30 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 96

[THĐP Translation™] Tổng hợp những câu danh ngôn hay nhất về tình yêu

0

(1082 chữ, 4 phút đọc)

“Không có Tình Yêu bạn sẽ không bao giờ biết được chân lý là gì.” — Krishnamurti

“Khi trí óc bạn dư đầy, con tim bạn trống rỗng.” — Krishnamurti

“Giây phút mà trong tim bạn có một thứ phi thường gọi là tình yêu và cảm nhận được độ sâu, niềm phúc lạc, và sự thăng hoa của nó, bạn sẽ khám phá ra được thế giới của bạn đã biến đổi.” — Krishnamurti

“Chỉ có một cái bất thường đó là không có khả năng để yêu.” — Anais Nin

“Thời gian quá chậm chạp với những ai chờ đợi, quá bén nhọn với những ai sợ hãi, quá dài với những ai sầu bi, quá ngắn với những ai hoan hỉ. Nhưng với những ai yêu thương, thời gian là vĩnh cửu.” — Henry Van Dyke

“Sợ hãi tình yêu là sợ hãi cuộc đời, và những người sợ hãi cuộc đời ba phần tư đời họ coi như đã chết.” — Bertrand Russell

“Yêu tràn đầy là sống đầy tràn, và yêu mãi mãi là sống mãi mãi.” — Henry Drummond

“Tất cả chúng ta đều được sinh ra để yêu. Nó là quy luật của sự tồn tại.” — Benjamin Disraeli

“Ta phí thời gian đi tìm một người yêu hoàn hảo, thay vì tạo ra một tình yêu hoàn hảo.” — Tom Robbins

“Ai cần đặt luật cho những người biết yêu? Tình yêu bản chất là thứ luật cao nhất.” — Boethius

“Ai, những người được yêu, mà nghèo?” — Oscar Wilde

“Đáng thương thay những con người mà trái tim họ khi còn trẻ đã không được học để hy vọng, để yêu thương – và để đặt niềm tin vào cuộc đời.” — Joseph Conrad

“Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống.” — Mohandas Gandhi

“Bạn không cần phải tìm kiếm tình yêu khi mà từ tình yêu chính là nơi bạn đến.” — Werner Erhard

“Ở đâu có Tình Yêu, ở đó có Thượng Đế.” — Mother Teresa

“Khi Tình Yêu vẫy gọi bạn, hãy theo hắn. Dù cho con đường có khó khăn, gập ghềnh.” — Khalil Gibran

“Cuộc đời không có tình yêu giống như một cái cây không nở hoa hay không có trái.” — Khalil Gibran

“Tình Yêu chiến thắng tất cả.” — Virgil

“Tình yêu không áp đặp, nó nảy nở.”–  Johann Wolfgang von Goethe

“Tình yêu là cuộc đời. Và nếu bạn bỏ đi tình yêu, bạn bỏ đi cuộc đời.” — Leo Buscaglia

“Tình yêu là một thứ trọng lực nhiệm màu.” — R. Buckminster Fuller

“Tình yêu là nét đẹp của tâm hồn.” — Thánh Augustine

“Tình yêu là đứa con của mơ hồ, và là cha mẹ của thức tỉnh.” — Miguel de Unamuno

“Tình yêu là bông hoa mà bạn phải để nó lớn lên.” — John Lennon

“Tình yêu là nhà ảo thuật kéo người đàn ông ra khỏi cái nón của anh ấy.” — Ben Hecht

“Tình yêu là khúc khải hoàn khi tưởng tượng lên cao hơn lý trí.” — H. L. Mencken

“Tình yêu làm cho tâm hồn bạn chui ra khỏi nơi ẩn nấp của nó.” — Zora Neale Hurston

“Tình yêu tiếp tục nơi mà tri thức bỏ cuộc.” — Thomas Aquinas

“Chưa có ai bao giờ đo đếm được, kể cả những thi sĩ, con tim có thể chứa đựng được bao nhiêu.” — Zelda Fitzgerald

“Đôi khi trái tim thấy những thứ không thể thấy được bằng đôi mắt.” — H. Jackson Brown, Jr.

“Bỏ tình yêu đi và trái đất chúng ta là một nấm mộ.” — Robert Browning

“Thử thách lớn nhất của tình yêu là lòng tin.” — Joyce Brothers

“Cơn đói tình còn khó giải quyết hơn nhiều so với cơn đói bụng.” — Mother Teresa

“Tình yêu là một trò chơi mà cả hai đều có thể chơi và cùng nhau thắng.” — Eva Gabor

“Tất cả bạn cần là Tình Yêu.” — John Lennon

“Khi sức mạnh tình yêu vượt trên tình yêu sức mạnh, thế giới sẽ biết hòa bình.”–Jimi Hendrix

“Khi có Tình Yêu, mọi nhị nguyên trở nên vô nghĩa.” — khuyết danh

“Tình Yêu là chân lý cao nhất, là đôi cánh bay ta lên thiên đường.” — khuyết danh

“Bánh ngọt cần tình yêu cũng như mọi thứ khác.” — The Oracle, The Matrix

“Việc của bạn không phải là tìm kiếm tình yêu, nhưng đơn thuần là tìm kiếm những bức tường bạn đã tạo ra để ngăn nó lại.” — Rumi

“Bạn muốn là người đúng hay người hiền? Nếu bạn có thể là một người hiền, bạn sẽ thành một người đúng.” — khuyết danh

“Một trái tim yêu thương là bắt nguồn của mọi tri thức.” — Thomas Carlyle

“Tình Yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình Yêu luôn bảo vệ, luôn tin tưởng, luôn hy vọng, luôn kiên trì. Tình Yêu không bao giờ thất bại.Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến (tình yêu), cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” — Corinthians 13

“Một lượng nhỏ hy vọng cũng đủ làm nảy sinh tình yêu.” — Stendhal

“Muốn biết Tình Yêu là gì trước tiên cần phải biết Tình Yêu không phải là gì.” — khuyết danh

“Mọi người đều yêu một người biết yêu.” — Ralph Waldo Emerson

“Được một người yêu thương sâu đậm cho bạn sức mạnh, yêu thương một người sâu đậm cho bạn can đảm.” — Lão Tử

“Hãy làm tất cả bằng tình yêu.” — Og Mandino

“Tôi đã tìm ra một nghịch lý, nếu bạn yêu cho tới khi thật đau, nó sẽ không đau nữa, chỉ có thêm tình yêu.” — Mother Teresa

“Tình yêu trẻ con nói: ‘Tôi yêu em vì tôi cần em.’ Tình yêu trưởng thành nói: ‘Tôi cần em vì tôi yêu em.'” — Erich Fromm

“Thật buồn khi ta không yêu, nhưng còn buồn hơn khi ta không thể yêu.” — Miguel de Unamuno

“Cuộc đời là một bông hoa mà tình yêu là mật ngọt của nó.” — Victor Hugo

“Một ngày nào đó, sau khi chế ngự được sóng, gió, thủy triều và trọng lực, chúng ta sẽ đi thu hoạch cho Thượng Đế năng lượng tình yêu, và khi đó, lần thứ hai trong lịch sử thế giới, loài người tìm ra ánh sáng.” — Pierre Teilhard de Chardin

* * *

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Ảnh minh họa: markusspiske 

📌 Ủng hộ Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Cô đơn phải chăng là người tình chung thủy nhất?

6

(692 chữ, 2.5 phút đọc)

Hỡi cô đơn! Người phải chăng là người tình chung thủy sắt son chưa bao giờ chịu rời bước khỏi tôi. Nếu tôi là hình thì người là bóng, bóng và hình từ bao đời nay chẳng bám riết lấy nhau như ánh sáng và mặt trời. Biết bao năm qua tôi sống man rợ trên những miền hoang vu xứ lạ cũng chỉ có người bầu bạn khuya tối.

Đã bao lần tôi muốn chạy trốn khỏi hình bóng người như chạy trốn một cơn dông tố. Tưởng rằng đã lãng quên người trên những vùng đất cỏ cây hoa lá, nơi đó tôi đã hát ca bài ca hạnh phúc ngọt ngào. Tôi đã lạnh lùng quay lưng đi mặc cho người nước mắt ngắn dài. Tôi tưởng rằng mình có thể quên đi nhưng ai nào ngờ đâu càng cố quên chỉ càng nhớ thêm. Dường như đã quá quen với nỗi cô đơn thường trực nên chỉ có thể vui say trong chớm giây phút thoáng qua. Phải chăng vì chúng ta đã bầu bạn với nhau quá lâu?

Tôi đã học được rằng giữa loài người này bao giờ tôi cũng chỉ là một kẻ xa lạ, tôi dường như luôn bị bỏ rơi hắt hủi giữa đám đông. Dù muốn hay không thì vào khoảnh khắc tuyệt vọng ấy, tôi biết vẫn chỉ có người đưa bàn tay ra nắm lấy bàn tay héo úa của tôi. Sau tất cả, rồi cũng chỉ có người là yêu thương tôi vô điều kiện, bao dung che chở và rộng lượng tha thứ sẵn sàng ôm ấp tôi vào lòng.

Chỉ có cô đơn người mới luôn vuốt ve ôm ấp vỗ về tôi, chỉ có cô đơn người mới dùng trái tim chân thành chính trực của người dùng làm ngôn ngữ giao tiếp giữa chúng ta. Tôi nhớ đã có những lần tôi đứng trước cánh cửa lưỡng lự vì quá vui thú chạy theo tiếng nói của đám đông, ngờ vực đó là nơi tôi sẽ thuộc về. Tôi muốn rời xa người, muốn đến những vùng đất hoa thơm cỏ lạ. Nhưng phải rồi người ơi tôi đã nhận ra, chỉ có bên người tôi mới bình yên và an nhiên đến lạ thường.

Tất cả những người tôi yêu thương phải chăng đều sẽ rời bỏ tôi mà đi, tôi mãi chỉ là một kẻ chết khát giữa sa mạc hoang vắng. Người sẽ đến cùng tôi trong giây phút im lặng và đen tối nhất, xua đuổi tất cả những hỗn mang đang vây quanh tôi, mang về trả lại cho tôi tất cả những gì bình dị thân thương nhất. Đã bao năm qua tôi sống trong nỗi cô đơn thường trực, chúng ta đã yêu lấy nhau chẳng khác gì những đôi tình nhân. Khúc ca nào chúng ta đã cùng cất vang trong những sớm bình minh, chiều tàn heo hút lộng gió trên những ngọn đồi. Đó chẳng phải là những bản tình ca?

Chúng ta đã cùng than vãn nhau, đã cùng mở rộng lòng đón bước chân đi của người kia vào trong trái tim mình, chúng ta đã kể cho nhau tất cả bí mật, lắng nghe hơi thở nồng nàn rộn ràng trong trái tim nhau, ở nơi đó tất cả ngôn ngữ của loài người đều đã lặng câm im tiếng.

Chúng ta đã đến với nhau bằng tất cả sự bao dung, trái tim khờ khạo, cùng quên đi hết tất cả đắng cay giữa đời sống. Nhưng có những kẻ không nhận ra hình dáng người, họ chỉ luôn biết đưa dõi những con mắt xa xôi vào những kẻ xa lạ để tìm kiếm một tiếng nói thân quen trong đó để rồi tự nhấn chìm mình bằng những nỗi thất vọng mà kẻ xa lạ ấy lạnh lùng gieo rắc vào trái tim họ.

Tự ẩn giấu mình dưới lớp bọc ngụy trang của sự hạnh phúc, có phải cô đơn người vẫn sẽ luôn đến với tôi khi giấc mộng vỡ tan trong hình dáng một người tình?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Free-Photos 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Review] Kiêu hãnh và định kiến, Jane Austen – Câu chuyện diễm tình và những trò lố kiếm chồng đại gia

0

thđp review

(1656 chữ, 6 phút đọc)

Kiêu hãnh và định kiến là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn nữ người Anh – Jane Austen kể về những câu chuyện tình yêu của các nam thanh nữ tú trong thế kỷ 19. Ở bối cảnh thời đại ngày đó, chuyện di chuyển bằng xe ngựa, viết thư tay, tổ chức dạ vũ thường xuyên, thăm viếng rồi lưu lại nhà nhau cả tháng trời là rất phổ biến. Điều này khá khác biệt với cuộc sống hiện đại nên khi đọc cuốn tiểu thuyết, tôi thấy có phần lạ lẫm ít nhiều.

Cùng là tiểu thuyết lãng mạn nhưng sách của Jane Austen có văn phong dí dỏm hài hước trộn lẫn với châm trích mỉa mai, trái ngược hoàn toàn với sự cực đoan dữ dội trong Đồi gió hú của Emily Bronte. Kiêu hãnh và định kiến không xuất hiện những tình huống giật gân căng thẳng, tất cả đều là các câu chuyện bình dị đơn giản trong cuộc sống ngày thường nhưng được làm sâu rõ hơn ở trong các lời thoại. Ta nhận thấy được óc xét đoán tinh nhạy và tư duy phản biện sắc sảo của những nhân vật tham gia. Đa phần ngôn từ thể hiện sự trịch thượng, mĩ miều, kiểu cách và có phần phức tạp khi đặt trong bối cảnh thế kỷ 19 tràn ngập các tước hiệu và các quan niệm về giai cấp, phẩm giá, địa vị. Lối nói của các nhân vật cũng khác biệt so với thời đại ngày nay, nhưng ẩn chứa trong đó là sự tinh tế và sâu sắc khiến ta phải nghiền ngẫm những ý tứ ẩn giấu đằng sau khi gấp cuốn sách lại.

“Phù phiếm và kiêu hãnh là hai điều khác nhau, tuy rằng người ta thường xem hai thứ đồng nghĩa với nhau. Một người có thể cảm thấy kiêu hãnh nhưng không tỏ ra phù phiếm. Kiêu hãnh là khi ta có ý kiến về chính mình; phù phiếm là khi ta muốn người khác nghĩ về mình như thế nào.”

Cuốn sách kể về câu chuyện tình yêu của các cô gái ở một vùng quê nước Anh trong đó tập trung nhất Elizabeth Bennet và chị cả Jane Bennet. Cả hai người họ đều là những thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng và nhân hậu. Elizabeth có phần nhỉnh hơn người chị của mình về óc phán đoán và nhận định bản chất con người. Cô là người trong số 5 chị em gái được ông bố yêu thương hơn cả và ông quyết không gả cô cho người nào không xứng đáng.

Tuy nhiên, lòng tự trọng của cô về vị thế của bản thân – con gái của một gia đình trung lưu thấp kém hơn so với tầng lớp thượng lưu khiến cô tạo ra trong mình một định kiến về sự tự cao, gia trưởng chàng trai Fitzwilliam Darcy – một chủ đất giàu có. Còn chính anh Darcy lại mang sự kiêu hãnh về vị thế của chính mình và có định kiến về các cô gái cùng các ông bố bà mẹ của họ tiếp cận anh chỉ vì tiền bạc, nên anh cũng tự xa cách mình với những người xung quanh, trong đó có Elizabeth.

Đặt trong bối cảnh ra đời của tác phẩm, ta có thể hiểu được phần nào những diễn biến tâm lý và khát vọng của các nhân vật. Vào thời của tác giả, phụ nữ ít được đến trường (chủ yếu được cha mẹ hoặc gia sư dạy học ở nhà) và không có cơ may thăng tiến trong xã hội.  Chưa kể, việc thừa kế bất động sản cũng không dành cho phụ nữ. Vậy nên, việc có con gái thời đó là mối lo lắng, ưu tư của các ông bố bà mẹ. Họ và các cô con gái đa phần trông mong hạnh phúc trong cơ may kén cho các cô những anh chồng giàu. Còn các chàng trai nhà giàu thì lại ở trong áp lực phải lấy được người vợ môn đăng hộ đối. Chính những điều chênh lệch tréo ngoe này đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười trong tác phẩm Kiêu hãnh và định kiến khi chuyện yêu đương được quyết định bởi tiền bạc và địa vị nhiều hơn là cảm xúc chân thực giữa hai con người.

Những rào cản định kiến này khiến hai nhân vật chính rơi vào những sự hiểu lầm và sinh ra sự đối đầu lẫn nhau. Phải trải qua những tình huống khó khăn thử thách để đôi bên tự nhận ra những sai lầm ngu ngốc của bản thân về thói kiêu hãnh của chính mình – cho rằng mình luôn đúng, thì họ mới gỡ bỏ được những hiểu lầm. Từ đó, tình yêu mở ra rực rỡ giữa hai tâm hồn đồng điệu.

“Riêng em có thể dễ dàng tha thứ cho tính kiêu hãnh của anh ấy, nếu anh ấy không sỉ nhục cái kiêu hãnh của em.” – Elizabeth nói với chị gái Jane.

Elizabeth và Darcy cùng mang một màu sắc về sự tự tôn. Nhưng chính điều đó khiến Elizabeth khác biệt với những phụ nữ khác thời kỳ đó khi ai nấy đều tìm cách hạ mình để lấy lòng những chàng trai giàu có. Trong trường hợp này, sự kiêu hãnh của cô là thứ thu hút Darcy, nó như một tấm gương để anh nhìn lại chính mình cũng giống như vậy. Để rồi anh có thể gỡ bỏ sự kiêu hãnh bản thân đang mang giữ. Cuối cùng, khi chứng kiến được điều đó, Elizabeth cũng tự nhìn thấy sự mù quáng của mình và dần đón nhận Darcy với một góc nhìn trong sáng.

Elizabeth được xem là một trong những nhân vật lôi cuốn nhất trong nền văn học Anh Quốc. Cô toát ra phẩm chất cứng cỏi, nhạy bén mà cũng không kém phần dí dỏm, tươi vui của một người phụ nữ. Cuốn sách chứa rất nhiều những lời thoại và những trăn trở nội tâm của Elizabeth trong các tình huống khác nhau giúp người đọc thấy rõ được sự thông minh và độc lập của cô nổi trội hơn hẳn so với tất cả các nhân vật nữ khác. Tất nhiên, những điều đó còn thể hiện sau cùng ở những quyết định hành động của cô gái trẻ nữa.

Câu chuyện được đặt trong bối cảnh hai thế kỷ trước khi các định kiến xã hội về tình yêu và hôn nhân sâu dày hơn thời đại ngày nay nên khi đọc tác phẩm, ta dễ dàng thấy được sự mỉa mai, châm biếm của tác giả đối với các tình huống kệch cỡm mà những con người thời đó rơi vào. Ví dụ như sự sốt sắng của bà Bennet trong việc kiếm chồng giàu cho con khiến mọi chuyện dù hơi đi lạc ra khỏi mong ước cũng khiến bà hoang mang đổ bệnh; hay sự thô thiển trơ trẽn của người anh họ Collins khi cầu hôn hai người con gái trong vòng 3 ngày, bất chấp họ có yêu mình hay không, và những câu chuyện bàn tán, giễu cợt về đời tư của nhau trong những buổi dạ vũ, sự xôn xao hỗn độn của đám đông khi lan truyền tin tức. Tất cả đều được nhà văn Jane Austen lột tả một cách rất sinh động, thẳng thắn và không kém phần châm chọc. Bà khiến người đọc cũng phải bật cười trước những sự lố bịch thái quá của xã hội thời đó.

“Thưa anh, tôi có thể nói hy vọng của anh thật là khác thường sau khi tôi đã nói cho anh rõ. Xin anh tin rằng tôi không phải trong số những thiếu nữ (nếu quả thật có những thiếu nữ như thế) dám đánh đố hạnh phúc của mình qua cơ may được cầu hôn lần thứ hai. Tôi hoàn toàn nghiêm túc trong lời khước từ của tôi. Anh không thể mang hạnh phúc đến cho tôi, và tôi tin chắc mình là người phụ nữ cuối cùng trên thế gian này có thể tạo hạnh phúc cho anh.” – Elizabeth từ chối lời cầu hôn của Collins.

Kiêu hãnh và định kiến xuất hiện nhiều nhân vật với tính cách và tâm lý khác nhau được tác giả Jane Austen đã khắc họa chân dung một cách rất tài tình và nhịp nhàng ở trong đa dạng cảnh huống. Cá nhân tôi thấy khâm phục tác giả nhất trong việc thiết kế tương tác cho nhiều nhân vật cùng lúc như trong bữa ăn hay trong một buổi dạ vũ. Khi chứng kiến sự chi tiết và tỉ mỉ trong nội dung của tác phẩm, người đọc có thể hình dung những câu chuyện hiện ra sống động trước mắt, và nhập thân vào trong đó một cách tự nhiên nhất.

Cuốn sách đã nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình dài tập. Bộ phim Kiêu hãnh và định kiến (2005) với nữ diễn viên chính Keira Knightley (nổi tiếng trong loạt phim Cướp biển vùng Caribbeans) vào vai Elizabeth giúp mang lại cảm tình không nhỏ đối với tôi về tác phẩm gốc. Các tình tiết trong phim được truyền đạt một cách rất nhẹ nhàng và lãng mạn với những cảnh trí thơ mộng tuyệt vời của vương quốc Anh khiến người xem ước ao được đặt chân tới những vùng đất ấy một lần trong đời. Nét sinh động của Elizabeth trong phim rất ăn khớp với những gì được khắc họa trong cuốn sách. Có thể nói, bộ phim là một sự bổ sung hoàn hảo cho cuốn tiểu thuyết lừng danh này.

8.5/10 là điểm dành cho Kiêu hãnh và định kiến.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Sadie Pices

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Translation™] Lắng Nghe Con Trẻ Nói Về Tình Yêu

0

(482 chữ, 2 phút đọc)

Khi được hỏi về Tình Yêu, sau đây là những câu trả lời của những em nhỏ

* * *

“Tình yêu là khi bạn nhường gần hết phần khoai tây chiên của bạn cho họ mà không đòi họ chia phần.” – Chrissy, 6 tuổi

“Tình Yêu là điều làm bạn cười khi bạn mệt mỏi.” – Terri, 4 tuổi

“Tình Yêu là khi mẹ pha cho bố ly cà phê và trước khi đưa bố uống mẹ nếm thử một chút xem nó có ngon chưa.” – Danny, 7 tuổi

“Tình Yêu là cảm giác thiêng liêng trong căn phòng đêm Giáng Sinh, nếu ta biết dừng việc mở quà lại và lắng nghe.” – Bobby, 7 tuổi

“Nếu bạn muốn học cách yêu tốt hơn, bạn nên bắt đầu từ một người bạn mà bạn ghét.” – Nikka, 6 tuổi

“Tình Yêu là khi bạn nói với một cậu bé bạn thích cái áo của nó, vậy là nó mặc cái áo đó mỗi ngày.” – Noelle, 7 tuổi

“Tình Yêu giống như một bà cụ và một ông cụ sau một thời gian rất dài và biết rõ về nhau nhưng vẫn còn là bạn của nhau.” – Tommy, 6 tuổi

“Mẹ em yêu em nhất trên đời. Anh sẽ không thấy ai khác ngoài mẹ em hôn em mỗi tối trước khi ngủ.” – Clare, 6 tuổi

“Tình Yêu là khi mẹ dành cho bố miếng đùi gà ngon nhất.” – Elaine, 5 tuổi

“Tình Yêu là khi mẹ thấy bố ở dơ, hôi hám nhưng mẹ vẫn nói bố đẹp trai hơn Brat Pitt.” – Chris, 7 tuổi

“Tình Yêu là khi con chó nhà bạn liếm mặt bạn mặc dù nguyên cả ngày bạn bỏ nó một mình.” – Mary Ann, 4 tuổi

“Em biết chị của em yêu em vì chị cho em hết những quần áo cũ của chị và phải đi mua những cái mới.” – Lauren, 4 tuổi

“Khi bà em bị viêm khớp, bà không thể cúi xuống và sơn móng chân được. Thế nên ông em làm giúp bà chuyện đó, mặc dù tay của ông cũng bị viêm khớp luôn. Đó là Tình Yêu.” – Rebecca, 8 tuổi

“Khi bạn yêu một người, lông mi bạn chớp lên chớp xuống và có những ngôi sao nhỏ thoát ra khỏi người bạn.” – Karen, 7 tuổi

“Bạn đừng nên nói câu “I love you” trừ khi bạn thực sự có ý đó. Nếu bạn thật sự có ý, bạn nên nói nó thật nhiều. Người ta hay quên lắm.” – Jessica, 8 tuổi

“Khi em có buổi biểu diễn piano, em đã lên sân khấu và em đã sợ hãi. Em nhìn tất cả mọi người, những người cũng đang nhìn em. Sau đó, em thấy cha em vẫy tay và mỉm cười. Ông là người duy nhất làm điều đó và em không còn thấy sợ nữa.” – Jenny, 8 tuổi

*  *  *

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Ảnh minh họa: Pexels 

📌 Ủng hộ Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chuyện những cái đầu gối

0

(1187 chữ, 4.5 phút đọc)

Sáng, còn mười lăm phút nữa là 6h, giờ tan ca, người của ca sau đã tới ngồi chơi uống cà phê. Tôi ngáp ngủ nhìn quanh trong tiệm xem có còn việc gì để làm không. Tiếng chuông cửa “kính coong” vang lên. Tôi nghĩ bụng không biết là khách vừa làm xong ca đêm hay khách bắt đầu đi làm ca ngày, nhìn qua mấy dãy kệ chất hàng hoá thì thấy một cô gái khá đẹp, mặc áo T-shirt màu hồng và cái quần đùi bằng jean rách sành điệu đang đi vào. Thường giờ này không có con gái vào mua hàng, chỉ có mấy ông già bà già dậy sớm hoặc mấy anh công nhân. Khi cô tới gần quầy để tính tiền, tôi chợt nhìn thấy hai đầu gối của cô chi chít vết thương cũ mới, có chỗ rỉ máu đang dán băng, chỗ đã kéo da non, chỗ đã thành sẹo, chỗ thì bầm xanh… Nhìn sự uể oải trên gương mặt trang điểm rất dày và cách trang sức, tôi thoáng có một ý nghĩ về nghề nghiệp của cô mà không tiện viết lại đây. Cô nói chuyện khá lễ phép bằng cái giọng trong veo như trẻ con, gọi tôi là onisan và nói các động từ theo thể masu lịch sự.

Tan ca, đi ra khỏi tiệm lúc 6h20 sáng, thời tiết đã trở lạnh từ khi nào, nhiệt độ chỉ còn xấp xỉ 18-19 độ, tôi phải vòng tay ôm trước ngực cho đỡ rùng mình. Đi bộ khỏi ga một chút, thấy một đám chim bồ câu đang tụ lại dưới sân một chung cư, có con quạ lớn cũng chen chúc vào trong đó. Trên cửa sổ lầu bốn của chung cư, có một bà cụ đang rải cơm và bánh mì cho chim ăn. Nhác thấy tôi, bà cụ khép vội cửa lại, có lẽ việc “nuôi” chim bị cấm ở khu này, trước đây người ta còn làm cả một phóng sự lên án việc con người cho chim hoang ăn uống làm mất bản năng sinh tồn của chúng. Tôi nhìn quạ và bồ câu, chợt hình ảnh hai cái đầu gối của cô gái lúc nãy hiện ra trong đầu và bắt đầu ám ảnh tôi. Ở Nhật này, hãng xưởng mỗi ngày một tăng mà người thì giảm, rất dễ tìm một công việc tử tế nếu là người bản xứ. Như con bé học sinh cấp 3 làm chung với tôi, nó chỉ làm mỗi tuần có 21 tiếng đồng hồ, nhưng nói đã để dành đủ tiền để cuối năm này vào kỳ nghỉ đông sẽ đi Brasil chơi với bạn, hoặc mua một chiếc xe hơi tốt cho riêng nó khi nó qua ngày sinh nhật và đủ tuổi thi bằng lái. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ cô gái kia tự nguyện chọn công việc của bản thân với thu nhập cao gấp nhiều lần so với lương nhân viên nhà nước cấp bộ. Cô ấy không có gì đáng tội nghiệp.

Nhưng rồi hình ảnh hai cái đầu gối ấy vẫn đeo đuổi tâm trí tôi mãi, tôi chợp mắt tầm hai tiếng rồi thức dậy và không thể nào ngủ lại được. Buổi chiều, tôi cùng bạn Rachel đi công việc gần ga Ikebukuro, nhìn thấy người dân đang múa quanh cái kiệu thần, có mấy em gái cỡ mười mấy tuổi mặc đồ trắng đánh trống rất nghề. Mọi người đủ mọi thành phần, đủ mọi loại trang phục, chẳng phân biệt địa vị hay tuổi tác, nhịp nhàng múa với nhau điệu múa truyền thống, tuy thô sơ mà đẹp mắt, những cái đầu gối nâng lên hạ xuống nhẹ nhàng thanh thoát.

Ám ảnh về hai cái đầu gối của cô gái gặp ban sáng tan đi, xã hội đa nguyên, người ta có quyền chọn cho mình nghề nghiệp và lối sống. Sinh ra làm người ở nước đa nguyên đa đảng như Nhật, dù có dở đến đâu, miễn là chịu lao động, đều có thể có cuộc sống sung túc, có nhà có xe hơi, có tiền để dành phòng lúc tai nạn ốm đau, có thể đi du lịch nước ngoài theo sở thích…

Sự tốt đẹp của xã hội, bắt nguồn từ thể chế. Nếu người lãnh đạo này làm cho đất nước nghèo đi, kinh tế suy sụp, thì bị dân đuổi về để người khác lên thay. Nếu đường lối của đảng này làm cho đời sống dân khó khăn hơn, cơ hội nghề nghiệp ít đi, thì dân chọn đảng khác ra ngồi ghế nóng. Vì người ta lập quốc trên tinh thần đảng nào cũng là bởi con người, mà đã là người thì phải có đúng sai, có ưu khuyết. Và lúc nào cũng bị đặt vào tư thế bị đào thải nếu làm bậy, nên người ta phải cố gắng hết sức để làm đúng, thậm chí không được phép nhầm lẫn. Nếu một mình một chợ, thì bán giá nào, phách lối mất dạy ra sao, người ta cũng nghiễm nhiên coi vai trò của mình là thiết yếu.

Tôi chợt nhớ lại những cái đầu gối lấm lem bùn đất của người nông dân quê mình, của ba, của mẹ; tôi tưởng tượng những cái đầu gối trắng bệch vì ngâm nước lâu của ngư dân từ nam ra bắc, của chú, của anh; tôi càng xót xa hơn khi nghĩ về những cái đầu gối đầy vết thương vết xước, của chị, của em; những cái đầu gối của người công nhân xuất khẩu lao động đi nước này nước nọ, khi ê ẩm vì đứng lâu trong xưởng, khi quỵ xuống vì kiệt sức, khi tái tê trong tuyết lạnh… của tất cả những người anh em cùng trang lứa.

Tôi giật mình, tất cả đều không có sự lựa chọn, sự bế tắc và nỗi khổ của những người con cùng Mẹ Việt Nam dường như bị hiểu lầm là một tiền định hay số kiếp! Bao nhiêu năm, người ta đã mài một thứ chì tư tưởng để đầu độc và thức ăn tinh thần của người Việt, để chúng ta chấp nhận sự đau khổ và nghèo hèn của mình như là số mệnh, chấp nhận quỳ đầu gối của mình và mọp đầu trước gạo tiền cơm áo. Thảm cảnh đó không ai khác gây ra ngoài những kẻ đang quỳ gối trước ngoại bang.

Tôi hít một hơi dài, không khí lành lạnh, không khí tự do tràn vào đầy buồng phổi. Có lẽ bạn Rachel cũng nghĩ điều gì đó xa xôi về tổ quốc:

— Người Nhật giữ truyền thống tốt quá, nhìn mấy đứa nhỏ thấy tương lai của nước Nhật… mong thế hệ sau của tụi mình cũng sẽ được lớn lên như vậy!

Tôi thấy tin điều đó, rồi sẽ có một ngày, đầu gối của người dân nước tôi sẽ chỉ muốn chạm đất để lễ thần linh hoặc lạy ông bà cha mẹ mà thôi!

Tác giả: Hai Le

Ảnh minh họa: Quangpraha

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[Điểm phim] Nghiền ngẫm lối sống người trẻ qua bộ phim Devil Wears Prada (Yêu nữ hàng hiệu)

0

(876 chữ, 3.5 phút đọc)

Devil Wears Prada (tạm dịch: Yêu nữ hàng hiệu) là một trong 7 bộ phim kinh điển về ngành thời trang mà bất cứ tín đồ mê điện ảnh nào cũng không nên bỏ lỡ. Sự hóa thân tài tình của diễn viên gạo cội người Mỹ Meryl Streep vào vai vị tổng biên tập quyền lực của Tạp chí Thời Trang Runway, những thước phim lung linh về váy vóc, quần áo hàng hiệu,… tất cả tạo nên sự mãn nhãn tuyệt đối cho khán giả. Điều này lập tức đưa Devil Wears Prada nằm chiễm chệ trên danh sách những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Mỹ.

Bộ phim được chuyển thể từ tiêu thuyết cùng tên của tác giả Lauren Weiber. Lấy cảm hứng từ chính công việc trợ lý của mình cho Anna Wintour – Tổng biên tập tạp chí Vouge, bà chắp bút viết nên cuốn tiểu thuyết vô cùng ăn khách Devil wears Prada kể về cô sinh viên mới ra trường Andrea Sachs với ước mơ ấp ủ trở thành nhà báo nhưng duyên may rủi lại nhận được công việc làm trợ lý cho bà Miranda Priestly – tổng biên tập của tạp chí Runway, vị trí mà theo cô được biết là mơ ước của hàng triệu cô gái ngoài kia. Vốn là cô gái xuề xòa, Andrea Sachs không quan tâm đến thời trang và không hiểu tại sao những người như bà Miranda Priestly thích quan tâm những điều tỉ mỉ, nhỏ nhặt mà không ai để ý trên trang phục người mẫu.

28f533c95e18e41877773999861c8829

Bộ phim có rất nhiều chi tiết đắt giá, chứa đựng những lời cảnh tỉnh cho người trẻ hiện đại đầy tham vọng và hoài bão trong khoảng thời gian đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa trường lớp và tìm kiếm công việc mơ ước trong xã hội.

Andrea Sachs tốt nghiệp loại ưu từ một trường đại học có tiếng tại Mỹ, với ước mơ làm nhà báo luôn ấp ủ từ ngày còn sinh viên. Đối với cô, vị trí mà hàng triệu cô gái ngoài kia đang ao ước chỉ là một bước đệm để đạt ước mơ của mình. Cô tự nói với bản thân làm trợ lý cho Miranda Priestly trong vòng một năm rồi cô có thể xin việc ở bất cứ toàn soạn nào trong thành phố New York này.

“…Trong khi hàng triệu người ngoài kia đang ao ước được làm việc tại nơi đây, cô lại là người hạ cố đến làm.”

Đó là bài học đầu tiên Andrea Sachs nhận được khi bị Miranda phê bình về thái độ làm việc và cô tìm đến người bạn đầu tiên của mình để than vãn sự bất công tại tòa soạn Runway – nhà thiết kế kỳ cựu Nigel. Andrea ấm ức vì Miranda không bao giờ nói cảm ơn mỗi khi cô làm tốt công việc của mình nhưng khi cô ấy làm sai, bà ấy trở nên thật xấu xa, cô cần một sự công nhận năng lực của mình tại nơi đây.

Đó chính là phác họa chân dung của người trẻ hiện đại, với cái tôi lớn và luôn đặt mình vào trung tâm của vũ trụ. Có bao nhiêu lần chúng ta tự nói với bản thân và bạn bè những lời mà Andrea nói với Nigel? Nhưng đối với những người thành công đi trước, sự thật phũ phàng là bạn không cố gắng, bạn chỉ đang than vãn và không trân trọng công việc của mình.

Tôi tin rằng nếu bạn cần một lời khuyên từ Nigel, ông ta sẽ nói với bạn rằng: “Bỏ việc đi, họ có thể tìm người thế cô trong 5 phút.”

“…Tôi không có sự lựa chọn.”

Gặp rắc rối với các mối quan hệ xung quanh là điều Andrea phải đối mắt xuyên suốt bộ phim vì công việc trợ lý của mình. Lỡ hẹn sinh nhật của bạn trai vì làm trợ lý cho bữa tiệc tối với các tòa soạn của Miranda. Bạn bè nói rằng cô thay đổi quá nhiều sau khi làm việc ở tòa soạn Runway. Ngay cả cha của Andrea cũng không vui khi thấy con gái mình phải làm việc tại văn phòng  lúc 2h sáng và chạy đôn đáo trong bữa ăn tối để tìm vé máy bay cho Miranda trong điều kiện thời tiết xấu, không có chuyến bay về New York. Mọi người đều thiếu sự cảm thông cho công việc của cô.

Đỉnh điểm của sự tuôn trào cảm xúc là khi Miranda Priestly muốn thay thế cô vào vị trí trợ lý cho chuyến công tác Paris Fashion Week mà đáng lẽ ra đã được đo ni đóng giầy cho người trợ lý thứ nhất.

Andrea luôn nói rằng “Tôi không có sự lựa chọn.”

Miranda nói: “Không, cô đã lựa chọn, cô lựa chọn tiến về phía trước.”

Chính là như thế, quyền năng của người trẻ là được phép chọn và thử, vì vậy đừng giới hạn bản thân trong khuôn khổ vô hình nào hết. Bạn luôn có sự lựa chọn, mỗi sự chọn lựa đều do chính bản thân bạn quyết định mà thôi.

Tác giả: Phương Thảo

Ảnh minh họa: time.com

📌 Ủng hộ tác giả Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

[Review] Đối Thoại Với Thượng Đế, Neal Donald Walsch

(1023 chữ, 4 phút đọc)

Dẫu biết rằng “thị hiếu” của mỗi bạn đọc là khác nhau nhưng đôi lúc tôi cứ cảm thấy buồn buồn, vì đôi khi có những cuốn sách hay được cả thế giới đón nhận thì đến lúc được xuất bản tại Việt Nam, chẳng mấy bạn đọc biết tới và chỉ sau một thời gian ngắn là bị chìm nghỉm trước hằng hà sa số những đầu sách tiểu thuyết trinh thám, ái tình hay dạy kinh doanh, làm giàu đang bán chạy khác.

Từ góc nhìn của tôi, cuốn Đối thoại với Thượng đế của Neal Donald Walsch cũng đã rơi vào trường hợp như vậy. Thậm chí, Nhã Nam – công ty chịu tránh nhiệm chính trong việc cho ra đời cuốn sách, hình như cũng không mặn mà lắm với việc tiếp thị chút ít cho tác phẩm đầy giá trị này.

Đúng như tựa đề của tác phẩm, đây là cuốn sách ghi lại “một cuộc đối thoại kỳ lạ” giữa tác giả và Thượng Đế từ chính ngòi bút của ông. Việc này nghe có hơi vẻ điên rồ và ảo tưởng, nhưng nếu bạn cũng luôn bị “ám ảnh bởi một số câu hỏi cốt tử về cuộc sống hàng ngày” như tôi thì hãy gác lại những định kiến của mình để thử đọc vài trang đối thoại đầy trí tuệ và dí dỏm trong cuốn sách này.

Không biết với người khác thì thế nào chứ với tôi thì những tri thức mà cuốn sách đem đến đã thoả mãn mọi khát khao được biết của tâm hồn mình. Tôi chưa đọc tác phẩm nào lại nói cho người ta biết rõ ràng và thuyết phục đến thế về nhiều vấn đề vẫn được tranh cãi từ bao đời. Bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách này câu trả lời cho các vấn đề như Thượng đế thực sự là ai, Con người thực sự là ai, Địa gục thực sự là gì, mục đích sống thực sự của Con Người là gì, đâu là cốt tủy của mọi tôn giáo, người ta phải làm gì để đời mình “cất cánh”, đam mê có nghĩa là gì, từ bỏ có nghĩa là gì, bản chất của mọi mối quan hệ là gì, cái chết thực sự là gì…

Tìm hiểu về tâm linh và tôn giáo trong 5, 6 năm qua, nhân sinh quan của tôi ảnh hưởng nhiều bởi những quan niệm của nhà Phật. Nhưng đâu đó trong tâm hồn, tôi vẫn thấy giáo lý nhà Phật vẫn chưa thỏa mãn được những băn khoăn, khắc khoải của mình. Trong cảm nhận của tôi, tư tưởng Phật vẫn chưa thể giúp tâm hồn mình vượt thoát được. Chỉ đến khi đọc Đối thoại với Thượng đế, tâm hồn tôi mới được “chắp cánh”, bay lên và bứt phá khỏi mọi tư tưởng giáo điều, nhẹ nhàng chao liệng trên bầu trời tự do của Chân lý. Tôi đã tìm thấy trong nội dung cuốn sách này cốt lõi tư tưởng của đạo Phật, đạo Kitô, đạo Bà La Môn… và tri thức để tâm hồn mình siêu việt lên các tôn giáo ấy.

Khi đọc xong cuốn sách, tôi mới hiểu vì sao cuốn sách lại có thể nằm trong danh sách best-seller của tờ The New York Times suốt 137 tuần. Tôi tự nhủ rằng: “Nếu nói rằng đây là cuốn Kinh Thánh cho Thời Đại Mới (New Age) thì cũng không quá.” Trao đổi với tôi qua email, dịch giả Nguyễn Trung Kỳ – người đã chuyển ngữ trôi chảy tuyệt vời tác phẩm này chia sẻ: “Tôi hy vọng bạn sẽ đọc cuốn sách nhiều lần để cảm nghiệm được sức mạnh giải phóng của nó.” Nghe lời anh, tôi đã kiên nhẫn đọc đi đọc lại nhiều lần từng đoạn một, từng chương một. Càng đọc, tôi càng thấy rằng mình không thể đọc nhanh nếu như không muốn bỏ sót hay cảm nhận vẻ đẹp hết của những viên ngọc tri thức trong tác phẩm.

Tôi nghĩ triết gia Ấn Độ Vivekananda cũng không quá cực đoan khi nói rằng: “Chỉ nên đọc sách của những người đắc đạo, còn bao nhiêu sách vở trên đời đều nhảm nhỉ cả.” Bởi đôi khi chỉ cần thấm nhuần tư tưởng của một cuốn sách minh triết như Đối thoại với Thượng Đế cũng đủ để sáng tỏ cả cuộc đời.

Một số trích dẫn hay

1. Ý Nghĩ Cao Nhất luôn luôn là ý nghĩ chứa đựng niềm vui. Lời Nói Rõ Ràng Nhất là lời nói chứa đựng sự thật. Cảm Giác Lớn Lao Nhất là cảm giác mà ngươi gọi là yêu thương.

2. Mọi người, ai cũng đặc biệt, và mọi giây phút đều là vàng ngọc. Không có người nào và không có lúc nào đặc biệt hơn người khác, lúc khác.

3. Bí mật sâu xa nhất: Đời sống không phải là một tiến trình khám phá, mà là một tiến trình sáng tạo…

4. Chỉ có duy nhất một lý do để làm điều gì đó, một lời khẳng định với vũ trụ: Ngươi Là Ai.

5. Hỏa ngục là đối nghịch với niềm vui. Nó là sự bất toàn. Hỏa ngục là biết được Ngươi Là Ai và Là Gì, nhưng lại không kinh nghiệm được điều đó. Nó là bị kém. Đó là hỏa ngục, và ở đó, không còn gì là lớn hơn cho linh hồn ngươi nữa.

6. Đôi khi con người ta phải phải tiến hành chiến tranh để đưa ra lời khẳng định lớn nhất về người mà họ thực sự là: một con người kinh tởm chiến tranh.

7. Sự sống, tự bản chất của nó, không thể có được bảo đảm. Bằng không, toàn bộ mục đích của nó sẽ bị bóp nghẹt.

8. Yêu thương là thực tại tối hậu. Nó là thực tại tối hậu duy nhất. Là tất cả. Cảm giác yêu thương là kinh nghiệm của ngươi về Thượng đế.

* * *

Tác Giả: Đỗ Hoàng Tùng

📌 Ủng hộ Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Ken Wilber, triết gia hiện đại người Mỹ, và 13 bài học

exclusive

(1094 chữ, 4.5 phút đọc)

Giới thiệu

Ken Wilber (sinh ngày 31 tháng 1, 1949) là một tác giả người Mỹ về lĩnh vực tâm lý học siêu hình và triết lý hợp nguyên do ông sáng tạo ra, một hệ thống triết học gợi ý về sự tổng hợp của tất cả kiến thức và kinh nghiệm, trải nghiệm của loài người.

Ken Wilber là một trong những tư duy độc đáo nhất trong lĩnh vực triết học và tâm linh. Ken Wilber đã sáng tạo ra Lý thuyết Hợp nguyên (Integral Theory), đưa vào đó những khía cạnh khác nhau của hiện thực: cá nhân, tập thể, nội tại, ngoại tại. Ken Wilber cố gắng tổng hợp tất cả các lý thuyết, học thuyết và hệ thống tư duy từ Đông đến Tây, cũng như từ cổ điển đến hiện đại, vào một hệ thống tổng hợp đồng nhất.

Để nói cho “chất”, Ken Wilber không chỉ là một người đưa ra lý thuyết mà còn là người giúp ta nhìn rõ mình trong cái “gương toàn diện” của thế giới tri thức. Ông không ngần ngại nói về Bồ tát đến Einstein, về Thiền đến toán học.

Nếu bạn quan tâm đến việc tạo ra một sự hiểu biết toàn diện trong công việc của mình, Ken Wilber có thể là một nguồn cảm hứng quý báu. Điều quan trọng là biết làm thế nào để áp dụng lý thuyết toàn diện vào thực tế, để có cái nhìn “tổng quan” hơn về mọi thứ, từ tâm linh đến khoa học.

13 bài học từ Ken Wilber

1. “Tiếp cận theo Hợp Nguyên (Integral) cho thấy tất cả góc độ đều chứa đựng sự thật, nhưng một số góc độ thì thật hơn, tiến hóa hơn, phát triển hơn, toàn diện hơn.”

2. Những bậc bí huyền vĩ đại trong quá khứ (từ Phật tới Chúa, từ al-Hallaj tới Lady Tsogyal, từ Huệ Năng tới Hildegard) thật sự đã đi trước thời đại họ, và ngay cả thời đại chúng ta. Nói cách khác, họ không phải là những nhân vật của quá khứ. Họ là những con người của tương lai.

3. Cái gì ở trong bạn đưa bạn đến với một người thầy tâm linh? Không phải là linh hồn bạn, vì linh hồn đó đã được khai sáng rồi, nó không cần phải tìm nữa. Nó chính là cái ngã của bạn đã đưa bạn tới người thầy.

4. Khoa học hiện đại đã không còn từ chối linh hồn. Đó là một biến cố quan trọng. Như Hans Kung nhận xét, câu trả lời thông thường cho câu hỏi “Bạn có tin vào linh hồn không?” thường là “Tất nhiên là không, tôi là một khoa học gia.” nhưng rồi nó sẽ sớm là “Tất nhiên tôi tin có linh hồn, tôi là một khoa học gia.

5. Ý định thật sự từ những bài viết của tôi không phải để nói, bạn phải nghĩ theo cách này. Ý định thật sự là: Đây là một vài khía cạnh quan trọng trong cái vũ trụ hùng vĩ này, bạn có nghĩ là sẽ cân nhắc nó vào thế giới quan của mình chưa?

6. Với người theo Freud tôi nói, bạn đã nhìn vào Phật Giáo chưa? Với Phật tử tôi nói, bạn đọc Freud chưa? Với nhóm tự do tôi nói, Bạn có bao giờ nghĩ một số tư tưởng từ nhóm bảo thủ quan trọng thế nào chưa? Với nhóm bảo thủ tôi nói, Bạn có thể nào nhìn thoáng hơn 1 chút được không? Vân Vân… Chưa bao giờ tôi nói: Freud sai, Phật sai, tự do sai, bảo thủ sai. Cái tôi chỉ gợi ý là chúng đều đúng-nhưng-phiến-diện. Và trên tấm bia mộ của tôi, tôi thành thật hy vọng một ngày nào đó họ sẽ khắc dòng chữ: Ông ta đã đúng-nhưng-phiến-diện.

7. Có phải những bậc bí huyền, thánh nhân đều điên rồ? Họ đều có những phiên bản khác nhau về những chuyện giống nhau. Chuyện về một buổi sáng bỗng giác ngộ, khám phá ra mình là một với vũ trụ, theo kiểu phi thời gian, vĩnh cửu, vô tận… Vâng, có thể họ điên, những “tên ngốc thiêng liêng” này. Có thể là họ đang lèm bèm lảm nhảm. Có thể họ cần một bác sĩ tâm lý biết thông cảm. Vâng, tôi nghĩ nó sẽ có ích lắm.

Nhưng rồi tôi nghĩ, có thể chuỗi tiến hóa thật sự là từ vật chất tới cơ thể tới tâm ý tới tâm hồn tới linh hồn, theo bậc mà vượt qua và tồn đọng, càng sâu hơn, càng ý thức hơn, càng bao trùm hơn. Ở mức cao nhất của tiến hóa, có thể, chỉ có thể, có một cá nhân với ý thức đã chạm vào được vô tận – một sự bao trùm hoàn toàn toàn bộ vũ trụ – một ý thức vũ trụ mà linh hồn của nó đã tỉnh thức trước bản chất thật của nó.

8. Khoa học rõ ràng là một trong những phương cách uyên thâm nhất mà con người đã tạo ra để khám phá sự thật, trong khi tôn giáo vẫn còn là lực lượng lớn nhất cho việc phát sinh ý nghĩa.

9. Nói một cách giản dị, Có Chúa thượng cổ, Chúa pháp thuật, Chúa huyền bí, Chúa tâm lý, và Chúa hợp nguyên. Bạn tin vào Chúa nào?

Chúa thượng cổ biểu lộ sự linh thiêng qua sức mạnh có tính bản năng. Chúa pháp thuật biểu hiện sức mạnh thiêng liêng trong cái tôi con người và khả năng pháp thuật thay đổi thế giới hữu hạn qua cầu cúng và bùa phép. Chúa huyền bí thì không sống trên trái đất mà trên cõi giới thiên đàng, mà vé để vào cửa là họ phải sống thuận theo những giao ước và luật lệ Chúa đưa ra cho họ. Chúa tâm lý là một Chúa lý trí, từ chối những huyền thoại. Và một Chúa hợp nguyên bao trùm tất cả những thứ kể trên.

Chúa nào là quan trọng nhất? Dựa theo cái nhìn hợp nguyên, tất cả, bởi vì mỗi một giai đoạn cao hơn đã được dựng lên và bao gồm luôn những giai đoạn thấp hơn. Vậy thì những giai đoạn thấp hơn mang tính nền tảng, trong khi những giai đoạn cao hơn mang tính tầm cỡ, bỏ một giai đoạn nào, bạn sẽ gặp rắc rối.

10. Tiến hóa không loại trừ chúng ta ra khỏi vũ trụ, nó liên kết chúng ta với toàn thể vũ trụ: phương thức giống như nó tạo ra những con chim từ cát bụi, họa thơ từ sỏi đá, bản ngã từ giấy tờ, và thánh hiền từ bản ngã.

11. Trí tuệ xã hội không phải sự hiểu biết làm sao để sống thuận theo tự nhiên; mà là sự hiểu biết làm sao để con người đồng ý, thống nhất một đường lối sống thuận theo tự nhiên.

12. Bạn chiến thắng cái chết không phải bằng cách sống mãi mãi, nhưng bằng cách sống phi thời gian, bằng cách để tâm vào Hiện Tại. Bạn chiến thắng cái chết bằng cách nhận ra tâm thức hiện tại của chính bạn không bao giờ đi vào dòng thời gian ngay từ đầu, và vì thế bất sinh, bất diệt.

13. Eros là tình yêu của bậc thấp với lên bậc cao (thăng). Agape là tình yêu của bậc cao với xuống bậc dưới (giáng). Trong sự phát triển cá nhân, một người thăng theo Eros (phát triển đặc tính cao rộng hơn), và thống nhất với Agape (với xuống quan tâm bao trùm những cá thể bậc dưới), quá trình phát triển được cân bằng và rồi vượt qua và tồn đọng.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Tự do và nổi loạn có giống nhau?

0

(1034 chữ, 4 phút đọc)

N’Golo Kanté luôn lẫn vào đám đông. Trong nhiều bức ảnh chụp cảnh ăn mừng chiến thắng cùng đồng đội, chàng tiền vệ lừng danh thế giới dường như mất hút. Nếu không phải do đã nổi tiếng từ trước, thì khó ai có thể nhận ra nhà đương kim vô địch World Cup 2018. Bởi trong một số khuôn hình, chỉ có một phần khuôn mặt của cậu lộ ra trước ống kính, do bị… các đồng đội che khuất.

Kante ít nói, đi xe hơi ít tiền, không tiệc tùng, mộ đạo (cậu là một người Hồi giáo), hiền lành và có vẻ khép kín. Ngoài bóng đá ra, chỉ có một thứ duy nhất nổi bật ở cậu, đó là nụ cười. Một nụ cười hồn nhiên tươi rói.

Là chủ nhân của hai chức vô địch Ngoại hạng Anh và một cúp vàng World Cup, lẽ ra Kante có thể sống tự do hơn. Với thu nhập của cậu, những cuộc vui mỗi tối trong bar, tiệc tùng, siêu xe, phụ nữ đẹp… chẳng phải vấn đề gì to tát. Một đời sống tự do về vật chất, thoải mái về tinh thần luôn vẫy gọi những người giàu như cậu. Nhưng không hiểu vì sao đến giờ cậu vẫn đều đặn trong nhịp điệu chậm rãi của mình?

Kante dường như thích lẫn vào đám đông. Cậu không muốn nổi bật. Cậu ngượng nghịu khi được người ta tôn vinh. Vị trí trung tâm của cuộc vui để dành cho ai khác, không phải cậu. Có vẻ cậu muốn trở nên vô hình, không ham cạnh tranh (trừ trên sân bóng) và thích được biến mất mỗi khi có thể.

Đến một lúc nào đó, trong hào quang của sự nổi tiếng, không chừng Kanté sẽ tháo tung những ràng buộc của tôn giáo, kỷ luật, thói quen sống – những sợi xích mà hầu như ai cũng chán ngắt – để hòa vào cuộc sống vô tư, phóng khoáng, không ràng buộc… nhờ thu nhập cao? Có thể đến một lúc nào đó cậu ta sẽ như vậy, nhưng nếu có quyền được hy vọng, tôi hy vọng điều đó không xảy ra.

Quan niệm về sự tự do rất rộng. Có một dạng tự do khá phổ biến, biểu hiện qua hình tượng các ngôi sao giải trí: Họ được mặc những trang phục tuyệt đẹp mà chúng ta khao khát, thoát ly cảnh bị quên lãng và trở thành tâm điểm của đám đông, bung ra khỏi sự tẻ nhạt thường ngày để hòa mình vào những vũ điệu sôi động, như các thần tượng K-pop chẳng hạn. Vì thế, nhiều người trẻ tuổi rất hâm mộ họ và thường mơ những điều tương tự…

Tuy thế, một số nhân vật trong cuộc có thể lại suy nghĩ khác. Khi bạn không được sống và yêu theo ý riêng, khi bạn trở thành công cụ kiếm tiền của những ông trùm giải trí, hay nạn nhân của sự ích kỷ từ “fan hâm mộ”, bạn có thể rơi vào trầm cảm hoặc tự sát – nếu không đủ rắn rỏi.

Một kiểu tự do khác, đó là thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình và xã hội. Khi đứa trẻ lớn lên, chúng phá bỏ các khuôn khổ cũ kỹ do cha mẹ đặt ra, trở nên nổi loạn để chứng tỏ cá tính riêng biệt, duy nhất! Chúng xăm trổ, bấm đủ các loại khuyên tai, khuyên mũi, khoác những bộ đồ cực kỳ nổi bật, bước đi một cách ngông ngạo, vừa chửi thề vừa phì phèo khói thuốc. Chúng muốn được tự do là chính mình.

Nhưng nếu đặt những đứa trẻ ấy bên cạnh nhau, bạn sẽ thấy chúng giống hệt nhau. Chúng đặc biệt theo một cách không hề đặc biệt. Chúng tưởng chúng là duy nhất – thực tình thì chúng chỉ là bản sao của những người tương tự chúng và là sản phẩm đúc chung từ cái khuôn có tên “nổi loạn.” Giả sử 10 đứa trẻ như vậy phải lên Thiên Đàng cùng một lúc, có lẽ chính Thượng Đế cũng không phân biệt nổi đứa nào ra đứa nào. Chúng đã nhảy từ sự mất tự do này sang sự mất tự do khác.

Nổi loạn và tự do không tương đồng. Nổi loạn là một dạng tự cầm tù khó nhận ra vì nhà tù ấy không có chấn song. Sẽ có lúc giữa cuộc vui, vài đứa giật mình tự hỏi: Vòng xoáy này là gì, rồi mai ta còn bị cuốn về đâu? Cố tìm tự do, nhưng ta lại thấy toàn là vô định. Trong số chúng, một vài đứa chỉ bắt đầu cảm thấy sự trói buộc khi lỡ dính vào ma túy mà không tài nào thoát ra được.

Tự do không phụ thuộc vào việc ta là ai và làm gì. Tự do nằm trong tinh thần. Một người sống trong tù cảm thấy thoải mái và vừa lòng với hiện tại, sẽ tự do hơn một cậu quý tử nhà giàu ngày đêm vung tiền để thỏa mãn những thú vui vô vọng của bản thân.

Hãy trở lại cùng Kanté. Nếu Kanté không thoải mái với cuộc sống hiện tại, cậu chàng sẽ có cảm tưởng là mình đang bị giam hãm. Nhưng nếu cậu hài lòng với lối sống riêng, cậu đang có chút ít tự do. Và nếu cậu nhận thức được rằng tất cả các mối quan hệ ràng buộc trong đời sống chỉ là bề nổi của tảng băng trôi – phần chìm trông như thế nào lại do chính thái độ tinh thần của cậu quyết định, thì có lẽ cậu đang bước trên con đường tìm tới tự do hoàn toàn.

Ở chiều ngược lại, nếu chúng ta bị thúc ép phải đi tìm một thứ tự do nào khác trong tương lai mà chúng ta chưa có, chúng ta sẽ bị chính cái “khái niệm tự do” ấy trói buộc và trở thành nô lệ của nó.

Tự do thật sự luôn có sẵn trong trái tim mỗi người, chỉ cần quay lại và nhìn thấy.

Tác giả: Quang Vũ

Ảnh minh họa: Free-Photos

📌 Ủng hộ Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Sống mà không điên thì cuộc đời còn gì thú vị?

4

(791 chữ, 3 phút đọc)

Sống mà không điên, làm sao ta đủ gan góc băng vượt trùng khơi dữ dội để tìm kiếm mình trong dông bão như một nhà thám hiểm cố tìm kiếm những vùng đất mới.

Sống mà không điên, làm sao ta dám đưa tay ra sờ soạng vào đêm tối bằng những tiên đoán, điều mà bất cứ kẻ tỉnh táo nào cũng e dè sợ sệt.

Sống mà không điên, làm sao ta đủ khả năng bước đi trong cô độc. Xưa nay chỉ có người bình thường mới yếu đuối bám víu nhau để nượng tựa, họ lập làng lập ấp, sống phụ thuộc nhau bằng quan hệ bầy đàn. Họ không tin rằng con người có thể tồn tại trên bước chân kẻ cô độc. Nên phải chăng người độc lập tự chủ nhất bao giờ cũng phải giữ trong mình một chút điên rồ?

Sống mà không điên, làm sao bước đi giữa mặt trời đã lịm tắt, ánh hoàng hôn nhợt nhạt mà không tránh khỏi sự ưu sầu. Người điên luôn biết cách vui chơi thỏa thích với sự ưu sầu.

Sống mà không điên, làm sao giữ vững tâm hồn mình không bị cuốn hút vào khúc nhạc ngọt ngào dẫn ta đến con suối mát với làn nước xoáy phỉnh lừa ta. Điều ngọt ngào nhất bao giờ cũng chứa ẩn những cám dỗ. Chính vì thế mà ta đã trông thấy một xã hội bị cuốn theo danh vọng vật chất. Nhưng người điên đã mạnh dạn đứng lên tuyên bố rằng họ khinh bỉ những thứ tầm thường đó. Họ điên nên họ khinh bỉ những điều ngọt ngào hay vì họ khinh bỉ nên họ bỗng nhiên biến thành người điên?

Sống mà không điên, làm sao ta dám nghênh chiến với ác quỷ đang cư ngụ trong chính linh hồn mỗi chúng ta – những con quỷ với tiếng vọng rót vào bên tai chúng ta mỗi ngày. Chúng đang lôi kéo ta về với vùng đất nơi đầy rẫy những con người bình thường. Bởi chỉ có trên vùng đất đó, chúng mới hả hê điều khiển ta với những thú vui trụy lạc, những ham muốn của con người. Chỉ có ở đó quỷ dữ mới có đất sinh sống, mới có không khí để thở?

Sống mà không điên, làm sao ta dám nhặt đá quăng ném vào đầu những con người bình thường để thách đố với sự nhu nhược hèn yếu trong họ. Bởi bản năng của một người bình thường sẽ luôn giới hạn tất cả sức mạnh trong họ. Con người sẽ không bao giờ dám vượt bỏ con người. Họ an phận và biết tự lượng sức mình. Họ thừa thông minh để nhận ra chống lại đồng loại, họ sẽ ngay lập tức biến thành một người điên?

Con người là con vật can đảm nhất sao? Không, con điên đã tự bao giờ dành lấy ngôi vị quán quân đó để chiến thắng tất cả mọi con vật. Trong khi con người vẫn còn đang mắc kẹt trong mọi thống khổ điêu linh thì kẻ điên đã giết chết tất cả những sợ hãi nhấn chìm nó xuống hố sâu.

Con người nhìn con điên bằng ánh mắt thương hại, nhưng cũng trong ánh mắt ấy con điên đã cao đại và rộng lượng. Con điên đã vượt bỏ hết tất cả về con người, thoát khỏi con người, nhảy vọt những bước dài rồi bỏ xa con người. Vậy thì giữa con người và con điên, ai mới là kẻ thông thái hơn? Ai đủ tỉnh trí hơn ai?

Con người bác bỏ con điên, nhưng con điên lại chỉ luôn xem con người là một phần trong tất cả thú vui. Con người luôn quên rằng những người đã cõng họ lên đỉnh cao lại luôn là những người điên.

Đối với con người, lời của kẻ điên chẳng khác nào lời của một con chó đang tru rống. Người điên đứng bơ vơ giữa màn đêm hoang liêu và cảm thấy lạc loài ư?

Chỉ có những người điên mới là người cười như chưa bao giờ từng được cười trong cõi đời này? Chỉ có những người điên mới là người không bao giờ cam chịu để sống và cũng không bao giờ cam chịu chết? Chỉ có những người điên mới là người phóng giật biển cả để lao nhanh đến tự do?

Và phải chăng chỉ có người điên mới là người trông thấy nụ tầm xuân đầu tiên nở rộ khi mùa xuân đến. Nhưng nếu bạn không có một chút điên rồ nào, bạn làm sao hiểu được lời tôi nói?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Alexas_Fotos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2