Featured Image: Doug Mataconis
“Một anh nhà báo và một anh bác sĩ là bạn thân với nhau. Một hôm cả hai gặp gỡ nhau nói chuyện. Anh bác sĩ nói:
– Bạn biết không, nguyện ước cả đời của tôi là trở thành một bác sĩ giỏi. Bây giờ tôi đã đạt được ước nguyện đó. Tôi tự hào vì công việc mình đang làm vì nhờ nghề này tôi có thể chữa trị và cứu sống tính mạng cho bệnh nhân của mình.
Anh nhà báo liền cười nói:
– Nhưng mỗi một lần bạn chỉ chữa bệnh được cho một người thôi. Còn tôi với mỗi bài báo và mình viết ra, tôi có thể “cứu rỗi tinh thần” cho hàng ngàn người.”
Qua câu chuyện trên ta có thể thấy rằng, sứ mệnh của người làm báo cũng quan trọng chẳng kém người bác sĩ. Người bác sĩ cứ cho là có đầy đủ cả tài lẫn đức, luôn luôn trách nhiệm và nhiệt tình với bệnh nhân đến mấy thì anh ta cũng chỉ cứu chữa cho một số người mà thôi. Nhưng một người làm báo chân chính, bằng ngòi bút của mình có thể cứu chữa tư tưởng cho rất nhiều người, thậm chí là cả một thế hệ. Họ có thể giúp cho mọi người tiếp cận thông tin một cách trung thực và khách quan nhất. Họ có thể giúp cho độc giả thay đổi suy nghĩ tiêu cực và gieo vào lòng độc giả những suy nghĩ lạc quan.
Nhưng điều quan trọng nhất là họ có thể khơi gợi trong lòng độc giả những tâm tư, tình cảm tốt đẹp, những khả năng tiềm ẩn mà độc giả bấy lâu chôn giấu. Cái thứ tinh thần tích cực đó một khi được bộc phát thì nó sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn, không chỉ cho riêng bản thân người đó mà còn cho đất nước và xã hội.
Báo chí thuở ban đầu cũng hướng tới những mục đích cao cả như thế. Nhưng qua thời gian, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những giá trị tốt đẹp của báo chí cũng bị mất đi ít nhiều. Nền kinh tế thị trường có thể hiểu nôm na là một nền kinh tế tự do, ít chịu sự can thiệp của nhà nước. Kinh tế thị trường, có thể nói là một cách thức sản xuất và phân phối hàng hóa ưu việt nhất hiện nay, vì nó có thể mang lại cho các quốc gia những lợi ích vật chất khổng lồ. Thị trường đã vươn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và chi phối nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Báo chí cũng không nằm ngoài guồng quay đó, cũng bị “thị trường hóa” “vật chất hóa”.
Nhiều nhà báo, phóng viên sẵn sàng bán rẻ lương tâm mình tạo ra những tin bài tạp nham, những bài viết không trung thực để thu hút độc giả. Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao những bài viết nhảm nhí, những tờ báo lá cải lại được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt như thế? Điều đó cũng xuất phát từ sự “yếu ớt về mặt tinh thần của con người”. Đất nước ta tuy hiện nay đã có những bước tiến dài về mặt kinh tế nhưng nhìn chung vẫn là một nước nghèo. Nghèo bởi vì thiếu tiền, thiếu tiền nên mọi người luôn dành rất nhiều thời gian và tâm trí để kiếm tiền nhằm bù đắp sự thiếu hụt đó. Tiền bạc và vật chất lúc này có sức hút rất lớn và là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Chính vì như thế nên con người ta mới sợ hãi và bất an, tinh thần trở nên yếu ớt như lâu đài xây trên cát.
Đây chính là cơ hội cho những tay bút bất lương có tài viết lách nhảy chỗ trống trong địa hạt tinh thần của con người để “thôi miên” họ. Sức đề kháng đã yếu cộng thêm với việc bị những tay nhà báo đê tiện như những con vi khuẩn cực độc xâm nhập đã khiến tinh thần con người ta “đã yếu nay còn yếu hơn”. Do đó, người ta dễ dàng chấp nhận không một chút hoài nghi, phản biện đối những thứ thông tin tầm phào,vô giá trị. Có thể nói rằng báo chí hay các phương tiện truyền thông giờ đây đang làm “đảo lộn trật tự xã hội”. Chúng ta đang nằm trong một xã hội như thế, một xã hội hỗn loạn về mặt thông tin, một xã hội mà con người luôn bị các phương tiện truyền thông “ám thị” từng ngày từng giờ. Chúng ta như đang bước vào một cái ma trận khổng lồ. Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi cái ma trận đó?
Chúng ta rất cần một thứ “công cụ lý trí” để thoát khỏi nghịch cảnh đó
Theo quan điểm của tôi chúng ta cần tạo lập cho bản thân mình một thói quen đó chính là “sự hoài nghi”. Chúng ta cần phải hoài nghi cho đến khi không còn sự hoài nghi nữa. Nói ra thì phức tạp nhưng thực hiện thì rất đơn giản. Trước một nguồn thông tin nào đó, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu về nguồn gốc của thông tin đó, xem chúng xuất phát từ đâu, từ tờ báo nào, từ cơ quan ngôn luận nào,trích dẫn từ đâu, có đáng tin cậy không. Sau đó chúng ta tìm hiểu về tác giả, xem tác giả đó thiên về lập trường gì, bênh vực cho ai,có thực sự khách quan hay không. Tiếp theo là về phần nội dung, xem cách lập luận, sử dụng từ ngữ có hợp lý không, nhưng phần này chứa đựng rất nhiều tiểu tiết, nếu chúng ta quá sa đà vào chúng thì sẽ khó mà nắm bắt được thông tin mà bài viết hay bài báo truyền đạt.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nắm được đại ý, phần cốt lõi của bài viết, xem bài viết đó muốn nói lên điều gì. Cuối cùng sau khi chúng ta nắm được thông tin thì ta đặt chúng vào bối cảnh không gian và thời gian chúng ta đang sống, chúng đã lỗi thời hay chưa, có phản ánh đúng thực trạng của xã hội chúng ta đang sống không.
Trên đây, tôi đã tạm nêu ra một số kinh nghiệm của bản thân trong việc sàng lọc thông tin cũng như vai trò và sự ảnh hưởng của báo trí tới sự vận động của xã hội. Nhưng đấy cũng chỉ là kinh nghiệm của cá nhân tôi, phù hợp với bản thân tôi mà thôi, hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo. Và có thể đối với một số người nếu áp dụng theo tuần tự những trình tự đấy thì sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mất thời gian thật khi chúng ta đọc báo, đọc sách chỉ nhằm mục đích giải trí. Nhưng điều đó sẽ rất có ích nếu như chúng ta tìm kiếm thông tin để phục vụ cho nghề nghiệp của chúng ta cũng như việc xây dựng cho bản thân một nền tảng học thuật vững chắc dựa trên những thông tin đáng tin cậy.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là thông tin không chỉ có trong sách vở hay báo chí, thông tin còn nằm trong những sự vật, con người bình thường và giản dị xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta biết cách nhìn nhận chúng bằng một con mắt thiện cảm và không có định kiến thì giá trị mà chúng mang lại cho chúng ta sẽ là vô hạn. Đấy chính là “những thông tin sống ” mà tạo hóa ban cho chúng ta. Hãy học cách để cảm nhận chúng!
Tiểu Mã
Sẽ luôn tồn tại cái báo lá cải và những tờ báo chân chính, ai cũng có đối tượng độc giả của riêng mình. Cá nhân tôi thấy ở Việt Nam cái gì cũng đang quá độ hết vì cái gì mình cũng học của nước khác cả, toàn sao chép về cho nên nó “không khớp” :))
Thực sự thích câu cuối của bạn. Nhưng đâu phải những tờ báo lá cải đều là xấu, cũng có khi chúng đưa những tin tức thực của đời sống cho chúng ta đó chứ. Cái quan trọng ở đây là cách đọc, suy nghĩ và tiếp nhận thông tin của mọi người sao cho phù hợp.
Tâm đắc câu cuối :))
Phải chăng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi. Những trang báo hay nhứt của những nhà báo có tâm, có đức sẽ được bookmark lại trên trình duyệt, chứ không còn tình trạng 24h.com.vn enter, dantri.com.vn enter, 24h(google.com) enter. Nói chung, cũng do ý thức người đọc là chính, đừng đổ lỗi cho điều gì hết. Chân, thiện, giả va vài lần thì cũng phải tự rút kinh nghiệm thôi chứ. 🙂
đồng ý vs việc báo chí đang nhồi sọ chúng ta toàn những điều xấu xa tệ hại
nhưng cách làm của a phức tạp quá
cách của e đơn giản hơn
là chỉ cần tránh xa tin tức, càng ít đọc càng tốt, chỉ cần đọc những gì ảnh hưởng trực tiếp tới mình, cs của mình và nhận thức của mình
là đủ
hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là cần phải biết tránh xa những thứ rác rưởi xung quanh
tin tức là 1 dạng “rác” như thế