Nhân Tâm trong đầu và trong phần lớn tình huống, tôi xử lý êm xuôi. Mỗi khi tôi tức giận, thất vọng hay muốn phát điên lên, tôi lại nghĩ đến nó, như một liều thuốc an thần xoa dịu cảm xúc hiệu quả vô cùng. Đó là cách tôi kiểm soát cảm xúc hàng ngày của mình.

Bạn cũng vậy, nếu như có một cuốn sách nào khiến bạn tràn đầy năng lượng và quyết tâm, hãy đọc đi đọc lại nó, nhất là những lúc cần đến những cảm giác đó. Nếu như có một bản nhạc khiến lòng bạn thanh thản, khiến bạn yêu đời yêu cuộc sống, hãy nghe nó mỗi khi cảm thấy buồn. Nếu như việc nói chuyện với một người nào đó khiến bạn vui vẻ, hãy nói với người đó nhiều hơn. Đừng đợi người ta chủ động, mà chính bạn hãy chủ động bắt chuyện với họ, cùng nhau nói những điều vui vẻ, bạn sẽ thấy tìm niềm vui trong cuộc sống không phải là điều quá khó khăn.

Tôi thích cảm giác ghi danh sách công việc, hoàn thành nó rồi gạch bỏ nó đi, càng được gạch nhiều tôi càng vui. Nên đôi khi ngoài những công việc chính thống trong ngày, tôi hay viết thêm những việc nhỏ nhỏ mà mình chắc chắn làm được, những việc như là: “Nhắn tin chúc mẹ ngày mới, sắp xếp bàn làm việc, viết một status câu nói ý nghĩa nào đó, bấm móng tay, uống sữa, ăn trưa…”

Đây là những việc nhỏ bé tôi hoàn toàn có thể làm một cách dễ dàng, tôi ghi chúng ra, bịa thêm những việc nhỏ nhỏ tương tự cho đầy tràn một danh sách. Rồi tôi làm ngay để được gạch nó đi. Đúng vậy đó, có những việc tôi cố tình viết ra dù chẳng đáng, như việc uống sữa (tôi ghét sữa). Tôi cố tình viết nó ra để được gạch nó đi. Cảm giác sau đó thật tuyệt. Nhìn danh sách việc dài ngoằng được gạch đi dù phần lớn toàn việc vớ vẩn, tôi vẫn thấy mình làm được thật nhiều việc, tôi thấy mình thật giỏi giang, cảm giác khoan khoái vô cùng.

Có những loại cảm giác đúng đắn và tuyệt vời hơn mà bạn có thể thử nghiệm ngay. Chẳng hạn một ngày kia tâm trạng bạn rất vui, bạn cười với mọi người và thấy mọi người đều cười lại với bạn, thật đáng yêu. Một ngày khác tâm trạng bạn không tốt nữa, bạn vẫn có thể lập lại cảm giác lần trước bằng cách cứ tiếp tục mỉm cười với mọi người xem sao.

Nếu như một lời khen của ai đó khiến bạn thích thú và yêu đời. Hãy nhân cảm giác đó lên, bằng cách thỉnh thoảng lại đọc lại những lời khen đó, nhất là khi buồn. Bạn cũng có thể ghi chép chúng vào cuốn sổ tay tập hợp những lời khen người khác dành cho mình. Và mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn và đọc nó, đảm bảo ngày mới của bạn sẽ luôn vui tươi. Cách này nghe có vẻ hơi vớ vẩn con nít hả. Nhưng tin tôi đi, nó rất hiệu quả đấy.

Thật ra công thức đơn giản nhất để tạo cảm xúc, chỉ là “tìm ra loại cảm xúc mà bạn mong muốn, hành động nào khiến bạn có được cảm xúc đó. Rồi thì nhân nó lên, lặp lại liên tục”. Bạn sẽ thấy tạo cảm xúc tích cực không hề khó khăn như bạn nghĩ đâu.

Tôi thích tặng quà bất ngờ cho người khác vì tôi thích cái cảm giác họ bất ngờ, ngạc nhiên và bối rối, tất nhiên cả thích thú nữa. Tôi thích cảm giác đó nên tôi nhân nó lên nhiều lần bằng cách tặng quà cho nhiều người hơn. Được nghe cám ơn hoài nên tôi vui hoài là vậy. Tôi thích viết những bài viết có thể khiến cho ai đó thay đổi, từ suy nghĩ rồi sau đó có động lực để hành động.

Mỗi khi một ai đó thay đổi hay có động lực để hành động tích cực, họ thường không quên cám ơn tôi. Cảm giác mình có ích, cảm giác mình làm được việc gì đó tốt cho ai đó, nhỏ thôi, nhưng tuyệt vời vô cùng. Nó khiến tôi không muốn dừng lại, nó khiến tôi cứ muốn mãi được cám ơn như thế, muốn mãi được giúp đỡ mọi người, muốn mãi là người có ích. Nhờ đó, phần lớn tâm trạng trong mỗi ngày của tôi luôn rất vui vẻ và lạc quan. Rồi tôi lại dùng chính thứ cảm xúc đó để nhân nó lên lan truyền tới mọi người theo cách này cách khác.

Bạn cũng có thể làm như vậy, giúp đỡ ai đó, cha mẹ, bạn bè, nghe lời cảm ơn từ họ. Bạn sẽ muốn giúp họ nhiều hơn, nhiều nữa, nhiều tới mức họ sẽ yêu quý bạn vô cùng. Trong tất cả các loại cảm xúc, có gì tuyệt hơn được mọi người yêu quý?

Chắc hẳn bạn đã biết cảm giác xúc động bồi hồi nếu bạn từng đi làm các công tác từ thiện, đến những trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão hay các trung tâm y tế… Đến những nơi đó đi, bạn sẽ nhận ra mình là người thật sự may mắn đến mức nào. Rồi bạn sẽ biết thông cảm, biết yêu thương và biết trân trọng cuộc sống này hơn. Mỗi khi cần cảm giác đó, hãy lại đến những nơi đó, bạn vừa tìm được thứ mình muốn, những người cần giúp đỡ lại có thêm người giúp đỡ. Hai bên cùng có lợi và nhất định xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn có thể nhân cảm giác đó, hành động đó lên nhiều lần, với nhiều người hơn nữa. Hoặc khi bạn giúp đỡ một cô lao công, một người bán vé số điều gì nhỏ nhặt. Nhìn sự biết ơn ánh lên trong đôi mắt, tôi dám cá bạn sẽ muốn nhìn thấy ánh mắt đó thêm thật nhiều lần nữa cho coi.

Việc tạo cảm xúc hoàn toàn có thể áp dụng trong cả các mối quan hệ như tình bạn hay thậm chí cả tính yêu nữa. Nếu một người bạn chỉ toàn nói với bạn những điều tiêu cực, chỉ toàn chê bai, sỉa sói hay nói xấu những người khác. Nếu người bạn đó chẳng bao giờ làm gì khiến cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, hãy mạnh dạn rời xa họ. Nhưng nếu một người bạn luôn động viên, khuyến khích mọi việc bạn làm, luôn lắng nghe và làm bạn cười. Hãy ở bên người đó nhiều hơn nữa.

Hãy hạn chế thậm chí chặn đứng ngay những cảm xúc tiêu cực mỗi ngày

Tôi không thích giờ ăn cơm, trưa hay tối, vì một số lý do hàng ngày tôi đều phải ăn cơm hàng và toàn phải ăn một mình (dù đã đọc cuốn “đừng bao giờ đi ăn một mình” nhưng vô ích :(). Nhưng không thể không ăn đúng không, nên tôi phải tìm cách biến giờ ăn cho thật hứng thú, bằng cách để dành bộ phim yêu thích chỉ được coi lúc ăn cơm. Mỗi ngày, bữa cơm từ việc nhàm chán nhất trở thành việc vô cùng được mong đợi và hứng thú. Cái này hơi trẻ con ạ? Giống như dỗ con nít ăn cơm?

Thôi được rồi, ví dụ khác vậy. Tôi ghét phải chờ đợi, ghét phải lãng phí thời gian, nhưng dù sắp xếp tới đâu cũng vẫn luôn phí những khoảng thời gian trống vô nghĩa, như buổi hẹn cafe phải chờ đợi, như lúc đợi xe mỗi khi đi công việc, như lúc xe bị hư phải sửa… Trước đây tôi thường mang theo một cuốn sách, nhưng việc đọc sách không hứng thú bằng việc mang theo một cuốn sổ, mỗi lúc rảnh hay thời gian vô nghĩa tôi đọc lại những gì mình đã viết hoặc viết thêm vào đó những ý tưởng mới, nghĩ danh sách việc phải làm… Thế là chẳng bao giờ còn phải nuối tiếc thời gian cả. Việc này lại hứng thú vô cùng. Tôi thậm chí muốn có nhiều thời gian hơn ở bên cuốn sổ của mình. Nếu như trong buổi hẹn bạn trễ giờ, với cuốn sổ hay cuốn sách của mình, tôi sẽ không giận bạn đâu, chỉ có bạn phải xấu hổ vì trễ hẹn thôi.

Tôi cũng có những cách rất hay để hạn chế cảm xúc tiêu cực từ những nguồn cơ bản, như những người bạn. Bạn biết đấy, thông tin từ bạn bè của chúng ta phần lớn đến từ facebook, có những người chẳng bao giờ chia sẻ được điều gì hay ho bổ ích trên news feed cả. Tất cả những gì họ làm chỉ là khoe khoang hoặc xỉa xói, nói xấu, mỉa mai người khác.

Thậm chí có những người gần như chỉ dùng facebook để than thở mọi điều về cuộc sống hay quảng cáo loại mặt hàng mà tôi ghét, tôi không quan tâm hay đang cạnh tranh với tôi. Những người này thường làm tôi bực mình, thế nên, tôi chẳng ngại ngần chặn hoặc hủy bạn bè hoặc bấm nút ngừng theo dõi với họ ngay. Những người toàn tạo cảm giác xấu xí, dù thân mấy, tôi không cần. Tôi có thể vẫn làm bạn với họ ngoài đời, nhưng trên facebook, nơi tôi kiểm soát được, thì không. Bất cứ thứ gì mang lại cảm xúc tiêu cực. Tôi tìm cách chặn chúng lại ngay. Sao phải chần chừ, sao phải băn khoăn?

Facebook khiến cho chúng ta dễ dàng và thường xuyên ghen tỵ với người khác, biến chúng ta trở nên xấu tính, thích đi xăm soi, chỉ trích rất nhiều. Thế nên hãy kiểm soát nó, biến nó thành một nơi chốn tốt đẹp, bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn. Đừng để facebook kiểm soát cuộc đời bạn, nhưng chính bạn hãy kiểm soát nó.

Tôi và có lẽ tất cả chúng ta đều rất ghét cảm giác thèm thuồng. Thế nên tôi xử lý nó bằng cách cố gắng không để mình thèm bất cứ thứ gì cả. Thèm măng cụt ư, tôi sẽ mua nó và ăn trong nhiều ngày tới khi chán, tới khi măng cụt chẳng còn hấp dẫn tôi nữa. Thèm bít tết ư, tôi sẽ đi ăn nó mỗi sáng cho tới khi hoàn toàn không chút cảm xúc khi nhắc về nó. Thèm ở bên ai đó ư, tôi sẽ tìm mọi cách hoặc tạo mọi điều kiện để được ở bên họ.

Tôi không muốn đợi đến dịp nào cả, tôi ghét chờ đợi, tôi ghét bị động. Nên tôi sẽ chủ động sắp xếp mọi thứ sao cho ổn thỏa để tìm kiếm cảm giác mình mong muốn. Tôi ghét những cửa hàng cạnh tranh với tôi nên tôi hạn chế đi ngang qua nó. Tôi không bao giờ và không thích nghe người ta kể về nó, tôi chặn tất cả, để khỏi so sánh, khỏi bi quan, khỏi bức xúc, chỉ tập trung làm tốt công việc của mình thôi. Những điều này nghe có vẻ không hay ho gì lắm đúng không? Chẳng sao cả, mọi người có thể đánh giá về bạn không tốt? Chẳng sao cả. Thật tình mà nói, chẳng ai quan tâm đến bạn nhiều như chính bạn đâu. Nên thay vì đợi người khác mang lại cảm giác mà bạn mong muốn, hãy tự tạo ra nó.

Về tình yêu, tôi có cách này khá hay có thể giúp các bạn hoặc hạnh phúc hơn với sự lựa chọn của mình, hoặc sẽ bớt đau khổ hơn khi kết thúc một chuyện tình. Nếu như bạn thích ai đó hoặc đang yêu ai đó, hãy thử cầm giấy bút, viết ra những lý do vì sao hai người nên yêu nhau, những điểm tương đồng và những điều bạn yêu mến ở họ. Viết ra được những điều này, hoặc bạn sẽ có thêm can đảm để tỏ tình với người ta, hoặc là sẽ thêm quyết tâm ở bên người ấy cả đời, khiến cho tình yêu thêm bền chặt. Thật ra ý này chỉ là phụ thôi, vì khi người ta yêu và được yêu, là hạnh phúc quá rồi, ai mà cần làm những thứ này chứ.

Nhưng bạn đừng vội xem thường sức mạnh của hành động này, đặc biệt khi bạn vừa chia tay, dù vì bất cứ lý do nào. Việc làm này sẽ khiến bạn bớt dần đi sự đau khổ nuối tiếc một cách nhanh chóng. Đừng chỉ suy nghĩ, hãy viết nó ra, ra giấy trắng mực đen hẳn hoi nhé. Bạn hãy viết về những điểm khác biệt giữa hai người, từ tính cách, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, quan điểm sống… Rồi viết ra những lý do tại sao mối quan hệ này nên chấm dứt từ lâu. Viết ra những điều bạn không hài lòng, không thích hay thậm chí là rất ghét của người đó mà trước giờ bạn bị tình yêu làm cho mù mắt, lãng tai, miệng dính lại… viết cả những lỗi lầm của họ mà bạn từng bỏ qua hay chưa bỏ qua được.

Đặc biệt nhất, cũng trên chính trang giấy này. Hãy tưởng tượng và vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi đẹp, về tất cả những gì bạn có được và có thể làm, đạt được khi chia tay con người đó. Đó là một thế giới mới, bạn sẽ xinh đẹp hơn, sẽ có nhiều mối quan hệ thú vị, sẽ tìm được người cùng sở thích du lịch, một người khác mạnh mẽ hơn, một ai đó bảnh bao hay xinh xắn hơn người cũ thật nhiều. Một người mà mai này anh ta có nhìn thấy sẽ phải tiếc nuối và ghen tỵ… Đúng rồi, hãy viết ra những điều đó, tất cả những điều đó.

Đầu tiên, khi viết ra những lý do việc chia tay là đúng đắn bạn sẽ bớt đau khổ hơn khi trí óc bắt đầu kiềm chế được những cảm xúc vụn vỡ nơi trái tim. Sau đó, viết tiếp những điều tệ hại ở anh ta khiến bạn ghét cay ghét đắng hoặc không ưa nổi. Bạn lại tiếp thêm cho lý trí của mình sức mạnh, đồng thời như một thông điệp ngầm cho thấy trái tim bạn đang yếu đuối ngu si tới mức nào. Sau cùng khi nghĩ về một tương lai tươi sáng với một người nào đó tuyệt vời hơn, xứng đáng hơn với những cơ hội mà bạn có thể có được trong tương lai.

Trí óc bạn lúc này hoàn toàn mạnh mẽ và chiếm được phần lớn ưu thế trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Không những thế, trái tim của bạn sẽ lại bắt đầu lành lặn, bắt đầu khỏe mạnh và sẵn sàng cho những điều mới mẻ bạn đã hứa. Hãy viết ra những điều này và nếu cần thiết, hãy đọc đi đọc lại nó như một kiểu tiếp nhiên liệu cho tâm trí và trái tim của bạn vậy. Mọi việc đều rõ ràng mạch lạc, giấy trắng mực đen. Bạn thậm chí có thể không tin được mình lại mạnh mẽ như thế nào đâu. Và lúc này, bạn có thể hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình khi nghĩ về người đó. Không còn đau khổ khóc lóc, không còn sợ hãi lo âu.

Mọi thứ lại đâu vào đó. Trái tim lành lặn lại được dịp phục hồi để những lần yêu sau thêm ngọt ngào. Đây chính là một trong những hành động tác dụng mạnh nhất giúp tôi quên đi một chuyện tình yêu đau khổ. Thật sự chính tôi và tất cả bạn bè đều không thể ngờ được tôi chỉ mất một tuần để lại vui vẻ, tươi mới, lãng quên mọi chuyện như nó chưa hề xảy ra, lãng quên một con người như hề họ chưa từng tồn tại. Một tình yêu ngọt ngào 3 năm và tôi chỉ mất một tuần để cất nó đi như cất một món đồ chơi cũ kỹ nhàm chán. Đây là một trong những điều khiến tôi tự hào về bản thân mình. Đừng hòng mà kiểm soát được tôi, nhưng chính tôi, sẽ kiểm soát chính mình.

Dù vậy, tôi thật tâm hi vọng không quá nhiều người phải dùng đến cách này. Tình yêu là một thứ đẹp đẽ, là nguồn thực phẩm giàu năng lượng nhất cho cuộc sống của chúng ta. Sẽ thật tốt khi người ta yêu nhau mà chẳng có chia tay chia chân gì cả. Nhưng đời không nói được điều gì. Một người tuyệt vời hôm trước lại đột ngột thay đổi đến khủng khiếp ngay hôm sau. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho mọi thứ. Bạn sẽ kiểm soát được cảm xúc của mình, kiểm soát được cuộc đời mình.

Lên kế hoạch trước cho mọi việc, cũng chính là cách bạn bồi thêm sự tự tin cho bản thân, và giảm thiểu cảm giác hoang mang, lo sợ lẫn thất vọng. Tôi hay lên kế hoạch cho mọi thứ, luôn sẵn sàng cho cả những việc tệ hại, nên bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy tôi chẳng bao giờ quá thất vọng về bất cứ thứ gì. Khi lên kế hoạch cho một công việc mới, tôi thường có các phương án A-B-C-D khác nhau để dự phòng. Nếu không mở được cái này sẽ mở cái khác, cái khác không được sẽ làm cái khác nữa, cái khác nữa không xong lại chuyển hướng sang cái khác khác khác. Tôi luôn có các kế hoạch dự phòng nên khi mọi việc không xảy ra theo ý mình muốn, dù có buồn, tôi vẫn không thất vọng. Tôi xác định trước ranh giới cho các mối quan hệ, chỉ là xác định thôi, còn sau đó tất nhiên vẫn tùy theo tình hình thực tế. Nếu như tôi muốn ở bên một người vì cảm giác bình an mà anh ấy mang lại, tôi sẽ tìm cách được ở bên họ nhiều hơn, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó, tôi sẽ dừng lại. Đôi khi cảm giác tiếc nuối làm tim tôi đau nhói, nhưng vì đã chuẩn bị tinh thần, nó thường hồi phục rất nhanh, và tôi lại thêm tin tưởng chính mình.

Mất kiểm soát bất cứ lĩnh vực nào: tình cảm, công việc, gia đình, các mối quan hệ, tiền bạc… đều khủng khiếp và tệ hại như nhau. Nên để không rơi vào trạng thái đó, tôi thật sự khuyên bạn hãy lên kế hoạch cho mọi thứ và xác định các ranh giới. Làm được điều này, bạn sẽ luôn kiểm soát được mọi thứ, tất nhiên sẽ rất nhiều chuyện ngoài lề đáng ghét xảy đến. Nhưng quan trọng nhất, bạn kiểm soát được cảm xúc của mình, luôn tràn đầy tự tin vì chủ động kiểm soát mọi thứ, không bao giờ quá thất vọng hay đau lòng nữa vì bạn đã có những kế hoạch dự phòng khác rồi cơ mà.

Trong khi phần lớn mọi người thường chỉ sống qua ngày và chờ đợi mọi thứ xảy đến, rồi bị kiểm soát hoàn toàn bởi các thể loại cảm xúc khác nhau, đa phần là cảm xúc không mong muốn. Thì chính bạn, hãy đứng lên, tự tìm kiếm cho mình những cảm xúc bạn mong muốn, vui vẻ ư, hạnh phúc ư, hài lòng ư, tất cả đều có thể kiếm được. Và quan trọng không kém là hãy hành động để chặn đứng ngay những loại cảm xúc tiêu cực đang bủa vây bạn. Chặn ngay nó lại và tìm thêm những cách để hạn chế những điều không mong muốn có thể xảy ra. Hãy lên kế hoạch, hãy xác định ranh giới và chuẩn bị tinh thần cho mọi vấn đề. Có điều này, bạn nhất định không được quên, rằng bạn, chính bạn, chứ không phải ai khác, chính bạn mới là và phải là người kiểm soát kiểm soát cuộc đời mình, và kiểm soát cảm xúc chính là một phần quan trọng trong đó, không xem thường được đâu.

Tác giả: Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

76 BÌNH LUẬN

  1. Em đang dần dần sống theo những gì Chị viết, khoái nhất là cái “cảm giác thèm thuồng”, em cũng y như Chị, làm khi nào chán luôn thì thôi, tình cảm cũng vậy nốt ^_^

  2. Một bài viết hay và có ý nghĩa. Tác cũng là người có nhiều kinh nghiệm sống. Hẳn nhiều người cũng nghe nói về những cách này, tạo ra các mục tiêu nhỏ, rồi hoàn thành chúng. Nhưng không phải ai cũng làm được. Như bản thân mình cung hay note các công việc ngày mai vào điện thoại, và mỗi khi hoàn thành thì thấy vui vui. Thế nhưng cũng nhiều lúc vì lý do nào đó (hoặc mình ngụy biện), đêm hôm đó thức khuya quá, sáng mai không dậy nổi để thực hiện công việc mình đã note.
    Sau khi đọc bài viết này, có lẽ mình phải xem xét lại bản thân một cách nghiêmt túc. Cảm ơn Phi Tuyết nhé.

  3. cảm xúc sinh ra từ ước muốn, nhưng chúng ta vì nhiều lý do không bao giờ dẹp bỏ được chúng, vậy cảm xúc luôn tồn tại.
    cảm xúc tích cực thì tốt và tiêu cực thì có hại? tôi không hiểu bạn lấy định nghĩa này từ đâu, và từ ”tích cực, tiêu cực” được hiểu theo lối nào.

    quan điểm cá nhân tôi thì khi vui vẻ chúng ta quan tâm đến mọi người, khi buồn phiền chúng ta tự kỷ, nhưng nếu có thể thì đó là lúc để hiểu hơn về con người mình, và nếu từng trải qua nó, ít nhiều khả năng đồng cảm với nỗi đau của ng khác cũng tốt hơn.
    vấn đề ở chỗ tiêu cực là tổn thương, nhưng rất khó để tránh nó, bạn không thể là 1 chiến binh dũng mãnh khi trên người lại chả có lấy vết sẹo để lại. cái quan trọng là có cách gì để biến tổn thương thành kinh nghiệm sống có ích.
    việc kiềm chế cảm xúc, ở đây là cảm xúc trong tình huống bộc phát là rất khó, trừ khi bạn ý thức đc hậu quả và ít nhiều trải nghiệm nó đôi lần.
    cách bạn gom góp những cảm xúc tích cực và né tránh những cảm xúc tiêu cực để có 1 cuộc sống tốt hơn về mức độ nào là sự đánh lừa bản thân.
    ” tôi sẽ đâm bạn 1 nhát dao thật sâu ( hình ảnh cho tổn thương về tình yêu, công việc.. ), bạn khổ sở và bạn muốn 10 ngày sau để lành lặn, nó thật ngớ ngẩn vì bạn sẽ mất ít nhất 1 tháng, và điều may mắn là bạn đừng để nhiễm trùng ( để tổn thương hủy hoại ) ,Nhưng ở đây bạn cho rằng thời gian phải đc rút ngắn vì bạn ghét cảm xúc tiêu cực, bạn cần phải vui vẻ, và ban đã tạo ra hình tượng bạn vui vẻ trong mắt tất cả mọi người. thế là bạn cố chữa lành vội vã, và vết thương sẽ ko biến mất nó chỉ chuyển hóa sang cái gì đó khác và kiểm soát lại bạn : tổn thương đang cố gắng ”máy móc hóa” con người bạn vì mục đích tránh tổn thương.

    • Mình rất thích những bài viết của Phi Tuyết và phần lớn đồng tình với chia sẻ của tác giả. Ngay cả trong bài viết này, mình cũng đồng tình với rất nhiều điểm. Tuy nhiên, chia sẻ của Akiyama mình thấy rất đúng (chí ít là đối với bản thân mình). Mình cũng tìm cách xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực bằng cách tạo ra những cảm xúc tích cực như bài viết nói. Những người xung quanh cũng thấy mình vui vẻ, tích cực, yêu đời. Nhưng tận sâu bên trong, mình hỗn mang, bối rối và lo lắng. Mình nghi ngờ và thiếu niềm tin. Khi gặp chuyện gì gây ra sự bực tức khó chịu, mình có thể kiểm soát nhưng trong mình dường như luôn đợi có một giây phút nào đó, tất cả sự bực tức khó chịu đó sẽ trào ra, kèm theo một hậu quả lớn hơn rất nhiều. Đây dường như vẫn là một câu hỏi phức tạp

  4. Bài viết dài nhưng đọc không hề sáo rỗng :), với một người trẻ như bạn, nhìn ra nhiều vấn đề như vậy và diễn đạt chúng qua các bài viết bạn chia sẻ, tôi rất khâm phục…cảm xúc là thứ 2 mặt, đáng yêu và nguy hiểm, cá nhân tôi trải nghiệm thì đến một độ tuổi tạm gọi là “trưởng thành” trong suy nghĩ, đã biết va chạm, biết thất bại, người ta sẽ tự biết cách hạn chế cảm xúc, biết “chai lỳ” hơn, hành động có đầu óc hơn phải không bạn? Và 1 điều nữa là tôi tán thành cách hành động của bạn khi thất tình, cảm ơn bạn 🙂

  5. Hì, bài viết hay và có ý nghĩa quá. Mỗi tội mỗi lần đọc bài của Phi Tuyết thấy rất dài. Theo tôi thì cảm xúc tiêu cực cũng có mặt tốt của nó. Giống như kiểu giá trị đẩy vậy. Nếu không thấy buồn cho một mặt nào đó của thực tại, cao hơn nữa là chán ghét nó, thì khó có động lực để thay đổi nó. Theo mình không nên dùng từ kiểm soát. Nó giống như kiểu chỉ bắt ép mình chỉ được phép có cảm xúc tích cực. Nên dùng từ Làm chủ thì hay hơn. Tức là chúng ta trạng bị cho mình ký năng nhận biết cảm xúc. Ví dụ như khi phát hiện mình đang mang cảm xúc tiêu cực thì Ting một tiếng. Sau đó phân tích và chuyển hóa cảm xúc đó thành một dạng động lực để có một hành động tích cực nào đó. Đừng để cảm xúc đó điều khiển hành động của mình. Như thế thì gần như trong ngày cho dù cảm xúc tích cực hay tiêu cực, nó đều hữu ích với bạn. Chứ bảo triệt tiêu cảm xúc tiêu cực thì theo mình hơi khó.

  6. Hehe. Đọc xong không thể không cười 1 cái cho ra cười. Bài viết ok. Nhưng có vẻ là bài tập cho những cô gái nhỏ mới bước chân xuống cuộc đời vốn phức tạp nhưng đáng sống này, hơn là những người đôi ba lần ngụp lặn đâu đó trong đấy. Ok, dù sao cũng rất vui

  7. Em rất thích những bài viết của chị vì chúng rất hữu ích cho mọi người !
    Nhưng có một chỗ em thắc mắc là việc: “Viết ra những điều bạn không hài lòng, không thích hay thậm chí là rất ghét của người đó” xuất hiện trong bài. Liệu cách này có làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực trong ta ko khi mà ta đã nhắc lại những điều vốn đã làm ta bực mình ?

  8. đơn giản,cụ thể và rõ ràng,
    cảm ơn chị !!
    điều mà em phải làm bây h là hành động,tích cực làm việc và phải kiếm cho mình cái ji để giũ cảm xúc ko bị tụt dần đều nũa,
    em muốn hỏi là câu nói “kiềm chế là sức mạnh”của ts lê thẩm dương có dc ko chị?

    • chị k biết câu này
      nhưng thiết nghĩ
      để 1 người có thể kiềm chế được cảm xúc của mình
      thì nhất định người đó phải có sức mạnh nội tâm rất lớn mới làm đc đó e
      theo chị thì “kiềm chế cần sức mạnh”
      chứ kiềm chế là sức mạnh thì chị k biết ^^

    • kiềm chế là sức mạnh chính là ý nói kiềm chế những cảm xúc không tốt hay những cảm xúc tiêu cực trước 1 vấn đề để có thể xử lý nó 1 cách đúng đắn hơn, theo mình là vậy

  9. Bài viết có chủ đề rất hay.

    Nhưng hình như các biện pháp của bạn đều dựa vào phương pháp đánh lạc hướng nhận thức để cảm thấy tốt hơn thay vì nhìn nhận vẫn sự việc đấy theo cách khách để cảm thấy tốt hơn. Nếu muốn làm theo cách của bạn thì một điều kiện cần kèm theo là người sử dụng phải có những thú vui lành mạnh (hoặc ít ra là vô hại). Vì nghiện bất cứ thứ gì cũng chả qua là dùng thứ đó để đánh lạc hướng bản thân khỏi sự bất lực, khó khăn của thực tế đến lâu dần thì phụ thuộc vào nó.
    Và người có thế có thú vui lành mạnh thì 1 là phải có năng lực để đạt được thành công nhất định trong cuộc sống thực, 2 là phải có cảm nhận tinh tế để nhận ra được đâu là niềm vui “chân chính” đâu là niềm vui phù phiếm.
    Với những điều kiện như vậy thì chắc không quá nhiều nhưng cũng không ít người có thể áp dụng được những điều tác giả viết.

  10. Thói quen ư … đã nhận ra và đang cố vật lộn với nó đây …
    Cảm xúc ư … toàn tiêu cực thôi … vui chưa đầy 30s tắt … buồn thì vô hạn …
    Tình cảm đúng là 1 nguồn năng lượng lớn … ít nhất thì là với e … nhưng mà có những thứ vốn không như ta muốn … một nguồn năng lượng lớn khi mà vỡ ra thì …
    Yêu vì nhiều lý do … rồi chia tay do gia đình ép buộc … ko có 1 lý do gì để mà ghi sỗ thì làm sao chấm dứt cảm giác buồn đó đấy hở chị …

    ~Meow~

    • nếu như bản lĩnh của bạn chỉ dừng lại ở việc vật lộn vs thói quen xấu mà k thoát ra đc, dừng lại ở việc vui 30s buồn vô hạn…. thì chị chả có gì để nói cả. bài viết dành cho người thực sự muốn thay đổi mà chưa tìm ra cách, chứ k phải cho người biết cách nhưng lười và k đủ sức để làm e ạ!
      rất tiếc, chỉ tự e giúp mình đc thôi
      cứ buồn đi, cứ tiếc đi, cứ đau đi, đời e còn dài lắm
      tha hồ buồn
      đừng lo

  11. Sao bài nào của chị cũng hay và ý nghĩ thế nhỉ.rất đơn giản xúc tích và gần gũi dễ hiểu.mn đều hiểu đều thấy và đều có thêm động lực để hành động.chị ra thêm nhiều bài bổ ích nữa chị nhé 🙂

  12. Mình thích bài viết của bạn, và đồng ý gần hết những ý trong này. Chỉ có đoạn này mình hơi lăn tăn

    Tôi và có lẽ tất cả chúng ta đều rất ghét cảm giác thèm thuồng. Thế nên tôi xử lý nó bằng cách cố gắng không để mình thèm bất cứ thứ gì cả. Thèm măng cụt ư, tôi sẽ mua nó và ăn trong nhiều ngày tới khi chán, tới khi măng cụt chẳng còn hấp dẫn tôi nữa. Thèm bít tết ư, tôi sẽ đi ăn nó mỗi sáng cho tới khi hoàn toàn không chút cảm xúc khi nhắc về nó. Thèm ở bên ai đó ư, tôi sẽ tìm mọi cách hoặc tạo mọi điều kiện để được ở bên họ.

    Đoạn này có vẻ như bạn bỏ cảm giác thèm thuồng bằng cách đút cho nó ăn thật nhiều. Nhưng không phải lúc nào cũng nên làm như vậy, hoặc có điều kiện làm như vậy 😀 Ví dụ như mình thèm thuồng 1 món đồ, thì cứ mua nó, là sẽ hết thèm. Nghe như nuông chiều bản thân á 😀

    • chính xác r, mình nuông chiều những sở thích nhỏ nhỏ để k bị nó tác động chút nào trong cs nữa bạn ạ
      k đc tất cả nhưng phần lớn
      và cũng hơi thiển cận chỗ này
      có lẽ mình hơi có đk nuông chiều bản thân hơn người khác 1 chút thì phải 🙂

    • Theo mình thì phải có cách nào bỏ cảm giác thèm thuồng bằng cách nào đó khác ngoài cách thỏa mãn nó 😀 Mà chưa biết cách nào, mình cũng đang tìm giải pháp cho vấn đề này. Dù sao thì cũng cảm ơn những bài viết của bạn, bổ ích và giúp mình định hướng khá nhiều 😀

  13. nè, Phi Tuyết, bạn có biết vì bài của bạn mà t bị lỡ giờ nấu cơm không hả, không thể stop lại được mà phải đọc cho hết đây neeee >:))))
    bài viết rất gần gũi, không mang tính áp đặt phán xét, khơi gợi ý muốn hành động. t thấy vậy đó. ^^ *vẫy vẫy tay*

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI