24 C
Nha Trang
Thứ tư, 23 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 323

Mùa Vu Lan của người đàn bà bán cá

Ai cũng có những lúc nhìn đất đen, dù ở đô thị những khoảng đất đen cũng khiến ai đó cảm thấy dơ bẩn. Một hôm, tôi nhìn thấy một khoảng đất đen, cái màu đen ngòm của đất trong chậu cây, rồi thân, rồi rễ cây đang bảo bọc một nụ hồng bé xíu.

Lúc này vẫn còn trong tiết Vu Lan, trời Sài gòn ít mưa và nắng luôn phủ tấm áo vàng chói chang. Tôi bỗng cảm nhận được đất đen đang gắng sức che chở nụ hồng bé nhỏ, cảm nhận từ đất đen đang có nguồn gió yếu ớt giữ mát cho nụ hoa.

Tôi sực nhớ đến một người đàn bà bán cá ở chợ quê. Ngày đó cũng mùa Vu Lan, hôm đó có một đoàn gia đình Phật tử vào chợ, một cô bé oanh vũ hồn nhiên đã hỏi bà bán cá về mẹ và lẹ tay cài lên ngực áo bà ba cũ nhàu của bà một nụ hồng bằng giấy.

Gương mặt bà lúc ấy vừa vui vừa ngượng, cánh tay dính đầy vảy cá của bà đưa lên quẹt đôi mắt. Trong một thoáng mùi cá tanh tưởi bốc lên, trong một thoáng tôi đồng thời nhận được ngọn gió mát và mùi tanh cá. Với phản ứng tự nhiên tôi cũng đưa cánh tay mình lên bịt mủi; còn cô bé oanh vũ thì bụm mủi, vô tư nói. ” Bà đừng bán cá nữa bà ơi, ác lắm! “

Xin lỗi anh chỉ là một con zombie

Zombie là cái bọn không có đầu óc, chắc là thế, vì tôi thấy chúng nó hay phải đi ăn não người khác.

Vì không có đầu óc, nên nó không nhận ra rằng mọi thứ luôn có sẵn xung quanh nó, hạnh phúc luôn ở bên cạnh mà nó cứ phải đi kiếm ở chỗ khác. Giống như con chó cứ cố cắn cái đuôi của nó.

Và từ nó không tỏa ra bất cứ niềm vui sống, hay sự hạnh phúc nào. Chỉ có một vài giây phút ngắn ngủi, thông qua đồ ăn, chất cồn, tình dục, hay một thứ ngoại cảnh nào đó, làm cho những lo lắng suy nghĩ của nó tạm lắng lại, thì nó mới tỏa ra một chút vui vẻ, một chút xíu của cái thứ hạnh phúc sâu thẳm vẫn luôn ở bên trong nó.

Nó không nhận ra rằng, giây phút mà nó từ bỏ mọi lo lắng, mọi suy nghĩ chìm đắm về quá khứ hay lo sợ về tương lai, thì lúc đó nó mới trở lại là chính nó, là một người thảnh thơi không có bất cứ điều gì phải lo, không có bất cứ điều gì phải sợ hãi. Lúc đó, từ nó mới tỏa ra một năng lượng bình yên và tinh khiết, lúc đó nó mới thành người, mới sống và từ đó có muốn làm gì thì mới làm được.

“Bỏ hết lo lắng thì bị thần kinh à? Tôi còn phải suy nghĩ về tương lai, tôi còn phải dằn vặt về quá khứ, tôi còn phải làm một tỉ thứ khác!”  Zombie gào lên.

Nó lo sợ tới mức, chỉ riêng cái suy nghĩ từ bỏ hết những suy nghĩ lo lắng cũng làm nó run lên vì kinh hãi. Nó sợ mọi thứ sẽ đi chệch đường, nó sợ trời sẽ sập xuống, đất nứt ra, mũi ngừng thở và tim ngừng đập. Cứ như thể là chuyện đó sẽ xảy ra thật.

Nó phải kiểm soát mọi thứ, nó phải đạt được cái này, kiếm được cái kia, phải có kế hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm. Nhưng mà than ôi, đến khi nhắm mắt xuôi tay nó mới nhận ra nó chưa từng sống một giây phút nào. Nó chỉ có 80 năm lo nghĩ và lập kế hoạch. Sự sống ngay đây thì nó không có sống bao giờ.

Nó không biết rằng, chỉ cần nó dừng tất cả lại, để dòng chảy của cuộc sống tự vận hành, và từ nó tỏa ra sự bình yên, yêu thương, thì mọi việc tự khắc sẽ đi vào đúng quỹ đạo của nó. Không có gì phải lo, cũng không có gì phải hối tiếc. Tất cả chúng ta đều đang chơi một trò chơi mà cuối cùng tất cả sẽ đều phải chết. Vậy lo cái gì, tính cái gì nữa đây?

Rồi nó nhìn một con người, và nó ước, giá như tôi được là người, có lẽ phải trải qua vô lượng kiếp tôi mới thành được người mất, rồi nó đúc một cái tượng hình người, mang lên bàn thờ và thờ, cúng bái ngày này qua ngày khác, hi vọng cái vị Người đó một ngày sẽ giúp nó thành người. À, nó cũng gọi cái vị Người đó bằng một vài danh từ phức tạp mà không tiện nêu ra ở đây.

Có vui không?

Tôi thấy zombie cũng rất là có khiếu hài hước đấy chứ.

 

Vương Quang Vũ

*Featured image: Plants vs. Zombies – PopCap

Nói với con trai chuẩn bị vào lớp một

Có lẽ, đó là sự kiện lớn nhất đời con. Từ ngày sinh con ra, với mẹ, gần như sự kiện gì cũng là lớn nhất. Ngày con gân cổ khóc oa oa mạnh mẽ khi bác sĩ đưa con ra khỏi bụng mẹ qua vệt mổ nhỏ ngổn ngang các mô da thịt còn đỏ tươi, hay ngày mẹ phải mím môi oà khóc, tay giữ chặt con để bác sĩ rạch miệng chiếc mụn nhọt dưới mông con khi con chưa tròn tháng. Ngày con ăn muỗng bột ngọt đầu tiên, con ăn hết sạch chén bột, mẹ mừng mà mắt lại lấm tấm nước. Rồi ngày dắt tay con dõng dạc trao cho cô giáo nhà trẻ, mẹ còn nhớ đã nói: thưa chàng trai, chàng đã sẵn sàng học nhà trẻ chưa?

Thấm thoát, đã sáu năm. Con lớn như cây, như cỏ. Những ngày làm việc miệt mài, mẹ về nhà và thấy có người đứng sau cánh cửa. Rồi mẹ biết, cuộc đời mẹ từ đây không lo phải tự mở cửa khi về nhà. Mẹ cũng biết, mẹ không phải lo nhức mỏi hay khát nước. Đã có con. Rồi mẹ cũng biết, mẹ có người lau nhà, rửa chén cho. Mẹ cũng biết, nếu mẹ buồn, chỉ cần nhìn sâu vào mắt con để thấy niềm vui lấp lánh từ nơi đó. Thỉnh thoảng, giữa đám đông, mẹ đưa mắt tìm con và hai mẹ con ta chào nhau bằng ánh mắt thôi, và một nụ cười mím chi nữa, “mẹ đây”, “con đây”!

Rồi tuần trước, khi đưa con đi dự bế giảng năm cuối cấp của lớp Lá, con tự nhiên ôm mẹ ở trên xe, nói là từ nay trở về sau mẹ cực lắm đó nha mẹ! Mẹ im lặng hồi lâu. Để thấm thía câu nói đó. Để tìm ý của con. Để biết lý do vì sao con nghĩ điều đó.

Cuối cùng, mẹ hỏi: Sao con nghĩ là mẹ sẽ cực lắm?

Con hồn nhiên trả lời: Con biết mà, mai mốt lên lớp Một, con học chữ nhiều là mẹ rất cực. Mẹ phải kiếm thêm nhiều tiền cho con học, đóng thêm nhiều tiền trường, còn phải kèm cho con học chữ nữa. Mẹ lo chuẩn bị tinh thần đi nha mẹ, ghê lắm á mẹ!

Mẹ lại yên lặng hồi lâu. Mẹ muốn hình dung ra sự ghê gớm đó. Nhưng nghĩ mãi mẹ vẫn không thấy đó là ghê gớm. À thì mẹ sẽ thức khuya chút nữa để viết thêm gì đấy. Mẹ sẽ nhận thêm việc gì đấy. Hoặc mẹ sẽ về sớm hơn thường lệ để học chữ cùng con, ngủ sớm cùng con và sau đó sẽ thức sớm hơn chút nữa. Đó không có gì ghê gớm với mẹ, vì những điều ghê gớm nhất, mẹ đã trải qua rồi!

Mẹ cười như không, nói là chời ơi hồi nhỏ, mẹ học lớp Một khoẻ re hà, mẹ tự đi học, đi bộ chung với các bạn, tự về nhà, tự học, mà mẹ cũng là học sinh giỏi đó thôi. Mẹ cũng là liên đội trưởng đó thôi. Trừ phi là mẹ viết chữ bôi mực ra đầy tay thì bị ngoại khẽ tay đau điếng, còn ngoài ra thì không sao hết! Mà học lớp Một dzui lắm á con!

Con trề môi ra, chời ơi dài dằng dặc. Con nói học lớp Một là phải rất rất nghiêm túc, không có chơi như hồi mẫu giáo đâu mẹ! Cô giáo con nói là lên lớo Một, lớn rồi, phải lo học hành nghiêm túc không thì ở lại lớp luôn đó!

Mẹ ừ, à. Mẹ để câu chuyện đấy. Hôm nay mẹ nói với con rõ hơn về chuyện vào học lớp Một đây.

Chàng trai đáng mến!

Lớp Một, đồng ý là con phải rất nghiêm túc. Nghĩa là con phải tự mặc đồng phục, tự rót nước uống khi khát, tự gọt bút chì khi bút mòn. Nghĩa là con phải tự xin lỗi bạn khi con sai, phải tự nắm tay bạn nếu con làm bạn buồn. Nghĩa là con phải tự viết lại những chữ con viết xấu, để cô và bạn nể trọng con, vì con không chấp nhận mình là chàng trai xoàng xĩnh.

Lớp Một, nghĩa là con biết nhắc mẹ khi còn cần dán nhãn tên vào vở, biết nhắc mẹ họp phụ huynh cho con khi có thư cô mời, biết viết vào vở những thông báo của cô. Lớp Một, nghĩa là con có thể đếm những sợi tóc của mẹ từ 1 đến 100 khi mẹ con ta nằm đọc sách dưới ánh nắng mai yếu ớt rọi vào từ cửa sổ. Lớp Một, có nghĩa là con có thể dùng điện thoại của mẹ để nhắn tin cho ba, cho bà ngoại và bà nội con. Lớp Một, nghĩa là ngoài việc rửa chén, quét nhà, pha café cho mẹ, con còn phải biết lau bàn, lau chùi góc học tập của con ở trường nữa.

Mẹ không nghĩ là lớp Một sẽ quá ghê gớm, vì mẹ không bắt con phải viết chữ đẹp như vở mẫu. Mẹ cũng không bắt con phải là học sinh giỏi nhất lớp,nhất khối, hay nhất trường. Mẹ không kỳ vọng con sẽ làm lớp trưởng, tổ trưởng hay liên đội trưởng như mẹ ngày xưa. Con biết không, áp lực trở thành người số một, người dẫn đầu, đã lấy đi hết tuổi thơ của mẹ. mẹ chỉ có chữ, chữ và chữ trong suốt tuổi thơ mình. Mẹ không nhớ được tên của những bạn học cùng lớp một, lớp năm, thậm chí lớp mười hai, thậmchí cả đại học. Mẹ không nhớ mẹ đã làm gì cho bạn vào sinh nhật bạn, cũng không nhớ đã tâm sự chuyện bí mật gì với ai. Mẹ đọc vanh vách cả tuyển tập thơ Tố Hữu dày cộm, đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy, đọc Trăm Năm Cô Đơn, đọc Quy Luật Của Muôn Đời. Mẹ đọc tất cả những thứ đấy khi chưa học xong lớp Năm. Nhưng mẹ chưa bao giờ nắm tay một người bạn để nói là mẹ sai. Mẹ đã không hoà đồng được với bạn vì mẹ nghĩ bạn không hiểu mẹ. Mà làm sao bạn hiểu mẹ được hả con, khi mẹ già hơn trước các bạn đâu đó chừng chục tuổi?

Nên lớp Một của con, mẹ tôn trọng con. Con hãy viết thứ chữ mà con thích nhất, đọc thứ chữ làm con thấy vui nhất. Con chỉ cần ngồi vào bàn học ở nhà, chiếc bàn có khắc tên con, mỗi ngày một tiếng đồng hồ, đều đặn. Đó là yêu cầu duy nhất của mẹ dành cho con. Phần con lại, mẹ con ta cùng cố gắng, phải không con?

Con không cần quá lo lắng vì chúng ta sẽ vẫn thức dậy lúc 5h sáng, sẽ cùng nhau chà răng và hát vang trong nhà tắm. Chúng ta sẽ cùng nhau chạy bộ theo kiểu rồng rắn lên mây trước khi về nhà và tắm. Chúng ta sẽ vẫn chở nhau đến trường, ngôi trường gần nhà mình, có cổng sơn xanh trắng đơn giản,thân thiện. Chúng ta sẽ cùng học bài mỗi tối, ôn lại những gì con học ngày hôm nay. Sau đó khi ngủ, mẹ sẽ thôi không laptop hay điện thoại nữa, mẹ sẽ nói với con về những điều cuộc đời dạy mẹ hôm nay, và hỏi con về những gì con học được. Chúng ta trao đổi lẫn nhau và dễ dàng cho mọi chuyện kế tiếp, nếu con cần lời khuyên, mẹ sẽ ở đó để nghe và nói. Nếu mẹ không về kịp vào giờ học của con, đã có chị Hai con, có ông ngoại con. Cả nhà sẽ cùng con vào lớp Một.

Chàng trai yêu quý! Hãy tận hưởng khoảnh khắc đầu tiên khi con bước vào cổng trường tiểu học. Hãy ngắm từng cánh phượng rực rỡ, ngắm từng chú chim sẻ nhảy nhót trên cây bàng. Hãy làm quen với cô, với bạn trai và bạn gái. Hãy nói, xin chào lớp Một, tớ tên là Ngô Gia!

 

Thơm Điệu Đà

*Featured image: Readynutrition

Tâm sự cùng các anh bạn già – Chống Độc Tài hay chống gì đây?

Trước giờ, toàn viết những lời tâm sự cho các bạn trẻ, từ những tư duy nhỏ bé riêng biệt như lòng lương thiện, sự tử tế, tri thức… cho đến những nhận thức lớn hơn chẳng hạn như các cách phân biệt về cá thể và hệ thống, những sự mục rữa trong xã hội xuất phát từ đâu… nhưng chẳng bao giờ tâm sự với các anh bạn già!

Với một số sự kiện có vẻ rất lớn vừa và đang xảy ra xuất phát từ vài anh bạn già, còn già hơn tôi nhiều, rồi những hưởng ứng, những phản biện xung quanh các sự kiện này, trong đó có tôi cũng tham gia phản biện như để cảnh tỉnh, nhưng có vẻ chẳng tới đâu, vì vậy, tôi thiết nghĩ, lâu lâu mình cũng nên viết một bài tâm sự với các anh bạn già liên quan đến các sự kiện này.

Vừa hy vọng như là một lời tâm sự để họ thức dậy, vừa cũng mong là một lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ vậy… vì cuối cùng mình đâu làm những chuyện “rỗi hơi” này cho những người già, nhất là những người già như cỡ tôi trở lên để làm chi… 

Hãy để những con ngỗng tiếp tục kêu

 Featured image: cinabrio

Có rất nhiều con ngỗng xung quanh chúng ta, và chúng kêu ngao ngao suốt ngày làm chúng ta phải nhức óc, và có đôi khi điều đó làm cho những người yếu đuối và thần kinh kém phải khuất phục, phải bỏ chạy…

Một người sống trong cuộc đời này chắc chắc sẽ bị các chú ngỗng bĩu môi về quá khứ của họ là điên khùng và đáng khinh khi hiện tại họ là một người thấp kém.

Cũng cùng một quá khứ đó, cùng một con người đó, nhưng giờ là con người giàu có và quyền lực, khi đó, người ta gọi quá khứ của anh ta là “quá khứ của thiên tài, là đặc biệt, là dị thường, là khác biệt”.

Đó là tất cả những gì con ngỗng đội lốt người có thể khen và chê, là tất cả những người vô công rồi nghề có thể làm, là tất cả những cá nhân không biết mình là ai với cái sở thích đi phán xét người khác.

Thế thì quá khứ nó chả có nghĩa lý gì cả! Ý tôi muốn nói là, không phải nó đã ko từng tồn tại hay không có gì hay ho, mà là nó chẳng có ý nghĩa gì để bây giờ người ta phán bạn là người thế này hay thế nọ.

Đừng bao giờ để những con ngỗng làm chúng ta ảnh hưởng, chúng ta có quyền không nghe con ngỗng kêu, hoặc phớt lờ tiếng kêu của những con ngỗng và đi theo hướng đi mà mình thích. Có đôi khi sẽ có những con ngỗng sẽ cản lối, nhưng chúng ta bước qua được, có gì khó khăn để chiến thắng một con ngỗng bằng cách xua đuổi nó đâu…

Ăn chơi nhất xóm thì sao, du côn nhất xóm thì sao, cúp học điện tử nhất xóm thì sao, hàng xóm xua đuổi không cho con họ chơi chung thì sao, học trường dân lập thì sao. Đó đơn giản là tôi, và giờ tôi hiểu mình là ai, còn họ đang luẩn quẩn với mớ bòng bông đầy những định kiến sai lầm do họ tạo nên. Quá đơn giản để hiểu! Họ quá khuôn mẫu, quá sai lầm, quá tự đại, còn tôi là dân bình thường học vụ, tay bóc cát, đầu đội nắng, ăn cắp 2 3 ngàn của mẹ đi chơi điện tử, haha.

Đời không hơn nhau ở chỗ làm theo những gì người khác bảo đúng, đời hơn nhau ở chỗ làm những gì bản thân mình thấy đúng. Đó là sự khác biệt, đó là ý nghĩa của một cá nhân, của một sự tồn tại…

Chúng ta không phải là công nhân của hệ thống xã hội này, chúng ta không phải là cỗ máy thuộc cái guồng máy, chúng ta không học thuộc lòng và nghe theo những gì kẻ khác nói, đó không phải là việc của chúng ta khi đổ bộ xuống hành tinh này. Kể cả trái đất này còn không có ý nghĩa gì với vũ trụ, thế thì một cỗ máy có ý nghĩa gì không?

Nhưng con người thì khác, con người có tâm tưởng, có thần kinh, có tình yêu thương, có suy ngẫm, có sự đặc biệt riêng, có trái tim…Con người có thể cực kỳ độc ác hoặc cực kỳ thánh thiện. Đó là lý do trái đất trở nên đẹp và thần kỳ. Không phải vì trái đất tự nó thần kỳ – trái đất vốn rất vô nghĩa, mà vì khi có sự xuất hiện của con người thì trái đất trở nên thần kỳ. Nhưng nếu như sự xuất hiện chỉ dừng lại ở việc bắt chước nhau, mâu thuẫn, xấu xa, nghi kỵ, ích kỷ, ganh gét, rập khuôn, a dua, xu nịnh, sợ hãi, thì tự nhiên trái đất cũng sẽ nên xấu quắc dần theo năm tháng mà thôi.

Tôi không biết là tôi và những người đi chung con đường với mình sẽ phải nói bao nhiêu tỷ lần nữa để người ta hiểu rằng: Con người không sinh ra để tầm thường, để tồn tại, để quá thực dụng, quá thực tế, chịu cay đắng, khắc nghiệt của cuộc sống như một con vật rồi trường sinh bất tử… Con người đổ bộ xuống hành tinh này để cho thế giới thấy cá nhân này có gì đẹp, để khoe ra, để lấp lánh như đom đóm ban đêm. Chúng ta, mỗi người tự lấp lánh, khi lấp khi lánh, khi sáng khi tối, tối là để sáng, để người ta thấy đẹp khi cái sáng xuất hiện. Thử tưởng tượng 1 dãy đèn ngoài đường phố đều sáng trưng và chả lấp lánh tí nào xem? Thật quá đơn điệu và tẻ nhạt.

Chúng ta lấp lánh, chúng ta rèn luyện trong tối và trở nên sáng, chúng ta có một quá trình sống khắc nghiệt tăm tối, chúng ta sẽ lấp lánh. Ai đó, người mà không bao giờ bị sống khắc nghiệt, đương nhiên họ không biết đầy đủ về 2 mặt của sáng và tối, và vì thế, dù là tuyệt vời nhất, họ cũng chỉ có thể sáng trưng mà thôi, họ không thể lấp lánh như người khác được…

Ai đó, những con ngỗng tiếp tục kêu ca, tiếp tục chê bai, tiếp tục vâng lời, tiếp tục cũ kỹ, tiếp tục khuôn mẫu, tiếp tục bảo thủ, hãy để những con ngỗng tiếp tục kêu ca…

Hãy nhớ, trái đất này không cần thêm ngỗng, con người hoàn toàn có thể nuôi và nhân giống chúng. Trái đất cần những con người thực sự để trở nên thần kỳ, đó là mục đích chính của việc con người đổ bộ lên hành tinh này…

-Lục Phong-

Dù gì, hãy thôi than vãn về cuộc sống này

Đã có hàng ngàn tỉ lý do để con người ta than vãn về cuộc sống này. Tôi thực sự mệt não và mỏi óc khi phải nghe người ta than vãn về cuộc đời này quá nhiều như bầy ong vò vẻ kêu suốt đêm dài trong khi tôi cố gắng chợp mắt một chút…

Vấn đề không phải ở lý do! Lý do luôn ở đó, khó khăn luôn ở đó, nó thậm chí còn có trước khi loài người xuất hiện nữa kìa. Nó như mẹ ta vậy, nó có trước ta, chúng ta sinh ra sau, mà cũng có thể là nó sinh ra ta không chừng. Mà con cái thì không có quyền gì cãi cha mẹ, hoặc là chấp nhận, hoặc là nhảy ra đời tự mưu sinh, đơn giản vậy thôi.

Sẽ vô ích khi chúng ta như một bầy ngỗng kêu ngoang ngoác, khi mà trái đất vẫn quay, khó khăn vẫn có, hiện tại vẫn là sự thực. Chúng ta là bầy ngan, bầy ngỗng, bầy gà hay bất cứ là một con vật gì đó có thể phát ra âm thanh nếu chúng ta tiếp tục than vãn. Nghe thì có vẻ hơi sỉ nhục, nhưng tôi quả thực là tức đến tận tím tê tái cả người khi thấy người ta không có lối thoát, tôi chỉ muốn dùng ngôn từ của mình như “quả đấm thép” đấm vào “não” của người đọc, để họ sáng mắt ra. Vũ lực thì không có gì hay ho, nhưng với tôi cũng không có gì là quy tắc, đôi khi nên đấm cho người ta thật đau, đấm nhừ xương, nhừ đòn thì miễn may có chút giá trị và trở thành bài học nhớ đời. 

Năm nay em 25

*Featured image: Apenasumadolescente

 

 

25 tuổi, ai đó đã nói với em rằng, đó là thời kỳ giao thoa để chuyển từ giai đoạn làm một người con gái sang một người phụ nữ. Có lẽ em cũng nhận ra điều đó, khi mà em nhận thấy rằng em không còn một cô gái ngây thơ với những suy nghĩ giản đơn cả về cuộc sống và về con người, không còn hồn nhiên, vô lo như trước nữa. Em bắt đầu nghĩ nhiều hơn về công việc, cuộc sống và tương lai. Cũng có đôi lần em thấy mình chông chênh trong mớ suy nghĩ hỗn độn ấy.

25 tuổi, em biết rằng mình phải đủ chín chắn trước những suy nghĩ và chững chạc trong từng hành động để tránh buông ra bất kỳ câu nói hay làm điều gì để tổn thương người khác.

25 tuổi, em biết mình phải đủ tỉnh táo và khôn ngoan để không phải phản ứng bộc trực trước những lời dè sẻn mình.

25 tuổi, tự dưng em thấy mình không còn vô tư vui mừng trước những lời khen của ai đó dành cho mình. Em trở nên e dè và thận trọng hơn. Bởi em biết rằng không phải bất cứ lời khen nào cũng xuất phát từ tâm người khen, và đôi khi em sợ “mật ngọt chết ruồi”.

25 tuổi, trải qua nhiều va vấp, em thấy mình chín chắn hơn trong việc nhìn nhận và đánh giá một vấn đề, một con người.

25 tuổi, chứng kiến nhiều biến cố đến với những người thân yêu và với chính bản thân em. Đủ để em nhận ra rằng, điều gì là đáng quý và đáng để em trân trọng nhất trong cuộc sống của em. Mỗi ngày, em biết trân trọng thêm những giây phút được bình an, khỏe mạnh và vui vẻ bên cạnh những người thân của mình và học cách yêu thương bản thân hơn.

25 tuổi, đã bao người đến và đi ngang cuộc đời em. Nhưng em không bao giờ hờn trách bất cứ ai. Ngược lại, em càng thêm cảm ơn họ vì em biết rằng chính họ đã dạy cho em cách hiểu về con người em hơn, giúp em nhận ra rằng đâu mới là tình cảm chân thành dành cho mình và giúp em trân trọng tất cả những con người hiện tại, tình cảm hiện tại hơn. Em đã biết chấp nhận hơn những sự ra đi, nhưng sự đỗ vỡ của những mối quan hệ như lẽ vô thường của cuộc sống.

25 tuổi, em cũng đã thôi mơ về chuyện tình đẹp như mơ của hoàng tử và công chúa. Em vẫn trân trọng những cảm xúc đầu tiên, nhưng đã thôi ngốc nghếch những đứa con gái 18 tuổi tin vào tình yêu sét đánh và những yêu thương chống chếnh của ai đó dành cho mình.

25 tuổi, em vẫn tin và vẫn chờ đợi một tình cảm chân thành, một bờ vai vững chãi đủ để em tin cậy dựa vào suốt đời.

25 tuổi, em đã biết cách tự ru lòng mình, bình yên hơn sau những “cơn bão lòng”. 25 tuổi có đôi lúc em thấy cuộc sống thật nghiệt ngã với em, có những lúc em thấy mọi thứ thật tồi tệ nhưng những lúc như thế em lại tìm về với những giây phút bình yên. Với em bây giờ bình yên đơn giản lắm. Chỉ là đôi khi những buổi sáng thức dậy, được ngắm mặt trời lên qua song cửa sổ, cảm nhận mình đang căng tràn năng lượng để đón một ngày mới đầy tươi đẹp. Hay là những buổi cà phê tĩnh lặng cuối tuần.

25 tuổi, em đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc với những chuyến đi tình nguyện. Để rồi trong những chuyến đi đến với bà con vùng xa và những mảnh đời cơ cực ấy, những nụ cười em trao đi và cả những giọt nước mắt rơi xuống vì những xúc cảm vỡ òa, đủ làm em thấy mình ấm lòng và hạnh phúc hơn với những gì mình đang gửi trao. Để rồi sau những chuyến đi, em dặn mình phải sống có trách nhiệm hơn, biết trân trọng cuộc sống của mình và hơn cả là biết san sẻ và yêu thương nhiều hơn.

25 tuổi, em mê tít những trải nghiệm, những chuyến đi khám phá dải đất hình chữ S này và “liều” hơn. Bởi lẽ em hiểu rằng, em còn sức khỏe, còn đủ sức trẻ, để có thể vác ba lô lên đi và trải nghiệm những điều đó. Và hơn hết, em hiểu rằng chính những chuyến đi đó sẽ cho em những trải nghiệm tuyệt vời, những bài học cuộc sống để em làm hành trang bước vào đời mà không ai, không trường học nào có thể dạy em điều đó.

25 tuổi, em biết rằng mình cũng không còn trẻ để cứ ngông cuồng, nhưng cũng chưa “già” để cứ mãi xoay cuồng với vòng xoay của cuộc sống. Em vẫn còn sức trẻ để có thể làm những điều mình thích, đi đến những nơi mình muốn đến, và trải nghiệm những điều mới mẻ.

25 tuổi, em luôn vẫn căng tràn sức sống và luôn tự tin để hướng về phía trước. 25 tuổi, em đang sống một cuộc sống đáng trân trọng và một tuổi trẻ đầy sôi động.

Hoàng Phương

5 việc nên làm của một đời người

1. Đọc kỹ một cuốn sách

Những quyển sách, nhất là sách hay có rất nhiều ẩn ý trong đó. Việc đọc lại vài lần sẽ giúp cho bạn lĩnh hội trọn vẹn được ý mà tác giả muốn chuyển tải. Có thể phải đọc tới 10 quyển sách, bạn mới tìm được quyển ưng ý, hợp với mình. Nhưng hãy vẫn cứ đọc, rồi bạn sẽ tìm được. Có lần tôi mua 9 quyển sách về tâm linh, về nhà đọc kỹ thì có 2 quyển hay, đó là “An lạc từng bước chân ” của thầy Thích Nhất Hạnh và “ Trang Tử tâm đắc ” của Yu Dan . Tôi vẫn thường đọc lại, suy ngẫm từ đó rút ra bài học cho mình.

2. Học cho giỏi một nghề

Có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” Giỏi một nghề sẽ giúp bạn nuôi sống bản thân và gia đình. Thường thì, chỉ khi tạm đủ về vật chất, người ta mới nghĩ đến nhu cầu cao hơn đó là giải trí và tâm linh. Người hạnh phúc nhất không phải người giàu có nhất, cũng không phải người nghèo nhất. Mà đó chính là người có vừa đủ và vui với cái đủ của mình. Mong rằng ai cũng sẽ chọn được nghề mà vừa lợi mình, vừa lợi người. Chọn được nghề đó là tối ưu nhất. Có thể nghề mà bạn chọn thu nhập không cao, nhưng nếu nó có ích cho mọi người thì suốt đời bạn được thanh thản.

3. Xây dựng một gia đình hoà thuận

Gia đình có hạnh phúc thì nói rộng ra đất nước mới thanh bình được. Việc làm cho cả đất nước hoà bình, an ổn có vẻ hơi xa xôi. Nhưng việc xây dựng gia đình hoà thuận thì hoàn toàn có thể làm được. Trong ứng xử, quan trọng nhất là yêu thương, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Có được ba điều này thì gia đình luôn hạnh phúc. Mà để có được thì mỗi thành viên cần cởi mở, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình.

4. Luôn mang những tình cảm tốt đẹp trong lòng

Đây là món quà mà bạn có thể mang đến cho cuộc sống này. Ai cũng nên có một chút tha thứ, thông cảm, giúp đỡ đối với hàng xóm, cộng đồng. Được như vậy thì ai ai cũng quý mến mình. Đi đâu cũng được chào đón, che chở.

5. Làm một người lương thiện

Đừng thấy một việc thiện nhỏ mà không làm, thấy một việc ác nhỏ mà không tránh. Luôn ý thức như vậy thì sẽ luôn là một người lương thiện. Luôn suy nghĩ kỹ trước khi hành động, xem việc mình làm lợi, hại ra sao ? Có như vậy mới tránh được sai lầm. Như vậy thì cả đời tạo phúc, sống trọn tuổi trời ban.

Tác giả: Minh Tâm Cư Sĩ

*Featured Image: leovalente 

Hãy cho nhau những dấu cộng trong cuộc đời mỗi người – Phần 1

*Featured image: Cosmeticated

 

Cuộc sống xô bồ lắm. Hãy cố gắng chia sẻ những dấu cộng trong cuộc đời mỗi người, cũng như cố gắng tìm những điều cộng được trong dấu trừ để thăng bằng bản thân và mang niềm vui cho người khác.

Câu nói của chị em con Lê như mọc chân, dí nó chạy chí chết. Nó chạy. Và chạy. Chạy quên trời quên đất. Tất nhiên, nó phải đâm vào một cái gì đó. Mọi thứ lăn uỳnh uỳnh. Đau quá. Nó lồm cồm bò dậy, nhìn vào “cái gì đó” mà nó đã va vào.

Thằng nhỏ. Thì đó là một thàng nhỏ mà. Cũng đang ngồi lên, dựa vào cái cột điện, ngó nó thất thần bằng cặp mắt to ngạc nhiên trên khuôn mặt gầy gò, đen trùi trũi, rồi uể oải sửa lại cái nón để ngửa trước mặt. Một cái nón. Để kêu gọi lòng từ bi của “ông qua bà lại”. Chợt thấy mình có lỗi và hậu đậu quá chừng, đưa tay lục túi, chỉ có mấy cây kẹo, nó lẳng lặng để kẹo vào nón rồi lững thững đi. Thằng nhỏ chẳng buồn nói gì với nó.

Buổi sáng mùa hè, nắng chưa ruộm vàng như mật bánh nhưng trời trong, dễ chịu. Nó thơ thẩn một hồi cũng bớt buồn. Loành quành sao lại quay về chỗ cột điện. Giờ thì không nén nổi tò mò, chỉ tay vào người thiếu phụ vừa đi (mà lúc nãy chưa kịp thấy), nó hỏi thằng nhỏ:

– Má mày đó hả?
– Ừa!
– Phải Má đẻ ra mày hông ? Thằng nhỏ trợn mắt:
– Là sao? Mày hỏi gì kỳ dậy?
– Ờ thì…. phải hông ?

Tự nhiên thằng nhỏ phân vân:

– Để tao hỏi Má tao đã nghen!
– Mày hỏi đi, mai tao ra nghen!

Ánh mắt buồn bã lúc đầu và nụ cười hiền lành khi chia tay của thằng nhỏ, không hiểu sao làm nó vui lên nhiều. Tối đó nó ngủ sớm. Không biết mơ thấy gì mà miệng cười nhưng nước mắt chảy tràn xuống gối.

– Thì Má đẻ ra tao chớ ai!

Dĩ nhiên là thằng nhỏ ăn xin trả lời như vậy. Nó gật đầu, mắt cay cay nhìn xuống mũi giày. Thằng nhỏ lom lom nhìn nó, đột ngột hỏi:

– Mày hông có Má hả?

Nó lắc đầu với dòng suy nghĩ riêng tư. Thằng nhỏ tưởng nó trả lời, hỏi lại:

– Không có Má làm sao có mày, Má tao nói dậy đó.

Nó vẫn nhìn mũi giày.

– Hay mày là con mồ côi?

Mắt nó đã đầy nước.

– Con mồ côi làm gì có kẹo lại quần áo sạch sẽ như mày.

Giọt nước rớt xuống mũi giày. Nó quay lưng chạy về nhà. Để lại thằng nhỏ ngẩn ngơ hối hận vì những câu hỏi chẳng có gì sai.

Nhịn tiền ăn sáng, nó đem ra đặt vào cái nón để ngửa. Thằng nhỏ chuẩn bị sẵn nụ cười thật tươi, chỉ cười, không dám hỏi gì thêm. Nhưng hôm nay nó tươi tỉnh lắm, và thằng nhỏ không biết mình sắp bị “quay”.

– Ba mày đâu?
– Ơ….. Tao hông biết.
– Mày hỏi Má mày đi.
– Có lần tao hỏi, Má nói hông có Ba.
– Ba tao nói hông có Ba cũng chẳng có mày.
– !!!

Nó ra vẻ rành rẽ:

– Tại hông có Ba nên Má mày với mày mới đi ăn xin đúng hông?

Một khoảng yên lặng. Dài. Tưởng chừng như không có kết thúc. Nhìn nét mặt không diễn tả được của thằng nhỏ, nó không dám hỏi thêm gì. Nhưng rồi thằng nhỏ lẳng lặng kéo hai ống quần lên. Và nó thấy một đôi chân chết. Phải. Đó là một đôi chân chết, teo tóp thảm hại, hai bàn chân quéo quẹo, ngược trước ngược sau. Nó trố mắt nhìn thằng nhỏ, rồi lại nhìn đôi chân nhưng thằng nhỏ đã kéo hai ống quân rộng thùng thình che lại.

Bất giác, nó ngồi thụp xuống, nắm lấy tay thằng nhỏ, hai đứa nhìn nhau cười mà mắt đứa nào cũng long lanh nước. Lần đầu tiên nó ngạc nhiên thấy mình vừa khóc lại vừa cười. Chúng nó nhìn nhau, rồi nhìn ánh nắng đang sáng rỡ nhảy nhót trên mấy tán lá bên kia đường, mỗi đứa một dòng suy nghĩ. Không biết, chúng có thả ước mơ nào lên những sắc màu lung linh của nắng không, mà giọt sương mỉm cười trước khi bay vào thinh không.

 

Gold

Những yêu thương không nói bằng lời

*Featured image: Shutterstock

 

Suốt cuộc đời này, bố mẹ chưa bao giờ nói nhớ tôi, càng không có chuyện nói yêu tôi.

Năm tôi lên 3, bố đi Huế mua về cho tôi một chiếc váy ba tầng. Mẹ đưa tôi đi chụp ảnh ngay lúc ấy. Đó là chiếc váy đầu tiên, và có lẽ cũng là duy nhất bố mua cho tôi trong đời. Sau này, mỗi khi có dịp, mẹ thường đem chuyện đó ra kể lại rất nhiều lần. Người ngoài nghe thấy có thể nghĩ “Chỉ là cái váy thôi, có gì đâu mà cứ kể công mãi”, nhưng tôi thì không. Tôi thậm chí còn rất thích nghe, và thường hỏi mẹ rằng: “Thế cái váy đó đâu mẹ? Sao mẹ không giữ lại cho con?”. Vì tôi biết, cả đời bố chưa bao giờ mua dù chỉ một chiếc áo cho chính bản thân mình.

Tôi 5 tuổi. Mẹ chở tôi đến trường mẫu giáo trên chiếc xe Phượng Hoàng. Tôi ngoan ngoãn ngồi sau, chân khép lại sát bánh. Và tôi bị kẹp chân vào nan hoa xe đạp. Tôi không còn nhớ lúc đó tôi đã đau như thế nào, chân bị kẹp tím tái ra sao. Chỉ nhớ lúc đó tôi đã hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao nước trên mắt mẹ cứ chảy ra thế?”