Không chấp nhận sự giúp đỡ của người khác
Không biết bạn có để ý thấy không, những người mạnh mẽ thường là những người thường gặp nhiều khó khăn nhất. Hoặc biết đâu vì gặp nhiều khó khăn nhất nên họ đã trở thành những người mạnh mẽ nhất? Người mạnh mẽ không phải là người tuyệt đối không bao giờ chấp nhận sự giúp đỡ của người khác. Nên nhớ rằng, chúng ta không phải siêu nhân, chúng ta không thể làm được hết tất cả mọi chuyện. Có thể bạn làm được nhiều chuyện hơn người khác thật đấy, nhưng nếu có ai đó muốn giúp đỡ, bạn còn làm được nhiều hơn thế nữa.
Ỷ mạnh hiếp yếu, chà đạp lên người khác
Một người mạnh mẽ đích thực sẽ không bao giờ “ỷ mạnh hiếp yếu”. Những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu chỉ là những kẻ mạnh được cái xác, nhưng tâm hồn họ rất yếu đuối, bài viết này chỉ dành cho những ai muốn được mạnh mẽ trong tâm hồn. Người mạnh mẽ đích thực là người biết giúp đỡ kẻ khác. Chẳng hạn như việc học võ, học võ chỉ nên dùng để tự vệ và giúp người. Nếu bạn học võ với mục đích đi đánh người thì trước sau gì bạn cũng bị người ta đánh chết. Đừng bao giờ quên điều này: khi bạn giúp một ai, bạn đang giúp chính mình, và khi bạn hại một ai, bạn đang hại chính mình; tất cả mọi thứ đều có liên kết với nhau.
Đầu hàng nỗi sợ hãi
Sợ hãi bắt nguồn từ thiếu hiểu biết. Người mạnh mẽ vượt qua được sợ hãi bằng cách tìm hiểu về nó, đơn giản vậy thôi. Đừng chạy trốn; bạn có thể chạy nhưng bạn không thể trốn. Càng chạy trốn sợ hãi, bạn càng chạy xa khỏi tự do. Sợ hãi chỉ là một ảo tưởng, nó chỉ do bạn tự tạo ra trong tâm trí mình. Sợ hãi chỉ là một sự lựa chọn. Người mạnh mẽ chọn không sợ hãi.
Lặp lại sai lầm
Phạm sai lầm lần đầu tiên, bình thường, không đáng nói. Phạm sai lần thứ hai trở lên, nó chỉ là một sự lựa chọn. Phạm sai lầm khác với thất bại. Thất bại nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, giống như khi còn bé bạn tập lái xe đạp, té xe liên tục là chuyện tất nhiên, điều quan trọng là bạn có đủ can đảm để tiếp tục đứng dậy tập tiếp hay không. Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta cũng sẽ liên tục vấp té, bạn chỉ không còn vấp té khi được nằm xuống mãi mãi trong quan tài.
“Tại sao chúng ta lại vấp ngã, Bruce? Để chúng ta học được cách tự đứng lên.”
— Thomas Wayne, Batman Begins
💎 Phân tích Justice League của Zack Snyder dưới góc nhìn tôn giáo
Đổ lỗi chính mình vì những chuyện ngoài tầm kiểm soát
Người có ý chí mạnh mẽ không những là không đổ lỗi cho người khác, mà còn không đổ lỗi cho chính mình, những chuyện họ biết rõ là nằm ngoài tầm kiểm soát. Người mạnh mẽ không phải là người có thể kiểm soát được tất cả mọi thứ, mà chỉ là người có thể kiểm soát được một cách mạnh mẽ, chặt chẽ những gì nằm trong tầm tay của mình.
Cố gắng làm vừa lòng mọi người
Chỉ có những người yếu đuối mới cố gắng làm vừa lòng mọi người. Bạn chỉ có thể làm vừa lòng được một số người chứ không bao giờ có thể làm vừa lòng được mọi người. Càng cố gắng làm vừa lòng mọi người, bạn càng không làm vừa lòng được một ai.
Tập trung vào nhược điểm của mình
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên khắc phục những yếu điểm của mình, nhưng chuyện đó không quan trọng bằng tập trung vào chuyên môn, tập trung vào điểm mạnh. Những người thành công nhất trên thế giới không phải là những người không có điểm yếu, mà là những người biết phát huy tối đa những điểm mạnh của mình.
Sợ thành công
Người yếu đuối “sợ thành công” bằng cách suy nghĩ quá nhiều về khả năng thất bại. Người mạnh mẽ thì ngược lại, dù chỉ có 10% khả năng thành công, họ cũng vẫn thử làm. Dù sau đó có thất bại đi nữa, họ cũng đã học được những bài học mà người không làm không bao giờ biết được.
Ganh tị với thành công của người khác
Tại sao người khác có thể thành công còn bạn thì không thể? Người mạnh mẽ đặt ra câu hỏi đó để cố gắng phấn đấu, cạnh tranh. Người yếu đuối thường có suy nghĩ rằng, nếu nó càng thành công, mình càng khó thành công. Điều này có thể cũng đúng đấy, nhưng với một suy nghĩ tiêu cực như vậy, họ càng không thành công. Thay vì suy nghĩ như vậy, người mạnh mẽ nghĩ rằng, nếu nó thành công, mình sẽ thành công hơn nó, người mạnh mẽ là không bao giờ sợ khó.
Khép chặt tư duy
Ai cũng biết người mạnh mẽ phải là người có thể giữ vững lập trường, nhưng điều đó không có nghĩa là họ khép chặt tư duy của họ lại và không tiếp nhận thêm bất cứ thông tin mới nào khác, đó gọi là cố chấp thì đúng hơn. Một tư duy đóng là một tư duy chết. Cởi mở tư duy là một việc làm không hề dễ dàng, nên chỉ có những người mạnh mẽ đích thực mới có khả năng đó.
Tránh né thay đổi
Mạnh mẽ không đồng nghĩa với cứng nhắc; cũng như uyển chuyển, linh động không đồng nghĩa với yếu đuối. Người nào càng sợ thay đổi người đó càng không hiểu được bản chất của cuộc đời.
Bỏ cuộc, thiếu kiên nhẫn
Kiên nhẫn là một đức tính quan trọng của tất cả những người mạnh mẽ, những người thành công. Nhiều người thất bại là vì họ chưa đủ giỏi, nhưng cũng có rất nhiều người thất bại vì họ đã bỏ cuộc giữa chừng ở thời điểm họ sắp thành công.
Có những người sinh ra là đã có được một lòng kiên nhẫn bẩm sinh. Nhưng cũng có nhiều người phải trải qua rèn luyện. Bắt đầu từ những việc nhỏ như đọc hết một bài viết dài trên 2000 chữ, đọc hết một cuốn sách (truyện tranh thì quá dễ rồi, muốn rèn luyện lòng kiên nhẫn thì phải làm điều khó, đừng làm điều dễ), chơi Flappy Bird cho tới khi nào được hơn 100 điểm (tôi chơi mới được có 120 điểm, không tin thì thôi), ráp cho xong một bức tranh jigsaw hơn 1000 miếng… Ai còn ý tưởng nào để giúp mọi người rèn luyện lòng kiên nhẫn thì hãy comment bên dưới nhé.
Tác giả: Prana
câu cá mà không dùng mồi
Mình không làm những điều này, nhưng vẫn cảm thấy chưa mạnh mẽ?
Hay, mình thì rèn luyện cách kiên nhẫn hơi ngộ đó là máy tính mình vào game rất khó và lâu nhưng mình vẫn đăng nhập vào chơi game dù nó có lâu thì treo máy làm việc khác!
Mình thường dùng ý tưởng là ở độ tuổi 20, ngta chỉ mất 28 ngày để hình thành 1 thói quen mới. Ban đầu mình áp dụng cho việc học chuyên môn, sau đó là học tiếng anh. Mình thấy mình làm cũng khá tốt, nên mình chuyển qua thử thách mới. Đó là tập chạy bộ, ban đầu mình chạy dc khoảng 5 vòng sân (~2km), mình vẫn giữ suy nghĩ ở trên và tập trong gần 3 tháng, cuối cùng mình chạy dc 20 vòng sân (~8 km). Một thời gian khác, mình cảm thấy chán chạy bộ với lại việc học khá bận, mình chuyển qua nhảy dây. Đầu tiên nhảy được khoảng 500 cái thì đã cầm không nổi sợi dây. Mình vẫn nhớ suy nghĩ trên, tập thêm gần 1 tháng nữa, thì nhảy dc hơn 2500 cái. Nói thêm là tốc độ nhảy tầm 120 – 130 cái/phút, chứ ko nhảy như kiểu đuổi ruồi đâu nha mấy bạn ^^.
Mấy bạn thử ý tưởng của mình đi, rồi luyện tập để nâng dần mức độ kiên nhẫn lên nhá. Nhớ xài nó tích cực chứ đừng lạm dụng.
tôi thì không có cách nào để rèn luyện tính kiên nhẫn nhưng trong luận điểm “Sợ thành công” bạn có nói là người yếu đuối thường “suy nghĩ quá nhiều về khả năng thất bại”
tôi thì không cho đó là sự yếu đuối, đó chỉ là người có khả năng suy nghĩ chu toàn cho kết quả mà mình sắp gặp phải, để có sự chuẩn bị tâm lý cho khả năng xấu nhất xảy ra, mặc dù kết quả thường không giống vì đã có suy nghĩ tới kết quả xấu nhất cũng tức là lúc người đó có phương pháp để phòng tránh không bao giờ cho cái kết quả đó xảy ra, và dù kết quả thế nào cũng không thể xấu hơn nó được
hay lắm
mỗi ngày chịu khó đọc 1 bài viết như thế, rất có ích 😉
Mỗi ngày đọc một trang từ điển tiếng Anh ( Oxford, Webster, Macmillan,…) như đọc sách, đọc truyện.
Mỗi ngày học thuộc một câu tiếng anh bất kỳ