30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Trường đại học: Chiến trường hay thị trường?

Featured image: Kik// allisonmorris

 

Tôi còn nhớ hồi thơ ấu, tụi học trò cấp một, cấp hai chúng tôi khi đi qua các trường đại học với những cánh cổng to cao, thường im ỉm đóng cứ đứng nhìn các anh chị sinh viên trông rất trí thức một cách đầy khâm phục và kính nể. Chúng tôi cũng thường đọc cho nhau nghe hai câu thơ truyền khẩu như là một lời nhắc nhở mình: “Cổng trường đại học cao vời vợi. Mười thằng vươn tới, chín thằng rơi.” Đối với chúng tôi hồi đó, trường đại học là một ước mơ xa xôi nhưng đầy cảm hứng, bởi nó hứa hẹn những chân trời mới sẽ mở ra, những vận mệnh mới sẽ hình thành sau những năm dài miệt mài trên giảng đường.

Nay, giáo dục đại học đã khác xưa nhiều lắm. Trường đại học không còn là một sự chọn lọc xã hội dành cho trí thức trình độ cao nữa. Hầu hết các trường đại học đều mở cửa để đón sinh viên, không chỉ là cửa chính mà còn của hậu, cửa hông, cửa điều khiển từ xa đều được mở hết thông qua các chương trình đào tạo chính quy, phi chính quy, cử tuyển, từ xa…

Người người học tập, nhà nhà học tập để tiến tới xây dựng một xã hội học tập suốt đời. Mục đích mà nền giáo dục nước nhà đặt ra là rất chính đáng, vậy nhưng quá trình xã hội hóa giáo dục đã được thực hiện thế nào để gần đây, trên một diễn đàn chính thống của nhà nước là báo Tuổi Trẻ, người học, người dạy lại phản biện lẫn nhau bằng thứ ngôn ngữ công kích được dùng trên chiến trường thay cho ngôn ngữ nhân văn chốn học đường: trường đại học đang “giết” sinh viên hay sinh viên đang “tự giết” mình? Cố sát hay tự sát trong ngữ cảnh này đều là một thực tế đầy đau đớn, bởi lẽ nó đi ngược lại những nguyên tắc của một nền giáo dục vị nhân sinh.

Nhân đọc nhiều bài viết và ý kiến đa chiều về đào tạo giáo dục đại học phổ cập và tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao ở Việt Nam, tôi xin được đóng góp một vài ý nhỏ từ góc độ của một người nghiên cứu về giáo dục đại học, một giảng viên và một người bạn thân thiết với trò để nhìn nhận vấn đề qua lăng kính của các em.

Giáo dục đại học Việt Nam ở thời điểm hiện tại có một điểm tương đồng với giáo dục đại học Hoa Kỳ, đó là việc hướng đến một nền giáo dục đại chúng. Tôi không so sánh hai mô hình đào tạo đại học này mà chỉ bàn đến một điểm chung duy nhất: “Tính mở.”

Hoa Kỳ có rất nhiều loại hình đại học, từ các trường chọn lọc nhất theo định hướng nghiên cứu đến các trường nhập học tự do. Khoảng 40% sinh viên ở Hoa Kỳ bắt đầu từ các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học không chọn lọc dành cho học sinh tốt nghiệp phổ thông, có năng lực thấp hoặc chưa có định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp tương lai. Đây là cơ hội để sinh viên “thử” một loại hình đào tạo ít đòi hỏi về trình độ trước khi có một sự lựa chọn nghiêm túc để tiếp tục đầu tư thời gian và tiền bạc ở các trường đại học có uy tín, đào tạo bốn năm hoặc dài hơn và thường khắt khe về các tiêu chuẩn tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Để dễ hiểu, bạn hãy hình dung giáo dục đại học Hoa Kỳ có hình miệng phễu: mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra. Trên bước đường xã hội hóa giáo dục đại học, Việt Nam cũng cung cấp nhiều loại hình đào tạo và nhiều trường đại học mới ồ ạt ra đời, hồ hởi đón nhận các em học sinh vừa rời ghế phổ thông và gắn cho các em một cái mác mới: Sinh viên đại học. Đáng nói hơn, các em nào năng lực thấp không qua nổi kỳ thi tuyển đại học nhưng phụ huynh có khả năng thì lại được gắn một cái mác khác “oai” hơn: “Sinh viên một số trường đại học và viện đào tạo quốc tế với chuẩn đầu vào là điểm tuyển sinh dưới điểm sàn.” Điều đáng nói ở đây là ở Việt Nam, đã được gọi là sinh viên thì hầu hết phải tốt nghiệp đại học, dù con đường đi có dài ngắn khác nhau.

Để dễ hiểu, bạn hãy hình dung giáo dục đại học Việt Nam gần giống hình lăng trụ tròn: đầu vào và đầu ra gần như bảo toàn về số lượng. Vậy thì rõ ràng các trường đại học đâu có “giết” sinh viên trên giảng đường? Tuy nhiên, với cách đào tạo này, các em lại gián tiếp bị “giết” trên một chiến trường khốc liệt khác là thị trường lao động với những quy luật chọn lọc và đào thải của nó.

Tôi lại nhìn nhận vấn đề từ góc độ một giảng viên để xem tôi và đồng nghiệp có “giết” sinh viên không. Tôi đọc một nhận xét của một đồng nghiệp trên báo, rằng thầy cực ghét kiểu tư duy kiểu giảng viên phải nhai cơm rồi mớm cho sinh viên, người chỉ biết nuốt mà đôi khi cũng không hề biết cơm có ngon không, rất ít người tự mình gắp lấy thức ăn và tự nhai và càng ít người biết tự chọn nguyên liệu mà thầy cô đã cung cấp, rồi tự chế biến món ăn cho chính mình… Tôi thấy buồn.

Khi những thầy cô giáo đã ghét, đã có định kiến về học trò của mình như thế, làm sao chúng tôi có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình là truyền đạt cho các em tri thức? Đành rằng không phải sinh viên nào vào trường đại học cũng có thái độ học tập nghiêm túc, nhưng nhận định rằng rất ít người tự giác học tập thì cũng là một sự khái quát vội vã và không công bằng với các em.

Sinh viên cần những người dẫn đường có khả năng truyền cảm hứng để các em tìm một lối đi, vậy giáo viên đừng nên tự cho mình là bảo mẫu bị bắt buộc phải chăm bẵm những đứa trẻ hư đốn và lười biếng. Xin giáo viên đừng “giết” tình thầy trò và trách nhiệm bằng những suy nghĩ vắng bóng tình thương yêu. Tôi lại nhìn nhận vấn đề từ góc độ của học trò tôi, thông qua lời các em tâm sự.

Để có một chỗ ngồi ở giảng đường, cha mẹ của các em phải lao lực nhiều đóng cho con tiền học phí, bởi mức sống trung bình của nước ta nói chung vẫn thấp. Tuy nhiên, tình trạng các em đến lớp không học được nhiều hoặc không học được gì do giáo viên năng lực kém và giáo viên bỏ lớp không báo trước không phải là hiện tượng cá biệt.

Bản thân tôi cũng không thể biện hộ được khi các em than phiền các trường hợp thầy chấm điểm theo kiểu “đo gang” “đọc lướt, cho điểm vừa phải” bởi tôi biết tình trạng này có tồn tại. Và thực tế xã hội đã cho thấy một tỷ lệ rất lớn các cử nhân có đến trường, có bằng nhưng không có việc làm.

Vì bức xúc, các em cũng có những hành xử không đúng mực: gọi thầy cô bằng ông này bà nọ, thể hiện sự vô ơn và có khi sỉ nhục thầy cô ở nhiều ngữ cảnh khác nhau. Các em cũng “giết” tình yêu nghề của thầy cô giáo. Nhưng phân tích để chỉ trích nhau thì có ích gì không? Tại sao chúng ta không nghĩ một cách nào đó để thay đổi kiểu tư duy “chiến tranh” về nền giáo dục của nước nhà?

Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận và vận hành nền giáo dục theo cơ chế thị trường. Chữ “thị trường” ở đây không có nghĩa là một môi trường bát nháo người mua kẻ bán để làm đảo lộn hết mọi giá trị của nền giáo dục “tôn sư trọng đạo”. Tính “thị trường” sẽ điều tiết, hướng dẫn các bên liên quan thực hiện đúng chức năng của mình theo quy luật cung cầu.

Các trường đại học nên được phân tầng rõ ràng về chất lượng và có trách nhiệm sản phẩm của mình, đừng bán cái mình có; hãy bán cái thị trường cần. Đừng duy trì những chương trình đào tạo lỗi thời đang có sẵn; hãy nhạy bén với thị trường lao động để cập nhật những kiến thức, trang bị những kỹ năng có tính áp dụng thực tiễn cho sinh viên.

Các giáo viên nên xem học trò là khách hàng để làm tốt nhiệm vụ của mình. Ngành giáo dục cũng là một ngành dịch vụ, nơi những ứng xử, giao tiếp với khách hàng là một yếu tố quan trong để tạo nên thành công và sự hài lòng.

Nói cho cùng, lương của giáo viên một phần cũng từ nguồn học phí của phụ huynh sinh viên đóng góp trên cơ sở chia sẻ chi phí của chính sách xã hội hóa giáo dục, vậy nên giáo viên cũng nên cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình vì trách nhiệm và vì lòng tự trọng nghề nghiệp.

Các sinh viên cũng nên là một khách hàng khôn ngoan và có một thái độ đúng khi lựa chọn một sản phẩm giáo dục. Các em đừng lựa chọn một trường học, một ngành học theo hiệu ứng đám đông vì đến thời điểm tốt nghiệp, nhu cầu của thị trường đối với một ngành từng rất được ưa chuộng có thể đã bão hòa.

Các em đừng đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường khi gặp phải một môi trường học tập không tốt, bởi theo luật thị trường, người mua phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đây là nguyên tắc phổ biến trên thế giới mà tiếng La Tinh gọi là Caveat Emptor (tạm dịch: Xin người mua hãy cẩn trọng).

Tôi thực tâm mong rằng chúng ta hãy biến chiến trường giáo dục thành một thị trường lành mạnh, để xã hội tương lai sẽ phồn thịnh hơn với những chủ nhân có năng lực, được đào tạo từ những định hướng đúng đắn và bởi những người thầy, người cô có tâm huyết và có tình thương.

 

Đỗ Thị Diệu Ngọc

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI