*Featured Image: Thingsweforget
Tôi hiện là sinh viên năm cuối đại học ngoại thương. Cũng như các bạn sinh viên ở các trường đại học khác, tôi rất chú trọng ngoại ngữ. Tuy nhiên, dù tôi đã từng bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc để đi học các trung tâm nhưng tình hình lúc ấy vẫn không khá khẩm là mấy. Vấn đề ở đây là gì?
Nhìn rộng ra hơn một chút thì không chỉ có ngoại ngữ cũng như các môn học trên nhà trường, kể cả các khóa học mềm mà bạn theo học ở các trung tâm hay những bài học khác trong cuộc sống, lười thì tôi không nói làm gì, nhưng tại sao các bạn dù vẫn chăm chỉ nhưng kết quả vẫn lẹt đẹt. Với những kinh nghiệm cá nhân cũng như đúc kết được từ những người xung quanh, tôi nhận ra bản chất các vấn đề như sau:
Thứ nhất: Thiếu/Sai phương pháp
Có câu: “Bạn đi nhanh hay đi chậm không quan trọng, quan trọng là bạn đi đúng đường.” Nếu bạn chọn sai phương pháp thì có nghĩa bạn đã bị chệch hướng và không bao giờ tới đích cả. Chẳng hạn như với những môn học đòi hỏi tư duy logic, đọc hiểu nhưng bạn lại chăm chăm học thuộc thì dù có “mài sắt” như thế nào cũng không có ngày “nên kim”. Hay bạn chỉ áp dụng những phương pháp học tiếng anh thông thường cho việc luyện thi IELTS với tâm lí cứ giỏi tiếng anh là điểm IELTS sẽ cao cũng là sai lầm khá phổ biến.
Các bạn đừng vội nghĩ rằng đây là một vấn đề dễ khắc phục. Tôi đồng ý rằng trong thời đại internet hiện nay, mọi thứ đều có thể có ở bác Google. Bạn muốn học ngoại ngữ hay các kĩ năng mềm ư? Bạn chỉ cần gõ “phương pháp học…” là hàng triệu các kết quả trả về chỉ trong vài giây. Mạng xã hội bùng nổ, các “cao thủ” trong mọi lĩnh vực đều không ngần ngại chia sẻ con đường thành công của mình, đồng thời không quên đưa ra các lời khuyên để dân tình học hỏi.
Nhưng cấu tạo của mỗi bộ não chúng ta khác nhau, sức tiếp thu của mỗi người một khác nên có nhiều người dù thành công với phương pháp này nhưng người khác lại không. Cũng giống như việc giảm cân vậy. Có rất nhiều phương pháp nhưng tùy thuộc vào cơ địa từng người. Hơn nữa “lắm thầy rầy ma”, giữa một biển mênh mông thông tin như vậy, bạn hãy tỉnh táo để tìm cho mình phương pháp tốt nhất.
Vậy lời khuyên dành cho bạn ở đây là gì? Hãy hiểu chính bản thân bạn trước. Từ đó bạn sẽ tìm thấy phương pháp tốt nhất cho chính bản thân mình.
Thứ hai: Thiếu tập trung
Đây có lẽ là vấn đề muôn thuở và vô cùng khó khắc phục với các bạn trẻ bây giờ. Các bạn luôn bị “nhiễu sóng” bởi điện thoại, mạng xã hội hay những người xung quanh. Trong lúc học bạn nhắn tin, thỉnh thoảng lại inbox facebook hay dạo qua các trang kenh14, 24h… để xem tình hình các thần tượng yêu dấu của mình như thế nào. Tất yếu là bạn sẽ không thể tập trung vào việc chính và kết quả sẽ không được như ý.
Hãy đặt ra kỉ luật cho chính bản thân mình và nghiêm túc thực hiện nó. Có thể ban đầu bạn sẽ cảm thấy khó chịu nhưng khi đã cố gắng nhiều lần, bạn sẽ hình thành nên thói quen làm việc tập trung cho chính bản thân mình.
Còn nữa, để tập trung, không phải là bạn cứ phải chọn học những thứ mình yêu thích mà hãy yêu thích những thứ bạn chọn. Bạn hỏi tôi làm cách nào à? Hãy chú tâm vào điều bạn làm bạn sẽ yêu thích nó, và ngược lại bạn càng yêu thích bạn sẽ càng chú tâm.
Thứ ba: Không có môi trường ứng dụng
Tôi vốn khá quan tâm về marketing online, vậy nên tôi đã đi học một khóa về SEO. Tuy nhiên khi học về tôi lại không có môi trường để áp dụng những kiến thức đã học được, vậy nên tôi đã quên nó. Vậy đấy, bạn học cái gì cũng quan trọng nhưng nhớ gì trong số ấy còn quan trọng hơn. Giả dụ tôi đi học tiếng anh, tôi chỉ học giao tiếp thôi nhưng tôi lại làm ở một nhà hàng nước ngoài, vậy là tôi sẽ áp dụng những gì đã học được và tiến bộ nhanh hơn hẳn những người phải bỏ ra hàng đống tiền để đi học nhiều khóa.
Giải pháp ở đây là gì? Nếu bạn không thể tìm được môi trường thì hãy tự tạo ra nó. Hãy chia sẻ những kiến thức bạn đã học được, mỗi lần chia sẻ như vậy bạn sẽ thêm một lần nhớ.
Thứ tư: Không có mục tiêu cụ thể
Tôi đã từng nghĩ rằng cứ học đi, cứ cố gắng hết mình đi nhưng không cần quan tâm kết quả. Suy nghĩ đó cực kì sai lầm. Khi bạn không có mục tiêu cụ thể, có nghĩa là bạn nhận thức vị trí hiện tại của mình cũng rất chung chung, bạn chỉ biết rằng bạn còn kém mà thôi. Còn nếu bạn đặt ra mục tiêu, bạn sẽ ý thức được mình đang ở đâu, còn phải cố gắng đến đâu nữa, bạn sẽ có động lực để học tập hơn.
Vì vậy bạn hãy đặt ra mục tiêu cho chính bản thân mình. Mục tiêu của bạn nên “đáp ứng” mô hình SMART.
- S-Specific: Cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu.
- M-Measurable: Đo đếm được.
- A-Achievable: Có thể đạt được bằng chính khả năng của mình.
- R-Realistic: Thực tế, không viển vông.
- T-Time bound: Thời hạn để đạt được mục tiêu đã vạch ra.
Thứ năm: Tâm lý tự thỏa mãn
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là tâm lí tự thỏa mãn. Ví dụ như bạn bắt đầu ngồi vào bàn học lúc 7 giờ và kết thúc lúc 12 giờ. Bạn cảm thấy hài lòng vì đã ngồi ở bàn học suốt 5 tiếng đồng hồ mặc dù bạn chẳng làm được gì nhiều (vì thiếu tập trung chẳng hạn). Xa hơn nữa, bạn luôn tự thỏa mãn với chính mình của hiện tại, điều đó hết sức nguy hiểm, nó ngăn cản bạn nỗ lực đến với con đường thành công.
Hãy tự nghiêm khắc với chính bản thân mình. Bên cạnh rèn luyện thói quen học tập nghiêm túc, bạn hãy đề ra thời gian biểu học tập và làm việc trong ngày thật chi tiết. Hãy bắt đầu lập thời gian biểu vào mỗi buối sáng thức dậy chứ đừng lập một thời gian biểu chung cho cả tuần hay cả tháng vì mỗi ngày với bạn là khác nhau, bạn đi đâu, làm gì, gặp gỡ những ai hoàn toàn không giống nhau. Điều quan trọng là hãy cố gắng để thực hiện theo lộ trình đó, thời gian có thể du di 1—2 tiếng nhưng bạn vẫn phải đảm bảo hoạt động theo tiến trình ấy.
Vladimir Ilyich Lenin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi.” Thật vậy, cuộc sống là một chuỗi những sự học không bao giờ ngừng nghỉ. Bạn không chỉ học trên ghế nhà trường mà còn học trong cộng đồng, xã hội. Vì vậy, hãy là một người học không chỉ chăm chỉ mà còn thông minh và hiệu quả.
Lê Hoài Thương
Lập thời gian biểu chi tiết cho một ngày? Theo mình, đó là cách làm “điên rồ” vì như thế chỉ chuốc vào thân stress, chán nản, mệt mỏi. Một ngày mới bắt đầu, thay vì lập một thời gian biểu chằng chịt với 7-10 công việc phải làm, thì hãy bỏ hết, chỉ còn 3 công việc (hay chỉ 1 công việc thôi) chú tâm tập trung hoàn thành nó. Mỗi lúc chỉ làm một việc, và làm thật tốt, thế thôi!
Mình thấy một trong những lý do cơ bản đó là “không học cho bản thân”. Không có đam mê và hứng thú trong nghành nghề mình đã chọn
Cảm ơn! Bài viết của bạn rất bổ ích cho mình!
thật sự cảm ơn những chia sẻ của bạn. nhận xét của bạn đã chứng minh câu nói của Edison “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm đổ mồ hôi” là hoàn toàn sai lầm. Và minh chứng về nhũng nỗ lực để thành công là không thể khi bản chất bạn không thông minh hơn người, chỉ cần nghe qua là nắm bắt được vấn đề. Những con người mà bạn bảo là đầu óc heo ấy đôi khi đơn giản những bài giảng trên lớp ko phù hợp với lĩnh vực mà họ đang theo đuổi. ko phải ai học giỏi cũng làm đc việc và nếu tất cả các bài giảng đều đc tiếp thu và lĩnh hội một cách thú vị thì những vĩ nhân như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Juckerberg… dã ko bỏ học để theo đuổi lĩnh vực mà mình yêu thích.
Tôi ko nói bạn sai, đơn giản mỗi người một quan điểm. tôi đoán chắc hẳn bạn là một người thông minh và học giỏi. chúc bạn ngày càng thành công nhé.
cám ơn bạn về bài viết, mình cũng là sinh viên năm 4 mình rất cần những chia sẻ như vậy
bài rất hay, cám ơn Hoài Thương nhiều.