17.9 C
Da Lat
Chủ Nhật, 6 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 317

Thói quen là một thứ gì đó rất đáng sợ

Cô độc lâu quá khiến con người ta tự thiết lập cho mình một hàng rào bảo vệ chính mình, cô đơn lâu quá dần dà trở thành một thứ hiển nhiên chẳng có gì đáng ngại. Rồi riết ráo trở thành những thói quen.

Ny nghĩ rằng chắc hẳn rất rất nhiều người cũng giống Ny, điển hình như cô bạn “sinh đôi” của Ny ấy. Bọn Ny cứ ngồi với nhau lại chất vấn nhau những câu hỏi đại loại như:

“Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”

“Làm sao để thoát khỏi cái vỏ bọc cô độc đây?”

“Cái gì sẽ khiến ta vui vẻ?”

Rồi! Hai đứa nhìn nhau cười trừ. Con người ta giống nhau quá, có những khúc mắc tương tự quá, thì chỉ biết đồng cảm cho nhau chứ chẳng thể đưa nổi nhau lời khuyên nào.

Hôm nay, ngồi nghe mấy chị trong văn phòng nói chuyện, có câu chuyện về một người phát hiện ra chồng mình ngoại tình, chị ấy căm ghét chồng, cảm giác ghê rợn với chồng, nhưng  chị lại không dứt khoát ly dị với anh ấy đi. Cuộc sống hôn nhân đã rơi vào ngõ cụt, mọi thứ chẳng còn gì để cứu vớt, ai cũng chán nản, mệt mỏi và ghê sợ nhau. Vậy mà chị vẫn cứ tìm cách để đeo đuổi níu kéo anh ấy khi còn có thể.

Chị N. bảo rằng đâu thể dễ dàng mà từ bỏ, tự nhiên cuộc sống đang có một người đàn ông trong nhà, khi từ bỏ thì có  chút gì đó hụt hẫng, có chút xót xa, cái gì cũng cần có thời gian của nó. Đó giống như một thói quen, và khi đã trở thành thói quen thì rất khó từ bỏ. Cái thói quen xấu khi khó từ bỏ thì thật đáng sợ. Chẳng phải con người không muốn từ bỏ nó, chỉ là làm không được. Nhưng rồi thời gian sẽ là thuốc chữa cho tất cả, kể cả những thói quen đáng sợ ấy. Vậy nên hãy từ từ thôi. Đừng ép buộc mình.

Ny nhớ lại thói quen của Ny cách đây một năm trước. Hàng ngày, Ny vẫn cầm điện thoại nói chuyện với Anh vu vơ. Anh trả lời cộc lốc, lạnh lùng và vô tình. Vậy mà Ny vẫn cảm thấy ấm áp khi nhận những tin nhắn vô tình ấy. Có hôm Anh hỏi Ny “Nhắn tin cho Anh trở thành thói quen rồi hả?” Ny trả lời ậm ừ. Anh bảo “Từ từ Ny sẽ từ bỏ được thôi, chỉ cần cố gắng thôi mà.”

Vậy đấy, Anh nói đúng rồi đấy. Ny đã không còn thói quen đó nữa. Chợt! Hôm qua, Ny nhớ lại thói quen. Ny nhắn tin cho Anh. Cũng chỉ là một câu “Anh ơi!”

Khoảng gần 2 tiếng đồng hồ sau Anh nhắn lại,” j day em (gì đấy em)”

Tối qua, Ny bất giác thấy cô độc trong cái gian phòng rộng thênh thang ấy, căn phòng trên tầng 3, 2 cánh cửa sổ, gió lồng lộng lùa vào. Một mình, Ny nằm đó, đối ngược lại ánh đèn sáng chang chang, tay Ny vẫn cầm điện thoại, Ny đợi tin nhắn của Anh, Ny thiếp đi. Nhưng tin nhắn tới, Ny lặng im, Ny chẳng biết reply lại như thế nào cả. Chẳng lẽ hỏi anh “Anh khỏe chứ?” hay ” Khi nào Anh giới thiệu cô ấy với Ny?” hay “Anh có bao giờ nhớ tới Ny không?” bla bla. Thật tệ. Ny thật khùng. Ny có những thói quen thật khùng.

 

-Trang Nguyễn-

*Featured image: Kate Kinley

Những “Khoảng Trống” Trong Giao Thông

Tôi không biết ở những nơi khác thì như thế nào nhưng nếu bạn sống ở Sài Gòn, bạn sẽ ít nhất một lần gặp phải tình trạng kẹt xe. Tôi đoán rằng những nơi khác cũng như thế thôi, có chăng là ít gặp hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, có thể do va quẹt, tai nạn giao thông, cũng có thể là do lưu lượng xe cộ lưu thông quá lớn,…Hầu hết mọi người gặp phải kẹt xe đều muốn thoát khỏi tình trạng đó càng sớm càng tốt, nhưng hành động mà nhiều người dùng để thoát khỏi vụ kẹt xe không phải lúc nào cũng tốt và mang lại hiệu quả.

Có một kiểu tắc đường gây ra rất nhiều khó chịu cho những người tham gia lưu thông, đó là khi chiều mình đi đang lưu thông một cách rất khó khăn, nhưng ở chiều ngược lại thì trống trơn và rất ít xe lưu thông. Điều cám dỗ hầu hết mọi người là tại sao mình lại không lấn sang làn đường bên kia một chút nhỉ, chỉ một chút thôi, chắc không ảnh hưởng gì đâu. Chuyện sẽ không có gì để nói nếu như chỉ có một vài người có suy nghĩ ấy, nhưng tiếc thay không phải một vài người mà rất nhiều người đã lấn sang làn đường bên kia để đi cho nhanh. Hệ quả của nó là khi những người ở hướng ngược lại đang tưởng rằng mình đã thoát ra khỏi đám xe cộ đông nghẹt nhưng thực tế không phải như vậy. Có một lượng lớn phương đang đứng trước mặt và đối đầu với họ, đến mức nếu bạn ở trong tình huống đó, có thể bạn sẽ phải tự hỏi rằng liệu có phải mình đang đi nhầm vào đường một chiều?

Trong tình cảnh ấy, bạn tiến không được mà lùi cũng chẳng xong, đành ngậm ngùi chờ đợi có một phép màu nào đó xảy ra để có thể thoát khỏi mớ hỗn độn này. Thông thường thì những vụ kẹt xe nói trên sẽ không quá lâu, có khi nó sẽ không xảy ra, nếu như những người tham gia giao thông biết tôn trọng phần đường của những người đi chiều ngược lại.

Những “khoảng trống” trong giao thông

Tôi gọi những chỗ trên đường không có xe cộ đang lưu thông hoặc dừng, đậu là những “khoảng trống”. Và không phải lúc nào những khoảng trống đó cũng dành cho tất cả mọi người, nó chỉ nên được dành cho một số đối tượng nhất định, hoặc không ai cả.

Chắc hẳn rằng trong những lần bạn tham gia lưu thông trên đường, khi đến một ngã ba, ngã tư nào đó bạn định rẽ phải thì ở phía lề phải đã có những chiếc xe khác đang dừng đèn đỏ ở đó và bạn không thể làm điều mình muốn được. Trong hoàn cảnh ấy, có người bóp còi inh ỏi, quát nạt để xin đường, cũng có những người lịch sự hơn thì nhẹ nhàng nói người phía trên né ra một chút để họ rẽ phải. Cũng có những người đành cam chịu chờ hết đèn đỏ rồi rẽ phải.

Đó là một trong những khoảng trống mà tôi đang muốn đề cập. Trong nhà trường, bạn có thể được dạy về luật Giao thông trong môn Giáo dục công dân, nhưng hiếm có khi nào họ dạy bạn rằng cần phải nhường chỗ cho những người rẽ phải khi dừng đèn đỏ. Điều đó cũng không có gì là quá nghiêm trọng, nhà trường không dạy nhưng với tư cách là một người tham gia lưu thông trên đường, lẽ dĩ nhiên hầu hết mọi người chúng ta đều phải từ 18 tuổi trở lên, chúng ta hoàn toàn đủ nhận thức để có thể nhận ra điều đó.

Điều đáng tiếc là mặc dù hầu hết mọi người đều biết rằng khoảng trống đó không phải dành cho mình, nhưng không phải ai cũng biết để dành nó cho những người đến sau muốn rẽ phải. Nó cũng phần nào giống với câu chuyện kẹt xe phía trên. Bạn dừng đèn đỏ sau nhiều người và phía trước bên phải lại có một khoảng trống không chỉ vừa mà còn rộng hơn cho xe của bạn. Đó thực sự là một sự cám dỗ mà không phải ai cũng có thể cưỡng lại được nếu họ chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho người khác.

Hầu hết những người dừng đèn đỏ ở vị trí mà đáng lẽ được dành cho những người rẽ phải đều muốn mình được xuất phát trước khi hết đèn đỏ, mặc dù họ đến sau (ở đây tôi không đề cập đến những người vô tình dừng xe ở vị trí này). Tôi tin rằng đó là một sự không công bằng và nó ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức và thói quen tham gia giao thông của không ít người.

Dừng đèn đỏ

Có những khoảng trống xuất hiện rất nhanh và biến mất cũng nhanh không kém, đó là khi bạn dừng đèn đỏ. Tôi gọi đó là khoảng cách giữa các phương tiện. Thông thường khi dừng đèn đỏ, nếu có một khoảng trống nào được tạo ra thì gần như ngay lập tức sẽ có người lao lên chiếm lấy khoảng trống nhỏ nhoi đó. Cứ như thế các khoảng trống được tạo ra và nhanh chóng được lấp đầy cho đến khi không còn khoảng trống nào nữa. Dòng người chen chúc nhau và giữa các phương tiện gần như “không còn khoảng cách”.

Hệ quả của nó là khi hết đèn đỏ, khi những người ở phía trước di chuyển được một vài giây thì những người phía sau mới có thể di chuyển được. Mới nghe qua thì có vẻ không đáng kể, tuy nhiên hãy thử nhẩm tính xem số lượng phương tiện giao thông hiện tại đang lưu thông để thấy chúng ta đang mất một lượng thời gian lớn như thế nào. Thực sự thì đôi lúc dừng đèn đỏ tôi chỉ muốn có một khoảng trống nho nhỏ phía trước, chỉ để thở thôi. Tại sao chúng ta lại phải chen chúc một chỗ chật kín trong khi xe vẫn nổ máy?

Để những “khoảng trống” mãi là “khoảng trống”

Khi tham gia giao thông, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khoảng trống. Tuy nhiên, không phải lúc nào khoảng trống đó cũng dành cho bạn. Bởi vì nó vốn dĩ sẽ tốt hơn cho bạn và cho tất cả mọi người nếu như những khoảng trống đó được dành cho những người thực sự cần đến nó.

Cũng có những khoảng trống dành cho tất cả mọi người, như những lúc dừng đèn đỏ. Nhưng hãy cứ để nó mãi là khoảng trống đi, bởi khoảng trống tồn tại vốn dĩ là để chúng ta lướt qua nó, chứ không phải để dừng lại.

Snowball

*Feature Image: Tripwow

Ế một cách hạnh phúc!

Ế là một từ nhạy cảm với phụ nữ cũng như già, xấu và béo. Nhưng ế không phải là vì không ai để ý đến ta mà vì ta muốn thế. Nghe ra thì đúng là vụng chèo khéo chống, nhưng thực sự là thế vì một số lý do mà ai ai cũng biết nhưng hiếm người tận hưởng hoàn toàn được tính ưu việt của cái sự ế.

Ế là đỉnh cao của sự tự do, khi ta được sống cho mình, yêu thương chính mình, chăm chút những mối quan hệ thật sự ý nghĩa như gia đình và bạn bè. Và khi ế bạn hoàn toàn có thể liếc những ai bạn muốn và đong đưa những kẻ bạn cần. Có thể chẳng ai để ý đến bạn, thế thì chúc mừng vì bạn đang có thứ mà nhiều người ham muốn: đó là sự bình yên thật sự.

Và khi ế là lúc bạn có thể sàng lọc và lựa chọn lại những thứ tốt đẹp nhất cho cuộc sống của bản thân, chứ không phải vùi đầu chọn quà cáp, quần áo, son phấn, và quan trọng nhất là bạn có thể tự do thực hiện ước mơ của bản thân mà không bị bất cứ một điều gì giới hạn bởi bản chất của mọi tình yêu trong cuộc đời đều ích kỉ .

Còn nếu bạn ế không phải vì bạn muốn thế mà là vì bạn phải thế, thì cũng chẳng sao cả, sống cạnh người không thể chấp nhận bản thân bạn và hiểu được giá trị con người bạn thì có gì là hay ho, next mịa đi cho lành. Phụ nữ dù 14, 24, 34, 44, 54 hay 84 đi chăng nữa cũng chẳng bao h là những người phải chấp nhận cuộc sống và giá trị mà xã hội gắn cho họ vì họ phải thế cả, và cũng chẳng bao h có khái niệm muộn với họ cả. Vì được sinh ra trên đời là một người phụ nữ tức là đồng nghĩa với được yêu thương, trân trọng và có quyền hưởng hạnh phúc. Nên dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, hãy cứ phấn đấu đến điều mà sâu thẳm trong trái tim bạn mong muốn không phải vì bạn mơ mộng viển vông mà vì bạn xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất. Đừng để bất cứ ai chà đap lên con người và nhân cách của bạn cũng như cuộc đời bạn, vì bạn được sinh ra để làm chủ chính mình.

Tình yêu là thứ quan trọng đối với con người, vì sự thăng hoa là gia vị của cuộc sống. Nhưng hiếm người phụ nữ nào yêu mà không cuồng, mà đã cuồng thì khỏi phải nói. Họ chấp nhận được tất cả bao gồm sự phản bội, lừa dối, sự chia sẻ người yêu và đôi khi là cả sự khinh bỉ từ những người khác nữa. Nhưng mà như tớ đã nói ở trên, làm gì thì làm, sống thế nào thì sống, chỉ cần bạn ko tiếc là được. Yêu bao lâu, hy sinh những gì, còn lại gì không quan trọng, quan trọng là bạn đã từng yêu và được yêu. Thế là đủ, Còn mọi thứ đổi thay theo quy luật, nên chẳng có gì là mãi mãi, sẽ không đau khi bạn biết chấp nhận và tận hưởng sự tích cực của vấn đề, Con người thường quá đề cao sự mất mát mà không nhìn thấy sự được cũng to lớn chẳng kém đằng sau. Trưởng thành trong đường đời và đường tình đều phải mất mát và buông bỏ, chẳng có thợ cưa nào mà chưa từng một lần bị lừa trong đời, hay chảy máu bởi chính cái sự cưa của mình cả vì tình cảm mà. Chẳng phải đồ đạc thích thì ném, chán thì đổi, tình cảm thật sự nếu dễ ném dễ đổi thì có mấy ai đau, còn anh nào hay em nào mà cứ tự đắc rằng mình kinh lắm ý, chẳng qua là chém gió hoặc đáng thương hơn là chưa yêu thật sự bao giờ mà thôi . (“Không có khả năng yêu thương còn đáng thương hơn không có khả năng làm tình.” – câu nói hay nhất trong một bộ phim mình từng xem.)

Nên tóm lại là yêu hay ế là do bạn lựa chọn, nhưng mà cứ yêu đi khi bạn còn có thể, vì rung động là thứ quý giá trong cuộc đời, nhưng đừng đánh đổi cả cuộc đời vì nó hay chấp nhận bất cứ một cái gì nếu bạn không muốn, vì đôi khi bạn sẽ đánh mất chính mình và cả cuộc sống của mình chỉ vì cái sự tặc lưỡi, còn nếu đã thấy ko ổn thì nên thay đổi, tuy không phải sự thay đổi nào cũng tốt nhưng còn hơn là cứ đứng mãi một chỗ, chẳng có gì tồi tệ bằng nhìn thấy sự chết của chính mình mà bất lực!


Nana

*Feature Image: viktoria_bakirova

Trương Lương và Hàn Tín: Hai cuộc đời, hai thái độ

“Công thành thân thoái, thiên chi đạo.” – Lão Tử, Đạo Đức Kinh

(Công việc thành tựu thì nên lui về, đó là đạo trời.)  

Trương Lương, Hàn Tín cùng là công thần lập ra nhà Hán nhưng cuối cùng một người như tiên giữa trần còn người kia phải chết thảm.

1. Hai số phận

Trương Lương xuất thân trong dòng họ nhiều đời làm quan lớn ở nước Hàn. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, nước Hàn cũng chung số phận bị tiêu diệt. Trương Lương bèn đem hết gia sản để chiêu mộ tráng sĩ làm thích khách giết Tần Thủy Hoàng để báo thù. Tuy nhiên vụ ám sát không thành công nên ông phải lẩn trốn.

Năm 209 TCN, Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần, Trương Lương cũng tụ tập hơn trăm trai tráng hưởng ứng. Năm 208, trên đường sang đất Sở để yết kiến Sở vương Cảnh Câu, Trương Lương gặp Lưu Bang bèn theo Lưu Bang. Từ đây, ngày đêm Trương Lương bàn địch mưu kế giúp Lưu Bang lần lượt thâu tóm thiên hạ.

 

 

Trương Lương

Không thuận lợi như Trương Lương, Hàn Tín sớm mồ côi cha mẹ, tuổi thơ chịu nhiều vất vả. Có giai thoại kể rằng thuở hàn vi có lúc Hàn Tín phải lòn trôn để tránh một tên đồ tể giữa chợ. Năm 209 TCN, Hàn Tín xung phong vào quân khởi nghĩa của chú cháu Hạng Lương, Hạng Vũ để chống Tần nhưng không được trọng dụng. Một thời gian sau chán nản, Hàn Tín bỏ theo Lưu Bang nhưng cũng chỉ được một chức quan nhỏ nên lại chán nản bỏ đi.

May được Tiêu Hà thân hành đi tìm về và hết sức tiến cử lên Lưu Bang. Nhận ra tài năng của Hàn Tín, Lưu Bang phải đích thân lên mặc áo bào trao ấn kiếm phong Tín làm đại tướng. Hàn Tín đã giúp Lưu Bang tiêu diệt hết các thủ lĩnh cát cứ và sau cùng là tiêu diệt Hạng Vũ để lập ra nhà Hán.

 

Hàn Tín

Trương Lương và Hàn Tín, một người ở trong màn chướng bàn định chiến lược, sách lược; một kẻ xông pha ngoài trận mạc như hai cánh tay của Lưu Bang. Tuy nhiên kết thúc mỗi người một khác. Năm 203 TCN, Hàn Tín đánh được nước Tề liền có ý muốn Lưu Bang phong mình làm Tề Vương. Lưu Bang đang ở thế bất lợi đành nghe theo. Sau khi thống nhất thiên hạ, Hàn Tín lại bị vợ Lưu Bang là Lã Hậu lừa bắt và giết cả ba họ.

Ngược lại, Trương Lương được Lưu Bang cho tùy chọn ba vạn hộ ở đất Tề nhưng ông chỉ xin được phong tước hầu ở đất Lưu. Được ít lâu, Lương cũng xin cáo quan, xa rời vinh hoa phú quý mà sống an nhàn đến khi mất.

 

2. Vì đâu nên nỗi?

Trương Lương không phải sinh ra đã khôn ngoan thấu suốt. Ban đầu ông cũng là một người “nông nổi” nên mới có ý định ám sát Tần Thủy Hoàng và làm sụp đổ cả triều đại nhà Tần theo phương thức vô tổ chức và khủng bố. Theo ngôn từ hiện nay ban đầu khuynh hướng của ông là lãng mạn tiểu tư sản, đúng với vị trí của con nhà thế gia. Cuộc đời của ông rẽ sang một hướng mới khi ông trốn tránh ở Hạ Bì, gặp Hoàng Thạch Công mà từ đó xuất hiện điển tích “ba lần nhặt dép”. Người ta hay truyền tụng rằng Trương Lương nhờ nhận được sách quý của Hoàng Thạch Công nên vang danh một thời, nhưng tất cả không chỉ có vậy. Hoàng Thạch Công biết tài năng của Trương Lương nhưng còn sợ bao dung của Trương Lương chưa đủ nên mới tìm cách tiêu trừ cái kiêu khí lãng mạn của tuổi thanh niên để Trương Lương biết rằng “nhịn việc nhỏ để thành việc lớn”. Lúc này Trương Lương đã học được chữ Nhẫn. Chính nhờ Trương Lương dạy cho chữ Nhẫn mà Lưu Bang mới có thể dựng nên cơ đồ nhà Hán.

Từ ngày đó có thể thấy Trương Lương có ý tứ tính toán kỹ càng dẫn dắt đời sống. Trương Lương có lẽ đã ý thức được rằng mình, một chí sĩ ở trong cái thế quốc phá gia vong làm việc nghĩa chỉ là vì tình thế bắt buộc. Chính suy nghĩ này đã giúp ông vượt lên trên những mưu lợi bình thường. Ông cũng biết rằng “điểu tận cung tàng”, sống trong thấp thỏm lo âu sao bằng hưởng cái thú thanh cao của kẻ sĩ.

Sau khi nhà Hán đã yên ổn ông đóng cửa không tiếp khách, ở yên mãi trong nhà không ra ngoài, lấy triết lý thanh cao để bảo vệ tấm thân. Có ai đến chơi thì lại nói: “Người ta sinh ra trong trời đất, chẳng khác như bóng câu qua khe cửa, trăm năm như cái chớp mắt mà thôi. Tôi muốn lui vào trong chỗ núi rừng, tìm tiên học đạo để làm cái kế trường sinh, chứ hết thảy công danh chẳng qua như đám phù vân có gì là thú. Chỉ vì nay đội ơn Hoàng đế quyến luyến nên chưa nỡ bỏ đi đấy thôi. Thực ra lòng tôi vốn không ham thích cái vinh hoa phú quý ở đời; huống chi tấm thân đa bệnh, khí huyết suy lần, nếu không sớm tìm cách tu dưỡng lấy mình, e một mai tinh khí hư hoa đi rồi thì dẫu có muốn tu cũng vô ích…”

Đấy là lời ông gián tiếp nhắn với Hán Cao Tổ.

Quả thật vậy, vua nghe được câu chuyện ấy, mặc dù thấy ông thác bệnh không năng vào bệ kiến, cũng không ngờ vực nữa. Hán Cao Tổ cho phép ông về nhà dưỡng bệnh, mỗi tháng phải một lần vào chầu, khi lui chầu tuyệt không nghĩ đến điều gì cả.

Còn Hàn Tín ngay từ đầu đã ký vào án tử của mình.

Hán Cao Tổ Lưu Bang xuất thân từ dân thường “trí không bằng Trương Lương, dũng không bằng Hàn Tín, tài không bằng Tiêu Hà” nhưng ông lại giỏi dùng người, biết cách thu hút mọi nhân tài trong thiên hạ. Ông là người khá nhún nhường và không chấp nhặt hiềm khích. Nhưng Hàn Tín đã vượt qua những giới hạn của ông… 

Hàn Tín là một danh tướng bách chiến bách thắng. Không có ông quân Hán không thể thắng được quân Sở hùng mạnh. Ông theo Sở thì Sở thắng, theo Hán thì Hán thắng. Vì vậy, người đời vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất trong lịch sử phong kiến của Trung Quốc.

Cũng như Trương Lương, Hàn Tín cũng học được chữ Nhẫn khi thuở nhỏ phải lòn trôn. Nhưng khác với Trương Lương, Hán Tín giữ trong lòng như một tủi nhục đến độ hai mươi năm sau ông vẫn cố tìm người mà mình lòn trôn ngày xưa để trả thù bằng cách ban cho vàng bạc, quan tước. Trong tâm hồn ông bao giờ cũng mang tâm lý tự ti, lòng tự ái bị kích động mạnh và dồn ép lâu ngày khiến ông mỗi khi làm việc thì bất cứ giá nào cũng phải đạt tham vọng và không biết bao lần ông ngang ngạnh và khiêu khích với Hán Cao Tổ.

 

Tiêu Hà rất am hiểu tâm lý ấy nên khi Hán Cao Tổ thấy thư của Trương Lương, muốn phong Hàn Tín làm tướng một cách suông, bèn nói:

– Bệ hạ muốn phong cho Hàn Tín cách nào?

– Thì vời y đến mà phong chứ sao?

Tiêu Hà lắc đầu, nói:

– Bệ hạ vốn đã kiêu ngạo không thủ lễ với Hàn Tín lâu nay rồi, giờ lại phong một chức Đại tướng mà làm như gọi một đứa trẻ con. Ở bệ hạ thì cho thế là trọng, mà theo ý ngu thần e rằng Hàn Tín rồi sẽ cũng đi mất.

Hán Cao Tổ nói:

– Vậy phải phong cách nào?

– Nếu bệ hạ muốn phong Hàn Tín, nên chọn ngày chay giới, lập đàn tế cáo thiên địa như Hoàng đế phong cho Phong Hậu, Vũ Vương phong cho Lã Vọng vậy… tức là lễ bái tướng.

Hán Cao Tổ bằng lòng và Hàn Tín cũng hả lòng nhưng lòng Hán Cao Tổ đã xuất hiện một tỳ vết.

Lúc Hàn Tín đại phá Tam Tần và lấy Hàm Dương rồi, thì Hán Cao Tổ bàn với Hàn Tín tính việc đông chinh. Tín không bằng lòng, cố hết sức giãi bày những việc lợi hại, thế mà Hán Cao Tổ vẫn không nghe. Mặc dầu Trương Lương hết sức cản ngăn, Hán Cao Tổ cũng nằng nằng quyết một, lấy ấn soái của của Hàn tín lại mà ban cho Ngụy Báo. Trận ấy Hán Cao Tổ làm một việc liều lĩnh phi thường nên bị Hạng Vũ đánh một trận không còn manh giáp.

Người như Hán Cao Tổ khôn ngoan sâu sắc bao giờ cũng nghe Trương Lương, cung kính như thầy sao bỗng dưng lại có thái độ đó?

Trước sự thành công rực rỡ của Hàn Tín, “trăm trận trăm thắng” trong thâm tâm Hán Cao Tổ không mấy vui lòng. Cơ hội đến, Hán Cao Tổ muốn tỏ rằng mình cũng có tài chinh phạt nên mới có cái cử chỉ cướp ấn nguyên nhung mà trao cho Ngụy Báo, làm một việc dại dột mà một người thông minh như Hán Cao Tổ cũng mắc phải.

Cách xử thế ngớ ngẩn ấy của Hán Cao Tổ lại chạm đến lòng tự ái của Hàn Tín thêm một phen nữa.

Vì vậy khi Hàn Tín trả ấn nguyên nhung về cố thủ Lạc Dương, Hán Cao Tổ cho triệu cũng không về.

Óc làm phản đã bắt đầu manh nha trong tiềm thức. Nếu Trương Lương không dùng kế khích thì Hàn Tín chưa chắc chịu nghe lời triệu của Hán Cao Tổ mà về Huỳnh Dương mưu phá Sở.

Hán Cao Tổ vì lợi cho đại nghiệp của mình, nên bấm bụng bỏ qua cái tội không tuân lệnh của Hàn… nhưng trong thâm tâm lòng tự ái đã dần đến đỉnh điểm.

Trong tâm phế của hai người, sự đối chọi càng ngày càng tăng thêm…

Bởi vậy, sau khi Hàn Tín bình định nước Tề rồi, Hán Cao Tổ sai sứ đến mời về cũng nhau hợp sức phá Sở. Hàn Tín thừa dịp bắt bí Hán Cao Tổ, viết biếu về tâu xin phong ấn Tề Vương rồi sau sẽ về phá Sở. Đấy là cách trả đũa sự cướp ấn nguyên nhung thuở nọ.

Hán Cao Tổ xem biểu đòi phong Tề Vương của Tín liền nổi giận. Trương Lương, Trần Bình vội rỉ tai Hán Cao Tổ: “Đại Vương tuy được mấy chục quận của Sở. Nhưng hiện nay quân Sở đóng ở dưới núi Quảng Vũ để đánh ta, quân ta hiện đang bất lợi, vậy ta có sức đâu cấm nổi Hàn Tín không cho tự lập làm Vương. Chi bằng cứ phong cho hắn, khiến hắn vui lòng thì rồi hắn sẽ giúp Đại Vương được việc. Nếu không mà để hắn tự biến thì sẽ lại sinh một mối nguy.”

Thế là Hán Cao Tổ một lần nữa phải bấm bụng mà phong vương cho Hàn Tín. Ở vào địa vị Hán Cao Tổ là chúa mà bầy tôi kiêu ngạo ỷ tài, lấn át và yêu sách mình dường ấy lòng tự ái bị thương tổn không biết là bao. Nhẫn được, nếu không phải Hán Cao Tổ chưa chắc có người làm nổi. Tuy vậy vết thương lòng không sao lành được. Cái tước Tề Vương của Hàn Tín xứng đáng nhưng ngày nào nó còn nó là mối nhục trên đầu Hán Cao Tổ, là cái gai nhọn trong con mắt của Hán Cao Tổ. Khi thiên hạ vừa định được, cái lo nghĩ trước nhất của Hán Cao Tổ là cướp lại ấn nguyên nhung của Hàn Tín.

 

Bấy giờ Hán Cao Tổ bình định bờ cõi, Hàn Tín không được trọng dụng và bị giam lỏng. Thế mà khi Hán Cao Tổ cho vời hỏi chuyện thì…

Hán Cao Tổ hỏi:

– Như trẫm đây, khanh liệu có thể cầm nổi bao nhiêu quân?

Tín nói:

– Bệ hạ bất quá cầm được độ mười vạn quân là cùng.

Hán Cao Tổ lại hỏi:

– Còn như tướng quân thế nào?

Tín nói:

– Như thần thì càng nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Hán Cao Tổ cười hỏi:

– Càng nhiều càng tốt, cớ sao lại còn bị trẩm bắt?

Tín nói:

– Bệ hạ không giỏi cầm quân, nhưng giỏi cầm tướng, vì thế mà thần bị bắt. Vả lại, bệ hạ có trời vừa giúp nên sức người sao thể theo kịp.

 

Hán Cao Tổ tuy cười nói, nhưng lòng không vui, lại càng thêm nghi kỵ…

Thật cách xử thế của Hàn Tín quá vụng về. Khi mà tâm địa của Hán Cao Tổ đã hiện rõ như ban ngày, vậy mà còn khoe tài cậy khôn thì làm sao mà không bị hại.

Đợi đến lúc bị trói đem chém ở lầu chuông cung Vị Ương mới ngộ ra thì đã muộn.

Có thể nói rằng Hàn Tín là người nghĩ quyền lợi của mình trước tiên vì thế mới hăm hở làm việc cũng trên cái danh nghĩa. Hàn Tín phải chăng không hiểu rằng đỉnh cao danh vọng không chỉ phải trả bằng tài năng, công trạng mà còn là Nhẫn đúng lúc… để rồi cuộc đời đi đến chỗ bi thương và cả ba họ bị chu di.

Để kết luận, tôi xin mượn lại lời của sử gia Tư Mã Quang đời Tống: “Trong số tam kiệt được Hán Cao Tổ khen tặng, Hàn Tín bị giết, Tiêu Hà bị tống giam điều đó chẳng phải họ sau khi được công to mà không biết dừng bước đấy sao? Cho nên Tử Phòng lấy cớ tu tiên, rời bỏ nhân gian, sống một cuộc đời siêu thoát bên ngoài thế tục, xem công danh như là vật ngoài thân, chẳng màng chi tới vinh hoa phú quý, thì thực là người biết “lấy minh triết để bảo vệ tấm thân”.

 

Nguyễn Vương Tuấn

*Featured image: Koukei Kojima

Đằng sau một sự ra đi đầy ngỡ ngàng

Tiếng trống kèn ai oán. Hương khói nhang ngùn ngụt. Người qua kẻ lại, ai cũng tất bật với những khuôn mặt bi ai trong cái đám tang của người đàn ông trẻ tuổi. Tôi, người cháu gái cả đội khăn tang đứng bên cạnh linh cửu của chú đang miên man trong những dòng suy nghĩ khác nhau.

Tôi nghĩ về cuộc đời chú, ra đi ở cái độ tuổi 45, để lại người vợ trẻ, hai đứa con thơ và một loạt trách nhiệm, nghĩa vụ chưa hoàn thành. Tôi nghe thấy lời oán trách của người cô út bên cạnh: “Anh ra đi kiểu gì, bây giờ không có nhà để về lại về nhà ba thế này.”

Đúng thật! Chú ra đi mà không còn nhà để về, giờ phải về nhà ông nội, căn nhà vốn đóng cửa từ sau ngày ông tôi mất. Giờ trong căn nhà ấy ngoài bà, ông, giờ còn có thêm chú. Chú đã không còn nhà sau cái vụ vỡ nợ năm ấy, chú phải dắt vợ con tới một mảnh đất khác để sống. Phải công nhận rằng chú là một người giỏi kiếm ra tiền, nhưng cái cách tiêu tiền của chú còn giỏi hơn gấp mấy lần cái cách kiếm ra tiền. Tối hôm làm lễ tang cho chú, tôi nói với ba tôi rằng, “Chắc trong cái chết của chú, có nhiều người sẽ tặc lưỡi bảo rằng “đây là quả báo.”” Ba bảo, “Thì do chú con đã làm ăn không đàng hoàng với hàng xóm rồi bỏ chạy đi một nơi khác mà.”

Làm ăn, kinh doanh, phá sản, vỡ nợ…tất nhiên chẳng ai mong muốn điều đó.  Chú là một người lanh lợi và tháo vác, tôi công nhận chú giỏi, có lúc tôi nói đùa với ông ba rằng “Nếu chú không giỏi thì sao có thể vỡ nợ gần 1 tỷ đồng thế, không giỏi sao vay được người khác chừng đó tiền.” Nhưng cuộc đời của chú cũng quá nhiều lận đận, song gió, mọi người vẫn thường bảo rằng “Những người tuổi Thân thường rất vất vả.” Cách sống của chú phóng khoáng, giao lưu rộng, nhiều bạn bè thân thiết. Cái ngày đưa chú về với cát bụi, bạn bè từ rất nhiều tỉnh xa về tiễn chú đi. Một hàng dài xe oto theo sau linh cữu của chú.

Tôi nhìn người thím đang khóc lịm đi bên linh cữu chồng, nhìn 2 đứa nhỏ đứng bên cạnh linh cữu ba chúng thay nhau lạy tạ những người tới viếng. Thím trước giờ sống dựa vào chú, giờ tương lai phía trước, thím phải làm sao, cái trách nhiệm nuôi dạy 2 đứa trẻ thơ đặt hết vào đôi vai bé nhỏ của thím. Còn 2 đứa nhỏ, ba chúng ra đi không để lại nổi 1 căn nhà. Thoang thoảng tôi nghe thấy mọi người trong gia đình tôi đang bàn bạc về vấn đề này. Trong giấc ngủ tối trước, tôi thấy chú, hình như chú bảo chú không an lòng về 2 đứa trẻ.

Tôi nhìn thấy ba tôi đang lăng xăng, người anh cả ốm yếu giờ đây phải lo đám tang cho người em trai từng rất phong độ. Tôi nhìn thấy chú ba, chú năm, mỗi người đều mang những khuôn mặt sầu não. Tôi nhớ những ngày đại gia đình tôi còn đông đúc, những ngày giỗ chạp, lễ tết, nhà nội lúc nào cũng rộn rã tiếng nói tiếng cười, người ra kẻ vào tất bật. Nhưng dần dần cái sự rộn ràng đó suy giảm. Đầu tiên là do sự chuyển đi của gia đình cô út vào Sài Gòn, thỉnh thoảng cô vẫn về với gia đình nhưng sau ngày ông mất thì hầu như cô không về nữa. Tiếp đó là sự chuyển lên thành phố của gia đình chú ba. Rồi sự bỏ qua Gia Lai  của người chú tư. Không khí gia đình trở nên ảm đạm hẳn. Và giờ đây chú đã ra đi, gia đình có lẽ sẽ trở nên lạnh hơn.

Từ  Sài Gòn về tới nhà lúc 3 rưỡi sáng, em gái nhìn thấy cờ tang liền nắm chặt cánh tay tôi, trong đầu chợt nghĩ “ngày nhỏ tôi rất sợ cờ tang, nhưng giờ thì cảm thấy có gì đáng sợ đâu.” Cuộc đời này có gì đáng sợ! Nó ngắn ngủi như thế! Trên đường đưa chú ra nghĩa trang tôi chợt nhớ tới cuốn sách tôi đọc trên xe lúc về, trong đó có 1 câu đại loại như “Bạn đừng bao giờ đổ lỗi cho cuộc sống này nhàm chán hay vô vị. Hãy sống một cuộc sống tích cực.” Cuộc sống này ngắn lắm và cũng đầy bất ngờ lắm. Giống như cái sự ra đi đầy ngỡ ngàng của chú tôi. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”

 

– Trang Nguyễn –

*Featured image: Ozzwizard

Ừ! Thì… Đời là thế mà

Bóng tối tràn ngập, đường vắng teo. Vẫn là con đường quen thuộc về nhà nhưng sao tôi lại cảm giác sợ. Có lẽ khuya, vắng, tôi đang trên chiếc xe máy thân thuộc, nhưng tự nhiên chiếc xe cứ ì dần, Tôi cố gắng kéo tay ga lên, nhưng chiếc xe vẫn ì. Rẽ vào ngõ hẽm nhà, vẫn là ngõ hẽm nhà tôi, nhưng bờ hàng rào trở nên rậm rạp, màu đen của bóng tối lại càng đen. Lúc ban ngày cái bờ rào này đâu có rậm như thế. Một cảm giác sợ hãi bao trùm, cảm giác như sắp có những vật gì đó cực kỳ đáng sợ chuẩn bị lao ra từ hàng rào. Tôi sắp hét lên…Bỗng…

Shine bright like a diamond.

Shine bright like a diamond.

Find light in the beautiful sea.

Tiếng nhạc chuông điện thoại reo lên.

Hú hồn! Thì ra đó chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ chuẩn bị chuyển tiếp thành ác mộng. Tỉnh giấc. Nhìn cái điện thoại, gần 2h sáng! Giờ này thì ai có thể gọi được chứ? Một số điện thoại lạ, tự nhiên tim đập thình thịch thình thịch, vì cái ác mộng hồi nãy hay bởi số điện thoại lạ này. Giờ này…Chỉ có thể là người đó…

Trong cơn ngái ngủ, sợ hãi sau ác mộng, nhìn số điện thoại là lạ ấy, tôi tin chắc rằng đó là bạn. Không biết có phải giác quan thứ sáu của tôi nhạy hay bởi cái thời gian mà bạn thường gọi độc lắm mà mỗi lần nhìn vào số điện thoại lạ nào của bạn tôi vẫn đinh ninh được, chẳng thể nhầm lẫn với số điện thoại lạ nào khác.

Bạn hỏi tôi đang ngủ à? Tôi ậm ừ, cũng phải mất cỡ khoảng hơn 30s, tim tôi mới trở lại được nhịp đập ban đầu.

Bạn hỏi tôi dạo này thế nào? “Thế nào là thế nào?” Tôi hỏi ngược lại bạn.

“Thì tình yêu, công việc, cuộc sống?”

“Tình yêu không có, công việc bình thường, cuộc sống vẫn thế.”

Sau đó, Tôi đính chính thêm rằng cuộc sống của tôi chỉ có thể được miêu tả bằng 2 chữ CÔ ĐỘC. Bạn khẽ cười: Sài Gòn nhộn nhịp và hào nhoáng thế tại sao lại khiến cho tôi cảm giác cô độc. Ừ! Thì Sài Gòn nhộn nhịp thật, nhưng tôi chẳng thể tìm được niềm vui trong nó. Tôi không biết được rốt cuộc mình cần thứ gì, rốt cuộc mình thiếu thứ gì. Có lẽ tôi không có bạn, à không, phải là bạn thật sự, Tôi quen nhiều người  nhưng đi với họ, tôi chẳng cảm thấy vui và tôi vẫn cô đơn trong những đám đông ấy. Bởi thế, thường tôi không muốn hòa nhập vào đám bạn, tôi thích ở nhà với cái không gian bé nhỏ của mình còn hơn đi ra ngoài với những người mà tôi vẫn thấy cô đơn. Rồi bạn nói, có lẽ tôi chưa tìm cho mình được những người bạn thực sự có giá trị, còn bạn, hiện tại bạn không có thứ gì trong tay nhưng CÔ ĐỘC – bạn không có cái cảm giác này. Bởi xung quanh bạn, có những người bạn thực sự giá trị luôn ở bên bạn.

“Điều đó thực sự đáng quý phải không?” Bạn hỏi tôi.

“Uh! Đáng quý.”

Không gian hơi rơi vào im lặng, mắt của tôi vẫn nhắm, tai vẫn để bên điện thoại. Bạn hỏi tôi có biết bạn đang làm gì không? Tôi bảo: “Đang hút thuốc.”

Thông qua cái ống nghe điện thoại, tôi có thể khẽ nghe thấy những cái hơi thở nhẹ nhè. Chắc chắn đó không phải tiếng thở dài, bởi bạn không bao giờ thở dài. Bạn từng nói, là đàn ông thì thở dài thường mang lại cái điều gì đó yếu đuối. Bởi thế đó chỉ có thể là tiếng rít thuốc. Bạn cười. Thì ra tôi vẫn còn có thể nhận ra.

Bạn lại luyên thuyên những chuyện trên trời dưới đất cho tôi nghe. Bạn hỏi Tôi có vui khi nói chuyện với bạn không? “Có” Bạn hỏi tôi buồn ngủ chưa và có muốn nói chuyện nữa không? “Buồn ngủ nhưng vẫn muốn nói chuyện.” Bạn lại cười, bạn thường cười như thế khi nghe cái giọng trả lời giống y một đứa con nít của tôi. Tôi cười theo bạn, tôi lại đòi hỏi Tôi muốn nghe bạn đọc truyện giống như ngày xưa ấy, vừa để điện thoại bên tai nghe bạn đọc truyện rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Bạn hứa lần sau gọi sẽ đọc truyện tôi nghe.

Thi thoảng bạn lại xuất hiện như thế, thi thoảng bạn lại lôi tôi ra khỏi cái mớ CÔ ĐỘC và nỗi buồn mà tôi đang ngập ngụa trong đó, chỉ trong chốc lát thôi nhưng cũng đủ làm  tôi thêm chút ấm lòng.

Trong cuộc đời này, Tôi đã gặp một vài người kỳ lạ, hết sức kỳ lạ, kỳ lạ tới độ tôi nghi ngờ liệu có tồn tại con người ấy không – Giống như bạn. Có đôi khi bạn hỏi “Liệu sau này điều đó có thể xảy ra không?” một điều mà bây giờ là không thể . Tôi cười – tôi bảo “Tôi không biết”. Bạn lại nói “Có thể lắm chứ. Đời mà! Đâu biết trước được điều gì”…Ừ thì ĐỜI MÀ!

 

– Trang Nguyễn –

*Featured image: Georg Wallner

 

Hãy cho nhau những dấu cộng trong cuộc đời mỗi người – Phần 5

Hôm nay con Dồ thật diện. Nó ngộ nghĩnh vô cùng trong cái váy trắng tinh, cơ man nào là lớp xếp. Khi nó quay một vòng theo tay đẩy của con Sún, lớp váy bung tròn ra trông rất lạ mắt. Tóc nó được chải gọn ghẽ chia thành hai cái đuôi nhỏng nhảnh hai bên mang tai. Và lời mời gọi của nó mới ngọt ngào nghe khoái làm sao:

– Bữa nay tụi bây dề nhà tao chơi đi.

Con Cà láu táu:

– Thiệt hông? Ba Má mày có la hông?

Con Dồ nghiêng đầu khoái chí:

– Hông. Tao xin Ba Má tao rồi.

Thằng Còi thắc mắc:

– Dề nhà mày làm gì?

Con Dồ ra vẻ bí mật:

– Đi đi rồi biết. Hen.

Dù đã được báo trước, Má con Dồ vẫn thất kinh khi thấy nó “tha” về một lũ lóc chóc, đứa quần đùi, đứa áo may ô, đứa áo hoa cà ngắn cũn cỡn…….., lại thêm cái đứa nào đen nhẻm nằm vắt vẻo trên lưng một thằng mập ú nu. Chúng nó lí nhí: “Chào Bác” rồi lúp xúp kéo nhau, gần chục đứa líu ríu theo con Dồ.

Chỉ tay vào ổ bánh kem trên tủ, con Sún tài lanh:

– A, tao biết rồi, sinh nhật con Dồ.

Thằng Đen lạ lẫm, nhăn mặt:

– Sinh nhật là gì?

Thằng Còi mau miệng, lên giọng nghe già hơn ông Ngoại con Dồ:

– Là ngày Má mày đẻ ra mày đó con.

Thằng Đen nhíu trán, lắc đầu. Xem ra nó không hiểu. Ô thây kệ nó, Má con Dồ có vẻ không vui nhưng rất hào phóng, và bọn chúng, chẳng có lý do gì để không bắt đầu bữa tiệc.

Thằng Mập trịnh trọng trao cho con Dồ mấy viên bi ve mà nó mới móc từ trong túi quần ra, cười lỏn lẻn. Con Sún tháo cái kẹp màu chanh chảnh chọe trên tóc xuống. Bàn tay mũm mĩm của con Lê xòe ra với mấy cọng dây thun. Thằng Bợm đỏ bừng mặt chìa ra xấp hình Sôn Gô Ku mà nó luôn đem theo để chơi trò ăn dích, thằng Còi móc hoài cũng chỉ có cái nắp keng mà mấy hôm trước nó đã gò công đập dẹp ra rồi xâu chỉ chơi trò quay tròn. May thay, thằng Đen còn một viên kẹo……Cứ thế, hai bàn tay con Dồ bé quá, nó phải đi tìm cái rổ kẻo không mấy viên bi lăn mất…

– Ba phải đi làm ăn xa. Con ở nhà cố học cho giỏi, nghe lời Má, không được làm Má buồn. Ba sẽ thường xuyên về thăm con.

Con Dồ không hỏi nhiều. Nó đưa mắt nhìn hai ngón chân cái đang ngọ nguậy, thấy buồn buồn, một nỗi buồn không tả được.

– Con có nghe Ba nói không?

Cái miệng nó méo xệch, cái đầu nó gật gật, cặp mắt nó đã ngân ngấn nước rồi.
Nó sợ nếu nó mở miệng trả lời thì nó sẽ vỡ òa ra mất.

– Con cố gắng tiết kiệm tiền ăn quà để giúp đỡ những người nghèo, những người hoạn nạn hoặc các cơ sở xã hội mà nhà trường tham gia tổ chức, khi nào dư thì mua kẹo gửi cho Ba. Nhớ chưa?

Cái đầu nó lại gật lia gật lịa như con gà mổ.

Hạ Vi lúc lắc mái tóc đã bết lại vì nước mưa, đưa tay vuốt mặt. Mùa này trời không mưa mới lạ. Phố tan tầm, dù không gian ướt sũng nước, cũng vẫn rất nhộn nhịp, ai cũng gấp rút để tránh cơn mưa, để còn vội về với người thân trong những căn nhà ấm áp. Và đâu đó ngoài kia, có những kẻ vội vội vàng vàng, nép mình vào hiên, cập rập với cơn mưa trở mùa, lòng nhủ lòng đêm sẽ lạnh lắm đây…

Phong dáo dác tìm cô, chạy xe chầm chậm dọc con đường Trần Phú, anh không biết Hạ Vi đã cố tình đi con đường ngược lại. Cô nhòa nhạt trong mưa, xuôi theo con dốc Lê Đại Hành. Điều duy nhất mong ước là đối diện với chính bản thân mình.

Những thăng trầm, những mảng buồn xen lẫn những giọt hạnh phúc, vốn là bản chất của cuộc đời. Cũng như cộng trừ nhân chia, hay lũy thừa phân số cosin gì gì đó vốn là bản chất của cái môn mà người ta gọi là toán học. Ai cũng có một trái tim đầy ắp những dấu cộng, sao không nhân hậu phân phát những dấu cộng bằng những hành động cụ thể với cuộc sống xung quanh?

Toán học vốn khô khan rạch ròi, nhưng vẫn có đủ các dấu cơ bản cộng trừ nhân chia, vậy hà cớ gì trái tim con người lại không biết tặng cho nhau những dấu cộng để bù đắp cho những dấu trừ mà con người không thể thay đổi được từ số phận của định mệnh?!

 

 

Gold

*Featured image: Jimmy

Khi bạn yêu một cô gái cá tính

Con trai thích gái đẹp, thích gái dịu dàng, thích gái hiền lành và thích gái ngoan ngoãn nghe lời.. Nhưng điều đó không có nghĩa là những cô gái không đẹp, những cô gái cá tính, lêu lỏng, bốc đồng và thậm chí là ” khá hư” sẽ không có được tình yêu. Tuy nhiên, con trai à, khi yêu những cô gái như vậy, thì hãy:

 

Khi bạn yêu một cô gái cá tính..

Hãy dịu dàng với sự xốc nổi của họ. Bề ngoài cá tính đôi khi chính là vỏ bọc hoàn hảo cho những yếu đuổi trong tâm hồn họ.

 

Khi bạn yêu một cô gái cá tính..

Hãy chấp nhận với nụ cười đôi khi quá – khích của cô ấy, bởi nếu không có nụ cười đó có lẽ cô gái của bạn đã tan chảy ra cùng với những nỗi đau.

 

Khi bạn yêu một cô gái cá tính..

Hãy cùng cô ấy tham gia những cuộc chơi có hơi men, bởi khi có bạn cô ấy sẽ cảm thấy yên tâm hơn và giữ chừng mực hơn. Đừng cảm thấy phiền khi con gái uống bia, họ như vậy bởi họ sống thật và họ hơn khối cô có vỏ bọc dịu dàng, chối đưa chối đẩy nhưng thực chất thì uống như – trâu.

 

Khi bạn yêu một cô gái cá tính..

Hãy nghêu ngao hát cho họ nghe những tình khúc lứa đôi. Bởi không phải bất kì một gái – hư nào cũng đam mê nhạc sàn, yêu thích DJ mà đôi khi họ lại muốn lắng mình nghe những bản nhạc nhẹ do yêu thương mang đến.

 

Khi bạn yêu một cô gái cá tính..

Đừng lau nước mắt khi thấy cô ấy khóc, đừng an ủi và cũng đừng tìm cách xua tan nỗi buồn đó. Bởi tất cả những gì bạn làm đều sẽ trở thành vô nghĩa với nước mắt của một người bốc đồng mà hãy im lặng và đưa vai mình cho người ấy tựa vào. Điều nhỏ nhoi đó có thể thay đổi cả một khoảng trời trong cô ấy đấy.

 

Khi bạn yêu một cô gái cá tính..

Đừng bị vẻ ngoài lạnh lùng của cô ấy làm bạn quên mất những cử chỉ lãng mạn và những điều bất ngờ giản dị trong tình yêu. Có thể cô ấy nói k thích hoa nhưng bó hoa bất ngờ của bạn có thể làm cô gái thao thức suốt đêm, cô ấy lười nhắn tin nhưng hãy thử gửi 1 tin nhắn yêu thương trước lúc đi ngủ_ bạn có thể sẽ đến trong giấc mơ ngọt ngào của cô ấy đấy.

 

Và khi một cô gái cá tính đã biết yêu, hãy dùng tình yêu của bạn xoa dịu tất cả, cảm hóa tất cả chứ đừng bắt cô ấy phải thay đổi bởi sở thích và những mong muốn của bạn. Vẻ đẹp bên ngoài làm nên một tình yêu nhưng một tâm hồn đẹp sẽ giữ và nuôi lớn tình yêu ấy qua từng ngày..

 

Yến Mèo

*Feature Image: brandymelvilleusa

 

Giá trị thực sự của bạn nằm ở đâu?

Nhân bữa chán học, mấy chị em ngồi buôn bán với nhau về chuyện công việc, lương bổng và cả tiền tiết kiệm. Chị hỏi tôi:  Thế mày tiết kiệm được nhiều không em? Tôi đáp: Sau 3 năm đi làm, em chẳng có gì. Tôi hỏi chị: Thế còn chị thì sao? Mày nhìn chị thì biết, có bao nhiêu tao ăn tiêu bằng hết.

Thế mày đi xe gì?. Dùng điện thoại gì hả em?
Tôi”tự ti” trả lời: Dạ. Em đi xe số. Điện thoại thì dùng stupid phone chị ạ.

Chị cười: Đấy. Mày thấy đấy. Chị mày đây đi xe tay ga, điện thoại dùng hẳn Iphone nhé.
Gương mặt ngấn thịt của chị lộ vẻ sung sướng.

Tôi hỏi tiếp: Chị đã tự sắm những thứ ấy à???

Chị bảo: Không phải tao sắm nhưng có thì cứ dùng thôi.

À! Ra thế.

À! Đó là lý do để chị thấy hãnh tiến và trên cơ tôi.
Cũng thường thôi mà, đúng không?

Tôi xuất thân trong một gia đình làm nông, đông con. Với xuất phát điểm như vậy, bạn thừa biết không lấy gì làm dễ dàng. Nuôi 5 đứa con ăn học là một nỗ lực lớn đáng ghi nhận của bố mẹ tôi, chứ đừng nói gì đến việc ăn sung mặc sướng. Tôi luôn biết ơn bố mẹ đã cho tôi những thứ giá trị trong trung và dài hạn hơn là những thứ trong ngắn hạn.

Vì xuất thân từ nghèo khó, tôi biết lấy cái gì làm trọng của một con người. Ai đó thể nghèo nhưng không được hèn. Ai đó thể nghèo nhưng phải thanh cao.

Mấy anh em tôi rất thương yêu nhau. Trong số 4 đứa em còn lại, anh trai cả dường như thương yêu tôi hơn cả. Hồi anh chưa đi làm, a nói: Sau này Mèo ra trường, anh đi làm rồi. Mèo thích xe gì anh mua cho Mèo.

Tính tôi không bao giờ đòi hỏi. Có lẽ vì lẽ đó mà anh tôi càng muốn cho tôi nhiều hơn, muốn bù đắp cho quãng thời gian khổ cực ngày xưa của tôi.

Đến tận bây giờ, khi tôi đi làm, lương bổng không hề thua kém anh nhưng mỗi lần về quê anh đều nói: Mèo thích thay xe không? Nếu thích bảo anh, anh phụ thêm tiền cho Mèo mua xe mới.

Tất nhiên, tôi không đồng ý. Sau ba năm ra trường và đi làm, tôi vẫn đi xe số cũ và vẫn gắn bó với em stupid phone từ thưở nào. Tôi nghĩ rằng, mọi vật chất hãy để mình làm chủ nó, đừng để nó làm chủ mình. Thật sự, hiểu rõ giá trị của nó, hãy sử dụng. Đó là cách nghĩ của tôi, chứ bản thân tôi không thành kiến với những người hơn tôi. Tôi chẳng cho họ tiền, cớ chi phải ghen tức với thứ họ có.

Tôi biết anh tôi nặng gánh hơn tôi. Dù gì anh cũng là anh cả, chị đầu. Đàn ông có nhiều thứ đáng phải lo nghĩ hơn bọn con gái đái chưa qua ngọn cỏ.

Em gái đi học, tôi nhận nhiệm vụ chu cấp để giúp đỡ bố mẹ. Giờ đi làm, nó có tiền và thi thoảng hỏi tôi: Mèo có thích smartphone ko?. Mèo thích cái này, cái kia không? Em mua cho Mèo nhé.

Tôi cực kỳ xúc động về thành ý của em nhưng chẳng bao giờ tôi nhận những thứ đó từ em tôi cả. Lương em thấp hơn tôi rất nhiều. Tôi là chị, tôi không muốn dùng tiền của nó. Tôi hoàn toàn sống thoải mái với mức thu nhập của mình và thậm chí tôi có thể mua smartphone hoặc xe tay ga mà tôi thích. Tuy nhiên, tôi đã không chọn cách sống đó khi bố mẹ tôi ở quê vẫn đang còn nhiều vất vả.

Với tôi, chỉ cần em sống tốt, tôi không phải bận tâm, đó là món quà lớn nhất đối với tôi.

Thời đi học, trong đám bạn, gia đình tôi là nghèo nhất. Bạn bè tôi toàn con nhà khá giả, có điều kiện. Tôi chơi với họ, không phải vì muốn thể hiện hay muốn chen chân vào một thế giới khác. Tôi vẫn sống giản dị, vận những bộ quần áo cũ kỹ mặc thừa từ chị tôi và rồi bạn đến với tôi. Chúng tôi chơi với nhau chỉ vì hợp. Dù rằng, xét về kinh tế các bạn đều trên cơ tôi nhưng họ luôn tôn trọng, lắng nghe và hỏi ý kiến tôi về những vấn đề họ khúc mắc. Bạn bè tôi cũng không bao giờ bận tâm đến hoàn cảnh gia đình tôi. Họ sống và đối tốt với tôi. Họ sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ hoặc ở bên tôi khi tôi cần. Nhiều bạn, ở cách xa tôi, năm thì mười họa mới có dịp gặp nhau nhưng tình thân giữa chúng tôi chưa bao giờ bớt nhạt.

Vậy đó. Giá trị của bạn đó là khi, dù bạn nghèo nhưng bạn bè của bạn không nhìn bạn bằng con mắt khác. Giá trị của bạn, đó là khi dù vận một bộ đồ bình thường, đi một con xe số cũ kỹ cách đây chục năm hoặc dùng một stupid phone mà chính bản thân bạn không cảm thấy mình bị lạc lõng. Giá trị của bạn, đó là khi bạn nhắc đến bạn, người khác sẽ mỉm cười và thốt ra lời khen ngợi.

Nếu bạn đo giá trị của người khác bằng những thứ vật chất phù phiếm thì người khác cũng đến với bạn bằng những thứ phù phiếm đó. Vật chất thì có thể bỏ bạn mà đi hoặc lúc bạn nhắm mắt xuôi tay, bạn cũng không thể mang nó theo được.

Vậy nên, đừng nhìn người có vẻ bên ngoài bình thường bằng một ánh mắt khác. Biết đâu bạn đang ở dưới cơ họ mà bạn hoàn toàn không hề hay biết?

 

Mèo Thép

*Featured image: Vic Powles

Nói thêm về mỹ từ Ích Kỷ

*Feature Image: Cuba Gallery

Cách đây vài ngày tôi có đọc được một bài viết, giọng văn rất tâm huyết về khái niệm Ích Kỷ, theo cảm nhận của riêng tôi thì tác giả đã tâm huyết đến nỗi dường như anh ấy đã khoác một chiếc áo choàng vương giả dành cho khái niệm ấy. Khi đọc được đầu đề, tôi ngỡ như Bá Nha vớ được Tử Kỳ, vì tôi cũng đang mang trong mình một chiếc áo choàng cho khái niệm đó. Song sau khi đọc hết bài viết, cũng như các biện đáp bên dưới của tác giả, thì áo choàng đó và của tôi đã khác biệt.

Nói sơ về chiết tự, Ích Kỷ là sự việc mang lợi ích cho bản thân, trong vài ngôn ngữ có vay mượn yếu tố Hán ngữ, thì sử dụng chữ “Lợi Kỷ”.

Quan điểm cá nhân của tôi về Ích Kỷ có 2 ý sau:

1. Ích kỷ là phương pháp tồn tại của tất cả vạn vật vô thường, là quá trình chống chọi của vạn vật đối với sự suy tàn và tan biến của chính nó, nó nằm trong cả những hoạt động và tập tính bản năng nhất của các loài hữu tri, cả trong sự tồn tại vô cơ, yên lặng nhất của các vật vô tri. Vì sự tồn tại của chính nó là một minh chứng không thể chối cãi được về quá trình ích kỷ, đó là sự tập hợp liên kết các nhân tố, sự gia cố và duy trì liên đó trong dòng chảy thời gian, ở các loài hữu tri còn có sự vươn lên giành lấy quyền tồn tại và tồn tại sao cho hiệu quả nhất. Ích kỷ là phổ quát, là căn rễ duy nhất của sự tồn tại, hay nói đúng hơn, tồn tại là một góc nhìn về ích kỷ, nếu nói theo triết Lão Trang, Ích kỷ là Đạo, Tồn tại là Đức.

2. Trong nhân sinh, Ích kỷ được thể hiện ở trù mật cấp độ trong hoạt động của con người. Những cấp độ siêu vi, chỉ cần chúng ta có SUY NGHĨ, dù đã, sẽ hay không hành động để thực hiện suy nghĩ đó đi chăng nữa, thì chúng ta đã Ích kỷ, vì suy nghĩ là thể hiện của chủ ngã, thực hiện nhận thức về ranh giới của chủ ngã với ngoại quan thế giới, khởi điểm cho nhu cầu duy trì và tồn tại, rồi cho mong muốn về các nguồn lực giúp ích cho sự suy trì đó. Đến cả trong sự đói khát của cơ thể, sự ham muốn về nhục dục, trong những phản xạ bản năng, có hay không có điều kiện với môi trường xung quanh, đều là những hành động giúp con người có thể duy trì sự tồn tại của chính mình. Đến cả trong những hành động vị tha bác ái mà động cơ hoàn toàn chân thiện, cũng không thoát khỏi gốc rễ ích kỷ cố hữu của chính nó, nó là hành động thỏa mãn về tâm hồn, giúp phát triển về lương tri, những tác động của các hành động bác ái vị tha đó đều quay về và ảnh hưởng tốt lên chủ thể hành động, vốn đã biết và nghĩ về nó và MUỐN nó được thực hiện. Cuối cùng là nghĩa Ích kỷ mà chúng ta vẫn đang dùng, là sự tham lam, sự cưỡng tước, sự bàng quan, bất chấp lợi ích người khác…

Sở dĩ con người hầu hết nghĩ ích kỷ theo ý cuối cùng tôi vừa nói trên, là do những tác động ở tầm siêu vi nó quá sâu xa, con người chưa nghĩ tới, hoặc là do tầm phổ quát, nó quá rộng lớn, cả xã hội ai cũng làm, đến độ nó được mang tên là Lẽ Phải, nên những tầng nghĩa hay mức độ ở đó, Ích kỷ bị thay tên đổi họ.

Cái áo choàng này không được đẹp đẽ để có thể đứng vào hàng ngũ cổ súy cho tự do cá nhân,ủng hộ việc “trước hết phải yêu thương bản thân” của giới trẻ, nó cũng không đủ lộng lẫy để được ca ngợi, để được đặt thành 1 chủ nghĩa của phe cấp tiến, nó chỉ mỏng manh như ranh giới của các cấp độ của chính nó, tôi nghĩ nó phù hợp với những con người có kinh nghiệm trong việc điều độ các SUY NGHĨ, các HAM MUỐN và TẬN HƯỞNG, không quá khích, cực đoan hay vội vã.

 

Trần Tỷ