Đừng hỏi sao mình viết cái tựa chói tai vậy, bởi kỳ thực nó đang là câu hỏi gây khổ sở cho những người nào có chút quan tâm và muốn tìm hiểu về: crypto, tiền ảo, tiền điện tử, bitcoin… Nếu đã từng bực mình vì tìm đọc mãi mà không hiểu nổi và buộc miệng hỏi câu như tựa bài, mời anh chị đọc tiếp bài này, có thể sẽ hiểu ra lờ mờ.
• Vì sao ở bài trước mình nói crypto là lợi khí chống lại những chính phủ độc tài?
• Vì sao ta nghe về blockchain mà không hiểu?
• Vì sao hễ nghe tới blockchain thì thấy là cái gì ngầu lòi nhưng nghe tới tiền ảo hay crypto này nọ thì nghĩ ngay tới lừa đảo?
• Đào bitcoin là làm cái *** *** gì?
• Tại sao lại có thể đào ra tiền bằng máy tính được?
1. Trước hết hãy nói về blockchain
Có lẽ tất cả những anh chị đọc bài này đều đã học xong cấp 3 khi blockchain được ra đời. Và những tri thức trước đó đã mặc định sẵn trong đầu ta về thế giới này. Những thứ ra đời sau ta sẽ khó hình dung nó là cái gì và dẫn tới việc không thể chấp nhận.
Nói rộng ra một chút, chắc ít người biết về mã nhị phân, số bát phân, số thập lục phân… Đại khái đây là những cách đếm số khác với cách đếm thập phân mà chúng ta học.
Ví dụ một người bình thường có hai mươi ngón tay ngón chân,
– trong hệ thập phân ta sẽ viết số là 20 ngón
– nhị phân viết là: 10100 ngón
– bát phân viết là: 24 ngón
– thập lục phân viết là: 14 ngón
Anh chị sợ chưa? Thực ra thì không có gì đáng sợ, tất cả những cách viết này có cùng giá trị là hai mươi. Nó khác hiểu biết thường thức của chúng ta, nhưng nó đúng. Từ mã số nhị phân chỉ có hai ký tự 1 và 0, chúng ta đã có máy tính điện tử, hiển thị hằng hà sa số nào phim nào hình nào nhạc, nào phần mềm làm toán cho tới phần mềm điều khiển tên lửa. Càng nghĩ càng thấy vô lý phải không? Thế quái nào mà chỉ có hai số 1 và 0 mà làm ra được những thứ bất khả tư nghị như vậy? Nhưng thực tế là được và chúng ta vẫn đang dùng hàng ngày mà chẳng cần hiểu tại sao nó lại có thể.
Bây giờ trở lại với blockchain, ta không cần đi sâu vào hiểu nó vận hành thế nào, chỉ cần hiểu rằng đây là một phương thức mới trong công nghệ máy tính. Blockchain lưu trữ dữ liệu thành những “cục” (block) (hình dung như cục gạch) riêng lẻ, và nối kết (chain) với nhau bằng những mã khoá thời gian. Cục trước nối với cục sau bằng mã khóa như vậy liên miên. Không thể xóa hay thay đổi nội dung một cục trong chuỗi này vì không thể mở cả chuỗi khoá chồng khoá. Từng tài khoản hay thiết bị là một cục trong chuỗi toàn cầu. (Nôm na nhiêu thôi, chứ để hiểu sâu hơn thì cần nói thêm về 4 thứ nữa: Distributed, Trusted computing, Smart contracts, Proof of work.)
Cứ hình dung không có blockchain thì dữ liệu của chúng ta liên kết bằng những sợi dây lỏng lẻo, có thể thay đổi, có thể đảo ngược nếu làm đúng cách (hack) hoặc làm chủ nguồn dữ liệu (chính phủ can thiệp…). Có thể liên tưởng một cách dè dặt: Phương thức của blockchain là một tổ hợp dây leo chằng chịt nối với nhau và không có chỗ nào là gốc cả, còn phương thức cũ là một cái cây chia ra thành những nhánh nhỏ.
TÓM LẠI, CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN LÀ PHƯƠNG THỨC TƯƠNG TÁC DỮ LIỆU KIỂU MỚI, KHÔNG THỂ THAY ĐỔI, KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC, KHÔNG THỂ ĐIỀU KHIỂN BỞI THẾ LỰC NÀO KỂ CẢ NGƯỜI TẠO RA NÓ.
2. Vậy người tạo ra blockchain là ai?
Là một thiên tài với suy nghĩ và tầm hiểu biết vượt trội hầu hết nhân loại. Nick name của người này là Satoshi Nakamoto (中本哲史). Năm 2007 nick này bắt đầu đề xuất về một phương thức giao dịch, một loại tiền mà tất cả người dùng không cần tin nhau, không cần qua một đơn vị trung gian như nhà nước hay ngân hàng. Tên miền bitcoin.org được đăng lục vào 18/8/2008. Ngày 31/10 cùng năm, Satoshi công bố White Paper, nói về phương thức blockchain cho bitcoin.
Ngày 3/1/2009, “cục” bitcoin đầu tiên được ra đời bởi thuật toán của Satoshi.
Mỗi người có thể tạo ra một địa chỉ mã hoá để nhận và gởi bitcoin, gọi là ví (wallet).
Ngày 12/1/2009, những cục bitcoin đầu tiên được Satoshi gởi đi cho một nhà mật mã học. Năm 2010, Satoshi gửi khóa báo động cho một nhà mật mã học khác để cảnh giới nếu hệ thống bitcoin bị tấn công. Sau đó Satoshi hoàn toàn cắt liên lạc với thế giới cho đến tận ngày nay.
Tất cả công trình của Satoshi là mã nguồn mở và “ông” đã đưa nó công khai lên GitHub. (Nhờ vậy mà sau sự thành công của bitcoin, những đồng tiền ảo ăn theo mọc lên như nấm.)
Tới khi Satoshi mất tích, bitcoin và blockchain bắt đầu được chú ý một cách hời hợt bởi đám đông, nhờ những trang cộng đồng có đủ thiên tài lẫn bọn ngốc như Reddit…
Ngày 22/10/2010, lần đầu tiên có một chủ cửa hàng chấp nhận bán 2 cái bánh pizza với giá 10.000 bitcoin. Anh ta đã tạo cái ví và nhận số bitcoin từ người mua.
Năm 2016, người viết bài này bán hết bitcoin của mình với giá 500 USD/bitcoin để lo công việc.
Năm 2020, người viết bài này ngậm ngùi kể câu chuyện bitcoin và nhìn giá nó là 12.000 USD/bitcoin ở thời điểm viết bài.
Vậy tại sao bitcoin lại là tiền?
3. Muốn biết, phải hiểu cái gì là Tín Tệ
Hiện nay, thẻ tín dụng, internet banking, thẻ cash… đều không phải là tiền mặt. Không có tấm giấy hữu hình nào in gương mặt ông Benjamin hay ông Fukuzawa cả. Nhưng chỉ là những con số, mà cũng chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ là ảo ảnh, phải có đầu đọc, máy tính, hệ thống phần mềm khổng lồ vận hành… thì cái khái niệm “tiền” đó mới có giá trị.
Bây giờ thử cầm cái thẻ cash có số dư 10 triệu đô hay cầm cái laptop có tài khoản internet banking 200 tỷ ra chợ quê xem có mua được bó rau hay không? Với người bán rau, đó chỉ là cái miếng nhựa hoặc những con số vô nghĩa được tạo ra trên màn hình! Vì họ không tin, không có hệ thống thanh toán tương thích, nên tài khoản của bạn vô giá trị với họ.
Tài khoản ngân hàng nhìn theo góc độ này, cũng là một loại tiền ảo. Mà người ta gọi nó một cách hoa mỹ là tín tệ – tiền xây dựng trên lòng tin.
Mấy ngàn năm trước, người ta lấy vỏ sò làm tiền. Sau đó là những miếng kim loại thủng lỗ. Bây giờ là những tờ giấy in hình người. Tự bản thân những món này không có giá trị gì cả, không ăn được. Nó phải có một chính phủ bảo đảm phía sau, rằng cầm tấm giấy này đi ra đường có thể đổi được đồ ăn. Tất cả cũng là lòng tin. Rất tiếc, nhiều chính phủ có vị thế rất thấp, lời bảo chứng của họ không có giá trị, cầm tấm tiền của nước đó đi ra nước khác không khác gì tấm giấy lộn. Mặt khác, chính phủ có thể in tiền, nên nó thiếu thì nó in, mà xã hội thì không tạo ra đủ lượng hàng hoá để bù lại, nên càng ngày càng nhiều tiền in ra mà lại càng mua được ít hàng hoá hơn, gọi là lạm phát. (Hết phần 1)
• • •
(Phần 2)
Với blockchain, không còn cần một máy chủ tập trung như cách lưu trữ truyền thống nữa, nhưng một cách nôm na thì mỗi thiết bị là một máy chủ, một cục (block) đồng đẳng với nhau, không thằng nào điều khiển được thằng nào. Một hình thức dân chủ vô lãnh tụ và phi tập trung. Dân chủ từ cái nhỏ tí vậy, nên nó là cuộc cách mạng khủng khiếp của nhân loại trong tương lai, không riêng gì công nghệ máy tính, blockchain sẽ định hình lại triết học, xã hội, chính trị… theo mô hình lưu trữ của nó.
4. Về Crypto
Anh em cũng đã hiểu về tín tệ, những thứ “tiền” trong thẻ tín dụng, thẻ cash, internet-banking… kỳ thực cũng là tiền ảo, xây dựng trên lòng tin, và phương tiện trao đổi “tiền” này là dữ liệu máy tính chứ không phải là tấm giấy xanh xanh đỏ đỏ in hình ông nào bà nào. Những thứ tín tệ này cần qua trung gian là ngân hàng để có thể hoạt dụng, chứ tự nó thì chỉ là những bit dữ liệu, những mã nhị phân 1010100111000 thuần tuý ảo ảnh, không thể cầm nắm rờ đụng hay bỏ túi được. Tín tệ được tạo ra, có thể thêm, có thể bớt, có thể xoá theo ý chí chủ quan của những người có thẩm quyền trên cơ sở dữ liệu chứa nó. Tiền phúng viếng cụ Kình mà cộng đồng mạng quyên góp online bị Vietcombanh (tui biết chữ bank nhưng viết vậy cho nó banh chành chơi đó được hông anh em :3 ) chặn lại và không cho người nhận nhận được là một ví dụ về hạn chế của tín tệ, hạn chế của tương tác dữ liệu kiểu cũ luôn đó.
Bữa nay chúng ta nói về crypto – “ảo tệ”. Tui dịch chữ crypto currency thành “ảo tệ” nó sai bét bèn bẹt. Chỉ là dùng cho anh em quen để dễ liên tưởng thôi. Người Nhật hay lắm, dịch là: 暗号通貨 và định nghĩa là: 暗号理論を用いて取引の安全性の確保、およびその新たな発行の統制をする仮想通貨である. Là cái gì vậy? Thưa, dịch lại từ tiếng Nhật là: “tiền mật mã”; định nghĩa: “là một loại tiền kỹ thuật số, dùng thuật toán mật mã để bảo đảm tính an toàn của giao dịch và khống chế việc tuỳ ý tạo ra thêm nhiều nữa.”
Từ định nghĩa của người Nhật, có thể hiểu:
– Cũng như tín tệ, crypto hay tiền mật mã cũng là những bit dữ liệu trên máy tính.
– Crypto không cần thông qua ngân hàng để bảo đảm tính an toàn của giao dịch, mà tự nó có thể giao dịch an toàn vì thuật toán của nó bảo đảm: không thể đảo ngược, không thể thêm bớt sửa xóa khi gửi đi rồi, và không thể can thiệp.
– Crypto không cho phép thêm vào lượng tiền mới tự tạo ra nhờ công nghệ blockchain khóa chồng khóa. Lấy bitcoin làm ví dụ, thuật toán của người tạo ra nó quy định chỉ có 21.000.000 bitcoin được toàn hệ thống chấp nhận. Dù là tổng thống Mỹ hay chủ tịch tàu hay Thánh Satoshi cũng không có cách nào thêm vô một xu teng nào. Chính vì thế, crypto không lạm phát và không sợ tiền giả.
Vậy thì khi người ta chấp nhận crypto là phương thức thanh toán cho nhau để trao đổi hàng hoá, mọi người được thuật toán bảo vệ triệt để, cũng không lo bị móc túi vì lạm phát hay tiền giả ngập đường.
Những ưu điểm này là ứng dụng của công nghệ blockchain trong ngành crypto. Xa hơn, nó đưa con người ta tới tận cùng của sự tự do, không còn bị phụ thuộc vào nền kinh tế, không phụ thuộc thủ tục giấy tờ hay sổ sách ngân hàng.
Những chính phủ độc tài sẽ cố gắng cấm cản dân chúng tìm hiểu về crypto. Chí ít, làm cho dân chỉ còn nghe thấy thì cũng nhăn mặt cho là lừa đảo. Khi bạn sợ crypto, chứng tỏ bạn đang bị nhồi sọ! (Hết phần 2)
• • •
Phần 3: NHỮNG KẺ NHẮM MẮT ĐI ĐƯỜNG NÚI
Vì sao crypto có thể có giá trị như một thứ tài sản? Đào tiền ảo là sao?
Vì sao lâu lâu lại nghe nói có một vụ “đầu tư tiền ảo” rất có lãi rồi không lâu sau đó là lỗ banh xác bán nhà bán chó?
Chơi tiền ảo là chơi cái gì? Thế nào là đầu tư crypto chân chính?
5. Mảnh đất màu mỡ của những con lừa
Nhiều, rất nhiều anh em đang tự hỏi sao tiền ảo này nọ toàn là lừa đảo mà thằng Hải nó giới thiệu từa lưa vậy heng? Chắc là cũng dính vô rồi đi dụ dỗ người khác để kiếm chác đây mà. 😄
Kỳ thực những ấn tượng của anh em về tiền ảo trước giờ là vì anh em thấy toàn bộ những vụ lừa đảo MƯỢN DANH crypto.
Đại khái, sẽ có những thằng rất thông minh, lợi dụng sự ù ù cạc cạc về crypto và lòng tham của quần chúng, rồi bịa ra một mô hình ponzi để nói các anh chị bỏ tiền vào “đầu tư tiền ảo”, sẽ nhận được lãi khủng khiếp, kiểu như 30-40% một tháng, không cần làm gì tiền cũng vô túi và muốn rút khi nào thì rút. Cộng với những hình ảnh hào nhoáng lồng lộn, kích động máu làm giàu muốn được sánh bằng với những hình ảnh đó, và lời hứa hẹn chắc chắn là thành công sau một hai tháng. Quá thơm, ai mà không khoái, làm giàu nhanh mà không hại ai. Thế là a lê hấp xuống tiền thôi, đầu tư vào đồng ABC hay XYZ gì đó. Cũng có người nhận được tiền lãi, thế là say máu ngà chiến thắng, đổ thêm vốn, rủ thêm người, đổ tiền vào cái mô hình ponzi đó.
Nhưng mô hình ponzi thì không có tạo ra giá trị tiền của gì hết, nó chỉ là lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước, và cho đến một thời điểm thì hệ thống ponzi sụp đổ vì không đủ tiền để trả cho các mắc xích, khi đó nó tan vỡ, và tự nhiên crypto bị mang tiếng là lừa đảo. Kỳ thực mô hình ponzi nó thiên hình vạn trạng, và khái niệm “chơi tiền ảo” chỉ là một trong những mánh lới của bọn gian manh.
Thậm chí mô hình ponzi có thể hiện hữu dưới những dạng: mua khoá học, mua thẻ hội viên, mua thẻ tích điểm, đầu tư tài chính, nhái theo kiểu đầu tư forex… với đặc điểm chung là người tham gia phải bỏ tiền vào hệ thống, rồi mời thêm nhiều người cũng bỏ tiền vào hệ thống, thì người mời sẽ có hoa hồng rất cao từ các thương vụ mới đó, cao đến mức gần như là vô lý. Rồi đến một lúc hệ thống cạn tiền và sụp đổ, anh chị mất sạch.
Ponzi là vậy đó, “tiền ảo lừa đảo” là vậy đó, tụi nó láo thôi chứ kỳ thực không liên quan gì đến bitcoin hay crypto cả, dễ hiểu mà đúng không? Đừng chết vì thiếu hiểu biết!
Vậy đầu tư crypto chân chính thì là cái gì?
6. Vì sao crypto lại có giá trị như một thứ tài sản?
Hãy trở lại với bitcoin, một đồng tiền mật mã đầu tiên và siêu kinh điển. Nó là gì?
– Nó là những “cục” dữ liệu mã hoá sinh ra từ thuật toán blockchain của thánh Satoshi Nakamoto.
– Thuật toán này tự nó quy định chỉ có 21 triệu cục bitcoin.
– Không ai có thể sao chép hay nhân bản những cục này, cũng không thể viết phần mềm để tạo mới những cục này.
– Có thể cho máy tính hạng nặng tính toán để tìm ra những cục bitcoin chưa bị phát hiện. Gọi là “đào” bitcoin.
Anh em thấy những đặc tính này giống cái gì màu vàng vàng và dẻo dẻo không? 😄 Đúng rồi, giống vàng ròng!
– Vàng có sẵn một lượng giới hạn trong trái đất.
– Không có vàng mới được thiên nhiên sinh ra nữa.
– Dù nghiên cứu giả kim thuật hàng ngàn năm nay, không ai chế tạo ra được vàng.
– Có thể dò tìm và khai thác vàng còn tồn đọng trong thiên nhiên.
Anh em thấy đấy, vì những đặc tính này, vàng quý hiếm và có giá trị. Một số rất ít được làm trang sức, còn lại tất cả vàng dự trữ trên thế giới này cũng chỉ là những cục cất kỹ trong kho của ngân hàng hay nhà nước chứ chẳng để làm gì cả.
Trong thời đại công nghệ, tín tệ như tài khoản internet banking, tiền trong thẻ cash, tiền trong thẻ credit… cũng là tài sản ngang hàng với cục vàng hay cái nhà, có thể trao đổi qua lại theo quy tắc ngang giá, dù tín tệ nó chỉ là ảo, là những bit dữ liệu trong máy mà thôi. Tín tệ chẳng những chỉ là ảo, mà nó còn nguy hiểm vì nó bị ngân hàng và nhà nước khống chế, một ngày đẹp trời bạn có thể mất sạch tiền trong tài khoản của mình ở ngân hàng mà chẳng kêu đòi được ai, lằng nhằng nó kêu lính bắt tội gây rối.
Thế thì không có lý do gì mà một loại dữ liệu có tính chất an toàn cao và ưu việt giống vàng lại không có giá trị cao hơn tín tệ!? Bitcoin có giá trị chính là chỗ này! Và bây giờ, bitcoin cũng được coi giống như vàng!
Đầu tư crypto trái với suy nghĩ của nhiều người, thực sự không phức tạp nhưng khá là đơn giản. Ví dụ thấy giá hiện tại của bitcoin rẻ quá, chỉ có 12.000 USD/bitcoin, bèn bỏ chơi 600 USD ra mua được 0.05 bitcoin bỏ đó trong ví điện tử. Bùm cái mấy tháng sau có chiến tranh Mỹ-Tàu, người Tàu đổ xô lấy tiền nhân dân tệ để mua bitcoin dự trữ, đẩy giá bitcoin lên 10 lần, thế thì 0.05 bitcoin của anh em bây giờ có giá trị 6000 USD. Hoặc là ngược lại, mọi người chán bitcoin, đổ xô bán hết để lấy tiền về, giá bitcon bị sụt, còn có 10.000USD/bitcoin, thế là 0.05 bitcoin của anh em còn có 500 USD.
Vậy đó, giản dị y như mua vàng hay mua đô để dành giá lên thì bán lại thôi. Tuyệt nhiên không có chuyện lời lãi thấy sờ sờ trước mắt như ponzi đâu à nghe. (Hết phần 3)
• • •
Phần 4: ĐÀO CRYPTO VÀ “CHƠI” CRYPTO
Ở phần 1 chúng ta nói về blockchain và tín tệ, phần 2 nói về crypto, phần 3 nói về những kẻ lừa đảo ponzi giả danh crypto và phân tích tại sao crypto tự nó có giá trị. Tui nhận được khá nhiều lời cảm ơn của chư huynh đệ tỉ muội về những điều mà tui giúp họ đả thông được về crypto và blockchain.
Cho tới bây giờ tui tin mình vẫn đúng khi ủng hộ công nghệ blockchain từ năm sáu năm qua, khi mà rất ít người hiểu về nó và bitcoin thì chỉ mới mấy trăm đô. Tui cảm ơn quý anh em trong cộng đồng Triết Học Đường Phố đã giới thiệu crypto cho tui đầu tiên và trả nhuận bút cho tui bằng bitcoin cũng như chỉ tui cách tạo ví hehe.
Bây giờ ta hãy nói về việc “đào” crypto.
7. Đào crypto là làm gì?
Anh em đọc bài kỳ 1, khi tui viết về blockchain có nói trong ngoặc rằng ngoài những diễn nghĩa về blockchain ra thì còn mấy thứ khác bằng tiếng Anh nhớ không? Trong đó có một thứ là “Proof of work”, dịch nôm na là “bằng chứng có làm việc”, nghe hơi củ chuối tí ha.
Để xác nhận một “cục” crypto được tạo ra hợp lệ với thuật toán của blockchain và được hệ thống chấp nhận lưu hành, nó cần nhiều thứ quan trọng, Proof of work là một trong những điều kiện quan trọng nhất, chứng minh cục crypto khai thác được đó không phải là copy-paste.
Anh em ngoài giới IT nghe xong chắc lùng bùng chỗ này, để tui diễn tả lại bằng ví dụ trực quan.
– Một củ nhân sâm 6 năm có giá trị vì nó phải mất thời gian sáu năm để mọc và tích trữ dược tính. Một củ cải chỉ mọc 60 ngày, cho dù có hình dáng giống củ sâm như đúc đi chăng nữa cũng không thể coi là sâm. Thời gian mọc 6 năm của củ sâm là Proof of work của nó.
– Một võ sĩ Aikido học từ đai trơn, đi tập 200 buổi lên được cấp 5, tập thêm 100 buổi lên được cấp 4, cứ thế thời gian tập thì thăng từng cấp từng cấp, có chứng thư của chưởng môn làm chứng cho tới khi lên cấp 1 và thi chuyển lên võ sư, nếu đậu thì được cấp hakama là cái quần ống rộng màu đen và cái đai đen. Phải qua nhiều năm và có nhiều cấp đai và các chứng thư lên cấp thì mới được hakama. Tuy nhiên, một người bình thường không có đi tập ngày nào cũng có thể ra tiệm mua bộ võ phục với cái hakama và cái đai đen để đeo lên. Về hình thức bề ngoài thì y như nhau. Nhưng xét theo nội hàm thì người luyện lâu năm và có chứng thư từng cấp bậc thì cái hakama của họ rất đáng kính trọng vì sự kiên trì và nỗ lực tập luyện. Khi này, những cái cấp đai và chứng thư chính là Proof of work của người võ sư.
Vậy thì, anh em nào sáng trí có thể đặt câu hỏi ngay, một cục crypto thì Proof of work của nó là cái méo gì? Thưa, trả lời ngay, đó là lượng điện năng mà máy tính tiêu thụ! Thuật toán của thánh Shatoshi căn cứ vào lượng điện năng mà cái máy tính nó tiêu tốn khi chạy chương trình bitcoin, để làm đại lượng chứng minh Proof of work của cục bitcoin mà máy tính đào được. Anh em hiểu sương sương như vậy thôi là đủ rồi, đừng nghĩ sâu quá vào thuật toán và máy tính rồi bị ngáo như phần lớn dân IT.
Trích:
“Ngày 5 tháng 10 năm 2009, lần đầu tiên giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch, khởi điểm ở mức 1 đô la Mỹ tương đương 1.309,03 Bitcoin (hoặc 1 Bitcoin = 0,00076 USD). Giá trị này được tính bởi chi phí tiền điện của một máy tính hao tốn khi đào ra Bitcoin.” (Wikipedia)
Tui thực sự không còn gì để có thể nói về trí lực siêu phàm của thánh Satoshi Nakamoto nữa, nó “tiến hoá” quá sớm và đi trước hiểu biết của nhân loại quá xa. Lạy thánh bách bái!😅🙇♂️🙇♂️🙇♂️ mặt khác, cũng từ cách dùng Proof of work này mà tui nghĩ thánh thực sự là người Nhật!
Vậy bây giờ anh em đã hiểu vì sao mà đào bitcoin lại cần máy tính hạng nặng rồi ha. Hiểu phớt phớt qua là được, đừng tư duy sâu quá chỗ này không thoát ra được.
Việc đào bitcoin thời này đã khá chậm, do mỗi chu kỳ 4 năm thì Proof of work sẽ kéo dài ra gấp đôi để được cùng một lượng crypto như cũ. Hay nói cách khác, mỗi 4 năm thì lượng crypto đào được sẽ giảm đi một nửa. Cho nên giờ việc “đào” bitcoin đã không còn thịnh hành, đào bitcoin giờ hầu như chỉ còn là việc của những ông lớn, vốn đầu tư cực mạnh, có hiểu biết sâu sắc về crypto. Còn đại bộ phận dân chúng thì nghe cho biết vậy thôi. Muốn đào hãy đọc xuống phần 9 ^.^
8. Vậy còn “chơi” crypto là sao?
Dân Việt mình lạ, cái giống đách gì cũng có thể coi là chuyện chơi được. Ví dụ chứng khoán, bộ môn làm ăn siêu kinh điển và có lẽ cao cấp nhất trong các loại hình làm ăn, doanh gia trí thức đều phải học mới biết, ta cũng nói nhẹ hều là “chơi chứng khoán”. Ví dụ đánh đàn piano, khổ luyện mười năm chưa chắc hơn ai, còn phải có thiên phú cho tài năng xuất chúng thì mới diễn tấu tới chỗ tinh diệu, ấy vậy mà nhìn một nghệ sĩ đang trình diễn, ta cũng nói “chơi piano”. 😄😅 rồi nuôi chim nuôi cá, cũng coi là thú chơi. Ngủ với gái điếm thì nói là đi “chơi gái”. Ra ngoài ngao du thì nói là đi “chơi”, ngồi một chỗ chẳng làm gì thì cũng nói là “ngồi chơi xơi nước”; cái gì cũng “chơi” được dù chẳng liên quan gì. Kỳ ha?
Với crypto, sau khi qua giai đoạn đào, lượng crypto khai thác được đã được phân phối khắp nơi, có thể dùng để trao đổi hàng hoá, đổi sang tiền. Tùy mức độ được ưa chuộng và tình trạng đầu cơ của nhà đầu tư mà giá nó sẽ lên xuống theo biến động thị trường và tình hình chính trị xã hội. Thấy crypto nào rẻ thì mua vào trữ, thấy nó lên thì bán ra. Hoặc đang trữ crypto nào nhiều, mà thấy nó xuống giá sợ lỗ thì lại bán tiếp, hoặc kiên gan thì ôm để đó. Đến giai đoạn này không còn là đào mà là chơi, y như chơi cổ phiếu vậy chẳng có gì khác.
Sau sự thành công vang dội của Bitcoin, có hàng ngàn coin khác cũng đã ra đời, cũng “lên sàn” này nọ, cũng được mua bán, giá từ vài cent cho tới vài đô một coin. Nhưng theo sau Bitcoin mà cao giá nhất chỉ có vài coin như Ethereum, Maker, Monero… hiện tại tầm vài chục đến vài trăm USD/coin tuỳ loại. Kỷ lục hơn 30.000 USD/coin của Bitcoin vẫn là tối thượng chưa đồng nào qua được.
Có thể nói sự xuất hiện ồ ạt của các đồng crypto ăn theo Bitcoin đã làm thị trường này bão hoà và không còn tính đột phá.
Bây giờ chơi crypto thế hệ đầu chỉ thuần tuý là ăn theo sự lên xuống trồi sụt của thị trường mà kiếm chút cháo mà thôi, không còn nhiều thú vị nữa. (Hết phần 4)
• • •
Phần 5: 11 FACT NGẮN GỌN
Những người đọc chậm rãi tới phần 4 và chịu khó nghiền ngẫm thì chắc chắn đã hiểu được những điều rất căn bản về crypto và blockchain. Tui muốn tái truyền bá lại hai thứ này với đúng bản chất của nó nhất. Bởi sự hiểu lầm và thành kiến về những thứ này đã quá sâu đậm, và đánh mất đi ý nghĩa của nó cho chúng ta.
Ở phần 5 này, tui xin dành để tặng cho những anh em chịu khó đọc nhưng vì tri kiến ở xa giới IT quá, không thấu triệt được hết. Đây là những fact về crypto rất ngắn gọn và anh em có thể nhớ nằm lòng mà không cần phải hỏi tại sao, vì câu trả lời nằm sẵn trong 4 kỳ trước.
1. Công nghệ blockchain là một phương pháp tương tác dữ liệu kiểu mới, không cần lưu trữ tập trung vào máy chủ như công nghệ hiện hành.
2. Công nghệ blockchain tương tự như thể thức biểu tình không lãnh tụ ở Hong Kong. Sẽ có một vài cá nhân nổi trội hơn giống như những nút giao giúp đem cảm hứng cho mọi người, nhưng họ không phải là đầu não điều khiển tất cả, vì vậy những người đó bị triệt hạ cũng không gây tổn thất nặng nề cho phong trào. Các hệ thống dữ liệu hay app sử dụng phương thức blockchain cũng y như vậy, tất cả người dùng đều là đồng đẳng với nhau, liên kết nhưng không chi phối lên thiết bị khác và cũng không bị thiết bị khác chi phối.
3. Trong tương lai, mô hình ‘trật tự không lãnh tụ’ của blockchain chắc chắn sẽ là phương thức mà những cuộc cách mạng bùng nổ. Từ cách mạng công nghệ cho tới cách mạng con người hay triều đại.
4. Tiền điện tử (ngắn gọn là crypto) là một ứng dụng rất nhỏ của công nghệ blockchain.
5. Bitcoin là đồng crypto đầu tiên ra đời từ công nghệ blockchain.
6. Có nhiều người bán hàng đồng ý đổi hàng hoá của họ lấy Bitcoin. Có nhiều người đồng ý đổi tiền bạc để lấy về Bitcoin. Điều này tạo ra thị trường giao dịch. Bitcoin có giá trị như một loại tiền. Hiện tại giá 1 Bitcoin thì đổi lấy được khoảng 34.000 USD (làm tròn).
7. Có rất nhiều đồng crypto đi theo sau Bitcoin, và những đồng này cũng được chấp nhận giao dịch. Mức giá những đồng này từ vài phần ngàn của 1 USD cho đến vài trăm USD. Những đồng này cũng có tỉ giá khi đổi với nhau. Tất cả tạo thành một thị trường tiền crypto có trữ lượng lớn hơn nhiều lần GDP của một nước tầm trung.
8. Không có chuyện bỏ tiền ra để mua crypto rồi biết chắc là một tháng nó sẽ lãi bao nhiêu. Crypto cũng như chứng khoán, biến động theo chính trị xã hội, sức mua, sức bán, tỉ lệ vốn hoá… Những người nói với bạn biết chắc chắn sẽ lãi bao nhiêu phần trăm có nghĩa là họ nói dối, nếu họ có thể đưa cho bạn tiền lãi sau một hai lần, càng phải cảnh giác vì đó là mô hình Ponzi, lấy tiền người sau trả người trước, một kiểu kinh doanh đa cấp phạm pháp dựa trên sự không hiểu biết của khách hàng.
9. Đào bitcoin bây giờ không còn là chỗ của người amateur, không cần phải nghĩ đến.
10. Việc sử dụng crypto để trao đổi hàng hoá và tiền tệ chính là một hình thức xã hội dân sự thậm chí là bất tuân dân sự. Nhưng sử dụng crypto lại có tính bảo mật và không thể bị truy ngược, không thể bị ngăn chặn bởi biên giới hay chính phủ.
11. Crypto sẽ mang lại sức mạnh vượt trội cho những người bị kiểm soát hay chi phối kinh tế. Mọi người có thể chuyển crypto cho nhau nhanh chóng và gần như miễn phí.
(Hết phần 5)
• • •
PHẦN 6: SỨC MẠNH CỦA TIỀN MÃ HOÁ
Người Việt trong nước ít biết về crytpto. Đa phần những tri kiến về crypto với cách dịch ẩu tả là “tiền ảo” đều khá manh mún và rời rạc, thậm chí sai lầm. Chính vì hiểu biết về crypto còn mơ hồ, nên có nhiều kẻ đã lợi dụng danh xưng của crypto và blockchain để tạo ra những mô hình ponzi không có thật, từ đó lừa gạt rất nhiều người với lời mời gọi “chơi tiền ảo kiếm lãi khủng”. Trong loạt bài 5 phần về công nghệ blockchain, tôi đã nỗ lực chia sẻ lại những hiểu biết của mình về blockchain và crypto với ngôn ngữ bình dân nhất có thể, để dù là người ở ngoài giới IT thì cũng có thể thủ đắc được những hiểu biết chính xác về crypto.
Bài này, tôi xin phân tích tiếp về sức mạnh cách mạng của crypto. Vài ngày trước, Ngân hàng trung ương của Singapore đã phát biểu Bitcoin là tài sản có thể lưu trữ như vàng. Singapore có thể xem là một đất nước nghiêm khắc bậc nhất châu Á về tài chính. Việc ngành ngân hàng của đất nước này công nhận Bitcoin là một bước tiến đáng kể để crypto có thể đi sâu hơn vào đời sống thường nhật.
Trước khi Bitcoin được đông đảo mọi người biết đến, nó đã được được giới underground biết và sử dụng như một đồng tiền quốc tế của thế giới ngầm. Bạn cũng biết, thế giới ngầm trên internet thì đủ thứ loại người, mua bán hàng cấm, từ vũ khí đạn dược cho đến chất cấm. Vì sức mạnh của tiền mã hoá đã được giới này nhận ra trước tiên. Tiền mã hoá thì không thể đảo ngược, không bị kiểm soát bởi một tổ chức hay chính phủ nào, hầu như không bị truy ra dấu vết giao dịch.
Chính vì tiền mã hoá không bị kiểm soát bởi một chính phủ nào, không bị ngăn trở bởi bất đồng chính trị hay cách biệt địa lý, nên sức mạnh giao dịch của nó thực sự khủng khiếp, nhanh hơn tên lửa và hầu như không mất chi phí. Tiến triển hơn một chút, khá nhiều giới trung lưu ở các nước đã biết cách đem tài sản của mình trú ẩn vào tiền mã hoá, đặc biệt là Bitcoin. Kể cả những nơi cai trị hà khắc nhất thế giới như China hay Bắc Triều Tiên, người ta cũng thấy dòng bitcoin ra vào những đất nước này vô cùng nhiều. Giới nhà giàu China hơn ai hết hiểu rằng sự ổn định chính trị xã hội ở một đất nước cộng sản chỉ là cái bong bóng xà bông. Một ngày đẹp trời tất cả tiền của họ có thể trở thành giấy lộn bởi một lệnh đổi tiền, tất cả tài sản từ nhà cửa vàng bạc châu báu cho tới đất đai có thể bị tước đoạt một cách dễ dàng bởi một lệnh miệng của ai đó, và họ kêu rách trời cũng không có ai đòi lại cho. Nhưng khi sở hữu tiền mã hoá, thì nhà cầm quyền không thể biết là người nào có giữ loại tiền này, và người dân không cần bất cứ cái token hay cái thẻ nào giữ trong người, dù có vượt biên sang nước khác với độc một cái quần đùi trên mình mà nhớ được mật khẩu tài khoản và địa chỉ ví lưu trữ thì anh em hoàn toàn có thể lấy tiền ra dễ dàng. Hầu như cộng sản China đã bất lực với chuyện người dân nước họ trú ẩn của cải vào tiền mã hoá, mọi hình thức hù doạ, cấm đoán, bắt bớ, tù tội đều đã được thực thi nhưng đều vô hiệu. China đã trở thành một trong những vùng lãnh thổ mà có lưu lượng bitcoin ra vào nhiều nhất thế giới. Tất nhiên tôi viết vậy cho dễ hình dung chứ bitcoin nó không có ra vào đâu cả, nó phi tập trung.
Cộng sản China đã ra một hạ sách là tạo một đồng crypto gọi là Nhân Dân Tệ Điện Tử để kêu gọi người dân sử dụng, không cấm được thì hợp pháp hoá nó và thao túng. Tuy nhiên, dân Tàu là trùm khôn trong chuyện giữ của, họ cơ bản là không tin vào lòng từ bi của sói. Nên đồng Nhân Dân Tệ Điện Tử ế mốc meo, đến mức nhà cầm quyền China tuyên bố sẽ tặng không mỗi người dân China 30 đồng, và dự án đó thất bại thảm hại.
Trong loạt bài 5 phần ở trên, tôi đã giải thích tại sao lại tiền mã hoá lại là tiền và nó có sức mạnh phi chính phủ như vậy. Bởi triết lý lưu trữ và vận hành của thế giới sẽ thay đổi theo công nghệ phi tập trung của blockchain nhanh thôi, và chính trị – xã hội – tài chính của thế giới sẽ theo đó mà biến đổi khủng khiếp. Vì vậy những kẻ hiểu biết sức mạnh của blockchain và tiền mã hoá từ sớm thì hiện tại gần như đều là những người siêu giàu, như Elon Musk là một ví dụ, có một dạo ông còn bị gán cho là người ứng dụng công nghệ blockchain và tạo ra đồng Bitcoin.
Trở lại với sức mạnh của tiền mã hoá được giới underground sử dụng sớm, không vì vậy mà tiền mã hoá trở nên xấu đi. Tiền mã hoá nó cũng như con dao hay cây súng hay công nghệ hạt nhân, nó là công cụ, không phải tác nhân. Mong anh em hãy nhớ lấy điều này. Công cụ được người tốt hay người xấu sử dụng thì không liên quan đến bản chất của nó. Hay nói cách khác, người thông minh thì biết cách sử dụng công cụ, người xấu dùng công cụ làm việc xấu, và người tốt thì dùng công cụ làm việc tốt. Chuyện đơn giản là vậy, nếu chúng ta vì không hiểu nó hoặc vì sợ nó, từ chối sức mạnh của nó, thì chúng ta là những kẻ lù khù không hơn không kém.
Bây giờ, anh em hãy thử hình dung, nếu tiền phúng viếng cụ Kình được mọi người gửi bằng crypto, và người thân của cụ có thể bán crypto cho ai đó rồi lấy tiền, thì chấp mười cái ngân hàng cũng không thể chặn được. Và người gởi cũng ung dung vì chẳng bố con thằng nào có thể truy ra được.
Có một thực tế là, những người đấu tranh ở nhiều nước cũng đã sử dụng tiền mật mã để tương trợ nhau, gửi cho gia đình kẻ ở tù, tổ chức quyên góp cho một hoạt động, hỗ trợ chi phí luật sư, thậm chí mua nhu yếu phẩm… và nhà cầm quyền các nước đó gần như bất lực trước những giao dịch nhỏ tin hin và vô danh này. Có những cuộc mua bán giá cỡ hàng triệu đô với lưu lượng bitcoin lớn có thể bị theo dõi một cách tương đối, nhưng ở tầm mức lớn như thế, người ta sử dụng thêm một dịch vụ “băm” crypto của Nga, thế là tuyệt tích.
Tuy nhiên, vì khai thác Bintcoin khó, nên nó ít được đại chúng biết đến và những thông tin loạn lạc đã tạo một bức màn mờ ảo xung quanh nó, khiến cho sức mạnh của công nghệ blockchain chưa được phát huy đúng mức nơi đồng Bitcoin. Cần phải có một đồng crypto khác, ngoài các yếu tố cần thiết của một crypto còn phải có tính đại chúng, sao cho ai cũng có thể sở hữu, ai cũng có thể tiếp cận. Có như vậy, sức mạnh vô tiền khoáng hậu của crypto mới có thể được khai thác.
Tác giả: Hai Le
Biên tập: Triết Học Đường Phố
💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP