Đầu tiên, tôi muốn khẳng định với các bạn rằng tôi cũng tỏ lòng ngưỡng mộ những hiệp sĩ đường phố đang làm sôi sục các trang báo mạng những ngày vừa qua bởi tinh thần nghĩa hiệp và lòng dũng cảm của họ. Tuy nhiên, đã có quá nhiều người ca tụng và tôn vinh. Chính vì thế, lời nói của tôi chỉ trở nên dư thừa nếu còn muốn lẽo đẽo sau lưng họ. Sau khi đọc xong những bài báo, có một câu hỏi đặt ra mà tôi phải đắn đo suy nghĩ. Liệu xã hội này có nhất thiết phải cần đến những hiệp sĩ đường phố?
Chúng ta chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì với anh chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra nổi tiếng trong trận chiến đánh nhau với chiếc cối xay gió. Đó là một anh chàng cao lênh khênh, gầy gò, thích đọc truyện kiếm hiệp và luôn bị ám ảnh các cuộc so tài, bởi các thiếu nữ bị người tình bỏ rơi, lại có máu mạo hiểm. Chàng ta quyết định mình sẽ làm sống lại tinh thần thượng võ và tính hào hiệp quý tộc bằng cuộc đời một hiệp sĩ lang bạt nhằm chống lại những điều bất công, ngang trái trong xã hội. Chàng ta mặc bộ áo giáp cũ đã gỉ sét của cụ nội ngày xưa và cưỡi con ngựa già gầy còm tên là Rosinante bước vào cuộc phiêu lưu hiệp sĩ của mình. Khi gặp một chiếc cối xây gió, Đôn Kihôtê đã lầm tưởng đây là những tên khổng lồ. Chàng ta chĩa mũi giáo, thúc ngựa phóng tới, đâm vào kẻ địch, nhưng một trong các cánh quạt của cối xay đã móc vào quần áo chàng hiệp sĩ và nhấc bổng chàng khỏi yên ngựa rồi ném đi xa. Khi được Xantrô Panza nâng dậy, đó là gã hầu đi theo chàng, Đôn Kihôtê cắt nghĩa rằng bọn phù thủy đã biến đổi những tên khổng lồ thành các cối xay gió.
Vâng, đó là một chi tiết nhỏ trong truyện tôi muốn kể ra để các bạn hiểu rằng xã hội này cần những hiệp sĩ, những hiệp sĩ có tinh thần Đôn Kihôtê nhưng chúng ta không cần những hiệp sĩ như ông ấy. Chúng ta cần những hiệp sĩ. Nhưng phải là một tay kiếm giỏi. Vẫn chưa đủ, tài trí phải song hành. Một hiệp sĩ cần đủ thông thái để phải biết đối thủ của mình là ai. Một hiệp sĩ can đảm đôi khi còn phải là một hiệp sĩ biết kiềm chế, bỏ qua và để tự dành cho bản thân mình kẻ thù xứng đáng nhất. Đó là chân dung anh chàng hiệp sĩ mà tôi nghĩ các bạn vẫn cần để bảo vệ các bạn, để phụng sự cái tư tưởng cao cả về tinh thần trượng nghĩa mà đám đông dân chúng trong xã hội này vẫn nhắc đến.
Nhưng hỡi các hiệp sĩ!
Bạn để đám đông hèn nhát đó chất lên vai bạn những hành lý nặng nề, rồi kéo lê bạn bước đi trên những sa mạc khô cằn. Và khi cơn mệt mỏi kéo đến, mồ hôi nhễ nhại thấm ướt trên khuôn mặt vàng vọt xanh xao của bạn. Họ sẽ đồng cảm, rồi động viên bạn rằng: “Cuộc đời này quả thật năng nề.’’ Vâng, chỉ vậy thôi.
Và các bạn nghĩ rằng bạn đang phụng sự cho chân lý. Nhưng không phải thế, bạn chỉ đang phụng sự cho cái tinh thần còi cọt và sợ hãi của dân chúng. Đó chính là chiếc cầu cưỡng vọng tôn kính nối bạn với dân chúng. Và chính vì thế mà dân chúng tung hô ngợi ca bạn. Nhưng các bạn có biết rằng mình chỉ là tên nô lệ với những hành động đang phụng sự cho kẻ chủ nhân. Đó không phải là chân lý.
Họ dùng những lời lẽ khen ngợi để kích thích và cổ vũ tinh thần, để bạn luôn trung thành với họ. Nhưng cái họ thực sự muốn là bộ áo giáp khi đứng trước những mối nguy hiểm. Họ quá hèn yếu để tự đứng ra bảo vệ lấy mình.
Và hỡi ơi những người dân chúng!
Bất kể ai cũng cần học cách bước đi giữa sa mạc, giữa những miền cát vàng nóng bỏng, cần phải bị ánh mặt trời thiêu đốt. Lòng can đảm sẽ sinh sôi nảy nở, sẽ trưởng thành qua mỗi bước chân. Ai cũng cần học cách để tự bảo vệ lấy chính mình. Mỗi chúng ta cần giải thoát lòng dũng cảm của mình khỏi hang nô lệ, không sợ hãi và kinh hoàng.
Con người là con vật can đảm nhất. Chính vì thế mà nó đã chiến thắng mọi con vật. Không có con vật nào có thể vượt qua nổi thống khổ giỏi bằng con người. Dòng máu anh hùng tuôn trào sôi sục sẵn có trong lòng mỗi chúng ta từ hàng nghìn năm qua. Bằng chứng là bao nhiêu cha ông ta quyết đứng lên đánh đổ bè lũ xâm lăng. Các bạn cần học cách chống chọi với kẻ thù để tồn tại, muốn sống thì phải học cách chiến đấu. Tất cả chúng ta cần trang bị tri thức và học cách bảo vệ lấy chính mình. Đó là bản năng sinh tồn.
Nếu bạn bị quăng vứt vào một khu rừng rậm, cắt đứt với thế giới bên ngoài, và chẳng có một anh chàng hiệp sĩ nào đến giải cứu. Bạn có biến sợ hãi thành một cái nhà xác, rồi tự chôn thân mình vào đó?
Nếu bạn bị quăng mình vào một trận chiến. Tất cả những người khác đều phải tự chiến đấu để giành lấy sự sống của mình trước kẻ thù. Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ bạn nếu không phải là chính bạn?
Tất cả sự can đảm trẻ trung đều đã già cỗi. Chúng không chỉ già mà còn sắp chết mòn héo úa. Chúng mệt mỏi chán chường, tầm thường và không còn giữ nổi trong mình một chút nồng nhiệt. Chúng giải thích điều đó rằng đã qua mùa bom rơi đạn lạc, chúng ta đã quay trở về với hòa bình và chiến tranh đã kết thúc. Kẻ thù đã rút về vùng đất của chúng nó. Nhưng nếu chúng quay lại và nỏ đạn vào đầu bạn. Lòng can đảm của bạn có kịp hồi phục để bước vào trận chiến?
Bạn được rao giảng hãy tránh xa những tên cướp, hãy tránh xa những tên giết người từ lúc lọt lòng. Điều đó đã trở thành kinh thánh của bạn và bạn lặng lẽ cúi đầu quỳ gối trước chúng. Bạn được rao giảng sự duy trì, và đó là điều duy nhất mà các bạn duy trì. Và bạn để cho kẻ láng giềng của bạn, họ đến ban cho bạn một quyền lợi mà bạn có thể tự tay đoạt lấy?
Và sau cùng, bạn không bao giờ biết rằng một khi các hiệp sĩ đã từ bỏ bạn thì lúc đó bạn cũng có thể trở thành hiệp sĩ.
Tác giả: Ni Chi
Theo hướng của mình bạn đang hiểu sai Ý của dân chúng .bạn ko thể nói người ta hèn nhát bạn ko thể nào khẳng định như vậy người ta còn có lí do riêng . Những hiệp sĩ giúp người vì lòng vì tình vì nghĩa còn nhũng người ko thể làm hiệp sĩ họ có thể giúp đất nước bằng cách khác chứ ko có nghĩa lí gì mà bại đúng lên từng hồi hs và nói như những ngưu dân trong vai phản diện.
Có lẽ bạn Ni Chi viết những dòng này với nỗi thương cảm với những hiệp sỹ đường phố đã ngã xuống vì những con người không đáng để họ phải bỏ mình. Nhìn thấy gương mặt vô cảm của thằng chủ xe SH, tôi cũng nghĩ thế.
Tôi đồng ý với bạn là các hiệp sĩ hãy thông thái hơn, chọn lựa những trận chiến để phục vụ công lý chứ không phải là sự ca ngợi phù phiếm. Tôi nghĩ rằng một hiệp sĩ cần là người bảo vệ cho người tốt, người nghèo, kẻ yếu chứ không phải bảo vệ người có tiền (*).
Tôi đồng ý và cũng không đồng ý với việc bạn kêu gọi mọi người dân hãy đứng lên, can đảm và chiến đấu. Con người rất mạnh mẽ nhưng cũng rất dễ tổn thương. Họ không sợ chiến đấu trực diện với cái xấu đâu. Họ chỉ sợ những đòn trả thù dấu mặt. Họ sợ những kẻ trốn trong bóng tối cắt đứt kế sinh nhai của mình, giáng những đòn thù lên người thân của mình.
Bạn ạ, họ sẽ chiến đấu. Nhưng họ cần người dẫn dắt, đi đầu để chỉ cho họ ánh sáng và bảo vệ họ khỏi những trò hèn hạ trong bóng tối. Chính vì thế tôi tin rằng XÃ HỘI NÀY VẪN CẦN NHỮNG HIỆP SĨ.
(*):Không phải bởi vì người giàu là xấu mà vì họ không sợ mất đi một chiếc xe SH, họ không sợ mất đi mấy cái gương ô tô. Nó làm họ đau đớn nhưng họ vẫn sẽ sống, sống thoải mái.
Bài này bạn viết có nhiều cảm xúc và nhiệt huyết, đây là điều mà mình khó có thể làm được, và cũng không còn thấy những dòng tự hạ thấp bản thân nữa. Thui! mình khg thể so với bạn về khoản viết bài. Nói chung là không ném đá về mặt nội dung, và dù có một số quan điểm khác nhau nhưng mình vẫn ủng hộ cái ý trong bài của bạn. Còn bài kia của mình nếu bạn thấy có gì đó cần nói thì cứ nói nhé, nói ra chủ yếu để trao đổi, không cần nể mặt vì mình trước giờ ít khi nể mặt khi nói ra quan điểm cá nhân.
Tuy nhiên bàn ngoài lề một chút, về tác phẩm Đôn Kihôtê, và nói rõ thì đây chỉ là cảm nhận riêng của mình, vì với văn học thì khó mà nói cho chính xác. Theo mình, khi đọc tác phẩm này, chúng ta dễ bị đánh động bởi những chi tiết hoang đường mà nhân vật chính tạo ra, và kể cả khi mình còn học phổ thông thì giáo viên cũng chỉ chú trọng đến cái này, kể cả lời giới thiệu về tác phẩm, thành ra hầu như mình không bao giờ đọc lời giới thiệu trước khi đọc xong tác phẩm, để khỏi bị tư tưởng của người dịch tác động đến cảm thụ của riêng mình. Có lẽ nhiều người đánh giá cao tinh thần hiệp nghĩa của nhân vật chính, nhưng dường như vẫn là chưa đủ cao. Trọng tâm của tác phẩm này nằm ở những câu chuyện nhỏ bên trong nó, nó giống như một bộ gồm nhiều câu chuyện gộp lại, mà mỗi câu chuyện lại mang nhiều ý nghĩa và sắc thái khác nhau, tổng hợp lại hết thì cả tác phẩm thể hiện hết tính đa dạng và toàn diện của xã hội thời ấy, bình dân và quý tộc, giàu và nghèo, quan điểm sống, những định kiến, những phù phiếm, những giá trị đáng được tôn vinh.v..v. Với từng câu chuyện, mỗi nhân vật đều có nỗi khổ của mình, nhưng nếu ta chú ý thì tất cả các câu chuyện ấy đều có một điểm chung, đó là đều đạt kế quả mỹ mãn nhờ vào một sự gặp gỡ tình cờ với nhân vật chính của chúng ta, những việc tưởng chừng như trò hề đó lại lái câu chuyện vốn khổ đau thành tốt đẹp, có lẽ những nhân vật đó cũng xem đó là những ngẫu nhiên chẳng quan trọng tí nào, và sự tình cờ đó quả đúng thật là rất nhỏ nhoi, nhưng nếu thiếu sự tình cờ nhỏ nhoi đó thì câu chuyện của họ vẫn sẽ đi theo hướng cũ. Thành ra đừng xem thường cái tinh thần hiệp nghĩa ấy, nó có vẻ buồn cười và ngây thơ thật đấy, nhưng nó luôn âm thầm tác động đến ta mà ta không hề hay biết, vì thế giới này trở nên hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn nhờ vào sự hồn nhiên vô vị lợi ấy. Thật ra mình chỉ đọc phần 1 của tác phẩm này, còn phần 2 thì mình lười đọc vì không hợp khẩu vị, nhưng mình đánh giá tác phẩm này rất cao. Vài lời chia sẻ cùng bạn.
Đôn ki hô tê này em đọc có mấy trang mà thấy văn phong kiếm hiệp mà được kể bởi một tên tiểu nhị nên em không nuốt nổi. Chắc tại em mua phải bản dịch không được chất lượng nên em lên mạng nghe truyện audio ấy. Trươc đây em hay truyện audio trong lúc làm việc nhà, giờ thì toàn đọc vì thấy đọc cảm nhận sâu sắc hơn là nghe người ta kể.vì nghe audio nên giờ em cũng nhớ loáng thoáng chứ không được kĩ càng. Chị nhớ là nó hài lắm. Nghe xong đôn ki hô tê em còn đi học cả võ cơ, trước đây em cũng bị ngộ độc phim kiếm hiệp như ông đó. Chắc tại xem tam quốc chí nhiều nên nhiễm, hehe
Còn bài viết của anh thì em chẳng có gì để bình luận cả. Thường thì em nhìn hoắc đọc rồi tự đưa ra quan điểm của mình, quan điểm của em thì em viết hết ra rồi ý. Còn quan điểm người khác thì mình đọc cho biết người ta đang nghĩ gì thôi.Em tôn trọng tất cả ý kiến mọi người dù nó không giống mình, mình đâu có sống cuộc đời người ta đâu. Môi trường khác, hoàn cảnh sống khác, diễn biến trải qua mỗi người nó khác nhau nên sẽ hình thành những quan điểm khác. Vậy nên, mình bảo vệ quan điểm mình như cách minh đang bảo vệ cuộc sống mình. Đặt minh vào vị trí người ta và tôn trọng cuộc sống của họ á, hihi
Mong đọc được nhiều bài viết của anh và nhièu hơn những bình luận của anh để trao dồi nữa.
Thân gửi
Ni Chi
“nhièu hơn những bình luận của anh” đòi gì là có đó liền hihi. Thật ra thì truyện đó mình cũng khg đọc mà nghe audio, nhưng quả thật dù nghe (khỏe hơn đọc) vẫn cảm thấy chán dù nhận ra những mẫu chuyện nhỏ trong ấy rất sâu sắc, thế nên ngưng.
Đối với phần tôn trọng quan điểm và hoàn cảnh sinh ra quan điển của người khác thì mình hoàn toàn đồng ý với bạn, nhưng mình muốn tiến xa hơn, đó là tìm ra sự thật.
quá trình của mỗi chúng ta là Hoàn cảnh sống sinh ra quan điểm. Quan điểm đó đúng hay sai thì phải nhờ vào tranh luận và mổ xẻ vấn đề với người khác, sau khi mổ xẻ ta có một quan điểm mới (mà ta tin là đúng hơn) khác với quan điểm cũ, ta tự hỏi tại sao lại như vậy? thế là ta truy ngược về cái hoàn cảnh mà ta trải qua, nó sai ở chỗ nào, sau thời gian phân tích ta tìm được điểm sai của nó và ta triệt tiêu nó đi, hoàn cảnh sống của ta thay đổi, tiến bộ hơn. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu, một đứa trẻ sinh ra trong một ổ cướp, hoàn cảnh sống trong ổ cướp đối với nó là bình thường, quanh nó toàn trộm cướp nên với nó cướp của người khác khg có gì là sai trái. Một hôm nó lạc lối và vào một làng lương thiện, người ta giảng dạy cho nó cướp là sai và nó hiểu ra cướp là sai, nó suy tư và nhận ra ý nghĩ sai trước kia của nó hình thành là do nó lớn lên từ một ổ cướp, chính vì thế, sau khi rời ngôi làng thiện nó khg trở về ổ cướp đó nữa.
Thật ra thì việc bảo vệ quan điểm của mình khg trọng yếu lắm, mà là mình bảo vệ quan điểm mình cho là đúng, khi người khác đủ sức chỉ ra quan điểm mình sai thì mình nên vứt bỏ nó đi. Vì thế mình thích tranh luận, tất nhiên là với những người khg thích tranh luận thì ta chịu hihi. Nhưng tranh luận quá nhiều dễ sinh ra nóng giận rồi dẫn đến tranh cãi, phán xét, căm ghét, xúc phạm. Nó cần nhiều sự bình tĩnh và nó là cách khó khăn, khó khăn với người VN. Nội chuyện cmt nhiều và dài thì cho đến giờ phút này mình quả là trùm THDP (cười), còn cmt của mình đúng hay sai thì mình khg dám lộng ngôn. Nhiều quá cũng khg phải là chuyện tốt, nên hạn chế lại, vì nó phiền người khác.