27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đừng xem thường những hành động nhỏ giúp nâng cao giá trị con người bạn

Featured Image: Danielle Hughson

 

Chủ động trong mọi tình huống

Bạn có thể không nhận ra rằng mình có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu như xưa giờ bạn luôn là người bị động, để mặc mọi thứ ra sao thì ra. Thì nay, hãy thử trở thành một người chủ động, bạn sẽ thấy cuộc sống này thú vị đến thế nào.

Nếu như bạn muốn làm quen hay add friend một cô nàng/anh chàng nào đó qua facebook. Hãy bớt chút thời gian ghé thăm trang cá nhân của người ta để tìm hiểu những thông tin căn bản: nơi họ sống, cách họ giao tiếp với mọi người, những chủ đề họ quan tâm, những gì họ chia sẻ… Thật may mắn nhờ có facebook ta dễ dàng biết trước về một người trước cả khi ta quen họ, điều này là vô tưởng trong quá khứ đúng không.

Hãy tận dụng facebook để chủ động biết điều bạn muốn biết. Rồi sau đó, hãy viết vài dòng làm quen trước hoặc ngay khi nhấn nút add friend, đối phương hẳn sẽ cảm thấy bạn là một người lịch sự và chân thành. Còn ấn tượng nào tốt hơn thế để bắt đầu một mối quan hệ? Dù đôi khi ta kết bạn với nhau mà luôn biết khó có thể gặp được, có sao đâu, ấn tượng đầu tiên luôn là ấn tượng khó phai mà. Đừng để vuột mất những ấn tượng đầu tiên tốt đẹp mà bạn có thể tạo dựng. Rồi khi nói chuyện, hãy chủ động hỏi hay nói về chủ đề người ấy quan tâm, nhất định người ta sẽ rất ngạc nhiên đấy.

Trong buổi hẹn đầu hay những buổi hẹn khác. Hãy tự lên kế hoạch cho thật chu đáo nếu đối phương không có ý kiến gì. Phần lớn mọi người khi hẹn hò thường hỏi nhau: “Giờ em muốn đi đâu, giờ mình đi đâu, quán nào đây, chỗ nào được nhỉ?” Và câu trả lời đa phần của chúng ta là: “Sao cũng được.” Thật là nhàm chán làm sao. Việc chủ động chọn một quán cafe thú vị hay ăn một món ít người biết sẽ làm cho người ta dễ bị bất ngờ và ấn tượng lắm.

Không gì tuyệt vời hơn trong một buổi hẹn hò mà chúng ta được dẫn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác đúng không? Tuyệt hơn nữa khi đối phương lại dẫn đến đúng nơi ta thích, chọn đúng món ta muốn ăn hay chủ động tạo ra những điều ta không nghĩ tới, một món quà nhỏ, một bản nhạc… Nhất định đối phương sẽ bất ngờ và cảm động, dù cho họ không nói ra, hẳn trong lòng họ đã thấy bạn thật ấn tượng. Tất cả những bước này sao có được nếu bạn không chủ động tìm hiểu về họ trước?

Trong công việc, hãy chủ động trong mọi tình huống, tìm hiểu trước về nó, sẵn sàng cho các hoàn cảnh có thể xảy ra. Nếu sếp bạn yêu cầu bạn đi mua một lãng hoa, hãy chủ động tìm hiểu hoa cho dịp gì, sếp thích phong cách nào, chi phí trong khoảng bao nhiêu… Tìm hiểu những điều này sẽ khiến bạn đỡ mất thời gian và công sức rất nhiều tránh khỏi các tình huống phát sinh. Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện “chén nào mua mắm, chén nào mua tương, đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” đúng không?

Để chủ động, khi sếp nhờ bạn đi mua mắm hay tương, hãy hỏi lại ổng cho rõ đồng nào mua mắm, chén nào mua tương. Chỉ mất chút thời gian tìm hiểu, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức. Đương nhiên đây chỉ là một ví dụ minh họa thôi. Nhưng ngoài cuộc sống, trong những công việc thường ngày bạn phải làm, hãy để tâm và hoàn thành nó theo cách chủ động nhất có thể. Hãy tìm hiểu kỹ về công việc bạn đang làm, sắp làm và sẽ làm. Bạn sẽ không phải hối hận đâu.

Bạn cũng có thể chủ động trong các tình huống nhỏ li ti khác trong công việc. Những việc không ai nhờ hay những việc ai cũng làm lơ. Hãy chủ động tắt điện khi ra khỏi phòng họp, dẹp một đống giấy lộn vứt lăn lóc, sắp xếp lại tủ hồ sơ… Những việc này có thể chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của bạn. Nhưng tin tôi đi, chắc chắn bạn sẽ được nhiều người quý mến. Công việc biết đâu nhờ đó sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Trong học tập, hãy chủ động tìm hiểu những điều khác bên ngoài sách giáo khoa và những bài giảng truyền thống. Chủ động phát biểu, thắc mắc, nghi ngờ và đặt câu hỏi cho giáo viên. Chính từ những hành động này, tuy nhỏ nhưng sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống, công việc và khả năng thành công của bạn sau này.

Trong cuộc sống, nếu không ai đả động gì, thì chính bạn hãy là người chủ động tổ chức những buổi họp mặt gia đình, những buổi sinh nhật cho người thân dù chính họ cũng không nhớ, những buổi gặp mặt bạn bè khi rảnh rỗi… Chủ động làm cầu nối gắn kết mọi người lại với nhau. Bạn sẽ luôn là một người quan trọng trong mắt họ.

Để duy trì thật tốt các mối quan hệ, hãy chủ động quan tâm tới họ dù cho họ chưa quan tâm đến bạn. Chủ động nói lời xin lỗi để hàn gắn một mối quan hệ rạn nứt đã lâu. Chủ động bắt liên lạc với một người bạn nhiều năm không gặp. Chủ động làm quen hay ngỏ lời với một người mà bạn luôn nghĩ về hay thậm chí cả chủ động rời xa những thứ đang gò ép bạn: Một tình yêu danh nghĩa, một công việc tệ hại hay một cuộc sống buồn tẻ…

Nếu bạn có thể tập thói quen luôn chủ động dù cho chỉ trong từng công việc nhỏ, nhất định tương lai bạn sẽ luôn ở thế chủ động. Ai cũng thích được chủ động điều khiển mọi thứ. Nhưng người ta lại quá nhút nhát và lười biếng để có thể làm điều đó. Nếu như bạn cũng muốn được ở trong tâm thế của những người điều khiển, người cầm quyền, người lãnh đạo thì tập thói quen chủ động ngay từ hôm nay. Hãy luôn nhớ rằng bạn có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh. Luôn có cách để làm điều đó.

Hãy luôn đúng giờ vì quý trọng thời gian là quý trọng chính mình

Nếu bạn thể hiện với mọi người rằng thời gian của bạn là quý giá, thể hiện sự trân trọng thời gian của chính mình. Thì hẳn người khác cũng sẽ tự nhiên trân trọng thời gian của bạn cũng như trân trọng chính bạn vậy. Người ta sẽ không gọi một người quý trọng thời gian ra quán nhậu làm vài chai bia giết thì giờ và sẽ không dám giữ bạn lại những cuộc vui vô bổ khi bạn từ chối nữa. Hãy trân quý thời gian của mình và thể hiện cho mọi người biết điều đó. Cách thể hiện rõ nhất là hãy luôn đúng giờ trong mọi cuộc hẹn, giờ giấc càng chính xác càng tốt.

Một người đến cuộc hẹn sớm 5 phút hẳn sẽ không ấn tượng bằng một người xuất hiện đúng chóc thời gian đã hẹn. Tôi từng bị ấn tượng mạnh như thế trong một cuộc hẹn. Gần đến giờ hẹn nhưng vẫn không thấy cậu bạn gọi, tôi sốt ruột phát điên. Và đến khi đồng hồ chỉ đúng giờ, cậu ấy gọi tới cho biết đã đứng trước nhà. Sự đúng giờ của cậu bạn làm tôi hơi ngạc nhiên đôi chút nhưng càng ngạc nhiên hơn nữa khi cậu ấy nói rằng đã tới trước đó 5 phút nhưng đợi đến đúng giờ mới gọi cho tôi. Trời, đây là câu chuyện về sự đúng giờ ấn tượng nhất mà cho tới giờ tôi vẫn nhớ được, dù đã khá nhiều năm.

Thời gian của bạn không quan trọng, không có nghĩa là thời gian của người khác cũng không quan trọng. Khi bạn tôn trọng thời gian của người khác, là tôn trọng chính họ. Vậy nên làm ơn đừng trễ hẹn, đừng để người khác phải chờ đợi, đừng thử thách lòng kiên nhẫn và sự quan tâm của người khác dành cho bạn. Nếu trong một cuộc hẹn mà bạn đến trễ, tôi xin chỉ bạn câu nói này, tôi xem nó từ một bộ phim và cảm thấy tâm đắc vô cùng. Văn hóa chúng ta không thường làm vậy, nhưng không có nghĩa là bạn không được làm vậy.

Khi bạn đến trễ một cuộc hẹn (dù quan trọng hay không) bạn có thể nói thế này: “Tôi xin lỗi vì đã trễ giờ hẹn của chúng ta. Tôi có hàng ngàn lý do để biện minh nhưng không, tôi chỉ muốn xin một lời xin lỗi chân thành.” Vậy thôi, chỉ ngắn gọn thế thôi. Không cần lý do gì cả, không cần giải thích gì cả. Chỉ cần thế thôi, ai có thể giận bạn được chứ?

Nếu như trong cuộc gặp mặt, ai cũng dùng giờ dây thun, thì chính bạn, hãy là người đúng giờ đầu tiên. Và hãy là người giữ nguyên tắc đúng giờ, đúng giờ thì tiến hành, đừng chờ đợi người trễ hẹn. Họ có tôn trọng bạn đâu mà phải dành thêm thời gian quý báu cho họ chứ.

Nhớ nhé, hãy luôn đúng giờ và đừng để thời gian trôi qua vô nghĩa, vì khi bạn trân quý thời gian của mình, người khác cũng sẽ trân quý thời gian của bạn. Và khi người khác trân quý thời gian của bạn, họ sẽ trân quý bạn!

Hãy cố gắng luôn giữ mọi lời hứa, dù to hay nhỏ bạn đã nói ra

Muốn trở thành người giá trị, đầu tiên hãy làm cho mọi lời nói của bạn trở nên giá trị. Nếu bạn hứa sẽ dạy đứa em học thêm toán, hãy làm điều đó. Nếu bạn hứa với ba mẹ sẽ đi chơi về đúng giờ, hãy về đúng giờ. Nếu bạn hứa sẽ gặp ai đó, đừng lãng quên họ. Thậm chí ngay cả khi bạn hứa với bản thân mình rằng sẽ thay đổi, sẽ không nói dối nữa, sẽ không hút thuốc nữa… Hãy cố gắng bằng mọi cách để thực hiện những lời hứa đó. Sẽ không ai đánh giá bạn khi bạn không hoàn thành, nhưng tâm khảm bạn sẽ tự đánh giá chính mình là một người thất hứa, một người không giữ lời, một người yếu đuối và vô trách nhiệm… Bạn không thể nào sống thoải mái cả đời với những lời trách cứ của chính bản thân mình như thế đâu.

Có câu nói rất hay trong Đắc Nhân Tâm rằng: “Cách duy nhất để giữ lời hứa đó là đừng hứa gì cả.” Đúng vậy, đừng hứa gì hết, đừng nói bất cứ gì khi bạn không hề có ý nghiêm túc với lời hứa đó. Đừng hứa gì hết khi bạn không hề muốn giữ lời, không muốn làm hay thấy không cần thiết. Đừng hứa. Bạn không biết được rằng đối với bạn, lời hứa chỉ là một lời nói, nhưng đối với người nghe, lời nói của bạn đôi khi còn là niềm hy vọng, niềm tin và niềm hạnh phúc nữa. Đừng tước đoạt những điều này khi chính bạn đã gieo hạt giống nơi họ.

Nếu bạn hứa sẽ dành cuối tuần dẫn cô con gái đi chơi công viên. Vì vài lý do, bạn không làm được và cũng chẳng buồn giải thích hay xin lỗi. Bạn có thể không biết con gái mình đã háo hức mong chờ đến cuối tuần đó như thế nào và tâm trí con sẽ buồn bã sụp đổ ra sao khi mọi sự chờ mong đều vô nghĩa. Nếu bạn hứa giúp một đồng nghiệp giải quyết một rắc rối nhỏ mà bạn quên bẵng đi. Người đồng nghiệp sẽ nhanh chóng chuyển từ trạng thái biết ơn bạn qua tức giận và cả thất vọng về điều đó lắm. Nếu bạn hứa với người yêu của mình rằng cuối năm sẽ cùng nhau đi du lịch và bạn lại không thể thực hiện nó. Hẳn khi bao nhiêu sự chuẩn bị, mong chờ, tưởng tượng của cô ấy về những tháng ngày ngọt ngào tan biến.

Sau tất cả bạn sẽ chỉ thấy được một gương mặt buồn đang cố che giấu cảm giác thực sự bên trong, đó là sự thất vọng. Nếu bạn hứa sẽ trả tiền nợ nhưng đến ngày hẹn bạn vẫn không thể xoay xở. Hãy giải thích hoặc xin khất lại vào đúng ngày hẹn đó. Người cho bạn mượn tiền có thể không cần đến khoản tiền đó ngay, nhưng chắc chắn sẽ rất vui lòng khi bạn khất hơn là khi bạn trốn biệt đi không đủ can đảm để lại dù chỉ là lời nhắn gửi. Đặc biệt là khi người bạn hứa không còn nhớ tới lời hứa của bạn, nhưng bạn vẫn nhớ, vẫn thực hiện, hẳn người ta sẽ bất ngờ và ấn tượng đến mức nào.

Không nhất thiết phải có từ “tôi hứa” thì nó mới là lời hứa. Chỉ cần một câu nói, một câu khẳng định, một lời đề nghị trong những câu chuyện thông thường đều có thể xem như lời hứa. Nếu như bạn muốn biết việc giữ lời hứa ảnh hưởng tới cách người khác nhìn nhận và đánh giá về bạn như thế nào. Hãy thử hứa gì đó và quên nó đi một vài lần. Tin tôi đi, rồi thì lời nói của bạn sẽ chẳng còn tí gía trị nào với ai cả. Nhưng, nếu như bạn có thể nhớ và giữ đúng mọi lời hứa cũng như lời nói của mình, tôi dám cá mọi lời nói của bạn về sau đều trở nên vô cùng trọng lượng và đáng giá. Bởi vì giữ được lời hứa với mọi người, bạn sẽ có lòng tin của họ. Và một khi đã có lòng tin, bạn có thể đạt được rất nhiều thứ khác nữa.

Một trong những lý do khiến chúng ta trở thành kẻ thất hứa, đôi khi chỉ là chúng ta không nhớ mình đã hứa gì. Để thay đổi điều này, hãy ghi mọi lời hứa vào nơi bạn có thể thấy, và coi đó như những nhiệm vụ tối mật mà mình phải thực hiện, càng sớm càng tốt. Giữ lời hứa, chính là tạo dựng danh dự cho bản thân. Giữ lời hứa, chính là thể hiện một người tự trọng và tinh thần trách nhiệm. Nuốt lời, cũng giống như kẻ nói dối, kẻ ba hoa hay thùng rỗng kêu to vậy. Chẳng ai đánh giá cao những người đó cả. Vậy nên, để làm cho bản thân của mình trở nên giá trị, hãy nhớ làm cho lời nói của bạn cũng trở nên giá trị như chính con người bạn vậy.

Hãy tìm cách và thôi ngay việc tìm cớ

Cách nhanh nhất để chứng minh mình là một kẻ bình thường, như mọi người bình thường khác, chính là việc viện cớ. Chúng ta đều là những kẻ viện cớ siêu giỏi giang. Chúng ta viện cớ trong mọi trường hợp, mọi lĩnh vực và mọi nơi mọi lúc. Điều này vốn chẳng hay ho tí nào.

Mỗi khi nói chuyện với một người nào đó về việc họ muốn làm mà không thể. Tôi thường đưa ra những lời gợi ý. Gợi ý một bị bác bỏ, tôi sẽ đưa thêm gợi ý hai, gợi ý hai bị bỏ qua tôi vẫn tiếp tục cho thêm một gợi ý nữa. Khi nó cũng bị bác bỏ tôi sẽ không nói gì nữa. Lúc đó tôi biết họ không thực sự muốn cái thứ mà họ nghĩ là họ muốn.

Bạn biết đấy, câu nói yêu thích của tôi có lẽ đã tác động được tới nhiều người. Câu nói đơn giản: “Khi ta muốn ta sẽ tìm cách, khi ta không muốn, ta tìm lý do.” Rất chi là đáng giá đối với mỗi người nếu họ muốn thành công. Chúng ta thường than van về mọi thứ, tưởng chừng như quan tâm về mọi thứ, nhưng thật ra chúng ta chẳng quan tâm thực sự đến thứ gì cả. Vì nếu ta quan tâm, nếu ta thực sự muốn điều gì đó, ta sẽ tìm cách chứ không tìm lý do. Nói chuyện với những người luôn tìm lý do thật là chán.

“Này, cuối tuần họp lớp đấy, mày đi chứ? -Ừ tao cũng thích lắm nhưng…”
“Hey, kế hoạch mở quán của cậu tới đâu rồi. – Ờ tớ không làm nữa vì…”
“Vẫn thể thao đều đặn chứ? – Ôi làm gì có thời gian” ….

Những người hay viện cớ là người nhút nhát, không bản lĩnh và thiếu đi khí chất quan trọng nhất để đạt được thành công, đó là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm với lời nói của mình, trách nhiệm với bản thân và những người khác nữa. Họ không dám nhận trách nhiệm về sự yếu kém của mình, đối với họ, việc họ không làm được gì, không đạt được gì, tất cả đều do lỗi của mọi thứ xung quanh, tất cả người và sự vật xung quanh, chứ không phải tại họ.

Giữa rất rất nhiều người luôn viện cớ để trốn tránh, chính bạn hãy tạo nên khác biệt bằng cách không viện cớ nữa. Nếu bạn muốn điều gì, hãy tìm cách để đạt được điều đó. Nếu vấn đề là do bạn, hãy nhận trách nhiệm. Một người có tinh thần trách nhiệm luôn được mọi người yêu quý và kính trọng. Như có câu nói rằng: “Khả năng thành công của một người chính là khả năng chịu trách nhiệm của người đó.” Vậy thì còn chần chờ gì, hãy chịu trách nhiệm cho nhiều việc hơn, đừng kiếm cớ thoái thác hay sợ sệt. Nhất định bạn sẽ được trả công xứng đáng một ngày không xa.

Những việc nhỏ khác

Hãy dùng tiền bạc một cách khôn ngoan

Tiền bạc thì có giá, nhưng con người bạn phải là vô giá. Đừng để bất cứ một số tiền nào biến bạn thành kẻ rẻ tiền. Nhưng hãy sử dụng nó khôn ngoan để biến bản thân trở nên giá trị và được mọi người quý mến.

Nếu trong một cuộc hẹn và bạn là người phải trả tiền hay muốn trả tiền, tốt nhất hãy trả khi đối phương không biết, không để ý. Điều này tạo ấn tượng rất tốt về sự lịch sự, tinh tế và lịch thiệp.

Nếu trong một chầu vui chơi ăn uống mà bạn muốn mọi người cùng share. Hãy mạnh dạn là người nói ra điều đó. Sử dụng một vài câu bông đùa để mọi người cùng hiểu ý. Tiền bạc là một chủ đề tế nhị, hãy tự đứng ra giúp mọi người giải quyết nó một cách dễ dàng.

Nếu bạn nợ tiền ai đó, hãy trả đúng hẹn, nếu không thể trả đúng hẹn, hãy khất nợ đúng hẹn hoặc sớm hơn, đừng để trễ hơn ngày hẹn hay đừng để người ta phải nhắc. Nhắc một lần, hai lần rồi sẽ không ai còn muốn giúp đỡ bạn nữa. Hãy trả lời đúng ngày, dù cho là lời khất hẹn, bạn sẽ tạo được lòng tin cho người khác nhiều hơn rất nhiều.

Nếu như một ngày trong túi bạn có một số tiền nhỏ (20-30 ngàn đồng) và bạn muốn làm gì đó để nó mang lại niềm vui cho mình, thay vì quăng nó vào một trò game, một bao thuốc lá, một món ăn vặt hay một tờ vé số. Hãy làm gì đó biến số tiền đó trở nên ý nghĩa: mua cho cô đồng nghiệp một ly nước mía/rau má, rất rẻ. Mua cho bọn trẻ hàng xóm vài cây kẹo, tặng ai đó một món quà nhỏ xíu bất ngờ, hay chỉ là một bông hoa tặng cho người mẹ tảo tần của mình. Thật sự chỉ cần một số tiền nhỏ, rất nhỏ thôi, bạn hoàn toàn có thể mua được niềm vui cho mình, thông qua việc bán niềm vui cho người khác. Hãy thử đi!

Hãy thuần thục ngôn ngữ Việt Nam trong các cuộc trò chuyện

Thực tế chúng ta giao tiếp qua chữ viết nhiều hơn qua lời nói. Hãy là một người sử dụng tiếng Việt thành thạo, cả dấu câu lẫn chính tả. Điều này có thể không tạo thêm được ấn tượng tốt đẹp nào, nhưng chắc chắn chẳng ai thích nói chuyện (qua chữ viết) với những người vừa không viết dấu, hay không có chấm phẩy, thậm chí là sai chính tả cả. Những lỗi này nhỏ, nhưng sẽ để lại ấn tượng rất xấu cho người đối diện. Đây có thể là những hành động rất nhỏ, nhưng hãy duy trì và biến nó thành thói quen, thành phản xạ của bạn.

Cùng với chúng bạn sẽ trở nên đáng giá trong mắt mọi người và có thể chính nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn nữa đấy. Nếu thấy bổ ích và cần thiết, bạn có thể ghi những điều này ra ngay cuốn sổ tay của mình như một lời nhắc nhở.

Trước khi cố trở thành người có giá trị với người khác, hãy làm sao để chính mình trở nên giá trị với bản thân mình, một người nói được làm được, một người không bao giờ thất hứa với bản thân, một người hoài bão và hữu ích… đây là một điều cực khó khăn chứ không dễ dàng đâu nhé.

 

Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

20 BÌNH LUẬN

  1. Những đúc kết của bạn cũng rất giống quan điểm mình nhận ra được từ Phật giáo. Luôn phải tự nhìn lại bản thân mình trong từng hành động suy nghĩ.
    Mình xin chia sẻ thêm. Sự thực là trước khi va vấp công việc, mình thường phải tìm cách để làm nổi bật những điểm mạnh của mình vì mình nghĩ nếu không thì sẽ bị bỏ qua. Tuy nhiên thực tế “cùng chất thì tụ”, những người thành công (vì năng lực) luôn nhìn được ra ai có những phẩm chất giống mình. Vì vậy, thay vì nghĩ đến những bài thuyết trình hoành tráng, những bạn nào chưa đi làm có lẽ nên suy nghĩ nhiều hơn đến việc xây dựng hình tượng bản thân qua tác phong hàng ngày.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI