Featured Image: Wikipedia Commons
“Tôi nhận ra một điều, Julie ạ, là tôi phải chỉ cho cô cách làm thế nào để khám phá cái lục địa mới mẻ mà tôi đã dẫn dắt cô tới.”
“Tôi mừng khi nghe thấy thế,” tôi bảo với ông ta.
“Có lẽ là cô thích nghe chuyện thế nào mà lúc đầu tôi lại khởi sự tự mình khám phá ra nó nhỉ.”
“Tôi thích nghe về nó lắm.”
“Chúa Nhật trước tôi có nhắc tới cái tên Rachel Sokolow, là người giúp cho tôi còn tiếp tục được sống ở đây. Cô chẳng cần biết chuyện này làm sao mà thành, nhưng tôi biết Rachel từ thuở còn ấu thơ – đã giao tiếp với cô ấy như là cô với tôi đang giao tiếp với nhau vậy. Lúc Rachel bắt đầu tới trường thì tôi chẳng có một kinh nghiệm nào về hệ thống giáo dục của các cô cả. Chẳng có một lý do nào để tìm hiểu nên tôi đã không bao giờ để tâm tới dù chỉ là một ý nghĩ thôi. Giống như hầu hết những đứa bé năm tuổi khác, cô ấy run lên vui sướng vì cuối cùng cũng được tới trường, và tôi cũng vui lây cho cô ấy, tưởng tượng rằng (như cô ấy đã tưởng tượng) một trải nghiệm tuyệt vời nào đó hẳn đang chờ đợi cô. Chỉ sau vài tháng tôi bắt đầu để ý thấy sự phấn khích của cô ấy phai nhạt dần – và tiếp tục nhạt nhòa đi tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, cho tới khi, vào thời điểm cô ấy đang học lớp ba, cô bé hoàn toàn chán nản và cứ có một cơ hội nào có một ngày khỏi phải tới trường là mừng rỡ hết sức. Tất cả những chuyện này với cô có phải là điều mới mẻ gì không?”
“Phải rồi.” Tôi nói với một điệu cười cay đắng. “Chỉ có tầm tám mươi triệu trẻ em tối hôm qua lên giường với lời cầu nguyện trời sẽ rơi tuyết dày cả thước để sao cho trường học sẽ phải đóng cửa thôi mà.”
“Qua Rachel, tôi đã trở thành một học sinh của hệ thống giáo dục của các cô. Về mặt ảnh hưởng, có thể tính là tôi đã đi học cùng cô ấy. Hầu hết những người lớn trong xã hội của các cô dường như đã quên mất điều gì xảy ra khi chính họ đến trường học lúc họ còn là trẻ nhỏ. Nếu mà, với tư cách những người lớn, họ bị buộc phải chứng kiến tất cả chuyện này một lần nữa qua con mắt của con cái họ, tôi nghĩ họ sẽ giật mình và phát hoảng.”
“Vâng, tôi cũng nghĩ thế.”
“Cái mà người ta thấy đầu tiên là việc trường học thực tế còn xa mới đạt được cái lý tưởng là nơi ‘những đầu óc thanh xuân được đánh thức.’ Các giáo viên đại bộ phận cũng tâm huyết với việc đánh thức những tâm trí trẻ, nhưng cái hệ thống mà họ buộc phải làm việc trong đó về căn bản làm hỏng cái ham muốn này bằng việc cứ khăng khăng rằng tất cả các bộ óc phải được mở ra theo cùng một trật tự, sử dụng những công cụ giống nhau, và với cùng một nhịp độ, theo một thời khóa biểu nhất định. Người giáo viên được trao cho trách nhiệm đưa cả lớp với tư cách một tập thể tiến tới một điểm nhất định đã xác định trước trong chương trình học vào một thời điểm cũng đã xác định trước, và những cá thể làm nên lớp học đó sẽ sớm học được cách giúp đỡ cho người giáo viên trong nhiệm vụ ấy. Chuyện này, theo một nghĩa nào đó, là điều đầu tiên chúng phải học. Một số đứa học được điều này rất nhanh và dễ dàng, còn những đứa khác thì học chậm và khổ sở hơn, nhưng cuối cùng thì tất cả đều học được nó. Cô có biết là tôi đang nói về cái gì không?”
“Tôi nghĩ là có.”
“Cá nhân cô thì cô đã học được điều gì để giúp các giáo viên thực hiện nhiệm vụ của mình?”
“Đừng có đặt ra những câu hỏi.”
“Mở rộng ra một chút đi Julie.”
“Nếu ta giơ tay lên và nói, ‘Ôi trời, Cô Smith ơi, con chả hiểu được lấy một từ mà cô đã nói cả ngày hôm nay,’ Cô Smith sẽ ghét ta. Nếu ta giơ tay lên và nói, ‘Ôi giào, Cô Smith ơi, con chả hiểu được lấy một từ mà cô đã giảng suốt cả tuần qua,’ Cô Smith sẽ ghét ta gấp năm lần. Và nếu ta giơ tay lên và nói, ‘Ối ôi, cô Smith à, con chẳng hiểu nổi một từ mà cô đã dạy suốt cả năm,” Cô Smith sẽ rút súng ra và bắn ta luôn.”
“Vậy là ý tưởng ở đây là phải tạo ấn tượng rằng ta hiểu tất cả mọi thứ, dù là có hiểu thật hay là không.”
“Đúng thế đấy ạ. Điều cuối cùng mà giáo viên muốn nghe là ta chưa hiểu một cái gì đó.”
“Nhưng cô bắt đầu bằng việc đưa ra cho tôi cái quy tắc đừng đặt câu hỏi. Cô còn chưa thực sự nói rõ cái đó ra sao.”
“Đừng đặt câu hỏi có nghĩa là… đừng nêu ra những thứ nào đó chỉ bởi vì ta thắc mắc về chúng. Ý của tôi là, chẳng hạn như, giả dụ ta đang học về lực thủy triều. Ta sẽ không giơ tay lên để hỏi liệu rằng có đúng là những người điên có xu hướng điên khùng hơn trong thời gian trăng tròn hay không. Tôi có thể tưởng tượng việc làm một chuyện như thế ở lớp mẫu giáo, nhưng tới thời điểm ta đang ở độ tuổi của tôi bây giờ, đấy là điều cấm kỵ. Trái lại, có một số giáo viên thích bị phân tán bởi những kiểu câu hỏi nhất định. Nếu chúng có một con ngựa gỗ, họ sẽ luôn chấp nhận lời mời cưỡi thử nó, và bọn trẻ con sẽ vin ngay vào đó.”
“Tại sao các cô lại muốn xem giáo viên cưỡi một con ngựa gỗ cơ chứ?”
“Bởi vì như thế thì tốt hơn là ngồi nghe thầy ta giải thích chuyện một dự thảo luật được thông qua tại Quốc hội như thế nào.”
“Còn có cách nào khác mà các cô dùng để giúp cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ của mình nữa?”
“Đừng bao giờ không tán thành. Đừng bao giờ chỉ ra những chi tiết bất nhất. Đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi nằm ngoài những gì đang được dạy. Đừng bao giờ lộ ra rằng ta không theo kịp. Lúc nào cũng cố trông như ta đang hiểu từng lời một. Tất cả đại loại rồi cũng như nhau mà thôi.”
“Tôi hiểu rồi.” Ishmael nói. “Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng đây là một khiếm khuyết của bản thân hệ thống giáo dục chứ không phải của các giáo viên, những người mà nghĩa vụ hơn hết là ‘dạy cho hết giáo án.’ Cô hiểu rằng, bất chấp tất cả những chuyện đó, hệ thống giáo dục của các cô (nước Mỹ) là hệ thống giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới. Nó rất tệ hại, nhưng vẫn là cái tiên tiên nhất đang có.”
“Vâng, điều đó thì tôi hiểu. Tôi ước gì ông cười điệu hoặc đại loại có một cử chỉ nào đó để cho thấy khi nào ông đang mỉa mai thì hay biết mấy.”
“Tôi không chắc là tôi có thể biểu đạt thậm chí một cử chỉ như thế, Julie… Quay lại câu chuyện của tôi, tôi đã ngắm nhìn Rachel lên lớp đều đều (và tôi phải thêm vào là cô ấy đi học ở một trường tư thục rất đắt tiền – trường tiên tiến nhất trong những trường tiên tiến). Trong khi ngắm như thế tôi bắt đầu gắn kết những gì tôi đã đang trông thấy và những gì tôi đã biết về cách vận hành của nền văn hóa mà các cô đã tiến bộ xa về những chuyện đó, lại với nhau. Tại điểm đó, tôi chưa phát triển được một lý thuyết nào mà cô đã từng nghe tôi nói ở đây cho tới lúc này.
Trong các xã hội mà các cô xem là sơ khai, những người trẻ ‘tốt nghiệp’ khỏi tuổi thơ vào độ tuổi mười ba mười bốn, và đến tầm tuổi đó về cơ bản là đã học được tất cả những gì chúng cần để cư xử hành động như người trưởng thành trong cộng đồng của mình. Bọn chúng học được rất nhiều, đúng thế, tới mức mà nếu phần còn lại của cộng đồng chỉ đơn giản là biến mất qua một đêm thì chúng vẫn có thể sống sót mà không có chút khó khăn nào. Chúng biết cách làm ra những công cụ cần cho việc săn bắt thú và câu cá. Chúng biết cách tìm chỗ trú và kiếm cái đắp lên cơ thể làm quần áo cho bản thân. Ở độ tuổi mười ba mười bốn, giá trị sinh tồn của chúng là một trăm phần trăm. Tôi giả định rằng cô biết nói thế là tôi có ý gì rồi.”
“Tất nhiên.”
“Trong hệ thống tiến bộ hơn rất nhiều của các cô, những người trẻ tốt nghiệp khỏi hệ thống trường học vào tuổi mười tám, và giá trị sinh tồn của bọn họ gần như là bằng không. Nếu phần còn lại của cộng đồng trong một đêm mà biến mất, để lại bọn họ hoàn toàn chỉ dựa vào sức của mình, thì việc họ có sống sót được cũng là rất may mắn mới xảy ra. Không có các công cụ – và không có ngay cả các công cụ để làm ra công cụ, bọn họ sẽ không có khả năng đi săn thú hay câu cá một cách hiệu quả (nếu có đi săn hay câu cá được). Và hầu hết bọn họ sẽ chẳng có khái niệm nào về chuyện những cây mọc hoang nào là ăn được. Bọn họ sẽ chẳng biết làm thế nào để có cái mặc lên người hay dựng một nơi trú ẩn.”
“Đúng vậy.”
“Khi những người trẻ của nền văn hóa các cô tốt nghiệp khỏi trường học (trừ phi gia đình của chúng tiếp tục chăm lo cho chúng), chúng phải ngay lập tức tìm một ai đó cho bọn chúng tiền để mua những thứ mà chúng cần để có thể tồn tại. Nói một cách khác, chúng phải đi tìm việc. Cô hẳn là có thể giải thích tại sao lại thế.”
Tôi gật đầu. “Là bởi vì thực phẩm đã bị khóa lại, bị giấu đi.”
“Chính xác. Tôi muốn cô nhìn ra mối liên kết giữa hai chuyện này. Bởi vì chúng không có giá trị sinh tồn tự thân, chúng buộc phải tìm việc làm. Đây không phải là chuyện mà chúng có thể lựa chọn, trừ phi chúng giàu có một cách độc lập. Đấy là chuyện kiếm việc mà làm hoặc đi mà chết đói.”
“Vâng, tôi thấy được điều đó.”
“Tôi chắc là cô nhận ra rằng những người lớn trong xã hội của các cô lúc nào cũng nói rằng trường học của các người đang rất tệ hại. Chúng là thứ tiến bộ nhất trong lịch sử thế giới, nhưng dù sao thì chúng vẫn rất tệ hại. Trường học của các cô thế nào mà lại không đạt được những tiêu chí mà người ta mong chờ ở chúng thế hở Julie?”
“Chúa ơi, tôi không có biết. Đây không phải là thứ tôi quan tâm cho lắm. Chỉ là tôi sẽ rút lui khi người ta bắt đầu nói chuyện về những thứ như thế.”
“Thôi mà Julie. Cô đâu cần phải nghe thật kỹ thật nhiều mới biết được chuyện này.”
Tôi rên rỉ. “Điểm số thì tệ hại. Trường học không chuẩn bị được cho học sinh sẵn sàng làm được việc. Trường học không chuẩn bị cho người ta có được một cuộc sống tốt đẹp. Tôi cho là một số người sẽ còn nói rằng trường học phải đem lại cho chúng ta giá trị sinh tồn nào đó. Chúng ta phải có khả năng thành công khi tốt nghiệp ra trường.”
“Chẳng phải trường học của các cô có mặt là để làm những chuyện đó hay sao? Chúng hiện diện là để chuẩn bị cho trẻ con có một cuộc đời thành công trong xã hội của các cô mà.”
“Đúng vậy.”
Ishmael gật đầu. “Đấy là điều mà Bà mẹ Văn hóa dạy, Julie ạ. Đấy thực sự là một trong những điều lừa bịp cừ khôi nhất của nó. Bởi vì tất nhiên trường học của các cô tồn tại không phải vì những điều đó chút nào.”
“Vậy thì chúng có mặt là để làm gì?”
“Phải mất nhiều năm tôi mới tìm ra lý do. Trong giai đoạn đó tôi chưa quen với việc lật tẩy những trò lừa bịp. Đây là nỗ lực đầu tiên của tôi, và tôi đã có chút chậm chạp trong chuyện đó. Trường học có mặt ở đó, Julie ạ, là để điều tiết dòng chảy những đối thủ cạnh tranh trẻ tuổi vào trong thị thường việc làm.”
“Chà chà,” Tôi nói. “Tôi thấy được điều đó.”
(Còn tiếp)
Các bạn nên để tên tác giả và tên bài gốc để tiện cho việc tham khảo và nếu cần là trích dẫn.
Không hẳn. Theo mình nghĩ 1 nền giáo dục tốt là 1 nền giáo dục phù hợp chứ chưa chắc là 1 nền giáo dục đúng. Ở cái xứ của người đặt câu hỏi thì học sinh được học cách sinh tồn vì ra trường chúng cần sinh tồn, ở đất nước của người trả lời học sinh học kiến thức vì chúng cần tìm việc. Việc áp đặt môi trường cho nhau là không hợp lý. Một con sư tử chẳng cần phải học bắt cá chỉ bởi vì ai đó cho rằng đại hồng thủy sẽ xảy ra.
P/s: Giáo dục là vấn đề muôn thuở. Giáo sư Ngô Bảo Châu học và thành công, Bill Gate bỏ học và thành công. Vậy nền giáo dục có đúng hay không? Chỉ mong chờ vào giáo dục mà chờ đợi sinh tồn, chờ đợi thành công có ấu trĩ quá không?
Đây là một bài khá hay được viết theo cách hỏi đáp, qua cuộc trò chuyện thì vấn đề sẽ được làm cho sáng tỏ. Nhưng cách viết này lại khó để có thể viết một bình luận về nó. Và tuy khó bình luận nó vẫn mang đầy đủ giá trị của nó. thường thì người ta sẽ dễ bình luận hơn khi nó được viết bằng lời trực tiếp của tác giả chứ không phải qua một câu chuyện.