24 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 65

Không hạnh phúc khi có quá nhiều lựa chọn

0

Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, con người có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống. Xuất hiện nhiều tổ hợp được tạo ra từ những sản phẩm bất kỳ để đáp ứng thị hiếu của chúng ta. Đồ ăn dư thừa, áo quần vô số kể, tưởng rằng đó là hạnh phúc nhưng không hề. Vì có một nghịch lý rằng khi số lựa chọn trở nên quá nhiều, mức độ hài lòng và thỏa mãn của ta sẽ đi vào đoạn dốc thoái trào. Chúng ta sẽ cảm thấy bị áp lực, nhầm lẫn và hối tiếc nhiều hơn khi não bộ phải xử lý quá nhiều thông tin, phải cân đo đong đếm và đưa ra quyết định khi đứng trước số lượng sự lựa chọn khổng lồ.

Những người biết về nghịch lý này họ đồng thời cũng biết cách bảo toàn năng lượng của bộ não sao cho nó ở trong trạng thái tốt nhất. Tủ quần áo của họ không có quá nhiều đồ và không có sự khác biệt về chất lượng để họ phải mất công cân nhắc lựa chọn. Họ tập trung làm số lượng công việc ít hơn trong cùng một khoảng thời gian và có được hiệu quả lớn hơn. Họ xác định những gì mình muốn cho bữa tối và đi thẳng đến quầy bán thứ đó mà không la cà khắp siêu thị để đến cuối cùng vẫn chẳng biết mình định ăn cái gì.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về nghịch lý lựa chọn thì có thể tự tra cứu trên internet. Nhưng hôm nay tôi có một liên hệ ý tưởng này với lý do khiến con người không tìm được hạnh phúc chân thực. Đó là chúng ta có quá nhiều loại phản ứng với thế giới.

Việc mang trong mình rất nhiều cách phản ứng hoàn toàn khác với việc có khả năng lựa chọn cách nào tối ưu. Tức là ở đây ta tiềm ẩn rất nhiều loại thái độ không được ý thức. Rủi thay, chúng thường được quyết định sử dụng trong trường hợp ta đang rối trí với chính tình huống mình gặp phải.

Nếu có thể ví von, tôi thấy thế giới nội tâm của mỗi người cũng không khác gì một cái siêu thị, với đủ các loại trạng thái tình cảm và suy nghĩ. Ta có giận dữ làm nóng bừng gương mặt và kèm theo là một tràng ý kiến ý cò đủ các level từ dỗi yêu cho đến đồ sát. Ta có buồn khổ với hàng nước mắt lã chã, song hành với sự cự tuyệt chối từ, và nếu được ném cho một cái ô trong suốt, ta sẽ đi dưới cơn mưa mà đóng kịch u sầu. Còn nếu được ném cho một cái gối thì ta sẽ vùi mặt vào mà xả lũ bi ai, v.v…

Dường như, ta có vô hạn các sự lựa chọn phản ứng cho một hoàn cảnh bất kỳ. Nhưng điều đáng buồn thật sự là ta không ý thức được điều đó và có đủ năng lực để đưa ra quyết định phản ứng làm sao mang lại lợi lạc nhiều nhất cho tổng thể. Hay nói cách khác, ta có rất nhiều sự lựa chọn mà lại giống như chẳng có sự lựa chọn nào. Ta hoàn toàn không có tự do, mức độ hài lòng của ta bằng 0.

Vậy đứng trước tình trạng này con người cần phải làm gì để có thể gia tăng hạnh phúc? Rất đơn giản. Hãy cố định một số phản ứng nhất định của bạn cho tất cả mọi loại hoàn cảnh, tôi tạm ví dụ tối đa là 3. Giống như bạn chỉ mặc một trong ba chiếc áo thun dù là bạn tới phòng gym, đi dự tiệc, đi cắm trại hay dã ngoại với người yêu. Không cần biết bạn giàu có đủ tiền mua cả siêu thị quần áo thế nào, bạn chỉ được lựa chọn ba cái áo đấy, không phân bua, không tính toán, không so sánh.

Không cần biết bạn có bao nhiêu loại cảm xúc và suy nghĩ, bạn chỉ được lựa chọn 3 phản ứng nhất định mà bạn có thể làm chủ. Vậy bạn sẽ chọn combo nào?

Khoan hãy đọc tiếp đoạn sau mà thử dành đôi phút suy nghĩ về cái gu phản ứng bạn có thể có.

Oke, bạn đã nghĩ xong rồi phải không? Để tôi đoán nhé. Bạn chọn hách dịch-kiểm soát-giận dữ? Hay la làng-khóc lóc-cự tuyệt? Chắc chẳng ai ngu ngốc lựa chọn một thứ dở tệ khi đã có cả đống thời gian ngồi thẩm định và đưa ra quyết định đâu. Một khi rổ trái cây đã bày ra trước mặt, một đứa trẻ con cũng biết chọn trái nào ngon lành.

Tôi gọi đây là kỷ luật cho tâm trí. Giới hạn sự lựa chọn nhảy nhót của tâm trí là cách bạn rèn cho nó sức mạnh đến từ sự thống nhất. Nó tốt, bạn cũng tốt theo. Nó dở, nó kéo bạn chết theo cùng nó. Trong Chí Tôn Ca cũng có nội dung rằng:

“Con người cần sử dụng tâm trí để giải thoát chính mình, chứ không phải để thoái hóa. Tâm trí vừa là bạn vừa là thù của linh hồn ước định. Đối với người đã chế ngự được tâm trí, nó là bạn tốt nhất. Còn đối với kẻ chẳng làm được điều đó, nó là kẻ thù ghê gớm nhất. Người chế ngự được tâm trí là người đã đạt tới Linh Hồn Tối Cao vì anh ta đã tìm thấy sự bình yên. Đối với người đó, sướng hay khổ, nóng hay lạnh, vinh hay nhục đều như nhau.” – Sri Krishna

(download miễn phí-THĐP Version)

Vào khoảnh khắc bạn đưa ra quyết định loại phản ứng của riêng mình, bạn có một điểm tựa vững chắc, bạn có một vũ khí mà độ sắc bén của nó phụ thuộc vào việc bạn rèn luyện sử dụng nó mỗi ngày. Không ai đẻ ra đã múa kiếm giỏi, hay không có cái cây nào trở thành đại thụ chỉ trong một ngày.

Khi phát hiện được ra ý tưởng về sự lựa chọn này, tôi cũng đã bắt đầu xem xét một combo của riêng mình. Tôi đặt ra câu hỏi rằng phản ứng nào mang lại sức mạnh, niềm vui, sự phát triển trí tuệ lớn nhất cho bản thân và đã đưa đến kết luận là: điềm tĩnh, tò mò hoặc ngạc nhiên. Bất kỳ loại nào cũng tốt, nhưng tôi thấy sự điềm tĩnh bình an là tuyệt nhất, vì nó chẳng tốn của tôi chút sức lực nào như hai loại còn lại.

Có thể mỗi người mỗi tính cách và sẽ có những quyết định combo phản ứng khác nhau. Nhưng về cơ bản, lối đi vào hạnh phúc là khi bạn có sự tự chủ, có chỗ đứng của riêng mình. Đây là lúc năng lượng được tập hợp, tâm trí bạn hiệp nhất, và cuộc đời bạn ngừng chia rẽ thành muôn mảnh bất hòa.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: PublicDomainPictures


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-13

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[Tiểu thuyết] Tuổi trẻ cô đơn – Chương 2

0

Huế là báu vật bởi Huế cất giấu mối tình đầu của tôi. Cậu ta tên Minh. Chúng tôi quen nhau vào cấp ba khi còn là những cô gái chàng trai ngây thơ trong sáng. Tâm trạng tôi hồi ấy lúc nào cũng hào hứng lạ thường, tâm trạng của một cô gái lần đầu tiên biết yêu. Không phải những trang thơ diễm tuyệt in đầy sách báo hay trong các bản tình ca, mà tự mình nhận thức được vẻ đẹp và ý nghĩa cuộc đời. Tất cả những vì sao tinh tú lấp lánh, cả thế giới thu gọn lại trong nụ cười của một chàng trai cùng lớp. Không phải chỉ là niềm hy vọng vào một người hoàn toàn xa lạ nay bỗng hóa quan trọng trong lòng mình mà còn là cả niềm tin tuyệt đối vào một tình yêu bất diệt mãi mãi không bao giờ nhạt phai.

Vào tuổi học trò cất cánh cho mối tình đầu ngây ngô trong sáng ấy. Hàng ngày Minh đèo tôi bằng xe đạp trên con đường đến trường. Cậu đón tôi từ khi sương mai còn nướng ngủ lười biếng trên đám cỏ non xanh. Chúng tôi lang thang trên các góc hẻm khu phố. Trộm liếc nhìn nhau trong lớp học và vụng trộm trao cho nhau nụ hôn đầu đời trên lối cầu thang nhỏ hẹp nơi cuối hành lang. Những cái nắm tay siết chặt che giấu dưới ngăn kéo bàn, rồi cả những hôm mượn cớ học nhóm để hẹn hò sau giờ tan trường. Tôi nhớ những đêm sáng trăng lẫn mờ trăng không ngủ được chỉ vì trong lòng cảm thấy niềm vui sống mênh mông khi tâm hồn chìm đắm vào mơ mộng và suy nghĩ triền miên trong sự chờ đợi trời sáng để lại được trông thấy người yêu. Không thể quên được mối tình đầu ngây thơ trong sáng tựa như một trang giấy trắng tinh khôi được Minh nắn nót viết lên vài dòng nên tôi quyết chí cả cuộc đời này sẽ yêu có mỗi mình cậu. Cả thế giới chỉ còn lại một mình cậu là con trai vì tất cả những gã trai khác chỉ là những con người. Cuộc đời có cậu trở nên tươi sáng rực rỡ, cái gì cũng đáng yêu hơn, thú vị hơn. Giả sử cuộc sống có xảy ra khó khăn trắc trở nào hoặc vô cớ vướng phải chông chênh tuổi trẻ như người ta vẫn thường nhắc đến thì chỉ cần nhớ lại trên đời này có Minh, chỉ cần có cậu bên cạnh thì bao nhiêu ưu tư muộn phiền đều tan biến.

Cũng như bao cặp đôi yêu nhau khác ở lứa tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Có những khi chúng tôi cảm thấy hoảng sợ và lo lắng cho tương lai của mỗi đứa. Chúng tôi cũng e ngại trước sự cấm đoán của hai bên phụ huynh. Sự non nớt của những chú chim con vừa lớn lên đang chập chững đánh vần hai từ tình yêu. Trong khi thậm chí chẳng còn hiểu nổi tình yêu là gì thì chính tình yêu thuần khiết ấy đã giữ lại cho cả hai khỏi bị sa ngã. Không những cậu không muốn chiếm thân thể tôi mà chỉ mới nghĩ đến điều ấy thôi cũng khiến cậu hoảng hốt thấy mình ghê tởm. Vì nghĩa cử cao đẹp đó của cậu mà tôi đã dứt khoát cương quyết sẽ chỉ yêu và lấy duy nhất một mình cậu làm chồng. Không phải cậu thì không thể là một ai khác. Tôi sẽ bất chấp cả thế giới này để lấy cho bằng được khi chúng tôi lớn hơn.

Cuối năm cấp 3, tất cả đám bạn trong lớp tôi đều xôn xao nói về nghề nghiệp trong tương lai. Đa phần chọn vào ngành thân phụ thân mẫu mong muốn. Tôi đã nghe quá nhiều về câu chuyện nếu không muốn sống đau khổ dằn vặt với công việc trong quãng đời còn lại thì phải chọn đúng nghề tôi đam mê. Nhưng đam mê của tôi là gì? Tôi hoang mang tìm kiếm trong đêm tối chẳng khác gì một tên mù đang cố mò mẫm đường đi. Chúng tôi được sắp đặt ngồi trong các lớp hướng nghiệp. Hướng đạo sinh tình nguyện cầm micro hô hào khẩu hiệu hãy sống vì đam mê. Hãy chọn công việc mình yêu thích. Họ nói với lũ khờ khạo chúng tôi cần hiểu rõ trái tim mình đang hướng về ngọn gió nào, mạnh mẽ đặt bước chân đầu tiên dù nó có điên rồ ngớ ngẩn.

“Phải là những con mắt luôn tìm kiếm tiếng gọi cuộc đời mình, không hèn yếu chấp nhận sống dung hòa với kẻ thù địch. Đó sẽ là một quá trình gian nan và phải mất rất nhiều thời gian. Dũng cảm đối diện với trận chiến của mình, cho những đam mê. Đừng che giấu sự hèn yếu của bản thân dưới bộ đồng phục. Nếu lỡ đam mê  phải chịu cách thất trận, thì ít ra lòng liêm khiết chân thật cũng hát vang bài ca chiến thắng. Đã sống hết mình thì có gì gọi là hối tiếc. Điều gì đó mình phải trải qua mà không phải là phần số đã được lập trình trong kiếp sống của chính mình. Phải yêu đam mê như một vũ khí mà ta sẽ dùng nó để chiến đấu với cuộc sống. Người ta chỉ có thể làm việc hăng say không biết chán chê mệt mỏi khi được làm đúng đam mê của họ. Làm việc với những thứ mà họ sẽ không phải cãi cọ lăng nhăng với tâm trí mình mỗi ngày.”

Bài diễn thuyết rất hay và rất hùng hồn. Họ nói rất nhiều đến đam mê, nhấn mạnh từng từ từng chữ một và lên giọng lớn khi nhắc đến cụm từ tiêu biểu. Trong khi đó lũ học sinh chỉ biết ngồi dưới ngáp ngắn dài. Đứa này ngồi ký tên trên áo, viết lưu bút, tụm năm tụm ba nói chuyện. Hầu như chẳng đứa nào quan tâm.

Cha mẹ tôi không bắt ép tôi phải theo một ngành nghề, họ để tôi tự do lựa chọn với cam kết có một chân vào đại học vì đó là bộ mặt của gia đình. Vì thế tôi đã nuông chiều bản thân một trường đại học hạng vừa tầm trung ở quê nhà. Tôi chỉ cần trang bị cho mình một nhãn hiệu sinh viên đại học, bất kể ngành nghề gì. Chính vì ngang nhiên chọn đại nên đầu năm hai tôi đã quyết chí từ bỏ tất cả để lên đường đi theo tiếng gọi trái tim.

Tất nhiên tôi không bao giờ muốn từ bỏ Minh. Khi biết tin tôi có ý định bỏ học và bỏ Huế để đi Sài Gòn. Minh tìm đến tôi.

“Tớ đọc được tin nhắn của cậu. Cậu sẽ rời khỏi Huế. Còn chuyện học hành?”

“Tớ đã nạp đơn xin bảo lưu. Nhưng cậu biết đấy! Tớ chưa bao giờ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi một sự cho phép.”

“Tớ nghĩ là việc học của cậu vẫn tốt?” Có một chút ngạc nhiên trong câu nói của Minh.

“Tớ nghĩ mọi thứ ổn. Nó đang diễn ra theo đúng cách mà xã hội này muốn nó xảy ra. Chỉ có tớ là không ổn chút nào.”

“Thôi nào, quên cái ý nghĩa vớ vẩn của cậu đi. Cậu sẽ làm gì khi đến Sài Gòn. Cậu chỉ là một cô gái chưa đầy mười chín tuổi, thậm chí còn chưa có một bằng cấp gì trong tay. Tớ vẫn chưa hình dung được cậu sẽ xoay sở thế nào nơi xứ lạ đất người.”

“Còn hơn là chịu đựng cuộc sống nhàm chán và buồn tẻ này.”

“Bao nhiêu sinh viên khác vẫn đang sống vậy đấy thôi.”

“Đúng. Tớ đã từng quá giống họ. Không dự tưởng được cuộc sống của mình. Chỉ thức giấc, ăn, đến trường, lướt web, ngủ, đại loại công việc kiểu ấy diễn ra đều đặn mỗi ngày. Kết thúc năm năm cấp một, bốn năm cấp hai, ba năm cấp ba và đã nộp đơn thi vào trường đại học để tiếp tục chặng đường học hành nghiêm túc theo như ý muốn của cha mẹ. Không lên được đại học thì không có tương lai. Chúng ta chỉ tiếp nhận tư tưởng này từ xã hội mà thậm chí không xác định được tương lai được nhắc đến ở đây là gì. Không có tiền mua gạo và thức ăn, không có tiền mua áo quần mặc, sống không được vui vẻ, sống kém hạnh phúc. Tương lai mọi người muốn phác thảo ra là gì? Chẳng khác nào cảm giác bị cưỡng bách uy hiếp trước cuộc sống. Vậy mà đến khi vào được đại học, tớ vẫn chưa hiểu tương lai là thế nào?”

“Tất cả sinh viên đều như thế.”

“Giờ thì tớ không thể tiếp tục giống họ được nữa. Tớ luôn phải nghe những lời rao giảng trên truyền hình, báo chí, sách vở về ý nghĩa cuộc đời. Nhưng với một cuộc sống dựa dẫm cha mẹ thì phải chăng ý nghĩa cuộc đời chỉ cần được vui vẻ mỗi ngày, ăn món mình thích, mặc một bộ áo quần xinh, được cha mẹ chu cấp đầy đủ tiền tiêu vặt. Có sự khác biệt nào giữa ý nghĩa cuộc đời ẩn ý đó với ý nghĩa cuộc đời hồn nhiên vô tư lự bây giờ không? Tớ không hiểu. Tớ không hiểu ý nghĩa cuộc đời mà mọi người vẫn đang nhắc đến. Đôi khi tớ nghĩ tất cả mọi người đều giống tớ. Đều ăn uống no nê, khi đi trên đường cũng nhìn ngắm cây hoa lá cành, tối ngủ họ có mơ gì đó đặc biệt. Họ có cần đủ tiền tiêu vặt, hay họ muốn nhiều hơn. Càng suy nghĩ lại càng thấy bất an. Tớ hoàn toàn chẳng biết bản thân muốn gì và thích gì. Như thế liệu có phải tớ sống mà thậm chí còn không biết mình sống để làm gì?”

“Tớ không hiểu ý cậu?”

“Ý tớ là sự nhàm chán của các môn học khiến tớ rơi xuống mười tám tầng địa ngục. Những bài giảng đó không thuộc về hành tinh tớ sống. Xem nào, ở trường học, họ dạy chúng ta những cái thuyết sáo rỗng, triết học duy vật và chủ nghĩa xã hội, toán học chỉ là một đống lý thuyết không thể vận hành trong đời sống. Mặc dù nó cũng giúp chúng ta rèn luyện tư duy nhưng có lẽ nó chỉ dành cho mấy đứa có chỉ số IQ cao. Họ dạy chúng ta thể thao rèn luyện thân thể, họ bảo rằng điều đó tốt cho sức khỏe, nhưng tớ lại không thể tự chọn cái nào phù hợp cho bản thân. Làm gì có cái nào tốt cho tớ khi tớ hoàn toàn không hề thích thú nó. Trường học sẽ thật tốt cho bất kỳ ai yêu quý nó, yêu những gì họ được học trong đó, còn đối với những người không thuộc về, liệu có cần phải tốn thêm thời gian để đi vào con đường mà chắc chắn sẽ là ngõ cụt.”

“Muốn gì thì cũng phải có cái bằng đại học trong tay. Xã hội này luôn đòi hỏi bằng cấp.”

“Bằng cấp sao? Chỉ để chứng minh tất cả chúng ta là một đám người sống cúi đầu cam chịu an phận trong phần đời đã được xã hội sắp đặt sẵn. Tất cả sinh viên đều tự nhận ra những điệu nhạc dở tệ nhất mỗi ngày nhưng chẳng ai muốn phản kháng. Ai cũng nghĩ chỉ cần cúi mặt rồi bơ đi, chỉ cần nghe tai này lọt qua tai kia, cuộc đời sinh viên đến thế là xong.”

“Thế còn cha mẹ, cậu tính phải giải thích với họ thế nào?”

“Tớ không mong chờ sự đồng cảm từ cha mẹ hay bất kể ai. Họ sẽ không hiểu. Dù có kể với cha mẹ, hàng xóm, hay thưa trình lên cơ quan chính phủ nhà nước thì hình như cũng không thể thưa hết sự tình. Càng lớn tớ càng nhận ra rõ rệt là việc giải bày với thế gian luôn là trò mèo vô ích. Vậy nên tớ sẽ im lặng. Im lặng từ bỏ và im lặng rời khỏi nơi đây. Tớ muốn đi để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.”

“Nghe này, Nhi.” Minh nói nhẹ nhàng. “ Cậu bảo là cậu muốn ra đi để tìm kiếm tuổi trẻ của cậu. Vậy còn tình yêu của chúng ta. Tớ chẳng có một chút ý nghĩa nào trong cuộc sống của cậu sao?”

“Cậu có tin rằng lầm lỗi của bao kẻ đang yêu là việc xấn lấy nhau, vồ vập lấy nhau. Làm sao để ngày mai mình sẽ không tự đánh mất mình trong tình yêu, rồi đánh mất luôn cả người mình yêu, rồi bao nhiêu chán chường, vỡ mộng ê chề. Chúng ta phải học cách kiên nhẫn, hứa với tớ rằng cậu sẽ đợi tớ quay trở lại.”

“Bao lâu? Tớ cần được biết phải chờ bao lâu?”

“Tớ không biết. Một năm, hai năm. Tớ không biết câu trả lời chính xác. Nhưng tớ biết nếu đó là tình yêu đích thực, chúng ta có thể làm được. Tớ tin đây là một thử thách mà chúng ta cần phải vượt qua.”

“Cậu đã quyết định bất kể ý kiến của tớ?”

“Tớ không nghĩ là cậu sẽ theo cùng tớ.” Tôi ấp úng.“Tớ xin lỗi. Tớ hy vọng cậu sẽ không khiến mọi thứ khó khăn hơn.”

Sau đó chúng tôi chia tay nhau. Tôi một mình lái xe qua các con đường ngoằn ngoèo trong thành phố, nhìn đám lục bình trôi dạt trên sông, dựng xe trên vỉa hè rồi ngồi nhìn chúng. Tôi ngước lên bầu trời, những đàn chim bay lượn trong không trung. Tôi thấy những đám mây đang trôi, mọi người di chuyển qua lại trên đường phố. Mọi cuộc sống quanh tôi đều đang chuyển động, chỉ tôi đứng yên.

Tôi đã luôn thức giấc với một vài công việc mỗi ngày, nhưng không có một mối liên kết nào với cuộc sống. Tôi luôn nhận thấy chiếc kim phút ngưng đọng, chiếc kim giờ ngưng dịch chuyển, còn chiếc kim giây thì như muốn rơi ra khỏi trục quỹ đạo của nó. Thời gian của tôi đã dừng lại, có phải cuộc sống của tôi đã kết thúc, cái chết của tôi đã bắt đầu khởi động. Tôi lại nhìn vào khoảng không mênh mông sâu thẳm kia, phía đường xa chân trời, tôi tự hỏi có điều gì đó đang đợi tôi.

Tác giả: Ni Chi
Minh họa: NHP
Edit: THĐP

📌 Nội dung tiểu thuyết được đăng tải trong tạp chí Aloha Volume 4. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership


📌 Aloha Volume 1- 13

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Đổ cho thiên hạ cái lỗi của mình

0

Nấu ăn bị cháy, bạn khóc rằng ngày xưa ông bà cha mẹ không dạy bạn nữ công gia chánh. Bị bạn bè phản bội, bạn kêu rằng loài người ngày nay gian manh xảo trá. U mê dốt nát, bạn đổ tội cho truyền thông truyền hình đầu độc, đổ tội cho chính phủ mị dân. Ôm trái tim tan vỡ, bạn nằm vật góc giường giận hờn rằng người ta không yêu bạn hết lòng. Bạn chỉ biết khóc lóc, than vãn và đổ thừa trách nhiệm cho người khác, nhưng chưa bao giờ một lần chịu nhận rằng mình kém cỏi thật sự. Tất cả những gì bạn làm chỉ là há miệng chờ quả sung thật to rụng vào. Không có đâu.

Vì sao? Vì càng vươn mình nháo nhác với thế giới bên ngoài, phân bua trắng đen phải trái, bạn càng bị chia rẽ nhiều hơn nơi tinh thần. Năng lượng bị phân tán sẽ càng khiến bạn mệt mỏi điêu đứng. Mọi thứ trở thành một vòng xoáy không hồi kết, bạn cứ thế tan vỡ ra thành nhiều mảnh. Số người bạn đổ lỗi lên đầu sẽ tỷ lệ thuận với những sự tiêu cực mà bạn phải hứng chịu. Đừng chờ quả sung ngon làm gì, nó quá tích cực để rơi vào miệng bạn.

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy con người chúng ta đa phần có lối tư duy rằng mình đau khổ thế này là do một nguyên nhân ở trước đó gây nên. Nhưng ít ai suy nghĩ rằng chính vì anh mang hạt mầm đau khổ trong người nên anh đã kiến tạo ra hoàn cảnh cho sự đau khổ ấy được nảy nở. Đây là một cú lừa, là câu chuyện con rắn tự cắn đuôi mình khi nguyên nhân của đau khổ lại là chính nó.

Trước kia tôi đã từng xem một video những nhà khoa học mô tả về sức hút của Trái đất. Bạn hãy hình dung Trái đất được đặt lên tấm chăn lưới căng đều. Sức nặng của nó sẽ làm tấm chăn võng xuống tạo ra độ dốc. Hành tinh nhẹ hơn là Mặt Trăng sẽ đổ theo cái dốc đó mà quay thành quỹ đạo quanh hành tinh nặng.

gravity

Tôi thiết nghĩ con người chúng ta cũng không khác gì. Khi ta tập trung vào chính mình, dồn sự chú ý vào bản thân thì ta cũng gia tăng sức hút với người khác, sẽ có nhiều hơn những khả năng tốt đẹp lăn về phía ta. Còn khi ta cứ lồng lên khóc người này, giận người kia, kiểm soát đủ các thứ nằm ngoài tầm tay của mình thì ta chỉ càng lúc trở nên nhẹ hều và dễ dàng bị dòng đời xô đẩy. Gặp những chuyện buồn khổ thì chẳng biết làm thế nào ngoài việc vâng theo những sự tiêu cực đã thành lối mòn. Ta chỉ có thể là một kẻ chờ đợi hú họa một quả sung, chứ không thể là người tạo ra một chùm sung đầy đặn.

Như tôi đã từng đề cập rất nhiều lần về chuyện “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hay “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, thì những gì xảy đến với bạn là hoàn toàn xứng đáng. Có thể bạn chưa nhìn thấy được điều đó, nhưng bạn có thể tin và dùng ý tưởng này như cửa ngõ để dẫn bạn trở lại sự bình yên và chấp nhận hoàn toàn. Còn không, tâm trí bạn sẽ vẫn nhảy nhót và chia rẽ. Tinh thần của bạn sẽ theo đó mà đi xuống dốc không phanh.

Chỉ khi nào tập trung vào tự thân, bạn mới có cơ hội cộng hưởng sức mạnh với mỗi lần chú ý. Bạn trở thành người có trách nhiệm. “Trách nhiệm” ở đây là quyền năng kiến tạo thực tại theo ý muốn, không phải một gánh nặng xã hội khiến người ta phải nghẹt thở.

Vào khoảnh khắc bạn ngừng đổ cho thiên hạ cái lỗi của mình, bạn có một cơ hội để nâng cấp chính mình từ điểm yếu kém ấy. Bạn có thấy mừng không khi giữ lại được một đống đá quý phủ bụi đang cần lau chùi thay vì ném nó túi bụi vào mặt người khác? Hãy thử nghĩ kỹ mà xem, bằng tất cả sự khôn ngoan nhất của bạn.

Tôi thấy mấy ngày nay rộ lên chuyện cháy rừng Amazon, lá phổi của trái đất, và người ta gào khóc, chửi bới những kẻ đốt rừng khai hoang là lũ ngu đần, tàn bạo. Xem thì có vẻ bao nhiêu tội lỗi nên được đổ hết lên đầu người nông dân nghèo túng làm điều thiêu đốt dại dột ấy, nhưng các bạn có tính tội thêm những mồi lửa giận dữ của những người khác trên toàn thế giới không? Những người tưởng rằng mình là an lành, ngoan hiền, thánh thiện lắm. Một khi trái đất này còn người tức giận, thì hãy còn những đợt cháy rừng; còn người khóc khổ thì còn những trận sóng thần; còn tiêu cực căm thù thì còn chiến tranh bạo động. Chẳng có gì không được hiện thực hóa từ nội tâm chúng ta. Vậy nên nếu có tồn tại một cuộc đổ lỗi xứng đáng và mang tinh thần tiến hóa cao nhất thì là mỗi người tự dành nó cho chính mình.

Nếu con người càng đi xa phần gốc rễ thì chúng ta sẽ càng điêu đứng. Một chuyện đáng buồn rằng chúng ta đang dần đánh mất đi khả năng đưa ra quyết định đúng đắn, khả năng xác định mình là ai và mình có thể làm được điều gì ích lợi. Tất cả những gì ta muốn là sự dễ chịu, trong khi những người trí tuệ thì muốn điều tốt lành. Khối giận dữ kia phải được nổ tung ra, những lời lẽ đắng cay phải được dằn xuống một ai đó. Sự yếu kém từ bên trong khiến ta không đủ khả năng để hoán cải những tiêu cực thành một thứ gì đáng giá. Ta dùng nó như một cú đòn để trừng phạt lẫn nhau, để cùng nhau tắm trong vũng lầy đen tối. Tất cả chỉ có vậy.

Trong bài viết này tôi nói rằng hãy ngưng đổ lỗi cho người khác cũng có ý rằng đừng kỳ vọng những quả sung to rớt vào miệng mình, mỗi người nên tập trung vào bản thân cho đến khi nào tất cả những gì ta có để đổ cho thế giới chỉ toàn là sung sướng.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: nikondian


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-13

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

[THĐP Translation™] 9 cách để cai nghiện điện thoại

thdp translation 3

Bạn sử dụng điện thoại quá nhiều. Đây là cách để dừng lại.

📌 Bài viết hiện đã có hơn 18k Likes trên Medium. Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 6 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership 

Bạn, cũng như đa số mọi người, có lẽ đang sử dụng điện thoại quá nhiều. Theo thống kê của ứng dụng theo dõi thời gian Moment, số giờ trung bình nhìn vào màn hình điện thoại của mỗi người là 4 tiếng, chưa kể đến thời lượng làm những việc khác như gọi điện hay nghe podcast. Hoạt động trong một khoảng thời gian dài như vậy sẽ khiến não bộ thay đổi. Những thay đổi đó có thể mang tính tích cực nếu nói về việc thiền định chẳng hạn. Không tích cực lắm nếu việc đó là dí mắt vào điện thoại.

Trong suốt 3 năm qua, tôi đã tiến hành nghiên cứu và xuất bản một cuốn sách về mối quan hệ của chúng ta với điện thoại. Qua đó, tôi kết luận được rằng thời gian sử dụng điện thoại gây tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống từ trí nhớ, khả năng tập trung, đến sự sáng tạo, tính hiệu quả trong công việc, các mối quan hệ, mức độ stress, sức khỏe và cả giấc ngủ. Tóm lại, nếu bạn cảm bản thân bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực bởi chính chiếc điện thoại thông minh của mình, bạn không bị điên. Bạn đúng.

Khi chúng ta không thể kiểm tra điện thoại, cơ thể sẽ sản sinh ra hoóc-môn stress như adrenaline và cortisol.

Điện thoại, các ứng dụng chứa quảng cáo và mạng xã hội được thiết kế một cách khiến bạn khó có thể ngừng dùng. Đó là cách làm ăn của họ: Người dùng càng dành nhiều thời gian cho nó, họ càng thu thập thêm được nhiều dữ liệu và càng cho chúng ta xem được nhiều quảng cáo đúng đối tượng. Những công ty này rất giỏi trong việc thao túng người xem, đến mức chính chúng ta thường cũng không nhận ra được. Dưới hình thức luôn có bài đăng mới hay một cái “like” tiềm năng đang chờ chúng ta, họ đã khiến chúng ta quen với việc mỗi lần kiểm tra điện thoại là sẽ có một phần thưởng—làm chúng ta cứ muốn kiểm tra nhiều hơn.

Chúng ta đã trở nên giống như những con chó trong thí nghiệm của Pavlov, được huấn luyện mỗi khi nghe được tiếng chuông thì đều nhỏ dãi. Và khi không thể kiểm tra điện thoại, cơ thể sẽ tiết ra hoóc-môn stress như adrenaline và cotisol, khiến chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu. Hành động tiếp theo sẽ là thò tay vào túi quần kiếm điện thoại, kể cả khi chúng ta biết nó không ở đó. Đây chính là các triệu chứng của việc “cai nghiện”.

Tất cả điều này chỉ để nói rằng: Đừng dằn vặt bản thân nếu bạn đã cố gắng mà vẫn không thay đổi được thói quen dùng điện thoại, hay nếu ý tưởng rằng có một mối quan hệ vui vẻ lành mạnh và bền vững với điện thoại của bạn và nghe rất khó. Nó đúng là khó, nhưng nó có thể.

Sau đây là những bí quyết giúp bạn thay đổi mối quan hệ này:

1. Xác định rõ những điều mình thích và không thích

Có những tính năng trong điện thoại mang lại sự hữu ích và gây thích thú cho bạn, và cũng có những yếu tố khiến bạn thấy mình đang lãng phí cuộc đời. Mục tiêu của bạn là giữ cái trước và giảm cái sau.

2. Đừng nói câu “Tôi cần sử dùng điện thoại ít hơn”

Đó là một câu nói mơ hồ và vô nghĩa, chẳng khác gì câu nói “Tôi sẽ ăn uống lành mạnh hơn.” Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, hãy bắt đầu từ việc tại sao bạn lại muốn thay đổi, và thay vào đó thì bạn muốn làm gì.

Một trong những cách khắc phục là viết ra từ 3-5 hoạt động mang lại niềm vui, sự thỏa mãn và ý nghĩa cho bạn. Đây có thể là những hoạt động mà bạn muốn làm, nhưng dường như chưa bao giờ có thời gian để thực hiện chúng. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân rằng việc sử dụng điện thoại đã cản trở những điều này như thế nào.

Chẳng hạn, tôi biết việc gặp gỡ bạn bè sẽ mang lại nhiều niềm vui. Song song đó, tôi cũng nhận thức được thói quen nhắn tin thay vì gọi điện của mình. Hệ quả là tôi thường mất gần 30 phút vật vã trên điện thoải với tính năng tự động chỉnh sửa chính tả, thay vì chỉ cần 5 phút để nói hết tất cả những điều trên.

3. Lập ra một mục tiêu

Một khi bạn đã xác định được nguyên nhân gây cản trở từ điện thoại, hãy lập ra mục tiêu cho bản thân (có thể là một hay nhiều mục tiêu). Tôi thường dùng cấu trúc này: “Tôi muốn ___ ít lại để ____ nhiều hơn.”

Ví dụ: “Tôi muốn nhắn tin ít lại để dành thời gian gặp gỡ bạn bè nhiều hơn.” Câu nói này hiển nhiên sẽ rõ ràng hơn rất nhiều so với câu: “Tôi muốn hạn chế sử dụng điện thoại.”

4. Định nghĩa thành công

Điều gì khiến bạn cảm thấy thành công? Hãy trung thực với bản thân vì khả năng cao là bạn sẽ không thể hoàn thành một quyển sách trong một lần đọc hay có một cuối tuần với mọi khoảnh khắc đều vui vẻ, năng suất và ý nghĩa. Nhưng nếu bạn biết mình cảm thấy vui khi được gặp một ai đó, bạn có thể định nghĩa sự thành công là việc được đi café tám chuyện cùng người đó vào tuần sau. Nếu bạn muốn đọc một cuốn tiểu thuyết, bạn có thể đặt mục tiêu đọc một chương mỗi tối.

5. Đơn giản hóa

Bạn có thể thay đổi thói quen chỉ với ý chí, nhưng nó chẳng có gì vui, và thường không hiệu quả. Sẽ hiệu quả hơn khi bạn loại bỏ những tác nhân kích thích thói quen cũ và thêm vào những tác nhân hình thành thói quen mới.

Giả sử bạn đang tập thói quen đọc sách trước khi ngủ, nhưng luôn bị sao nhãng bởi điện thoại của mình. Bước đầu tiên, loại bỏ tác nhân kích thích: Sạc điện thoại của bạn ở một nơi xa giường ngủ (nếu cần thiết, hãy mua một cái chuông báo thức riêng). Bước thứ hai, thêm vào những tác nhân kích thích mới: Đặt sách ở tủ cạnh giường, ngay vị trí mà bạn thường để điện thoại. Bằng cách này, khi bạn tìm điện thoại theo bản năng, bạn sẽ vớ phải quyển sách.

Hãy làm điều tương tự với điện thoại: Tắt thông báo (notifications). Nếu bạn không muốn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hãy xóa những ứng dụng đó. (Trong trường hợp bạn vẫn muốn vào Facebook, bạn phải sử dụng phiên bản web trên điện thoại với nhiều phiền phức hơn.)

Lưu ý đến màn hình chính của điện thoại. Nó chỉ nên hiển thị các công cụ, không phải những cám dỗ. Hãy chỉnh sửa và sắp xếp các ứng dụng để thuận hơn trong việc làm những điều bạn muốn và khó khăn hơn đối với những thứ gây mất thời gian.

6. Chậm mà chắc

Bạn sẽ không thể thay đổi các thói quen trong một ngày, cũng như việc thay đổi tất cả thói quen trong một lần là thực tế. Hãy chọn một thói quen để tập trung vào nó trong một khoảng thời gian. Bạn có thể dành 5 phút mỗi ngày nhìn ra cửa sổ thay vì lướt điện thoại. Hay vào mỗi sáng chủ nhật, bạn chỉ cầm điện thoại trên tay sau khi ăn xong bữa sáng. Thậm chí, bạn cũng có thể tập kiểm tra email 3 lần/ngày thay vì 20 lần. Có rất nhiều cách khác nhau để thay đổi, và nếu bạn đang đi đúng hướng thì không có nỗ lực nào là quá nhỏ.

7. Hình thành phép lịch sự

Nếu một người bạn phì phèo khói thuốc vào mặt bạn, ắt hẳn bạn sẽ bảo họ dừng lại, bởi vì đó là một hành động thô lỗ theo cách hiểu chung của xã hội. Thế nhưng, khi bạn bè bấm điện thoại trong lúc đang nói chuyện, chúng ta thường khó lên tiếng hơn vì vẫn chưa có phép lịch sự chung về điều này. Sự thay đổi chỉ xuất hiện khi có những cuộc trao đổi nghiêm túc về vấn đề này, do đó hãy thẳng thắn thể hiện quan điểm của bạn.

Khi điều này lặp lại, hãy dùng nó như một chủ đề cho cuộc nói chuyện về thời điểm nào là thích hợp/không thích hợp để sử dụng điện thoại.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi đề cập đến việc sử dụng điện thoại của người đối diện, hãy lấy ví dụ từ những người xung quanh.

8. Luôn nhớ rằng mục tiêu của bạn là cảm thấy thoải mái

Nếu xóa bỏ các ứng dụng mạng xã hội khiến bạn cảm thấy tốt hơn thì quá tuyệt. Nếu không, hãy tải lại các ứng dụng này. Nói cách khác, thử nghiệm. Bạn không cố gắng để thay đổi một cách máy móc, mà là cố tìm ra những gì mình thích và không thích. Suy cho cùng, hãy để hành vi sử dụng điện thoại là hành vi có nhận thức.

9. Biết cách chấp nhận sự bất toàn

Bạn sẽ không bao giờ có được một mối quan hệ hoàn hảo với điện thoại của mình. Chuyện đó không sao. Mục đích ở đây là có một cái nhìn rõ ràng về chuyện sử dụng điện thoại một cách lành mạnh là như thế nào và cố gắng khắc phục mỗi khi “ngựa quen đường cũ.” Nếu điều đó xảy ra, à không, khi điều đó xảy ra, đừng dằn vặt bản thân. Hãy hít một hơi thật sâu và tiếp tục tiến bước.

Tác giả: Catherine Price
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana
Illustration: Ryan Hubbard


 

📌 Aloha Volume 1-13

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Tôi muốn làm một con ong

0

Trong những giấc mộng vu vơ hào nhoáng nào đó, tôi đã từng muốn làm một người giàu có, một nữ hoàng quyến rũ, hay một nghệ sĩ tài ba tuyệt đỉnh vũ trụ với áng văn hoàn hảo xuất chúng. Nhưng cho đến một buổi chiều nọ, tôi phát hiện ra mình chỉ muốn làm một con ong. Quyết định ấy xảy ra vào khoảnh khắc tôi được tận mắt chứng kiến vẻ say sưa tuyệt vời của một chú ong béo múp khi chú ta đang hút mật trên những bông hoa màu đỏ rực.

Các bạn cứ hình dung rằng chú ong ấy mập mạp tròn trịa bằng một đầu ngón tay trỏ. Chú nhảy hết từ hoa này sang hoa nọ và úp mặt mình vào sâu từng cái nhụy như một đứa trẻ phàm ăn đang cố gắng liếm hết chỗ bột còn sót lại trong chiếc tô nhỏ. Dường như chú ong ấy không còn biết điều gì ngoài những sự ngọt ngào. Có lần mải hút mật quá, thân hình thì béo nặng, chú ta đã ngã ngửa ra vì nhánh hoa mẫu đơn lỏng lẻo bị rụng rời. Tôi chưa từng được chứng kiến điều gì đáng yêu mà giải trí đến vậy. Tất cả chỉ là một chú ong làm công việc thường ngày của mình.

Nhìn lại bản thân và mọi người xung quanh, tôi chợt nghĩ rằng tại sao con người chúng ta không tìm được hạnh phúc. Lúc nào cũng có vẻ bận rộn nhưng lại luôn căng thẳng những sợi dây thần kinh. Câu trả lời đơn giản vì con người đã đánh mất sự tập trung cao độ dành cho mỗi hoạt động, mỗi cử chỉ, mỗi ý lòng suy nghĩ. Khoảnh khắc đang diễn ra chỉ được âu yếm một cách nửa vời giả dối.

Du lịch cốt để thư giãn tận hưởng, nhưng chúng ta dùng để chạy đua chụp ảnh sống ảo cho bằng bạn bằng bè. Chỗ này chưa chiêm ngưỡng được quá nửa gang tay đã lồng lên chạy đến chỗ khác với cảnh trí khác dàn bày. Rốt cuộc, cái ta trải nghiệm chỉ duy nhất là việc chụp ảnh lặp đi lặp lại. Ta chưa từng biết cấu trúc một bông hoa tuyệt hảo cỡ nào, chưa từng được biết sự êm ái của bãi cỏ ra sao, chưa từng biết những ấm nóng của làn nắng mặt trời, chưa từng biết sướng vui của việc chạy nhảy cười đùa, hay việc ấp ôm một thân cây sần sùi cao lớn. Chúng ta dễ dàng cuồng điên theo trào lưu xã hội, nhưng chưa từng phát rồ vì vẻ đẹp của thiên nhiên thuần khiết, đến độ phải dùng chính cơ thể mình để xúc chạm, để tìm hiểu, để ngã lòng say đắm.

Gặp gỡ bạn bè cốt để gắn kết thân tình, trao đổi những buồn vui, những ý tưởng sắc màu. Nhưng ta chỉ đặt mông cùng trên một chiếc ghế và mỗi kẻ đưa sự chú ý của mình và màn hình điện thoại. Oke, chụp một tấm ảnh selfie cúng thần mạng xã hội. Rồi sao nữa, ta không biết, vì ta chẳng có ý tưởng quỷ quái nào ngoài chuyện hóng hớt với thiên hạ. Sự tập trung của ta được rèn luyện chỉ để dành cho công nghệ, cho những sự ồn ào tạm bợ. Ta không biết phải nói với nhau về chuyện gì, không biết phải chơi trò chơi gì với nhau.

Các bạn cứ thử nghĩ mà xem, chú ong béo kia có bao giờ chụp ảnh trước khi hút mật không, có bao giờ phải chỉn chu đôi cánh và cái bụng béo tròn trước khi đậu lên một nhành hoa không? Không. Toàn bộ sự chú ý của chú dành cho bông hoa và việc hút lấy tất cả những ngọt ngào như một sứ mệnh của cuộc đời. Dường như nếu để một cái gì đó chen vào, chú ta sẽ có một ngày thảm hại. Nên ta sẽ được chứng kiến sự say sưa và đắm chìm trong hiện tại của loài côn trùng bé nhỏ. Và tất cả mọi cử chỉ hay động tác đều trở nên hoàn hảo và đáng yêu đến lạ lùng. Thậm chí chú ong cũng chẳng quan tâm rằng có người đang ngắm nhìn mình hút mật. Và điều đó lại càng làm nên sức hút.

Tôi cho rằng con người ngày nay đang đánh mất đi sự tập trung cần thiết, thứ tương đương với độ hạnh phúc và hài lòng họ hằng ao ước. Nên khi tâm trí bị xao nhãng, chồng chéo bởi những đồ công nghệ, bởi những định kiến, ngại ngùng e sợ, người ta không sao mà tận hưởng thiên đường trần gian được. Họ phải làm đủ trò để kích thích bộ não sao cho mình được đầy vui vẻ, thú vị.

Đã nhìn một cảnh núi rừng xanh ngắt rồi, họ đòi nhìn thấy thêm biển cả mênh mông, nhìn thấy thêm mây trời hoành tráng. Gì cũng được, miễn sao là phải tăng đô lên cho vừa với những kỳ vọng, những kích thích sướng vui rằng “có cái gì đó hay lắm.” Nhưng thực ra bên trong con người họ chẳng có gì: họ không có sự tập trung, không có ý thức, không có sự sâu sắc, không có bình yên, không có thỏa mãn.

Họ không thể vùi mặt mình vào một cảnh sắc bất kỳ với sự tò mò khôn xiết, không thể “hút” được những tinh túy ngọt ngào của thực tại họ đang tiếp xúc. Và thử hỏi xem khi họ lâm vào nghịch cảnh thì thế nào? Chẳng có gì cứu vớt được họ cả vì họ chẳng biết cách nào để tiếp xúc với những thứ “bẩn thỉu” và “rác rưởi” này. Họ không được dạy làm sao để khoe một đống c*t của mình lên mạng xã hội.

Nói đến đây tôi chợt nhớ đến lời bài hát kinh điển thập niên 60 “The sound of silence” đã diễn tả rất chính xác thực trạng của con người ngày nay.

“Ten thousand people, maybe more
People talking without speaking
People hearing without listening
People writing songs that voices never share.”

Nếu bây giờ các bạn trở thành một con ong, và cuộc đời này là một bông hoa quyến rũ thì sao? Bạn sẽ làm tròn bổn phận của mình là hút mật chứ? Sẽ tung cánh và chui ngập vào bông hoa đời kia chứ? Tôi dám cá rằng kiểu gì bạn cũng chạm tới được những ngọt ngào mà cuộc đời dung chứa. Đây không chỉ là một bài học, nó còn là ân sủng của đất trời với phần thưởng là chính bạn cũng tự nhiên trở nên đáng yêu và hấp dẫn. Sự tập trung cao độ của bạn tạo ra một mãnh lực thu hút sự chú ý của người khác. Bạn không cần phải ồn ào khoe khoang, múa gậy vườn hoang các kiểu mà người ta vẫn nhìn thấy bạn, vẫn mến yêu bạn. Vì sự tập trung bạn vừa kiến tạo đã làm rung lên những tốt lành tương đương trong lòng người.

Nghĩ về chú ong béo đó, tôi chợt nhận ra rằng người thầy vĩ đại nhất mà con người cần học hỏi là thiên nhiên chứ không nhất thiết phải là bậc guru giác ngộ nào xa xôi cả. Nếu bạn không có được sự tập trung cao độ như chú ong đó, bạn sẽ không hiểu gì về bổn phận con người, không hiểu gì về những ngọt ngào của cuộc đời. Thế giới của bạn sẽ luôn diễn ra trong cảnh tượng bị cắt ngang, giằng co, mâu thuẫn và xung đột. Tất nhiên khi đó, đắng cay ê chề sẽ là mùi vị của thế giới ấy.

Tóm lại, đừng hỏi tại sao mình không tìm thấy hạnh phúc. Hãy tự hỏi rằng mình đang là một con ong hay là một kẻ xem hoa từ trên lưng ngựa.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Myriams-Fotos


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-13

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Tạp chí Aloha Volume 13

Chào cả nhà,

Sau một khoảng thời gian chờ đợi hơi lâu hơn so với dự kiến [chúng tôi thành thật cáo lỗi và mong mọi người thông cảm (có thể bằng cách nghĩ rằng sự việc bị trì hoãn cũng thường hay xảy ra vd như trong game, phim, máy bay…)] thì tạp chí Aloha volume 13 hôm nay (16/8/2019) cũng đã được chính thức xuất bản. Và cũng vẫn như trước là sau 2 tuần ra một volume thì volume 14 chắc chắn 100% cũng sẽ được đưa vào quy trình xuất bản vào thứ 6 tuần sau nữa (30/8/2019) (có nghĩa là ban quản trị THĐP không được nghỉ hè nữa! 😢)

Volume 13 lần này cũng đặc biệt đánh dấu sự ra mắt của chương đầu tiên của tiểu thuyết được mang tên Lên Đà Lạt (Vũ Thanh Hòa tác giả), nội dung tiểu thuyết kể về những câu chuyện đằng sau Triết Học Đường Phố, nói cho rõ hơn là về mối quan hệ có thực giữa tác giả và người sáng lập ra THĐP. Nghe có vẻ thú vị. Nói chung là bảo đảm hay ho hấp dẫn! Nói chung cứ đọc rồi sẽ biết, không cần dài dòng nữa. Nếu chưa có membership để đọc tạp chí thì đăng ký mua tại ➡️ http://bit.ly/THDPmembership.

Untitled

Nội dung volume 13

  1. [Hỏi-Đáp] Làm sao để thay đổi người khác?
  2. [Bài dịch] Hỏi đáp giữa Yaksha và Yudhisthira trong đại sử thi Mahabharata
  3. [Tiểu thuyết dã sử] Người chém cá kình – Hồi 13 | Hai Le
  4. [Bài dịch] Tại sao bạn vẫn làm bạn với những người bạn ghét
  5. [Truyện dài] Lên Đà Lạt – Chương 1, LSD và anh | Vũ Thanh Hòa
  6. [Bài dịch] Tập thể dục cũng là cách rèn luyện não bộ hiệu quả
  7. [Truyện ngắn] Cô bé Hạt Tiêu – Quyển 2, Tập 13 – Hạt Tiêu đi chợ | Vũ Thanh Hòa
  8. [Truyện dài] Tuổi trẻ cô đơn – Chương 18-19 | Ni Chi
  9. [Thơ dài] Thiên đường trần gian – Phần 13 | Vũ Thanh Hòa

🍀 Volume 1-12

🍀 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314

Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

🍀 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

69164928_2440494719517537_7977123478476161024_o

68897323_2440495352850807_6766935598658748416_o

68738165_2440495769517432_7642607012869570560_n

Bầu bạn với cái chết

0

Đã bao giờ các bạn đối diện với cái chết, đơn giản bằng cách quán tưởng về nó. Tôi thì làm việc này thường xuyên, cho đến lúc nó trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên vậy. Đặc biệt trong những lúc tỉnh táo cao độ thì cảm giác thần chết đang đứng sát vai mình càng rõ ràng. Tất nhiên, không phải một bộ xương khoác áo choàng đen và cầm lưỡi hái sắc nhọn. Nó chỉ đơn giản là cảm giác về sự kết thúc hiện tại có thể diễn ra ngay bây giờ, toàn bộ sinh lực của tôi được dồn vào khoảnh khắc cuối cùng ấy. Lần nào tôi cũng thấy choáng ngợp.

Có thể bạn sẽ thấy chuyện quán tưởng về cái chết này khá rùng rợn, điên khùng hay dị hợm. Nhưng cá nhân tôi chưa từng thấy cảm giác tiêu cực nào về nó. Chưa kể rằng việc quán tưởng này giúp tôi trải nghiệm giây phút hiện tại sâu sắc hơn, tôi nhận ra sự vô thường của thế giới và ảo tưởng về vùng an toàn của con người. (Không phải lúc nào tôi cũng duy trì được mức nhận thức này, nhưng tôi biết mình có thể rèn luyện để song hành cùng nó nhiều hơn nữa.)

Tôi gặp 10 người thì có tới 9 người có kế hoạch cho cuộc đời họ, 3 năm sau sẽ thế nào, 5 năm nữa sẽ ở đâu, họ sẽ lấy ai, sẽ đặt tên cho đứa con thứ nhất là gì, v.v… Họ tính thế này, tính thế kia, rồi mâu thuẫn, rồi trằn trọc lo lắng hàng đêm và cần người gỡ rối.

Nghe chuyện như vậy, tôi lấy làm ngạc nhiên khi người ta có thể chắc chắn về tương lai dài hạn ấy như đinh đóng cột. Vì đối với tôi, ngày hôm sau, thậm chí là buổi chiều nay thôi sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn là một ẩn số, chứ chưa nói gì đến một tháng hay một năm sau nữa. Có cả tỷ biến cố ở ngoài kia mà con người không thể nhìn thấu. Vậy lấy cớ gì để họ chắc chắn về cái kế hoạch hoành tráng ấy? Họ đánh mất niềm vui trong hiện tại chỉ vì những thứ chẳng biết có xảy ra hay không. Họ lên mọi kế hoạch, nhưng chừa ra kế hoạch cho cái chết của mình.

Khi tôi đang đi tung tăng trên đường đến tiệm phở, thì bùm, một dây thần kinh tim của tôi có thể nổi hứng đình công bất kỳ lúc nào và đưa tôi về chầu ông vải. Khi tôi đang ngồi trong phòng gõ bàn phím máy tính ầm ầm thì có thể một quả thiên thạch nào đó sẽ rơi vào nóc nhà và cũng đưa tôi về miền miên viễn. Khi tôi đang tắm táp say sưa, bỗng nhiên tôi bị trượt chân té và va đầu vào tường, tôi cũng được lên thiên đường ngay tắp lự. Bạn hỏi tôi đã chuẩn bị gì cho cái chết bất thình lình chưa? Có chứ, tôi đã sống hết lòng.

Tôi đã từng được trải nghiệm cái chết trong lần đầu tiên sử dụng psychedelics. Dường như tất cả các lực ở trên đời kéo tôi về điểm tận cùng ấy, trong khi tôi chưa hề chuẩn bị gì cả. Tôi đã vô cùng hoảng sợ và nuối tiếc rất nhiều điều chưa làm trọn vẹn trong đời: nói một lời thương yêu với gia đình, viết những bài viết mình thấy tâm đắc, sửa soạn xây dựng một cuộc đời ý nghĩa, hay đơn giản là cảm thấy hài lòng về chính bản thân mình.

Đó là một trải nghiệm tôi không bao giờ quên. Và bây giờ, mỗi lần quán tưởng về cái chết, tôi thường tự hỏi mình rằng đã sống mãn nguyện chưa? Kỳ lạ rằng ngay khi tôi bắt đầu hỏi, tôi thấy mãn nguyện.

Tất nhiên, sự tồn tại của cái chết hay tính vô thường không có nghĩa rằng chúng ta không nên có một định hướng sống, một kế hoạch để thực hiện hay một ước mơ để theo đuổi trong đời. Ý nghĩa về sức mạnh tuyệt đối của cái chết là bạn biết những kế hoạch của mình có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào, và việc bạn cần làm là sẵn sàng uốn mình theo kế hoạch của vũ trụ. Tôi cho rằng đây mới thật sự là tầm nhìn mà ta cần có, không phải ở việc ngoan cố bám giữ từng chi tiết mình mường tượng, mà ở việc bình an với những vần xoay không hề báo trước.

die now

“Nếu bạn chết ngay bây giờ, bạn sẽ cảm thấy thế nào về cuộc đời mình?” — Chuck Palahniuk, Fight Club

Bạn có thể được nghe và thấy về cái chết đáng sợ, kinh hoàng trên các phương tiện truyền thông, trong sự khóc than đau đớn của những người trong tang lễ. Nhưng sự sợ hãi chỉ là thứ kéo bạn vào những trải nghiệm xa rời sự trong sáng và thuần khiết mà không mang đến một chút trí tuệ và tỉnh táo cần thiết nào.

📌 [THĐP Review] Tạng thư sống chết, Sogyal Rinpoche – Chết có phải là hết?

Ở dòng tu mật Tây Tạng, cái chết được đánh giá là khoảnh khắc quan trọng và huyền nhiệm của con người, là cửa ngõ đưa người đó tới sự giác ngộ, hòa nhập với cội nguồn bản thể. Những tu sĩ ở đây coi cái chết là sự khải hoàn, là khởi đầu cho một giai đoạn mới tốt đẹp hơn, là cơ hội của tiến hóa. Người ta chúc mừng ngày chết của bậc đạo sư, chứ không phải ngày sinh nhật của họ. Ngay đến cả huyền học phương Tây thể hiện trong bộ bài Tarot, có lá The Death cũng mang ý nghĩa là sự thay đổi, kết thúc và tái sinh. Đây là một tín hiệu đáng mừng hơn cả.

tarot-death

“Trong bảng mẫu tự, Ta là chữ A; còn trong các từ ghép, Ta là song từ. Ta cũng là thời gian vô tận và trong các đấng sáng tạo, Ta là Brahmā. Ta là cái chết tàn phá tất thảy và là nguyên lý sản sinh ra mọi thứ tiếp theo. Trong các ưu điểm của nữ giới, Ta là danh giá, may mắn, tài ăn nói, trí nhớ, trí thông minh, tính kiên trì và lòng nhẫn nại.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (10.33-34) (download miễn phí-THĐP Version)

Khi thâm nhập vào bản tính của cái chết bằng việc thường xuyên quán tưởng, bạn sẽ nhận thấy rằng uy lực của cái chết phủ trùm lên vạn vật. Bạn biết mọi thứ đều mang tuổi thọ của nó và chúng đều có thể kết thúc vào bất cứ lúc nào. Đạo Phật dùng chính sự vô thường làm thanh gươm để chém đứt dòng chảy vô minh, mở tung cánh cửa giác ngộ. Khi thấu hiểu được chân lý này, người tu sẽ trải nghiệm sự kiện màn u tối của nhận thức bị lâm vào cảnh đường cùng.

Chưa dừng lại ở đó, nếu biết rằng tất cả mọi thứ có thể tàn hoại, thì bạn có níu giữ nhà cửa, tiền bạc, danh tiếng, hay các mối quan hệ nữa không? Bạn có cay cú vì cái điện thoại xịn xò bị rớt vỡ không? Bạn có buồn đau vật vã vì đánh mất người thương yêu không? Chắc chắn là không, vì bạn đã “biết” những sự kiện tan rã, mất mát này hiển nhiên sẽ xảy ra, chỉ là dưới hình thức gì và vào lúc nào mà thôi.

Tóm lại, tôi chỉ muốn nói rằng cái chết không hề là một điều ghê gớm đáng sợ, mà nó là bậc thầy sẽ mang lại cho con người nguồn một nhận thức sâu sắc. Vì khi nó hiện diện, những điều tạm bợ, yếu kém, lung lay sẽ bị hủy diệt không thương tiếc, bao gồm ảo tưởng về danh tính, sự an toàn, sự tư hữu cá nhân, những nỗi bất an, lo lắng hay giận dữ. Nó sẽ làm hiển lộ ra những giá trị trường cửu là sự bao dung từ ái và khả năng an trú trong hiện tại – những giá trị cần thiết nhất đối với hạnh phúc của con người. Phải chăng, chúng ta nên bầu bạn với cái chết nhiều hơn, để nhận ra rằng đâu đích thực là sự sống?

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: arvndvisual


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

1

Có lẽ các bạn cũng không còn xa lạ gì với thành ngữ dân gian Việt Nam “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.” Tôi để ý thấy người ta hay thốt ra nó để mỉa mai một ai đó thấp kém, đồng thời để tôn mình lên, hay để cảm thán cho một trường hợp không may xảy ra cho con người. Cá nhân tôi cho rằng câu nói này còn mang nhiều giá trị hơn thế.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” tức là trâu tìm đến trâu, ngựa tìm đến ngựa. Tính chất loại nào sẽ thu hút chính loại nấy dù chúng ở trong những hình hài khác nhau. Chúng thuộc về cùng một tập đoàn, hội nhóm và cùng chung một định mệnh. Khi sống, bạn không thể thay đổi quy luật này, bạn chỉ có thể nắm bắt và vận dụng nó ở mức độ nào đó mà thôi.

📌 Luật hấp dẫn: Đi theo tần số, không đi theo đối tượng

Tôi tin rằng mọi thứ đều là năng lượng và chúng phân lớp (layers) theo các tần số khác nhau giống như vô vàn con sóng trong một đại dương bất tận.

Ngày xưa khi học môn Khoa học viễn thám, sinh viên chúng tôi được học cách thiết lập một bản đồ khu vực từ nhiều layer khác nhau bao gồm: đường xá, sông ngòi, nhà cửa, đồi núi, v.v… Mỗi layer đó được vẽ trực diện lên một bìa kính mỏng trong suốt. Và khi chồng tất cả những tấm bìa lên nhau, ta sẽ thu được bản đồ địa hình của nơi đó.

Khi để ý kỹ hơn, ta có thể thấy việc phân tầng mọi thứ diễn ra ở khắp nơi trong cuộc sống. Trong môn hội họa, các tác giả vẽ tranh cũng bằng việc chồng chất các lớp màu lên nhau, trong một công ty thì có các tầng chức vụ khác nhau, trong một tách trà có các lớp hương vị khác nhau, trong một bộ phim có các luồng diễn biến khác nhau, và trên cơ thể con người có các hệ thống cơ quan chức năng khác nhau.

Vậy giá trị của việc hiểu biết về việc phân tầng năng lượng này là gì?

1. Chuyển hóa nhận thức

Khi bạn có thể thấy sự phân lớp của các hiện tượng, thì bạn sẽ đi đến một bước tiếp theo đó là liên kết các điểm chung của đối tượng này với đối tượng khác, tạo nên những góc nhìn mới. Điều này giống như bạn sẽ nếm được vị chua của màu vàng, hay vị ngọt của màu hồng. Bạn sẽ thấy những điều nằm ngoài tư duy bình thường, hay nói cách khác là các biên giới nhận thức của bạn bị đập vỡ, bạn gia nhập vào đại dương thông tin bất tận – thứ sẽ khiến nhận thức của bạn ngày càng trở nên linh hoạt (dễ uốn nắn) tùy thuộc vào mức độ bạn ngụp lặn trong đại dương ấy nhiều hay ít.

Ví dụ khi lỡ rơi vào một cơn giận, theo thói thường, bạn có thể sẽ đập phá đồ đạc, hay gân cổ lên tranh cãi. Nhưng khi có khả năng thấy được sự phân tầng của hiện tượng, bạn sẽ thấy cơn giận có quê hương ở đâu, bạn bè thân quyến của nó là gì, phạm vi tàn phá của nó là những vùng nào trên cơ thể, v.v… Khi ấy, bạn sẽ không muốn phá phách, chửi bới hay nhăn nhó nữa vì bạn biết chúng chính là những người anh em của giận dữ. Chúng không đơn thuần là phản ứng “đến sau” mà đồng thời là nguyên nhân khởi sinh lên sự nóng nảy. Nếu tỉnh táo, bạn sẽ từ chối tham gia vào vùng đất lửa ấy. Lúc này, các cơ hội bình yên khác được mở ra. Sự chú ý của bạn đổi hướng và cơn giận kia cũng được chuyển hóa.

2. Phát triển niềm tin

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” còn mang ý nghĩa rằng ở ngoài kia có vô tận các tầng lớp chồng chất lên nhau. Bạn sẽ thấy vô vàn các thực tại mình có thể nhúng chân vào. Lúc này, bạn không chỉ có sự lựa chọn lối sống mà còn nảy nở đức tin vào khả năng tốt đẹp nhất có thể xảy ra.

Tôi đã từng thấy những người tiếp cận với việc gì cũng chỉ nghĩ về tình huống xấu nhất, rồi đến khi tình huống xấu đó chẳng bao giờ xảy ra, hoặc có xảy ra thì họ cũng cười gượng trong đau khổ rằng “Ồ, tôi đã tiên đoán trúng phóc.” Nhưng khi đã phát triển được đức tin thì toàn bộ năng lượng của bạn hướng về những khả năng tốt đẹp nhất. Và bạn biết gì không, đức tin và những điều tuyệt vời luôn nằm cùng một layer.

photo_2019-08-08_18-55-06
“Nếu tôi rơi ngã thì sao?” Ôi, bạn yêu quý, nếu bạn bay lên thì sao?

3. Khẳng định trách nhiệm trong cuộc sống

Khi thấy được sự phân tầng của thực tại, bạn thấy được hệ quả và nguyên nhân của các hành động của bạn. Chúng nằm trên cùng một mặt phẳng. Bạn hiểu ra rằng chính những động thái khác nhau của bạn đưa rước bạn vào những nẻo đường khác nhau, thu hút những người bạn khác nhau. Và tương lai của bạn ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn lựa chọn nằm ở layer nào trong hiện tại.

Nếu bạn đang mắc viêm phổi vì hút thuốc lá 5 năm thì bạn cũng có thể tưởng tượng 5 năm sau nữa nếu bạn không chịu bỏ thuốc bạn sẽ bị viêm phổi của viêm phổi. Tức là bạn sẽ có nhiều thời gian ở dưới 5 tấc đất để tưởng tượng và đánh giá về vụ viêm phổi bình phương này.

Đa phần chúng ta hay đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho nền giáo dục, cho xã hội về việc bản thân trở nên tồi tệ, nhưng chẳng mấy ai dám tự nhận trách nhiệm về chính mình. Và khi không neo đậu được vào tự thân nên mỗi người chúng ta chẳng có sức nặng gì, chẳng để lại điều gì đáng giá cho đời, và cũng chẳng làm được gì nên hồn cho cuộc sống của chính mình. Tất cả những gì ta biết là hủy hoại mọi thứ có thể trong vô thức, kể cả bản thân. Bạn thật sự muốn sống một cuộc đời như thế?

4. Sáng tạo, tự do

Việc nhìn ra các tần số năng lượng ẩn sau các hiện tượng chính là nhìn ra được mối liên kết của những điều khác biệt tưởng chừng không liên quan. Bằng tầm nhìn này, bạn có thể đi tới những khả năng không ngờ nhất, không chỉ trong việc định hướng đời sống mà còn trong việc thi hành công việc, duy trì các mối quan hệ, sáng tạo, phát minh, v.v… Bạn vươn ra khỏi lập trình thông thường của con người về việc phải suy nghĩ, tiếp cận, phản ứng với thế giới như thế nào. Bạn sẽ không còn bị nô lệ vào sự giới hạn của các giác quan, không bị kiểm soát bởi truyền thông, văn hóa. Vì bạn đang nhìn vào cái lõi năng lượng của hiện tượng, không phải lớp vỏ màu mè chỉ dùng để đánh lạc hướng.

Luật hấp dẫn là một quy luật tự nhiên thánh thiêng, không phải trò chơi tâm lý rẻ tiền được thực hiện bằng lòng tham với đôi giờ ngồi tụng niệm những mong cầu. Để trải nghiệm được quy luật này, bạn phải tu thân tích đức, phải đưa tần số rung động của bạn về điểm tự nhiên tương đồng với luật. Còn không, bạn chỉ có thể học vẹt và máy móc áp dụng nó vào đời sống với niềm tin lủng lẳng như cái d*i bò. Tất nhiên, sẽ chẳng có gì thành tựu ở đó cả.

Ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất, nhưng không ai chịu đi tới mảnh đất ấy bằng việc đánh đổi những thứ tệ hại của mình, thay đổi lối tư duy cũ hay thói quen cũ kém lợi lạc. Đó là một sự mâu thuẫn mỉa mai chỉ càng khẳng định cái layer bao gồm sự chây ỳ, khờ dại và lười nhác của con người.

Sau khi đọc bài viết này, bạn có thể cất công tìm hiểu hay tu tập hay không là lựa chọn của bạn. Dù sao thì khi bạn chạm tới tột đỉnh thế gian hay rơi vào vực thẳm không lối thoát thì câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi như thế?” vẫn luôn là: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Hay nói đơn giản hơn, đó là: Bạn xứng đáng.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Gellinger


Giới thiệu về THĐP Deep Club (THĐP Online Ashram)

Sau hơn 2 năm hoạt động trở lại với nền tảng và mục đích tinh thần mới, THĐP đã thu hút được một số lượng người quan tâm nhất định. Đồng thời, chúng tôi đã dần nhận ra rằng trong thời đại này, không gì quý giá bằng hạnh phúc nội tại và trí tuệ tâm linh.

“Hỡi người chinh phục kẻ thù, sự hiến dâng trí tuệ thì tốt đẹp hơn bất kỳ loại hiến dâng vật chất nào khác. Vì đích đến của mọi hành động là trí tuệ tâm linh.” — Đức Krishna (Chí Tôn Ca 4:33)

Ở Việt Nam số người có thể chia sẻ những tri thức này cho cộng đồng là rất hiếm, hầu như cũng chỉ là những thông tin hời hợt cưỡi ngựa xem hoa. Vì nó là những nội dung không dành cho số đông vì họ không nhận ra được giá trị của nó, nên chúng tôi nghĩ rằng một sự phân loại cộng đồng độc giả để phục vụ riêng những kiến thức này là điều cần thiết hợp lý. Nhờ đó sự tương tác, kết nối, hấp thụ và truyền đạt thông tin được tập trung, tinh khiết, sâu rộng nhất có thể, và mang lại sự cộng hưởng nhận thức cho cả đôi bên (các admin THĐP và thành viên.)

Với những lý do như trên, THĐP quyết định thành lập một cộng đồng mới, có thu phí, có thể hiểu như một Ashram (Đạo xá) online, chỉ dành cho những fan cứng đích thực của THĐP, là những người có khao khát tìm hiểu bản chất của thực tại, khao khát trí tuệ, sự thật và sự thức tỉnh tâm linh một cách chân thành, nghiêm túc. Chúng tôi quyết định đặt tên cho nhóm này là: THĐP Deep Club.

Các chủ đề, nội dung có thể được chia sẻ, thảo luận trong Deep Club

Mỗi tháng sẽ có một chủ đề chính, chiếm hơn 75% nội dung trong tháng đó. Các chủ đề có thể bao gồm:

  • God (kinh sách Vệ-đà, thần học, triết học: Monism, Pantheism)
  • Sách (Chí Tôn Ca, Áo Nghĩa Thư, Kinh Thánh, Kỳ thư Kybalion, A Course in Miracles, The Law of One, The Way of the Superior Man, Neville Goddard, Abraham Hicks, Eckhart Tolle…) Chia sẻ Ebooks, tài liệu…
  • Luật hấp dẫn
  • Trí tuệ tâm linh
  • Tâm thức (Consciousness), Tâm trí, Bản ngã / Ego
  • Thiền định
  • Năng lượng, NoFap
  • Psychedelics
  • Huyền học (giấc mơ, ngôn ngữ biểu tượng, luân xa, Tarot, Thần số học,…)
  • Mối quan hệ âm dương (nam tính-nữ tính)
  • Manhood
  • Tâm lý học Carl Jung
  • Cryptos
  • Triết học Vệ-đà (Advaita Vedanta)
  • Triết học Phật giáo (Duy Thức, Kinh Pháp Cú bản dịch chuẩn)
  • Triết học vĩnh hằng (Hằng Pháp), Gnosticism, Hermeticism, Thông Thiên Học
  • Triết học Đông phương / Tây phương
  • Thần học (Thomas Aquinas, Meister Eckhart, Spinoza)
  • English (ngữ pháp, cấu trúc, từ vựng, dịch thuật…)
  • Videos
  • Quotes

“Có ánh sáng ở cuối đường hầm. Vấn đề là cái đường hầm đó nằm sau tâm trí của bạn. Và nếu bạn không đi đến đằng sau tâm trí của mình thì bạn sẽ không bao giờ thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm. Và một khi bạn đã thấy được nó, nhiệm vụ của bạn là đưa nó vào chính mình và người khác. Lan truyền nó như một thực tại. God đã không nghỉ ngơi, về hưu ở tầng trời mật độ 7, God là một châu lục đã bị thất lạc trong tâm trí con người.” — Terence McKenna

Tất nhiên những chủ đề này đều có mối liên hệ đến đời sống thường ngày, giải đáp mọi vướng mắc trong đời sống của một người. Ai nắm bắt được các thông tin này sẽ là người sống vượt thời gian, đi trước thời đại và có thể kiến tạo một cuộc đời linh động như mong ước. Ở đây, chúng tôi sẽ phục vụ những thông tin và tri thức tinh túy nhất mà bản thân đã thu thập, nếm trải trực tiếp cho các bạn (những nội dung này chưa từng và cũng sẽ không được chia sẻ công khai public, bởi chỉ có những người tầm Đạo chân chính, hoặc những người đã có được một mức độ nhận thức nhất định mới có thể hiểu được giá trị của nó.)

Khối lượng thông tin

THĐP sẽ dịch và viết các bài viết để chia sẻ tới những thành viên trong Deep Club. Tối thiểu mỗi tháng THĐP sẽ đăng tải một khối lượng thông tin bao gồm:

  • 30,000 chữ các bài dịch độc quyền (> 20 bài viết 1500 chữ, dự tính trung bình mỗi ngày sẽ dịch khoảng 1000 chữ).
  • 2 chương mới tiểu thuyết Lên Đà Lạt của Vũ Thanh Hòa (Hòa Taro) (mỗi chương ít nhất 2000 chữ) (tất cả những chương cũ trong Aloha magazine cũng sẽ được chia sẻ lại trong Club).
  • 2-4 bài viết về những chủ đề yêu thích từ Vũ Thanh Hòa (admin THĐP)
  • Chia sẻ từ các thành viên
  • Cuối tháng sẽ có tổng kết, thống kê các bài viết để mọi người biết rõ tiến độ Club
  • Mỗi tháng sẽ có một file zip tổng hợp lại các bài viết để những người vào sau có thể tiện download

Ưu điểm so với Aloha Magazine

  • Tương tác thảo luận trực tiếp với THĐP và các thành viên cùng chí hướng
  • Cập nhật thông tin, tri thức mỗi ngày
  • Được tham gia vào một cộng đồng tinh hoa
  • Có những trải nghiệm thực tế thú vị
  • Tiếp nhận những nội dung “mật truyền” chỉ có tại THĐP Deep Club
  • THĐP Deep Club là sự kết hợp những ưu điểm của Aloha magazine và THĐP Club hiện tại
  • (Khả năng) Membership Trọn Đời

Phí Membership THĐP Deep Club

  • Chỉ có một gói membership: 1,000,000 VNĐ / 1 người / 2 năm (tối thiểu)*
  • FREE, MIỄN PHÍ cho người nào mời được 4 người khác vào Deep Club
  • Tham gia theo nhóm: 4 người tham gia, người thứ 5 được miễn phí
  • Fan cứng hiện tại của page THĐP 2.0 hoặc Hòa Taro sẽ được giảm giá 25% (Bạn nào là fan cứng thì comment vào bài viết trên page để chúng tôi biết)

Điều lệ

  • *Nếu sau 2 năm THĐP vẫn tiếp tục duy trì Deep Club này thì những thành viên của Deep Club sẽ không cần phải đóng thêm phí. Có nghĩa là mặc dù chỉ bảo đảm hoạt động 2 năm, nhưng tiềm năng sẽ là TRỌN ĐỜI (LIFETIME MEMBERSHIP). Đam mê và sứ mệnh của ad Huy Yogi là dịch thuật và chia sẻ tri thức chân chính, anh đã làm việc này từ 2010 (bắt đầu với một cái page tên Khai Sáng, sau đó tới 2011 thì lập page THĐP 1.0), nếu sức khỏe vẫn cho phép thì không có lý do gì để dừng lại công việc này chỉ sau 2 năm.
  • Thành viên nào vi phạm các nội quy của group sẽ được các admin / mods nhắc nhở lần đầu tiên (+ tịnh khẩu 3-28 ngày). Lần thứ 2 tái phạm thì người đó sẽ bị loại khỏi group (không hoàn tiền) mà không cần thông báo hay giải thích.
  • THĐP Deep Club sẽ để cho mọi người có tự do ngôn luận, có nghĩa là những quan điểm trái chiều vẫn có thể được tồn tại. Tuy nhiên THĐP thường thì sẽ không tranh luận với những quan điểm đó, vì tranh luận là vô ích. Mục đích của những quan điểm trái chiều là để phân loại. Nếu một người đã không có duyên với một tư tưởng nào đó thì cứ để cho vạn sự tùy duyên. THĐP không thể bắt buộc ai phải nghe theo những ý tưởng, thông tin được chia sẻ.

MỤC LỤC TẤT CẢ NHỮNG BÀI ĐÃ ĐĂNG: HTTPS://BIT.LY/DEEPCLUB_INDEX

ĐĂNG KÝ THAM GIA: HTTPS://BIT.LY/DK_DEEPCLUB

[THĐP Translation™] Bạn đã bị thao túng bởi phần mềm như thế nào?

thdp translation 1

(Bài dịch được đăng tải trong Volume 6 tạp chí Aloha của THĐP, hiện đã xuất bản tới volume 12, mua đọc tại http://bit.ly/THDPmembership.)

Trong ngành thiết kế phần mềm, có một thuật ngữ gọi là trường hợp lý tưởng (happy path). Từ này diễn tả một viễn cảnh hoàn hảo nhất, trong đó khách hàng sử dụng phần mềm một cách chính xác như mong đợi, mà không gặp phải các sự cố ngoài dự đoán hay các vấn đề bất thường nào. Điều này bao gồm phần giao diện khi đăng ký, các bước cài đặt, v.v…

Đối với những người thiết kế phần mềm, “trường hợp lý tưởng” cũng là một công cụ tâm lý cực kỳ mạnh mẽ trong việc kiểm soát và thao túng hành vi người dùng.

Nếu điều trên khiến bạn ngạc nhiên và cảm thấy đôi chút sởn gai ốc, hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần bạn lướt qua một bản thỏa thuận cấp phép sử dụng phần mềm dài ngoằng và nhấn vào nút Đồng ý mà không hề xem qua.

Khi đó, bạn có suy nghĩ kĩ về những gì mình đang làm?

Có lẽ không. Và bạn không lẻ loi! Nghiên cứu chỉ ra rằng con người thường không muốn đưa ra quyết định trừ khi buộc phải làm điều đó. Như Smashing Magazine đã lý giải:

Để có một quyết định chính xác đòi hỏi nỗ lực. Thời gian, suy nghĩ và sự cân nhắc thường được đòi hỏi để xác định lựa chọn tốt nhất. Do đó chúng ta đặc biệt nhạy cảm (và không thích) với nỗ lực của việc đưa ra một lựa chọn yêu cầu.

Và vấn đề nằm ở đây.

* * *

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra một chuyện khác về trường hợp lý tưởng của phần mềm. Như những cử chỉ của một người chơi poker, họ tiết lộ những mục đích chính của công ty một cách tinh vi.

Do nắm được tâm lý của người dùng thường tránh né những quyết định khó, những người thiết kế đã tận dụng sự thụ động này và dẫn dắt khách hàng làm theo những gì họ muốn.

Chẳng hạn, khi bạn tải ứng dụng Facebook Messenger, sẽ có một thông báo khuyến khích liên tục cập nhật danh bạ từ điện thoại cá nhân vào dịch vụ. Điều này được thể hiện như một hình thức giúp bạn nhắn tin cho người ta nhanh hơn.

Capture1

Hãy thật kỹ nhìn vào màn hình trên. Không có nút từ chối nào cả! Bạn chỉ có 2 lựa chọn là Đồng ý Tìm hiểu thêm.

Và ai lại muốn đọc phần Tìm hiểu thêm khi đăng ký một ứng dụng trò chuyện? Gần như không một ai cả.

Tôi đoán rằng có ít nhất 80% người dùng Facebook nhấn vào nút Đồng ý và tiến hành các bước tiếp theo ngay lập tức. Thậm chí, trên màn hình còn có một mũi tên nhỏ nằm bên dưới và hướng về chữ Đồng ý, trong trường hợp bạn muốn đưa ra một quyết định khác tại thời điểm đó.

Nhưng giả sử bạn thuộc nhóm 20% còn lại chọn nút Tìm hiểu thêm. Bạn sẽ thấy một màn hình dễ thương như sau:

Capture2

Cuối cùng thì cũng xuất hiện nút từ chối ở trang này, chỉ bằng chữ (không được hiển thị với nút bấm màu xanh như lựa chọn đồng ý bật), nằm dưới phần nội dung soạn sẵn với ám chỉ bạn đã sai khi thắc mắc những chuyện này.

* * *

Còn gì nữa, những người thiết kế ứng dụng này đã cố tình không đề cập đến một chi tiết quan trọng: việc cập nhật liên tục các số điện thoại từ danh bạ giúp họ thu thập hàng tấn dữ liệu về những người thậm chí còn không sử dụng Facebook.

Nhấn vào nút Đồng ý chỉ là một quyết định vô cùng bình thường và được thực hiện chưa đến một giây.

Tuy nhiên, tác động mà nó gây ra thật sự lớn! Bạn đã hoàn toàn đồng ý gửi cho Facebook thông tin về tất cả những người bạn biết. Hãy tưởng tượng hiệu ứng mạng lưới của nó khi hàng triệu hay hàng tỉ người dùng cũng bấm vào nút OK trong nháy mắt.

Trường hợp lý tưởng này đang nuôi ăn con quái vật dữ liệu khổng lồ, có lẽ là nó có được những thông tin chi tiết về hầu hết mọi người trên trái đất. Và Facebook đã có dư không gian – tận hai trang màn hình! – để đề cập đến việc này.

Vậy tại sao họ đã không làm như vậy?

Bởi vì sự phát triển vô tận và thu thập thông tin là nền móng trong việc kinh doanh của họ và việc xâm nhập thông tin người dùng là điều cần thiết.

Họ cần bạn nuôi ăn con quái vật, và chắc chắn không muốn bạn nghĩ về điều này. Do đó, họ dùng những hình ảnh dễ thương và lén lút áp dụng trường hợp lý tưởng để đảm bảo rằng bạn được hưởng “an bình” trong vô minh.

* * *

Tất nhiên trường hợp lý tưởng cũng xuất hiện ở những công ty không có bất kỳ mục tiêu bất chính ẩn giấu nào.

Như khi bạn đăng ký tại Basecamp, chúng tôi sẽ không có bất kì chiêu trò hay thu thập bất kì thông tin nào hơn mức cần thiết cho việc thiết lập tài khoản.

Tuy nhiên, bởi vì đây là một công ty phần mềm vì lợi nhuận, và kết quả kinh doanh là một trong những yếu tố được xem xét khi chúng tôi tạo ra ứng dụng. Do đó, trong quá trình đăng ký, chúng tôi khuyến khích bạn đưa ra những lựa chọn mang lại cho bạn cơ hội thành công cao nhất, và (hy vọng) bạn sẽ trở thành khách đăng ký dịch vụ trả phí.

Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận minh bạch. Nếu đạt được thành công với Basecamp, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn với bạn, còn chúng tôi thì có thêm một khách hàng trả phí. Chúng tôi sẽ hỗ trợ và bảo mật thông tin cho bạn. Bạn trả phí cho chuyện đó. Hai bên đều hài lòng.

* * *

Sử dụng phần mềm vốn dĩ như một cái bắt tay thỏa thuận giữa bạn và nhà cung cấp dịch vụ. Nó cũng giống như chi trả cho một dịch vụ thông thường.

Vấn đề nằm ở chỗ có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nổi tiếng đang lạm dụng những cái bắt tay này bằng những cách ngày càng đê tiện. Họ xem khách hàng như là những con vịt đang ngồi – một bầy động vật ngốc nghếch đang chờ bị thu hoạch. Khi việc kinh doanh không thuận lợi, họ dùng thủ đoạn để tiếp tục đẩy doanh số.

Vậy, ở vị trí của khách hàng, chúng ta có thể làm gì?

Thứ nhất, hãy quan sát thật kỹ những mánh khóe của nhà cung cấp, đặc biệt là khi đăng ký một dịch vụ nào đó lần đầu tiên. Nếu bạn được yêu cầu chia sẻ thông tin cá nhân hoặc buộc phải thực hiện một điều gì đó gây khó chịu, rất có thể bạn đang bị sử dụng.

Thứ hai, đừng hấp tấp và cân nhắc thật kỹ lưỡng quyết định của mình. Khi đó, bạn sẽ phát hiện ra những điểm bất thường về dịch vụ mà bạn nghĩ là vô hại.

Thứ ba, hãy cẩn thận với những nền tảng phần mềm “miễn phí.” Dĩ nhiên, bạn không bị mất phí một cách trực tiếp. Thay vào đó, bạn phải cung cấp cho công ty đó một thứ gì khác mà họ có thể dùng để kiếm tiền – sự chú ý của bạn, thời gian hay thông tin cá nhân của bạn – tất cả những thứ này còn có giá trị lớn hơn cả tiền bạc.

Cuối cùng, hãy trả phí khi sử dụng phần mềm! Khi bạn trả tiền cho những người làm phần mềm là bạn đang ủng hộ họ, và họ sẽ hỗ trợ bạn ngược lại.

Ngày càng nhiều những công ty thiết kế phần mềm độc lập đứng lên và bảo vệ người dùng khỏi việc bị lạm dụng dữ liệu và sự thao túng. Gần đây, Feebin đã có những thay đổi đáng kể về mặt công nghệ để bảo vệ người dùng khỏi sự theo dõi từ những công ty như Facebook hay Twitter. Đó là một ví dụ tuyệt vời, và còn có nhiều công ty khác như vậy.
Hãy bỏ phiếu bằng ví của bạn, và ủng hộ những người thật sự muốn tốt cho bạn.

Tác giả: Jonas Downey
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana

Photo: The book of life


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

Suy ngẫm về loài người qua trò chơi Minecraft

Minecraft là một trong những trò chơi nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, đặc biệt là với những bạn trẻ 10x bởi sự sáng tạo, thú vị của nó. Tôi cũng từng nghiện Minecraft trước đây, và tôi đã có một hành trình dài theo Steve từ khi anh ta chẳng có gì, tới khi anh ta mặc trên mình một bộ giáp bằng kim cương để đi giết rồng, thậm chí tới khi anh ta xây dựng hẳn một dây chuyển máy móc phức tạp cho riêng mình, hay sở hữu công cụ ma thuật bá đạo (chỉ có trong modpack.)

Mặc dù tôi rất tự hào khi thấy nhân vật của mình thật quyền năng sau hàng trăm giờ chơi. Nhưng tới giờ nghĩ lại, nếu tôi được gặp bản thân Steve, có lẽ anh ta sẽ kêu với tôi anh ta thật khổ. Có lẽ anh ta sẽ nói rằng, đúng thật là lúc đầu anh ta rất khốn khó, phải chạy trốn bọn quái vật và có nguy cơ bị chết đói. Steve của hiện tại không ngán con quái vật nào, anh ta có thừa mứa thức ăn và anh ta còn sở hữu rất nhiều của cải quý báu. Nhưng có lẽ, anh ta sẽ nói rằng mình chưa bao giờ đòi hỏi điều đó. Có lẽ anh ta sẽ than thở rằng anh ta có thể tránh bọn quái vật bằng cách yên lặng ngủ vào ban đêm, anh ta có thể kiếm ăn chỉ bằng một cây kiếm, anh ta không cần tôi phải đưa anh ta đi tới những vùng đất nguy hiểm để tìm đồ, anh ta có lẽ cũng không cần chế tạo máy móc phức tạp chỉ để tự động sản xuất thức ăn. Có lẽ anh ta sẽ than rằng, sau cả một hành trình dài như thế, anh ta thật sự mệt mỏi.

Thật ngây ngô khi nói rằng Steve có thể đại diện cho loài người. Đúng là Minecraft mô phỏng rất nhiều thứ (thế giới tự nhiên và các phát minh của loài người), nhưng Steve lại chỉ có một mình, trong khi con người là sinh vật xã hội. Chúng ta không thể thấy ở Steve tính cách loài người, hay cách họ liên kết với nhau bằng chuyện thần thoại và chuyện phiếm, cách họ duy trì một xã hội hàng ngàn người, triệu người chỉ bằng những trật tự tưởng tưởng (vốn là sức mạnh khủng khiếp nhất của loài người). Nhưng từ Steve ta có thể thấy được nhiều thứ về họ.

Lúc đầu, Steve trắng tay vào đời, anh ta tìm gỗ và đá để làm công cụ, giết thú dạo trên đường đi và vặt quả trên cây, có thể tạm coi Steve là một Người Hái Lượm. Cuộc sống của Steve có thể hơi nguy hiểm và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nhưng hoàn toàn chính xác khi nói anh ta có thể sống tốt bằng cách này và thuận theo tự nhiên thì Steve lẽ ra chẳng cần thay đối.

Sau đó, Steve bất ngờ tìm thấy hạt giống khi đang vặt cỏ, và anh ta đã quyết định gieo trồng nó để có một sản lượng lúa mì ổn định. Có thể nói thời điểm Steve chế tạo ra cuốc và xô nước, một cuộc Cách Mạng Nông Nghiệp diễn ra biến Steve thành Nông Dân. Chắc chắn người chơi ai cũng đồng ý rằng Steve nên trở thành nông dân, và khả năng cao họ cũng đồng ý luôn rằng loài người trước kia cũng nên trở thành nông dân. Điều đáng nói là việc nhà nông của Steve trong game dễ hơn rất nhiều so với loài người trước kia.

minecraft

Nhiều nhà khảo cổ chỉ ra rằng, cuộc sống làm nông ở yên một chỗ vất vả hơn nhiều so với cuộc sống hái lượm di cư. Người nông dân với công cụ thô sơ phải cuốc đất, còng lưng bê những xô nước, xua đuổi thú và côn trùng, đói khổ khi có thiên tai. Tỉ lệ tử vong và suy dinh dưỡng ở thời kỳ này cũng rất cao. Khi cơ thể con người vốn thích nghi với cuộc sống hái lượm hơn là nông dân. Và một phần nữa là khi đi hái lượm, con người có thể tìm nhiều loại đồ ăn dinh dưỡng đa dạng hơn chứ không phải chỉ ăn lúa mì là chính. Hóa ra lúa mì đã sống tốt nhờ nhọc công của con người. Cách mạng nông nghiệp có thể là một cái bẫy đã đánh trúng con người. Nhưng điều này có vẻ không đúng với Steve, tuy nhiên, nếu nhà làm game yêu cầu Steve phải bắt sâu cho lúa, đuổi thú dữ, hoặc mất máu khi làm nông quá nhiều, có lẽ Steve sẽ phải suy nghĩ lại.

Sau khi thành một nông dân và no cái bụng, bất kể động lực của Steve là gì, anh vẫn muốn nhiều hơn. Steve bắt đầu chế tạo ra điện và máy móc (có trong modpack), một cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra trong căn nhà nhỏ của Steve. Steve lại cất công tìm đến những hang động tối tăm đầy quái vật để khai thác khoảng sản, đôi khi anh ta cho nổ luôn nó. Steve tạo ra các máy móc cốt để tự động sản xuất những thứ anh ta có thể kiếm được bằng tay, với số lượng lớn nhiều gấp hàng triệu lần lượng anh ta thật sự cần. Đôi khi, Steve cần rất nhiều, anh ta tạo ra một cái hố khổng lồ trên mặt đất, hay biến biển thành đá. Nhưng điều hài hước là, có vẻ Steve càng ngày càng nhọc công, anh ta đã mất công phá nát các hang động, rồi anh ta lại phải chế tạo máy móc, thiết lập chúng, rồi đảm bảo chúng hoạt động đúng cách. Có lúc tài sản Steve quá nhiều tới nỗi anh ta phải nhọc công thiết kế hệ thống để lưu trữ nó.

mine1

Nếu Steve nhìn lại, anh ta sẽ thấy một đống hổ lốn trông đẹp đẽ mà anh ta vất vả tạo ra, vốn đã vượt qua lượng anh cần từ rất lâu. Steve có thể cắt nghĩa đơn giản rằng anh ta không lường trước được hết hậu quả hành động của mình, chỉ vì muốn nhàn hạ hơn chút, anh ta đã phải tốn nhiều sức hơn để chế tạo và quản lý đống máy móc phức tạp này – thứ trong đời thực có thể phát nổ hoặc thải khí độc. Steve thậm chí sẽ còn phải lo lấp lại cái hố khổng lồ mà anh ta đã đào. Steve đã có thể dừng lại bất cứ khi nào, nhưng tóm lại, anh ta muốn nhiều hơn. Steve bắt đầu tìm đến ma thuật và chế tạo ra những thứ vũ khí rất mạnh để đi đồ sát các loài thú trong nhiều thế giới khác nhau, để hoàn thành nhiệm vụ và đạt thành tựu, thứ nói rằng anh ta thật thành công.

Đến cuối game, Steve hùng mạnh đã đánh bại rất nhiều quái vật và có nhiều công trình và của cải, cuốn sách nhiệm vụ của anh ta đã hết, và dĩ nhiên, người chơi sẽ bỏ anh ta. Steve có thể tự hào, hoặc không. Sau cả một hành trình dài và khó khăn, Steve đã đổ biết bao công sức, đạt hết thành tựu này đến thành tựu khác, nhưng anh ta có lẽ sẽ thấy thật trống rỗng. Bởi, những thứ anh ta tìm kiếm, suy cho cùng, không nằm trong tầm kiểm soát của anh ta. Dù Steve quyền năng thế nào, anh ta cũng không phải là Chúa hay nhà phát triển game, nên nếu Steve không may, mọi thứ Steve làm có thể sẽ mất.

Steve lập ra kế hoạch để chiếm lĩnh những thứ nằm ngoài anh ta, và anh ta tiêu tốn sinh mệnh và sức lực để duy trì nhiệm vụ đó, đi hết từ thời đại này qua thời đại khác. Anh ta luôn muốn nhiều hơn và tạo ra nhiều thứ để đặt bản thân vào, để thêm vất vả và không bao giờ thỏa mãn, anh ta có thể nói rằng đó là vì một tương lai tốt hơn, nhưng nhìn lại, có lẽ Steve đã nhầm.

mine2

Thứ duy nhất Steve kiểm soát được và sở hữu lại là chính bản thân mình, một bản thân đã có thể sống tốt nhờ việc giết thú dạo và vặt quả trên cây. Steve có quyền than với người chơi rằng anh ta thật sự mệt mỏi, lẽ ra anh ta nên là một người hái lượm, chứ không phải tiếp tục nhọc công cày ruộng, nối dây điện và giết quái. Steve sẽ nói rằng thế giới bên ngoài và những thành tựu đó quá nguy hiểm và không dành cho Steve, nó là của Chúa, bởi vì đơn giản Steve không thể làm gì được nó và không có trách nhiệm với nó. Steve sẽ nói bạn hãy để im cho anh ta tự do dạo chơi, chứ đừng bắt anh ta làm nhiệm vụ nữa. Đó là trong trường hợp, Steve không muốn nhiều hơn.

(Bài viết được tác giả gửi vào THĐP Club)

Tác giả: Nguyễn Trang Vinh
Ảnh minh họa: ew.com


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2