25 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 67

Đời có phải là một chuỗi vấn đề?

0

2500 năm về trước, tại chân dãy núi Himalaya (nay thuộc Nepal), một vị hoàng tử đã từ bỏ hết những vinh hoa phú quý để lên đường đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Chàng đã chịu đựng đau khổ, cô đơn, suy sụp, bệnh tật dày vò, và sống như một kẻ dưới đáy xã hội trong suốt nhiều năm. Cuối cùng thì chàng đến bên bờ sông, ngồi yên tại một gốc cây cạnh đó trong suốt 49 ngày để đạt đến sự giác ngộ. Vị hoàng tử ấy chính là Đức Phật Thích Ca, và một trong những điều ông đã giác ngộ ra và sau đó truyền bá nó đến khắp thế giới là:

CUỘC SỐNG VỐN ĐÃ LÀ MỘT SỰ CHỊU ĐỰNG ĐAU KHỔ.

Điều này có nghĩa là những vấn đề và rắc rối mà ta gặp phải sẽ đến liên tục và kéo dài mãi mãi cho đến ngày mà thần chết đến gõ cửa nhà chúng ta. Khi bạn muốn giải quyết vấn đề thừa cân của mình bằng cách ăn ít đồ ngọt lại, bạn lập tức gặp vấn đề mới đó là phải ăn gì để thay thế cho mớ bánh ngọt và trà sữa. Khi bạn muốn giải quyết vấn đề học tập của mình bằng cách quyết định học hành chăm chỉ hơn, một vấn đề mới lại ngay lâp tức nảy sinh là bạn phải ngồi vào bàn học vào lúc 6 giờ sáng, bỏ qua chương trình TV yêu thích để làm bạn với những con số.

Cứ như thế, dòng chảy của các vấn đề không bao giờ ngừng lại, chúng chỉ chuyển sang một vấn đề khác hoặc là tăng thêm mà thôi. Điều này có vẻ càng đúng hơn trong thời đại ngày nay, khi công nghệ phát triển, nó đem đến cho con người nhiều vấn đề hơn, và những vấn đề ấy lại làm nảy sinh nhiều vấn đề hơn nữa.

Hạnh phúc đến từ việc giải quyết các vấn đề này. Từ khóa ở đây là “giải quyết.” Nếu như bạn lảng tránh các vấn đề của mình hay cảm thấy như thể mình không có vấn đề nào hết cả, thì bạn sẽ tự làm cho mình đau khổ hơn. Nếu như bạn cảm thấy rằng mình đang gặp phải những vấn đề không thể giải quyết, thì bạn cũng đang tự làm khổ mình mà thôi. Bí quyết nằm ở việc giải quyết vấn đề, chứ không phải là ở vấn đề.

Hạnh phúc là một quá trình luôn diễn ra, bởi vì giải quyết vấn đề là một quá trình tiếp diễn – giải pháp cho vấn đề của ngày hôm nay rất có thể sẽ là nguồn cơn của những vấn đề vào ngày mai, và cứ tiếp tục như thế. Hạnh phúc thực sự chỉ diễn ra khi bạn tìm thấy được những vấn đề mà bạn thích thú và vui vẻ giải quyết chúng.

Đôi khi những vấn đề này rất đơn giản: uống một cốc bia mát lạnh, du lịch tới một vùng đất mới, chiến thắng thằng bạn trong trò chơi điện tử. Vào những khi khác các vấn đề này có thể sẽ phức tạp và khó hiểu: cải thiện mối quan hệ đang đi xuống với người yêu, tìm kiếm một sự nghiệp mà bạn cảm thấy hài lòng, hay củng cố tình bạn.

Dù cho vấn đề của bạn có là gì, thì thông điệp ở đây vẫn chỉ có một: giải quyết vấn đề. Đáng buồn là, ngày nay chúng ta thích chối bỏ và lảng tránh vấn đề hơn là đối mặt và giải quyết nó. Lý do có lẽ một phần là bởi công nghệ đã đem đến cho chúng ta quá nhiều cơ hội để làm điều ấy. Nếu như tôi cảm thấy cô đơn, tôi sẽ không ra ngoài đi chơi cùng bạn bè mà sẽ lên Facebook để lướt hết giờ đồng hồ này tới giờ đồng hồ khác. Nếu như tôi chẳng làm được gì cho xã hội, tôi cũng sẽ không cố gắng học tập làm việc mà sẽ tìm kiếm cảm giác là người chiến thắng trong một trò chơi nào đó.

Điều đáng buồn hơn nữa là như đã nói ở trên, trốn tránh vấn đề không làm vấn đề biến mất mà chỉ càng làm chúng ta đau khổ hơn và cuối cùng thì ta vẫn phải đối mặt với chúng. Nhưng người ta vẫn không ngừng làm như vậy, chỉ bởi vì chối bỏ vấn đề thì thật dễ dàng. Bạn biết đấy, đôi khi lên facebook và nhìn thấy người ta post những thứ hay ho về cuộc sống của họ chỉ càng làm bạn cảm thấy thêm cô đơn và như c*t cho đời mình. Phá đảo hàng chục ván game chỉ càng làm bạn cảm thấy ngoài đời mình chả ra gì và càng lún sâu hơn vào nó.

Vậy nên nếu bạn đang có bất cứ vấn đề và rắc rối nào, thì cũng đừng buồn chán và thất vọng về nó. Tất cả mọi người trên thế giới này đếu giống như bạn, đều có hàng tá vấn đề. Cũng đừng mong rằng cuộc đời sẽ không có rắc rối nào cả, thay vào đó hãy mong rằng đó là những rắc rối dễ thương (tức chúng ta có thể kiểm soát và giải quyết được nó.) Sau cùng thì, bài viết này mong bạn hãy mạnh mẽ đối mặt và giải quyết những nỗi đau và đừng tránh né chúng, bởi như tôi đã nói thì hạnh phúc đến từ việc giải quyết các rắc rối mà!

Tác giả: Vũ Đức Huy

Featured image: Free-Photos 

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[THĐP Translation™] Kỹ năng quan trọng nhất không ai dạy bạn: Ở một mình và kết nối với nội tâm

(Bài viết hiện đã được 289K Likes trên Medium. Bài dịch được đăng tải trong volume 5 tạp chí Aloha.)

Trước khi qua đời ở tuổi 39, Blaise Pascal đã có những đóng góp khổng lồ cho cả vật lý học và toán học, đặc biệt là trong ngành chất lỏng, hình học và xác suất.

Nhưng những công trình của ông còn ảnh hưởng nhiều hơn là chỉ đơn thuần trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhiều lĩnh vực mà chúng ta bây giờ gọi là khoa học xã hội trên thực tế cũng đã được phát triển từ những nền tảng ông đã có công gầy dựng.

Điều thú vị là, phần lớn điều này đã được thực hiện trong những năm thiếu niên của ông, một số khác được phát triển vào tuổi đôi mươi của ông. Đến tuổi trưởng thành, có cảm hứng từ một trải nghiệm tôn giáo, ông thực sự đã bắt đầu hướng đến triết học và thần học.

Ngay trước khi ông qua đời, ông đã viết ra những suy nghĩ riêng tư mà sau này sẽ được phát hành thành một bộ sưu tập được mang tên Pensées.

📌 TÔI ĐÃ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ BLAISE PASCAL VỀ SỨC MẠNH CỦA SỰ TĨNH LẶNGAloha Vol. 1

Trong khi cuốn sách chủ yếu là về trường hợp một nhà toán học lựa chọn một đời sống đức tin và niềm tin, thì điều gây tò mò hơn về nó là những nghĩ suy sáng tỏ rõ ràng về chuyện làm người thì có ý nghĩa gì. Đó là một bản thiết kế cho ngành tâm lý học ngày nay từ lâu trước khi tâm lý học được coi là một ngành học chính thức.

Không thiếu những nội dung kích thích tư duy trong đó để trích dẫn, và nó xoáy vào bản chất của con người từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng một trong những suy nghĩ nổi tiếng nhất trong đó khéo léo tóm tắt cốt lõi của lập luận của ông:

“Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng.” ― Blaise Pascal

Theo Pascal, chúng ta sợ sự im lặng của sự tồn tại, chúng ta sợ sự nhàm chán và thay vào đó lựa chọn những thú vui xao lãng không chủ đích, và chúng ta không thể không trốn chạy khỏi những vấn đề của cảm xúc và đi vào những tiện nghi giả ngụy của tâm trí.
Vấn đề gốc rễ, về cơ bản, là chúng ta không bao giờ học được nghệ thuật của sự đơn tịch.

Những hiểm họa của sự kết nối

Ngày nay, hơn bao giờ hết, thông điệp của Pascal gióng lên hồi chuông sự thật. Nếu có một từ để mô tả sự tiến triển được thực hiện trong 100 năm qua thì đó là: sự nối kết. Công nghệ thông tin đã thống trị đường hướng văn hóa của chúng ta. Từ điện thoại đến đài phát thanh đến TV với internet, chúng ta đã tìm ra cách để đưa tất cả mọi người đến gần nhau hơn, tạo điều kiện cho việc liên tục tiếp cận với thế giới.

Tôi có thể ngồi trong văn phòng của mình ở Canada và đưa bản thân đến bất cứ nơi nào tôi muốn thông qua Skype. Tôi có thể ở phía bên kia của thế giới và vẫn biết những gì đang xảy ra ở nhà với một vài cú lướt mạng nhanh chóng.

Tôi không nghĩ mình cần phải làm nổi bật những lợi ích của tất cả chuyện này. Nhưng nhược điểm cũng bắt đầu lộ diện. Ngoài những cuộc nói chuyện hiện tại về quyền riêng tư và thu thập dữ liệu, có lẽ còn có tác dụng phụ nguy hại hơn ở đây.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi ta có thể kết nối với mọi thứ ngoại trừ chính mình.

Nếu quan sát của Pascal về việc chúng ta không thể ngồi lặng lẽ trong một căn phòng là đúng với tình trạng của con người nói chung, thì vấn đề chắc chắn đã trầm trọng hơn gấp 10 lần với các lựa chọn [công nghệ] hiện có ngày nay. Tại sao phải ở một mình khi bạn không bao giờ phải ở một mình?

Vâng, câu trả lời là, không bao giờ ở một mình không đồng nghĩa với không bao giờ cảm thấy một mình, lẻ loi, cô đơn. Tệ hơn nữa, càng không cảm thấy thoải mái khi ở một mình, bạn càng không biết chính mình. Và sau đó, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn để tránh né nó và tập trung vào nơi khác. Trong quá trình này, bạn sẽ trở thành một tên nghiện công nghệ, vốn là cái có thể giúp bạn giải thoát.

Chỉ vì chúng ta có thể sử dụng tiếng ồn của thế giới để ngăn chặn sự khó chịu của việc đối phó với bản thân không có nghĩa là sự khó chịu này biến mất.

Hầu hết mọi người đều nghĩ là họ biết chính mình. Họ nghĩ họ biết họ cảm thấy thế nào và họ muốn gì và vấn đề của họ là gì. Nhưng sự thật là rất ít người thật sự biết. Và người nào thật sự biết sẽ là người đầu tiên nói rằng việc ý thức được bản thân khó nắm bắt đến thế nào, và cần thời gian ở một mình bao lâu để đạt được nó.

Trong thế giới ngày nay, người ta có thể sống toàn bộ cuộc sống của họ mà không thực sự đào sâu vượt quá những lớp mặt nạ bề mặt họ mang; thực tế là có nhiều người như vậy. Chúng ta ngày càng mất liên lạc với chính mình, và đó là một vấn đề.

Nhàm chán như một chế độ kích thích

Nếu chúng ta trở lại các nguyên tắc cơ bản―và đây cũng là điều mà Pascal đã tiếp cận―sự ác cảm của chúng ta đối với sự đơn độc thực sự là một sự ác cảm đối với sự nhàm chán.

Vấn đề cốt lõi ở đây, không nhất thiết là chúng ta nghiện TV vì có điều gì đó thỏa mãn hay độc đáo về nó, giống như chúng ta không nghiện nhiều chất kích thích vì ưu điểm nhiều hơn nhược điểm. Mà là, cái chúng ta thực sự bị nghiện là một trạng thái không buồn chán.

Hầu như tất cả những thứ điều khiển cuộc sống của chúng ta một cách không lành mạnh tìm thấy gốc rễ của nó khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta sợ hãi sự trống rỗng, hư không. Chúng ta không thể chỉ việc hiện hữu (being) thay vì phải làm một cái gì đó (doing). Và do đó, chúng ta tìm kiếm giải trí, chúng ta tìm kiếm bạn đồng hành, và nếu không có được những thứ đó, chúng ta theo đuổi những tầm mức cao hơn.

Chúng ta bỏ qua sự thật là không bao giờ đối mặt với hư không cũng giống như không bao giờ đối mặt với chính mình. Và không bao giờ đối mặt với chính mình là lý do tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn và lo âu mặc dù đã được kết nối mật thiết với mọi thứ khác xung quanh ta.

May thay, có một giải pháp. Cách duy nhất để tránh bị hủy hoại bởi nỗi sợ hãi này―giống như bất kỳ sợ hãi nào―là đối mặt với nó. Đó là để cho sự nhàm chán đưa bạn đến nơi nó muốn, để bạn có thể đối phó với bất cứ điều gì đang thực sự xảy ra với ý thức của bạn về bản thân. Đó là khi bạn sẽ nghe chính mình suy nghĩ, và đó là khi bạn sẽ học cách tiếp xúc với những phần bị che khuất bởi những thứ xao lãng tạp nham.

📌 Bước ra khỏi vũng sình lầy (Bài dự thi đoạt giải nhất cuộc thi viết 2018 của THĐP, nói về thiền định)

Vẻ đẹp của điều này là, một khi bạn vượt qua rào cản ban đầu đó, bạn nhận ra rằng việc ở một mình không phải là quá tệ. Nhàm chán có thể cung cấp sự kích thích của riêng nó.
Khi bạn bao bọc bản thân mình với những khoảnh khắc tịch liêu và tĩnh lặng, bạn trở nên quen thuộc với môi trường của mình theo một cách mà những kích thích cưỡng cầu không cho phép. Thế giới trở nên phong phú hơn, từng lớp vỏ bọ bắt đầu bong tróc ra, và bạn thấy mọi thứ như chúng thực sự là, trong tất cả sự toàn vẹn của chúng, trong mọi mâu thuẫn của chúng, và trong tất cả những điều không quen thuộc của chúng.

📌 Ngồi thiền có lợi ích gì không dựa theo khoa học?

Bạn biết rằng có những thứ khác mà bạn có khả năng chú ý hơn là những gì ồn ào nhất trên bề mặt. Chỉ vì một căn phòng yên tĩnh không cho bạn sự phấn khích như ý tưởng đắm mình trong một bộ phim hay một chương trình truyền hình không có nghĩa là không có chiều sâu ở đó để khám phá.

Đôi khi, phương hướng của sự đơn tịch này dẫn bạn đến một nơi không mấy dễ chịu, nhất là khi nói đến nội tâm— suy nghĩ và cảm xúc của bạn, nghi ngờ và hy vọng của bạn— nhưng về lâu dài, nó còn dễ chịu hơn là bỏ chạy thậm chí không nhận ra rằng bạn đang [bỏ chạy].

Bao dung sự nhàm chán cho phép bạn khám phá ra những điều mới lạ trong những điều bạn chưa từng biết; nó giống như là một đứa trẻ còn ngây thơ nhìn thế giới lần đầu tiên. Nó cũng giải quyết phần lớn xung đột nội tâm.

Bài học được rút ra

Thế giới càng tiến bộ, nó càng cung cấp nhiều kích thích, như một động cơ thôi thúc chúng ta đi ra khỏi nội tâm của mình để tham gia vào nó.

Trong khi câu nói khái quát của Pascal cho rằng việc thiếu thoải mái với sự đơn độc là gốc rễ của mọi vấn đề của chúng ta có thể chỉ mang tính cường điệu, nó không phải là hoàn toàn không chính xác.

Tất cả mọi thứ đã giúp chúng ta kết nối đồng thời cũng đã cô lập chúng ta. Chúng ta đã quá bận bị xao lãng đến nỗi chúng ta quên nhìn lại nội tâm của chính mình, điều này khiến chúng ta cảm thấy ngày càng cô đơn hơn.

Điều thú vị là, thủ phạm chính không phải là nỗi ám ảnh của chúng ta với bất kỳ sự kích thích đặc biệt nào trong thế giới. Đó là nỗi sợ hãi sự trống rỗng— chúng ta bị nghiện trạng thái không buồn chán. Chúng ta có một ác cảm bản năng: chỉ đơn giản hiện hữu.

Nếu không nhận ra giá trị của sự đơn tịch, chúng ta đang bỏ qua thực tế rằng, một khi nỗi sợ chán nản được đối diện, nó thực sự có thể cung cấp sự kích thích của chính nó. Và cách duy nhất để đối mặt với nó là dành thời gian, cho dù mỗi ngày hay mỗi tuần, chỉ để ngồi —với những suy nghĩ của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, với một khoảnh khắc của tĩnh lặng.

Trí tuệ triết lý lâu đời nhất trên thế giới có một lời khuyên cho chúng ta: biết chính mình (know thyself). Và có một lý do chính đáng cho nó.

Nếu không biết chính mình, ta hầu như không thể tìm ra một cách lành mạnh để tương tác với thế giới xung quanh. Nếu không dành thời gian ra cho nó, chúng ta không có được nền tảng để xây dựng phần còn lại của cuộc sống.

Ở một mình và kết nối với nội tâm là một kỹ năng không ai dạy chúng ta (người dịch: ít nhất là trong hệ thống giáo dục, muốn học được kỹ năng này thì phải tìm đến tôn giáo, tâm linh). Điều đó thật mỉa mai vì nó quan trọng hơn hầu hết những kỹ năng họ dạy. Sự đơn tịch có thể không phải là giải pháp cho tất cả mọi thứ, nhưng nó chắc chắn là một khởi đầu.

Tác giả: Rat Zana
Biên dịch: Ishvara
Hiệu đính: THĐP

Photo: Carlyn1982 


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[THĐP Translation™] Hỏi đáp giữa Yaksha và Yudhisthira trong đại sử thi Mahabharata

Trong đại sử thi Mahabharata, Maharaja Yudhisthira, con trai của Yama, là sự hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất. Vì lý do này, anh ta thường được ví như là Ajatasatru, người không có kẻ thù. Trong nhiều cuộc đối thoại, Yudhisthira cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc của anh ta về Kinh Vệ Đà và những ứng dụng thiết thực của nó. Một ngày khi đang sống đời lưu đày trong rừng, Yudhisthira biết được tất cả anh em của anh ta đã bị giết bởi một Yaksha (Dạ Xoa) huyền bí khi cố uống nước từ một hồ nước. Khi Yudhisthira đến, Yaksha thách thức anh trả lời tất cả những câu hỏi của hắn hoặc chịu chung số phận với những anh em của mình. Những câu hỏi đáp này giống như Kinh Vệ Đà, ngắn gọn, súc tích, thiết thực, và đề cập đến tín ngưỡng và lòng mộ đạo.

Yaksha: Cái gì nặng hơn đất?

Yudhisthira: Mẹ.

Yaksha: Cái gì cao hơn trời?

Yudhisthira: Cha.

Yaksha: Cái gì nhanh hơn gió?

Yudhisthira: Tâm trí.

Yaksha: Cái gì nhiều hơn cả những cành cây?

Yudhisthira: Lo lắng.

Yaksha: Ai là bạn của một người đang cận kề cái chết?

Yudhisthira: Từ thiện.

Yaksha: Tôn giáo, thành công, thiên đường và hạnh phúc trú ngụ ở đâu?

Yudhisthira: Tôn giáo trú ngụ trong ý thức (awareness). Thành công trú ngụ trong việc từ thiện. Thiên đường trú ngụ trong sự thật. Hạnh phúc trú ngụ trong sự khiết trinh tuyệt dục (độc thân).

Yaksha: Linh hồn của một người đàn ông là gì?

Yudhisthira: Con cái của anh ta.

Yaksha: Cái gì đã bao phủ Trái Đất?

Yudhisthira: Vô minh.

Yaksha: Lười biếng là gì?

Yudhisthira: Là sự vô minh trong việc hướng tới Đạo Pháp (Dharma).

Yaksha: Ai thật sự hạnh phúc?

Yudhisthira: Một người không vướng vào nợ nần dưới bất cứ hình thức nào.

Yaksha: Sự thanh lọc đúng nghĩa là gì?

Yudhisthira: Sự thanh lọc tâm trí.

Yaksha: Cái gì đen hơn cả than?

Yudhisthira: Sự tai tiếng.

Yaksha: Tín ngưỡng tốt nhất là gì?

Yudhisthira: Lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, sự suy xét.

Yaksha: Thứ gì có thể ngăn cản buồn sầu?

Yudhisthira: Sự kiểm soát tâm trí.

Yaksha: Định nghĩa của xấu hổ là gì?

Yudhisthira: Giữ bản thân khỏi những thứ không đáng.

Yaksha: Lòng mộ đạo là gì?

Yudhisthira: cầu chúc niềm hạnh phúc cho tất cả (kể cả kẻ thù của mình).

Yaksha: Đâu là thử thách thật sự của Bà-la-môn (Brahmin)? Triều đại, phẩm chất, triết lý hay tri thức?

Yudhisthira: Triều đại, tri thức và triết lý không thể minh chứng cho Bà-la-môn. Thử thách chân thật nhất của Bà-la-môn là phẩm chất cá nhân. Một người với giai cấp thấp nhưng có một phẩm chất đẹp thì đáng kính hơn cả một Bà-la-môn sinh ra trong một gia đình danh giá, có kiến thức nhưng không có phẩm chất.

Yaksha: Tôn giáo hoặc Đạo Pháp có phải là một logic không?

Yudhisthira: Không, nó không phải.

Yaksha: Có phải Tôn giáo hoặc Đạo Pháp được tìm thấy trong triết lý của các thánh nhân không?

Yudhisthira: Không, mỗi thánh nhân đều có những quan điểm khác nhau, và vì thế sẽ có xung đột giữa những lý lẽ của họ. Không có triết gia, Bà-la-môn hay người trí thức nào có được hiểu biết về sự thật toàn vẹn.

Yaksha: Vậy sự thật toàn vẹn nằm ở đâu?

Yudhisthira: Trong trái tim, linh hồn và tâm trí của một người có đức tin.

Yaksha: Sự kỳ lạ lớn nhất là gì?

Yudhisthira: Mỗi người đều biết rằng cái chết là sự thật tối thượng của cuộc sống. Nhưng anh ta lại ước mong mình không chết.

Yaksha: Ngươi đã trả lời chính xác tất cả câu hỏi của ta. Nếu ngươi muốn, ngươi có thể để cho một trong những người anh em của ngươi sống lại.

Yudhisthira: Nếu đó là điều ước ngài ban, ta muốn Nakula được sống lại.

Yaksha: Này nhà Vua (Rajan), tại sao ngươi lại muốn Nakula sống lại trong khi ngươi có những Đại Tướng (Maharathis) như Arjuna và Bheema.

Yudhisthira: Với ta, cả hai người mẹ đều giống nhau. Ta là đứa con lớn nhất của Kunti và ta còn sống. Nên ta muốn đứa con lớn nhất của mẹ Madri sống. Ta không thể làm điều không công bằng với bà ấy.

Yaksha: Vậy nếu ta nói rằng hai người anh em của ngươi sẽ sống lại. Ngươi sẽ chọn ai ?

Yudhisthira: Ta sẽ chọn Sahadeva, vì nó nhỏ tuổi hơn cả Arjuna và Bheema.

Yaksha: Này Bharatshresthata hài lòng với những câu trả lời của ngươi. Tất cả những người anh em của ngươi sẽ được trả lại mạng sống.

Yudhisthira: Yaksha không thể trao mạng sống cho bất kì ai. Hãy cho ta biết danh tính thật sự của ngươi.

Sau đó Yaksha cho Yudhisthira thấy danh tính thật của hắn, đó là Yama, cha của Yudhisthira. Ông ta đến để thử thách con trai của mình.

Biên dịch: Slim Le
Hiệu đính: Prana
Photo: Wiki


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Số cô không giàu thì nghèo

0

Không biết có bao nhiêu người đang đọc những dòng này trong hiện tại đang gặp áp lực về mặt tài chính, đi làm không đủ trả tiền nhà, không đủ nuôi con hay thậm chí không đủ mua chiếc quần 7 triệu mơ ước, v.v… Rồi chỉ vì cái không đủ đó mà sinh ra nhức nhối cõi lòng, nước mắt chảy thành dòng trong đêm tối, nếu không chảy thì chỉ vì đang bận mưu toan tính toán, dốc hết tâm trí vào việc kiếm tiền sao cho thật nhiều, thật nhiều, nhiều vĩnh viễn. Tất cả những gì thúc hay kéo anh ta lao về phía trước là đồng tiền.

Thứ bạc tiền tôi đang nói đến ở đây không chỉ là tờ giấy chúng ta tiêu mỗi ngày, mà nó còn là hệ tư tưởng – thứ định hình thế giới quan của mỗi người. Và từ đó, việc đội đồng tiền lên đầu cũng nằm trong sự phán quyết của hệ tư tưởng ấy.

Tại sao có những người mãi mãi không hài lòng với số lâu đài nguy nga mình sở hữu nhưng đồng thời có những người luôn mỉm cười mãn nguyện khi sống trong một túp lều tranh? Người ta kiếm tiền cuối cùng để làm gì nếu không phải là đạt tới một trạng thái đủ đầy an bình? Không có một bữa no thì ruột gan cào quặn, tâm trí thèm khát hương vị đảo điên. Không có một bộ cánh sang chảnh bước ra đường thì tự ti dâng lên như thác lũ. Không có điện thoại check mạng xã hội, chụp ảnh selfie ngon lành thì buồn rầu vì cô đơn tủi hổ. Đích đến cuối cùng của mọi việc là gì nếu không phải là thế giới tinh thần viên mãn?

Vậy tại sao con người không trực tiếp chủ động cải biến thế giới ấy bằng cách thay đổi thái độ sống và sự ý thức của bản thân mà lại tìm đến nó bằng một con đường nô lệ vào ngoại cảnh? Phải có cái lọ thì mới hết âu lo, phải có cái chai thì mới được nằm dài hạnh phúc? Cái lọ hay cái chai chẳng phải là vật chất sao, chẳng phải là tiền đó sao.

Con đường số phận giàu nghèo ấy chẳng hề nằm trên lá số tử vi của bạn đâu. Nó nằm ở khoảnh khắc bạn nhận ra đâu là nơi đời sống tinh thần trú ngụ, đâu là thái độ của bạn, đâu là tiếng gầm của bạn.

Có bạn đọc đến đây bảo là mày cứ nghèo đói đi rồi sẽ biết cái mùi thèm tiền nó như thế nào, chớ ngồi trên nhung lụa mà nói chuyện ngọc ngà. Ồ, điều bạn nói đó không hề sai, nhưng chưa đủ. Biết mùi thèm tiền là một chuyện, còn sống theo cơn thèm tiền hay không lại là chuyện khác. Ai nhìn ra hai sự lựa chọn ở đây, người đó có khả năng thoát khỏi gông xiềng của vật chất. Anh ta sẽ được vận chuyển nhận thức từ mức bản năng động vật (thèm muốn) lên mức trí tuệ con người (sự hiểu biết – understanding).

Kẻ quỷ quái nghĩ: “Giờ ta đã có nhiều tiền của, khi các kế hoạch của ta được thực thi, ta sẽ có nhiều hơn. Hiện giờ ta đã có tài sản lớn, nhưng chúng sẽ tăng lên gấp bội trong tương lai. Ta đã giết chết một trong số những kẻ thù nghịch với ta, những kẻ còn lại cũng sẽ bị giết nốt. Ta là chủ nhân của tất cả. Ta hưởng lạc, ta hoàn mỹ, ta quyền thế và hạnh phúc. Ta tắm mình trong giàu có xa hoa với sự vây bọc của họ hàng quyền quý. Chẳng kẻ nào quyền thế và hạnh phúc hơn ta. Ta sẽ cúng tế, ban của bố thí và nhờ vậy sẽ được thỏa vui.” Những kẻ ấy bị sự vô minh của chính mình lừa dối như vậy. – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (16.13-15)

Càng đi sâu hơn vào bản chất tinh thần, một người sẽ càng rũ bỏ được nhiều hơn những dính mắc phụ thuộc vào thế giới vật chất, mức độ tự do và hạnh phúc của anh ta càng gia tăng. Và chuyện kỳ lạ ngược đời sẽ diễn ra ở đây, tiền không đến bằng việc nhọc sức kiếm tiền, mà nó sẽ đến trong rất nhiều những cơ hội kiếm tiền mở ra khi một người bắt đầu biết tận hưởng cuộc sống.

Tinh thần của bạn như thế nào, thế giới vật chất bạn sống sẽ rung cùng nhịp điệu. Một người luôn cuồng lên tính toán tiền ra nhỏ giọt có giống cà phê phin không, hay giãy lên đành đạch mỗi lần tới hạn đóng tiền nhà, dù có một núi tiền rơi vào đầu thì cũng chỉ càng căng thẳng bất an. Còn một người biết tận hưởng những gì mình có dù chỉ một vài miếng cơm nhỏ hay mấy đồng xu lẻ thì họ chẳng còn nhúng chân nhiều ở thế giới vật chất nữa rồi. Sự thăng trầm nơi đó không thể hủy hoại bình yên bên trong họ.

Vậy suy cho cùng, chúng ta thật sự sống ở đâu? Cõi phàm mắt thịt này hay cõi tâm hồn?

Khi bạn trả lời được câu hỏi này, những vướng mắc của thế giới vật chất sẽ không làm phiền lòng bạn nữa. Đó không chỉ là bạc tiền, địa vị, danh tiếng, chuyện đúng sai, hơn thua, chuyện lên kế hoạch 10 năm cuộc đời mà thậm chí ngày mai cũng không biết mình thật sự sẽ đi về đâu trong khi tưởng rằng mình biết rõ lắm. Bạn sẽ thấy trước giờ mình đã sống vô lý và kém thực tế đến nhường nào khi lao đầu vào thế giới vật chất. Giàu hay nghèo giờ đây chẳng còn được đo bằng độ dài những dãy số trong tài khoản ngân hàng, chẳng thể so sánh giữa người này kẻ kia. Nó không thể bị phân chia hay đong đếm được, vì chốn tinh thần luôn là một nàng tiên trù phú.

📌 Bài viết liên quan: Nếu tiền không phải là vướng mắc

 

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Featured image: Pexels

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Ngoại tình là đúng hay sai? 

0

Ngày hôm đó, trong một quán nhỏ, có gió se lạnh của Đà Lạt, tôi đã bất chợt nghĩ rằng, việc con người ta ngoại tình có được xem là hành động đúng không. Tôi biết người ta thường hằng mong những điều đơn giản, có nghĩa là đôi khi trong cuộc sống này những điều nó đúng vì nó được cho là đúng, thế thôi. Giữa triết học và văn học là hai phạm trù khác xa nhau, nên có lúc văn phong của người học triết bao giờ chạm đến được tâm hồn của những người mộng mơ.

Điều đúng trong cuộc sống này là cách mà con người đối xử với nhau, mà chúng ta ai cũng đồng thuận theo nguyên tắc ấy. Theo một ngôn ngữ bình thường mà chúng ta thường gọi đó là đó là đạo đức. Tôi nghĩ, trước khi đọc bài viết của tôi, thì mình nên đọc quyển Phải Trái Đúng Sai, để xem cách mà Michael Sandel diễn giải đạo đức học là gì. Tôi không muốn mình phải viết một bài dài để rồi giải thích, thay vì tất cả. Tôi chỉ biết và thích viết những gì tôi nghĩ bây giờ mà thôi. 

Tôi hay hỏi mọi người vì sao người ta đề cao tính chung thủy? Vì sao người ta luôn muốn hòa giải nhiều lần để trước khi ly hôn? Vì sao chúng ta luôn trách móc những kẻ ngoại tình? Điều này lại làm tôi phải nhớ rất nhiều về thuyết ngoại trị của Kant, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên. Giống như cách nói

“Khi ta yêu ai đó, ta đang yêu chính bản thân mình, nhưng qua một lăng kính là người ta yêu.”

Bản tính con người luôn có vị lợi, luôn muốn được sở hữu để tối đa hóa hạnh phúc của mình. Cũng giống như việc biểu tình mà chúng ta coi là yêu nước. Khi câu hỏi tiền đề là yêu nước phải đi biểu tình. Vì môi trường ô nhiễm, môi trường ô nhiễm thì ảnh hưởng đến đời sống cá nhân. Vậy chúng ta đi biểu tình đâu phải vì yêu nước mà là yêu chính bản thân mình.

Và ngoại tình cũng thế, người ta không chấp nhận hành động ngoại tình, vì điều đó làm tổn thương đến chính mình. Nên một hành động ngoại tình, được xếp vào hành vi sai trái và vi phạm đạo đức. Nhưng nếu xét trên thuyết vị lợi thì ngoại tình chẳng sai, vì nếu là chuyện tình 3 người, 2 người ngoại tình hạnh phúc và 1 người còn lại đau khổ. Trên cán cân, thuyết vị lợi sẽ vẫn cho rằng ngoại tình là đúng, vì số đông hưởng lợi ích nhiều hơn. Nên ở một góc độ nào đó của triết học, ngoại tình không sai. Mà có lẽ sai là chính bản thân mình, vì đã cho phép chính mình đau lòng vì những điều không xứng đáng.

Nhưng cuộc sống này thì rất thú vị, nó sẽ hay hơn theo cái cách mà chúng ta sẽ nhìn nhận. Có thể đúng hoặc có thể sai, nhưng mình sẽ lại sống cuộc sống này.

À! Đà Lạt ngày hôm đó đẹp thật.

Tác giả: Đỗ Sơn Trà

Featured image: Free-Photos

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[Tiểu thuyết lịch sử] Người chém cá kình – Hồi thứ hai

0

Cao Đạt kiên gan gìn tục Việt
Vua Trưng hiển thánh tỏ oai Thần

Một tốp lính chừng năm mươi tên đang đuổi theo một người đàn ông. Bọn lính mặc quân phục nhà Hán, nhưng lại hò hét bằng tiếng Lạc Việt:

“Thằng man, đứng lại!”

Người đàn ông chừng ba mươi tuổi, trông dáng điệu gầy gò, tóc cắt rất ngắn lộ hình xăm sau gáy, mặc áo vạt dài cài khuy bên trái, đích thị là người Lạc Việt, vẫn còn giữ cổ phong dân tộc, không chịu ăn vận theo kiểu người Hán áp đặt. Mấy thanh niên làng Trắc Nhị toan xông ra cứu, nhưng bà Lê Chân ra hiệu dừng.

Người Việt kia kiệt sức, chân này đá chân kia vấp ngã, tức thì bọn lính đuổi kịp, bao quanh mấy vòng, vũ khí lăm le trên tay. Một tên đứng ra, có lẽ là chỉ huy, tay cầm roi da, quất vào đầu người kia mấy cái, tiếng roi vun vút xé gió, ngọn roi để lại trên mặt người đàn ông mấy vạch ngang dọc tươm máu. Đánh hả dạ sướng tay rồi, tên này bèn mở miệng nói:

“Thằng man phản động đáng chết. Người Hán nhọc công đến đây khai hoá cho dân Nam man chúng ta, dạy thi thư lễ nhạc mở mang văn hiến, dạy để tóc dài tưởng nhớ cha mẹ thờ phụng thiên triều. Mi lại cắt tóc ngắn mặc áo cài khuy trái, lại còn xăm giao long lạc điểu trên mình, cãi thánh chỉ vua Hán. Không có vua Hán làm sao hôm nay có mi? Tại sao mi dám chống đối không tuân? Biết tội gì chưa, hả?!”

Người kia ngồi xổm dậy, phủi bụi đất trên mình, sờ nhẹ lên mấy vết roi trên mặt, rồi từ tốn trả lời, ánh mắt đầy yêu thương, giọng nói êm êm như tiếng ngọc, ý tứ lai láng, lời lẽ phiêu hốt, khiến cho cả đám trố mắt nghe vanh vách:

“Tôi người Lạc Việt, tổ tiên tôi là Lạc tướng theo vua Thục Phán, cách đây hai trăm năm có lẻ. Khi đó nước ta là nước cường thịnh, đắp những thành rộng hàng trăm ngàn thước, chế nỏ thần bắn một phát chết cả muôn người, trong muôn nước không ai dám địch. Người Việt ta bắt dân Hoa Hạ làm nô lệ, mua bán như gia súc. Nước Tần phương bắc, thấy nước ta giàu có, ngọc trai như đá sỏi, chim trĩ như gà vịt… đã sanh tâm thèm khát; Doanh Chính lên làm vua được ba mươi ba năm, xưng là Tần Thuỷ hoàng đế, thâu tóm xong sáu nước, thế lực lớn mạnh như voi, mới dám tính chuyện đánh Âu Lạc nhà ta. Chính sai Đồ Thư làm tướng, đem năm trăm ngàn lính tràn sang Âu Lạc ta. Người giữ biên giới nước ta không đối đầu trực tiếp, lẩn vào núi rừng công kích giặc suốt cả ngày đêm, khiến cho chúng tan đàn sẻ nghé, chẳng mấy chốc mà cắt đầu Đồ Thư, quân Tần tan rã, không còn một mống về phương Bắc. Doanh Chính lại sai Triệu Đà và Nhâm Hiêu, mỗi người đem năm trăm ngàn người nữa, là những kẻ bị tội và những kẻ đi ở rể, sau đó là những kẻ làm nghề mua bán hát xướng, tổng cộng là một triệu nhân khẩu, phát cho lương thực vũ khí rồi chia hai cánh đông tây trấn giữ, tìm cách kìm chân Âu Lạc, sợ Âu Lạc nhà ta thừa thế đánh Tần. Sau đó ít năm nhà Tần loạn lạc, Triệu Đà nhân buổi nhiễu nhương, tự xưng là Triệu Việt vương ở Phiên Ngung là đất của người Mân Việt, đem đại quân định thôn tính Âu Lạc, lại bị vua Thục đánh cho tan tác. Triệu Đà lấy tư cách là vua Mân Việt, xin giảng hoà rồi kết thông gia, cũng là người thuộc Bách Việt nhà ta cả. Triệu Đà dùng kế cho con ở rể chiếm luôn Âu Lạc, lập nước Nam Việt, rồi lên ngôi xưng đế, độc lập với triều Hán vừa thành ở dưới phương Bắc. Tuy sau có chút nhường nhịn nhà Hán về mặt ngoại giao, nhưng trong nước không khi nào tỏ ra phò Hán cả, mà ngược lại luôn dùng nghi lễ hoàng đế. Các đời vua kế tiếp đều lấy vợ người trong Việt tộc, quần thần đều yêu Việt ghét Hán. Đỉnh điểm là việc vua Triệu Hưng vì rắp tâm dâng nước cho nhà Hán, đã bị tể tướng Lữ Gia cùng quần thần hơn bảy mươi người phế đi rồi giết chết, cùng với thái hậu Cù thị người Hán và cả đoàn sứ nhà Hán, tất cả đều bị giết nhăn răng hết thảy. Trăm quan lập Triệu Kiến Đức lên làm vua mới. Đáng tiếc, nước Nam Việt bị thất thủ khi Hán dốc đại binh sang đánh chiếm. Nước Việt mất vào tay phương Bắc hơn trăm năm, mới đây có Hai Bà đứng dậy dựng cờ khởi nghĩa, đã giành lại được nước rồi lên làm vua, đóng đô ở Mi Linh là kinh đô cũ từ thời đại vua Hùng, nhưng lại bị người Hán sang đàn áp, Hai Bà đã tuẫn quốc đền nợ nước. Quốc thống người Việt khi sáng khi mờ, nhưng nước ta đã là nước văn hiến hơn ngàn năm, Việt là Việt còn Hán là Hán, Việt là chủ Hoa Hạ là tôi, Việt là vua còn Hán là giặc. Tại sao các ông lại đi làm mọi cho người Hán, từ bỏ gốc gác của mình mà đề cao ngoại tộc, rồi bắt người khác phải y theo? Ai khác các ông, các ông cho là phản động. Nếu tôi là người Việt sống trên đất Việt, làm những việc người Việt từ ngàn xưa vẫn làm, mà bị các ông cho là giặc, thì các ông không phải Hán nhưng cố làm cho ra mình là Hán, lại ăn bám máu xương người Việt, vậy các ông là gì đây phỏng?”

Cả bọn lính đều im thin thít lắng nghe, lời nói của người đàn ông kia như có sức mạnh kỳ lạ, lôi cuốn hết thảy bọn tay sai, đến nỗi chúng chẳng thể mở một lời phản kháng. Chót! Tiếng roi vụt mạnh vào người kia làm phá vỡ bầu không khí im lặng. Tên chỉ huy như rùng mình, nhớ lại nhiệm vụ của hắn:

“Mi nói nghe bùi tai lắm. Nhưng đó chỉ là chuyện viễn vông do bọn man các ngươi bịa ra. Trước khi người Hán sang khai hoá, Bách Việt chỉ là bọn mọi rợ ăn lông ở lỗ. Hùng Vương chỉ là bọn thổ dân mình trần vấn khố vỏ cây làm thủ lãnh mười lăm bộ lạc, Thục Phán – Triệu Đà chỉ là bọn vô danh tiểu tốt. Nhờ người Hán mà người Việt biết mặc quần áo, biết cày cấy, có họ tên, biết thờ vua giúp nước. Không có người Hán các ngươi chỉ là man di không tên không họ. Tất cả tộc Việt sẽ từ từ biến thành người Hán, Hán hoá mới là tiến bộ. Chính những kẻ phản động như mi mà bọn ta dù mặc quần áo Hán, ăn thức ăn Hán, nói tiếng Hán… sống như Hán cũng không thể biến thành Hán được! Thằng giặc, chết đi, chết đi!”

Tên Hán nô vừa nói vừa quất roi vun vút, người kia bị đòn túi bụi không kịp đỡ. Người này nhăn mặt đau đớn nhưng vẫn gan góc la lớn:

“Mắng ta phản động, còn chúng mày là lũ phản quốc!”

Tên Hán nô điên tiết, bất thần giật lấy cây qua của tên lính thủ hạ, giơ lên toan đâm phập vào mình người Lạc Việt kia. Bỗng tiếng gió từ đâu rít lên lạnh xương, chỉ nghe “viu” một tiếng thì tên Hán nô ngã vật ra giãy giụa kêu khóc, cây qua rơi xuống đất, trong mắt phải của hắn một mũi tên nhỏ cắm phập, máu mủ trộn bụi đất dây ra đầy mặt, cả đám lính nhốn nháo. Lúc này bà Lê Chân khoát tay, tức thì ba mươi người đi theo bà nhất tề xông ra, tiếng la tấn công vang trời làm bọn lính xác Việt hồn Hán kia khiếp đảm. Tiếng binh khí chạm nhau leng keng, cả khoảng rừng trống náo động. Chẳng mấy chốc mà đám lính kia bị áp đảo, người làng Trắc Nhị làm chủ tình hình, mấy mươi tên lính Hán hoặc nằm lăn lóc hoặc quỳ co rúm xin hàng. Bà Lê Chân bảo các anh em tùy tùng xé tay áo của bọn lính mà trói hai ngón tay cái của chúng lại ra sau lưng, ba tên buộc thành một chùm, riêng bà tới hỏi han người Lạc Việt kia nãy giờ đứng nép một bên:

“Tôi thấy chú là người có học, phải chăng vì có học mà bị bọn nó hành hạ quá đỗi?”

Người đàn ông kia nhìn thấy một phụ nữ gần bốn mươi tuổi, tóc đã điểm sương, tai dày mặt vuông, cử chỉ mạnh dạn, tiếng nói trầm ấm như giọng chiêng cồng, nói một lời mà cả đám thanh niên nghe theo răm rắp, thì trong lòng ông hết sức kính phục, không dám gọi bằng chị như lẽ thường của người Việt. Ông cung kính trả lời:

“Thưa bà, quả đúng như vậy. Tôi tên Cao Đạt, là con cháu của Lạc tướng Cao Lỗ thời Âu Lạc. Tôi giữ truyền thống của tổ tiên, nhất mực không theo cách ăn nết mặc của người phương Bắc nên thường bị chúng sách nhiễu. Mới sáng nay có kẻ rình nhà phát hiện tôi viết chữ Việt, bèn chạy đi báo cho giặc để kéo người đến bắt tôi đem giết. Có người khác lén cho tôi biết sớm một chút, nên tôi chạy thoát tới chỗ này. Cũng may chúng không biết chuyện tôi dạy chữ Việt cho mấy đứa trẻ, nếu không thì còn tai hại nữa. Hôm nay may mà gặp được bà cùng các anh em đây. Ơn cứu sống tôi nguyện ghi lòng tạc dạ!”

Bà Lê Chân trong lòng thấy cảm động. Nước đã mất hơn trăm năm, vua Trưng mới gầy dựng lại không bao lâu cũng đã khuất bóng mười năm, giặc hung ác như cọp beo, vậy mà những người áo vải tay không cũng dám liều mình giữ gốc gác dân tộc, chẳng nề hà chuyện chết chóc đổ máu. Bất giác, bà nhìn kỹ gương mặt của Cao Đạt, thấy đuôi mắt ông đã hằn dấu chân chim, trong đôi mắt lấp lánh sự hiền từ, hai gò má xương xương, mũi cao môi mỏng, miệng như mỉm cười. Trực giác của bà Lê Chân cho biết đây là người tài, hữu dụng cho làng Trắc Nhị, hữu dụng cho cả tương lai dân Việt. Bà mở lời mời:

“Thầy đã bị bọn ranh này đuổi giết, thì không thể về nhà sống yên được. Thầy có muốn đến một nơi mà tự do dạy chữ Việt, tự do sống kiểu người Việt, tự do làm điều mình yêu thích mà không sợ bị bắt bớ hay không?”

Cao Đạt quên nỗi đau buốt của những lằn roi trên mặt, nở nụ cười rạng rỡ:

“Tôi luôn ước ao cả dãy non sông này được như lời bà. Xin bà cho tôi đi lạy tạ vua Trưng rồi hãy cho tôi tháp tùng tới nơi bà nói!”

Bà Lê Chân ngạc nhiên tột độ:

“Lạy tạ vua Trưng?”

Cao Đạt trả lời:

“Phải, nhiều năm nay dân trong vùng này tin vua Trưng đã thành thần linh, mỗi khi hạn hán lụt lội hay gặp chuyện nguy nan, đều lập đàn cầu đảo kêu khấn danh vua, thì hết thảy đều được ứng nghiệm, ai nấy đều kính cẩn thờ phượng, kể cả bọn Hán nô khi nãy cũng không dám nói phạm thượng đến!”

“Linh nghiệm đến vậy sao? Vậy thầy đi đâu lạy tạ ngài ấy?”

Cao Đạt nhìn thấy thái độ của bà Lê Chân, cứ tưởng là bà Lê Chân vì tò mò mà hỏi, nên thản nhiên trả lời, trong lời nói có phần lý thú:

“Chỗ đó cách đây không bao xa, đi chưa thấm mệt là tới, nghe đồn khi xưa là chỗ các ngài tuẫn tiết, bà có muốn đi không?”

Bà Lê Chân nghe xong mà chân tay bủn rủn, nước mắt long lanh chực rớt. Lúc đó mặt trời đã dịu nắng nhưng chưa thấy chim bay về tổ, còn đủ sớm để tới nơi Cao Đạt nói trước lúc mặt trời lặn. Bà nén nỗi lòng vừa mừng rỡ vừa bi thương của mình, quay sang nói với Cao Đạt:

“Tôi ngưỡng mộ vua Trưng đã lâu, nay được tới nơi ngài tuẫn quốc mà bái tế, thì còn hạnh phúc nào hơn?! Còn đám mất gốc này thầy muốn xử chúng thế nào, xin trả lời nhanh để chúng ta còn giờ đi cho sớm!”

Cao Đạt nhìn một lượt bọn lính, tất cả chúng đều chỉ khoảng mười mấy hai mươi tuổi, nhiều đứa bị thương nằm lăn lóc rên rỉ dưới đất, những đứa bị trói thì mặt xanh môi tái mình run như sẻ, tên chỉ huy khi nãy đánh Cao Đạt, có lẽ đau quá nên bị ngất nằm im thin thít hoặc chết rồi cũng nên. Cao Đạt trong lòng chẳng chút oán thù, nhẹ nhàng nói với bà Lê Chân:

“Thưa bà, xin nghe lời mọn tôi rằng! Bọn trẻ này đều là con em người Việt, nhưng chúng lỡ sanh ra trong thời buổi tối tăm, khó tránh khỏi bị giặc nhuộm đỏ óc khi còn nhỏ, lớn lên chúng phải trở thành kẻ ngu si độc ác, có mắt như mù, nhận giặc làm cha. Mở miệng ra là ca tụng người Hán, chê bôi người Việt, nhưng thực sự chúng cũng chẳng biết mình nói gì cả, chỉ là lặp đi lặp lại những lời được nghe, y như loài chim két. Nói cho cùng, chúng chỉ là nạn nhân của thời cuộc, mà có một phần lỗi của những kẻ đọc chữ như tôi, là không giáo hoá được cho chúng. Vậy tôi xin bà cùng các vị đây, mở lòng trời biển, mà tha mạng cho mấy đứa này!”

Bà Lê Chân nghe xong, im lặng suy nghĩ một chút, rồi gọi lớn tiếng:

“Các anh em, ông đây không muốn giết bọn ngợm này, vậy các anh em hãy sởn hết tóc bọn chúng, sau đó cắt hết ống quần vạt áo mũi giày của chúng đốt đi, thu hết khí giới rồi thả cho chúng chạy. Riêng thằng chỉ huy đang giả chết nằm kia, hãy cạo nhẵn đầu nó, lột hết quần áo, quất nó một trăm roi rồi mới thả!”

Một người hơi bất bình, hỏi lại bà Lê Chân:

“Cụ, thả chúng đi về làm nanh vuốt cho giặc để cắn xé dân ta nữa sao?”

Bà Lê Chân nói:

“Bọn Hán mọi quân kỷ rất nghiêm, đám ranh này không dám đem bộ dạng như thế về doanh trại đâu, nhẹ thì bị đánh vài trăm gậy thịt nát xương tan, nặng thì bị chém treo đầu cột cờ. Chúng tất phải đào ngũ để bảo toàn sanh mạng. Anh em chớ lo! – đoạn quay sang nói với Cao Đạt – Tôi xử như vậy thầy vừa ý chứ?”

Cao Đạt nhìn phong thái bà Lê Chân, như quen thuộc từ lâu lắm, không quan tâm tới câu hỏi của bà Lê Chân, môi như mấp máy:

“Bà là ai, sao rõ quân Hán như bàn tay? Bà là ai, sao biết cách người Việt cổ cạo đầu cắt áo hạ nhục kẻ địch?”

Một lát sau, Cao Đạt dẫn mọi người đi tới chỗ bờ sông mà người dân thường tới bái tế vua Trưng. Lúc này trời hướng tây đã đỏ chạch, sương chiều lãng đãng giăng trên núi, chim chóc xao xác tìm nơi ngủ, đất nước bị nạn xâm lăng nên muông thú cũng chẳng được yên hàn. Họ đi khá nhanh, gần như là chạy, trong lòng ai nấy xao xuyến bồi hồi, đôi chân họ như được thôi thúc bởi một thần lực thiêng liêng bí nhiệm.

“Tới rồi!”

Tiếng Cao Đạt cất lên đột ngột, giữa lúc mặt trời đang từ từ lánh xuống chân mây xa, cảnh vật mông lung như hiển hiện ra từ trong dĩ vãng. Hai bên đường cây cối đều cong gập lạ kỳ tựa hai hàng quân đang khom lưng hầu chủ. Sát mép nước là một cái hồ sâu tròn như mắt cá, thông với dòng sông đang ầm ì chảy vào vô tận. Trên bờ hồ, ai đặt một cái thạch bàn rộng chừng một sải, bề dài hơn hai sải, cao ngang ngực người lớn. Mặt bàn phẳng như mặt nước, đen bóng tựa hạt huyền, toát lên vẻ trang nghiêm khó tả, đó chính là nơi mà người Việt dùng làm bàn thờ cúng tế vua Trưng. Cao Đạt cũng không biết nguồn gốc của nó, chỉ biết sau khi vua Trưng cùng chư tướng tuẫn tiết không lâu, dân lén tới đây lễ lạy, thì đã thấy thạch bàn sừng sững, đột ngột như từ trời rơi xuống. Giặc Hán nhiều lần phá hoại không được, lại sai phù thuỷ tới làm cho ô uế, nhưng tất cả chúng đều bị trừng phạt trở nên cuồng điên như thú hoang, người ta càng tin tưởng sự linh thiêng hơn nữa. Những kẻ cản trở dân thờ lạy vua Bà hoặc nói lời phạm thượng, đều chịu hậu quả đáng kiếp. Chỉ trong có mười năm mà uy linh vua Bà nức tiếng, kể cả dân Hoa Hạ cũng lập miếu thờ Bà Vương như người Lạc Việt.

Trong lòng bà Lê Chân lúc này rung động khó tả, nửa vui mừng còn nửa đớn đau. Trước mắt bà tái hiện lại cảnh vua Trưng cởi giáp trụ triều thiên, dùng khăn lụa vàng kì cho sạch máu giặc dính tay, vén tóc còn bết bát mồ hôi trên trán, khấn từng lời cảm động cả trời cao đất thẳm… Bất giác, Lê Chân oà khóc rồi quỳ thụp xuống đất. Cao Đạt còn chưa hiểu ất giáp gì, thì những người đi theo bà Lê Chân đã mau mắn bày đồ tế phẩm lên bàn đá. Có ba cái âu bằng vàng để dàn hàng ngang, trên ba cái âu đều đốt than cháy đỏ. Cái ở giữa rắc bột kỳ nam, khói bốc lên thẳng đứng như cây cột. Hai âu hai bên đốt gỗ cây thông trộn với bột cỏ gai dầu. Trong không khí thanh u của nơi hoang dã, có một thứ hương thơm kỳ ảo khiến người ta thấy lâng lâng nhẹ bổng như rời hồn khỏi xác. Mặt trời đã lặn hẳn nhưng trời còn sáng chói những rẻ quạt, tựa hào quang của bực minh chúa rọi lên từ lòng đất. Cao Đạt cũng quỳ xuống mặc niệm, không gian ngưng đọng, côn trùng không dám kêu, thú hoang nín thở, sóng nước cũng không còn nghe ì oạp. Một sự thinh thặng thiêng liêng bao trùm trời đất. Ba cột khói bốc lên cao vút rồi bỗng quyện lại với nhau như một sợi dây thừng. Tức thì ba mươi cái tù và cùng cất tiếng rền vang, âm thanh hùng tráng như thể lời ra hiệu cho trăm vạn hùng sư nhất tề xuất trận, bà Lê Chân cùng Cao Đạt đều dập đầu bảy lần, tiếng tù và dứt hẳn, không gian lại im bặt. Bà Lê Chân giơ hai tay lên khỏi đầu mà khấn:

“Tấu lạy Bà vua trăm họ Việt, nay con trở lại chốn này, một lòng tưởng nhớ ơn sâu, dạ hằng ca khen công đức. Nhớ xưa phù tá, ra công voi ngựa, níu áo theo Bà đánh khắp đông tây. Chưa quên đạo nghĩa, gắng sức kình nghê, đeo gươm hầu Bà định phân nam bắc. Ngờ đâu, gươm đàn gãy gánh, núi Nùng đành sớm khắc tên thiêng. Ai hay, cung nỏ đứt dây, sông Nhị chịu muộn ngày rửa hận. Nay Bà đã làm thần làm thánh, xin hộ phù người Việt ta ai nấy vững lòng, hợp một thể diệt trừ giặc đỏ! Nếu có ngày núi sông này sáng tỏ, xin Bà cho một dấu lạ điềm thiêng làm chứng!”

Khấn xong lại dập đầu bảy cái, tiếng tù và lại rúc lên hùng tráng. Bỗng gió thổi mạnh lên, nhưng cột khói vẫn thẳng đứng giữa trời trong cơn cuồng phong, ai nấy đều kinh ngạc nhìn trân trối. Chưa hết, từ đám mây cuồn cuộn trên trời, ánh sáng vàng bỗng le lói phát ra, rồi những luồng sáng rẻ quạt xé toạc đám mây, cả vòm trời sáng rực. Giữa trời, tất cả mọi người đều nhìn thấy vua Trưng đẹp rạng ngời đứng trên đầu con voi chiến, hai bên chư tướng đứng hầu, ai nấy đều mặc giáp vàng bào bạc, người nào cũng khổng lồ như quả núi, rạng rỡ như mặt trời đứng bóng. Lê Chân, Cao Đạt cùng ba mươi người làng Trắc Nhị chiêm ngắm mê say, mọi người đều xúc động tận xương tuỷ, không nói được cũng không cử động được, cho đến lúc cả bầu trời sáng loà lên rồi trở lại màn đêm tĩnh mịch.

*  *  *

Làng Trắc Nhị sau mười mấy năm từ khi bà Lê Chân hiện diện, đã thay da đổi thịt hoàn toàn, từ một ngôi làng vài trăm nhân khẩu thành một làng hùng mạnh với hàng trăm tráng đinh có hùng tâm dũng chí. Tất nhiên ngôi làng nằm đâu vẫn còn là điều bí mật với người bên ngoài.

Mỗi ba năm, dân làng cử những người ưu tú nhất, từng cặp hai người, đi đến những làng khác và cũng làm y như việc bà Lê Chân đã làm cho làng Trắc Nhị. Dạy dân cải tạo nông nghiệp, bí mật rao truyền văn hiến Lạc Việt, bài xích văn hoá Hán, khéo léo chống đối sự hà hiếp của giặc. Quan trọng nhất, những người này phải làm được, là truyền cho dân làng ngọn lửa yêu mến non sông, dạy thanh niên võ nghệ và rèn giũa tinh thần cho bất khuất theo gương vua Trưng. Hễ làng nào đã giàu mạnh, thanh niên can trường, thì lại tiếp tục cử người giỏi đi những làng khác, dần dần loang ra khắp tứ phương tám hướng.

Cao Đạt về làng Trắc Nhị dạy học, tiếp nối việc của già Trắc Long đã qua đời. Sau ông lấy một người nữ trong làng, sanh được mấy người con trai con gái, đều là những người tài giỏi.

Bà Lê Chân ở làng Trắc Nhị ba mươi bốn năm thì mất, nhằm công nguyên năm 77. Trước khi nhắm mắt, bà truyền dạy cho dân làng rằng:

“Người Việt ta lòng dạ manh mún, dễ xao động trước hoàn cảnh, hay đố kỵ với người giỏi hơn. Giặc phương Bắc dựa vào điểm này mà cai trị dễ dàng. Tôi chết đi, mà chưa thấy được ngày phục nghiệp Hồng Bàng, chính anh chị em sẽ làm điều đó. Hãy đem uy võ Việt Thường đi khắp non sông, dạy cho bọn hậu bối biết can trường mưu lược, chuẩn bị sẵn một lớp người có hùng tâm dũng chí, sau này khi hồn thiêng sông núi cho xuất hiện vị minh quân, thì một lời kêu gọi mà triệu tiếng hò reo đáp ứng vang dậy núi sông. Thân xác tôi tuy chết đi, mà hồn phách vẫn còn phảng phất khắp sơn hà, nguyện cùng anh linh vua Trưng và các vị tiên hiền Bách Việt, hộ phù công cuộc đánh đuổi giặc thù, trung hưng Hồng Lạc!”

Bà vừa nói xong, hơi thở liền tắt, thi thể vẫn hồng hào mềm mại suốt ba ngày trước khi được chôn cất. Các thanh niên lấy dao nhọn xăm hình chim Lạc trên mình, đấy là cách họ tưởng nhớ bà Lê Chân, một người suốt đời nặng lòng vì nước. Người làng Trắc Nhị thương nhớ bà ba năm. Suốt ba năm, họ không ca hát, không nhảy múa, không vui chơi. Mỗi mười ngày, họ tụ họp nhau lại, các già làng kể lại công nghiệp của tổ tiên Việt tộc, kể lại sự tích anh hùng của vua Trưng, công ơn của bà Lê Chân đối với làng Trắc Nhị. Già trẻ bé lớn trong làng đều thuộc làu làu huân nghiệp tổ tiên, ai ai cũng tự hào dòng máu Tiên Rồng đang chảy trong huyết quản.

Lúc này người Lạc Việt sống dưới ách đô hộ của triều Hán thế nào, sau khi bà Lê Chân mất, công cuộc đuổi giặc xâm lăng sẽ ra sao, muốn biết xin xem hồi sau sẽ rõ.

Tác giả: Hai Le
Minh họa: Polaris Do

💗 Nội dung tiểu thuyết Người chém cá kình (hồi thứ hai) được đăng tải trong Volume 2 của tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership


📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314

Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[THĐP Translation™] Thời đại phục hưng của chất thức thần

Liệu chất thức thần có cho phép chúng ta truy cập vào một trải nghiệm thực tại hoàn vũ, huyền bí, hay nó chỉ là một ảo giác bị bó buộc bởi văn hóa?

Trong trường hợp bạn không nhận thấy, chúng ta đang ở giữa thời kỳ phục hưng của chất thức thần. Nghiên cứu về tiềm năng chữa bệnh của chất thức thần đã được khởi động lại tại các trường đại học danh tiếng như Johns Hopkins ở Baltimore và Imperial College London, và đang làm cho các nhà khoa học thực hiện nó trở nên [nổi tiếng] như những ngôi sao nhạc rock. Nhiều phát hiện của họ đang được báo chí truyền thông chính thống hồ hởi phấn khích đưa tin trên CNN, BBC, ngay cả Daily Mail. Các nhà xuất bản có uy tín như Penguin đứng đằng sau các cuốn sách về chất thức thần bán chạy nhất như sách của Michael Pollan―How To Change Your Mind (2018) (tạm dịch: Làm thế nào để thay đổi tâm trí)―được nhiều nhận xét nhiệt tình từ các xu hướng chính trị. Các tỷ phú Silicon Valley đang đầu tư hàng triệu đô la có được từ blockchain vào tài trợ cho việc nghiên cứu chất thức thần, và các công ty đang chuẩn bị cho một thị trường mới ngon ngọt béo bở. Phong trào đối kháng văn hóa (counterculture) (từ thập niên 60) đã đi vào dòng chính.

Sự phục hưng này liên quan đến sự phục sinh của nhiều ý tưởng, từ ‘mùa hè tình yêu‘ đầu tiên vào năm 1967, đặc biệt là lý thuyết huyền bí về chất thức thần. Ý tưởng này đã được Aldous Huxley giới thiệu trong cuốn sách The Doors of Perception (1954) (td: Những cánh cửa của nhận thức) kinh điển của ông. Sau khi nghiên cứu những trải nghiệm huyền bí trong hơn một thập kỷ mà chưa được trải nghiệm trực tiếp, Huxley đã dùng mescaline (một loại chất thức thần được chiết xuất từ loài xương rồng peyote), và cảm thấy rằng cuối cùng ông đã được cho vào câu lạc bộ của các huyền sĩ. Những guru đạo học khác của thập niên 1960 như Alan Watts, Ram Dass và Huston Smith cảm thấy thuyết phục rằng chất thức thần dẫn đến những trải nghiệm huyền bí chân chính, và sẽ là một chất xúc tác cho sự thức tỉnh tâm linh của văn hóa phương Tây.

Lý thuyết huyền bí của chất thức thần có năm nguyên lý chính. Đầu tiên là chất thức thần dẫn đến một trải nghiệm kỳ bí về ý thức không phân biệt, bất nhị, trong đó tất cả là một, bạn được kết hợp với Nó, God, Chúa, Thượng Đế, Vũ trụ, Đạo, Brahman, v.v… Trải nghiệm này phi thời gian, bất khả tư nghị, phúc lạc và trừu tượng (bạn biết rằng nó đúng).

Thứ hai, trải nghiệm thức thần giống như trải nghiệm của các nhà huyền môn, được tìm thấy trong mọi tôn giáo. Các tôn giáo khác nhau sử dụng các thuật ngữ khác nhau cho thực tại tối thượng, nhưng tất cả các nhà huyền môn đều thực sự có cùng trải nghiệm bất nhị (advaita). Đây là học thuyết của “triết học vĩnh hằng” (Perennial philosophy), được Huxley và những người ủng hộ học thuyết này thường nói đến. Nó được biết đến trong các nghiên cứu tôn giáo như là ‘lý thuyết cốt lõi của kinh nghiệm tôn giáo.’

Thứ ba, trải nghiệm huyền bí trước đây đã xảy ra chủ yếu cho các nhà khổ hạnh như Thánh Teresa thành Ávila, hiếm gặp và không thể dự đoán, do đó các nhà khoa học đã bác bỏ xem nó như là một sự ‘thoái triển bản ngã’ (‘ego-regression’), ‘rối loạn tâm thần’ và vân vân. Nhưng giờ đây chất thức thần đã khai mở một lộ trình dẫn tới những trải nghiệm huyền bí có thể dự đoán và có thể lặp lại được, nên các nhà khoa học có thể nghiên cứu chúng trong phòng thí nghiệm. Họ có thể đo lường chúng bằng các kĩ thuật quét não, hoặc các câu hỏi như của Hood Mysticism Scale, được phát triển bởi nhà tâm lý học người Mỹ Ralph Hood, nó đo lường trải nghiệm của một người đạt tới mức nào so với ‘cốt lõi phổ quát.’

Thứ tư, rằng nghiên cứu khoa học này sẽ tạo ra một loại tâm linh thực nghiệm hay ‘thần học tâm thức’ (neurotheology). Nó sẽ chứng minh, hoặc ít nhất làm cho đáng tin cậy hơn, những hiểu biết siêu việt của các nhà huyền học.

Và cuối cùng, nó sẽ thay đổi thế giới. Nhân loại sẽ tham gia một tôn giáo khoa học mới về những trải nghiệm huyền bí, vượt ngoài những khác biệt về ngôn ngữ, quốc gia, văn hóa, tôn giáo, tầng lớp, giới tính hay sắc tộc. Tất cả chúng ta sẽ trở thành những người yêu thiên nhiên môi trường tự do cấp tiến. Chúng ta sẽ vượt qua nỗi sợ chết. Sau bốn thế kỷ của chủ nghĩa vật chất, văn hóa phương Tây sẽ được phù phép màu một lần nữa, nhưng theo một cách có thể đoán trước, hợp lý và có thể lặp được. Loài người tinh khôn (homo sapiens) sẽ được nâng cấp.

Những ý tưởng khác thường này đang trở lại và lợi hại hơn trăm lần. Sự phục hưng thức thần hiện tại đã được bắt đầu vào năm 2006 bởi phòng thí nghiệm chất thức thần tại Đại học Johns Hopkins, với một bài báo cáo có tên ‘Psilocybin Can Occasion Mystical-Type Experiences Having Substantial and Sustained Personal Meaning and Spiritual Significance.’ Báo cáo này lặp đi lặp lại tuyên bố của Huxley và những người khác rằng chất thức thần (trong trường hợp này là psilocybin hay nấm thần, magic mushrooms), có khả năng dẫn đến một trải nghiệm huyền bí thống nhất ‘có tính nền tảng cho hệ thống luân lý và đạo đức của thế giới.’ Nó đo lường độ sâu của những trải nghiệm huyền bí của con người bằng cách sử dụng Thang đo Hood Mysticism. Những nghiên cứu tiếp theo của John Hopkins phát hiện ra rằng kinh nghiệm huyền bí càng mạnh hơn từ psilocybin, càng có nhiều người được giải phóng khỏi nghiện ngập, trầm cảm, ngay cả nỗi sợ chết.

Hy vọng ngàn năm sôi sục dưới bề mặt mát mẻ, tách rời của thời kỳ phục hưng thức thần là rõ ràng hiển nhiên nếu bạn đã đọc Kiến thức thiêng liêng: Chất thức thần và trải nghiệm tôn giáo (Sacred Knowledge: Psychedelics and Religious Experience―2015) của William Richards, một nhà tâm lý học tại Đại học Johns Hopkins. Những cao trào của cuốn sách trong phần kết của các mệnh đề bao gồm: ‘Trong trường hợp bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, God (hoặc bất kỳ danh từ yêu thích nào của bạn cho thực tại tối thượng) là [nd: hiện thực duy nhất]’; ‘Ý thức, cho dù chúng ta thích hay không, như được thấy, là không thể bị phá hủy’; và ‘Bản chất tối thượng của vật chất và tâm trí (nếu bạn coi trọng các nhà huyền học) như được thấy, là một nguồn bản thể học hay nguồn năng lượng gọi là tình yêu.’

Annotation 2020-01-07 1350292

* * *

(Editor’s note: Nội dung đã được dịch chỉ là 1/3 phần đầu bài viết gốc, 2/3 phần còn lại THĐP xét thấy thông tin không quan trọng nên đã quyết định không dịch.)

Tác giả: Jules Evans, Aeon
Biên dịch: Ishvara
Hiệu đính: THĐP
Photo: Eitan Abramovic/AFP/Getty

Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 5 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership


📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[THĐP Translation™] Tôi đã vượt ngục như thế nào?

Vài năm trước, tôi đã vượt ngục. Tôi đã từng mơ tưởng việc ấy nhiều năm, nhưng điều bất ngờ là một cuộc ẩu đả giữa hai tù nhân đã khiến một người phải nhập viện còn người kia thì bị biệt giam.

Lúc ấy là 8 giờ tối. Slim, một anh chàng cao và gầy, đang tán gẫu với một người bạn. “Ừ, tao sẽ gọi lại mày sau, nhóc,” anh ta hét xuống tầng khi cuộc trò chuyện kết thúc. “Cái thứ đó quả thật điên rồ!”

Tôi đứng ở ngưỡng cửa, chỉ yên lặng ngắm nghía xung quanh mình, khi một tù nhân khác, Shaolin, bật dậy khỏi giường và đi vào phòng tắm, mang theo khăn, xà bông, bàn chải và kem đánh răng. Vài phút sau, anh ta quay lại và từ từ tiến tới Slim. “Thứ lỗi,” Shaolin nói. “Có phải mày vừa nói gì không?” Rồi anh ta nhắc lại. “Mày là người đã nói, ‘Cái thứ đó quả thật điên rồ’?”

Slim quay lại với đôi mắt trừng trừng, định trả lời câu hỏi, nhưng trước khi anh ta kịp nói, Shaolin nghiêng tay lại như cò súng và tung ra một cái tát mạnh đến mức vọng xuống cả tầng dưới.

“Nơi chết tiệt này lôi ra con quỷ trong những thằng khốn.”

“Chết tiệt!” Tôi lẩm bẩm lớn tiếng, khi Slim đập mặt xuống sàn và gượng dậy như một đứa trẻ, người run rẩy dưới thế đứng của Shaolin. Rồi Shaolin lần lượt quay mặt lại với mỗi người chúng tôi và giải thích. Không phải nội dung mà âm lượng cuộc trò chuyện mới là thứ chọc tức anh ta.

“Các quý ông, xin nghe tôi nói,” Shaolin bắt đầu, với giọng điềm tĩnh kì lạ. “Chúng ta đang ngồi tù. Và điều đó có nghĩa là chúng ta thức chỉ để mong rằng mình đang ở một nơi khác. Lối thoát duy nhất của chúng ta là ngủ. Vì vậy, các quý ông, xin hãy tôn trọng thời gian ngủ của nhau. Nếu một người đã trốn thoát thành công, đừng kéo anh ta lại. Người ta có thể bị đâm chết vì những thứ [nhỏ nhặt] như vậy.”

Trời mới xế chiều, lịch làm việc của chúng tôi dày đặc và cố chợp mắt khi có thể.

Quay lại nhìn Slim, vẫn đang sõng soài, Shaolin tung thêm một cú đá vào mặt. Không lâu sau đó, tôi nghe anh ta nói điện thoại. “Hello, Má hả?” Anh ta nói. “Nếu ngày mai con không gọi, thì nghĩa là con vào trong ‘hộp’ rồi,” Rồi anh ta gác máy và đi về phòng giam của mình.

Tôi đã từng trông thấy bạo lực, nhưng vụ bùng nổ bất ngờ đó, sự tàn bạo của sự đánh đập, đã làm chấn động tôi. Môi trường này bẻ cong tất cả chúng tôi. Tôi phải trốn thoát―và những giấc ngủ ngắn như Shaolin không có tác dụng gì.

• • •

Ý tưởng vượt ngục bắt đầu ám ảnh tôi. Tôi trở nên căng thẳng, dễ kích động và bực tức. Một tù nhân khác, chừng hơn bốn mươi tuổi tên Pitt―cái tên này chắc là đặt theo khuôn mặt giống chó bun của anh ta―đã nhận thấy tâm trạng tôi đang xấu dần. “Này, Seven,” anh ta gọi tôi bằng biệt danh. “Dạo này thấy chú mày phát điên với mấy thằng khùng. Ổn chứ?”

“Không, chết tiệt. Tôi không ổn. Tôi phải biến khỏi chỗ này.” Tôi chợt nghĩ đến những bạo lực, những tiếng ồn, những huyên thuyên vô nghĩa về chuyện đấu đá mà mọi người luôn bàn tán, thức ăn, rác rưởi và sự tỉnh táo đang xuống cấp của chính mình. “Nơi chết tiệt này lôi ra con quỷ trong những thằng khốn.”

“Nếu mày đang nghiêm túc, tao giúp được,” Pitt nói. Tôi bảo đảm với ông ta là đời tôi chẳng còn chuyện nào khác khiến tôi nghiêm túc hơn.

“Tốt. Vậy ngày mai chúng ta trốn,” hắn bảo tôi với một nụ cười. “Gặp tôi ở phòng gym, đúng 8:55. Và nhớ mặc quần áo rộng rãi.”

Tôi dậy lúc 3 giờ sáng, ăn mặc đầy đủ và đếm từng phút. Thời gian trôi lê thê như cái mông xe chở hàng U-Haul. Cuối cùng thì 8:55 sáng cũng đến. Tôi thấy Pitt đợi tôi ở phòng gym như đã hứa. Chúng tôi bước vào.

“Tôi mong được khoẻ mạnh. Tôi mong được hạnh phúc. Tôi mong được an toàn. Tôi mong một cuộc đời an nhiên.”

Tôi chẳng biết điều gì sẽ xảy ra―một cái xà beng? một cánh cửa mở?―nhưng thay vào đó tôi được chào đón bởi 8 tấm thảm tập yoga đầy màu sắc trải rộng hình bán nguyệt nhìn như biểu tượng con công của NBC.

“Cái quái gì đây?” Tôi nghiến răng hỏi.

Pitt mỉm cười. “Chuẩn bị trốn thoát đấy, bạn hiền!”

Không phải tôi, tôi nghĩ.

Trên đường ra khỏi cửa, tôi va vào một người—một gã tóc xám trông như thám tử tư Magnum P.I (Trans: nhân vật phim truyền hình cùng tên)—tôi chưa gặp bao giờ. Chắn ngang đường, anh ta nói bằng giọng trầm của một ông già.

magnum

“Chào anh bạn. Anh tới học yoga à?”

Hắn chẳng chờ tôi trả lời.

“Tuyệt,” miệng cười toe toét, nắm lấy tay tôi và lắc mạnh. “Anh đến đúng chỗ rồi đấy. Tên tôi là Tom. Tôi sẽ hướng dẫn anh.”

“Ừ, ừm, ừm…”

Anh ta cắt lời tôi một lần nữa, nói hộ tôi tiếp. “Chưa từng tập yoga? Không sao đâu. Anh chỉ cần lắng nghe cơ thể mình. Làm những gì nó cho phép. Đừng ép nó. Tiếp tục tập luyện và kiên nhẫn. Anh sẽ làm được.”

Tôi bỏ cuộc. Có gì đó trong thái độ ung dung bình thản của anh ta chứng tỏ rằng sự kháng cự của tôi là vô ích. Anh ta bật một đĩa CD chứa loại nhạc thiền định―tụng niệm Phật giáo. Chúng tôi ngồi lên thảm hướng tới Tom, người ở trung tâm.

“Để ý tới mọi âm thanh xung quanh,” anh ta nói, khi chúng tôi lắng nghe tiếng những quả tạ đập xuống sàn, sự òm sòm của những cuộc trò chuyện ồn ào. “Mọi người có nghe thấy chúng không?”

“Có, chết tiệt, tôi có thể nghe thấy chúng,” tôi buột miệng. “Tiếng ồn chẳng dứt!”

Anh ta cười khúc khích. “Được rồi, các bạn, chúng ta sẽ bắt đầu với quay cổ. Làm từ từ, quay đầu của bạn theo vòng tròn qua bên phải.”

Tiếp theo, chúng tôi quay sang trái. Chúng tôi kéo căng cánh tay, cẳng chân và thân giữa. Chẳng bao lâu tôi thấy mình trong tư thế chiến binh, tư thế cây, tư thế cân bằng, chó ngửa, chó sấp.

Cuối cùng, chúng tôi nằm ngửa trong tư thế người chết, chân duỗi thẳng, lòng bàn tay ngửa lên, mắt nhắm lại. “Lặp lại theo tôi,” Tom nói. “Tôi mong được khoẻ mạnh. Tôi mong được hạnh phúc. Tôi mong được an toàn. Tôi mong một cuộc đời an nhiên.”

• • •

Chúng tôi nói những lời đó. Tom tiếp tục, “Bàn chân anh đang thư giãn, bàn chân anh đang thư giãn. Bàn chân anh được thư giãn…” Anh ta hướng dẫn chúng tôi qua các bộ phận khác nhau—chân, hông, bàn tay, bụng, ngực và cứ thế.

“Cả cơ thể của bạn … được … thư giãn.”

Sau đó, trong tiếng thì thầm, Tom nói thêm, “Này, các anh, khoan hãy mở mắt. Lắng nghe thôi.”

• • •

Tôi chẳng nghe được gì hết. Chẳng có tạ đập xuống sàn, chẳng ai nói lớn, chẳng có gì. Giờ đây, ít nhất, tôi cũng đã trốn thoát khỏi ngục tù. Và tôi làm thế vào mỗi thứ Ba kể từ hôm ấy.

Sau giờ học, tôi bắt chuyện với Pitt.

“Này,” tôi nói. “Ông nghĩ ông hài hước hả?”

“Không, tự do thôi,” ông ta trả lời. “Và bây giờ mày cũng thế.”

• • •

Câu chuyện này đã được một viên chức tại Cơ sở Cải huấn Wallkill (Wallkill Correctional Facility) phê duyệt xuất bản. (Bài viết hiện đã có hơn 5K Likes trên Medium)

Tác giả: Gregory Headley, Medium
Biên dịch: Sang Doan
Hiệu đính: Ishvara
Ảnh minh họa: NHP

Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 4 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership


📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[THĐP Vietsub] Sức mạnh của hiệu ứng giả dược (placebo effect)

https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/905732346433957/?v=905732346433957

Xem trên facebook

Tâm thức, ý thức, niềm tin có sức tác động lên thực tại vật chất mạnh hơn bạn tưởng.

Created by: Daniel Keogh và Luke Harris

Dịch + Vietsub: Lê Gia Khiêm
Hiệu đính: Prana
Source: Professor Funk


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Đam mê thực sự không phải là những cơn hứng tình

0

Đầu tiên, tôi muốn bạn hiểu về hứng tình, một trạng thái đòi hỏi được đáp ứng thỏa mãn về tình dục. Tình dục, có khi quả bom được châm nổ bằng tình yêu, nhưng cũng có khi, đơn giản chỉ là một nhu cầu để thỏa mãn thân xác khi hoác-môn đột ngột tăng cao. Cũng giống người chưa thực sự hiểu sâu sắc tình yêu nên vội vàng kết luận tình dục là tình yêu, thì người chưa từng hiểu đam mê đích thực, cũng đang vướng vào sự nhầm lẫn những niềm thích nhất thời của họ là đam mê.

Mọi người vẫn lầm tưởng giữa tôi rất thích âm nhạc, tôi muốn trở thành một nhạc công, một ca sĩ, với tôi bất chấp thế giới để hành động để trở thành người mà tôi mong muốn. “Tôi nghĩ” và “Tôi hành động”, nhầm lẫn giữa chúng để vội vàng kết luận nó là đam mê? Một người nghe nhạc và anh ta cảm thấy rất thích thú với nó. Giai điệu âm nhạc, anh ta nghĩ nó được cần đến trong cuộc sống của anh ta, nó khiến người đó được thỏa mãn. Anh ta thấy mình quá yêu âm nhạc, rất thích hát, muốn trở thành một ca sĩ. Nhưng sự thật là chỉ sau khi cơn hưng phấn lướt qua, anh ta vẫn còn rất nhiều việc cần được giải quyết. Còn những gánh nặng chưa thể vứt bỏ. Miếng cơm cái mặc là thứ còn phải nên cân nhắc. Vậy nên, anh ta chỉ có thể thỏa lấp niềm đam mê đó của mình trong những lần gặp gỡ bạn bè, ca thán vài ba câu. “Ừ thì tao đam mê âm nhạc lắm, nhưng vẫn còn nhiều thứ khác đang chờ đợi tao giải quyết.” Rồi thằng bạn của gã cũng gặp vài ba người kể lể: “Tao có thằng bạn đam mê ca hát, nhưng vì hoàn cảnh nên nó không thể theo đuổi đam mê của nó được.”

Thử nghĩ xem, như thế cũng được gọi là đam mê sao? Không, nó giống với hứng tình thì đúng hơn. Anh ta cần âm nhạc để thỏa mãn bản thân những lúc thư giãn giải trí, cất lên vài ba câu cho đầu óc thảnh thơi quên đi vướng bịu. Và anh ta gọi đó là đam mê?
Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi khi phải ngồi nghe những người mà cứ tôi đam mê cái này tôi đam mê cái kia nhưng… nhưng, nhưng và nhưng. Bao giờ đằng sau dấu ba chấm  cũng tràn ngập vô số từ ngữ bắt buộc kèm theo.

Khi bạn khẳng định rằng bạn đam mê ca hát. Đã bao giờ bạn mất ngủ chỉ vì đầu óc mãi nhớ nhung những câu hát, nhắm mắt lại chỉ thấy toàn nốt nhạc ca từ lần lượt băng qua. Có bao giờ bạn cất tiếng hát trong những giấc mơ. Ngồi trong toilet cũng phải gắng ngân giọng, tuy nhiên phải gượng nhỏ bớt âm lượng, hàng xóm có thể thấy phiền bởi sự tra tấn của bạn.

Hay khi bạn bảo rằng bạn muốn trở thành một nhà văn. Có rất nhiều người đã nói với tôi về điều này, nhưng những lúc có thời gian trống, họ làm gì? Ngồi cặm cụi trong các game online, đi uống trà sữa chém gió. Họ có bao giờ biết đến người bạn thân nhất của nhà văn phải là sách? Họ có biết đến chiếc màn hình máy tính hay quyển sổ, cây bút phải là người luôn được nhớ đến đầu tiên trong trí óc họ? Họ đã bao giờ dùng các con chữ làm miếng ăn qua cơn đói, thèm thuồng những cuộc vui nhưng tự an ủi bản thân rằng điều đó chỉ khiến mình mất thời gian vào các trò lãng phí, hay chấp nhận sống một cuộc đời nghèo khổ không biết đến mặt mũi tương lai, chấp nhận bước đi trong đêm tối và không bao giờ dám hy vọng cuối con đường sẽ là ánh sáng, nhưng vẫn tự động viên mình mạnh mẽ lên, hãy dũng cảm bước đi.

Khi anh đang xúng xính áo quần dạo bước trên các đường phố, tán tỉnh những em xinh tươi, anh có tiền ném vào các nhà hàng sang chảnh, những bộ áo quần chưng diện đắt tiền. Lúc đó tôi đang làm gì? Tôi đang phải gồng mình để chống chọi với sự nghiệt ngã của rèn luyện. Khi anh có được cô người yêu dễ thương xinh đẹp để an ủi anh trong nỗi cô đơn thường trực, tôi chỉ biết ngồi một góc trong xó để tự mình vỗ vễ chính nỗi cô đơn của mình. Khi anh vừa mới đôi mươi tuổi đã có những vị trí này nọ, tôi vẫn chỉ là một kẻ chẳng ra gì, bị người đời khinh rẻ chê trách. Và anh nói rằng anh đam mê trong khi phải bận rộn với cuộc sống?

Ngay cả khi anh đã dành trọn vài ba năm qua để theo đuổi nó, liệu anh có nghĩ rằng mười năm sau, hai mươi năm sau, thậm chí ngay cả khi anh đã nằm dưới nấm mồ. Anh có muốn khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn?

Thực ra thì, sống thế nào, lựa chọn là quyền tự do riêng của mỗi người. Nhưng nếu một khi bạn đã không đủ can đảm để theo đuổi đam mê của mình, tốt nhất bạn nên im lặng. Đừng ngụy biện an ủi bản thân mình bằng những lý do, lấy đam mê của người khác mang ra so sánh. Kiểu “Ờ thằng đấy nhà nó có điều kiện, ba mẹ nó không đặt nhiều trách nhiệm lên nó, nó có hậu phương đằng sau, nó thế này thế kia, bla bla.” Để làm gì? Để chứng tỏ mình được quyền yếu đuối chỉ vì mình không được may mắn như nó?

Đam mê thực sự là gì? Bạn thực sự không thể hiểu hết chỉ với bằng cặp mắt hứng tình của bạn được. Bạn không thể hiểu được đâu, đam mê thực sự, đôi khi bạn là một sát thủ máu lạnh, giết hết tất cả người thân, bạn bè, giết luôn cả thế giới này trong tâm trí bạn, chỉ để dành lại một điều duy nhất được sống sót. Thậm chí đã có những khi bạn muốn giết chết nó đi, bạn muốn được sống như bao người khác, bạn cũng sẽ phải bất lực trước ý muốn đó thôi. Và nếu bạn là người có đam mê, bạn sẽ biết điều tôi đang muốn nói đến là gì.

Tác giả: Ni Chi

Featured image: ThoughtCatalog

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2