27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tâm sự cùng các bạn trẻ nhân Ngày Thầy Giáo

*Photo:  Disorganised Photographer

 

Vì đã có nhiều lời chúc tụng đến thầy cô vào ngày này rồi, cho nên tôi thiết nghĩ một vài điều để tâm sự cùng học trò về thầy giáo có lẽ là điều hữu ích hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay của xã hội Việt Nam mình và cách vượt qua sự tha hoá quá mức của ngành giáo dục tại Việt Nam. Hơn nữa, từ một góc độ nhìn đơn giản, nếu không có người cần học, không có học trò, thì làm sao có thầy?

Vừa là những điều tâm sự cùng học trò vừa là lời cảm tạ những người thầy mà tôi kính yêu vậy.

 

Các cháu thân mến,

Tôi biết các cháu cần học, cần kiến thức, cần được chia sẻ về kinh nghiệm của những người đi trước, để từ đó các cháu sẽ tự đúc kết cho mình những hiểu biết, những khả năng cần thiết để trưởng thành, tự lập và từ đó còn có thể đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Các cháu không những cần có kiến thức về những lĩnh vực chuyên sâu, những vận hành chung của một xã hội, mà còn hiểu về nhân cách, về sự khéo léo, về bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi con người trong một xã hội. Nếu thiếu một số trong những góc độ này thì các cháu sẽ bị thiệt thòi và có khi dẫn tới sự hụt hẫng khi bước ra đời để hoàn toàn tự lập và xây dựng gia đình riêng của mình.

Tất nhiên, các cháu cần phải có những người thầy hướng dẫn cho các cháu, vì ngay cả hiểu những điều mà tôi chia sẻ như trên, thì các cháu cũng không thể biết những nội dung của chúng, cho dù chỉ nằm ở mức khái niệm hay chuyên sâu.

Và như vậy, với sự thiếu kiến thức đến mức cần có thầy dạy cho mình, thì làm sao các cháu có thể nhận diện ra những người thầy đúng đắn như là mình cần phải có bằng cách nào đây?

Không khó lắm đâu các cháu. Tôi chỉ cho các cháu một số điều để nhận biết đâu là những người thầy đáng kính để mình theo đómà học hỏi như sau:

1. Về khả năng dạy: Họ luôn có một dàn bài lớp lang rõ ràng đã chuẩn bị trước, nhưng rất thoáng đạt khi thuyết trình một đề tài gì đó, nhất là đối với những bài giảng chính của họ. Họ luôn khuyến khích các cháu tự tìm hiểu, tự sáng tạo và tư nhận thức và chỉ hướng dẫn các cháu một cách nhẹ nhàng khi họ thấy các cháu sai hoặc cần hỗ trợ.

2. Về kiến thức chuyên ngành: Những gì họ giải thích cho các cháu, những ví dụ họ đưa ra, v.v… không chỉ là từ trong các cuốn sách giáo khoa mà các cháu đang có trong tay. Những thông tin, những phân tích của họ luôn đi sát với thực tế của xã hội mà các cháu biết. Và với những người thầy thật giỏi, họ còn có thể truyền đạt đến các cháu những vấn đề vô cùng phức táp, khó hiểu bằng những cách diễn đạt những ví dụ rất đơn giản dễ dàng tiếp thu.

3. Về tác phong: Họ không đùa cợt, dung tục, thô lỗ. Họ không chửi mắng khi các cháu phạm lỗi vì chưa hiểu hoặc vì bất cẩn. Họ không nổi nóng đến mức hung dữ khi các cháu ngỗ nghịch mà lại sử dụng những biện pháp kỷ luật của trường để quản lý. Họ luôn khen các cháu giỏi để làm gương cho lớp, họ luôn khuyến khích những cháu còn yếu để tự trau dồi thêm.

4. Về đạo đức: Họ không chê bai những cháu nhà nghèo, không dung dưỡng những điều xấu của các cháu có gia thế lớn trong xã hội. Và nhất là: HỌ KHÔNG MỞ LỚP DẠY KÈM VỀ NHỮNG LĨNH VỰC MÀ HỌ CÓ BỔN PHẬN PHẢI DẠY CÁC CHÁU TRONG TRƯỜNG ĐỂ THU THÊM HỌC PHÍ TỪ CÁC CHÁU.

Nếu các cháu tinh tế hơn thì các cháu sẽ còn thấy họ luôn giữ một khoảng cách vừa phải với học trò của mình, không đối xử phân biệt bất kỳ học trò nào cả, cho dù học trò ngoan hay ngược lại.

Nhưng trong bối cảnh của giáo dục hiện này, với quá nhiều thầy cô có bằng cấp dỏm, thái độ, tác phong, hiểu biết, v.v… không xứng đáng làm thầy, và phần lớn thầy cô đều mở lớp dạy kèm để thu thêm học phí, mà các cháu không có một quyền chọn lựa gì hết, khi đó các cháu sẽ phải làm gì?

Rất đáng tiếc, trước tiên, tôi phải khẳng định như sau: không những lĩnh vực giáo dục của xã hội mình bị tha hoá, mà tất cả mọi lĩnh vực khác cũng đang bị tha hoá, và gia đình, bà con, xóm giềng, bạn bè của các cháu cũng đang là những nạn nhân như các cháu vậy, nhưng ở các lĩnh vực, các góc độ khác mà thôi.

Do đó, các cháu không cách nào khác hơn là phải tiếp tục làm một nạn nhân gánh chịu tai họa mà cả đất nước đang gánh chịu, nhưng dù sau, tôi có một số lời khuyên để có thể tự vượt qua hoặc ít ra cũng phần nào giảm thiểu những khó khăn, những tai ương này, như sau:

a. Các cháu không nên thù hận hay khinh bỉ ra mặt những người thầy loại này, các cháu cẩn phải thương hại và nghĩ rằng họ là sản phẩm mà cũng là nạn nhân của một xã hội tồi tệ mà ra.

b. Các cháu cần phải chịu khó tự về nhà học thêm, tạo thành các nhóm bạn cùng lớp để học chung với nhau, nhờ phụ huynh, người lớn xung quanh, tận dụng Internet, v.v… để các cháu tự trau dồi. Và cố gắng kêu gọi nhau không đi học kèm bởi các loại thầy tệ hại cỡ này.

c. Các cháu phải thưa với cha mẹ, phụ huynh, anh chị, v.v… về những tệ hại mà các cháu nhận ra từ thầy cô của các cháu, và xin họ hỗ trợ để tránh phải bị ảnh hưởng hay tiếp tay với những sự tệ hại của loại thầy cô này. Những cháu nào không có dược sự hỗ trợ của gia đình hoặc phụ huynh của mình thì phải tìm tới các bạn có gia đình thông cảm để góp tiếng nói của mình. Những cháu nào có gia đình đồng thuận và thông cảm thì nên rủ các bạn thiếu may mắn hơn mình đế cùng chia sẻ với mình. Đây là một phần quan trọng của sự trau dồi nhân cách đó các cháu.

d. Cho dù các cháu không chấp nhận những trò mèo dạy kèm thêm hoặc thái độ, kiến thức của những loại thầy tệ hại như thế này, các cháu vẫn phải có bổn phận lễ phép, nhẹ nhàng tuy cứng rắn, và luôn cố gắng là các học trò giỏi có hạnh kiểm tốt, có kiến thức tốt đối với mọi bộ môn mình học ở trường.

Nên nhớ, cho dù những loại thầy cô tệ hại này có đì đoạ các cháu vì không làm theo ý họ đi nữa, thì việc tự học thêm, học nhóm, v.v… cũng như giữ tư cách, nhân phẩm mình tốt, thì khi ra đời các cháu sẽ nhất định là những con người tốt, sâu sắc, dũng cảm và có khả năng hoà đồng với xã hội rất cao.

 

Điều quan trọng nhất:

Các cháu phải luôn nhớ rằng chính các cháu sẽ là những nhân tố quyết định cho sự thay đổi của cả xã hội mình trong tương lai ở mọi mặt, mọi lĩnh vực.

Nếu các cháu muốn xã hội tương lai tốt đẹp, thịnh vượng, tiến bộ, tử tế, thì ngay từ lúc này các cháu phải tự vượt qua mọi khó khăn, tai ương, phải là những người học trò giỏi, cần cù, ngay thẳng, trong sạch và can đảm.

 

Tôi cầu chúc các cháu may mắn gặp được những người thầy đáng kính. Và khi nhận ra họ, các cháu phải luôn nhớ rằng các cháu là những người hiếm hoi may mắn nhất trong cả xã hội hiện nay.

Và tôi cũng câu mong càng ngày càng nhiều những người thầy đáng kính hiển hiện trong xã hội hiện nay, một xã hội tôi nghĩ rằng đang ở mức tha hoá nhất trong cả lịch sử mấy ngàn năm qua của đất nước.

 

Hoang Ngoc Diep

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI