30 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 73

Lý thuyết có cần thiết, hay chỉ cần trải nghiệm?

0

Tôi thấy cái sai lầm lớn của các bạn trẻ khi kháo nhau rằng cứ đi đi, cứ làm đi nhưng chẳng ai nhắc rằng hãy kiểm tra và nghiên cứu cho kỹ. Các bạn nói mở mắt dậy và đi thật xa, đó mới là tuổi trẻ. Đi khi trong người không có gì kể cả kinh nghiệm nhỏ như vá lốp xe, xăng dự trữ, đồ ăn,… Đi như thế thì cũng được, cũng vui, cũng hay, cũng thú vị.

Nhưng các bạn bắt đầu áp dụng vào tất cả mọi việc trong cuộc sống bằng cách đó. Chơi nấm, LSD, DMT, không cần biết nó là gì, không cần có kinh nghiệm. Chơi vì người ta rủ chơi cho vui. Đi làm hả? Làm cho vui, thích thì nghỉ. Công việc hả? Không thích thì bỏ. Các bạn bắt đầu trở thành một con người bất ổn định, bắt đầu làm người khác mất sự tin tưởng. Cái việc thích gì làm đó biến thành sự ích kỷ và vô trách nhiệm. Tôi không nghĩ tuổi trẻ là cần phải điên loạn, cuồng nhiệt, phải đi đây đó, trải nghiệm v.v… nhưng đến cuối cùng vẫn không để đúc kết được gì cho bản thân.

Với tôi, tuổi trẻ nên có một chút nổi loạn nhưng vẫn luôn có quan điểm vững chắc, hướng đi và mục đích sống rõ ràng. Nhiều bạn còn lớn hơn mình nữa, vẫn đi lông ba lông bông rồi gắn cái mác tuổi trẻ vào người. Làm việc mỗi chỗ một ít rồi bỏ đi, liên lụy bao nhiêu người khác. Có những bạn đi mãi rồi lạc luôn mục đích ban đầu.

Có người hỏi tôi rằng tôi đọc sách mãi có đạt đến cái ngưỡng thấy mọi cuốn sách đều nói chung chung vài vấn đề không? Và mọi cuốn sách đều không hiệu quả bằng cách vứt sách đi, đứng dậy và trải nghiệm. Những trải nghiệm của tôi có thể ít thật, có nhiều cái tôi vẫn còn chưa từng trải qua, chưa biết đến. Nhưng tôi vẫn nghĩ sách chính là nền tảng cho mọi việc trước khi bắt đầu thực hành nó.

Khi trải qua một việc mà ta biết tên, biết việc ấy diễn biến ra sao, sau đó ta sẽ thế nào luôn tốt hơn là việc ta hoang mang bước vào sự việc ấy, lần mò, đơn độc, đau khổ mà còn không biết gọi tên nó là gì? Rồi sau đó, kết quả chung của cả hai trường hợp là ta học được một bài học. Nhưng, quan trọng là trên con đường, mắt ta tỏ tường mọi việc luôn tốt hơn là không biết gì.

Sách này nói cái này, luận điểm, luận cứ chắc như bắp. Sách kia nói ngược lại cũng chắc nịch không kém cạnh. Lúc đó ta tìm ra được cái con đường phù hợp để bước theo.

Người đã từng trải, tất nhiên luôn am hiểu hơn người chỉ ôm mớ lý thuyết suông. Nhưng người ôm mớ lý thuyết ấy, có cơ hội được trải nghiệm tất nhiên sẽ hiểu tường tận hơn, rõ ràng hơn.

Sách cũng giúp ta gỡ rối nhiều vấn đề tâm lý. Vấn đề tâm lý là vấn đề tất cả người trẻ đều gặp phải. Ủa, sao mình vô dụng vậy ta? Sao mình mệt mỏi vậy ta? Mình làm cái này để làm gì? Làm cái kia để làm chi? Sao mình sống không có mục đích? Sao thấy bản thân ăn hại quá?

Những vấn đề sâu xa hơn, về những chuyên ngành tôi tìm hiểu. Ví dụ khi đi phượt, tôi là người dẫn đoàn. Đương nhiên kinh nghiệm nhiều lần đi cùng đó là cần thiết nhưng nếu tôi đọc sách tìm hiểu về vị trí địa lý, đặc điểm đặc biệt, cách nhận biết đường đi, nhận biết cây cỏ ăn được, cây thuốc quý, v.v… chắc chắn sẽ giỏi hơn người chỉ biết dẫn đoàn đi sao cho không bị lạc.

Ví dụ khi muốn nghiên cứu về thiền, tôi có thể xin đại vào một cái thiền viện rồi người ta hướng dẫn. Nhưng tôi có thể đọc sách tìm hiểu sâu rằng thiền có nhiều loại, thiền sao cho phù hợp.

Còn nếu muốn trở thành một nhà văn, nhà thơ đương nhiên việc đầu tiên là phải đọc thật nhiều, đọc nhiều hơn những người khác gấp chục lần, và đọc kỹ hơn người khác nữa. Người bình thường sẽ đọc chỉ để lấy thông tin. Người viết thì cần nắm bắt chắc thông tin, biết cuốn sách cấu tạo mở đầu, cao trào, lắng đọng nằm ở đâu, biết tìm những từ ngữ hay để ghi nhớ.

Tóm lại, người nào nói đọc sách không cần thiết, quan trọng là trải nghiệm, tôi phản đối hoàn toàn. Người đó chỉ đơn giản là một người lười đọc sách hoặc toàn đọc vớ vẩn không đúng mục đích, nội dung người đó cần tìm hiểu. Chúng ta có thể trau dồi kinh nghiệm ở khắp mọi nơi ta chạm vào, ta học hỏi được từ lời nói, hành động của người này người kia. Nhưng sách vẫn luôn đem lại nguồn kiến thức khổng lồ, không bao giờ là đủ, là giới hạn.

Tác giả: Bà Năm

Featured image: Larisa-K

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 9

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Phê-rô: Người từ bỏ đám đông

2

Ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ về hình ảnh của Phê-rô – người được Chúa Jesus chọn làm đầu – Phê-rô trong đám đông..

Bản văn Lc (5, 1 – 11)

Phê-rô đã nghe lời Chúa Jesus “xin” và chèo thuyền ra xa bờ một chút để cho Người giảng dạy dân chúng, vì họ chen lấn quá đông.

Giảng xong, người lại bảo ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Ông nói với Chúa Jesus thế này: “Chúng con vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả, nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới.” Và nhờ vâng lời, ông đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, nhờ phép lạ đó, Chúa Jesus đã mời gọi ông, cùng với ba người khác để đi theo Ngài. Các ông bỏ hết mọi sự, rời đám đông thân thuộc mà đi theo Chúa. 

Nhìn là hành trình trên, tôi thấy hai từ khóa: Vâng lời, Từ bỏ.

Nhờ vâng lời Chúa mà ông Phê-rô đã chèo thuyền ra xa bờ – xa đám đông, để Ngài giảng dạy cho dân chúng. Nhờ tách mình ra khỏi đám đông, ông trở thành người được gần Chúa Jesus nhất, và là người nghe Chúa nói rõ nhất. Vì lắng lòng, khỏi những xung động bên ngoài, ông đã bình tĩnh hơn, để nghe lời hướng dẫn “kỳ quái” của Chúa Jesus: “Chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà bắt cá.” Ông đã từ bỏ những kinh nghiệm của mình, kinh nghiệm học từ những người đi trước, từ những người bạn chài để nghe lời của một người “lạ”, mà mình đang gọi là Thầy. Và kết quả của sự từ bỏ ấy, là cá đầy thuyền, kéo lên không nổi.

Nhờ tách mình ra khỏi đám đông ồn ào, ông đã nghe được lời mời gọi thầm thì của Chúa: “Hãy theo Thầy”, và đáp trả lời mời gọi ấy một cách chân thành. Ông và bốn người bạn của mình, lại một lần nữa, làm một cú đổi đời: bỏ hết mọi sự thân thuộc, những công việc thường nhật, một đám đông thân thuộc với những điều cũ, để đi theo Chúa. 

Nhìn lại một cuộc hạnh ngộ ấy, tôi nhận ra, hình như tiến trình của đời mình nó cũng tương tự vậy đó. Nhờ đám đông, chính xác hơn là nhờ cộng đoàn nơi Nhà Thờ, đã quy tụ tôi đến với Chúa, để nghe Người giảng dạy một cách công khai. Nhưng rồi, tôi thấy vẫn chưa đủ, tôi thấy mình cần đi sâu hơn vào mối tương quan giữa mình với Chúa. Và thế là tôi lại đi tìm gặp Chúa mỗi ngày, qua lời của Ngài, một mình, trong thinh lặng, chớ không phải nơi Nhà Thờ, rộn ràng lời ca, tiếng hát. Và điều đó đã đem lại cho tôi những cảm nghiệm rất riêng tư, rất thân thuộc về Thầy Jesus. 

Chúa Jesus đã gọi tôi trở nên bạn hữu (Ga 15,15). Mà bạn hữu có nghĩa thuộc về nhau. Thuộc về là một khái niệm rất riêng tư, thế nên, nếu bạn chọn thuộc về Jesus, và Jesus thuộc về bạn, thì chỉ có một cách: tách mình ra khỏi đám đông, giữ cho mình những giây phút rất riêng tư với bạn hữu Jesus, bạn nhé! 

Tác giả: Drkhoatran

Featured image: EvgeniT  

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 9

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Tỉnh thức và cầu nguyện

2

Đức Jesus nói rất nhiều về điều này trong đời rao giảng của Ngài: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” Vậy tỉnh thức là gì? Tại sao chúng ta phải cần luôn tỉnh thức? Và Tỉnh thức thôi đã đủ chưa?

Bạn cần phải hiểu rõ rằng tỉnh thức khác với sự ý thức. Một người có ý thức chưa hẳn đang ở trong trạng thái tỉnh thức. Bạn không vứt rác bữa bãi, không ồn ào to tiếng nơi công cộng, không khạc nhổ, tiểu đái ngoài đường… là một người được coi có ý thức. Ý thức này thể hiện một sự văn minh hay thể hiện một người có văn hoá cao trong đời sống xã hội. Nó thuộc phàm trù tri thức khác với trạng thái của một người luôn tỉnh thức.

Khi bạn ngủ bạn không nhận biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh bạn, và khi thoát khỏi giấc ngủ đó bạn trở nên nhận biết. Tỉnh thức là một trạng thái mà ở đó bạn phải nhận thấy một cách rõ ràng cái gì đang chi phối mình. Bạn nhận ra cảm xúc, ký ức, tư tưởng, hình tượng nào đang điều khiển bạn nói, hành động. Hơn nữa người tỉnh thức là người nhận ra mình được vun đắp như thế nào qua xã hội. Xa hơn nữa người tỉnh thức nhận ra khổ của mình đến từ đâu; sự bất an, hoang mang, ham muốn, nỗi sợ thực sự là gì?

Người tỉnh thức là người đưa ra chọn lựa khôn ngoan bởi vì là người có khả năng nhận biết rõ toàn bộ quy trình của một hành vi hay lời nói trong cuộc sống: tại sao nó có đó? Nó đến từ đâu? Và nó thực sự tồn tại hay không? Có thể nói một người đạt tới trạng thái tỉnh thức luôn luôn, là người đã đạt được một nửa chẳng đường trên con đường nhận ra Đạo.

Câu hỏi là tại sao chúng ta cần luôn tỉnh thức? Và tỉnh thức thôi đã đủ chưa để trở về với bản thể thuần khiết của mình?

Sự tỉnh thức giúp con người đưa ra được những phán ứng khôn ngoan và hợp lý trong từng khoảnh khắc. Một người tỉnh thức là một người sống trọn vẹn trong hiện tại, không lo sợ hay bất an vì tương lai hay quá khứ. Thế nhưng có rất nhiều thứ bủa vây đời sống ta, và phần lớn chúng ta trong tư cách là một người cha, người mẹ, người con, người làm việc, người được yêu, người xã hội chúng ta rất khó để duy trì sự tỉnh thức thường trực hàng ngày liên lỉ. Nào là trách nhiệm gia đình, mục tiêu công việc, nghĩa vụ trong xã hội chúng ta dễ bị đưa lại vào vòng tròn lặp lại của đời sống lệ thuộc và trói buộc. Vì thế Đức Jesus nói rằng: tỉnh thức và cầu nguyện.

Đối với người Ki-tô giáo cầu nguyện là một hình thức của đời sống tôn giáo, đó là phương cách con người tiếp xúc với Thiên Chúa qua chuyện trò tâm tình như người con với cha, như người bạn… Cầu nguyện thường bị xem như việc xin điều này điều kia với Thiên Chúa hơn là một phương pháp để con người đi sâu hơn trong sự hiện hữu của Ngài. Tôi nghĩ cầu nguyện là phương pháp phù hợp với con đường mà Đức Jesus đã sống, cũng giống như Thiền là phương pháp tốt nhất mà Phật đã dùng trong con đường tới giác ngộ. Những người đi theo con đường của Đức Jesus phải hiểu rõ hơn và thực hành nhiều hơn phương pháp Cầu Nguyện, bởi cầu nguyện đặt nền tảng trên chính đức tin của các bạn. Vậy cầu nguyện là gì?

Hãy nhớ lại toàn bộ cuộc đời của Đức Jesus, tôi nghĩ các bạn sẽ hiểu ra được ý nghĩa của cầu nguyện và những thang bậc mà các bạn cần thực hành. Khi Đức Jesus bắt đầu rao giảng, Ngài vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện 40 ngày. Vâng, cầu nguyện chính là mở cửa tầm hồn và tâm trí bạn ra để lắng nghe lời Chúa. Hay nói cách khác, cầu nguyện trước tiên phải được hiểu như là một lối riêng tư từng cá nhân đi vào và kết nối mật thiết với Thiên Chúa để có thể đón nhận sức mạnh từ Ngài, hay nói cách khác là đón nhận sự khôn ngoan và thông thái từ Thiên Chúa.

Rồi khi trải qua những tháng ngày bôn ba rao giảng Tin Mừng, Đức Jesus thường lui tới nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Vậy thì cầu nguyện phải là sự liên tục trong đời bạn, như là cách để nhắc nhở và nuôi dưỡng đức tin của bạn. Có lẽ, giá trị cao nhất của sự cầu nguyện trong ki-tô giáo là phải nói đến hình ảnh Đức Jesus quỳ bên tảng đá cầu nguyện trước khi bị quan quân đến bắt và kết án Ngài. Hình ảnh đó gợi lên cho tôi một sự xác tín mạnh mẽ rằng: bất kì ai đi theo con đường mà Đức Jesus đã đi mà không có đời sống cầu nguyện, sẽ không bao giờ đạt tới được Nước Trời. Tại sao? Bởi chính qua cầu nguyện, qua sự riêng tư, qua sự thinh lặng của lời cầu nguyện đức tin của bạn được bồi bổ, được lớn mạnh, và sức mạnh của Thiên Chúa Tình Yêu và Khôn ngoan sẽ ngự trị với bạn.

Khi tôi đọc kinh thánh, tôi thích thú câu nói: tỉnh thức và cầu nguyện. Bởi tỉnh thức là thể sự khát khao của bạn đối với sự công chính, hoà bình, tình yêu, trong trắng, thật thà như tám mối phúc nhắc tới. Và cầu nguyện như cách bạn tin tưởng vào Thiên Chúa để qua đó Ngài cho bạn được no thoả sự công chính và tình yêu. Đây là cách mà tôi nghĩ, tất cả những ai đi theo con đường Đức Jesus đều phải bước theo: đặt hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và luôn đáp lại bất kì lời mời gọi nào của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu nói: Tỉnh thức và cầu nguyện.

Tác giả: Bình Minh

Featured image: Himsan 

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 9

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

Muốn có bạn, đừng sợ mất bạn

0

Trong loạt phim Star Wars có một câu nói của nhân vật Yoda mà tôi rất thích, đó là:

“Train yourself to let go of everything you fear to lose.”
(Tạm dịch: Hãy tập buông bỏ tất cả những gì ngươi sợ phải mất.)

Cá nhân tôi thấy rằng nỗi sợ hãi là một món hàng rẻ tiền, mạt hạng, nó không thể là mảnh đất địa đàng dành cho tình bạn chân thực được. Trong khi, tình bạn là thứ tình cảm cao quý và rất gần gũi với tình yêu vô điều kiện. Nên những ai còn mang trong mình nhiều nỗi sợ hãi thì sẽ chỉ hấp dẫn được “bè” chứ không phải bạn.

Đặc biệt, nếu cảm thấy hoang mang tột độ khi những người không cùng tần số trong cuộc đời rời đi – những người đã từng chia ngọt sẻ bùi, đã từng đồng hành với nhau trong một đoạn đường nhất định, thì một kẻ sẽ không thể đi tới những ngôi nhà phù hợp với chính mình trong hiện tại được. Và khi ở trong sự xung đột vì cố níu giữ những thứ lệch pha, lệch sóng, kẻ đó sẽ không có được hạnh phúc và yên bình trong tâm hồn. Những cánh chim tình bạn xinh đẹp kia sẽ không thể đáp đậu trong lãnh thổ của người đó được.

Nếu đã thuộc về nhau, nếu đã sinh ra để dành cho nhau thì dù hai người có cách xa ngàn trùng núi non, hay tháng năm ròng rã thì mối liên kết bên trong tâm khảm cũng không hề suy suyển. Không gian và thời gian chẳng có sức nặng gì với một tình yêu sâu sắc cả.

📌 Luật hấp dẫn: Đi theo tần số, không đi theo đối tượng

Vì sợ mất bạn nên chúng ta không độc lập trong mối quan hệ, ta trở thành một kẻ đói khát sự quan tâm/chú ý, ta trở thành một con nghiện tình. Khi đó, ta không hề hiện diện cùng người anh em thiện lành đó mà sóng bước cùng những sự run rẩy bên trong chính mình, ta đã cắt máu ăn thề với con quỷ sợ hãi. Vậy thì thử hỏi, ai sẽ là người sẵn sàng kết thân với hiệp hội tối tăm đó nào?

Nếu muốn có những người bạn thật sự, theo tôi, chúng ta nên học cách bầu bạn với chính mình đầu tiên. Vì khi bản thân có đầy đủ sự chú ý, có đủ năng lượng cần thiết, con quỷ đói bên trong sẽ được ấm no mà chuyển hóa thành những thiên thần dễ thương hài lòng. Thiên thần đó sẽ chắp cho ta những đôi cánh tình yêu, để ta bay đến vùng đất tình yêu tương xứng.

Đừng lo rằng sẽ không có ai chơi với bạn khi bạn chân thật, thẳng thắn và can đảm, dù rằng sự hiện diện của bạn sẽ khiến những kẻ hèn nhát xung quanh kinh hãi và ghê tởm. Tin mừng đó là bạn không nhất thiết phải làm bạn với những người đó. Sẽ có những nhân vật mang cùng “bản chất” được Trời Đất kéo tới gặp bạn, thậm chí bạn không cần phải nhọc sức bước lấy một chân ra khỏi cửa nhà. Vì bạn và bọn họ vốn dĩ đã luôn ở chung một mái.

Nếu thế giới xung quanh thờ ơ, giãy đạp, phán xét, chửi rủa, quay lưng chống lại bạn thì đó chỉ đơn giản là dấu hiệu bạn và họ không thuộc về nhau. Ép dầu ép mỡ chứ không ép duyên. Nên việc ai người nấy tiếp tục làm, đường ai người nấy tiếp tục đi, chỉ đơn giản vậy thôi.

Đã từng có người nói với tôi rằng họ muốn đi đây đi đó, muốn gặp gỡ người này người kia để tạo kết nối, để có thêm bạn bè. Nhưng tôi cho rằng trước khi làm như vậy, người này nên tự hỏi bản thân trước rằng đã làm bạn được với chính mình chưa. Vì anh ta mới là người bạn anh ta cần nhất, còn những người khác chỉ là những phản ánh của thế giới, là những làn sóng đến sau mà vũ trụ xướng lên trên mặt đại dương của những cơ hội.

Điều khó khăn nhất của việc làm bạn với chính mình đó là một người phải học cách ở một mình và hài lòng với việc đó. Tức là họ phải vượt qua nỗi sợ hãi xa rời đám đông, xa rời những mối liên kết ồn ào tạm bợ. Tình bạn chân chính chỉ hiển lộ ở hai con người có khả năng đứng độc lập hiên ngang giữa đất trời. Còn một khi họ không thể làm được điều đó thì mối quan hệ này chỉ là dạng ăn xin, bú mớm nhau hòng sống sót qua ngày.

Tóm lại, nếu muốn có những người bạn đích thực thì đừng sợ mất họ, dù họ đã ở trong cuộc đời mình hay chưa. Và chỉ khi nào những nỗi sợ hãi được chuyển hóa thì chúng ta mới có không gian để chào đón những điều mến thương.

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ đề cập đến tình bạn, nhưng ta cũng có thể hiểu rộng hơn là mọi mối quan hệ của con người với con người hay với bất kỳ điều gì khác từ vật chất của cải, đến hạnh phúc tinh thần, các ước mơ, ý tưởng, v.v… Tất cả mọi thứ.

Đừng sợ không có chúng ở bên thì chúng mới có thể ở bên ta được. Khi ấy, dù lang thang ở chốn nào trên cõi đời rộng lớn, ta cũng luôn thấy cả thế gian quây quần.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Featured image: FrankWinkler

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 8

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

[THĐP Vietsub] Chúng ta có thể chữa lành những tổn thương?

https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/2288065021475268/

Xem trên facebook

Video thứ hai của Jason Silva – một trong những diễn giả đỉnh nhất hiện nay – được THĐP 2.0 làm Vietsub. Chúng ta có thể chữa lành những tổn thương không? Câu trả lời là có. Hãy xem video để biết như thế nào.

Chuyển ngữ: Prana
Vietsub: Lê Gia Khiêm
Source: Jason Silva

🎼 Jason Silva – Âm nhạc có thể chữa lành chúng ta không? 

💊 8-Bit Philosophy – “Thuốc” có tốt cho bạn không? Những cánh cửa nhận thức – Aldous Huxley


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 9

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Họ sợ những người nổi loạn

0

Nổi loạn, với tôi, đơn giản là một người dám sống theo những gì mình cho là đúng đắn dù đám đông còn lại không hề vỗ tay đồng tình; một người dám nói những gì mình thật sự cảm thấy mà không hề sợ bản thân hay đối phương bị tổn thương; một người dám theo đuổi ước mơ của chính mình dù thế giới bảo đó là một quyết định điên rồ; một người dám vứt bỏ những ràng buộc để dấn thân vào những cuộc phiêu lưu không hề báo trước; một người dám quăng mình vào cái chết để tìm ra sự sống muôn đời. Vậy nổi loạn là gì nếu không phải là một sự can cảm?

Họ – những người mang tâm thức bầy đàn, sợ những kẻ nổi loạn. Vì sự hiện diện của những kẻ đó làm ảnh hưởng đến đế chế đám đông nhầy nhụa ô hợp, thách thức từng con cừu trong đó đi lạc ra khỏi bầy để có được bộ lông màu đen mới lạ (black sheep). Và chính vì thách thức như vậy, kẻ nổi loạn làm dấy lên những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất trong tâm hồn người khác: sợ đứng một mình, sợ bị tổn thương, sợ sai và sợ chết. Kẻ nổi loạn làm tim gan họ chao đảo bởi những con sóng đam mê cuồng nhiệt; làm tâm trí họ bị thiêu đốt nóng chảy bởi những ngọn lửa của sự thật trụi trần.

Kẻ nổi loạn ấy sẽ phá vỡ các hệ thống niềm tin, phá vỡ những định kiến, những tư duy bảo thủ hẹp hòi. Họ sẽ là kẻ đi ngược chiều đường với một ý chí như những mũi khoan sắc nhọn. Họ là những gáo nước lạnh, là những cái tát nổ đom đóm mắt. Tất cả đều mang đến sự thức tỉnh rằng ở ngoài kia còn vô vàn những khả năng mới, những cánh cửa mới – ngoài kia có nhiều hơn tất cả những gì mà đa số con người vẫn khư khư ôm giữ trong cạp quần cộng lại.

Thế gian sợ những người nổi loạn ấy vô cùng vì họ sợ thức tỉnh, sợ phải thay đổi thói quen lộ trình (nếu như không nói là thói nghiện), sợ nhìn thấy chân lý. Như bóng tối luôn run rẩy trước ánh sáng vậy.

“Hầu hết, mọi người đều yêu thương cái bi kịch cuộc đời của riêng họ. Diễn biến trong quá khứ của họ được xem là chính bản thân họ, hình thành cái tự ngã hư ngụy điều động cuộc sống của họ. Toàn bộ cảm nhận về cái tôi của họ đều được đầu tư vào cái bi kịch đó. Ngay cả nỗ lực – thường không thành công – tìm kiếm một lời đáp, một giải pháp, hay tìm cách chữa lành mọi đau khổ cũng trở thành một phần của bi kịch đó. Điều mà họ sợ hãi và phản kháng nhiều nhất chính là hồi kết thúc tấn bi kịch của họ. Bao lâu họ vẫn còn là tâm trí của họ, thì điều mà họ sợ hãi và phản kháng nhiều nhất chính là sự tỉnh thức của riêng họ.” – Eckhart Tolle, Sức mạnh của hiện tại

Nỗi sợ hãi ấy bùng lên và di căn khắp cõi hồn của những kẻ hèn nhát, chúng nhai nuốt từ từ từng phần sự sống của họ cho tới khi tất cả sự hiện diện của người đó trở về con số 0. Khi đứng trước một người can đảm, con quỷ sợ hãi ấy hiện nguyên hình và giãy đạp điên cuồng, tìm đủ mọi phương cách gian manh nhất để tiêu diệt mối hiểm họa sáng chói sừng sững trước mặt. Đó là lý do tại sao ở ngoài kia tồn tại dư luận viên lao nhao như ruồi bọ, tồn tại những thể chế bạch tuộc đầu độc tâm trí con người bằng truyền thông truyền hình, tồn tại những kẻ đi lạc về nơi bóng tối phỉ nhổ vào thần thánh, tâm linh, phỉ nhổ vào chính mình.

Nổi loạn và sợ hãi không thể chung chăn gối. Nên một người sợ hãi không thể là một kẻ nổi loạn được, và sẽ mang phản ứng run rẩy điên cuồng khi tiếp xúc với một nhân vật đong đầy sự can đảm bên trong cõi hồn.

Chỉ khi nào một người (tối thiểu) nhen nhóm được tình yêu và dũng lực nơi trái tim mình thì mới có khả năng được nhảy múa trong cùng một bài nhạc với những kẻ nổi loạn – vì họ đang dần trở thành một người như thế. Có thể chưa phải là tất cả ngõ ngách bên trong dám bùng lên sức sống, nhưng chí ít, những góc phần lấp lánh nhỏ nhoi kia đang hướng về những điều hào sảng và xinh đẹp. Họ sẽ dùng nó để nhìn theo những người nổi loạn, để cổ vũ, tôn vinh họ, để nâng niu những con người đã góp phần làm sáng lên cuộc đời chìm trong tăm tối của họ.

“We are led by the least among us.” – Terence McKenna

(Tạm dịch: Chúng ta được dẫn dắt bởi những kẻ yếu kém nhất.)

Nếu không đưa một bàn tay để nắm lấy một bàn tay của những người dũng cảm, thế gian này sẽ mãi mãi đắm chìm trong vũng lầy của sự hèn nhát. Vì họ, những trái tim bừng cháy tự do và yêu thương mới xứng đáng là người thuyền trưởng chèo lái con thuyền đến bến bờ hạnh phúc. Trong Cộng hòa, Plato đã từng viết.

“Đất nước chỉ hạnh phúc khi nhà cầm quyền trở thành triết gia, và triết gia trở thành nhà cầm quyền.”

Kẻ nổi loạn chính là những triết gia vậy. Vì họ ngụp lặn trong chân lý đến từ trải nghiệm trực tiếp, họ hít thở quy luật của tự nhiên, họ có Thần Lực hùng mạnh làm bạn đồng hành. Vậy nên họ xứng đáng được mến yêu và trọng vọng hơn tất thảy.

Giống như cái nón đồng nhốt chặt Tôn Ngộ Không ở bên trong, những người sống cùng sự sợ hãi sẽ luôn co rút kiên cố như vậy. Chỉ duy nhất có một cơ hội để họ đổi phe là khi Ngộ Không khoan thủng cái nón đó và chui thoát ra ngoài. Sự can đảm phải được giải phóng để tình yêu và chân lý được lên ngôi. Vậy can đảm đến từ nơi nào nếu không phải từ hành động dấn thân vào những điều mới mẻ?

Thế gian này sẽ từ sợ hãi kẻ nổi loạn chuyển sang yêu mến họ. Và đây là bước đầu tiên trong công cuộc tiến hóa của linh hồn.

“Nỗi sợ lớn nhất trên thế giới này chính là nỗi sợ dư luận. Vào cái giây phút mà bạn không còn sợ đám đông, bạn không còn là một con cừu, bạn trở thành sư tử. Một tiếng gầm to trỗi dậy trong trái tim bạn, tiếng gầm của tự do.” – Osho

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Featured image: Alexas_Fotos

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 8

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Tạp chí Aloha Volume 9

Bạn đã đăng ký trau dồi chất xám từ THĐP chưa, đầu tư vào chất xám từ THĐP là loại đầu tư có lợi nhuận nhất trong tất cả, trước sau gì mọi người cũng sẽ nhận ra. Mua membership để đọc tạp chí tại http://bit.ly/THDPmembership (48k/1 volume, 999k/24 volumes).

Nội dung Volume 9

⭐️ [Hỏi- Đáp] Làm sao để không giận dữ?

🌟 [Bài dịch] Những điều cơ bản cần biết về Chủ nghĩa Stoic

✨ [Truyện ngắn] Cô bé Hạt Tiêu – Quyển 2, Tập 9 – Bệnh tim | Vũ Thanh Hòa

⚡️ [Bài dịch] Những người kỷ luật hơn liệu có hạnh phúc hơn không?

☄️ [Tiểu thuyết dã sử] Người chém cá kình – Hồi 9 | Hai Le

💥 [Truyện dài] Tuổi trẻ cô đơn – Chương 10-11 | Ni Chi

🔥 [Bài dịch] 5 cách để sở hữu một ý chí bất khuất

🌪 [Nhân vật] Alfred Nobel – Kẻ đi buôn tử thần bằng thuốc
nổ và giải Nobel danh giá | Ni Chi

🌈 [Thơ dài] Thiên đường trần gian – Phần 9 | Vũ Thanh Hòa


🍀 Volume 1-8 ➡️ https://content.triethocduongpho.net/tap-chi-aloha-triet-hoc-duong-pho-2-0-magazine/

🍀 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314

Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

🍀 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2


stoicstrong willdisciplin

[Review] 451 độ F – Cái anh cần là thứ đã từng nằm trong sách

5

Đó là một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương trên bờ tuyệt chủng, một thế giới mà con người không còn ngồi trên hàng hiên trước nhà hay đi tản bộ để nói chuyện với nhau. Thay vào đó họ giam mình vào những thiết bị công nghệ, đeo Vỏ Sò (headphone) ở tai suốt ngày đêm. Tâm trí luôn được dẫn dắt bằng những bản tin rồi đến nhạc, rồi lại bản tin và nhạc. Với tôi, Ray Bradbury – tác giả cuốn 451 độ F là một nhà tiên tri lỗi lạc. 451 độ F được ông hoàn thành và xuất bản năm 1953, khi công nghệ còn chưa phát triển như ngày nay, vậy mà ông đã lường trước được mọi việc.

Câu chuyện viễn tưởng của ông được dựng lên với bối cảnh xã hội, người dân bị lôi cuốn bởi những thông tin rác, và chính phủ lập ra cả biệt đội Lính Phóng Hoả – đối lập với Lính Cứu Hoả, chỉ để đốt hết những ai tàng trữ sách trong nhà. Họ nói với người dân rằng sách làm chúng ta đau khổ, phải suy nghĩ nhiều. Khi ta đọc ông triết gia này có lý thì ông triết gia khác sẽ chửi lại làm chúng ta loạn đầu mà chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì. Ta hãy cứ sống với những bản nhạc làm ta thư giãn. Ta vẫn thông thái với những bản tin hằng ngày nhồi nhét vào tâm trí, để nó trông có vẻ như ta bận rộn cả ngày, để tâm trí không có giây phút nào nghỉ ngơi ngẫm nghĩ. Nếu ai cố tỏ ra mình thông thái, nếu ai thư thả tản bộ trên vỉa hè, nếu có ai đó ngồi ngắm trăng, cây cối quá lâu, thì đó chính là kẻ điên và cần phải được điều trị, cần đưa vào hồ sơ, cần phải để cho mọi người xa lánh.

Tôi thấy mình trong vai Guy Montag, trong vai cô gái Clarisse McClellan và trong cả vai của Mildred. Tôi vẫn đọc văn chương, bởi vì đến hiện tại có lẽ vẫn chưa đến thời của tác giả nhắc đến, tôi vẫn còn sách để đọc. Nhưng tôi cũng không thể tránh khỏi những tin tức rác tràn lan mỗi khi mở Internet. Bạn bè tôi thích nói về vụ án Burning Sun của Seungri (Big Bang), thích nói về Khá Bảnh, về Phúc XO hơn là chuyện cá voi trôi dạt lên bờ, mổ bụng ra với trăm tấn ni-lông nhựa. Dường như chẳng có mấy ai thích bàn về Schopenhauer, Albert Schweitzer, Thích Ca hay Jesus.

Và tôi bỗng nhớ đến lời khuyên của chị Rosie Nguyễn – tác giả cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? rằng hãy đọc sách thay vì đọc báo. Đúng vậy, báo luôn nhồi nhét cho ta nhiều thông tin, cho ta nghĩ rằng mình hiểu biết. Ta nắm được tình hình thế giới hôm nay thế nào. Nhưng nó không giúp đầu óc ta sáng láng, mở rộng hơn như sách. Nó đều là thông tin, nhưng là hai luồng thông tin khác nhau. Một luồng là thông tin vô bổ, giống như mì ăn liền. Còn một luồng ít người quan tâm đến bởi vì nó cần sự kiên trì, giống như trồng một cái cây phải đợi nó mọc rễ. Cho đến khi đã đọc nhiều, mọc đủ nó sẽ vươn lên cao mãi.

Ray Bradbury còn tạo ra con Chó Máy – một con chó không sống cũng không chết. Hoạt động chuẩn xác từng centimet, bách phát bách trúng. Con Chó Máy đó chẳng phải là AI sao? Là kẻ đang âm thầm luồn lách vào thế giới này để thống trị loài người. Và đang có nguy cơ không kiểm soát được.

Loài người – loài tự nhận mình đứng đầu chuỗi thức ăn, tự cho mình là động vật bậc cao, luôn nghĩ mình thông minh nhưng lại dễ bị thuần hoá như một con chó, yếu ớt như con giun con dế, ngu si như con cừu, bị dắt mũi như một con bò.

Trong truyện, chiến tranh bom đạn được lấp liếm, đánh lạc hướng bằng những tin tức vui nhộn, hấp dẫn. Ngoài đời cũng vậy, tin tức chính trị không thể che mắt dư luận thì thổi bùng tin showbiz từ con kiến thành con voi – chuyện ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Nhưng 451 độ F cũng đề cập đến mặt trái của việc bảo vệ sách quá đà. Tuy chỉ nhắc sơ qua vài trang nhưng tôi cũng muốn mọi người ghi nhớ kỹ đoạn ấy để không bị bám víu vào vật chất. Có đoạn Montag vừa biết đến sách, anh ấy cố gắng tàng trữ thật nhiều sách nhất có thể. Nhưng ông già Faber đã nói với anh rằng:

“Không phải anh cần sách đâu, cái anh cần là thứ đã từng nằm trong sách. Cái anh tìm không phải là sách! Hãy thu gom nó bất cứ khi nào anh có thể tìm được nó, trong những đĩa cũ, những bộ phim cũ, và ở những người bạn cũ, tìm nó trong thiên nhiên và tìm nó trong chính anh. Sách chỉ là một dạng vật chứa nơi ta lưu nhiều thứ mà ta sợ mình có thể quên.”

Đúng vậy, sách chỉ chứa đựng kiến thức, cái ta cần nắm giữ là kiến thức, không phải là những tờ giấy có nhiều chữ. Ray đã rất khôn khéo khi muốn nhắc nhở người đọc rằng cuốn sách của ông không nói về việc cảnh tỉnh con người trân trọng sách mà họ nên trân trọng tri thức.

Nếu chúng ta muốn đạt được ước mơ thì điều đầu tiên là phải tỉnh dậy. Đó cũng là vấn đề của nhiều đứa trẻ thành phố. Khi chúng quá tiện nghi, sống trong quá nhiều internet và thông tin vô bổ, chúng trở nên lười nhác, nghĩ mình biết tuốt và không bao giờ tỉnh dậy. Cả thế giới càng ngủ mơ càng dễ để những thế lực lớn nắm giữ. Cuộc đời ta, ta không thể tự nắm giữ thì không thể thoát ra vòng vây kìm hãm của chúng.

Tác giả: Bà Năm

Edit: THĐP

Luật Hấp Dẫn là gì? Đi theo tần số, không đi theo đối tượng

1. Luật Hấp Dẫn là gì?

Có lẽ, khái niệm “tần số” không còn gì xa lạ với đa phần mọi người nữa vì càng ngày nó càng được nhắc đến nhiều hơn trong những sách vở liên quan đến Luật Hấp Dẫn, hay những nội dung nói về sự kết nối tâm linh.

Không cứ phải là người nghiên cứu những điều huyền bí thì chúng ta mới có thể tiếp cận với điều này. Trong dân gian cũng đã có những tục ngữ nói về chủ đề hấp dẫn mà chúng ta chắc hẳn đã được nghe ít nhất một lần trong đời nhưng không để ý kỹ.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.”

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.”

Hay

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.”

luật hấp dẫn là gì

Chúng ta có thể tạm hiểu là những người có cùng tần số rung động thì sẽ thu hút nhau hay ở chung một tầng thực tại. Tần số thể hiện mức độ năng lượng của người đó ở ngưỡng nào. Trong bài viết này, tôi xin dùng thang đo năng lượng David Hawkins để làm ví dụ minh họa trực quan. Có thể bạn không cần nhớ chính xác những con số, bạn chỉ cần hình dung cách luật hấp dẫn hoạt động.

Ví dụ, bạn rung động ở ngưỡng 500 là tình yêu, bạn sẽ thu hút hay thường xuyên gặp gỡ, tương tác với những đối tượng ở ngưỡng đó – những người biết thương yêu, chia sẻ, sống từ bi, nhân hậu với thế giới.

Còn những người có mức rung động khác biệt (quá lớn) ở ngưỡng 30 chẳng hạn thì khó lòng kết dính vào cuộc đời bạn. Vì ở mức này, những chủ thể đó biểu lộ ra thế giới bên ngoài sự mặc cảm, tội lỗi, tức là tâm trí và xúc cảm của họ hướng về những điều tồi tệ, xấu xa, tiêu cực, hướng về quá khứ đen tối. Nếu hai người tần số cách biệt gặp nhau là để giúp nâng cao tần số ở ngưỡng thấp hơn.

Tôi cho rằng thế giới này không là gì khác ngoài sự sắp xếp theo luật hấp dẫn, theo sự tương đồng về mặt tần số. Và quy luật nhân quả, theo tôi cũng chỉ là một cách diễn đạt khác của “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.” Vì chẳng có hạt giống tồi tệ nào nở ra được một cái cây tốt đẹp, và cũng không có một hạt giống đẹp đẽ nào nở ra một cái cây hư hỏng.

Có không ít người đọc sách, xem video về luật hấp dẫn và thấy ở đó những ví dụ nói về lượng thành quả vật chất to lớn mà vũ trụ đổ về khi ai đó làm theo các bước Ask-Believe-Receive (Yêu cầu-Tin tưởng-Đón nhận.) Nhưng liệu có mấy người hiểu được cơ chế vận hành của nó?

Ngồi nhắm nghiền mắt lại, đăm chiêu cầu vũ trụ rót vào tài khoản ngân hàng cho vài tỷ đồng nhưng ở ngoài đời sống thì thụ động, lười biếng, dễ nản chí, thì thử hỏi Thượng Đế phải làm sao để có thể đổ tiền vào túi người này được? Nhiều khi, những mơ mộng của con người chỉ đang che giấu những yếu điểm mà chính bản thân họ chưa khắc phục và chuyển hóa được.

“Bạn không có những gì bạn muốn, bạn có những gì bạn xứng.” – Khuyết danh

Luật Hấp Dẫn là gì? Theo tôi, nó không chỉ đơn thuần là sự sắp xếp những thứ đồng thanh, đồng khí, mà nó là sự ĐỊNH GIÁ của vũ trụ đối với một đối tượng bất kỳ (trong đó có con người.) Điều này có thể hiểu rằng một người hiện diện (sống) tức là họ đang rao bán chính bản thân mình cho Trời Đất, và người đó như thế nào, Trời Đất sẽ trả một lượng “tiền” tương ứng, nhưng ở tầm mức vũ trụ. “Tiền” ở đây vừa có thể là vật chất của cải, vừa là các mối quan hệ, hoàn cảnh sống, năng lượng.

Nếu quan sát kỹ, các bạn sẽ thấy khi ta nâng cao chất lượng tinh thần của mình lên thì những điều tốt đẹp hơn ở xung quanh cũng dần dần xuất hiện.

“Hôm qua tôi giỏi giang, tôi muốn thay đổi thế giới. Hôm nay tôi trí tuệ, tôi đang thay đổi chính mình.” – Rumi

2. Luật Hấp Dẫn có nghĩa là đi theo tần số, không đi theo đối tượng

Nói về luật hấp dẫn là vậy, nắm bắt bằng ý tưởng về nó là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu nó bằng trải nghiệm trực tiếp, tức là sống quy luật đó, ngụp lặn trong nó. Vì tần số là một dạng ngôn ngữ vô hình, không thể được tiếp cận bằng trí não, mà chỉ có thể được thấu hiểu bởi cảm nhận, trực giác.

Khi một người hiểu được điều này, họ sẽ đi theo tần số chứ không đi theo đối tượng. Vì con người hay hoàn cảnh là những điều kiện che lấp sự thật nằm sau đó là tần số rung động. Một người có vẻ ngoài nho nhã, ưa nhìn nhưng cũng có thể mang tâm tính Sở Khanh, hoặc một người trông thô thiển, xù xì nhưng biết đâu lại là một thiên thần.

Việc đi vào cảm nhận tần số giúp chúng ta vượt lên khỏi những lớp vỏ bọc của thế gian, vượt lên khỏi con mắt trần tục hữu hạn, và vượt lên khỏi những đánh giá bé nhỏ của tâm trí. Chúng ta hoàn toàn mở rộng để đón nhận tối đa những xung động của thế gian. Và ở đó, thế gian sẽ hé mở những quy luật diệu kỳ của nó.

Sống với luật hấp dẫn đòi hỏi một người phải có sự dũng cảm. Vì những gì họ tin tưởng và “nhìn thấy” không phải là những đối tượng hữu hình, mà là những làn sóng năng lượng. Việc người đó tiến tới bình an hạnh phúc sẽ là một lời cảnh báo về sự tan rã với những mối quan hệ hay thói quen tiêu cực cũ.

Vì con mắt tiếp cận với cuộc sống thay đổi nên cuộc sống của người đó cũng vận hành theo một cách khác. Những mối quan hệ hay hoàn cảnh không cùng mức độ rung động sẽ bị bong tróc ra. Nếu hiểu được rằng quy luật tự nhiên đang vận hành, người đó sẽ thấy bình an, tin tưởng và tiếp tục tiến về phía trước trong hân hoan. Còn khi không hiểu được chuyện gì đang diễn ra thì người đó sẽ tìm cách níu giữ những thói quen không còn phù hợp với chính mình ở lâu hơn chút nữa, và càng thấy mệt mỏi kiệt quệ.

Người chủ động sống theo quy luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” ban đầu sẽ phải đứng trước sự sụp đổ ý tưởng về sự chia rẽ nhị nguyên hay liên kết giữa hai đối tượng độc lập.

luật hấp dẫn là gì

“Chúng ta có mặt ở đây là để thức tỉnh khỏi ảo tưởng về sự tách biệt.” – Thích Nhất Hạnh

Khi đã nhìn mọi thứ dưới dạng sóng, dạng tần số, người đó sẽ không còn thấy sự phân tách nữa mà chỉ thấy một đại dương hiệp nhất. Quy luật hấp dẫn là cách những con sóng dâng lên hay hạ xuống, và người đó có khả năng nương theo chúng.

Người này có thể bị đám đông, dư luận, xã hội gán mác công dân nổi loạn, đứa con bất hiếu, người tình phụ bạc hay người bạn qua cầu rút ván. Nhưng trong góc nhìn của Tự nhiên, mọi chuyện chỉ đơn giản là có phù hợp với nhau không, có chung đường chung lối hay không. Ở đây không hề có chuyện gì liên quan đến con người, văn hóa hay truyền thống cả, tất cả là vấn đề về năng lượng.

3. Kiến tạo thực tại

Chỉ khi nào hiểu luật chơi, ta mới có khả năng trở thành người chơi giỏi. Và theo tôi, ý nghĩa to lớn nhất của luật hấp dẫn không phải là mang đến những thành tựu vật chất cho những con người còn đang đói khát tinh thần. Nó là công cụ để một người hạnh phúc trở thành Nghệ Sĩ – kiến tạo những đẹp xinh hiến dâng cho đời. Ở đây, bí kíp để hiểu được luật hấp dẫn là trước tiên một người phải trở nên hạnh phúc. Người đó làm việc bên trong chính mình, chuyển hóa nội tâm của mình và thấy sự phản ánh ở bên ngoài thế giới.

Tôi cho rằng, một con người càng xa rời nội tâm, xa rời tâm linh thì càng mất niềm tin vào những phép màu, vào những điều kỳ diệu của vũ trụ. Nếu nghe ai đó bảo với họ rằng “Bạn là God, bạn có thể sáng tạo ra thực tại của chính mình” hay “Nếu muốn gặp Chúa thì bạn phải làm bản thân ngang bằng Chúa, vì những gì giống nhau mới nhận ra nhau” thì người đó phản đối quyết liệt những ý tưởng này.

Nhưng nếu đã hiểu được quy luật “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” thì việc gặp ai hay trở thành ai không còn là một thử thách nữa. Mọi chuyện bây giờ chỉ xoay quanh hai chữ “hiện diện.” Bạn không cần phải mong mỏi hay sục sạo tìm kiếm gì, vì bạn nhận ra rằng mọi ước mơ tựu thành đã đều nằm trong sự hiện hữu.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

⭐ Xem thêm: Áp dụng Luật Hấp Dẫn vào trò chơi cuộc đời

Luật Hấp Dẫn book cover

Yêu mà sợ bị chửi ngu thì đừng yêu

0

Em tìm đến tôi kể rằng em vừa đồng ý quay lại với cậu ta, đó là một người con trai tội nghiệp yêu em chân thành tha thiết đến khờ dại. Rồi em nói tiếp: “Nhưng cậu ấy sợ người ta chửi mình ngu.”

Ai yêu mà không ngu? Tôi cũng từng ngu, ngu đến lần thứ 99 vẫn còn ngu. Nhờ có những ngu ngơ khờ khạo đó mà có thể tôi đã trở nên bớt vụng về hơn ở lần ngu thứ 100. Ở lần thứ 100, cái ngu vẫn còn đeo bám quấn quýt lấy tôi, nhưng chẳng phải yêu là phải ngu sao? Nếu yêu mà tỏ ra quá thông minh, phân bua thiệt hơn, đó có phải là yêu? Cái ngu trong tình yêu là một cái ngu đặc biệt, chỉ có những ai mạnh mẽ mới dám sống với cái ngu ấy. Đánh mất mình cho một người quan trọng hơn chính bản thân, không phải người nào cũng may mắn được một lần dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm đó.

Nếu tôi yêu người đó, người đó phải vượt trội hơn sự ích kỷ của tôi chứ? Phải là người chiếm trọn trái tim còn tôi thì mờ nhạt mất dấu chứ? Nếu không chẳng phải tình yêu cũng chỉ tầm thường như tình bạn? Tình yêu thiêng liêng đến thế thì nó phải là một cái gì đó siêu việt hoàn toàn chứ?

Đứng trước những lời phán xét, khi thiên hạ xì xầm chửi tôi ngu, tôi tất nhiên cảm thấy bị tổn thương chứ. Tôi buồn bã chứ. Nhưng ai đã cho phép họ được cái quyền ngồi lên đầu tôi để đánh giá? Chính tôi, tôi đã cho phép họ làm điều đó. Tôi cũng đã cho phép người tôi yêu được quyền bước ra bước vào đời sống tôi như một cái trạm xăng tiếp nhiên liệu.

Qua bao đau khổ tuyệt vọng, tôi nhận ra tôi cần hiểu rõ, khi bắt đầu biết yêu, tôi đã hoàn toàn trao tặng cho người đó quyền sát thương tôi. Tôi cần nắm rõ được luật chơi ngay từ lúc muốn đặt chân lên sàn đấu. Vậy nên tôi không có quyền than oán. “Tôi rất tốt với anh, tôi luôn quan tâm lo lắng, tôi đã cùng anh sống qua những ngày tháng khó khăn nhất, và giờ anh phụ bạc tình tôi. Anh là đồ khốn nạn.” Thốt ra được những từ ngữ ngu xuẩn này, tôi hóa ra chẳng biết gì về tình yêu.

Cả thế giới này không ai có trách nhiệm với tôi. Thế nên một người cương quyết muốn thoát khỏi tình yêu tôi, nỗ lực níu kéo luôn là một hoài công vô ích. Người đó vốn dĩ không có trách nhiệm phải ở lại bên cạnh tôi. Tôi không thể cưỡng ép buộc chặt tôi vào họ nếu trái tim họ không muốn thế. Khi người tôi yêu ngoảnh mặt đánh rơi tôi lại phía sau, tôi nhận ra mình sẽ không bao giờ níu kéo được người ấy nếu trái tim anh ta đã muốn rời đi. Sự hiện diện của một cái xác không linh hồn, tình yêu chỉ còn là một sự trống rỗng.

Đôi khi những cuộc cãi vã giận hờn là những cuộc thử lửa mà người yêu nhau cần phải vượt qua, để sự hiện diện tình yêu trong đời sống mỗi người càng sâu sắc hơn. Chỉ có một tình yêu thật sự mới vượt qua được thử thách này. Còn lại những tình yêu mà không phải là thứ tình yêu tôi đang ám chỉ, có lẽ tình yêu của họ cùng lắm cũng chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn được những yêu cầu đặt ra. Đó là những người vẫn luôn lải nhải mãi một câu giống như con vẹt già. “Anh yêu em, em yêu anh.” Nhưng chỉ vừa mới bước vào vạch vôi trắng là đã chán ngán không đủ kiên nhẫn để xuất phát. Đó là những người yêu bản thân họ thông qua phương tiện gián tiếp là tôi. Bởi tôi có thể thỏa lấp nỗi cô đơn của họ trong trạng thái hai người cùng nhau.

Tôi bảo với em gái tôi rằng đó là chuyện của cậu ta. Nếu cô ấy không tốt thì cậu ta đã phải tự động thoát khỏi cuộc đời cô ấy rồi. Hoặc nếu em gái tôi là một cô gái xấu xa tệ hại mà cậu ta vẫn không chịu buông tay, thì rõ ràng là em gái tôi vẫn chưa tồi tệ đến mức đó. Chưa đến giới hạn, cái ngu của cậu ta vẫn chưa đến giới hạn. Và tất nhiên từ vị trí này cho đến tấm rào chắn kia, việc mình thỉnh thoảng bị thiên hạ chửi ngu là chuyện quá đỗi bình thường. Sớm muộn gì em gái tôi cũng nhận ra mình đã bỏ lỡ một chàng trai tốt vì không học cách quý trọng. Sớm muộn gì chàng trai cũng nhận ra mình ngu đến đó là đủ rồi. Còn nếu may mắn thì cả hai sẽ  vượt qua được những cuộc thử lửa để bảo toàn trọn vẹn tình yêu.

Cứ để mặc cho thiên hạ bàn tán, những người đang yêu vẫn thường xuyên bị chửi ngu, ngu riết cũng phải khôn ra. Thế giới này vẫn luôn vận hành theo cách đấy mà. Còn nếu sợ bị chửi ngu, thì đừng yêu!

Tác giả: Ni Chi

Featured image: StockSnap

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1- 8

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2