Photo: Lifehack Quotes
Tôi 21 tuổi, sắp hết quãng đường học hành đại học và chẳng biết có thể học được xa hơn nữa không. Nhưng câu hỏi tại sao phải học lúc nào cũng là nỗi băn khoăn lớn của một người chưa trưởng thành như tôi. Và sợ rằng những băn khoăn này mai sau sẽ bị phai nhạt theo thời gian vì mấy chữ cơm áo gạo tiền, thế nên tôi phải ghi chép lại để ghi nhớ luôn luôn và cũng có thể là để dạy lại cho con cái nữa.
Lúc còn nhỏ, sự học đến với ta giống như một điều ham thích, và học được điều gì lúc bấy giờ là tuyệt vời lắm. Cái hay của việc làm trẻ con là chúng nó chẳng biết gì cả, thế nên hiếm có đứa trẻ nào có thói ngạo mạn nghĩ rằng mình biết tuốt giống như người lớn. Như tôi đây, hồi bé tí được ông ngoại truyền lại cho cuốn “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” và đọc ngấu nghiến, khi ấy tôi có cảm giác sảng khoái và ngưỡng mộ dân tộc vô cùng, chỉ muốn kể cho bạn bè nghe rằng dân tộc ta đã trải qua biết bao triều đại oai hung và có bao nhân tài kiệt xuất. Đổi lại bây giờ mà đọc cuốn sách ấy, có khi ý nghĩ đầu tiên của tôi lại là khoe khoang sự thông thái của mình ra để nâng tầm sự ngu dốt của một vài cá nhân mình ghét trong hiện tại.
Và hồi còn bé, ngắm bản đồ Việt Nam, hay xem chương trình “thế giới động vật”, hay “khám phá kỳ thú”, hay ngồi nghịch đất cào giun lên cũng chỉ để cho thỏa cái thú tò mò và khát khao biết thêm và biết rộng.
Lúc ấy chúng ta là những con nòng nọc muốn mau mau hóa thành đàn cá mập đi ra biển
Rồi thì vào học phổ thông, cấp 2, rồi cấp 3, sự học phai nhạt dần, nó trở thành một cuộc ganh đua ngầm giữa những con người lỗi lạc trong lớp (tôi thích gọi bạn bè học hành siêu đẳng của mình như vậy) hoặc là trở thành một gánh nặng kinh hoàng với những đứa luôn luôn mong được vui chơi như thời mẫu giáo. Sự học đã trở nên nghiêm túc, nó không phải là một điều gì lung tung và đến bất ngờ nữa, nó là một hệ thống, có giáo trình, có người hướng dẫn, có kiểm tra.
Chao ôi, và có khi vì sự nghiêm chỉnh ấy nên đa số chúng ta mất dần hứng thú vào học hành. Ở thời điểm những cô cậu tuổi teen vừa phải trải qua sự phát triển về giới tính vô cùng phức tạp, lại vừa bị gò não vào những khuôn phép của tri thức nữa, học hành thật làm mất hết cả vui sướng còn gì. Đọc những điều mới cũng thú vị đấy, nhưng ta chẳng buồn tự tìm hiểu nữa. Sự muốn học lúc đó là để thi đại học, để đi du học, còn học để làm gì khác không thì bao nhiêu cô cậu nghĩ tới?
Kiến thức ta muốn có thì ta không nghĩ tới
Lên đại học, thoát khỏi cái kiếp bị người lớn gọi là “trẻ con”, chúng ta bắt đầu tận hưởng sự tự do và có những khi đã thực sự quên mất rằng chúng ta vẫn là “học sinh” – nghĩa là những người làm việc bằng cách “học”. Sinh viên chúng ta không ít người đam mê hoạt động ngoại khóa và rồi lấy cớ ấy để bỏ bê việc học, vì rằng họ quá bận rộn và nhiều trách nhiệm nên họ không thể nào đảm đương được việc học một cách đàng hoàng.
Sau này ít nhiều chúng ta đều hối hận đấy các bạn ạ. Không phải hối hận vì đã tham gia những hoạt động ấy, những chương trình ấy, mà hối hận là mình không học được rằng mình phải biết nói “không” với một số thứ. Sự thật là chúng ta rất hiếm khi thực sự bận rộn, chúng ta thường xuyên bận rộn không cần thiết. Sự thật là chúng ta có đủ thời gian để làm rất nhiều thứ, nhưng chúng ta thường xuyên nghỉ ngơi quá nhiều. Sự thật là chúng ta nghĩ rằng việc học có thể cứ từ từ.
Tôi không phải một con mọt sách, điều đó không có nghĩa là tôi không trân trọng việc học. Và tôi luôn hiểu rằng học không đơn giản chỉ là đến trường, ngồi vào bàn và lắng nghe. Và tôi cũng hiểu rằng tất cả những việc đó chỉ thuộc một quá trình gọi là giáo dục cho tất cả các thanh niên trên thế giới.
Mỗi lần học gạo là một lần bạn nên tự xấu hổ với bản thân
Có thể lúc nào đó bạn buông miệng nói rằng học hành bao năm thật vô nghĩa, vì mọi thứ sau này khi bạn làm việc chẳng giống những gì bạn đã học. Nhưng chẳng hạn đọc một bản báo cáo chuyên ngành và nhìn thấy những thuật ngữ đã được kinh qua thì bỗng nhận ra những lời nói của bạn mới thật là vô nghĩa. Và người ta cũng hay chê bai người khác vì có những suy nghĩ không hợp thời nữa, ví dụ như đừng tin tưởng vào sách vở mà hãy học từ thực tế. Nhưng mà biết sao được, trớ trêu thay, những thứ học được trong sách thì lại…hiếm khi sai.
Chuẩn bị ra trường và xin việc tôi mới hiểu được những điều này liệu có là trễ không? Và liệu suy nghĩ của tôi có quá gương mẫu và thừa thãi trong thế giới hằng ngày đổi thay như vầy không?
Street Footer
Bài viết chưa nổi bật được cái sự học chân chính là như thế nào. Kiến thức thực sự cần là gì và kiếm ở đâu ? Tác giả chưa chia sẻ được có lẽ vì cũng đang đi tìm. Tớ cũng đã đi làm rồi, cũng mài mặt trên giảng đường nọ kia. Tớ thấy những thứ tớ học trên giảng đường rất sáo rỗng. Tớ ước gì tớ biết thế sớm hơn. Trên giảng đường tớ bị nhồi nhét đủ thứ tớ không thích, cũng có vài môn hay như món ăn ngon còn lại thì dở ẹc. Tớ không phải loại ăn tạp để ngốn hết đống đó. Bạn có thấy điểm bất hợp lý không: Một giáo trình nhai đi nhai lại qua ngày qua tháng dành cho tất cả các sinh viên. Hiện tại, tớ vẫn đọc sách phục vụ cho công việc. Tớ cũng thử nghiệm những gì sách nói và tớ thấy không phải lúc nào cũng chính xác. Tất nhiên sách đó không có viết sai chỉ vì nó được xuất bản trước đó cả chục năm nên công nghệ đã thay đổi rồi. Nhiều tiêu chuẩn mới chặt chẽ hơn an toàn hơn đã ra đời. Đó chỉ là ví dụ ở sách kỹ thuật nơi mọi thứ đều cố gắng để tiêu chuẩn hóa, chính xác. Những loại sách khác thì tính chính xác càng khó kiểm nghiệm hơn.
Cám ơn bạn.
Ở đầu bài mình đã ghi đây là những băn khoăn của mình, cũng giống như những câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp. Và mình cũng đã nói học ko phải là ngồi trên trường và chăm chú nghe giảng. Theo mình, sự học nó mênh mông hơn và đa phần là do chính bản thân. Còn kiến thức trong sách, mình cũng đã nói là nó hiếm khi sai, việc cập nhật những thay đổi không thể đổ lỗi cho sách, vì rõ ràng luôn có những sách cập nhật hơn. Về việc kiểm chứng những điều học trong sách, mình nghĩ cách chọn sách của mỗi người cũng quyết định việc ấy, chẳng phải vì vậy chúng ta mới có những nhà xuất bản danh tiếng, những ng đầy kinh nghiệm để viết sách và biên soạn sao. Và hàng bao nhiêu năm nay sách là công cụ lưu giữ kiến thức và suy nghĩ của con người, trong đó những sách được chọn để day học là những sách mà bao quát những điều được tin là chính xác cao nhất. Niềm tin ấy đúng hay sai được chứng minh qua thời gian và chúng ta có một sách khác để học.
Cuối cùng, chính mình cũng chưa tìm được một câu trả lời vẹn toàn. Nếu vẹn toàn thế thì mình sẽ không phải băn khoăn luôn luôn như thế này 🙂
Cám ơn chia sẻ của bạn.
Cảm ơn anh/chị!
Bài viết như một lời thức tỉnh những người sinh viên đang còn xách balo đi đến trường vậy.
Đọc bài này và nghĩ về mình sao thấy bản thân kém cỏi quá. Đã 1 năm trôi qua mà có lẽ vẫn chưa thể “hơn” được những gì bản thân nghĩ ở thời điểm này năm ngoái về hiện tại.
Và có lẽ là không gì là muộn cả, chỉ có đi trước và đi sau mà thôi.
Bác HỒ nói rằng(HỌC PHẢI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH)các bạn không nhớ à
Không thừa thãi đâu bạn. Mình cũng đang là sinh viên năm ba và quả thực cũng đang chật vật với cái sự học đó đây ^^!