Nội dung
Sự tuyệt chủng của những con người tư duy khi tiếp cận quá nhiều thông tin
Trưa nay khi đợi cơm gà trên tầng hai của một nhà hàng, mình có đưa mắt quan sát ba chiếc bàn có khách ngồi ăn gần nhất và tất cả đều gặp vấn đề giống hệt nhau.
Bàn đầu tiên, nằm sát lối ra vào là một đôi bạn trẻ khoảng hơn 20 tuổi. Cả hai đều cao ráo, ăn mặc sành điệu không chê vào đâu được. Cả hai có khuôn mặt đẹp như diễn viên trong phim Hàn Quốc. Bạn trai ăn xong trước và cậu ấy chỉ chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại như một con robot. Còn bạn gái ăn rất chậm rãi như thể đó là một thói quen của mình. Mình thấy ánh mắt của bạn gái cứ nhìn xuống, nó mang một nỗi buồn không thể nói ra với chính người mình yêu đang ngồi đối diện mình.
Thi thoảng bạn gái nhìn bạn trai như muốn cất tiếng hỏi: “Anh đang đọc hay xem cái gì thế? Tại sao anh không nói một câu nào đó với em? Một câu vớ vẩn cũng được. Kiểu đồ ăn hôm nay thế nào, hay tại sao em lại ăn chậm đến như thế?” Cuối cùng thì người bạn gái cũng ăn xong. Cô chiêu một ngụm nước, rồi cầm chiếc điện thoại trên bàn rồi bấm nút gọi cho ai đó. Lúc này thì cậu bạn trai mới ngước lên nhìn bạn gái. Cái nhìn không phải quan tâm mà là tò mò và muốn biết cô đang gọi cho ai mà thôi.
Sau rồi cậu lại cúi xuống tiếp tục nhìn vào điện thoại trong tay mình. Cả hai cứ nhìn điện thoại trong vô thức, trong sự bất lực khi tìm kiếm ngôn từ hay câu chuyện để nói với nhau như vậy cho đến khi người bạn gái đứng dậy trước. Sau đó bạn trai cũng đứng lên theo, vừa mặc áo khoác vừa cầm điện thoại lướt tin tức và lẳng lặng từng người đi xuống tầng dưới theo sau bạn gái. Một tình yêu câm lặng theo đúng nghĩa đen. Nhưng đây lại là điều phổ biến trong thời đại này.
Hai bàn còn lại là hai gia đình có bố mẹ và con cái cùng đi ăn trưa. Bàn sát bên mình là ba mẹ con, cô con gái học cấp ba, còn đứa bé trai thì đang ở độ tuổi tiểu học. Cả ba đều cầm điện thoại trong khi ăn. Người mẹ thì liên tục nhắn tin với bạn, con gái lớn cũng vậy còn đứa con trai nhỏ thì chơi game quên cả ăn.
Bàn đối diện mình thì là một gia đình nhỏ của hai vợ chồng trên dưới 40 tuổi, nhưng chia thành hai kiểu tương tác: Bố mẹ cầm điện thoại lướt mạng và tin tức. Hai đứa con nhỏ thì cứ nói líu lo và cười đùa với nhau. Thi thoảng một trong hai đứa gọi bố ơi, mẹ ơi xem này thì cả hai chỉ ừ ừ, bố biết rồi, mẹ biết rồi, hai đứa chơi đi.
Những con người ngồi đối diện nhau trên những chiếc bàn đó dù khác nhau về độ tuổi và thế hệ, nhưng tất cả đều phô bày ra sự im lặng đến vô vọng trong việc kết nối với nhau. Họ ngồi với nhau thật, họ ăn cùng với nhau thật nhưng tất cả diễn ra trong sự im lặng của bế tắc khi không biết phải nói gì cả.
Thay vì nói, thay vì tương tác với nhau thì tất cả đều chọn việc tiêu thụ thông tin thông qua internet và smartphone. Nhưng nghịch lý ở đây là họ hay chính chúng ta luôn thèm khát, ngấu nghiến thông tin ấy mà lại quên đi mất khả năng tương tác với chính những gì đang diễn ra ngay bây giờ.
Các nền tảng công nghệ đã lợi dụng sức mạnh của thông tin như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên Notifications (Thông báo) trên các mạng xã hội đều có màu đỏ, vì màu đỏ được mặc định là thứ màu sắc có tính chất nghiêm trọng và đánh động sự chú ý. Bạn không thể bỏ qua khi tiếng chuông Thông báo vang lên. Nó kéo bạn khỏi sự chú tâm hay bất cứ một cuộc trò chuyện nào, dù đó là với những người mình thương yêu.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn liên tục nhận được những lợi gợi ý về các mối quan hệ xung quanh, các hình ảnh liên quan đến những gi bạn tìm kiếm gần đây trên một nền tảng nhất định liên tục được hiển thị. Nền tảng đã khai thác từ dữ liệu thói quen mà của bạn, nó biết bạn muốn gì, nó biết cả những thứ mà bạn không biết.
Sau đó nó đem lại tất cả những thông tin đó cho bạn một cách tràn lan mà không quan tâm rằng số thông tin đủ để bạn lướt và xem cả đời này liệu đem đến sự tích cực hay tiêu cực cho bạn. Lý do các nền tảng tốt với chúng ta như vậy vì bạn càng xem thì bạn càng dành nhiều thời gian cho nó.
Cũng chẳng phải là ngẫu nhiên khi các nút LIKE, TIM, SHARE hay các EMOJI biểu cảm trạng thái là công cụ quan trọng trong các nền tảng xã hội. Vì nó rút ngắn cách bạn tương tác bằng câu từ hay suy nghĩ của mình về một hình ảnh hay bài viết bất kỳ. Bạn càng bớt tương tác kiểu này thì càng trải nghiệm nhiều thông tin hơn và điều đó mới là cái các nền tảng muốn.
Nhưng theo cách diễn tả của Cal Newport – tác giả cuốn Deep Work phản đối rằng
“Bạn ấn LIKE thay vì nói ra SUY NGHĨ của mình thì chẳng khác nào đặt một chiếc Ferrari là TƯ DUY của chính bạn đi đằng sau một con LỪA là những công cụ của các nền tảng cả.”
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người trong chúng ta dù biết việc trải nghiệm mạng xã hội hay thông tin mỗi lúc NHANH – NHIỀU – NGẮN HƠN thực sự có vấn đề và những mặt trái, nhưng đổi lại chúng ta vẫn không thể chống cự mà cứ để nó cuốn chúng ta đi và dần dần bị tước bỏ khỏi những thứ đã có sẵn trong chúng ta như TƯ DUY, KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT BẢN THÂN và NHỮNG HÀNH VI CƠ BẢN NHẤT cấu thành những tương tác đem lại trải nghiệm và giá trị trong cuộc sống.
Bản chất thông tin hay trải nghiệm các sản phẩm công nghệ không xấu. Nhưng nó gây nghiện vì nó khiến não bộ không ngừng tìm kiếm thông tin để trải nghiệm và tiêu thụ. Các nền tảng biết điều đó và liên tục tấn công vào điểm yếu này để khiến người dùng luôn luôn ở lại trong thế giới của nền tảng.
Việc trải nghiệm quá nhiều thông tin trong một ngày không chỉ dẫn đến tình trạng khả năng tập trung sa sút, mà còn bào mòn tư duy. Tư duy là khả năng quan trọng nhất để chúng ta diễn giải về những vấn đề trừu tượng hay xây dựng các thói quen cũng cần nhiều thời gian để đạt được sự tinh thông.
Trên hết khi trải nghiệm quá nhiều thông tin bằng sự vô thức mà không phân biết nó là TỐT hay XẤU thì chúng ta thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải và dẫn đến những sự bộc phát thiếu kiểm soát ra bên ngoài. Chúng ta dễ dàng to tiếng hơn, bạo lực hơn và im lặng hơn khi không biết phải làm gì để thay đổi cả. Tuyệt vọng hơn là chúng ta muốn thay đổi nhưng không thể thay đổi. Não bộ đã quá quen thuộc với việc trải nghiệm thông tin nhanh và ngắn. Khi bạn không đáp ứng nó, bạn trở nên bất an và cảm thấy thiếu an toàn.
Vậy phải làm thế nào để thay đổi bản thân và thoát khỏi sự lệ thuộc và thao túng của các nền tảng?
Đơn giản thôi.
Hãy từ bỏ trải nghiệm NHANH thay bằng thói quen CHẬM.
Từ chối những tác động BÊN NGOÀI và quay về với giá trị BÊN TRONG.
Cuối cùng hãy chấp nhận TỪ BỎ một số thứ để CÓ ĐƯỢC một số thứ giá trị hơn.
Trải nghiệm thật tạo nên cuộc sống thật và cuộc sống thật tạo nên ý nghĩa của cuộc đời bạn
Điều cơ bản để có thể trao đổi, chuyện trò trong hàng giờ đồng hồ với bất cứ ai bạn gặp là bạn phải là người có TRẢI NGHIỆM trực tiếp về những gì mình nói chứ không chỉ là xem hay đọc về nó. Cách bạn nói về một cuốn sách, một bộ phim, chăm sóc một chú mèo hay một câu chuyện thường ngày nó khác hoàn toàn với những gì trên mạng xã hội hay truyền thông đem đến.
Điều khó khăn ở đây ngăn cản bạn tạo ra những trải nghiệm và thông tin từ chính mình là nó không hề dễ dàng. Nó cần thời gian. Nó cần sự kiên nhẫn. Và trên hết nó cần bạn thừa nhận giá trị của mình. Nó cần bạn hiểu mọi thứ có ý nghĩa được cấu thành từ những giá trị bên trong chứ không phải bên ngoài. Cái bên trong đó là chính bạn và những gì bạn lựa chọn, làm chủ và biến thành hành động.
Và cuối cùng, hãy từ bỏ những cái nhanh và ngắn thành bằng những cái chậm nhưng thẩm thấu tới tận xương tuỷ bạn.
Hãy đọc sách thay vì đọc mạng.
Hãy viết cái gì đó vì tìm kiếm thông tin.
Hãy tập luyện thay vì nằm cả ngày để xem phim.
Hãy nói chuyện với nhau dù chỉ là những câu nói vụng về nhất. Đừng im lặng. Đừng câm lặng khi gặp bất cứ ai.
Và hãy chấp nhận sự khó chịu của tất cả những việc này. Giá trị của chúng đến rất chậm, rất lâu và không thể đoán trước. Nhưng nó thay đổi cuộc đời bạn. Nó cứu rỗi mọi thứ quan trọng nhất với bạn. Và nó biến đổi bạn mãi mãi.
Tác giả: Đức Nhân
Biên tập: THĐP