27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Rừng Na Uy – Haruki Murakami

Featured Image: Bìa sách “Rừng Na Uy”

 

Mọi người đều đang sống giả dối với nhau, mọi người đều có vẻ như không thật. Những câu hỏi thăm, những cử chỉ quan tâm, đều chỉ là vẻ bề ngoài hời hợt, không xuất phát từ trái tim của họ, nên làm sao có thể đọng lại trong trái tim người nghe. Mọi thứ xung quanh như một lớp màng mỏng, che khuất đi những thứ cần thấy, để lộ ra những thứ dễ dàng được nhiều người chấp nhận hơn, như nước mắt rơi xuống khi một người thân yêu ra đi, có vẻ như được được dễ dàng chấp nhận nhiều hơn so với việc người đứng đó, trân tráo mỉm cười khi người thân họ biến mất, như tất thảy mọi thứ trên đời đều có thể biến mất bất kỳ lúc nào, không báo trước.

Mọi thứ dễ dàng chấp nhận hơn khi đi học, học thật tốt với những gì thầy cô giảng dạy, đi xin việc làm, đau đầu với những ước mơ, những dự định, trên bàn note đầy những list công việc hàng ngày, của tuổi hai ba, hai lăm, hay ba mươi. Còn làm sao mà người ta có thể nhìn một con người với ánh mắt bình thường được, khi họ không đi làm gì, suốt ngày ở trong phòng với sách và nhạc, hay bất cứ cái gì bất chợt lóe lên trong đầu, lâu lâu dăm ba công việc vài ba tiếng mỗi ngày, niềm vui thì được lấy từ ánh mắt của trẻ con.

Làm sao mà mọi thứ tôi nhìn thấy, tôi làm, tôi thực hiện bây giờ, sao điều là những thứ không dễ dàng chấp nhận với người ta?

Chính tôi cũng không đủ can đảm sống cuộc đời thật của mình trong xã hội hiện tại, nên tôi đi tìm chính mình trong những trang sách, những khiếm khuyết của mình vẫn không thể nào được lấp đầy, lỗ hổng bản thân vẫn cứ ngày càng một tan hoang, không một tác giả nào miêu tả đúng những gì tôi đang chịu đựng, không một tác giả nào cho tôi biết được rốt cuộc tôi cần phải đối diện vấn đề gì? Cái gì đang chặng đứng tôi lại khi tôi đang vũng vẫy bước đi?

Cho đến khi tôi đọc cuốn Rừng Na Uy của Haruki Murakami do Trịnh Lữ dịch. Tôi biết đến nó lúc ngồi trên xe đò đi Đăk Lak, tôi bị say xe nên ép con bạn ngồi gần là mày nói chuyện gì đó đi, nói chuyện gì cũng được để tao không bị ói, nó ngồi kể về Rừng Na Uy, nói rất nhiều về nó. Sau chuyến đi đó, tôi về mua cuốn Rừng Na Uy để đọc.

May mắn đã luôn đến với tôi, nếu không, có thể là cả cuộc đời này, tôi sẽ chẳng hiểu thế nào là sex, tôi sẽ chẳng hiểu thế nào là sống chết, tôi sẽ tách biệt nó và tôi như hai thực thể riêng biệt, chẳng liên quan gì với nhau, tôi sẽ chẳng thể nào có cơ may hạnh phúc được. Có thể Rừng Na Uy chỉ là một điều gì đó nhất định phải đến, một điều gì đó tôi phải gặp trong đời, như một cú hích từ phía sau, đẩy tôi rẽ sang một hướng khác, như nước 100 độ thì phải sôi, tôi thì đã đến thời điểm phải trở thành khác.

Ông ấy đã miêu tả tần sâu thẳm trong con người, ông ta tuyệt vời khi đứng trên cả phương diện phụ nữ, ông ta miêu tả trần trụi, ông ta lột trần hết cái bản chất thối nát của của người, của xã hội thời kỳ đó, và như thể ông ta chỉ thẳng đích danh tôi, mày, đừng sống giả tạo nữa.

Ông ta tôn vinh tình yêu

Ông ta tạo ra những nhân vật khiến tôi không cảm thấy mình cô đơn, những nhân vật là ngóc ngách trong tâm hồn ông ấy, cũng là những ngóc ngách của chính tâm hồn tôi, nó khiến tôi biết rằng tôi không lạc loài, tôi không duy nhất. Ôi Naoko và Watanabe, các bạn đã sống cuộc đời không phí chút nào, các bạn được chính là mình, dù với những méo mó, khiếm khuyết của bản thân, khó có thể nào giải quyết nổi. Ngay cả khi Naoko chọn cái chết để giải quyết vấn đề, bạn cũng đã sống cuộc đời không phí phạm.

Tôi ước mình được sống một lần như thế, được yêu một con người bằng hết lòng mình, sẵn sàng vì họ mà làm tất cả

Như Hatsumi, cô ấy thật đáng ganh tỵ, bất chấp tất cả mọi thứ, dù biết rằng mối tình của mình không đi tới đâu, cô ấy vẫn biết rằng, mình yêu Nagasawa. Biết mình yêu ai đó, chẳng phải rất tuyệt sao.

Tôi hiểu cái chết được đến như thế nào từ tác phẩm Rừng Na Uy, tôi không có một chút thắc mắc nào nữa rằng tại sao Naoko, Kizuki lại tự vẫn, tại sao Hatsumi phải tự vẫn, cái chết không còn là một cái gì đó xa vời, nó ở đây, đang ở đây, bên tôi từng giây phút.

Tôi chấp nhận rằng mình méo mó, tôi chấp nhận những khiếm khuyết của mình, chỉ bằng duy nhất cách chấp nhận thực tế rằng mình méo mó, thực sự méo mó, lúc đó tôi mới dần dà tiến đến việc giải quyết nó, tôi đã không còn xem sex là một cái gì đó ghê tởm. Tôi đã không còn sợ hãi cái chết.

Tôi biết. Dù cũng chẳng dễ dàng gì với tôi, khi phải chấp nhận toàn bộ cuốn sách. Tôi mất thời gian dài để chấp nhận nó, cũng như chấp nhận sex như là một phần không thể tách rời với con người, với chính mình.

Tôi ấn tượng nhất với Rừng Na Uy có thể vì nó là cuốn đầu tiên tôi đọc của Murakami, và trong những tác phẩm khác của ông, tất cả điều mới mẻ với tôi, không lường trước được văn phong, nội dung, ông dùng ngòi bút của mình, xoáy sâu vào tần sâu nhất của tâm thức con người, ông ta miêu tả chuẩn xác những vấn đề nội tâm con người gặp phải. Ông ta chi tiết miêu tả nó, rồi thông qua việc đọc nó, người đọc (tôi) tìm ra cách giải quyết cho vấn đề của chính mình.

Rừng Na Uy đưa tôi rẽ sang một hướng khác của cuộc đời mình, mà không thể nào quay lại, hoàn toàn không có khả năng quay lại

Đọc rừng Na Uy đi, và đọc nó nhiều lần, thật nhiều lần, bạn sẽ thấy tận sâu thẳm cõi lòng của chính mình, bị thời cuộc che đi mất, bị xã hội thối nát xung quanh muốn dứt nó ra khỏi bạn. Đọc Rừng Na Uy bạn sẽ muốn mình im lặng, im lặng thật sâu. Bạn sẽ yêu thương, sẽ yêu thương nhiều hơn bằng trái tim chân thành. Đọc Rừng Na Uy đi, bạn sẽ thấy bạn không cô đơn. Bạn không thể nào cô đơn được. “Không một ai là một hòn đảo cả” *

* “No man is an island” của John Donne

 

Xanh Thẫm


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. Mở bài hay quá, rất hợp tâm trạng với những người trẻ tuổi mà đôi khi cảm thấy vô định với những gì mình đang làm. Rừng Na Uy cũng là một cuốn sách khiến mình đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí có những lần thu dọn lại tủ sách vô tình mở nó ra là lại ngồi nguyên giữa mớ lộn xộn, bừa bộn đó và đọc ngấu nghiến cho tới trang cuối cùng. Văn phong của Murakami thực sự khó cưỡng 🙂

  2. Mình chưa đọc hết Rừng Na Uy, nhưng mình đã xem phim vào năm 2011. Ngày đó còn blog và mình cũng đã viết một chút cảm nhận khi xem xong bộ phim đó, bài viết đó có đoạn như thế này:

    “”Mỗi người đều có những sự ám ảnh, day dứt, và cầm tù chính mình trong cái khung tưởng chừng như an toàn để lẩn tránh tất cả những điều có thể chạm vào tâm hồn nhạy cảm của họ, nhưng họ đang cầm tù chính tâm hồn mình, cô độc, lạnh giá, vô vọng, … họ tự giết chính mình ….

    Khi có một tia hy vọng chạm tới, họ khát khao được dang tay ra đón, nhưng họ cũng sợ hãi chính mình, sợ hãi nỗi đau của mình, sợ hãi làm đau người khác, sợ hãi rồi lẩn trốn, mãi lẩn trốn trong vòng tròn luẩn quẩn, mãi mãi, kiệt sức, ra đi …

    Cả bộ phim là một sắc thái u ám dù là bất kì mùa nào trong năm, dù là sắc xanh đỏ vàng hay trắng, của những nỗi đau đan xen tưởng chừng không ngừng được, sự ra đi của một người là nỗi day dứt ám ảnh nghiệt ngã cho những người ở lại, gánh nặng không mất đi, nó chỉ được chuyển từ người này sang người kia, trạng thái này sang trạng thái khác …

    Nhưng tại sao người ta lại thấy ở những giây phút cuối cùng của bộ phim hình ảnh cô gái đứng bên chiếc cửa sổ trong ánh nắng vàng nghe điện thoại, chàng trai đừng trong góc tối cạnh chiếc điện thoại công cộng áp vào tai, hai hình ảnh đối lập, nhưng nụ cười đều thắp sáng trên môi họ … Họ đã không chọn cách chạy trốn, cũng không cố khỏa lấp những nỗi đau, họ đứng đó, đối diện với nó, nhìn thằng vào nó, nỗi buồn, sự ám ảnh, sự day dứt, những vết sẹo … tất cả chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc kể cả cho đến khi họ rời khỏi cõi đời này, nhưng họ cũng dang rộng cánh tay chào đón hạnh phúc, hạnh phúc mà họ muốn có được, và cố gắng để có được, bắt đầu từ giờ phút này …

    Cuộc đời có thể rất phức tạp, như một bộ phim mà người ta cứ xem rồi nói chẳng hiểu gì cả, nhưng cuộc đời có thể rất đơn giản, như sống và chấp nhận mọi thứ có thể sảy ra, và sẵn sàng khi hạnh phúc tới …”

    Cảm ơn Bạn, vì đã làm dậy sóng cảm xúc của ngày ấy thông qua bài cảm nhận của Bạn, một sự đồng cảm thực sự … Cảm ơn Bạn :).

  3. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Hoàng Huy: Văn phong sáng tạo, bình tĩnh, cá tính, đọc không thấy chán. Bạn viết ra được những câu mình thấy bất ngờ. Có lẽ đây là bài mình thấy hay nhất được gửi lên cho tới thời điểm này. Mình chúc mừng bạn khi thấy bạn đã biết thế nào là sex và không còn xem sex là một cái gì đó ghê tởm nữa, rất nhiều người con gái vẫn còn giữ định kiến già nua này. Chỉ có một hạt sạn nhỏ trong bài viết đó là lỗi chính tả (“tầng tâm thức” chứ không phải “tần”, chặn đứng, không phải “chặng đứng”, “vũng vẫy”?) Nếu không có lỗi chính tả này thì bạn được 80 điểm rồi, thay vì 75.

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Bài viết như một lời tỏ tình của tác giả dành cho “Rừng Na Uy”, hay và rất nhiều cảm xúc. Phần cảm nhận dành cho tác phẩm tốt, phần nói về tác phẩm chưa đầy đủ (thiếu trích dẫn hay nói qua về cốt truyện) nhưng cách nói lại có tác dụng gây tò mò cho người đọc. Lỗi chính tả và lỗi đánh máy nhiều: “điều là”, “chặng đứng” “vũng vẫy”… Dùng tiếng Anh không cần thiết “note đầy những list”. Chấm điểm: 79/100

    Đoàn Minh Hằng: Đúng như Huy nói, một bài viết thật hay và ấn tượng. Mình đọc khá nhiều tác phẩm của Murakami nhưng riêng cuốn sách này mình lại không đọc vì nó ra đời cũng khá lâu rồi. Dạo đó ai cũng bảo rằng đọc cuốn này trầm cảm lắm. Nhưng chúc mừng bạn vì đọc xong bài viết này của bạn mình muốn đọc Rừng Na Uy ngay lập tức dù danh sách những cuốn sách cần đọc của mình trong tương lại mình đã không nghĩ sẽ có Rừng Na Uy (vì không đủ thời gian).

    Mở bài rất ấn tượng. Một số câu mà THDP phóng chữ to trong bài chính xác là những câu đắt. Bạn viết thật sự bằng cảm xúc, chiêm nghiệm từ chính tuổi trẻ của mình, soi rọi và tìm thấy được bản thân của mình vào trang sách. Bạn có những câu chữ thuyết phục
    mời gọi mọi người hãy đọc cuốn sách này đi một cách đầy tha thiết như thể nó đã chạm được đến trái tim bạn một cách đầy run rẩy và cảm động.

    Kết bài bạn cũng liên hệ được với thời cuộc. Mình đã đi qua những tháng năm của tuổi trẻ và tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ, mình có thể hiểu được giới trẻ ngày nay có những sự chênh vênh nhất định trong đời sống nội tâm như thế nào. Cảm ơn bài viết của bạn. Chấm điểm 90/100

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI