27 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 99

Làm sao để tạo nên điều lớn lao?

0

(1157 chữ, 5 phút đọc)

Trong một khoảng lặng yên bỗng em hỏi tôi: “Dú, làm sao để tạo nên điều lớn lao?” Tôi trả lời em như tôi hằng nghĩ, rằng muốn làm điều lớn lao thì trước tiên phải suy nghĩ lớn hơn vấn đề của bản thân mình đã. Rằng chúng ta phải giải quyết được vấn đề của càng nhiều người, thì điều đó là một điều lớn lao. Thoát khỏi tinh thần vị kỷ, người ta làm vì tha nhân, đó là viên đá đầu tiên xây nên điều kỳ vĩ. Có lẽ vì lẽ đó mà ngài Gandhi đã nói rằng:

“Con người trở nên vĩ đại theo đúng mức độ mình làm vì lợi ích của đồng loại.”

Nhưng tôi biết rằng, câu trả lời đó là chưa đủ. Đó chưa hẳn là cần một câu trả lời tròn vẹn, mà sâu sa hơn là một ý muốn tìm phương cách của mọi người trẻ tuổi. Thật ra, lớn lao ở đây không hẳn là điều vĩ đại, mà nó còn hàm chứa những ý nghĩa thuần khiết về đạo đức, sự cống hiến dấn thân của một người để sự hiện hữu của họ thêm phần ý nghĩa. Không cần so mình với một vũ trụ bao la vô hạn, mà chỉ cần chậm rãi ngước nhìn dòng sông là thấy phận người nhỏ bé đơn côi. Vậy thì, cái mong ước được làm điều gì lớn lao, được ghi dấu ấn của tuổi trẻ thật là một nguyện vọng đẹp đẽ và chính đáng phải không?

Thuở xưa, như mọi đứa bé tôi đã từng mơ mình là siêu anh hùng cái thế trừ gian diệt bạo, được cứu rỗi giúp đỡ muôn người. Nhưng khi lớn lên đứng trước sự giới hạn của một con ngưòi, tôi hiểu rằng để làm nên sự lớn lao là một điều khó khăn vạn nẻo. Để giải quyết vẹn toàn vấn đề của bản thân thôi đã là một nỗ lực không ngừng, đừng nói chi đến việc giải quyết vấn đề của người khác. Tuy nhiên, có một bí mật bạn cần biết, đó là nếu chúng ta chỉ chăm chăm giải quyết vấn đề của bản thân thì chúng ta mãi mãi bị thao túng bởi những suy nghĩ thiển cận hẹp hòi, và nó sẽ khó bề ổn thỏa. Khi bạn mở rộng tư duy giải quyết được vấn đề lớn hơn như của tha nhân, bạn vô tình sẽ mở được cánh cửa để xử lý vấn đề cá nhân mình một cách nhẹ nhàng nhất.

Nhìn thấy sự lớn lao của người khác đang làm, trân trọng nó cũng là cách để nhìn nhận lại sức mạnh của bản thân. Một người khi không thể nhìn thấy sự lớn lao trong hành động và thành quả của người khác sẽ mãi mãi đóng đinh sự nhỏ bé của bản thân họ. Điều đó khiến họ mãi xoay vòng trong nỗi khổ đau vị kỷ. Bạn không nhìn thấy sự lớn lao của cha mẹ dành cho mình, không thấy và trân trọng nỗ lực của người thân thương, đồng nghiệp, cá nhân khác trong việc họ mang lại cho mình những lợi ích, nền tảng, những sự vụ liên đới đến bản thân mình thì bạn sẽ không thể làm điều gì trở nên ý nghĩa, lớn lao hơn. Bạn sẽ trở thành kẻ tàn phá mọi nỗ lực của chính bản thân mình một cách tàn nhẫn và ngu dại nhất.

Và câu hỏi “Điều gì là điều lớn lao” sẽ là câu hỏi, nó sẽ được trả lời liên tục bằng hành động thiết thực của một con người. Có phải là người mở ra một công ty giải quyết công việc cho hàng trăm nghìn người? Hay là người sáng tạo nên một sản phẩm giải quyết nhu cầu của số đông nhân loại? Một nghệ sĩ sáng tác một tác phẩm rung động trái tim vạn người khiến họ suy tư và được an ủi hơn? Một diễn văn, hệ thống triết lý gây được cảm hứng, dựng nên nền tảng cho con người trở nên văn minh và tốt đẹp hơn? Tất nhiên, mọi sự lớn lao đều cần thời gian kiểm định. Không phải cứ mở ra công ty cho hàng trăm vạn người có công ăn việc làm, hay kêu gọi trăm vạn người đứng lên khởi nghĩa bạo động là điều lớn lao vĩ đại. Nó chỉ lớn lao khi việc này giúp con người có một đời sống tốt hơn, nhân văn hơn chứ không biến con ngưòi trở thành nô lệ kiểu mới cho lòng tham, danh vọng vĩ cuồng của các cá nhân, tập thể, thể chế.

Nhìn xem các khu công nghiệp khổng lồ đã tàn phá môi sinh của cả một vùng, làm mất cân đối hệ sinh thái, khủng hoảng nghành nghề mà các nhóm lợi ích đã và đang cấu kết để bóc lộc người dân bản địa cho lợi ích của họ. Những chủ thuyết về tôn giáo, hay chủ thuyết về giai tầng xã hội cộng sản, tưởng như giải quyết được sự bất công cho hàng triệu con người cùng khổ lại gây nên một bi kịch có tính thời đại của nhân loại.

Ở đây, sự thật về hành động, tư duy đã bị che đậy bởi những tham vọng về quyền lực và danh vọng của những con người si mê vô đạo. Tôi nhớ văn hào Lev Tolstoy có nói rằng không có sự vĩ đại nào thiếu đi sự giản dị, lòng tốt và sự thật. Và đó, cũng là cơ sở để đánh giá sự vĩ đại hay tội ác của những kẻ gây nên cuộc chiến, những cuộc cách mạng, những thay đổi mang tính huỷ diệt, băng hoại xã hội đương thời và phá huỷ những nền tảng tốt đẹp mà nhân loại đã và đang vun đắp.

Như vậy, để cuộc đời trở nên ý nghĩa thiêng liêng hơn có phải là chúng ta nên hành động với một tâm thế trân trọng lớn lao dù là việc nhỏ nhặt nhất, còn hơn chúng ta làm điều to tát với những nỗi hẹp hòi vị kỷ tham lam? Tôi không rõ, nhưng tôi nghĩ rằng mọi nỗ lực kiên trì thực hiện niềm tin tốt đẹp của mình đều là những điều lớn lao.

Tác giả: Nguyễn Việt Triều

*Featured Image: skeeze 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Con người tự co mình lại và biến thành những tinh cầu cô độc

(527 chữ, 3 phút đọc)

Khi một người đàn ông quyết định ôm bom giết người là lúc anh ta đã bị tách mình ra khỏi đám đông còn lại. Ý muốn huỷ diệt thế giới xuất hiện khi kẻ đó bị mất đi kết nối. Một bên là bản ngã của kẻ đang u mê và một bên là tất cả những gì còn lại, không liên quan, không dính líu, không tình yêu, không ánh sáng. Nhiều đôi vợ chồng trở nên căm ghét, hận thù, hãm hại nhau mà chẳng hiểu lý do vì sao.

Bản chất của cuộc sống là sự kết nối. Người ta thấy mình lạc lõng giữa nhân gian là bởi vì những mối quan hệ đều hời hợt, rời rạc. Mỗi con người co mình lại và biến thành tinh cầu cô độc, lạnh lẽo giữa vũ trụ bao la, mênh mông, quạnh quẽ.

Trong thời của công nghệ thông tin, ta có thể nói chuyện với ai đó xa lạ ở bên kia đại dương hoặc tận sao Hoả nhưng tâm hồn lại bị chia cắt ngay với người thân bên cạnh mình, và tệ hơn, là chia cắt với chính bản thể của mình.

Ba: CR con nhìn nè, chiếc xe sẽ không có giá trị nếu như không có con đường.
CR: Vậy con đường không có giá trị nếu không có người đi trên đó hả ba?

Những sợi dây vô hình liên kết chúng ta vào nhau, vào cuộc sống, vào tất cả mọi mối quan hệ quanh mình mà đôi khi chúng ta thấy bình thường đến mức không để tâm.

Một hôm rảnh rỗi, tôi thử mò phần mềm record (ghi âm) trên điện thoại. Bất kể ta không nói gì, ngồi thật lặng yên, vẫn thấy được các xung động, các bước sóng ghi liên tục vào phần mềm, một hơi thở rất nhẹ cũng làm thay đổi đi hình ảnh sóng hiển thị trên màn hình.

Sinh mệnh vì thế mà thiêng liêng như hơi thở, bởi ta không thể tách rời bất cứ điều gì xung quanh: Không khí, tế bào, nắng, gió, nước… Khi bản thể bị đứt rời khỏi những sợi dây liên kết, con người cảm thấy luôn thiếu thốn, càng có nhiều càng tham luyến mà chẳng hiểu vì sao.

Chúng ta chỉ thấy được sự mù quáng và dã man của kẻ giết người mà không thấy được nguyên nhân sâu thẳm của nội tâm u tối đã tạo nên một thế giới bị tàn phá. Nội tâm như cây bị đứt rễ, ngày một khô héo, lụi tàn. Nên tôi không ngạc nhiên gì khi xung quanh có lắm kẻ đi đào xới, chặt phá, huỷ diệt mọi thứ xanh tươi, đẹp đẽ không thương tiếc, vì nội tâm của họ đã bị tách rời, bơ vơ, trơ trọi.

Mất kết nối với bản thân và với thế giới thì sống hay chết cũng như nhau. Nếu như tạo hoá mang cái chết đến, đơn giản là bởi vì mọi sợi dây nối đã biến mất, sống lâu khi đó thực ra lại là một bi kịch.

Tác giả: Casabac0816

*Featured Image: Free-Photos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Điên rồ và phản kháng

0

(577 chữ, 3 phút đọc)

Tôi thấy cuộc sống này thật điên rồ. Hầu như mọi người ai cũng đang sống một cách tầm thường và phi lý.

Điên rồ không như điên của người bị bệnh thần kinh, mà là điên rồ trong chính sự tự nhận mình độc đáo, khác biệt, tự do. Cái điên rồ chính là một mặt tự nhủ mình là một cá thể có nhân vị tư do, một chủ thể rất độc đáo và huyền bí nhưng lại sống một đời sống chẳng khác nào con vật, cỏ cây, và những vật vô tri khác.

Tính Hiện Sinh bị đánh mất trong sự sống tầm thường, và phi lý đó. Sáng ăn, đi làm, chiều về ăn rồi ngủ. Trai đến tuổi lấy vợ, gái lấy chồng, rồi lao vào cuộc sống như bao thể hệ khác. Cuộc sống đơn điệu, tầm thường đó có chút rung động bởi được làm tình, lấy được chút sự nghiệp, gom góp được chút tiền trong tài khoản tiết kiệm, còn lại chẳng có gì khác cuộc sống của con côn trùng ngoài kia. Chưa kể, nhiều người sống mà không biết đến sự siêu việt, tự do của mình nhưng lại sống như một thứ được lập trình sẵn, một con robot trong guồng máy xã hội. Sự điên rồ chính xác là sống cuộc sống robot, như những xác sống đó nhưng lại nghĩ mình có tự do, mình độc đáo, mình độc lập.

Sự điên rồ của cuộc sống này chính là sống hình ảnh phóng chiếu. Những con số 90 triệu người trên cái đất nước này, thực ra có mấy ai là người, sống một đời sống với đầy ý thức và tự do. Hầu hết chỉ sống như những cái bóng của lãnh đạo, lãnh tụ, thần tượng, của các giáo điều cứng nhắc và tàn bạo. Cuộc sống đó chỉ là sự sinh tồn, một sự vật lộn đầy tính tầm thường chỉ mong sống cho lâu và rồi chết. Một cái bản sao, một con số thống kê chẳng khác nào những viên gạch, những cái bánh được làm ra từ một cái khuôn. Thế mà họ lại tự cho là họ đang sống, đang tự do, đang hạnh phúc. Ôi, tự do theo kiểu ai cũng làm vậy, thì tôi cũng làm, ai cũng nghĩ vậy thì tôi cũng nghĩ. Đó không phải là sống trong với đầy đủ ý thức về sự hiện hữu của mình, về tính khác biết của mình, về sự độc đáo của mình, đó là sống tầm thường một cách ngớ ngẩn.

Họ nghĩ mình độc đáo nhưng lại sống một đời sống của con vật, cỏ cây. Đó chính là sự điên rồ của cuộc sống con người thời nay – một cái điên rồ thiếu tính phản kháng.

Tính phản kháng là sự tự thúc đẩy bản thân vươn lên tới nhưng điều vượt ra khỏi sự tâm thường của sự áp đặt xã hội, chính quyền và cả những quan niệm truyền thống. Phản kháng không phải là sự đạp đổ mọi giá trị cũ, không phải là phá phách ngang tàng như kẻ thích phá hoại mà không biết đến xây dựng. Tính phản kháng là sự truy vấn những gì được cho là chân lý, cái đám đông cùng nghĩ, cùng làm.

Phản kháng là tính chất đầu tiên của tự do, một đặc tính hiện sinh của con người.

Tác giả: Bình Minh

*Featured Image: ColiN00B 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tốt bụng có phải là ngu ngốc?

5

(840 chữ, 3 phút đọc)

“Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy.”
– Mark Twain

Khi còn là một cậu bé, tôi luôn được người lớn dạy bảo phải sống tốt bụng với mọi người, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, như câu ca dao “lá lành đùm lá rách.” Lớn lên tôi mới biết những thứ họ nói với tôi lúc còn nhỏ cũng giống như một câu truyện cổ tích kể cho vui chứ không hề có thật trên đời này. Lòng tốt bụng thực sự là một thứ rất rất xa xỉ ở thời đại ngày nay. Tôi thấy con người sống với nhau đa phần bằng tiền chứ không bằng tình, không cần biết ai là người tốt, ai là người xấu, đúng hay sai, chỉ cần là người có tiền thì người đó đúng.

Người khác luôn cười nhạo mỗi khi tôi vô tình nhắc đến lòng tốt bụng, và thường sẽ có những câu hỏi giễu cợt như: Lòng tốt bụng có giúp tôi no không, có giúp tôi giàu không? Thường thì mọi người luôn mở miệng chê tôi là một thằng ngu đần, nói tôi khờ khạo quá bị người khác dụ mỗi khi tôi giúp đỡ người khác. Có một nhận định sai lầm đã ăn sâu vào trong ý thức của họ, rằng người tốt bụng hay giúp đỡ người khác đồng nghĩa với người ngu ngốc. Nhưng tôi nhận ra người tốt bụng và người ngu ngốc là hoàn toàn khác nhau. Khi một người gian trá gặp khó khăn vì làm sai, phải nhờ cậy người ngu ngốc nhưng nói dối lý do để che đậy cái sai của mình. Người ngu ngốc sẽ vui vẻ đồng ý giúp đỡ mà không hay biết mình bị lừa. Cũng trường hợp tương tự, người gian trá nhờ cậy người tốt bụng. Người tốt bụng cũng vui vẻ giúp đỡ nhưng có điểm khác biệt là người tốt bụng biết rằng người kia đang nói dối để lừa mình, vậy mà vẫn sẵn sàng chấp nhận để giúp đỡ người gian trá kia lúc khó khăn.

Ở thời đại này, vẫn còn tồn tại một nhóm người luôn luôn khuyên nhủ người khác làm việc tốt, việc thiện. Họ tự nhận mình tôn giáo, một tòa án phán xét việc làm của con người. Nhưng trong mắt tôi, bọn họ không tốt lành bằng người bình thường, vì họ dạy người khác gian trá hơn là tử tế thực sự. Chưa kể, họ còn che đậy nó một cách rất tinh vi khiến người khác không nhận ra.

Ki tô giáo dạy con người phải làm việc tốt để sau khi chết sẽ được lên thiên đường sống sung sướng, Phật giáo dạy con người phải làm việc tốt để sau khi chết kiếp sau sẽ sống sung sướng hơn. “Phải làm” từ này đã thể hiện sự bắt buộc rồi, làm việc tốt mà bị gượng ép thay vì tự nguyện làm, thì đó chỉ sự giả dối của tâm trí thôi. Làm việc tốt để được cái này, cái nọ thì đó là một sự mặc cả tính toán.

Vậy mà những người tôn giáo này lại dạy những người khác làm việc tốt giả tạo và gọi nó là thiêng liêng, là lòng từ bi. Cái họ dạy những người khác là tham lam, gian trá chứ đâu phải lòng tốt bụng thực sự xuất phát từ sự chân thành của con người.

“Khi bạn làm điều gì đó cao thượng và tốt đẹp và không ai để ý thấy, đừng buồn. Bởi mặt trời mỗi sáng đều là một cảnh tượng kỳ diễm và thế mà hầu hết khán giả vẫn đều đang ngủ.” (When you do something noble and beautiful and nobody noticed, do not be sad. For the sun every morning is a beautiful spectacle and yet most of the audience still sleeps.) – John Lennon

Với tôi lòng tốt bụng thực sự là giúp đỡ người khác mà không mục đích để làm gì, không mặc cả tính toán xem mình được lợi gì và mất gì, không suy nghĩ rằng đây là một sự gia ơn mà sau này đòi đền đáp trả lại, giúp đỡ người khác mà không kể công, không phô trương thể hiện sự giúp đỡ của mình để chứng tỏ với mọi người mình là người tốt bụng. Đó chỉ đơn giản cho đi mà không cần nhận lại, giúp đỡ người khác xem việc đó bình thường không có gì to tát, xem là việc “nên làm” chứ không phải “phải làm”, thậm chí không phân biệt đâu là giúp người đâu là hại người xem việc giúp đỡ người khác chỉ là hành động đơn thuần. Đôi khi, lòng tốt bụng thực sự không cần biểu lộ qua hành động mà chỉ đơn giản một nụ cười là đủ.

Tác giả: Khongcoten

*Featured Image: danigeza 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Translation™] Việt Nam đang giảm phát khí thải cacbon bằng cách chuyển hoá chất thải chăn nuôi thành năng lượng

0

exclusive

(1093 chữ, 4.5 phút đọc)

Bà Lê Thị Vinh từng phải nấu nướng trong một gian bếp ám khói, bếp lò bằng đất bám đầy bồ hóng. Điều này thay đổi vào cuối năm 2016, khi bà ngừng sử dụng củi và chuyển sang khí sinh học được tạo ra từ chất thải của 46 con lợn bà nuôi. Lượng khí sinh học này đủ để cho một gia đình bốn người nấu được ba bữa ăn một ngày. Nhưng chi phí không hề rẻ – số hầm ủ cần thiết để tạo ra khí sinh học tốn khoảng 600 đô la để xây dựng, gấp 5 lần thu nhập 3 triệu đồng (130 đô la) mỗi tháng của bà Vinh.

Bà Vinh, một nông dân 53 tuổi, là một trong số 7 triệu người sống ở Hà Nội, là thủ đô và thành phố đông dân thứ hai của Việt Nam. Thành phố này tràn ngập xe máy, khoảng 5 triệu chiếc, bóp nghẹt không khí và gây ách tắc giao thông.

Nhưng Hà Nội đang thay đổi. Ngoài kế hoạch đầy tham vọng cấm xe máy vào năm 2030, Hà Nội là một trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đang chuyển sang sử dụng khí sinh học để nấu ăn. Bà Vinh đã sử dụng tiền tiết kiệm của chính mình và vay tiền từ người thân để xây dựng hầm ủ. Đây là một phần trong chương trình được tài trợ bởi Chính phủ Hà Lan và Energising Development – một công ty hợp danh do 6 quốc gia cấp vốn, sử dụng một công nghệ địa phương bắt nguồn từ Trung Quốc. Mục tiêu của việc sử dụng khí sinh học là để được hít thở không khí sạch hơn, đồng thời chống lại biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.

biogas-vietnam-e1531877128844
Photo: Quartz/Echo Huang

Giống với phần còn lại của thế giới, Việt Nam cần giảm phát thải khí nhà kính. Ngành chăn nuôi đóng góp khoảng 5% GDP của Việt Nam – với sản lượng thịt lợn đứng thứ 6 trên thế giới. Nếu không được quan tâm đúng mức, chất thải từ đàn lợn không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn phân hủy tạo thành khí mêtan. Đốt mêtan lại tạo cacbon điôxit, một loại khí nhà kính, nhưng nếu cứ để mêtan thoát ra tự do thì mọi chuyện còn tệ hơn, vì mức độ hâm nóng trái đất của mêtan cao gấp 84 lần so với CO2.

The-pigs-Le-thi-Vin-raises-in-Hanoi-Vietnam--e1531877148533
Photo: Quartz/Echo Huang

Hơn nữa, những người không sử dụng khí sinh học sẽ chủ yếu dựa vào bếp đốt củi, và cách làm này giải phóng những hạt cacbon mịn vào không khí. Những hạt này dễ dàng lọt vào phổi người và có thể gây bệnh, chẳng hạn như  ung thư phổi hay bệnh tim. Ô nhiễm không khí trong nhà do những cách thức nấu nướng kém hiệu quả giết chết gần 4 triệu người ở các nước nghèo mỗi năm.

Như vậy, hệ thống khí sinh học của bà Vinh là một biện pháp đôi bên cùng có lợi trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm không khí trong nhà. Đó là lý do tại sao khí sinh học cực kì phù hợp với Việt Nam, nơi 60% dân số vẫn sống ở nông thôn. Năm 2003, tổ chức phi chính phủ SNV của Hà Lan đã bắt đầu giúp Việt Nam xây dựng những hầm ủ khí sinh học để lưu trữ chất thải động vật tại sân sau của các gia đình. Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có khoảng 170.000 hầm ủ khí sinh học, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, một cố vấn chương trình tại SNV ở Việt Nam.

Những hầm ủ khí sinh học, với kích thước trung bình 12 m², đang giúp Việt Nam giảm 1,3 triệu tấn khí thải cacbon mỗi năm, theo bà Hà. Việt Nam đã thải ra 230 triệu tấn khí thải cacbon trong năm ngoái, chiếm khoảng 0,7% trong tổng số 32,5 tỷ tấn khí phát thải toàn thế giới.

Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, diễn ra từ năm 2003 đến năm 2012, một gia đình Việt Nam được nhận một khoản trợ cấp 100 đô la để xây dựng hầm ủ khí. Trong giai đoạn 2, từ năm 2013 đến năm 2016, SNV đã có những tính toán để toàn bộ quá trình trở nên bền vững hơn, chẳng hạn như thuê nhân công địa phương thực hiện công việc xây dựng. SNV cũng đã làm việc với các ngân hàng địa phương để cho vay lãi suất thấp nhằm giúp người dân xây dựng hầm ủ khí. Tổ chức này hy vọng giai đoạn cuối cùng (đã bắt đầu vào năm ngoái) của dự án sẽ cải thiện chất lượng của các hầm ủ khí sinh học được xây lắp.

Nhưng SNV cũng hiểu rằng sự biến động trong thị trường thịt lợn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công của dự án hầm ủ khí sinh học. Trong năm 2017, giá thịt lợn trong nước giảm một nửa sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu lợn sống từ Việt Nam, làm chậm quá trình xây lắp các hầm ủ khí, theo bà Hà. Ông Hoàng Văn Tân, 42 tuổi, người đã xây ít nhất 1000 hầm ủ khí sinh học từ khi làm công việc này từ 7 năm trước, cho biết vào năm 2015 ông xây được 10 hầm ủ mỗi tháng, nhưng từ khi giá thịt lợn giảm, mỗi tháng ông chỉ còn xây được 2-3 hầm.

Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Một mặt, cơ quan quản lý năng lượng của Việt Nam cho biết đất nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong 5 năm tới, khi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Để vượt qua thách thức đó, họ đã tăng thêm các loại nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá (pdf, p.2), trong nguồn nhiên liệu sản xuất điện. Mặt khác, Việt Nam cần cắt giảm lượng khí thải. Một cách để đạt được yêu cầu này là sử dụng bổ sung năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió để sản xuất điện. Nếu dự án khí sinh học SNV tiếp tục hoạt động và phát triển, nó có thể trở thành một hình mẫu về cách các dự án năng lượng tái tạo được phát triển nhờ sự hỗ trợ từ nước ngoài tại một đất nước đang phát triển.

Tác giả: Echo Huang – Quartz
Biên dịch: Sang Doan
Hiệu đính: Dương Tùng

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Gatsby vĩ đại – Nơi bạc tiền phù phiếm lên ngôi

1
thđp review

“Gatsby chỉ là đại gia. Người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại.”

Dịch giả Trịnh Lữ đã nói vậy ở phần cuối cùng của bản dịch. Tựa sách The Great Gastby được ông chuyển dịch thành Đại gia Gastby. Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm trên của ông Trịnh Lữ sau khi thưởng thức cuốn sách. Đấy là chưa kể, “đại gia” và “vĩ đại” là hai từ quá chênh lệch nhau về ý nghĩa. Vậy nên trong suốt bài review này, tôi xin được gọi tên tác phẩm là Gatsby vĩ đại.

Tôi đã đọc sách và xem bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết kinh điển nhất thế giới này và thấy rằng những gì được truyền tải trên màn ảnh rất trùng khớp với nội dung tác phẩm gốc. Vai diễn Gatsby do tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio thủ vai có độ chính xác đáng nể so với mô tả về chân dung của nhân vật này trong cuốn sách – một kẻ tin rằng mình là Đức Chúa Con được giao một sứ mệnh thiêng liêng khi sống trên cõi trần. Sự phức tạp trong con người Gatsby là sự đan cài chồng chéo của nghị lực phi thường vượt lên trên số phận, nét cô đơn sâu thẳm giữa những xô bồ của đám đông, sự dối trá chỉn chu nhằm che đậy những góc tối bên trong cõi lòng và sự mơ mộng đầy ám ảnh về tình yêu và những phồn vinh hào nhoáng của cuộc đời.

Hình ảnh Gatsby nâng cốc rượu và nở một nụ cười đã trở thành một trong những chi tiết bất hủ của cả cuốn sách và bộ phim.

 “Đó là một trong những nụ cười hiếm hoi có cái phẩm chất khiến ta thấy yên lòng mãi mãi, có lẽ cả đời chỉ gặp được bốn năm lần. Nó chỉ hướng ra toàn bộ thế giới bên ngoài một khoảnh khắc thôi – hoặc có vẻ là như vậy – rồi tập trung hết vào ta với một mối cảm tình không thể cưỡng lại được. Nó hiểu ta vừa đến mức như ta muốn người khác hiểu mình, tin ta đúng như ta vẫn muốn tin ở mình, và khiến ta tin chắc rằng nó có đúng cái ấn tượng tốt nhất về ta mà ta vẫn hy vọng gây được ở đời.”

Bên cạnh đó, chân dung của một nhân vật nữa cũng để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu sắc đó là nàng Daisy Buchanan – mối tình cuồng si của Gatsby vĩ đại. Nàng có một giọng nói mê hoặc, đắm say và ngây thơ lạ kỳ, như lôi cuốn người ta vào trong miền ngọt ngào đầy bí ẩn của tính nữ. Có một nét gì đó vừa hờ hững vừa nồng nhiệt nơi nàng. Khi được phủ lên bởi sự xa hoa, lơi lả của bạc tiền và nhung lụa, nét quyến rũ của Daisy càng khiến tôi ám ảnh mê man. Nhưng cũng chính sự lạnh lùng và bạc bẽo của nàng ở tận cùng câu chuyện dành cho Gatsby khiến tất cả những ấn tượng ngọt ngào xinh đẹp về người phụ nữ này sụp đổ.

 “Tim ông đập nhanh mãi lên khi gương mặt trắng ngần của Daisy rướn lên sát mặt ông. Ông biết rằng khi ông hôn cô gái này, và gắn kết những viễn tưởng không tả xiết của mình với hơi thở rồi sẽ lụi tàn của nàng như một hôn phối miên viễn, tâm trí ông sẽ không bao giờ được vô vẻ vô tư như tâm trí Đức Chúa Cha được nữa. Cho nên ông nán lại một khoảnh khắc để nhận được cái âm hưởng đồng điệu gửi tới mình từ một vì sao. Rồi ông hôn cô. Khi môi ông chạm tới, cô vội vàng nở hết như một đóa hoa dành riêng cho ông, và cuộc đầu thai thần thánh đã hoàn tất.”

Tác phẩm Gatsby vĩ đại lấy bối cảnh nước Mỹ thời kỳ hoàng kim những năm 1920 khi nền kinh tế nước này phát triển đến đỉnh điểm của sự thịnh vượng và rồi mau chóng kết thúc trong cuộc đại suy thoái năm 1929. Nội dung cuốn sách kể về cuộc đời đầy biến động của nhân vật Jay Gatsby – người nhanh chóng trở thành đại gia nhờ những hoạt động kinh doanh phi pháp mang lại lợi nhuận khổng lồ. Điểm nhấn lớn nhất trong cuộc đời Gatsby là mối tình nồng say đầy day dứt với Daisy – điều đã làm tan hoang tất thảy mọi giấc mơ Gatsby đã ôm giữ trong suốt cuộc đời và dẫn chàng tới kết cục chua cay nhất. Vậy là, câu chuyện muôn thuở “anh hùng không thoát khỏi cửa ải mỹ nhân” lại được tái hiện trong tác phẩm kinh điển này.

Cuộc đời của Gatsby được kể lại qua lời văn của người hàng xóm Nick Carraway – anh họ của Daisy, người bạn duy nhất của Gatsby và cũng là người đã giúp đôi tình nhân này gặp lại nhau sau năm năm chia cắt. Dưới góc tiếp cận của Nick, Gatsby được dần dần hé lộ từ những khoảnh khắc thưa thớt xuất hiện trên khung cửa sổ hay đứng mơ màng nơi bến tàu cho tới khi họ gặp gỡ nhau, nghi ngờ nhau rồi tin tưởng nhau đến tận cùng trái tim. Rồi kể từ đó, tất cả những manh mối về cuộc đời Jay Gatsby đều được chàng hé lộ với Nick trong cuộc nói chuyện (mà cả hai không biết là) cuối cùng của hai người.

Đối với tôi, điều xúc động nhất ở trong cuốn sách này không phải là tình yêu của Gatsy với Daisy, mà là tình bạn giữa chàng và Nick Carraway. Hai người họ mới thật sự là những kẻ tri âm tri kỷ, nơi mọi toan tính hay lo sợ không còn, nơi sự chân thực được phơi bày trong những lời tâm sự về những góc phần sâu xa, tăm tối nhất của bản thân. Và rồi đến giờ phút cuối cùng, người bạn chí tình chí cốt ở lại, còn người yêu hương gió lại biệt tăm đầy bạc bẽo.

Các câu chuyện lần lượt được mô tả một cách vừa hờ hững mỉa mai, vừa chua chát tuyệt vọng. Có một điều gì đó bí ẩn sâu xa luôn được giữ lại trong tâm tư của Nick – người đàn ông ba mươi tuổi này, khiến cho thế giới bên trong tác phẩm cùng với các nhân vật khác đi cùng đều trở nên mê mờ như khoác lên một tấm màn trắng cách ly đầy vẻ nghi hoặc. Mỗi người đều mang trong mình mỗi nỗi tâm tư, một niềm khát vọng hay ham muốn riêng biệt và tìm mọi cách để đạt được chúng. Nhưng rõ ràng nhất trong số đó chỉ có Gatsby, chàng là người duy nhất được miêu tả trực tiếp vào thế giới nội tâm, còn những kẻ khác đều chỉ được Nick Carraway tường thuật khách quan vẻ bề ngoài. Có lẽ, đây chính là cách tác giả diễn đạt những phù phiếm, xa hoa của xã hội Mỹ trong giai đoạn đồng tiền được phất lên tột đỉnh.

Bên cạnh đó, những bữa tiệc Gatsby tổ chức trong dinh thự của mình, thu hút mọi bướm ong hào nhoáng về tụ hội cũng thể hiện mạnh mẽ sự băng hoại về đạo đức và phẩm chất bên trong của con người trong thời đại hưởng thụ, tiêu pha. Nhưng tất cả những kẻ được hưởng đón lòng hiếu khách của Gatsby lại bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng những lời buộc tội quái gở ngay trong chính ngôi nhà của chàng và tuyệt nhiên vắng mặt trong đám tang của bậc triệu phú.

Sự mỉa mai đạt đến điểm cùng tận khi lối sống hời hợt, buông thả, suy đồi, trọng vật chất hơn tinh thần của con người trên mảnh đất Mỹ được miêu tả ngay bên cạnh tình yêu thuần khiết của Gatsby dành cho nàng Daisy và tình bạn không suy chuyển của chàng dành cho người hàng xóm Nick Carraway ấy.

Hình ảnh Gatsby mê mẩn ngắm đốm sáng xanh (the green light) hàng đêm phát ra từ bến tàu nhà Daisy ở phía đối diện đã đi vào huyền thoại. Nó thể hiện khao khát cháy bỏng khôn nguôi của chàng vươn tới những ước mơ tuyệt mỹ được ấp ủ nuôi nấng hàng đêm trước khi đi vào giấc ngủ, trong đó có việc dựng lại những ký ức ngọt ngào với người chàng đã coi là vợ. Hay nói một cách ngông cuồng hơn đó là lặp lại quá khứ, bất chấp rằng điều đó vượt ngoài tầm tay.

Cái kết của Gatsby được mô tả một cách chóng vánh và hờ hững, đối lập hoàn toàn với những ồn ào cuồng nhiệt của những bữa tiệc xa xỉ trong lâu đài của chàng. Cái kết này như một sự vụt tắt đột ngột chẳng hề báo trước của những ước mơ, những toan tính của loài người bé nhỏ. Nó cũng được coi như một sự tiên đoán ngầm của tác giả về cuộc đại suy thoái của nền kinh tế Mỹ sẽ mau chóng diễn ra sau những điểm cực phồn vinh thịnh vượng.

Xét về nghệ thuật miêu tả thì quả thực Gatsby vĩ đại là một viên ngọc sáng. Nhưng ấn tượng về nội dung để lại trong tôi không nhiều ngay sau khi thưởng thức xong, nếu không nói rằng tôi đã cảm thấy cuốn sách khá vô vị, tẻ nhạt. Tưởng rằng mình sẽ không viết gì hết về nó và chuyển sang đọc một cuốn sách khác, nhưng chuyện đó lại chẳng hề xảy ra. Vì cứ dần dần qua từng ngày hồi tưởng lại những chi tiết, tôi lại nhận thấy được những ý tưởng sâu xa hơn trong Gatsby vĩ đại. Chính nét nguội lạnh, hững hờ của cuốn sách là tấm màn che giấu đi những điều đậm đà và thâm thúy. Quả thực, đoạn đường đi tới trái tim của tác phẩm hay trái tim của một con người trong thời kỳ bạc tiền phủ vùi đôi mắt không dành cho những kẻ thiếu sự kiên nhẫn và lắng nghe.

Rất khó để có thể nắm bắt và thấu hiểu được toàn bộ những tầng lớp ý tứ của cuốn sách này. Gatsby, Daisy, nụ hôn, đốm sáng xanh, chiếc xe hơi màu vàng, đôi mắt của ông bác sĩ, những cái chết,… – hàng loạt các biểu tượng nối đuôi nhau cứ đeo bám tôi mãi không yên. Có lẽ, tôi cần thêm nhiều thời gian để đọc lại (không chỉ một lần) để có thể hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm lừng danh này. Đến bây giờ, Gatsby vĩ đại vẫn là một sản phẩm văn học đầy phức tạp và ám ảnh. Xin được miễn phần cho điểm với kiệt tác này.

 “Gatsby đã tin vào cái đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta ngày này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn… Rồi một sáng đẹp trời…

Chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

[Điểm sách] Siddhartha, Hermann Hesse – Một tiếng “Om” toàn thiện

1

(2545 chữ, 10 phút đọc)

Tôi, một kẻ ngông cuồng với đạo, thường muốn tìm ra lỗ hổng trong lời nói của những kẻ sùng đạo để khinh miệt đã vô cùng hài lòng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách nổi tiếng được cho là ẩn chứa triết lý Phật Giáo Đại thừa. Tưởng rằng đây sẽ là một tác phẩm văn học cổ sẽ rất khó đọc nhưng không, lời lẽ của tác giả rất hiện đại xong lại rất minh triết. Những chú thích rõ ràng giúp người đọc dễ hiểu và dễ đón nhận tác phẩm.

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Siddhartha là con trai của một Bà La Môn (tên gọi của những nhà vương giả, quyền quý thời ấy) sống trong thời kỳ của Đức Phật. Chàng trai từ thuở nhỏ đã anh tú, thông minh, sáng suốt và luôn đi trước các bạn cùng trang lứa một bước. Đồng thời bên cạnh Siddhartha còn có Govinda – một người bạn thân luôn ngưỡng mộ và đi theo Siddhartha.

Dù rằng Siddhartha dường như đạt được mọi điều giỏi giang hơn người nhưng vẫn luôn khao khát trong lòng muốn đi tìm chân lý, muốn biết được Đại Ngã.

Chàng rủ người bạn thân đến gốc cây để nhập định, ngồi thiền, luyện tập đọc tiếng “Om” toàn vẹn. Rồi chàng lại cùng người bạn ấy đi theo những nhà tu khổ hạnh, khao khát được làm sa môn đi tìm chân lý. Sau ba năm đi theo những nhà tu khổ hạnh, Siddhartha lại tự mình nhận ra một điều rằng những việc anh làm như tuyệt thực, luyện thở, những bài tập tự hành hạ thể xác mình chỉ là để chạy trốn trước tự ngã, tự làm mê muội trong chốc lát giữa nỗi đau đớn, giày xé của cuộc đời.

Sau đó không lâu, hai người bạn nghe được tin có vị thánh nhân đã giác ngộ, người toả hào quang, miệng luôn nở nụ cười, điềm đạm, an nhiên. Cả hai cùng lên đường tìm gặp, lúc này đây Govinda người bạn ấy đã đi theo làm đệ tử của Đức Phật còn Siddhartha cúi chào tạm biệt và đi tiếp con đường của mình vì chàng không muốn đi con đường của Đức Phật.

Trong một đoạn trò chuyện với Đức Phật, Siddhartha đã nói: “Giáo pháp của Phật, của Đấng Giác Ngộ hàm chứa rất nhiều, dạy rất nhiều, rằng phải sống ngay thẳng, tránh điều ác. Nhưng giáo pháp trong sáng ấy, đáng tôn kính ấy thiếu một điều: nó không chứa đựng sự bí nhiệm những gì Đức Thế Tôn, người duy nhất trong hàng trăm nghìn người, đã tự chứng nghiệm. Chính vì thế con lại tiếp tục du hành.” Siddhartha sợ rằng chàng sẽ biến đạo pháp, biến sự quy y, biến lòng kính yêu Ngài, biến tăng đoàn thành bản ngã của chính mình.

Liên hệ với ngày nay, đoạn này phản ánh đúng thực trạng của xã hội qua hàng ngàn thế kỷ rằng con người luôn mù quáng tin vào thánh thần, cúng bái lễ lộc, mặc trên người bộ quần áo lam, quy y Tam Bảo nhưng tâm hồn mãi không thể an tịnh, đạt được giải thoát. Tất cả chỉ là giả dối.

Sau khi bái chào Đức Phật, Siddhartha đến một dòng sông, nhìn màu xanh của trời, vàng của nắng, đỏ, tím,… Chàng quan sát và không hề phán xét. Chàng lắng nghe dòng sông chảy, tiếng chim hót và chàng nhờ người lái đò chở sang bên kia sông để tiếp tục cuộc du hành của mình.

Siddhartha gặp Kamala – một ả điếm và chàng xin nhận Kamala làm cô giáo dạy cho chàng thú hoan lạc đê mê của nhục dục, chỉ cho chàng cách để giàu sang phú quý.
Chàng đến phố thị, lướt qua những kẻ giàu sang, nghèo đói, trộm cướp với tư cách là một người quan sát. Quan sát mọi sự trên thế gian này, cuộc đời đưa đẩy chàng bắt đầu dấn thân vào vòng truỵ lạc. Nhờ những gì học được từ các sa môn mà chàng trở thành người giỏi giang, thông minh, coi việc kiếm tiền như trò chơi. Đôi lúc chàng nghe thấy tiếng vọng xa xăm trong thâm tâm nhưng rồi lại vội vụt tắt. Chàng chìm đắm trong cờ bạc, đưa mình từ một kẻ tài giỏi lắm tiền bậc nhất thành một kẻ cờ bạc, đàn điếm bậc nhất rồi cuối cùng thành kẻ bê tha bậc nhất.

Tôi cũng đồng tình với từng câu chữ của cuốn tiểu thuyết này. Chúng ta muốn giác ngộ, tự thân ta phải chứng nghiệm mọi điều. Giác ngộ, niết bàn không thể dạy qua sách vở, kinh kệ, không thể truyền tải bằng ngôn ngữ. Chúng ta phải thật sự trải qua mà không cần thiết có người thầy nào.

Siddhartha đã được học từ nhỏ rằng lạc thú thế gian chẳng phải điều tốt lành, nhưng chỉ là học thôi, chàng đã đi, đã tự mình dấn thân vào bẫy luân hồi và chàng cảm thấy may mắn vì đã được trải nghiệm. Đúng thế, trải nghiệm mới mang lại cảm giác rõ nhất, thật nhất. Chúng ta cũng vậy, không thể chỉ đọc sách, đọc kinh, ngồi thiền mà có thể giác ngộ. Ta phải trải qua hỉ, nộ, ái, ố; phải sống như một kẻ vô công rồi nghề, tiếp đó lại sống như một kẻ xa hoa bậc nhất, sống và đội hàng trăm lớp mặt nạ để biết chúng nhơ nhớp, xấu xa đến đâu, phải biết tận gốc rễ của cuộc đời này nhàm chán và vô nghĩa tột đỉnh.

Và rồi chàng mới bừng tỉnh cơn mê, chàng thấy mình trông thật khốn khổ. Nhớ lại ngày từng là một cậu trai quyền quý, thông minh, ngày mình từng là một sa môn khổ hạnh, từng đến học cách làm tình với Kamala, từng là một lái buôn giàu sang tiền tiêu như nước và giờ đây tất thảy đều như một giấc mộng.

Siddhartha đến bên dòng sông ngày ấy, ngủ quên và gặp lại người bạn năm xưa Govinda đệ tử của Đức Phật Cồ Đàm. Govinda không nhận ra anh nhưng khi anh vừa bừng tỉnh đã nhận ra ngay người bạn năm nào của mình. Govinda vẫn vậy, đi du hành và khất thực khắp nơi. Cả hai đã già đi nhiều. Và tôi thấy được ở đoạn này Govinda có vẻ hơi khinh thường Siddhartha vì ăn mặc quần áo sang trọng giống như người phàm tục. Govinda chào tạm biệt anh và lại tiếp tục đi, đi để mong có thể tìm được giác ngộ, tìm được ánh sáng chân lý.

Tôi đang liên tưởng đến những người tu hành tự cho rằng mình là bậc trí giả, hơn người thế tục. Một số thầy tu bây giờ luôn tự cao tự đại, tự thần thánh hoá bản thân vì được người đời gọi bằng thầy, cung kính bái lạy, rơi vào tự ngã. (Phần này tôi tự liên tưởng chứ không phải ý tác giả muốn khắc hoạ hình ảnh Govinda là người như tôi nói ở trên).

Sau khi chào tạm biệt Govinda, Siddhartha nhớ lại ngày nào mình đã được người lái đò chở qua dòng sông này. Chàng lại một lần nữa gặp người lái đò. Có vẻ như câu “đời người luôn gặp nhau hai lần” quả đúng với câu chuyện trên. Với bộ quần áo lộng lẫy, chàng đã phải cố gợi lại cho ông lái đò nhớ về người sa môn năm nào đi ngang đây mà ông đã không lấy tiền. Siddhartha quyết định ở lại với ông vì thấy mình được học hỏi nhiều từ ông. Người lái đò luôn lặng lẽ chở khách qua sông, sống chung với dòng sông và lắng nghe dòng sông phát ra tiếng “Om” mỗi ngày. Siddhartha thấy mình được học từ dòng sông rất nhiều, tiếng dòng sông nói chuyện, tiếng dòng sông cười và mọi thứ tiếng khác. Anh ngắm nhìn dòng sông, màu xanh lục của nó, những đường nét tựa pha lê trong bức vẽ đầy bí ẩn ấy. Tiếng nói trong sâu thẳm con người anh biến mất từ lâu giờ đã quay trở lại. Anh ở lại với người lái đò, ngày ngày cùng nhau làm việc.

Có vài lời đồn đại về hai vị thánh nhân, thức giả sống bên bờ sông nhưng khi đến diện kiến họ chỉ thấy hai người lái đò kiệm lời, dường như người câm. Vậy đấy, bậc giác ngộ chẳng cần phải hoa mỹ, toả hào quang hay tự mãn. Họ chỉ sống trông có vẻ như những kẻ khốn khổ tột cùng nhưng họ hài lòng và vui sướng.

Siddhartha còn học được ở người lái đò cách lắng nghe. Lắng nghe nhiều hơn là nói, điều ấy ông cũng học từ dòng sông. Lắng nghe tiếng “Om” toàn thiện. Khi ta nói nhiều, đầu ta chạy nhiều suy nghĩ và lại đánh mất sự quan sát. Ta học cách lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe những âm thanh, những điều tâm sự giãi bày của người khác, lắng nghe những suy nghĩ của mình, lắng nghe tim mình đập, từng dòng máu nóng chảy dọc cơ thể.

Vì vậy tôi không ưa những kẻ sùng đạo luôn nói quá nhiều. Rõ ràng việc nói ấy chẳng đem lại lợi ích gì, mà chính việc nói ấy đã chẳng hề đúng như những gì mà ta được biết, như việc đạt được trạng thái cao siêu của thiền, như rằng ta phải thế này thế kia để đến gần với từ bi, với Niết bàn. Thay vào đó sao mỗi người không tự trau dồi bản thân, lắng nghe và quan sát.

Dòng sông cũng dạy cho ta chẳng có thời gian nào hiện hữu cả. Dù cho qua bao nhiêu năm tháng đi nữa thì dòng sông vẫn ở đấy, vẫn êm đềm trôi, nước chảy đi khắp nơi rồi lại trở về nguồn. Duyên sanh, duyên khởi, duyên đến Siddhartha lại gặp lại Kamala, lần này còn dắt theo một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy chính là con trai chàng. Kamala – người Siddhartha yêu thương hết mực chết trên tay chàng.

Con trai họ được sống trong nhung lụa từ bé, ương ngạnh không thể giáo huấn dù chàng đã mềm mỏng yêu thương nó cỡ nào. Đoạn này ta thấy được tình phụ tử còn vượt trên cả mọi loại tình cảm của con người. Nó gấp đôi vì nó bao gồm cả tình yêu dành cho Kamala. Nhưng rồi lại một lần nữa người lái đò kia lên tiếng, hãy nhớ lại ngày anh rời bỏ cha anh vào rừng làm sa môn, cha anh cũng đã đau khổ thế nào. Đấy là nghiệp báo, là vòng luân hồi đầy đau khổ. Ông lái đò nói:

— Anh đã quên mất câu chuyện người con trai Bà La Môn mà anh từng kể cho tôi nghe ở chỗ này rồi ư? Ai đã che chở cho sa môn Siddhartha trước vòng tục luỵ, trước tội lỗi, tính tham lam và lòng điên rồ? Chính là lòng ngoan đạo của người cha, lời khuyên răn của người thầy. Người cha nào, vị thầy nào có thể ngăn nổi chàng trai ấy sống cuộc sống của mình?

Tôi đã lại học được ở đây một bài học mà chính tôi cũng đã từng trải nghiệm, mẹ tôi cũng thế và tất thảy mọi người đều thế. Chẳng ai có thể tránh khỏi những tội lỗi, tự vấy bẩn mình, tự uống chén đắng và tự tìm ra đường đi cho mình. Và chẳng có lời dạy bảo nào có thể ngăn cản một đứa trẻ, những lời dạy bảo suy cho cùng đều vô nghĩa. Chúng ta nghĩ rằng răn dạy con cái, nói những điều đau khổ chúng ta đã trải qua hòng giúp con cái có thể tránh né được những điều ấy mà bước đi trơn tru hơn. Nhưng rồi chúng sẽ vẫn lại gặp những điều ấy và cả những điều khác nữa thì mới có thể trưởng thành. Cho dù chúng ta có yêu thương nó, tha thiết giúp đỡ nó để nó có thể thoát khỏi khổ sở, đau đớn và thất vọng, có chấp nhận chết vì nó mười lần thì cũng chẳng thể mảy may gánh đỡ được định mệnh của nó.

Anh đau đớn, khổ sở nhìn đứa con trai của anh ra đi. Chặng đường thoát khổ của anh chỉ còn một chút nữa thôi là vẹn toàn. Ông lái đò cả đời bên dòng sông ấy đã từ biệt Siddhartha để đến cõi Niết Bàn. Ông ấy đã giác ngộ.

Siddhartha lại một lần nữa gặp Govinda người bạn thân hữu thời niên thiếu của anh, người luôn đi bên cạnh anh. Govinda vẫn đang mải miết đi tìm, đi tìm mục đích ấy, tìm giác ngộ, tìm cõi Niết Bàn và rồi đến già cỗi và khô rục vẫn còn u mê đau khổ. Govinda cầu xin người bạn hãy cho anh một bài thuyết pháp, cầu xin hãy dẫn đường chỉ lối cho anh. Nhưng Siddhartha biết rằng ngôn ngữ là không thể đủ, sự thật mà được nói ra thì chúng chỉ còn một nửa. Chàng biết điều bí nhiệm mà năm xưa chàng đã rời bỏ Đức Phật để đi tìm ấy.

Hermann Hesse khắc hoạ hình ảnh nhân vật Govinda quá đỗi tội nghiệp. Cả đời phụng sự và tu tập, đi tìm chân lý nhưng con đường càng đi càng mụ mẫm tối mịt. Đoạn kết cuối cùng tác giả không nói rằng Siddhartha đã giác ngộ hay đến Niết Bàn mà chỉ mô tả mọi hình dáng, cử chỉ và nụ cười hệt như Đức Phật.

Trong mỗi con người chúng ta ai cũng tiềm ẩn là một vị Phật. Chúng ta cũng có thể là Đức Phật dù cho không đi con đường của Ngài. Cuốn tiểu thuyết này tuy mỏng nhưng mỗi câu văn đều mang những triết lý sâu sắc không hề thừa mứa một chữ nào. Nó dạy bảo những điều ta chưa biết, nhắc nhở những điều ta lãng quên. Ôi còn bao điều tôi thấy được qua quyển sách này nhưng lại chẳng thể nhớ nổi hết mà viết vào đây. Nên dù có xem review này vẫn chẳng thể nào đủ ý mà cuốn sách muốn nói cho chúng ta, nếu bạn thích hãy tự đọc và nghiền ngẫm nó. Đây là cuốn sách tôi chắc rằng mình sẽ phải đọc đi đọc lại nhiều để có thể hiểu thấu nó hơn.

Lời cuối cùng em xin cảm ơn tác giả Hermann Hesse, cảm ơn người chị thân yêu Ni Chi đã tặng em cuốn sách, cảm ơn dịch giả Lê Chu Cầu đã dịch cuốn sách một cách toàn vẹn để em có thể được đón nhận và lĩnh hội những bài học đắt giá từ cuốn sách tuyệt vời này.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: Thành Trung

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Về quê chăn bò là một giấc mơ xa xỉ

4

(1143 chữ, 5 phút đọc)

Sáng ra ngồi lắng mình trước hiên nhà bên những giọt cà phê tận hưởng một đời sống chậm chạp đang lặng lẽ trôi qua từng ngày. Có tiếng gió mây thổi sau đồi thông, tiếng chim hót ngân nga trên cành cây, tiếng bước chân đi của mấy bác nông dân làm vườn trên con dốc, những hình bóng thấp thoáng của cô thôn nữ đang thu hoạch rau màu, những trái dâu chín bọng đã đến ngày lên đường rời xa quê hương được vận chuyển trên các chuyến xe… Tất cả thứ tiếng cùng cất lên rồi cùng hòa tan vào khung cảnh hữu tình của một thuở thanh bình thơ mộng. Ôi một Đà Lạt mơ màng khiến bao người say đắm gọi tên mà tôi cũng không thể ngoại lệ. Thái Thanh trong nhà từ chiếc loa hát vang: “Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say.” Ừ, tôi cũng đang ngủ say, say quá là say.

Một ngày đẹp trời thế này mà nói nhăng nói cuội về thứ triết học vớ vẩn của tôi thì quả là bậy bạ ngu xuẩn. Triết học có nghĩa lý gì khi mình sống và lãng quên đi những điều ý nghĩa ngay bên cạnh. Có đọc bao nhiêu sách thánh hiền mà trái tim rỗng tuếch thì cũng chỉ là tay trắng về không. Tri thức quả thật là chuyến xe viễn chinh đưa chúng ta đến những chân trời rộng mở, nhưng nếu ngay một bông hoa trong vườn tôi còn không biết đến cơ may để thưởng thức, liệu đứng trước đại dương núi non hùng vĩ bao la, tôi sẽ cảm được gì?

Vậy nên hôm nay quên hết tất cả chúng đi, nói về những điều bình dị bên cạnh, nói về những bụi cỏ bên ven đường, nói về con đường dẫn lối vào khu đồi tôi sống, nói về những con bò vẫn mải mê gặm nhắm đùa vui, nói về ông lão giàu có kích xù là địa chủ của nguyên quả đồi này, nhưng vẫn say sưa với cái thú dắt bò đi chăn mỗi ngày.

Có một ông lão giàu có sống ngoài phố nhưng đã quen với cảnh núi đồi, với những ngày lao động chân lấm tay bùn, quen với mấy vựa rau màu, với mấy con bò nên sáng ra dắt bò đi chơi, thả rong trên đồi, để mặc chúng nhảy múa khiêu vũ với mây trời cây gió, để chúng được vui chơi với thiên nhiên hữu tình. Còn lão, lão cũng có thú vui riêng với việc cuốc đất chăm bón, với những chiếc xe rùa chở đầy cỏ dành dụm. Thỉnh thoảng, lão dừng chân nghỉ ngơi, buôn chuyện thiên hạ với mấy gã làm vườn khác bàn chuyện thế sự. Lão gặp ai cũng mỉm cười, gặp ai cũng hỏi chuyện.

Gặp tôi cũng chẳng khác, nụ cười duyên dáng phúc hậu ấy, những câu hỏi không đầu không đuôi mà đôi lần tôi ngớ người vì không rõ điều mà lão muốn nói. Chẳng hiểu gì, chẳng biết nói gì, nhưng sao hễ trông thấy là dù có cách xa thật xa vẫn muốn mở miệng chào thưa. Đó phải chăng là sức mạnh của một con người thần thái chất phác thật thà lại gần gũi nên luôn thu hút được tình cảm của những người xung quanh.

Ngày nào cũng ngồi dưới hiên nhà nhìn lão mà lòng cuộn trào những mơ ước thèm thuồng. Ước gì người dắt bò đó là tôi, ước gì người đang cắt cỏ hăng say ấy là tôi, ước sao tôi được sống tao nhã thanh đạm. Không chỉ riêng tôi, bao nhiêu người khát khao sống một cuộc đời bình dị đến vậy. Tôi đã đọc được bao nhiêu người trên báo có tham vọng từ bỏ thành phố về quê chăn bò. Nhưng sự thật là gì, thôi đừng có mơ ước viển vông, làm gì có bò mà chăn. Tưởng chăn bò đơn giản lắm sao? Người sống thành phố lâu năm liệu có chịu nổi cảnh mưa nắng dãi dầu cuốc bộ mấy quả đồi kéo lê mấy con bò về nhà khi chiều tàn, sáng ra mở mắt đã phải lụi cụi dắt chúng đi ăn.

Ngay cả tôi cũng lắm khi ảo tưởng. Có thể tôi đã quen với cảnh dầm mưa dãi nắng, có thể tôi đang sống một cuộc đời yên bình nhàn hạ. Tuy nhiên, sống yên bình đến thế này thì lấy đâu ra tiền mua bò để chăn. Hôm bữa thấy ông lão có đời sống mình đang mơ ước nên cũng về nhà bày vẽ thăm dò muốn mua một con bò. Nhưng cha tôi đã đập tan giấc mơ đó của tôi một cách hụt hẫng vì mua bò con cũng cần lắm tiền lắm của. Nuôi một con tưởng đâu dễ dàng lắm sao? Mình nuôi một con chó còn không có cho nó ăn, sống mà nghèo nàn quá còn không nuôi nổi mình lấy đâu ra mà nuôi con vật này kia.

Bởi vậy mới thấy cái khổ của giấc mơ được đi chăn bò. Người giàu có thì sức lực họ không cho phép, điều kiện hoàn cảnh xung quanh họ không cho phép. Về quê chăn bò thế nào họ cũng liệu tính đắn đo, rồi lập gia đình, rồi cảnh quê nghèo ruộng đồng không có đủ môi trường cho con cái họ phát triển. Rồi họ cũng không sớm thích nghi được với quê dã. Người sống được, người sẵn sàng vứt bỏ hết tất cả mọi thứ để được đi chăn bò thì lại nghèo nàn, lại không đủ tiền mua bò, không đủ tiền nuôi bò.

Thực ra thì một khi giấc mơ không đủ lớn, người nuôi chí không đủ sức để vun đắp cho nó, giấc mơ nào rồi cũng chỉ là giấc mơ thôi. Ai muốn mơ gì cứ mơ cho thỏa sức vì đâu ai đánh thuế giấc mơ. Biết thế nên sáng nào ra hiên ngồi ngắm ông lão chăn bò, tôi cũng mơ màng muốn có một con bò để được dắt nó rong chơi trên quả đồi này. Nhưng khi sương mai đã tan biến, nắng đã lên và cuộc sống thật đang quay trở lại, cà phê đã uống sạch, nhạc cũng đã phát đến cuối bài, phải vùng dậy bắt tay với cuộc đời này lại thôi. Còn giấc mơ với mấy con bò ư? Đó chỉ là một giấc mơ xa xỉ thôi mấy bác ạ! Lo mà làm việc đi, đừng có ảo tưởng!

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Free-Photos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tôi không muốn tinh vi với chính mình nữa

1

(1719 chữ, 7 phút đọc)

Bạn hỏi kiếp trước tôi có tu không mà thông thái như vậy. Tôi cũng mong muốn trở nên thông thái hơn, vì có trí huệ thì sẽ tạo thêm được nhiều trái ngọt lành hơn. Nên tôi vẫn nỗ lực làm gì mình cho là đúng trong hiểu biết của mình khi ấy.

Dù vậy, những gì tôi chia sẻ và đủ duyên để bạn có thể đọc được thông điệp thì không phải vì tôi thông thái, mà tôi chỉ như một ống dẫn, ngày ngày thực hiện sứ mệnh của mình là truyền tải thông điệp cho ai đó. Bạn cũng vậy, bạn cũng là một ống dẫn của Thượng Đế để trải nghiệm chính bạn và giúp người khác cùng trải nghiệm về bản thân họ.

Vì thế, bạn đừng vội tô vẽ hình tượng của tôi hay bất cứ ai. Ta thường dễ lầm tưởng YÊU THƯƠNG với những thứ na ná nó. Ta bị thu hút bởi ai đó phút đầu, rồi chúng ta bắt đầu thêu dệt ảo ảnh của mình về người ấy. Đến khi ở gần, ta thấy “tại sao trước đây anh thế mà bây giờ lại như vậy” “ôi dào, con nhỏ này cũng chỉ có thế thôi” hay “hóa ra em ấy chẳng cool hay đáng yêu như nó tô vẽ trên mạng.” Chúng ta cần thời gian để học bài học chấp nhận, tất cả đều đang tiến hóa. Các ảo ảnh ta tạo dựng sẽ dần bị đập tan để tiến gần đến sự thực. Mà cũng có thể trước đây họ như vậy thật, thì giờ họ thấy chúng không còn thể hiện được chính họ nữa nên họ chuyển mình. Thường chúng ta mắc kẹt vào những lời hứa, những thói quen. Không còn nữa thì ta tuyệt vọng, đau khổ kéo dài, như tụ nước đọng, không thiết tha làm thêm gì nữa.

Tất cả chúng ta đều đã, đang và sẽ trải nghiệm điều ấy. Tôi cũng vậy, đến lúc trải nghiệm thấy đủ, thấy đau khổ đủ, thì tự dưng muốn tìm một con đường bình an hơn, thanh thản hơn. Lúc đó sẽ tự biết con đường quay về bên trong, về gốc rễ của mình. Lúc đó, bạn sẽ đạt đến sự thông tuệ của chính mình.

25 năm trải nghiệm cuộc sống, tôi hiểu rằng đọc sách chỉ dẫn hay nghe trải nghiệm của ai đó tôi chỉ biết được phần thô của tầng sâu ý nghĩa về sự thật của đời sống. Trải nghiệm từ chính mình đến tận cùng sẽ giúp tôi chạm được đến cái biết sâu hơn. Lĩnh hội được thông điệp từ trải nghiệm cho phép tôi đi được tận sâu trong chính mình, mở rộng để chấp nhận mình, đẩy mình lên bậc mới của sự phát triển tâm linh.

Tôi như đứa trẻ liên tục trải qua Wonder Weeks, vì tôi muốn tiếp nhận trải nghiệm, nên trải nghiệm đến dồn dập, tôi bỡ ngỡ với thật nhiều cái mới. Nhưng sau mỗi wonder week đó, tôi lột vỏ, tôi biến tấu. Tôi mang trong mình tâm hồn của một đứa trẻ, tôi cho phép mình trải nghiệm để lĩnh hội thông điệp của Thượng đế, để dần nhớ lại bản chất thật của chính mình. Bởi nếu tôi nhìn chính mình mờ đục, tôi cũng sẽ nhìn thế giới với đôi mắt mờ đục.

Tôi vẫn là linh hồn cần trải nghiệm. Tôi vẫn mới đứng ở vị trí dần hiểu luật chơi để bắt đầu chơi hay hơn trong kiếp này. Mỗi giây phút tôi tập quán sát để nhận ra quy luật của nó để chơi tốt hơn.

Vô minh trong tôi vẫn tiếp diễn, từ lời ăn nết nói, hành vi cử chỉ. Tôi thấy mình còn nói rất nhiều điều không cần thiết, hành động những việc vô nghĩa. Đều là cơ hội để bản thân hiển lộ những hạt mầm cũ đã bị ém đi. Đủ nhân duyên tôi cho phép trỗi dậy để mình có cơ hội đối diện nó. Ban đầu, tôi thấy sự chối bỏ và thiếu can đảm bên trong, tôi thích tìm cảm xúc dễ chịu để lấp liếm. Nhưng tôi nhận ra nó vận hành như vậy là không ổn. Tôi phải thực hành phương pháp khác. Như trong phim Cuộc chiến luân hồi, chúng ta liên tục gặp phải những trải nghiệm tương tự nhau, chúng ta biết trước hết hành vi của chúng ta sẽ dẫn đến đâu, nếu chỉ thực hiện một cách, chúng ta sẽ chỉ nhận về một kết quả như cũ, rồi cứ thế phải học đi cả lại cả một kiếp người trong đau khổ mệt mỏi.

Vậy nên khi ta trải nghiệm đủ rồi thấy mệt rồi là tự động não mở ra, tâm trí sáng lên, tự biết mò dậy mà tìm một cách khác để tiếp cận, để giải quyết.

Để kể bạn nghe mấy ngày vừa qua, đau khổ trong chuyện tình cảm giúp tôi nhìn sâu được hơn những tổn thương cũ. Tôi dần lý giải được gốc rễ của nỗi sợ bên trong, nỗi sợ không còn được yêu thương hiện tại, từ cơn ghen tuông.

Có người dạy tôi phải khôn khéo lên, phải biết cách “dạy chồng, dạy người yêu.” Tôi hiểu đó là cách mà nhiều người phụ nữ giữ chồng mình trong suốt nhiều thế kỷ. Tôi không phán xét gì nó, chỉ là đối với tôi, nó không còn “đúng” với mình nữa.

Tôi không thể yêu cầu “Anh phải làm cái này cho em/làm thế kia cho em mỗi khi em ABC” nữa. Đối phương của bạn có thể vì chiều bạn mà nhất mực nghe theo để chặn tất cả mọi “biến” có thể xảy ra. Nhưng nó không bao giờ giải quyết được cái gốc rễ nếu hành vi của người ấy một đằng mà ý nghĩ bên trong anh ta một nẻo. Tôi không muốn ở bên cạnh một con mèo, gụi vào chân nịnh nọt nhưng không hiểu được nó thực sự muốn gì. Tôi nhận ra tôi không thể áp dụng bất kỳ cái công thức giữ chồng nào trên đời này được. Vì có cái gì để phải giữ cơ chứ?

Nhiều ngày, tôi đối diện với sự nhụt chí, muốn bỏ cuộc, có lúc mình cũng để cảm xúc thù ghét dẫn dắt. Rồi tôi dừng lại, nhìn những hơn thua từ trong những cuộc cãi vã, những vụ thương thảo trên khắp thế giới, nếu coi kiếp đời này là cuộc chiến mình phải giành giật, chắc chắn, mình sẽ thua, có thắng cũng sứt đầu mẻ trán. Cái cốt cán nhất tôi nhận ra được những ngày gần đây đó là, dù với cách nào, nếu bạn muốn giữ ai đó ở bên bạn, nghĩa là bạn đã tự giam cầm chính mình.

Tôi chỉ có thể làm duy nhất một điều, đó là nói lên mong mỏi của mình với anh, và bộc lộ cảm xúc của mình (bộc lộ thế nào vẫn là câu chuyện dài cần học) chia sẻ để cả hai thấy rằng bản thân tôi còn rất nhiều vết thương, và trước khi tôi lành được hết mọi vết thương cũ, tôi phải hiểu căn nguyên vết thương, ôm ấp nó đủ lâu rồi mới tìm được cách trị. Và tôi cần học cả việc chấp nhận là mong mỏi của mình cũng chỉ là mong mỏi lúc ấy, đối phương có toàn quyền chọn làm hay không. Tôi biết ơn vì anh đã luôn thành thực với tôi như vậy. Anh luôn thành thực và luôn làm những gì anh tin là tốt nhất cho tôi. Vì bạn không thể biết mong cầu của bạn nó tinh vi thế nào đâu, kiểu gì mấy lời mình thốt ra cũng phải ít nhiều làm sướng cái bản ngã. Có người ở bên thấu đạt và chỉ lối là một cái ân lớn tôi nhận được hiện tại.

Tôi cũng lờ mờ hiểu, tôi đã cho rằng bản thân mình đã luôn là “nạn nhân”, tôi thấy đáng thương cho mình lắm, nên tôi muốn người khác cũng nên đối xử đáng thương như vậy. Tôi không biết rằng, nó như liều thuốc giảm đau. Tiêm một đôi lần tôi sẽ bớt đau, nhưng dần dà nó nguy hiểm không khác gì cơn nghiện, thiếu là không chịu được, sẽ vắt kiệt sinh lực của mình, hay còn gọi lụy đấy. Nguy hiểm lắm. Cứ nói mãi mình là đứa tổn thương, thì mãi mãi sẽ bị tổn thương.

Để đi tới sự thông tuệ, tôi để cho sự khù khờ dẫn dắt, tôi thử và té ngã, rồi tôi lồm cồm đứng dậy đi tiếp. Có khi có người đi cùng, có khi không. Tôi chỉ biết tôi sẽ luôn thành thật trải nghiệm đến tận cùng chính con người mình. Tôi muốn dần bỏ hết tất cả những quy chụp tôi từng có cho chính mình, cho quá khứ của mình.

Tôi không muốn tinh vi với chính mình nữa.

Một tháng Tám khép lại với rất nhiều thông điệp. Như bạn Trần Nguyên Hưng nói với tôi: “Tháng này hiểu theo một nghĩa sâu hơn là cởi bỏ mọi lớp mặt nạ để quay về với con người thật của mình. Quay lại để biết mình thật sự cần gì, muốn gì và có những góc bựa ra sao. Những thứ thật sự cần thiết, quan trọng sẽ ở lại.”

Vậy nên bạn thương mến, đừng vội thần thánh hóa tôi, tôi vẫn có cho mình những vết sẹo và những vết loang lổ chưa kịp lành.

Vân Anh à, cảm ơn vì sự dũng cảm của bạn. Vì bạn dám yêu, dám yêu theo cách bạn tin, cảm ơn bạn đã thử, dù rất nhiều trầy trật sau đó, vì bạn dấn thân vào con đường khó, và trong sáng tận hiến cuộc đời này. Vì sự khù khờ của mình, vì bạn chấp nhận mình nhiều hơn. Mình yêu bạn, thật nhiều.

Hãy đón nhận mọi vô thường. Tháng 9 rồi, “bắt đầu hồi phục và khởi động những điều mới mẻ” thôi!

Tác giả: The Clearest Bleu

*Featured Image: MabelAmber 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Còn bao nhiêu anh em tôi quên mất chiến tranh đã qua đi?

0

(1195 chữ, 5 phút đọc)

Mấy hôm trước ngồi xem bóng đá cùng ông anh trai. Tôi trầm trồ kinh ngạc như vừa nhìn thấy điều gì lạ lẫm.

Tôi bảo: “Ơ thằng này tên Syria giống nước nó luôn.”

“Áo thằng nào mà chẳng in Syria.” Anh trai tôi nói.

Lúc đó bận mải mê xem bóng đá nên tôi chẳng nghĩ ngợi gì, đến lúc nằm vác tay lên trán trằn trọc nghĩ suy thì mới vỡ lẽ. Tôi xúc động nghẹn ngào nhận ra đó không phải là một cái tên, không chỉ  là một điều thú vị đơn thuần, đó còn là tinh thần của một quốc gia, lòng yêu nước của những con người sẵn sàng bôi xóa đi tên tuổi mình, chỉ còn lại đó một Syria.

Một Syria vẫn còn tồn tại bất diệt trong trái tim mỗi người dân nước họ. Mặc cho tiếng súng đã nổ, bom đạn đã rơi, và cuộc nội chiến đã diễn ra cướp đi một Syria xinh đẹp, đã từng trường tồn hiên ngang hãnh diện cùng thế giới với những công trình kiến trúc đồ sộ vĩ đại. Chỉ còn lại đây những căn nhà đổ nát, thành quách tan vỡ, những trái tim rạn nứt đang trôi chảy trên dòng máu quê hương.

Việt Nam với tham vọng độc chiếm ngai vàng, cầu thủ được trân quý nâng niu như báu vật, nhà tài trợ này nhà đồng hành kia chắp cánh, bao nhiêu yêu thương đổ đầy vào những cầu thủ của chúng ta. Trong khi đó cầu thủ đội bạn dường như vẫn đang còn vật lộn với những gì chiến tranh mang lại, họ thậm chí chẳng còn một mái nhà để về, bao lâu rồi phải xa xứ chia lìa người thân yêu…

Việt Nam đã chiến thắng Syria trong trận tứ kết, nhà nhà đổ bộ xuống phố, người người hò reo vui mừng. Tôi thật cũng muốn hòa chung cùng cái không khí ăn mừng chiến thắng đó, cùng kết quyện tinh thần dân tộc để vui chung với niềm vui của đất nước. Nhưng trong niềm vui kẻ chiến thắng bao giờ cũng tồn tại sự đau buồn của kẻ bại. Chúng ta không quên nhắc đến tên họ với lời lẽ tôn trọng và ngưỡng mộ đối với tinh thần dân tộc mà họ đang muốn khẳng định cùng với thế giới. Để rồi tự biết nhìn nhận lại chính mình, đã may mắn ra sao khi được sống trên một đất nước hòa bình. Nhưng đáng buồn thay, có lẽ một vài người Việt lại không biết mãn nguyện với điều đó.

Vẫn còn có những con người yêu nước da diết đến mù lòa, một tình yêu hoàn hảo trong từng chân tơ kẽ tóc. Tình yêu đó ngày một lớn mạnh, cưỡng bách hết mọi giá trị tầm thường không thể tròn vừa trái tim họ. Họ muốn một đất nước hòa bình, không còn chiến tranh lầm than, máu thôi không còn đổ thành sông, anh em sum họp đầm ấm yên bề gia thất? Không, họ muốn nhiều hơn thế. Lòng tham không đáy không thể dừng lại ở những giá trị bình dị. Phải là một đất nước siêu việt, phải là một cường quốc to lớn, phải là một đời sống sang chảnh tiện nghi hơn. Cái túi họ đang cất giữ phải đổ đầy những ham muốn, đổ vào, đổ mãi cho đến lúc nào sức nặng cái túi đủ để đè bẹp bóp chết trái tim.

Tại sao tôi lại viết ra những dòng chữ vô nghĩa này? Tôi không biết, bởi dù có nói bao nhiêu lời thì trái tim chật hẹp của họ cũng không còn diện tích để bước chân kẻ xa lạ đặt vào. Nhưng rồi vẫn phải ngồi xuống để viết ra, để tự nhắc nhở bản thân tôi mỗi ngày. Sống là đôi khi còn phải biết nhìn xuống dưới chân mình đang có ai còn đang loay hoay chật vật với những bậc thang mà kẻ trên cao kiêu ngạo gọi đó là tận đáy của sự bần cùng.

Hãy nhìn xem một nước Việt đã không còn những hầm hố chất đống hàng trăm vạn xác chết giữa tiếng đạn bom rơi. Những nấm mồ xưa giờ cỏ cũng đã mọc xanh um. Không còn khói lửa giăng mịt kín trời, đã có thể ngân nga dạo khúc tình ca, ngắm nhìn một con chim líu lo trên cành, một bông hoa nở bừng sáng giữa những con đường. Đất nước mình đã không còn chiến tranh, bà mẹ Việt Nam năm nào đã không còn phải chống gậy lom khom, nước mắt ngắn dài lên núi tìm xương con mình. Hãy nhìn xem một đất nước nối dài ba miền Bắc Trung Nam, đã không còn vĩ tuyến 17 trên cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải. Bạn bè ghé thăm Huế, giờ đây tôi đã có thể đường đường chính chính bước hiên ngang qua vạch phân chia ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh ấy để kể về quê hương. Người Việt giờ đây đã có thể viết lên trang sử cuộc đời mình bằng hai từ xuyên Việt, chạy dài bon bon một mạch thưởng ngoạn hết vẻ đẹp phong cảnh nước Nam. Giờ này còn ngồi cà phê chém gió ở Sài Gòn nhưng chỉ vài tiếng sau đã có thể đáp cánh xuống sân bay Nội Bài, lang thang khắp phố phường Hà Nội nhặt lá vàng mùa thu.

Lịch sử đã viết lên một nước Việt anh hùng kiên dũng, một trang giấy mới tinh khôi đã lật sang. Và giờ đây cả thế giới đang nhắc đến Việt Nam bằng một quốc gia độc lập không còn máu đổ trôi sông. Người người nhà nhà vẫn đang hăng hái xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Tuy vẫn còn đó những cái nhớp chưa xóa sạch, vẫn có đó những vấn nạn chưa thể giải quyết khắc phục. Nhưng phải chăng, so với một Việt Nam bị 1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, 20 năm nội chiến anh em chém giết lẫn nhau thì đất Việt giờ đây vẫn xứng đáng để chúng ta mãn nguyện và tự hào về nó.

Vậy mà tôi vẫn cứ luôn phải trông thấy những cuộc nội chiến trong tâm tưởng của một vài anh hùng Việt thời nay. Đất nước tôi đã không còn chiến tranh, nhưng sao anh em tôi vẫn còn giết nhau, vẫn chưa thể đi chung một cuộc mừng, vẫn nói về chuyện non nước mình nhưng lời lẽ thì sặc mùi máu dữ. Gió hòa bình đã bay đi muôn hướng cõi trời Nam, nhưng sao ngày vui vẫn còn quá xa xăm. Con thuyền hận thù vẫn còn lênh đênh giữa trùng khơi sóng biển. Đến bao giờ anh em nước Việt mới được nối một vòng tay lớn từ Bắc vào Nam.

Đến bao giờ anh em tôi mới nhận ra đất nước mình đã không còn chiến tranh?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: sasint

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2