31 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 94

Chúng ta cần phải vỡ mộng nhiều lần trong đời

0

(830 chữ, 3.5 phút đọc)

Gần đây mỗi khi làm một điều gì đó, chẳng hạn khi viết, mình chỉ sửa ít lần, sau đó ngưng. Nếu đọc lại vẫn thấy có gì đó không hoàn hảo: vài ý văn còn rối rắm hay sót một lỗi chính tả… thì mình cũng để đó. Chính các chi tiết bất toàn ấy lộ ra vẻ buồn cười và làm mình thấy vui vui: thế mới đúng là sản phẩm của con người!

Trước đây thì khác. Mình sửa đi sửa lại vô số lần. Có những lúc mất vài tiếng đồng hồ chỉ để chỉn chu lại một trang viết mà sau đó, mình vẫn thấy vung vãi đầy sạn sỏi (rõ ràng mình chẳng phải một người sinh ra để viết.) Một sự căng thẳng nhè nhẹ nhưng triền miên cứ giăng mắc trong đầu mình, suốt trong và sau quá trình đó. Hồi ấy mình đâu nhận thức được rằng sự hoàn hảo không hề tồn tại.

Mình cũng từng có thái độ như vậy đối với sức khỏe. Cả tuổi trẻ chưa hề mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào, nên mình bị vướng phải ảo giác sẽ mãi mãi khỏe mạnh và sẽ sống đến già. Mình gạt bỏ mọi ý nghĩ cho rằng chính mình có thể lâm trọng bệnh và có thể chết bất cứ lúc nào, chẳng cần bệnh tật, nhưng chỉ cần không may rơi vào một tai nạn giao thông.

Ảo giác đó bị đánh sập hoàn toàn sau khi mình mắc hết bệnh này đến bệnh khác, cả trong thể chất lẫn tinh thần. Nhưng cũng bởi quá tham lam – tham lam đến ám ảnh – một sinh lực sống bền vững, nên mình đâm ra suy sụp nhanh hơn những người khác. Không phải bệnh tật, mà chính nỗi ám ảnh đó đã khiến mình đau buồn và sụt mất 10kg chỉ trong 2 tháng. Có lẽ nên gọi đó là một sự vỡ mộng.

Mọi chuyện thay đổi khi mình chấp nhận một thực tế đơn giản rằng bất kỳ thứ gì cũng có khiếm khuyết và cuộc đời có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, không chỉ riêng mình mà cả những người thân thiết, gần gũi, những bạn bè chí cốt. Nhận thức đó cởi trói cho mình khỏi những áp lực của ảo tưởng, khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, và giúp mình hiểu rằng các vấn đề sức khỏe mà mình gặp phải cũng chẳng ghê gớm gì nhiều. Bệnh tật vẫn thế, nhưng mình lấy lại sinh khí, dần tăng cân, cơ mặt giãn ra, và chứng trầm cảm “mãn tính” biến mất. Mình cười nói nhiều hơn với mọi người, và mọi người cũng cười nói nhiều hơn với mình.

Đúng là chúng ta cần phải “vỡ mộng” nhiều lần trong đời. “Vỡ mộng” rất tốt. Mộng là giả. Vỡ mộng đưa ta trở về với thực tế. Khi thật sự trở về với thực tế rồi, người ta biết sống vui hơn.

Chỉ có điều, con người mơ quá nhiều giấc mộng. Những giấc mộng của chúng ta có cấu trúc giống như con búp bê Nga: trong con búp bê lớn có một con búp bê nhỏ, trong con nhỏ lại có một búp bê còn nhỏ hơn nữa. Cũng vậy, bọc bên ngoài giấc mộng nhỏ là nhiều lớp giấc mộng lớn. Vỡ lớp này vẫn còn lớp khác. Bởi thế nên nhiều khi, dù vỡ mộng, người ta vẫn đau khổ chứ không hạnh phúc như đúng ra phải là.

Mình thấy cuộc sống chẳng bao giờ hoàn hảo. Nó chỗ đẹp – chỗ xấu, chỗ thanh tao – chỗ què cụt, chỗ sáng tỏ – chỗ mù điếc. Bài học mà mình nhận được là: chẳng nên quá tham lam, hãy biết dừng đúng lúc. Khi nào bừng tỉnh hoàn toàn khỏi mọi khía cạnh của lòng tham – cơn đại mộng vĩ đại bao trùm tất cả – khi đó xem như chúng ta mới thật sự hết chìm đắm trong những cơn mê. Nhưng là người tầm thường, chúng ta chỉ cần hé dần từng mảnh rèm nhỏ của giấc mơ lớn ấy, để ánh sáng thực tại chiếu vào, vậy là đủ. Ta nào phải thiên tài.

Mình bắt đầu học cách thích sự không hoàn hảo từ những điều nhỏ bé xung quanh mình. Cái quần jeans có một nếp gấp nhỏ, cọ vào chân nhồn nhột. Những trang viết thỉnh thoảng sót lỗi chính tả. Một bữa trưa với món ăn không thật sự hợp khẩu vị. Và sức khỏe thỉnh thoảng khi xuống khi lên. Trước đây, nếu không chỉnh được chúng, mình sẽ cáu lan sang cả những người xung quanh trong nửa ngày. Giờ đây, tất cả, mình chỉ điều chỉnh một chút thôi, chứ không còn cố quá như xưa. Vì cố quá sẽ thành quá cố. Không biết ai chơi chữ mà hóa ra đúng như vậy!

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

Ảnh minh họa: Lukas_Rychvalsky 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Mỗi người là một nghệ sĩ đang sáng tạo ra cuộc đời mình

2

(731 chữ, 3 phút đọc)

Mỗi người là một gã nghệ sĩ nghèo nàn vốn sống nhưng chưa bao giờ túng thiếu những ý tưởng tâm hồn. Tâm hồn luôn không ngừng sáng tạo bằng những cuộc cách mạng. Mỗi ngày thức giấc với ý chí quyết tử cho ý nghĩa một lần được sống nên phải sống cho thật con người. Đã thử thách bản thân từ công việc này sang công việc khác, ý định này sang kế hoạch ước mơ kia. Chúng ta có phải vẫn đang xoay vần những ý tưởng xung quanh tâm trí mình mỗi ngày?

Biết bao nhiêu sự sáng tạo không thể diễn đạt thành lời trong tâm trí của một đứa bé đang chập chững bước đến bên cạnh một người lớn. Cuộc sống mới mẻ của người trưởng thành cho đến bảng chiến tích lẫy lừng trang sử một bô lão tuổi gần đất xa trời. Bao nhiêu sự đổi thay đã cứ thế diễn ra. 365 ngày trôi qua có ngày nào là không khác? 60 năm cuộc đời gần kề có năm nào tóc trắng không chấm điểm nhạt phai?

Chúng ta không phải đã luôn sống trong những mơ mộng thèm thuồng? Những giấc mơ muôn thuở vẫn luôn ngự trị trong tâm hồn. Đấy là máu, là cái chất khí linh hồn mà mỗi người nghệ sĩ đã gửi gắm trong tạo phẩm cuộc đời. Chúng ta đã cứ thế ôm ấp cuộc đời mình chẳng khác nào đứa con tinh thần với mong muốn nó phải là đứa riêng biệt?

Đã bao đêm nằm dài trong đêm vắng tịch liêu để ngẫm suy cho những ý tưởng sống, thấy lòng mình dâng lên niềm khao khát, tuôn trào cảm xúc mãnh liệt. Chúng ta chẳng phải đã tin rằng tình yêu này ta dành cho cuộc đời mình, sẽ thai nén ra một bản thiên anh hùng ca bất diệt thiên thu?

Chúng ta đã luôn bị lôi kéo vào cuộc sống, vào đứa con tinh thần của mình, vắt kiệt sức lực để cống hiến trọn vẹn thân xác và linh hồn mình cho nó. Chúng ta biết nó sẽ là một tạo phẩm bất toàn, nhưng trái tim của một người nghệ sĩ không cho phép chúng ta tạo ra rồi bỏ rơi. Vậy nên mỗi ngày trôi qua, chúng ta học cách thay đổi, học cách quay nhìn bên ngoài lẫn nội tâm bên trong, một trăm lần thử nghiệm với hy vọng một nghìn lần đó sẽ là khoảnh khắc xuất thần lên ngôi.

Cuộc đời đã lén lút đến thì thầm vào tai người nghệ sĩ những bí mật riêng, những ý tưởng sống đã được diễn dịch qua các tạo tác. Nói đúng hơn nó là những thành quả mà chúng ta đã và đang thu hoạch được trên con đường nghệ thuật sống. Phải là một người nghệ sĩ thì mới có thể cười, có thể khóc, vui buồn đau khổ đan kẽ xen nhau một cách tài tình đến thế. Chỉ có một người nghệ sĩ thực thụ mới là kẻ đủ kinh nghiệm khôn ngoan để ngự trên những cảm xúc đó.

Bởi chúng ta sinh ra đã sẵn là một người nghệ sĩ. Vậy nên tinh thần của nghệ sĩ không thể là tinh thần tự chán ngán tạo phẩm của mình. Chúng ta cần những ý tưởng thâm nhập đủ sâu để không tự tạo tác ra một cuộc sống nửa vời. Sống thì phải cho ra sống, bằng không chỉ đáng làm một gã nghệ sĩ giả mạo, tạo ra những tạo phẩm nhơ bẩn pha trộn bùn đen.

Chúng ta xưa giờ nhầm lẫn chỉ có những nhạc sĩ, nhà thơ, nhà viết kịch hay họa sĩ đang làm công việc sáng tạo mới được gọi tên nghệ sĩ. Chính vì thế bao lâu nay ta lười biếng trong sứ mệnh tiến đến con người nghệ sĩ đích thực trong chính ta. Nhưng nếu hiểu rõ hơn về linh hồn và thể xác của chính mình, chúng ta có chịu tù túng trong giới hạn, sẽ ù lì không chịu bứt phá ra những thường tồn?

Vâng, nếu biết mình cũng là một người nghệ sĩ đang sáng tạo ra cuộc đời mình. Hãy thử một lần ngoái nhìn lại, rốt cuộc bàn tay ta đang tạo ra gì đây?

Tác giả: Ni Chi

Ảnh minh hoạ:  FirmBee 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời qua kinh sách?

6

(946 chữ, 4 phút đọc)

Tôi đã trông thấy một vài học giả vênh váo kiêu ngạo, nói lời ba hoa trong các cuộc tranh luận. Đó là nơi mà những kẻ khao khát tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống đang cố gắng lượm nhặt lời an ủi động viên, cần một tiếng nói cứu rỗi linh hồn đang chết lịm giữa bức tường rêu phong đổ nát. Nhưng cẩn thận kẻo tự biến mình thành con cừu non bởi sự hồn nhiên ngây dại. Đừng phó mặc số phận mình trong lời rao giảng của những kẻ thậm chí còn chẳng biết mình là ai. Họ nghĩ rằng họ hiểu biết về cuộc đời người khác chỉ bằng những lý thuyết trong sách vở kinh thánh?

Đừng nghĩ rằng có ai đó sẽ thông thạo tường tận cuộc sống của bạn mà không phải là chính bạn. Bạn đang hỏi về những đồ vật hiện diện trong ngôi nhà của mình từ sự hiểu biết của một người hàng xóm?

Bạn trông thấy một vĩ nhân với phát ngôn hùng hồn vĩ đại trong tiếng nói tìm về cội nguồn chân lý. Bạn đang cố bám lấy vào những kinh nghiệm của họ? Dù người đó vĩ đại đến đâu thì việc đeo bám rồi hướng hành động theo lời dạy ấy, chỉ đang khiến bạn mù mờ hơn trên con đường tìm kiếm chính mình. Bởi bạn không thể là vĩ nhân, bạn cũng không sống cuộc đời của họ. Những gì họ đã trải qua khác bạn. Một loại thuốc tốt đắt tiền khi không hợp với thể chất của người bệnh cũng chỉ đáng để vứt sọt rác.

Bạn cũng không thể tìm kiếm trong lời lẽ hoa mỹ in tràn ngập kinh sách. Những kiến thức và học vấn chỉ khiến cho thói quen bén rễ. Bạn dung chứa tâm trí mình bằng kiến thức quen thuộc, chiều chuộng tâm trí để nó cố bám víu vào sự an ninh tạm thời. Điều đó lại vô tình trở thành một chướng ngại trên con đường nhận ra sự thật về bản ngã. Bởi khi bạn gặp bất cứ một việc gì thì kinh nghiệm ấy qua phạm trù quen biết đều ngay lập tức bị diễn dịch lại bằng lập trình đã đặt tên trong trí nhớ.

Từ khát khao tìm kiếm mình là ai, chúng ta đã huấn luyện linh hồn mình quy phục bởi những tri thức hiểu biết, từ lời giảng dạy của các bậc thánh hiền, các bậc vĩ nhân, cố gắng hình dung hoặc cố gắng cảm nghĩ về bản chất của kinh nghiệm kẻ khác. Nhưng cuộc sống này chẳng phải vô thường, đúng không? Chân lý ngày hôm qua vẫn cứ bất động đến tận thiên thu?

Nếu tất cả kinh sách bị đốt hết và các triết gia đều biến mất, không có bất kỳ một tôn giáo, không có Thượng Đế nào hiện hữu, bạn sẽ phải trả lời câu hỏi ý nghĩa cuộc đời mình bằng cách nào mà không phải là ngoái nhìn vào chính bản thân? Bạn phải trần truồng trơ trụi, phải là một trang giấy trắng tinh khôi, phóng thân mình vào những thất bại và sai lầm. Bạn dùng chính dòng máu đỏ đang cuộn trào trong cơ thể như nó là một phương tiện tự phòng vệ. Không thể phòng thủ bằng kiến thức của người khác, đó chỉ toàn là phù phiếm. Bạn phải lao vào trùng dương xa lạ, lao vào cuộc sống mình chứ không phải nhìn ngó cuộc sống kẻ khác, dù cho cả thiên hạ đang ôm bụng cười cợt đó là một cuộc phiêu lưu ngớ ngẩn.

Đã có những khoảnh khắc tôi ảo tưởng nhìn thấy linh hồn tôi qua các dòng chữ in dày đặc trong kinh sách, tôi đinh ninh chẳng có chân lý nào cao siêu hơn những điều đọc được. Thật ra chúng chỉ là sự giả ngụy. Điều đó chỉ ngăn chia tôi với tiếng gọi chân lý. Càng đi tìm chính mình trong kinh sách, tôi chỉ càng thấy mình chẳng khác gì biển cả cạn khô nước.

Ý nghĩa đó vẫn đang còn là một ẩn ngữ, vẫn còn đang bị giam cầm, vẫn đang trông chờ được tung cánh bay lượn giữa trời xanh trong tâm hồn tôi. Nhưng chắc chắn nó không được cất giữ trong kinh sách, nó được giấu kín trong chính bản thân tôi. Tôi có thể cảm nhận rõ mình chỉ đang hít thở mùi vị bụi bặm trong những trang sách, linh hồn tôi không nằm trong đó, tôi chỉ hao tổn khí lực khiến tâm hồn mình ngộp thở.

Chiếc chìa khóa dẫn đến chân ngã đang mời gọi trong kinh sách với tôi chỉ là chiếc chìa khóa đã bị hoen gỉ. Không có quyển sách nào có thể dẫn tôi đến chính tôi. Đừng để bị lừa bịp trước những lớp vỏ bọc thần thánh. Tôi nhận ra mình không cần tốn công sức và thời gian để bắt chước người khác. Tôi luôn tự nhủ mình rằng: Bình tĩnh nào! Trái tim mày đang muốn chồm nhảy ra khỏi lồng ngực vì vừa trông thấy được điều gì đó. Cố gắng lắng nghe đi, sau đó chỉ cần bước theo âm thanh đang vẫy gọi.

Và thế tôi vẫn cứ đang bước đi, dù chưa biết thiên đàng là bao xa, nhưng tôi tin mình sinh ra là để vững bước trên con đường này.

Tác giả: Ni Chi

Ảnh minh hoạ: Free-Photos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chuyện ba người: Kako, Genzai và Shorai

0

(1189 chữ, 4.5 phút đọc)

1. Chuyện của Kako

Kako thật trẻ trung và xinh đẹp. Mỗi buổi sáng, em mở cửa bước ra ngoài, nắng hồng rải dưới đất đỡ bước chân em, gió mơn man từng sợi tóc mai, chim rừng hát ca chào đón em. Em thuần khiết như giọt sương long lanh. Tâm hồn em yếu đuối và nhạy cảm.

Một ngày nọ, Akuma gõ cửa nhà em, trao cho em những lời nói lung linh kỳ diệu, trái tim em rung động, rồi Kako moi tim mình ra – một trái tim bằng pha lê – để đưa cho Akuma. Kako tin rằng, Akuma sẽ biết giá trị của tặng phẩm vĩ đại đó và trân quý nó. Nhưng Kako đã lầm, Akuma cầm trái tim em trên tay một cách hờ hững. Akuma tìm đến Kako vì sự thuần khiết của em, và khi làm Kako buồn phiền, nó thấy những vết rạn trên trái tim pha lê. Dần dần, viên pha lê không còn toả ra ánh sáng thuần khiết nữa. Akuma bỏ nó lăn lóc bụi bặm. Kako buồn bã và em khóc. Em phát hiện ra trái tim pha lê của mình chẳng bao giờ trở về như cũ, nhưng em đã trót trao nó cho Akuma…

Một ngày nọ, Akuma định dùng trái tim pha lê của Kako để làm hòn đá ném một con chim bói cá, Kako đau khổ vì biết cách Akuma đối xử với tim mình thua hòn đá. Em đau đớn và quyết đòi lại! Akuma quăng trả lại cho Kako một cách phũ phàng.

Kako đau đớn nhặt trái tim rạn vỡ, nó đã biến dạng và sứt mẻ quá nhiều. Kako không còn cười được. Từ hôm ấy, Kako đóng cửa nhà, em thấy ánh nắng gay gắt, thấy gió buốt giá và nghe tiếng chim như lời mỉa mai. Kako căm ghét bản thân mình, em thấy nhớ Akuma…

Một ngày nọ, Akuma lại đến gõ cửa nhà Kako. Lần này Akuma dùng những lời ma thuật mạnh mẽ hơn, và trong một phút yếu lòng, Kako đã nhận lời tha thứ cho Akuma. Nhưng Kako chưa kịp vui mừng tái hợp, thì Akuma lại làm em đau khổ, thực chất Akuma đang thấy chán và muốn kiếm thứ gì tiêu khiển. Trái tim pha lê của Kako vỡ vụn thành ngàn mảnh. Ánh mắt em cháy lên ngọn lửa căm phẫn, bàn tay em đau đớn hốt những mảnh vụn tim mình, mặc cho pha lê bén nhọn đâm chảy máu… em bỏ nơi đó ra đi. Em đi mãi đi mãi, mặc cho nỗi đau xé lòng xé dạ, mặc cho máu đang không ngừng chảy, em cứ đi như ngây như dại. Rồi em gục chết. Thượng Đế xót thương và cho em lời chúc rằng ai đánh thức Kako sẽ phải đau khổ.

2. Chuyện của Genzai

Genzai là một người rất bình thường đã đem lòng yêu Kako. Nhưng chính vì sự bình thường của mình, không biết nói những lời ma thuật và không biết làm những điều mờ mắt Kako, nên Kako chẳng bao giờ đoái hoài gì đến Genzai mà chỉ dành hết linh hồn và thần trí của mình cho Akuma.

Genzai bình lặng và kiên nhẫn chờ đợi, đến khi Akuma làm đau khổ Kako, anh bạn Genzai tưởng mình có cơ hội. Ngày Genzai định đến tỏ tình với Kako, anh ta nhìn thấy Kako và Akuma đã làm lành với nhau. Genzai đau đớn bỏ chạy trong âm thầm.

Genzai không thể quên được Kako. Anh ta cứ đi, từng ngày trôi qua Genzai đều nhớ Kako và không thể xoá mờ hình ảnh của Kako trong tâm trí mình. Genzai đau khổ, hình ảnh của Kako hiện rõ bao nhiêu thì càng làm cho Genzai đau đớn bấy nhiêu.

Cho đến một hôm, Genzai nhìn thấy một con chim bói cá đậu trên cành cây ngoài cửa sổ. Con chim ngủ say sưa và không hề nghĩ đến chuyện sẽ về tổ. Hình ảnh ấy đọng sâu trong đầu Genzai. Anh ta tự thấy mình như con chim đó, bay cả ngày mệt mỏi, đến tối nghỉ ngơi, chẳng cần nhìn xung quanh, chẳng cần đau đáu chuyện về tổ, chỉ cần nhắm mắt lại và đi ngủ là đủ. Genzai chợt nhận ra, chỉ cần mình đoạn tuyệt ý nghĩ về Kako, thì cuộc sống của mình thật bình an hạnh phúc. Genzai quyết lòng làm như vậy, nhưng từ sâu trong thâm tâm, vẫn có một tiếng nói yếu ớt phát ra rằng điều đó là không đúng, ý nghĩ đó là sai trái. Genzai lại bị giằng xé giữa chuyện nhớ và quên. Cứ như thế, Genzai giam hãm mình trong nỗi cô đơn đến chết. Thượng Đế cho Genzai một lời chúc, ai yêu mến Genzai sẽ có sự bình an.

3. Chuyện của Shorai

Shorai là một nhà tiên tri sống trên núi cao. Ông đã rất nhiều tuổi. Ông thấu hiểu hầu như mọi nỗi khổ đau của con người bởi vì ông là người từng trải.

Shorai thấy Kako đau khổ, liền hoá thành con chim bay đến chỗ Kako và Akuma. Akuma đã xua đuổi, và Kako thì hoàn toàn không có ý niệm gì về sự hiện diện của Shorai. Shorai kiên nhẫn đến vài lần nữa, nhưng Kako vì đau khổ đã không thèm nghe lời Shorai nữa.

Shorai lại đến cứu Genzai bằng nhiều cách, nhưng Genzai vì mải nhớ đến Kako nên cũng không còn tin vào Shorai nữa. Cho đến một hôm, Shorai mỏi mệt và biến thành con chim bói cá ngủ quên.

Rốt cuộc, Shorai có lòng nhưng đã không cứu được hai người Kako và Genzai khỏi đau khổ. Rồi ông ta cũng chết đi và đến gặp Thượng Đế. Thượng Đế cho ông lời chúc hễ ai tin vào lời ông đều sẽ có niềm hy vọng.

Lời bình

Bạn muốn hạnh phúc, hãy để cho Kako ngủ yên, yêu mến Genzai và tin vào Shorai. Trong cuộc sống, nếu bạn chưa hạnh phúc, có thể bạn đã đánh thức Kako, phớt lờ Genzai hoặc nghi ngờ thiện chí của Shorai.

Kako là quá khứ, nếu quá khứ đầy nỗi buồn, hãy để nó ngủ yên, đánh thức quá khứ cũng như đọc lại quyển sách dở òm mà kết quả ta đã biết trước. Chỉ có nỗi bất an ngày đêm thiêu đốt.

Genzai là hiện tại, ta không thể bình an và không thực sự tồn tại nếu ta quên đi những giây phút hiện tại mà cứ mơ tưởng những gì xa vời không với được.

Shorai là tương lai, hãy tin vào tương lai, vì tương lai đã từng trải qua hết những khổ đau và vấp ngã, tương lai biết hết mọi thứ của hiện tại và quá khứ. Và tương lai chắc chắn sẽ đến không bao giờ lỗi hẹn!

Đừng ghét quá khứ, chỉ cần để nó ngủ yên, đừng phớt lờ hiện tại, và có niềm hy vọng vào tương lai, bạn nhé!

Tác giả: Hai Le

Ảnh minh họa: Ben_Kerckx

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Muốn biết mình là người thế nào, hãy nhìn vào những mối quan hệ xung quanh

3

(759 chữ, 3 phút đọc)

Ngày xưa tôi rất sợ phải đổi bạn mới, cứ vì lý do này lý do kia mà tôi rời xa những người bạn. Hồi bé thì do khoảng cách Bắc Nam, do chuyển cấp, chuyển nhà; lớn hơn thì do không hợp nhau nữa, ghét nhau; lớn hơn một chút thì do không cùng sở thích, đam mê, phong cách sống, lý tưởng sống.

Ngày xưa tôi cứ hỏi tại sao tôi không thể tìm được một người bạn thân lâu năm như bao người khác? Tại sao họ có bạn thân 5-7 năm còn mình cứ 1-2 năm lại đổi bạn? Những người bạn mới cứ xếp chồng chéo lên những người bạn cũ mà chẳng có ai là toàn tâm toàn ý. Nhiều lúc nghĩ không biết có phải do lỗi của mình, mình không tốt hay không mà họ cứ lần lượt bỏ mình ra đi.

Bây giờ tôi hiểu, đã thật sự hiểu. Một phần là do tôi không tìm thấy bản thân mình, phần còn lại là do những người bạn chính là sự phản chiếu của bản thân. Mình không tìm ra mình thì làm sao tìm được sự phản chiếu ấy. Mà không có sự phản chiếu ấy thì cả đời mình sẽ mãi phải đi tìm chính mình.

Nói thế có vẻ trừu tượng nên mình sẽ đưa ra ví dụ: Nếu bạn là một người đam mê làm hoạ sĩ, từ bé bạn chơi với một người nhưng đến lúc bạn đủ trưởng thành để theo đuổi đam mê ấy và họ theo đam mê của họ. Vậy là hai người sẽ vào những môi trường mới khác nhau và có nhiều bạn khác hơn. Các bạn vẫn sẽ liên lạc qua lại, đi chơi mỗi dịp nhưng cuộc sống của bạn không còn gắn liền với họ như trước nữa.

Theo thời gian, mỗi ngày bạn một thay đổi và những người bạn tiếp cận cũng thay đổi. Trải qua quá trình chọn lọc, bạn sẽ nhận ra được bản thân mình trông như thế nào nhờ những người xung quanh bạn.

Ví dụ của tôi: Tôi đau khổ và buồn bã khi những người bạn tôi hết mực đặt hy vọng và niềm tin rằng mình đã gặp được tri kỷ nhưng rồi năm tháng qua họ lại rời đi. Tôi cứ trôi dạt theo dòng đời của mình, mỗi người có một dòng đời riêng. Chúng ta gặp nhau, đi với nhau một quãng đã là duyên nợ có níu kéo cũng không được. Đến bây giờ nhìn lại tôi thấy: “À! Thì ra mình cũng từng là người như vậy – xấu xa, ích kỷ, tính toán vụt vặt.” Vì chính những người xung quanh tôi cũng như vậy. Nhưng bây giờ tôi lại trở thành con người khác đằm thắm hơn, thành thật hơn, tình nghĩa hơn. Thì ra những người xung quanh tôi cũng vậy. Khi bắt đầu kết bạn, tôi cũng dè chừng nhưng họ cứ thành thật nên tôi cũng thành thật lại. Song song đó tôi cũng giao du với vài người vụ lợi nhưng tôi không còn như vậy nữa, vậy là chúng tôi loại trừ nhau.

Thế nên đừng trách tại sao mình luôn bị lừa gạt, bị nói xấu rồi đổ tại con người tha hoá. Tôi bị lừa gạt một lần, tôi tránh xa họ, nghe họ nói xấu, làm điều xấu tôi cũng tránh xa. Chọn lọc, chọn lọc, rồi một ngày bạn sẽ tìm ra được những người phù hợp.

Khi bạn sống tốt, chính nghĩa, thành thật đó là một quá trình khó hơn sống gian xảo. Sống thành thật bạn sẽ bị người khác liên tục lừa gạt, hiếp đáp nhưng không vì thế mà trở nên giống họ. Bạn kiên trì sẽ được đền đáp, sẽ gặp những người tốt còn sót lại. Còn bạn dối trá, bạn sẽ dễ lừa được người khác để chuộc lợi cho bản thân nhưng bù lại bạn sẽ luôn phải canh chừng những người thân cậy nhất lừa gạt bạn. Vì họ chính là sự phản chiếu của bạn.

Tôi nhớ đã từng đọc được câu:

“Hãy cho tôi thấy bạn của anh ấy tôi sẽ biết được anh ấy là người như thế nào.”

Vì vậy tôi đã không còn sợ phải chọn lọc, chia ly người cũ vì tôi biết lúc đó tôi đang thay đổi, họ cũng vậy. Và tôi có thể nhận thấy bản thân mình đang đứng ở đâu, tốt hay xấu.

Tác giả: Bà Năm

Ảnh minh họa: xusenru 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Nhà tù Shawshank – Điều vĩ đại được tìm thấy từ nơi tăm tối

1

thđp review

(1938 chữ, 8 phút đọc)

Nhà tù Shawshank (1994) được nhiều người xem là bộ phim vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh. Dù bị tuột khỏi tay nhiều giải Oscar nhưng tác phẩm này có điểm đánh giá IMDb 9.3 cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả Bố giàChúa tể những chiếc nhẫn. Ngay sau khi những hình ảnh cuối cùng của phim vừa kết thúc, tôi không còn nhớ mình đã từng xem bất kỳ phim gì khác trên đời này nữa. Đó là một cảm giác choáng ngợp hiếm có dành cho một tác phẩm điện ảnh.

Nhà tù Shawshank đánh động mạnh mẽ vào tâm khảm người xem bởi tính nhân văn sâu sắc trong nội dung, sự tinh tế trong việc khắc họa hình tượng nhân vật và cách dẫn dắt câu chuyện đầy cuốn hút. Có thể nói, đây là một bộ phim hoàn hảo cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Những tầng ý nghĩa không chỉ dừng lại ở các câu chuyện bề nổi, mà còn được ẩn đi rất khéo léo vào trong các hình ảnh biểu tượng và các chi tiết đối xứng tương phản được trải đều khắp thước phim.

Bộ phim kể về biến cố khắc nghiệt nhất trong cuộc đời của một người đàn ông mang tên Andy Dufresne (Tim Robbins thủ vai), phó chủ tịch ngân hàng Portland  – một ngân hàng nổi tiếng, phải chấp hành hai án tù chung thân tại nhà giam Shawshank vì tội giết vợ và nhân tình của vợ. Chính sự mập mờ không rõ ràng trong bản án của Andy và thái độ bối rối của anh ngay từ những thước phim đầu tiên đã lôi cuốn sự tò mò của khán giả. Và rồi liên tiếp các sự kiện sau đó về cuộc sống Andy khi ở trong tù lại kéo người ta vào sâu hơn vào trong cuộc đời của những con người đã, đang và sẽ bị “thể chế hóa” sau những song sắt nguội lạnh.

Sự căng thẳng và áp lực với tần suất và cường độ cao dành cho Andy khi ở trong tù không hề làm anh hao hụt ý chí hay nghị lực sống. Chưa từng một lần trong phim, nhân vật chính này thể hiện một chút nào sự đau khổ hay tuyệt vọng trên gương mặt. Tất cả những gì khán giả được chứng kiến là sự lạnh lùng, thản nhiên như thể anh chưa hề bị lãnh hai án chung thân. Andy như một cuốn sách đóng kín mà ở đó, các ý định hay xúc cảm của anh không một ai có thể chạm tới được. Chính điều này tạo nên sự kịch tính bất ngờ của câu chuyện vì tất cả những gì người ta suy đoán về Andy đều sai lầm.

Từ vị trí một thương nhân thành đạt rơi xuống kiếp tù đày là một cú sốc môi trường và chấn động tâm lý rất lớn. Một người không đủ sức mạnh ý chí hay khả năng thích nghi sẽ sớm bị đánh gục trước sự chuyển đổi này. Trong hàng chục năm ròng rã, Andy đã thể hiện được rằng anh là người có thể tồn tại được trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Không những thế, anh còn trở thành nhân tố làm thay đổi môi trường sống ở nơi anh có mặt. Để rồi đến cuối cùng, ta chợt nhận ra rằng người đàn ông này mang trong mình tất cả những phẩm chất cao quý nhất mà một con người có thể có được: Lòng nhân ái, sự dũng cảm, trí thông minh, sự can trường, và hơn tất thảy đó là niềm hy vọng (hope) – thứ được ghi dấu và thể hiện mãnh liệt nhất trong một nơi chốn phủ đầy sự tuyệt vọng.

“Hope is a good thing. May be the best of things. And no good thing ever dies.”

Bộ phim bao gồm thoại của các nhân vật đan xen với lời dẫn chuyện của “công dân gương mẫu” Red (Morgan Freeman thủ vai) – người bạn tù thân thiết nhất của Andy. Điều ấn tượng ở đây đó là giọng kể của Red rất bình an, đều đặn với những câu từ sâu sắc và đầy ẩn ý của một người đã kinh qua rất nhiều giông tố cuộc đời. Không có sự kịch tính hay cường điệu hóa trong giọng của Red. Tất cả cứ êm ả, bình dị diễn ra khiến người ta liên tưởng đến cảnh tượng dưới một đêm trăng thanh bình, những người bạn tri kỷ quây quần bên nhau cạnh đống lửa trại và lần lượt hồi tưởng, sẻ chia những ký ức đậm sâu nhất trong cuộc đời mình, dù đó là những ngày tháng vào tù ra tội. Những lời của Red cứ thấm đượm dần dần vào tâm khảm của khán giả, làm dâng lên lòng trắc ẩn và sự đồng điệu với những số phận khổ đau. Nhờ đó, người ta sẽ dễ dàng thấy được nhiều hơn những phần ánh sáng trong những khúc đoạn tối tăm, khô khan, khó đón nhận như môi trường tù ngục.

Bên cạnh nghị lực và ý chí phi thường của Andy, tình bạn giữa anh và Red cùng những người bạn tù khác là một nội dung được thể hiện rất mãnh liệt ở trong bộ phim. Có lẽ chính trong môi trường căng thẳng, đen tối, khắc nghiệt ấy, tình yêu thương giữa con người với con người mới được dịp nảy nở. Người ta sẽ khắc cốt ghi tâm một người bạn ở cùng mình trong cơn họa nạn hơn một người trong cơn vui sướng.

Bộ phim đã xây dựng nên một môi trường hoàn hảo cho những điều tốt đẹp nhất được bộc lộ, đặc biệt đó là niềm hy vọng. Trong khi Red cho rằng hy vọng là một thứ rất nguy hiểm và có thể khiến một kẻ trở nên điên rồ, thì Andy lại khẳng định anh được tự do trong tâm hồn là nhờ nó. Và xuyên suốt bộ phim, cũng chính hy vọng là điều khiến anh có thể kiên cường tồn tại và đấu tranh trong suốt 20 năm tù oan ức dài đằng đẵng.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng sự vĩ đại của bộ phim còn nằm ở cách diễn đạt về sự tự do, không chỉ trong thân xác mà còn trong tâm trí con người. Sự thể chế hóa được dựng lên trong nhà tù Shawshank khiến tôi liên tưởng đến sự bám dính rất tinh vi của một ý tưởng vào trong tâm trí mà bộ phim Inception có nói tới. Khi một người đã rơi vào trong một ý tưởng thì việc thoát ra khỏi nó là điều dường như bất khả.

“These prison walls are funny. First you hate ’em, then you get used to ’em. Enough time passes, gets so you depend on them. That’s institutionalized.” – Red

Sự nô lệ, phụ thuộc hằn sâu vào trong tâm trí của một người khi ở trong tù hay ở trong một ý tưởng quá lâu khiến cho họ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất an, vô hướng, thậm chí khủng hoảng đến chết khi đi ra ngoài chốn quen thuộc đó. Ngục tù đã trở thành một lối sống, trở thành một thói quen khó lòng gỡ bỏ. Để thoát ra khỏi đó, một người không những cần mang đầy đủ những phẩm chất cần thiết – sức khỏe, sự nhạy bén, trí tuệ, lòng nhân ái, sự can trường, v.v… mà họ còn cần sự hậu thuẫn từ các mối quan hệ với con người hay trời đất – thời thế. Có thể nói, xác suất để thoát ra khỏi chốn ngục tù ấy là cực kỳ nhỏ.

Bộ phim xoay quanh sự vượt lên biến cố cuộc đời của Andy không chỉ bằng cách trực tiếp kể về anh, mà còn bằng sự gián tiếp khi miêu tả sự thất bại của các nhân vật khác trong tù với đủ các lý do khác nhau: Thiếu sức khỏe, thiếu sức mạnh, thiếu tình người, và thiếu sự hiểu biết. Nhà tù Shawshank diễn đạt khả năng đạt đến thành công của một người cần hội tụ ĐỦ các nhân tố cần thiết. Và chính sự tinh tế và khéo léo trong việc sắp đặt các nhân vật và diễn biến thời gian khiến cho bộ phim trở thành một thể thống nhất cực kỳ chặt chẽ, nếu như không nói là hoàn hảo. Sự chính xác về thời điểm (timing) làm nên sự vĩ đại của tác phẩm điện ảnh này. Khi xem một bộ phim có sự sắp đặt với độ khớp nối cao như vậy tôi có cảm giác như nó được dàn dựng nên từ bàn tay của Chúa, như một câu chuyện kinh điển chấn động hoàn toàn có thật trong lịch sử. Nhà tù Shawshank giúp người ta hiểu được thế nào là định mệnh.

Bộ phim với tiết tấu chậm rãi, tương đương với giọng kể của nhân vật Red và sự mòn mỏi của những tháng năm trong tù nên đôi lúc ta có cảm giác như nó không bao giờ kết thúc. Và khi ta bắt đầu quen được với nhịp điệu của bộ phim rồi thì nó đột nhiên khép lại với một sự kiện khiến ta choáng váng. Rốt cuộc, chính ta cũng đã phần nào bị thể chế hóa bởi bộ phim này.

Nhà tù Shawshank ẩn chứa rất nhiều các hình ảnh biểu tượng như bức tranh của Giám đốc Norton, bức tranh Marilyn Monroe, cuốn kinh thánh, chiếc búa, những quân cờ của Andy, cống rãnh, cơn mưa, phòng tối, bờ biển, v.v… thậm chí mỗi nhân vật xuất hiện lại là một biểu tượng cho một điều gì đó. Bộ phim mang trong mình cả một bầu trời ẩn ý. Kết hợp với lời kể chuyện giản dị, nhẹ nhàng, sâu lắng của Red, cảm giác mênh mang về ý nghĩa của bộ phim càng dâng cao. Dù nó đã kết thúc, nhưng tâm tưởng và trái tim của người xem vẫn còn lắng lại đâu đó ở trong bộ phim cùng những tiếc nuối hòa trộn với niềm hân hoan, nỗi ám ảnh đan xen cùng sự cảm phục.

Các góc quay trong Nhà tù Shawshank rất gọn gàng và giản dị cùng âm nhạc nhẹ nhàng giúp khơi gợi về một miền đất thanh bình tự do nằm ngoài những song sắt. Diễn xuất của hai diễn viên Tim Robbins vào vai Andy và Morgan Freeman vào vai Red truyền cảm xúc và cảm hứng rất lớn cho người xem. Người ta sẽ ấn tượng mãi nét lạnh lùng cương quyết trên hàng lông mày của Andy, nụ cười hiền hậu và đôi mắt đong đầy trăn trở thẳm sâu của Red. Không chỉ có hai người họ, mà tất cả các nhân vật khác đều để lại dấu vết ấn tượng trong lòng người.

Tóm lại, Nhà tù Shawshank là một kiệt tác mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật. Nó truyền đạt những ý tưởng giản dị mà vô cùng vĩ đại của nhân loại. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi dành chữ “đẹp” để khen tặng một tác phẩm. Bộ phim Nhà tù Shawshank xứng đáng được xem là một huyền thoại.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Sadie Pices

Có những ngày thèm được yêu đời

2

(978 chữ, 4 phút đọc)

Có những ngày thèm yêu thương hết tất cả mọi người yêu ngay cả những kẻ thù ghét mình bởi họ cũng chẳng khác gì mình. Họ cũng vui buồn đau khổ và tuyệt vọng, mang trong lòng bao nhiêu nỗi sầu phải cất giữ kín kẽ trong câm nín, cố gắng tự động viên cổ vũ tinh thần mình, lừa dối nó bằng bao lời hoa mỹ nịnh nọt cũng chỉ mong tìm được chút oxi mà thở cho nhịp nhàng đều đặn. Tôi yêu luôn cả những kẻ bộ tịch xuất hiện trước mặt bởi đó chẳng qua cũng chỉ là tiếng rên rỉ đau đớn cất lên trong bế tắc thiếu thốn giữa đời sống.

Có những ngày thèm yêu từng cái cây đám cỏ vì sáng nay chạy ngang qua một cái cây gục ngã bởi những vết thương bị đâm chém chằng chịt chồng chất lên nhau, trông thấy lồng ngực của cái cây bị banh toạc, đã thấy trái tim rỉ máu. Rồi tôi thấy hàng trăm hàng nghìn  cái cây khác đang bịt khăn tang trắng khóc lóc thảm thương. Ban mai Đà Lạt đẹp vô cùng với ngàn tia nắng xuống chơi nô đùa khiêu vũ trên từng phiến lá. Vậy mà ai đó đã mang cái chết về phủ kín cả khung trời mộng mơ.

Có những ngày thèm yêu tất cả loài vật. Hãy yêu mến một con chó và đừng chửi bới mắng mỏ, để nó mang vẻ mặt sầu thương héo úa đó ra đường đứng nhìn mình. Đối với mình, chó phải là loài vật đáng yêu đáng quý nhất trên thế gian, mới gặp mặt đã ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ, cách ba dặm bốn hướng nghe tiếng bước reo trên nền đất là cắm cổ cắm đầu hớn hở chào đón. Chỉ có con người mới gian dối sống phản bội láo toét với nhau, còn con chó thì nó chỉ biết trung thành một mực, có đánh đập bỏ đói kiểu nào thấy vừa bước về nhà cũng chạy lại liếm tay liếm chân, rồi vồ vập muốn yêu thương.

Có những ngày thèm yêu những đứa trẻ ngây thơ trong sáng chẳng khác gì thiên thần. Đừng nặng lời dọa đánh dọa bỏ rơi chúng. Tiếng cười trẻ em được khai sinh ra là để người lớn chúng ta cảm động, là để xoa dịu những mệt mỏi chán chường. Vậy nên đừng để trẻ em khóc, bởi một giọt nước mắt trẻ em rơi là một niềm vui niềm hạnh phúc của người lớn đang bị đánh cắp đi. Tiếng nói tiếng cười trẻ thơ là để tẩy rửa xóa sạch những bùn dơ nhấy bẩn trong trái tim người lớn. Chính vì thế mà hãy yêu quý những đứa trẻ. Bỏ công bỏ sức ra kiếm tiềm mưu cầu hạnh phúc, mua lấy sự hạnh phúc trên nền tảng giàu sang phú quý thì chi bằng hãy mua lấy nụ cười trẻ thơ. Đó là thứ hạnh phúc sung sướng tuyệt hảo nhất trên đời không bao giờ có chân để chạy trốn, có cánh mà bay đi.

Hãy lau rửa tình yêu khỏi mọi sự hổ thẹn nhỏ nhen. Hãy để cho tình yêu được trần truồng dưới đôi mắt nóng bỏng của mặt trời. Hãy cùng tình yêu vượt qua cơn dông bão, hãy dùng tình yêu để xua tan những đám mây đen. Hãy trả lại cho tình yêu sự tự do bát ngát thênh thang. Hãy để tình yêu cất khỏi mọi sự vâng lời, mọi sự quy phục và nô lệ. Còn có nơi nào mà cuộc sống và mình lại có thể gần gũi hơn tình yêu.

Cuộc đời này kỳ lạ quá. Có những ngày nhìn thấy tình yêu chẳng khác gì là viên kim cương đắt giá được trưng bày sau ô cửa kính, tôi chảy nước bọt thèm thuồng và chẳng bao giờ dám mơ ước vì đó là vật báu xa xỉ không sinh ra để thuộc về mình. Vậy mà có lúc thấy nó chẳng khác gì hạt bụi mình đang giẫm đạp dưới lòng bàn chân.

Bởi thế mới thấy tình yêu thật khó mà cũng thật dễ dàng để có, phải mua bằng giá đắt, bằng cố gắng lâu dài, nhưng nhiều khi cũng dễ nắm giữ chỉ  trong chốc lát, chỉ do tình cờ. Chỉ cần một buổi sáng mở cửa bước ra là đã thấy tình yêu đứng lù lù trước sân. Bất cứ người nào cũng có thể yêu một cách tình cờ, dù là người đức hạnh hay kể cả kẻ bất lương, người giàu có hay người nghèo khó.

Chỉ cần mình can đảm bước đến tình yêu. Chỉ cần mình nhận ra, mỗi ngày một ít không ngừng nhận ra, và cứ thế cho đến khi cả thế gian thu bé lại bằng một trái tim đang học cách sống trong tình yêu.

Từng ngày, từng giờ, từng phút hãy từ bên ngoài ngoái nhìn lại mình, làm sao giữ được cho mình một hình ảnh tuyệt diễm của tình yêu và rồi quý trọng khắc ghi mãi giây phút mình đã nhìn thấy tình yêu đang hiện hữu trên thế gian này, dù cho đó chỉ là sự xuất thần mà người ta cho là vớ vẩn.

Ừ thì có ai biết yêu mà không vớ vẩn đâu? Vì vớ vẩn điên rồ nên mới muốn học cách yêu, muốn yêu hết tất thảy vũ trụ này. Và phải chăng giây phút nhận ra mình bắt đầu muốn yêu, con cá trong tâm hồn sáng nay đã mắc lưỡi câu của ông lão đang ngồi câu cá bên dòng sông mà mình đã trông thấy.

Ôi có những ngày thèm được yêu đời quá! Ôi tình yêu! Tuyệt diệu!

Tác giả: Ni Chi

Ảnh minh hoạ: melancholiaphotography 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[Review] Bắt trẻ đồng xanh, J. D. Salinger – Xứng đáng nằm trong những cuốn sách tôi yêu

2

(979 chữ, 4 phút đọc)

Đây là cuốn truyện khá hài hước và chửi bậy nhiều nhất tôi từng đọc. Bắt trẻ đồng xanh của tác giả J. D. Salinger, một lão già đã chết từ 8 năm trước nhưng lúc đọc câu truyện của ông ấy thì tôi vẫn cứ tưởng như đang đọc của một gã trẻ trâu nào đấy nhưng lại vô cùng thú vị.

Tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi giọng văn của ông ta nhưng coi đó là cái hay. Bìa sách lúc đầu không làm tôi ấn tượng lắm bởi nó chỉ có mỗi chữ Bắt trẻ đồng xanh, nếu nó là font chữ Arial chắc tôi sẽ chẳng thèm đọc nữa. Mở trang đầu cũng không rườm rà kiểu “cuốn sách này khai sinh như thế nào, ông này là ai?” mà chỉ có một dòng “Dành tặng mẹ.” Rồi vào câu chuyện ông ấy kể luôn. Lúc đó tôi cũng thấy ngạc nhiên nhưng tiếp tục đọc thì thấy giọng văn ông này rất khôi hài. Tôi nghĩ phần giới thiệu thông tin không quan trọng và ông ta cũng không muốn trở nên quá nổi tiếng nên phần ấy khá đơn giản.

Đại khái cuốn sách kể về những câu chuyện của tác giả, về cuộc đời và mấy ngày sau khi ông ta bị đuổi học. Nhưng có đoạn tôi thấy mình trong đó.

Nói về nhân vật chính là cậu nhóc vừa bị đuổi học là kiểu người chán ghét tất cả mọi người trên đời này và cho rằng tất cả đều giả tạo ngoại trừ cô em gái của hắn. Sự giả tạo ấy trong truyện viết là “bộ tịch.” Lũ bộ tịch ở trường làm cậu ta ngán tận cổ thế là cậu ta để mình bị đuổi. Rồi cậu ta kể rằng cậu ta phiêu bạt khắp thành phố, uống rượu và hẹn hò với cô bạn gái, nói về ước nguyện của mình nhưng lại bị đa số chê cười và họ còn chẳng thèm quan tâm đến câu chuyện hão huyền của hắn.

Một vài người quan tâm và khuyên nhủ cậu ta hãy đi học, tìm cho mình một sở thích và tài năng nhưng cậu ta không muốn làm bất cứ nghề nào tương tự như kĩ sư, luật sư,… Cậu cho rằng tất cả những nghề ấy đều để kiếm tiền, ngồi trong xe sang trọng, vào nhà hàng sang trọng và nói những câu chuyện sang trọng bộ tịch.

Trước khi đọc cuốn sách này tôi cũng rất hoang mang tại sao mình không biết mình thích bất kỳ nghề nghiệp nào ra hồn? Nhưng khi đọc rồi mới biết không chỉ có mình như vậy, mà cũng vẫn có những người như mình, chỉ khác là tôi không thích chơi đuổi bắt với mấy đứa trẻ cả ngày ở ngoài đồng xanh. Các bạn cũng vậy chứ?

Mọi người thường đánh giá cuốn sách có quá nhiều từ ngữ tục tĩu, những vấn đề tình dục bừa bãi và tâm lý chán ghét cả thế giới đem đến tiêu cực cho người đọc. Nhưng riêng đối với góc nhìn của tôi, tôi chẳng quan tâm nhiều đến những vấn đề ấy. Cái tôi quan tâm là tâm lý khác người, ước muốn làm những điều khác biệt. Tôi tin rằng cả xã hội này ai cũng có những điều nổi loạn của riêng mình, cũng có những ước muốn điên rồ nhưng không có đủ điều kiện và can đảm chọn điều ấy. Thế rồi họ trở thành những bản copy mà chính mình chẳng hề muốn thế.

Theo tôi, một cuốn sách hay để đọc phụ thuộc 70% vào người dịch. Bản này được dịch giả Phùng Khánh dịch ra tiếng Việt với những từ ngữ mà tôi mới chỉ thấy lần đầu nhưng nó sẽ có ích cho vốn từ của tôi sau này, như: “pê đê”, “đánh đĩ ngòi bút”, “khởi sự”, “bộ tịch”, v.v…

Holden Caulfield, cậu ta không những khinh ghét cả thế giới, cậu ta còn sợ hãi sự tha hoá của con người về danh vọng và đồng tiền.

“… Hơn nữa ngay cả khi em có cứu người vô tội các thứ cũng thế, làm sao em biết được em làm thế bởi vì thực sự muốn cứu người hay thực sự em muốn trở thành một luật sự nổi tiếng kinh khủng, được tất cả mọi người khen ngợi… Làm sao em biết em không phải là một trong những thằng bộ tịch? Phiền một nỗi là em không biết được.”

Đúng vậy, khi cái tôi của bạn càng lớn bạn càng không thể nhìn ra mọi sự một cách hoàn chỉnh được nữa. Bạn sẽ không biết bạn là bạn hay là cái tôi ấy. Bạn sẽ luẩn quẩn và lún sâu vào bản ngã, vô minh. Thế nên ngay từ đầu Holden đã chọn cách lánh xa mọi sự mà anh ta coi là giả tạo.

Cuốn sách không bao gồm những triết lý cao siêu, chỉ đơn giản là sự đồng cảm với tuổi trẻ, với những hão huyền của riêng mình. Điều ấy không thể chứng minh được những người ao ước hão huyền là những người lười biếng chỉ vì thế giới không làm giống như vậy. Tôi nghĩ nếu tôi đọc cuốn sách này lúc còn trẻ hơn một chút chắc tôi sẽ rút ra được những điều hống hách của cậu Holden ấy mà học hỏi. May mắn thay, tôi sẽ không cần phải chán ghét tất cả mọi người nữa, bởi những con người sống xung quanh tôi bây giờ chính là sự phản chiếu của chính tôi sau bao thời gian chọn lọc. Tôi không phải sống giữa một thế giới đầy rẫy những người bộ tịch. Chắc chắn cuốn sách này sẽ nằm trong bộ sưu tập những cuốn sách tôi yêu.

Tác giả: Bà Năm

Edit: Triết Học Đường Phố

Ảnh minh họa: mucmocmeo

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Báo hiếu cha mẹ có phải là nghĩa vụ của con cái?

1

(903 chữ, 3.5 phút đọc)

Bạn tôi: Cậu thật may mắn vì không cần phải báo hiếu cho cha mẹ cậu?

Tôi: “Cần phải báo hiếu.” Ý cậu là?

Bạn tôi: Cả cuộc đời họ đã chết dần mòn trên những ngày tháng cậu khôn lớn. Và cậu đủ lông đủ cánh để bay đi, rồi cậu bay đi mãi. Cậu đui mù hay cậu cố tình không nhìn thấy giờ là lúc để đền đáp công ơn nuôi dưỡng?

Tôi: Tớ thật không hiểu cha mẹ sinh con rồi nuôi lớn chúng là vì tình yêu thương hay vì muốn về già có người nuôi dưỡng chăm sóc. Nếu họ có một ý nghĩ nào vụ lợi toan tính trong sự khai sinh ra tớ, tớ thà chết quách đi từ trọng bụng mẹ. Còn nếu sự có mặt của tớ trong cuộc sống họ là một điều kỳ diệu, vậy có phải họ đã yêu thương tớ mà chẳng cần sự báo đáp trả hiếu? Cậu hiểu ý tớ không? Nếu đó là yêu thương thì chỉ có tình thương mà không có bất kỳ trách nhiệm hay bổn phận nào.

Bạn tôi: Con cái trưởng thành lớn lên phải báo hiếu cho cha mẹ, đó là truyền thống đạo đức từ xưa đến nay.

Tôi: Đúng, con cái sẽ báo hiếu cho cha mẹ, nhưng không dùng từ “phải” ở đây. Nó là ý chí tự nguyện. Một người yêu thương thì không nói đến trách nhiệm. Người đó chỉ biết yêu thương thôi.

Bạn tôi: Ý cậu là?

Tôi: Ý tớ là nếu cha mẹ yêu thương tớ và mong mỏi sự đáp trả cho tình yêu thương của họ thì họ không xứng đáng với tình yêu của tớ. Nhưng nếu họ chẳng mong muốn gì ở tớ, đó mới là khi tớ thật sự yêu thương họ, không phải vì trách nhiệm bổn phận, mà là vì tình yêu. Tớ đã nhìn thấy quá nhiều bạn bè mình đặt lên vai gánh nặng phải báo hiếu cho cha mẹ. Nhưng họ báo hiếu được gì nào? Chẳng phải đối với cha mẹ, nhìn thấy con cái hạnh phúc thì đó đã là hạnh phúc? Một vòng tròn luẩn quẩn chạy quanh, con cái vì muốn báo hiếu mà sống trong áp lực mệt mỏi, cha mẹ nhìn con cái khốn khổ cũng chẳng lo lắng bồn chồn? Tớ không biết các bậc cha mẹ trên thế giới này yêu thương con cái họ bằng cách nào, riêng đối với cha mẹ tớ, họ không cần gì từ tớ cả, họ chỉ muốn tớ được hạnh phúc. Và vì yêu thương cha mẹ, tớ nhất định sẽ hạnh phúc. Trước tiên, tớ phải tự lo được cho bản thân để không trở thành gánh nặng.

Bạn tôi: Cậu đừng nói nhăng nói cuội.

Tôi: Nếu cậu nghĩ báo hiếu cha mẹ là trách nhiệm nghĩa vụ, đồng nghĩa cậu biến cha mẹ cậu thành những người xấu xa. Tại sao? Họ nuôi nấng cậu chỉ như là một phương tiện để có lợi cho bản thân lúc về già tuổi cao sức yếu. Không, cha mẹ không nuôi con cái để thỏa mãn phục vụ mình. Và nếu thật sự cha mẹ nào có ý nghĩ con cái cần phải báo hiếu cho họ như một tiện nghi an ủi phục vụ lợi ích, họ không xứng đáng làm cha mẹ.

Bạn tôi: Dù sao họ cũng đã rất cần lao khổ cực để nuôi lớn con cái.

Tôi: Cha mẹ nào uất ức căm hận đối với những khó khăn họ đã trải qua trong quá trình nuôi dạy con cái và mong chờ sự đền đáp để tận hưởng cuộc sống sung túc, tớ nghĩ cha mẹ đó không cần phải tạo ra những đứa con làm gì. Đó là một sự đầu tư có quá nhiều rủi ro. Họ không thể tiên đoán được con cái họ sẽ trở thành như thế nào. Nếu may mắn có lẽ họ sẽ được mãn nguyện, nhưng nếu đó là một đứa không ra gì thì sao? Tớ đã thấy có quá nhiều người già có con cái nhưng vẫn sống cô độc và nghèo đói khổ cực lang thang ngoài đường. Vậy đối với những người này, thà rằng sống trong cô độc ngẫm ra cơ may còn sung sướng hơn. Cha mẹ không thể tìm con cái để có được an ninh bảo đảm lúc về già, bởi đó là một sự an ninh bấp bênh. Nếu tình cảm giữa con cái và cha mẹ là những đòi hỏi tiện nghi sự thỏa mãn, đó không phải là nơi chốn mà tình yêu thương có thể hiện hữu, và nếu một mối quan hệ không có tình yêu, đó chỉ việc hợp tác nhau tìm kiếm sự thỏa mãn.

Bạn tôi: Vì thế tớ mới bảo cậu may mắn.

Tôi: Tớ biết tớ may mắn. Nên tớ không áp đặt suy nghĩ này lên cậu. Nếu cậu có một mẹ già ốm yếu, một cha già bệnh tật, cậu tất nhiên phải chăm sóc họ. Nhưng đó không phải vì báo hiếu. Xin cậu nhớ rằng cha mẹ yêu thương con cái, tình yêu đó khởi sinh ra đi và quay trở về lại nguồn cội như nó vốn dĩ phải thế. Không có bổn phận trách nhiệm nào ở đây. Không hề!

Tác giả: Ni Chi

Ảnh minh hoạ:  TheVirtualDenise 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tự lừa dối mình là tội lỗi đáng khinh

0

(872 chữ, 3.5 phút đọc)

Bạn tôi: Cậu có bao giờ nói dối không?

Tôi: Tớ chưa thấy có ai sống mà không nói dối một lần nào. Người lớn nói dối con nít vì nghĩ rằng sự thật là điều không tốt cho nó. Con cái nói dối cha mẹ vì sợ đánh đòn. Thỉnh thoảng mọi người lại nói vài ba câu kiểu buông lơi, đơn giản vì họ nghĩ lời nói đó chẳng làm tổn hại đến ai. Tớ cũng thỉnh thoảng vô ý mà nói dối.

Bạn tôi: Thế nào gọi là vô ý mà nói dối?

Tôi: Chẳng hạn việc cậu thật sự đã nghe được thông tin đó, nhưng vì vướng kẹt trong ngôn từ mà cậu đã đánh mất đi độ chính xác khi truyền đạt lại cho người khác. Và nếu cậu là một kẻ vụng về quá chớn, nhiều khi cậu còn cung cấp một thông tin đã bị sai lệch hoàn toàn. Vậy là cậu mang tội danh nói dối mặc dù tâm hồn cậu cũng ngây thơ chẳng khác gì những lời cậu đã nói.

Bạn tôi: Cậu có nghĩ nói dối là xấu không?

Tôi: Còn tùy vào cấp độ lời nói dối, vô ý thức hoặc có ý thức.

Bạn tôi: Hầu hết mọi người đều căm ghét sự lừa dối nhưng họ lại rất sợ hãi khi phải nghe sự thật. Cũng có những người nói dối vì họ nghĩ rằng sự thật sẽ khiến người nghe bị tổn thương.

Tôi: Vì nghĩ thế mà tớ không quá quan trọng đối với những người nói dối tớ. Tớ chỉ căm ghét tớ mỗi khi tự lừa dối chính mình.

Bạn tôi: Tớ cũng hay có thói quen lừa dối tớ. Tớ đã nhiều lần tự răn đe bản thân nhưng vẫn không thể trung thực với chính mình. Điều ấy khiến tớ đau khổ vô cùng.

Tôi: Cảm giác này tớ đã trải qua rất nhiều lần. Cứ dằn vặt giữa những suy tư lẫn lộn, tớ chọn cho mình cách giải quyết an toàn để vỗ về ôm ấp tâm hồn. Nhưng đó chỉ là liều thuốc giảm đau tất thời. Bởi lẽ khi vết thương cũ tái phát, tớ lại bắt đầu hoang mang. Rồi tớ bắt đầu oán giận chính bản thân. Không có ai đe dọa trừng phạt, nhưng tâm trí lại cứ bịa đặt vẽ vời thêm vô số thứ để tự cãi cọ giằng xé. Những lúc ấy đầu óc tớ chỉ muốn nổ tung. Tự lừa dối mình có thể chẳng gây sát thương cho ai nhưng về lâu dài sẽ tạo ra cho chúng ta thói quen. Tớ thậm chí còn tin rằng chúng ta có thể nói dối tất cả mọi người, vì nhân loại này xưa nay đã quen sống gian dối trong nhau, nhưng chúng ta không thể tự lừa dối mình, vì đó là không tôn trọng bản thân. Đến chính mình mà mình còn không tôn trọng thì còn mong ai khác tôn trọng đây?

Bạn tôi: Chúng ta tự lừa dối chính mình vì chúng ta là nô lệ của những nỗi sợ hãi.

Tôi: Chúng ta có cả kho tàng sợ hãi với muôn màu muôn vẻ. Nói dối để bào chữa cho những khía cạnh khó giải quyết. Nói dối để người khác yêu thương mình. Tự ảo tưởng những điều tốt đẹp bằng lời nói dối…Đó là bi kịch của con người. Luôn sống theo những lý tưởng, những mục tiêu, hướng đến một hình tượng đã cố gắng xây dựng trong tâm trí để tròn vừa ánh nhìn của thiên hạ và chính mình, rồi rập khuôn đời sống trong tất cả thói quen dẫn lối chúng ta đến vạch đích. Ở đây tớ cần nói thêm về lý tưởng. Con người tự thêu dệt lý tưởng trong tâm trí họ bởi họ muốn được an toàn trong cái vỏ bọc đó, hoặc họ muốn được nhiều người ngưỡng mộ yêu mến, họ muốn trở thành một con người có đạo đức và nhân cách… Vậy nên khi họ trót lỡ hành động một việc gì đó đi trật với đường ray xe lửa, họ sẽ bắt đầu tự bào chữa cho lỗi lầm bằng lời nói dối.

Bạn tôi: Cậu có nghĩ nói dối chính mình là rào cản ngăn chúng ta tìm về tiếng nói của bản ngã?

Tôi: Như tớ đã nói, vết thương dù lành sẹo những vẫn sẽ gây ra cảm giác tê buốt lúc trái gió trở trời. Nếu chúng ta không thể dối diện với căn nguyên của sự thể, cố tình che đậy bằng lời lẽ ba hoa mỹ miều, chúng ta sẽ không bao giờ quay trở về được cội nguồn.

Bạn tôi: Nói dối chính mình phải chăng đó chỉ là bình yên ngắn hạn?

Tôi: Ngay lúc này đây tớ chỉ cảm thấy muốn khinh bỉ bản thân vì đã nói dối lại còn đi khua môi múa mép với cậu về sự nói dối.

Tác giả: Ni Chi

Ảnh minh hoạ: PublicDomainArchive 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2