(2364 chữ, 9.5 phút đọc)
722 trang, sách khoa học, lúc mới xem qua cuốn Lược sử vạn vật là tôi đã thấy e ngại cho việc đọc của mình. Không phải vì nó dày cộp mà vì cảm giác đầy ứ trong quãng đời đi học phổ thông và đại học của tôi ùa về với rất nhiều những bài thi, bài vấn đáp về các tầng khí quyển, chu kỳ bán rã của các chất phóng xạ hay số vi khuẩn chen chúc nhau trong một viên đất. Nên dù được mua cách đây vài tháng bởi sự cao hứng nhất thời, cuốn sách rất thành công của Bill Bryson vẫn bị tôi để xó không dám chạm vào.
Và đến hôm nay, sau khi đọc xong nó, tôi mới nhận ra cảm giác dè dặt trước kia là một trong những đánh giá hồ đồ, trẻ con nhất mà tôi từng có.
Về nội dung, Lược sử vạn vật trình bày một cách ngắn gọn lịch sử nghiên cứu khoa học tự nhiên, những thành tựu khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên chính. Đây là cuốn sách khoa học phổ thông bán chạy nhất nước Anh năm 2005 với hơn 300.000 bản in. Nó đã được nhận xét bởi nhà phê bình người Anh, Craig Brown, rằng tác phẩm này xứng đáng bán được 500 tỷ cuốn (bằng với số proton có trong một dấu chấm câu.)
Không hề giống như những sách khoa học khác, Lược sử vạn vật kể câu chuyện từ những hạt nguyên tử đến những dải ngân hà, từ những con vi khuẩn đến những bầy khủng long một cách vô cùng duyên dáng, thông minh và hóm hỉnh. Bằng vô số những so sánh những hiện tượng khoa học với những điều bình dị gần gũi của đời sống thường ngày mà những thông tin trong sách được đón nhận trong sự thích thú. Khi đọc Lược sử vạn vật, trí tưởng tượng của tôi được mở rộng liên tục cũng không khác gì khi xem một bộ phim khoa học viễn tưởng.
“Chỉ cần chệch đi một li khỏi những mắt xích tiến hóa này, giờ đây có thể bạn đang liếm tảo trong các hang, lang thang như những con hải mã trên các bãi đá ven biển, hay phun không khí từ một lỗ thở trên đỉnh đầu trước khi lặn sâu 60ft để đớp một miệng đầy sâu biển.”
Hay:
“Vì thế tôi có thể nói rằng nó (hằng số Avogadro) tương đương với số hạt bỏng ngô cần thiết để bao phủ toàn bộ nước Mỹ dưới độ sâu 9 dặm. Đó cũng là số các đồng xu Mỹ đủ để khiến tất cả mọi người trên thế giới này trở thành triệu phú đô-la.”
Thay vì xếp hàng đánh số, gạch đầu dòng những thông tin cơ bản về thế giới một cách tẻ nhạt, Bill Bryson biến hóa tất cả khối thông tin khổng lồ vào trong một cuộc hành trình phát triển của thế giới – nơi mọi thứ đều có sự liên kết nhịp nhàng. Ta có thể được chứng kiến câu chuyện về sự nhẫn nại của đám địa y, sự mưu mẹo của lũ vi khuẩn, sự duyên dáng của hệ mặt Trời và bên cạnh đó là sự lập dị đến mức điên rồ của các nhà khoa học đang nghiên cứu những thực thể đó.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi người viết nên cuốn sách này lại không phải một nhà khoa học. Ông Bill Bryson chỉ đơn thuần có một sự tò mò to lớn với thế giới và muốn trả lời những câu hỏi của bản thân mà những cuốn sách giáo khoa không hề đề cập tới, hoặc có thì chúng lại chẳng hề đúng như thực tế. Với hơn ba năm vùi đầu vào các tác phẩm khoa học và thảo luận với nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới, Bill Bryson đã tìm ra được những đáp án cần thiết. Khi đọc cuốn sách này, nếu may mắn, bạn có thể nhận được câu trả lời cho một nỗi băn khoăn nào đó của mình, như một cân sắt có thật sự nặng bằng một cân gỗ không chẳng hạn.
Đùa thôi, Bill Bryson không đề cập gì đến vụ cân đong này đâu, nhưng đây cũng là một câu hỏi đáng để tìm hiểu đấy nhỉ?
Cuốn sách này mang văn phong rất linh hoạt, lôi cuốn, cùng sự liên tưởng, so sánh dồi dào. Nhưng nếu bạn không quen với những thuật ngữ khoa học đại cương từ trước thì Lược sử vạn vật sẽ vẫn là một món “nặng đô” khó nuốt. Nếu muốn nắm bắt triệt để những gì tác giả đang cố gắng tường thuật hoặc mỉa mai, bạn sẽ phải liên tục xoắn não với hàng loạt các định luật, lý thuyết, khái niệm, nguyên lý từ đủ các bộ môn vật lý, toán học, sinh học, hóa học, địa chất, khí tượng thủy văn, hải dương học; cùng với đó là hàng tá tên tuổi những nhà khoa học mang đa dạng tính cách và số phận nối từ năm này sang năm nọ như một hội thi tiếp sức. Quả thực, mới hình dung như vậy thôi đã đủ thấy được sự khổng lồ về thông tin của cuốn sách và bộ óc lỗi lạc của tác giả trong việc sắp xếp và xử lý chúng để đưa đến độc giả một sản phẩm sống động.
Trước kia, hồi còn đi học cấp hai, tôi thường theo dõi những những cuốn truyện, tạp chí hay chương trình TV kể về cuộc đời của những nhà khoa học, giải mã các hiện tượng tự nhiên hay khám phá thế giới động vật hoang dã. Sau này khi lên đại học, theo đuổi một ngành khoa học tự nhiên, đôi lần may mắn tôi cũng gặp được những giảng viên mang trong mình niềm say mê với thế giới. Vào những tiết học ngắn ngủi, họ đã truyền cảm hứng cho những sinh viên qua những câu chuyện về mối liên quan giữa entropy và tính kỷ luật của con người, sự tương đồng giữa việc ghép đôi của các electron trong obitan và tình yêu nam nữ, hay đơn giản họ lý giải sắc đỏ của hoàng hôn từ đâu mà thành khiến sau này tôi thích ngắm mặt trời lặn hơn bao giờ hết. Có thể nói, tình yêu và sự tò mò với thế giới trong tôi đã được cuốn sách này khơi lại không hề nhỏ.
Thật sự, thế giới này rất đẹp đẽ, màu nhiệm, và khoa học là một lĩnh vực vô cùng quyến rũ. Nhưng khi mục đích của người đến trường là đạt được điểm số lớn hay cầm trên tay tấm bằng đỏ để đệm lót cho một sự tiến thân về mặt xã hội thì những sắc màu sống động của khoa học ở trong những cuốn sách giáo khoa hay giáo trình không còn được chăm chút nhiều nữa. Những công thức được người ta học thuộc một cách máy móc để hòng tính cho ra nhanh nhất kết quả sinh năng lượng của một bước nhảy electron hay sự thay đổi chiều dài tương đối của một đoàn tàu khi nó dịch chuyển với vận tốc bằng 60% tốc độ ánh sáng. Rồi họ vội vàng khoanh tròn đáp án A hoặc C gì đó trước khi huy động một công thức tiếp theo trong trí nhớ. Dần dà, khoa học bị mang tiếng rằng khô khan, tẻ nhạt, và thế giới hữu hình này chẳng còn mấy ai ngắm nhìn say sưa nữa.
Đọc cuốn Lược sử vạn vật, tôi thật sự thấy xúc động, không chỉ bởi sự kỳ vĩ và bí ẩn của thế giới, hay sự hiện diện quý giá với xác xuất cực thấp bản thân, mà còn vì tình yêu lớn lao của tác giả đối với khoa học được thể hiện qua từng trang viết tỉ mỉ đến kinh ngạc. Và sâu trong những câu chuyện là sự khao khát khám phá thế giới tự nhiên cùng ý chí, nghị lực phi thường của con người. Trong quá trình dấn thân ấy, họ đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng của mình.
Người ta bảo rằng khoa học không thể giải thích được chân lý hay chạm tay vào Thượng đế, nhưng tôi cho rằng nó có thể làm được việc đó, tương tự như văn học, âm nhạc, hội họa hay triết học. Chỉ là, chúng được diễn đạt bằng những công thức – thứ con người khó hình dung hơn so với một lời thơ hay một bức họa. Ví dụ như phương trình nổi tiếng của nhà vật lý người Đức Albert Einstein, E=mc2, được người ta nói rất nhiều ở trong những lớp học hay những giảng đường, nhưng có mấy ai để ý rằng nó ám chỉ về một năng lượng tiềm năng bên trong một con người ngang với sức công phá của 30 quả bom nguyên tử cỡ lớn. Chuyện này cứ như thể Einstein hóa thân vào nhân vật Yoda trong loạt phim Star Wars để nói về Thần Lực (The Force) có mặt trong vạn vật, hay các bậc chứng ngộ nói về tình yêu bên trong mỗi con người – thứ sức mạnh choáng ngợp khổng lồ chưa được khai phóng và tận dụng.
Cá nhân tôi cho rằng nếu tôn giáo nghiên cứu trải nghiệm của con người thì khoa học đi sâu vào trải nghiệm của thế giới. Những nhà khoa học cũng là những shaman – người đang tiến gần hơn với bản chất của thế gian hay của chính mình. Cuốn sách Lược sử vạn vật không chỉ kể những câu chuyện về nguyên tử, vũ trụ, đất đai, đại dương, các loài động thực vật, tổ tiên của con người, v.v… mà còn lồng ghép không ít những chiêm nghiệm sâu xa của tác giả về mục đích, sự vận hành của sự sống và những bằng chứng nhằm trả lời câu hỏi mà con người trên trái đất vẫn đau đầu tranh cãi, đó là Chúa có chơi trò xúc xắc không?
“Và chúng ta tồn tại trong vũ trụ này là vì chỉ trong vũ trụ này chúng ta mới có thể tồn tại.”
Nếu chỉ được dùng một từ duy nhất để mô tả cuốn sách kinh điển này thì tôi chọn từ “vĩ đại.” Không chỉ ở tầm nhìn hay sự hiếu kỳ của tác giả, mà còn ở trong chính đối tượng mà ông đã “liều lĩnh” kể chuyện – thế giới. Cuốn sách vĩ đại đến mức đối với ai đang quay cuồng với một vấn đề “to đùng” của bản thân, người đó chỉ cần với tay lật giở vài trang Lược sử vạn vật. Ngay lập tức, họ sẽ vươn mình ra như vũ trụ quảng đại, hoặc vấn đề của họ sẽ thu nhỏ lại như một hạt nguyên tử tí hon. Rồi sau đó, khi đã vui vẻ với kích thước được thay đổi của các thứ, họ sẽ hiểu được thông điệp mà nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, sinh học vũ trụ, tác giả sách, nhà phổ biến khoa học, nhà phát ngôn khoa học người Mỹ, Carl Sagan muốn nói trong bài phát biểu về cái chấm xanh nhạt (Pale Blue Dot) dưới đây.
https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/2190741544492857/
Còn tôi, lúc này, ngồi lơ lửng trên mặt ghế với khoảng cách 1 angstrom (1/100,000,000 của 1cm) tại một hành tinh đầy khả kính đã tồn tại 4.54 tỷ năm, thấy mình như vượt lên trên mọi chuyện nhỏ nhặt thường ngày, thấy khả năng xuất hiện giữa vũ trụ của bản thân bằng với khả năng xuất hiện của một vì tinh tú. Dường như tôi có thể chạm tay vào những tia sáng Mặt trời và hiểu được câu chuyện gặp gỡ giữa chúng và những tầng mây phiêu bạt. Tất cả chỉ bằng việc đọc một cuốn sách.
Tôi không thể chấm điểm được tác phẩm kỳ công này, mà chỉ có thể gửi đến tác giả một lời cảm ơn chân thành nhất. Không chỉ bởi vì ông đã gợi mở ra rất nhiều nguồn cảm hứng về việc khám phá thế giới bằng con mắt khoa học, mà hơn tất thảy, với một lòng trắc ẩn sâu sắc, Bill Bryson không quên nhắc nhở độc giả về việc tôn trọng sự sống quý giá của mình và của muôn loài. Hiển nhiên rằng, sự tiến bộ về mặt khoa học không thể thiếu đi sự phát triển tương đương về mặt nhân văn. Có lẽ, đây là nội dung khiến cho cuốn Lược sử vạn vật vượt lên trên tầm mức một cuốn sách khoa học thông thường. Nó không chỉ có kiến thức, mà còn có trí tuệ. Tôi xin kết thúc bài viết này với một đoạn tâm tư trầm lắng của tác giả, sau khi ông vừa trình bày một loạt những thông tin về sự tuyệt chủng của động vật và thực vật trên khắp thế giới do sự tác động của con người.
“Tôi đề cập tất cả những điều này vì muốn nói rằng nếu chọn một sinh vật để chăm nom sự sống trong vũ trụ cô đơn này, nhằm dõi theo những nơi nó đang đi tới và ghi lại những nơi nó đã đi qua, hẳn bạn sẽ không chọn con người. Nhưng điều rất quan trọng là: chúng ta đã được lựa chọn, do số phận, do tạo hóa, hay bạn muốn gọi là gì cũng được. Chỉ có thể nói rằng, chúng ta là sự lựa chọn tốt nhất. Cũng có thể chúng ta là sự lựa chọn duy nhất. Thật đáng sợ khi nghĩ rằng chúng ta chính là thành tựu tối cao còn tồn tại của vũ trụ, lại cũng là cơn ác mộng tồi tệ nhất.”
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Sadie Pices
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2