23 C
Da Lat
Chủ Nhật, 11 Tháng 5, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 315

“Xách ba lô lên và đi”, bạn dám thử không???

“Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá.” – Mark Twain

Mấy ngày nay dư luận cứ xôn xao về cô bạn trẻ Huyền Chíp và cuộc hành trình đi du lịch qua 25 quốc gia của bạn ấy, cũng như những nội dung trong 2 cuốn sách của bạn ấy. Mình thực sự khâm phục Huyền Chíp về sự dũng cảm, mạo hiểm, dám nghĩ dám làm khi thực hiện chuyến hành trình và thực sự hơi ghen tị với những trải nghiệm tuyệt vời của Huyền. Chỉ riêng việc bạn dám khởi đầu cuộc hành trình không đoán định đó đã khiến mình ngưỡng mộ rồi.

Trong bài viết này, mình không muốn tranh cãi hay bàn luận thêm về vấn đề này, ở đây mình chỉ nói tới trào lưu “du lịch bụi”, và mong muốn khơi dậy tinh thần “xách ba lô lên và đi” của các bạn.

“DU LỊCH BỤI” LÀ GÌ?

“Du lịch bụi” là kiểu du lịch không có chương trình, kế hoạch cụ thể, với mục đích đi để biết, để trải nghiệm thật sự mọi thứ về những vùng đất mà mình đặt chân đến. Nó khác hẳn với kiểu du lịch theo tour rất phổ biến hiện nay. Chính vì vậy, “du lịch bụi” là mạo hiểm và thường đòi hỏi người đi phải thực sự đam mê và cần sự dũng cảm, đôi khi cả liều lĩnh nữa. “Du lịch bụi” ở đây mình muốn nói tới đi “du lịch bụi” bằng xe máy.

Gần đây, “du lịch bụi” trở thành trào lưu, phát triển mạnh mẽ và lan rộng, nhất là trong giới trẻ. Đối với những bạn trẻ đam mê trào lưu này, “xách balô lên và đi” là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Cá tính, phóng khoáng, thích chinh phục và khám phá chính là những điểm chung của các bạn trẻ này.

VÌ SAO MÌNH THÍCH “DU LỊCH BỤI”?

Mình là một người đam mê “du lịch bụi” và dám thực hiện đam mê đó của mình, bạn đồng hành của mình chiếc xe máy cũ và mình thường “độc hành”. Mới đây mình vừa kết thúc chuyến hành trình Nha Trang – Đà Lạt – Đồng Nai – Sài Gòn – Vũng Tàu – Bình Phước – Daknong – Daklak – Gia Lai cũng bằng xe máy, và một mình. Khỏi phải nói chuyến đi thú vị thế nào.

Thói quen của mình là không bao giờ vào mấy điểm du lịch nổi tiếng, vừa tốn tiền, vừa ồn ào và chán ngắt. Mình muốn thực sự hòa mình vào cuộc sống nơi mình đến, trò chuyện và cùng sống với người dân ở đây, như mình là một cư dân bản địa thực sự. Dùng những món đặc sản do chính tự tay người dân ở đây làm và mời mình, chứ không thưởng thức nơi hàng quán. Vì chỉ như vậy, mới cho mình có sự trải nghiệm chân thực và gần gũi nhất về miền đất mà mình đến, và so sánh xem nó khác với những gì trên ti-vi hoặc từ những người khác nói.  Đó mới chính là cái chất của “du lịch bụi”.

Bạn thử tưởng tượng xem một ngày nào đó, bạn tới một ngôi làng của người đồng bào thiểu số, bạn được mọi người mời uống rượu cần với thịt rừng xông khói quanh bếp lửa, cùng nghe những câu chuyện thú vị về rừng núi, thần linh, săn bắn… Mà rượu cần ở đây chỉ được uống khi có việc quan trọng hay tiếp khách quý chứ không phải uống “đại trà”, và trước khi uống phải cúng và xin phép thần linh trước, chứ không phải bạ đâu uống đấy. Mình may mắn được trải nghiệm không gian đó và xin nói với các bạn, nó chân thực, thú vị và khác hẳn với những gì bạn biết trên ti-vi hay báo đài.

Có lần chạy xe từ Vũng Tàu lên Đà Lạt, lên tới nơi trời mưa dầm dề, mình tấp đại vào một quán ăn gần đường, vừa tới nơi liền có hai bạn phục vụ, một bạn dắt hộ xe, một bạn xách ô ra che cho mình và dẫn mình vào. Vào quán đã có sẵn bếp sưởi để khách hơ tay cho ấm. Sau đó, là một bữa ăn ngon chưa từng có, cũng có thể do mình đói và lạnh, cộng với phong cách phục vụ nhiệt tình và dễ thương của quán. Ấm lòng lữ khách, cả nghĩa đen lẫn bóng.

Rồi những lần chạy xe lên tới đỉnh đèo, dừng xe lại ngắm khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, sau đó thả đèo tận hưởng gió mát, khí trời, rửa mặt từ nước của những con suối chảy xuống từ vách núi… Tất cả những trải nghiệm đó đã khiến “du lịch bụi” trở thành một phần cuộc sống của mình. Và mình tin, các bạn cũng yêu những cảm giác đó.

DU LỊCH BỤI – VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH, BẠN CÓ DÁM THỬ?

Trào lưu “du lịch bụi” thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chứa đựng nhiều yếu tố không đoán trước được, do đó để quyết định đi du lịch bụi, bạn phải chiến thắng nỗi lo sợ của bản thân trước, rồi mới cân nhắc và gạt sang một bên những ý kiến, sự lo lắng, thậm chí ngăn trở của những người xung quanh. Và khi bạn quyết định thực hiện chuyến đi của mình, bạn đã khởi đầu cho quá trình vượt lên chính mình rồi đó.

Trước mỗi chuyến đi, mình thường định hình xem mình sẽ tới đâu, tiến hành bắt liên lạc với bạn bè hoặc người thân (nếu có) ở đó, rồi tìm hiểu cung đường, chất lượng đường sá, sau đó xách ba-lô và lướt.

Bạn lo lắng về tiền? Du lịch bụi là kiểu du lịch giá rẻ, tiết kiệm, bản thân bạn có thể kiểm soát được chi phí nếu bạn chịu khó tìm hiểu trước về thông tin cho cuộc hành trình, cũng như bắt liên lạc với những “vệ tinh” ở mỗi địa điểm bạn tới – ý mình là những bạn bè, người thân của bạn ở đó. Những người này sẽ giúp đỡ các bạn rất nhiều về mọi thứ đấy. Chuyến hành trình gần đây nhất mình bắt đầu chỉ với 500k trong túi.

Khi mình bắt đầu mỗi cuộc hành trình, mình cũng thường lo lắng về những tình huống xấu có thể gặp trên đường: trộm cướp, sợ bị lừa đảo, tai nạn, hư xe dọc đường, bị các chú áo vàng thổi, lạc đường… Nhưng sự đam mê, những hứa hẹn về sự trải nghiệm vùng đất mới lại giúp mình chiến thắng những lo lắng đó và thôi thúc bản thân lên đường.

Cô bạn Huyền Chip có câu nói rất hay: “Mình thừa nhận: “Xách ba lô lên và Đi” là nguy hiểm. Nhưng đi không phải là thứ duy nhất nguy hiểm: ăn cũng nguy hiểm, uống trà đá cũng nguy hiểm, đi xe máy cũng nguy hiểm, có người ngồi trong nhà tường sập xuống chết, suy ra ngồi trong nhà cũng nguy hiểm. Nói chung cuộc sống là nguy hiểm…”. Như vậy, nếu trời muốn bạn chết thì bạn sẽ chết, dù bạn ở đâu hay làm gì. Với lại, người dũng cảm chỉ chết một lần, kẻ nhút nhát chết vạn lần trước khi chết. Vậy tại sao bạn lại để những cảm xúc tiêu cực đó ngăn trở đam mê của mình chứ?

Hãy nghĩ đến những người bạn gặp dọc đường, những người bạn mới quen, thiên nhiên bao la rộng lớn, cảm giác thú vị khi những luồng gió trong lành phả vào mặt, trải nghiệm sự khác biệt của những vùng đất, tiếp xúc với những con người bản địa, cảm giác thành kẻ chinh phục khi bạn hoàn thành chuyến hành trình… Những điều này sẽ thôi thúc bạn lên đường một cách mạnh mẽ nhất.

Để hạn chế sự rủi ro có thể gặp trong chuyến hành trình, bạn nên tìm hiểu kinh nghiệm của những người từng phượt; tìm hiểu thông tin, chất lượng đường sá trong lộ trình dự tính của bạn; chuẩn bị mọi thứ kĩ càng trước khi đi: chi phí, bảo dưỡng xe, báo trước cho bạn bè, người thân (nếu có) ở nơi bạn sắp tới, điện thoại phải đầy pin và hoạt động ổn định…

Và bây giờ, hãy chọn một hành trình cho riêng bạn, dù ngắn, thực hiện và trải nghiệm hành trình đó. Mình tin là bạn sẽ tiếc vì mình không bắt đầu đam mê này sớm hơn đấy. “Du lịch bụi” – vượt lên chính mình, sao không dám thử chứ!

 

Ngựa Hoang

Featured image: Thomas Zimmer

Vấn đề không phải là một cây, mà là cả khu rừng

Cuộc sống này là bể khổ? Ai đồng ý dơ tay lên và bước ra ngoài! Ai không đồng ý ở lại nghe nói tiếp.

Tất cả mọi người muốn mình đúng, muốn mình được lợi, dù rằng tốt bụng nhất họ cũng sẽ bạo biện rằng họ chỉ muốn có được những nhu cầu chính đáng, có phải thế không?

Cuộc sống vô thường, nhưng không có nghĩa là nó không có quy luật. Cứ ở đó và sống với cái “nhu cầu chính đáng”, tùy mỗi người! Vũ trụ không cần biết điều đó, vũ trụ rất minh bạch, rất công bằng, vì thế cái mong muốn chính đáng quá là thừa thải cho cuộc sống. Khi một con gà ấp trứng đủ số ngày, trứng tự động nở, nó không cần phải mong ước gì cả, cũng chả phải nhu cầu chính đáng gì, nó đơn giản làm việc của nó, thế thôi!

Quay lại việc mong muốn… Và mọi chuyện vẫn đang tồn tại, nảy sinh từ cái nhu cầu chính đáng đó. Chúng ta đòi hỏi lợi ích, chúng ta muốn được “khỏe thân”, chúng ta muốn được vui vẻ, muốn được hạnh phúc, muốn được giàu có, muốn tất cả mọi thứ ngon lành, chúng ta muốn những lợi ích chính đáng… Khi có cái muốn xuất hiện, chúng ta liền dùng đến cái đầu, mục đích là để toan tính làm sao để đạt được cái lợi ích cho bản thân, cao cả hơn là cho gia đình và người thân. Người ta sẽ moi trong đầu họ ra, tất cả những quy luật được học, những kinh nghiệm đã rút, những bài học được dạy, họ áp lên từng trường hợp và đem ra làm lá chắn, làm mặt nạ đối xử với cuộc sống này.

Xin lỗi, chúng ta toan tính với cuộc sống, nó sẽ đáp trả lại y chang như những vách núi trong rừng vọng lại những âm thanh, chả có gì khác.

Cuộc sống này là thiên biến vạn hóa, là ngẫu nhiên, là độc nhất ở mỗi sự việc – mỗi cá thể. Mỗi ngày là mỗi khác nhau, mỗi người, mỗi việc sẽ là khác nhau, sẽ không có cái gì giống nhau hay lặp lại cả. Thế nên mọi kinh nghiệm là thứ chắc cú sẽ sai, nó như một thứ đã chết, như một cây kiếm cổ trong thời súng ống hiện đại, nó nên làm chức năng để trưng bầy hoặc nằm im trong hộp hơn là mang ra chém người khác.

Bỏ qua khía cạnh công việc kiếm cơm, chúng ta không cần thiết phải sử dụng đến cái kinh nghiệm hay những thứ đã học đó để xử sự với mọi người và với cuộc sống, nó quá láo toét, nó bố láo, nó xảo trá – xấc xược và không thật tình. Cuộc sống này cần được trang trí, trái đất này cần trồng thêm cây, không phải để giành giật loài chim từ cây kia sang cây này, chim sẽ bay sang, hạnh phúc sẽ đến, đó là điều tất yếu, rất tự nhiên…

Có vài bạn hỏi tôi: Nếu không có kinh nghiệm và kiến thức được học thì chúng ta sẽ làm gì?

Xin hãy rõ ràng, ngay tại chỗ này! Kinh nghiệm toan tính để dành giựt được hợn khác với kinh nghiệm học tập và kiến thức trong công việc chuyên môn.

Khi làm việc, chúng ta cần kinh nghiệm, đúng – không có kinh nghiệm, kiến thức thì làm cái nỗi gì! Nhưng kinh nghiệm này là dạng khác, là những tri thức, là chân lý, nó không giống cái kinh nghiệm đã được toan tính như đã nói ở trên. Nghĩa là cái ham muốn lợi lộc không còn hiện ở trong đây, nghĩa là chúng ta đơn giản chỉ đang sống trọn vẹn với từng phút giây, đắm mình vào công việc mà mình yêu thích, không tham lam chút nào! Khi cái bản ngã ham muốn không hiện hữu, cái kinh nghiệm không còn mang ý nghĩa  xấu đó nữa, nó sẽ trở thành công việc, trở thành niềm đam mê, trở thành tình yêu…Chúng ta nên rõ ràng, chúng ta có quyền không hiểu, nhưng không được phép hiểu sai thêm chút vấn đề nào nữa, hiểu chứ?

Quay lại chủ đề chính,

Kinh nghiệm, quy tắc, và những gì được gọi là “nghệ thuật ứng xử” với tôi là cái gì đó rất xấc xược, không thể chấp nhận được. Nghệ thuật ứng xử thực sự là trái tim kìa, kinh nghiệm là những thứ thuộc quá khứ – đã qua – đã cũ, quy tắc là những hệ thống cứng nhắc như tòa nhà – chẳng thể đung đưa theo gió. Thế thì cái tâm trí con người khi sử dụng những thứ này cũng sẽ cứng ngắt theo như bị đổ bê tông không khác chút nào. Khi chúng ta nhìn một người, một sự việc, chúng ta liên hệ, lục thông tin trong bộ óc và đồng nhất cái đang hiện hữu với những gì đã hiện hữu – đã được kết nạp, chúng ta nhét chúng chung vào 1 góc. Hình như con người ta chỉ cảm thấy thoải mái và an tâm khi mọi thứ được đánh đồng, được xếp hạng, được cũ hóa, được cất giữ, và được rõ ràng mà thôi. Bằng không cái tâm trí sẽ bị túng quẫn, nó mơ màng và lơ đãng, nó không thể tiếp cận cái mới mẻ hoàn toàn, nó không biết phải làm sao, nó không làm gì được nữa! Thế là người ta xếp con người A như thế này, xét với quá khứ B có sẵn, thì chắc chắn là hạng C. Người ta bảo: À! Thế này thì chắc cú sẽ thế nọ. Người ta còn thêm cái thói hay ảo tưởng về tương lai, một là tiêu cực, hai là tích cực thái quá, cả 2 đứa này là con của cha thất bại và mẹ khổ đau.

Bộ óc có chức năng là suy tưởng, nó bắt buộc sẽ lao tâm khổ tứ, nó sẽ lục mọi thông tin nào bạn thích. Có A, bạn thích suy ra B, nó lục B cho bạn, bạn thích suy ra C,D,E,F nó tìm ra thông tin logic cho bạn. Bạn muốn sao trí óc cũng có thể hợp lý hóa mọi thứ cho bạn. Và đương nhiên một ngày, nó sẽ quá tải vì lao lực, suốt ngày tìm kiếm, suốt ngày thu nạp, lưu giữ, moi ra, bỏ vào. Bộ não với chức năng của nó, thật đáng sợ!

–         Hãy coi chừng bộ óc của bạn, hãy theo dõi những suy nghĩ và quan sát chúng, không phải để tiêu diệt khi chúng làm sai, mà là khi quan sát thực sự, Trí Thấy – Trí Tuệ của bạn sẽ biết phải làm gì – Trí tuệ thì không thuộc dòng suy nghĩ dựa trên kinh nghiệm của trí óc nhé…

Nghe này,

Mỗi một thứ, một người là cả sự toàn thể. Nó không bị tách rời ra! Con người A không thể gọi là A nếu gắn cái đầu của B, tính cách của C, đôi chân của X, và đôi môi của Z được, không thể nào được! Thế mà chúng ta lại hay ảo tưởng về 1 thứ, thuộc một đối tượng, chúng ta còn hay đòi hỏi gắn cái mác của anh B và người anh A cho đẹp hơn nữa cơ! Mỗi sự tồn tại là cả một khu rừng với rất nhiều cây, thế rồi chúng ta lôi ra một cây, soi mói và dùng kinh nghiệm, học thức của mình châm chích vào nó, đánh giá nó, thậm chí là thay đổi và ao ước giùm nó – để làm gì vậy? Nó đâu có đòi? Trong khu rừng có cây to, cây nhỏ, cây cao, cây thấp, thế thì không có bất cứ khẳng định nào đúng hay kinh nghiệm, sự miêu tả nào có thể áp đặt, nó đặc biệt, nó là toàn thể khu rừng. Cuộc sống là toàn thể khu rừng, mỗi người là toàn thể khu rừng, có tốt có xấu, có hay có dở, khi nào chúng ta chấp nhận một khu rừng đẹp đẽ mà không nhìn vào một cây bị héo hay có một con sâu trên cành thì khi đó nó sẽ trở về bản chất thật của mình trong mắt bạn. Cái việc nhìn thấy cả khu rừng này không đơn thuần dùng bằng mắt mà có thể thấy, nó được nhìn bằng cả ánh mắt của tâm hồn, của Trí Thấy, của tâm thức!

Một khi chúng ta sống như ông mặt trời, tỏa nắng khắp muôn nơi, không đòi hỏi, không mong chờ gì từ trái đất, không ham muốn tương lai, không tiếc nuối quá khứ, không chê bai, không bênh vực hành tinh khác. Mặt trời vẫn mọc lặn vào mỗi sớm tối và bao trẻ nít vẫn chơi bắn bi, thả diều, các bà mẹ nấu buổi cơm chiều thơm phức chờ ông chồng về ăn cơm sau một ngày vào rừng lấy củi. Họ có những câu chuyện vui kể cho nhau nghe, tiếng cười vui tỏa ra từ ngôi nhà nhỏ bé. Ánh nắng đã bắt đầu nhạt dần trên khung cửa sổ bằng gỗ. Dạo này, trời đã bắt đầu chuyển sang đông, không khí khá lạnh và ảm đạm, lò sưởi đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng tôi nghĩ là chúng ta đã đủ ấm rồi…

-Lục Phong-

Featured image: JPtHart

Đọc sách chẳng phải chuyện dễ dàng

Tối hôm trước có một cô bé vào chia sẻ với tôi rằng: “thường ngày những thứ công nghệ như laptop, điện thoại, ipad…thường có sức sexy hơn so với một cuốn sách. Nhưng em vẫn muốn duy trì thói quen đọc sách“.

Chúng ta phải công nhận rằng hiện nay những phương tiện nghe nhìn thường hấp dẫn con người hơn so với những cuốn sách. Hàng ngày, những cái tựa giật tít, những clip sống động, hình ảnh, âm thanh thu hút…dần dần kéo con người rời xa văn hóa đọc. Có người chẳng bao giờ/ chẳng hề/ hoặc rất hiếm khi cầm tới cuốn sách. Dường như con người dần quên đi một kho tri thức khổng lồ cần được khai thác.

Tất nhiên đọc sách chẳng phải chuyện dễ dàng. Hiện nay có nhan nhản những cuốn sách “thị trường”, được PR truyền thông một cách rầm rộ, thậm chí tác giả đặt những cái tên vô cùng hay ho. Có những cuốn sách đọc rồi chẳng thấy học được điều gì trong đó, văn phong chán ngắt, nội dung nhảm nhí, mua về rồi cảm thấy tiếc rẻ số tiền mình bỏ ra. Đọc sách không phải chỉ để giết thời gian, mà đọc để nâng cao nhận thức, tích lũy vốn văn học, học những lời hay, ý đẹp.

Cô bé còn chia sẽ thêm rằng: “bản thân em thích mua những cuốn bestseller nhưng chẳng bao giờ đọc hết, đọc chừng 100 trang lại để đó”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân những cuốn sách “nhảm” nhưng viết theo tâm lý người đọc thường thu hút hơn những cuốn sách hay.

ĐỌC SÁCH CẦN SỰ KIÊN NHẪN

Chúng ta cần phải xác định lại MỤC ĐÍCH đọc sách là gì? Đó không đơn thuần là sự giải trí. Đọc sách là một trong những cách để nâng cao khả năng tư  duy, liên kết các thông tin, tìm động lực sống, tìm kiếm kiến thức. Bước vào một cuốn sách là bước vào một thế giới, rồi chúng ta sẽ lượm lặt được ít nhiều điều trong đó.

Tôi đọc sách không hy vọng mình thành công, cũng không kỳ vọng nhiều trong những cuốn sách đó. Tôi tìm tới sách đơn giản khi tinh thần  xuống dốc, tâm lý đang vướng mắc, tôi tìm thấy những suy nghĩ tích cực hơn trong đó, cũng có khi giúp tôi khám phá thêm chính bản thân mình.

Đọc sách giúp Tôi khám phá thế giới, ví dụ như sự đa dạng và phức tạp của thế giới ngầm, hoạt động mafia trong tác phẩm Bố Già, bức tranh về một đất nước Afghanistan nghèo đói và chiến tranh ở 30 năm trước trong tiểu thuyết “Người đua diều”,  bức màn bí ẩn của đời kỹ nữ Nhật Bản trong “Hồi ức của một Geisha”, Hé lộ những bí mật chính trị – kinh tế – xã hội trong “Kỹ nguyên hỗn loạn”, Thế giới phẳng, Lời thú tội của một sát thủ kinh tế…

Có những cuốn sách khó đọc, nó đòi hỏi người đọc phải đủ trình, kiến thức lịch sử xã hội, hoặc những kinh nghiệm sống cần thiết. Tuy nhiên, đừng nản lòng, đọc sách cần phải có sự kiên nhẫn, có thể ở ngay lúc đọc bạn chẳng thể hiểu được, nhưng tới một lúc bất chợt nào đó, gặp phải chuyện gì đó, bạn sẽ bất ngờ nhớ lại những gì đã đọc được đâu đó. Bạn sẽ càng bất ngờ hơn với khả năng liên kết thông tin và tư duy của mình. Không tin à? Bạn thử đọc sách đi. ^.^

Những cuốn sách làm giàu, những cuốn sách dạy kỹ năng, chẳng thể phủ nhận rằng đọc nó khiến chúng ta tìm thêm động lực, thôi thúc bản thân hành động. Đọc nhiều quá, dần cảm thấy chán ngắt, vì chúng thường viết theo một xu hướng, truyền động lực theo cũng những kiểu giống nhau, rồi lại cảm thấy chúng chỉ mang tính lý thuyết mà chẳng thể giúp ta được gì. Cũng có một thời gian Tôi rơi vào tình trạng như thế, tôi đã đọc quá nhiều cuốn thể loại như  Cha giàu – Cha nghèo, Tôi đã làm giàu như thế, Bí quyết tay trắng thành triệu phú, Think and Grow Rich, Phụ nữ thông minh khởi nghiệp…Điều tôi học được là bạn không cần đọc quá nhiều cuốn, cũng không nên đặt kỳ vọng mình sẽ thành công như những người viết chúng, nhưng cũng đừng hoài nghi, chỉ cần bạn tìm thấy chút thông tin bổ ích cho mình trong đó, hoặc đơn giản chỉ cần chúng giúp bạn thêm động lực thôi. Bạn đã thành công khi bạn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình học được.

Hoặc có khi Tôi tìm tới sách chỉ để giải tỏa những áp lực của công việc và cuộc sống. Cho phép mình sống trong một thế giới khác, mơ màng và bay bổng trong những câu chuyện, để rồi học được trong đó tình yêu thương, những giá trị nhân văn của cuộc sống, những tiêu chuẩn đạo đức, cách sống giữa người và người.

Đọc sách chẳng phải chuyện dễ dàng. Nhưng hãy duy trì thói quen đọc sách.

-Trang Nguyễn-

*Featured image: spudballoo

Nếu nó không thật tâm, nó không phải là từ thiện

Từ thiện. Tôi không rõ phải định nghĩa hay hình dung từ này như thế nào. Tôi rất ngưỡng mộ những bạn thích làm từ thiện, thích đi tình nguyện vì họ hạnh phúc với những gì họ mang lại cho những nơi họ đến, những người họ giúp. Họ sẵn sàng quên đi những nỗi lo trước mắt của bản thân mình để sống vì người khác và chia sẻ khó khăn với người khác – bằng cách này hay cách kia. Họ là những người sống cho mình nhiều nhất – vì với họ, họ thực sự sống khi chia sẻ những gì tốt đẹp họ nhận được cho người khác. Đó là một thái độ sống tôi vô cùng vô cùng ngưỡng mộ, bởi nghĩ cho người khác một cách thật tâm không bao giờ là dễ dàng.

Nhưng, cho đồ cũ vì mình không dùng nữa có phải là từ thiện hay chỉ là một cách tống rác ra khỏi nhà một cách hợp lý; đóng một cọc tiền chỉ để cảm thấy thoải mái vì mình vừa làm một việc có cái tên “đóng góp từ thiện” chứ thật tâm chẳng có chút rung động hay cảm thán thương xót với những số phận mình đang góp phần giúp đỡ; hôm qua đi từ thiện vùng sâu vùng xa nhưng tối nay gặp một ông lão mù thổi sáo nơi vệ đường mà chẳng sẵn sàng rút vài đồng tiền lẻ giúp cụ.

Hay như các báo đài tổ chức chương trình từ thiện nhân danh ca sĩ diễn viên nào đấy rồi câu bài PR – trong cả ngàn chữ ấy chẳng thấy nhắc đến người được giúp đỡ mà chỉ chăm chăm khoe hình môi đỏ móng hồng dáng xinh đầm đẹp của người đi giúp đỡ => đó là từ thiện?! Đừng nói đến chuyện các page share hình câu like kêu gọi nằn nì yêu cầu giúp đỡ.  Cái thể loại ấy thì tôi xin lỗi phải chửi: quá bẩn!

Không thiếu cách thể hiện lòng tốt của mình. Tôi thấy có vài anh/chị mỗi tối bỏ cả giấc ngủ để đi tặng những phần bánh mì, cơm tối cho những người vô gia cư hay lao động nghèo khó. Họ chẳng cần PR mà tôi vẫn biết họ. Tôi biết có một cô bạn nọ, hễ gặp một ông lão, một cụ bà ăn xin hay bán vé số hay hát dạo ngoài đường – dù bận rộn thế nào cũng dừng lại, quay lại hay thậm chí là chạy ngược đường trở lại để mua ủng hộ hay bỏ vào ống lon một chút tiền lẻ. Tôi thấy một nhóm bạn kia chẳng có tiền để ủng hộ đủ nhiều cho một chương trình từ thiện nào nhưng sẵn sàng bỏ sức, bỏ thời gian để tham gia chương trình của các tổ chức tình nguyện khác, nhằm lấy tiền hoặc lấy mối quan hệ để từ đó ủng hộ cho một mái ấm kia.Tôi còn thấy nhiều người lắm, họ làm vì chính họ muốn như thế chứ chẳng phải để gắn cái mác “người làm từ thiện” lên người.

Sống cho mình thôi đã cần sự thật tâm rồi; sống cho người khác, cái sự thật tâm ấy còn cần nhiều hơn lắm!

 

*Feature Image: Roberto Aldrovandi

Ông xã và bồ nhí

Tôi quen nàng có thể là ngẫu nhiên hoặc là một sự sắp đặt mà chính xác hơn nữa thì đó là do tò mò. Nguyên nhân ư? Chỉ là một lý do cá nhân có thể không cần nhắc đến, chỉ đơn giản là tôi quen nàng như thế. Tôi thuộc thế hệ cuối 8x còn nàng đầu 9X. Đôi khi tôi nghĩ có thể vì thế mà tôi và nàng khác nhau trong cách sống và quan điểm tình yêu chăng?

Nhưng dường như đó không phải là lý do. Tính cách mỗi người, sự giáo dục và môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều tới quan điểm của chúng ta.

Nàng đang là sinh viên,  Ừ! Sinh viên tức là đang còn đi học, đối với tôi mà nói thì quãng thời gian được đi học là quãng thời gian đơn giản nhất, không vấn đề lo lắng. Còn nàng, hình như có quá nhiều suy tư, có quá nhiều vấn đề khiến suy nghĩ của nàng trở nên già dặn hơn so với bề ngoài non nớt của nàng.

Nàng đang cùng sống với người yêu, người mà nàng thường gọi là “ông xã”, ông xã của nàng hơn nàng độ gần chục tuổi, cũng chẳng phải là trường hợp hiếm hoi gì ở xã hội. Ông xã của nàng thường xuyên công tác xa, thì cũng bởi tính chất của công việc. Ông xã nàng gần như chu cấp mọi thứ cho một cô sinh viên xa nhà như nàng.  Ông xã nàng là người đàn ông tốt, thì mặc định cứ cho là vậy đi. Và hơn nữa ông xã yêu nàng, nàng yêu ông xã, được minh chứng bằng thời gian gắn bó của mối tình cỡ chừng 5-6 năm.

Nàng đang quen với một chàng sinh viên cùng lớp, người mà nàng gọi là bồ nhí. Nàng không phải chỉ có 1 bồ nhí, mà có nhiều nhiều bồ nhí khác. Những người mà nàng gọi là để vui chơi qua đường lúc cô đơn, buồn bã, khi ông xã chẳng thể ở bên cạnh nàng, còn yêu thì vẫn chỉ yêu một mình ông xã. Là nàng nói thế. Nhưng có vẻ anh chàng bồ nhí này có chút gì đó đặc biệt hơn. Thời gian tôi quen nàng là thời gian nàng vật lộn với cảm xúc chia tay bồ nhí, nàng đau khổ, nàng buồn, nàng khóc, nàng mất ngủ, có lúc nàng say! Đi với tôi, Nàng thường luyên thuyên về những kỷ niệm đẹp cùng bồ nhí. Có lúc nữa đêm nàng bảo, nàng uống rượu một mình, nàng bảo thật khó để quên. Bồ nhí biết nàng có ông xã, rồi bồ nhí có người khác nhưng bồ nhí vẫn còn yêu nàng và nàng lại không thể từ bỏ ông xã.

Tôi hỏi “Vậy rốt cuộc nàng yêu ông xã hay yêu bồ nhí?” Nàng nói: “câu hỏi khó trả lời quá. Một người mang lại cho ta cảm giác an toàn, còn một người mang lại cho ta cảm giác mình được yêu thương và là tất cả với người đó.”

Hóa ra vậy, Người mang cho nàng cảm giác an toàn là ông xã, người mang đến cho nàng một cuộc sống vật chất đầy đủ, tương lai tốt đẹp, kèm thời gian dài gắn bó. Còn người xem nàng là tất cả là bồ nhí,  một chàng sinh viên nghèo chỉ có tình yêu mãnh liệt, sự quan tâm nhiệt tình. Nàng không có đủ can đảm đánh đổi tương lai vững bền để chọn lựa một tình yêu lạ lẫm.

Tất nhiên, Tôi quen nàng không lâu để hiểu rõ cuộc sống của nàng, cũng chẳng đủ thân thiết để biết tường tận mọi việc của nàng. Mỗi người – mỗi cuộc sống – mỗi sự việc, tất cả đều có nguyên do riêng của nó. Nhưng Ông xã và bồ nhí, Liệu nàng có thể giành tình cảm yêu đương cho hai người đàn ông cùng một lúc? Liệu nàng sẽ hạnh phúc khi tham lam muốn nắm giữ cả hai người? Cuộc sống cần phải biết chấp nhận và từ bỏ, tình cảm cũng vậy. Sự ham muốn vô chừng sẽ khiến chúng ta rơi xuống vực thẳm của bế tắc và đau khổ.

–  Trang Nguyễn –

*Featured image: Neera

Những hiện tượng thú vị và sợi dây vô hình liên kết tất cả

Thời gian gần đây, nhiều “nhân vật” mà tôi gặp đã cùng sử dụng từ “thú vị” để mô tả về những gì đang diễn ra xung quanh. Và chị Trang Trịnh đã gợi ý cho tôi nên viết 1 note về sự thú vị này.

Có những sự biến chuyển thú vị đang diễn ra ở đất nước này.

Không hẹn mà gặp, rất nhiều người Việt Nam sống lâu năm ở nước ngoài quyết định trở về Việt Nam trong mấy năm trở lại đây. Không sớm hơn, không muộn hơn.

Tôi biết được có anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, một nghệ sĩ, một người luyện võ, một nhà kinh doanh, rời bỏ công việc lương cao của Schneider Electric trở về Việt Nam. Về nhà, ngoài việc làm cho FPT, anh dành thời gian phát triển “Giấc mơ Việt Nam”. Mong mỏi kêu gọi mỗi người hãy nuôi trong mình 1 giấc mơ về tổ quốc.

Tôi quen với tiến sĩ Giáp Văn Dương, trở về sau cả chục năm trời chu du thế giới, công việc cuối cùng trước khi anh trở về VN là giảng viên tại NUS. Về VN, anh mở GiapSchool – một cổng giáo dục trực tuyến miễn phí, tâm huyết đến mức bán cả nhà đi để trả tiền server phục vụ cộng đồng. Con gái anh, lớp 7, một công dân toàn cầu chính hiệu đã nói với anh câu nói mà khiến tôi cũng nghẹn ngào “Bố ơi, ở Singapore tốt thế sao lại phải về Việt Nam hả bố?”

Tôi rất yêu quý chị Trang Trịnh, một pianist tài năng với những thành tích đáng khâm phục. 6 năm học nhạc ở Anh, chị sang Hàn Quốc và lấy một nghệ sĩ opera ở đây. Vậy mà chị đã thuyết phục được anh ấy trở về Việt Nam, dự định mở một trường nhạc miễn phí cho những trẻ em mồ côi, với mong mỏi âm nhạc sẽ làm thay đổi con người.

Còn nhiều nữa những con người như thế (như anh Đặng Hoàng Giang chẳng hạn), họ quyết định trở về Việt Nam vào những thời điểm khác nhau của cuộc đời họ, nhưng cùng một thời điểm. Đất nước không hẳn là mời chào họ, họ về nước không phải để kiếm tiền, cũng không phải để an hưởng tuổi già. Họ về để làm những điều thú vị.

Cách đây ít lâu, tôi có dịp được ngồi tiếp chuyện cả chục tiếng liên tục với nhà văn Nguyên Ngọc và bác Nguyễn Trung (cựu đại sứ tại Thái và Úc) cùng một vài bạn bè khác. Câu chuyện của chúng tôi nói về lịch sử, về nghệ thuật, về chủ quyền đất nước, rồi mọi thứ gần như đều quay về 1 chủ đề: Giáo dục. Và chúng tôi đều đồng ý rằng, giáo dục, phải là giải phóng con người, là khiến cho họ tự do, làm chủ được cuộc đời của họ chứ không phải tạo ra những công cụ lao động cho xã hội.

Mấy hôm trước, tôi cũng cảm thấy rất may mắn khi được ngồi trong cùng 1 phòng họp nhỏ với GS Ngô Bảo Châu, nhà giáo Phạm Toàn, kẻ ăn mày sách Nguyễn Quang Thạch, anh Đàm Quang Minh và nhiều người làm về giáo dục khác. Mặc dù tôi đã quen với gần 1 nửa trong số những người trong căn phòng hôm ấy, đó vẫn là một cuộc gặp gỡ thú vị. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau những gì đã làm, đang làm và định làm. Mỗi người 1 kiểu, mỗi người 1 hướng, chúng tôi vui mừng vì có thể giúp đỡ nhau nhiều thứ, chia sẻ và thông cảm với những khó khăn chung.

Có một sự thú vị “không nhẹ” của hôm đó, ấy là khi chủ tọa đặt ra câu hỏi rằng “Vậy nếu thành lập một liên minh vận động chính sách, mọi người sẽ vận động cho điều gì?”

Không hề có một cuộc tranh luận nào cho câu hỏi này như tôi tưởng.

Tất cả chúng tôi, từ ông già 82 tuổi cho đến thằng nhóc 23, đều ngay lập tức đồng ý rằng: “Chúng tôi chẳng mong gì cả, chỉ mong nhà nước hãy để cho giáo dục được tự do.”

Vâng, không phải là bỏ thi đại học, không phải là giảm tải, nhiều bộ sách giáo khoa, không phải là đưa Biến đổi khí hậu hay hướng nghiệp vào chương trình, điều lớn nhất mà những người trong căn phòng hôm đó muốn là sự tự do.

Sáng hôm nay, tôi làm người dắt mối cho chị Trang Trịnh gặp gỡ ca sĩ Thái Thùy Linh. Chị Linh từ lâu nổi tiếng với việc quyên góp được lượng quần áo khổng lồ cho trẻ em vùng cao, bên cạnh đó là chương trình “Mang âm nhạc tới bệnh viện”. Những câu chuyện xoay quanh nền âm nhạc của nước nhà rồi lại dẫn tới cách dạy và học nghệ thuật. Kết thúc cuộc nói chuyện, đã có một sự hợp tác thú vị giữa chị Linh và chị Trang, giữa chị Trang và tôi cùng 1 sự hợp tác khác giữa tôi và chị Linh. Thú vị phải không.

Còn nhiều điều thú vị nữa. Ví dụ như điểm tương đồng của Siêu thủ lĩnh, IPL và TEDx, như sự hội tụ ở Zone9; cuốn sách của Huyền Chip và Trần Hùng John.

Nếu bạn để ý, có lẽ sẽ thấy một sợi dây vô hình đang liên kết tất cả những thứ đang diễn ra quanh ta.

Những phát ngôn của Bà Tưng, ồn ào xung quanh Nick Vujicic sang thăm VN, làn sóng Kpop, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, ngưng trợ giá xăng dầu, cứu trợ ngân hàng, vụ án của Phương Uyên, sửa đổi hiến pháp, …

Nếu bạn để ý, có lẽ sẽ thấy một sợi dây vô hình đang liên kết tất cả những thứ đang diễn ra ấy.

Những sự kiện thú vị.
Những hiện tượng thú vị.
Những con người thú vị.
Chúng tạo nên những dòng chảy thú vị.

Có thể sẽ có cả một cuộc cách mạng thú vị, hãy chờ xem.

 

Hoàng Đức Minh – 18/9/2013

*featured image: Hoàng Đức Minh

Tôi chấp nhận người đàn ông của mình ngoại tình

Ngày hôm qua được bạn giới thiệu một trang web giành cho chị em phụ nữ, mở lên đập ngay vào mắt Tôi một cái tựa đề “Đàn ông nào mà chẳng ngoại tình”. Tự nhiên Tôi cảm thấy cái chủ đề này hay hay và muốn đưa ra một vài quan điểm của mình. Tôi chưa hề trải qua mối tình nào, chưa hề có ý định kết hôn, lại càng thiếu kiến thức về cuộc sống gia đình và sẽ hơi buồn cười nếu đưa ra ý kiến cho vấn đề này, nhưng dưới đây chỉ là một vài quan điểm của riêng Tôi thôi nhé….

Phụ nữ có chấp nhận người đàn ông của mình ngoại tình hay không? Đa phần những người phụ nữ sẽ có một câu trả lời chung là “không”, là phụ nữ ai cũng mong muốn sự thủy chung từ người đàn ông. Tôi cam đoan rằng hầu hết phụ nữ sẽ trả lời rằng “ly hôn ngay lập tức” khi được hỏi câu hỏi “bạn sẽ làm gì nếu phát hiện ra chồng bạn ngoại tình?”.

Nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm người phụ nữ có đủ can đảm để thực hiện cái câu trả lời ấy khi gặp cái tình huống “không may” này,… theo Tôi thì khoảng chưa tới 5% và đây là những người phụ nữ cực kỳ bản lĩnh và mạnh mẽ.

Phần lớn còn lại sẽ cố gắng tìm mọi cách níu giữ chồng mình, níu giữ cái gia đình nhỏ bé của họ. Có lẽ bởi đối với phụ nữ – gia đình là cái quý giá nhất, là thiêng liêng nhất, là cái lẽ sống của họ, là cái mà họ sẵn sàng hy sinh tất cả vì nó. Có lẽ bởi những đứa con của họ, họ không muốn những đứa trẻ bé bỏng của họ bị tổn thương, bị thiếu thốn một trong hai thứ tình cảm của cha hoặc mẹ. Có lẽ bởi định kiến, lề giáo, họ sợ đối mặt với những lời xì xào của xã hội, của gia đình, của họ hàng. Và cũng có lẽ bởi chính bản thân họ, họ sẽ nghĩ rằng họ sẽ không làm gì được nếu thiếu người đàn ông, có lẽ bởi họ chưa đủ tự tin vào chính bản thân họ.

Sẽ có vô vàn những cách khác nhau mà người phụ nữ dùng để níu giữ người đàn ông của mình. Nhưng theo Tôi thì có 2 cách căn bản: một là theo cách ầm ĩ và một là theo cái cách nhẹ nhàng.  Sẽ có những người ầm ĩ, dung những thủ đoạn răn đe chồng hoặc/ và người tình của chồng, đánh ghen, gây mất mặt chồng, dùng những áp lực kinh tế hay con cái…một vài thứ đại loại như thế. Và sẽ có những người phụ nữ khác dùng những cái cách vô cùng nhẹ nhàng như dung tình cảm thuyết phục chồng, thậm chí người tình của chồng, thay đổi bản thân,…và Tôi đánh giá cao những người phụ nữ này hơn. À, quên! Sẽ có một tuýp phụ nữ cam chịu khác, sẵn sang chấp nhận sự ngoại tình mà không hề dám lên tiếng…*Ở đây Tôi sẽ không bàn đến kết quả của việc níu giữ chồng của người phụ nữ nhé*

Còn quan điểm của Tôi – của riêng Tôi thôi nhé: “Tôi chấp nhận người đàn ông của mình ngoại tình”. Nghe thì có vẻ hơi bất ngờ, nhưng Tôi nghĩ rằng đàn ông ra ngoài xã hội, quan hệ xã hội, gặp gỡ mọi người, gặp gỡ những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, gặp gỡ những người phụ nữ giỏi giang bản lĩnh và có những “cảm nắng” là điều không thể tránh khỏi, thậm chí là cả những sự “quyến rũ” nữa. Lúc đó sẽ phụ thuộc vào bản lĩnh của người đàn ông đó như thế nào, nhưng theo Tôi nghĩ không một người đàn ông nào đủ bản lĩnh để chống đỡ được những điều ấy, người có đủ bản lĩnh ấy sẽ là hiếm…rất hiếm, “anh hùng không qua nổi cửa ải mỹ nhân mà”! Và “ngoại tình” là tất nhiên. Bởi thế Tôi phải “hiểu” cho sự ngoại tình cho người đàn ông của mình. Bạn không muốn người đàn ông của bạn ngoại tình trừ khi bạn “nhốt” người đàn ông đó trong nhà. Tôi nhớ rằng, đã có lần (hình như lúc Tôi học năm nhất ĐH), người cô ruột của Tôi từng nói với Tôi rằng: “đàn ông từ 30 – 40tuổi, không ai tránh khỏi không ngoại tình, nhưng sau cùng và tất cả thì họ sẽ trở về với gia đình của họ”

Theo Tôi nghĩ điều quan trọng và căn bản nhất chính là cách hành xử của người phụ nữ khi phát hiện ra chồng mình ngoại tình như thế nào? Chính người phụ nữ đầu tiên phải có những cái “nhìn lại”. Đầu tiên phải nhìn lại bản thân mình trước, nhìn lại cái vẻ bên ngoài của mình – cái sự quyến rũ của mình đã đi đâu mất, có lẽ đây là nguyên nhân lớn nhất khiến người đàn ông nhàm chán người đàn bà của mình – bởi thế phụ nữ không bao giờ được phép quên làm đẹp cho bản thân mình, nhìn lại cách cư xử thái độ của mình với chồng, với gia đình, với xã hội…Sau đó sẽ nhìn lại cái ông chồng của mình, đánh giá và phân tích xem nguyên nhân tại sao người đàn ông ấy lại ngoại tình…Và tiếp nữa là nhìn lại cái cuộc sống hôn nhân của họ, nhìn lại tình yêu của họ…Sau một loạt cái “review” ấy, sẽ tìm ra được hàng loạt nguyên nhân…và đưa ra những cách giải quyết cho những nguyên nhân ấy. Nếu sau một loạt cái “review” ấy, cảm giác không còn tình yêu, cảm giác bức bối, cảm giác không chịu đựng được và cảm giác ly hôn là cách tốt nhất thì hãy “chia tay trong hòa bình” một cách dứt khoát nhất, tuyệt đối không níu kéo. Tất cả những hướng giải quyết đều nhẹ nhàng, nhẹ nhàng thôi nhé!

Tôi đưa ra quan điểm “Tôi chấp nhận người đàn ông của mình ngoại tình”, nhưng điều đó không có nghĩa là Tôi mở đường cho người đàn ông của mình ngoại tình. Chú ý nhé! Người đàn ông của Tôi sau này! Đàn ông, đừng bao giờ xây dựng tư tưởng ngoại tình. Phụ nữ chỉ có thể cảm thông và bỏ qua kiểu ngoại tình “vô tình” chứ không phải là ngoại tình một cách “cố ý”!

– Trang Nguyễn –

*Featured image: Alamy

Tha thứ là cởi bỏ gánh nặng

Cách đây 23 năm, gia đình tôi khăn gói quả mướp từ Nghệ An vào Ninh Thuận để lập nghiệp. 3 năm sau đó, gia đình tôi lại khăn gói quay về Nghệ An. Lúc đó tôi còn là một đứa bé, rất bé. Dẫu vậy nhưng những mẩu ký ức vụn về mảnh đất ấy, về những đau thương vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi.

Hơn trăm lần, khi nhắc đến những khổ cực, nỗi vất vả của mẹ, lòng tôi ngẹn ứ lại và trào lên nỗi oán giận đối với người khiến mẹ ra nông nỗi vậy. Đó là bà nội.

Tôi chưa bao giờ yêu bà nội. Hẳn mọi người cho rằng tôi là một đứa hỗn xược, không biết điều và là một thứ gì đáng để phỉ nhổ khi không học cách tôn trọng người đã có công sinh dưỡng ra bố mình.

Tôi không hỗn láo, vẫn cư xử đúng mực nhưng hàng vạn lần dù đã cố gắng nhưng lý trí của tôi không thành công khi thuyết phục trái tim tôi yêu bà, kính trọng bà một cách thành tâm được.

Ngày đó, cách đây 20 năm, nhà bà và nhà tôi ở cạnh nhau, chung hàng rào. Mỗi tối, bà thường cùng chị gái hoặc anh trai tôi qua nhà hàng xóm cách đó chừng 1 km để xem phim. Tối đó, cũng giống như mọi lần. Bà cùng anh trai tôi đi xem phim và lúc về, bà phát hiện mấy chỉ vàng của bà cất giữ không cánh mà bay. Và người bà nghi ngờ không ai khác ngoài mẹ tôi. Bà cho rằng mẹ lấy vàng của bà để gửi về cho ông bà ngoại. Rồi các chú lời ra tiếng vào, bóng gió với anh trai tôi rằng: Về bảo mẹ mày, lấy tiền của nhà tao thì trả cho tao.

Mẹ là một người hiền lành, thật thà và cam chịu. Tôi chưa thấy ai như mẹ. Mẹ rất sợ ma, kể cả ngày xưa hay đến bây giờ khi đã có cháu ngoại. Hồi đó, mới vào Ninh Thuận, mẹ phải làm đủ nghề để kiếm sống và lo cho gia đình. Ban ngày mẹ đi làm thuê, cắt cỏ để bán cho người ta.  Tối về tranh thủ nấu rượu, nuôi lợn. Vì nhát ma nên buổi tối nấu rượu, mẹ thường rủ tôi ngồi trông với mẹ. Mẹ không dám ở một mình. Tối hôm bà đi xem phim và mất vàng, tôi đã ở bên mẹ tôi. Tôi biết rằng mẹ hoàn toàn vô tội. Vì biết thế mà mẹ vẫn bị oan, nên tôi càng thương, càng xót mẹ và càng giận bao nhiêu người đã khiến mẹ điêu đứng.

Tôi vẫn nhớ, bố vì tin tưởng mẹ, đã sang nhà bà để lên tiếng bênh vực mẹ rồi sau đó bố đã dỡ cánh cửa sổ nhà bà và vứt xuống đất. Sau chuyện đó, vì sợ mẹ con ở gần mà bất hòa và mẹ tôi không chịu được nên bố quyết định dắt díu cả nhà về nơi mà chúng tôi vừa mới ra đi. Đó là năm 1993. Do về gấp nên gia đình tôi chưa thể bán nhà trong Ninh Thuận ngay được. Bố nhờ người rao bán rồi rốt cuộc nhà đó cũng bị lừa gạt. Chúng tôi bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh tại quê nhà. Bố tôi sau vụ mẹ chồng – nàng dâu bất hòa cũng trở nên trái tính rồi sinh ra nhiều tật xấu.

Mẹ lúc đấy một nách năm con phải lăn xả đủ nghề để nuôi con. Những trưa hè, gió Lào bỏng rát mẹ đi khắp làng trên xóm dưới để thu mua nông sản. Những đêm khuya khoắt cùng tôi lên nhà chú ruột của bố tôi để thuyết phục người ta để lại miếng đất mà trước đây gia đình ông hứa sẽ để lại khi chúng tôi muốn quay về. Lời nói gió bay. Con đường đến nhà ông có lẽ cũng mòn đi bởi tần suất mẹ con tôi ghé thăm nhà ông. Chúng tôi phải ở đợ nhà ông bà ngoài, rồi xây nhà trên mảnh đất của một người họ hàng bên họ ngoại và cuối cùng bị người ta đuổi đi khi không ưa mình. Nhưng ông chú của bố vẫn khước từ lời thỉnh cầu của mẹ và tỏ ý khinh khi. Cuộc đời tôi, không bao giờ quên những giọt nước mắt mặn chát của mẹ. Và thứ khiến tôi cảm thấy sợ nhất đó cũng chính là nước mắt của mẹ. Tôi hận người đã làm mẹ tôi ra nông nỗi này.

Bà nội, sau chuyện đó cũng vài lần về quê. Ngày bé, trẻ em thường háo hức và sung sướng khi có người thân đi xa về. Như vậy, sẽ có kẹo, có những thứ mới lạ. Bà về thường ở nhà cô tôi. Tôi không giống những đứa bình thường. Tôi chưa bao giờ háo hức hay thích thú những thứ bà cho. Tôi không vồ vập chạy lên nhà cô khi biết bà về như những đứa em tôi. Sau vài ngày bà về, tôi lên chào bà và hỏi han bà có mệt không?. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm và nghĩ rằng đúng đạo của một đứa làm cháu. Bà xuống nhà, có gì ngon tôi vẫn mời bà ăn. Có điều không ai có thể bắt tôi yêu một người đã từng làm tổn thương đến người mẹ đáng kính của tôi.

Tôi nói với bố: Con không thể yêu bà nội. Con sẽ sống đúng đạo làm con cháu vì bà đã sinh ra bố.  Còn tình yêu thương thực sự thì con hoàn toàn không có.

Bố không nói gì nhưng bố chưa bao giờ trách mắng tôi về cách đối nhân của tôi.

Mãi sau này, người ta bắt được vụ trộm có sự tham gia của chú hàng xóm cũ, nhà có tivi mà bà tôi thường đến xem. Họ điều tra về quá khứ của chú và chú thừa nhận đã từng ăn trộm vàng của nhà bà.

Lúc đó mẹ tôi thực sự được giải oan. Không biết bà nghĩ gì, bà có ân hận, có xin lỗi mẹ tôi về những chuyện đã xảy ra hay không?. Nhưng vết xước và những khổ đau trong đời mẹ, bà có hiểu? Tôi nghĩ bà mãi mãi không bao giờ hiểu.

Tôi đã mang nỗi oán hận bà trong hơn hai mươi năm. Từ khi tôi là một đứa trẻ 6 tuổi cho đến đợt Tết vừa rồi. Đợt Tết vừa rồi, tôi đã quay lại mảnh đất mà tôi từng gắn bó với một tâm thế hoàn toàn tự nguyện. Bà năm nay đã 82 tuổi. Tôi nghĩ bà không còn sống được bao lâu, vậy nên tôi cần làm một điều gì đó trước khi quá muộn. Tôi không muốn mình phải dằn vặt, hối hận về những gì mà mình đã không làm. 20 năm sau, tôi đã quay lại mảnh đất nắng cát đấy. Tôi không nói với bà rằng con đã tha thứ cho bà. Nhưng tôi biết bà sẽ hiểu rằng lòng tôi không còn nghĩ về những ngày cũ.

Đôi khi, có nhiều người làm tổn thương, xúc phạm danh dự và làm hại cuộc đời bạn, người thân của bạn. Thật khó để thứ tha và cởi bỏ sự oán hận. Tôi không khuyên các bạn phải tha thứ khi trong lòng bạn không thực sự muốn. Sự tha thứ gượng ép sẽ dằn vặt bạn và sẽ trỗi dậy bất cứ khi nào trong bạn. Tha thứ chỉ có nghĩa khi bạn cho rằng bạn xứng đáng được cởi bỏ gánh nặng đó. Tôi đã ngủ ngon hơn, sâu hơn và yêu đời hơn khi cởi bỏ sự oán giận đối với bà.

Hãy cho mình và cho người khác cơ hội khi còn có thể, bạn nhé.

*Featured image: Luke

Vị Nhạt Của Cuộc Đời

Đời!

Ngửi cũng không nghe mùi

Nếm cũng chẳng thấy vị

Đời!

Nắm cũng không rõ hình

Sờ cũng chẳng ra dáng!

 

Có lẽ, đời chỉ lộ diện khi con người rơi ra khỏi trạng thái cân bằng.

Đời màu hồng, vị ngọt, hình trái tim với những người hạnh phúc.

Đời màu đen, vị đắng, dáng mông lung với kẻ vừa chia ly.

Đời màu xám, vị chua, vẻ bất cần với những ai sống thiếu mất niềm tin.

Và ta sống đủng đỉnh cùng thời gian, gật gù hài lòng với số phận, chẳng đua chen vì những thứ phù phiếm, xem tình yêu như trang sức có thì đẹp không thì thôi … nên với ta, đời đơn giản là Nhạt!

 

Đời!

Là sự xâu chuỗi của những cuộc gặp gỡ không hẹn trước. Có người dừng lại, có kẻ vội đi, hợp hợp tan tan tạo thành bức tranh hài hòa giữa nụ cười và nước mắt.

Con người chẳng phải là nô lệ của cuộc đời nhưng lại bị ràng với đời bởi sợi dây DUYÊN đầy nghiệt ngã. Người ta yêu ngó lơ, kẻ ta không yêu thì đeo bám, thứ ta cần luôn nằm ngoài tầm với, cái ta ghét lại chẳng thể dứt ra, điều ta mong luôn nhận được hụt hẫng, thứ ta sợ lại cận kề sát bên. Ta cứ sống với niềm an ủi “mất cái này ta lại được cái kia”, cứ tự nhủ “cái này không đi sao cái tốt hơn nó đến”, tự vỗ về “trời cho gì nhận nấy, cãi cũng có được đâu” và ngày qua ngày, năm qua năm, ta cứ sống như một kẻ hèn hạ trước số phận! Chấp nhận và yếu đuối. Nhạt cho cái gọi là sự – an – bài.

 

Dốc tâm cho lắm, mặn nồng cho sâu, vui cười thỏa thích rồi bật khóc nghẹn ngào với mỹ từ tình-yêu. Cái từ để người ta diễn tả cảm xúc lâng lâng của trái tim ấy chẳng biết tự khi nào đã ăn sâu vào tiềm thức con người và xem nó như một thứ không – thể – thiếu. Họ coi tình yêu như không khí, như miếng ăn, họ coi nó như viên thuốc tinh thần chữa lành mọi viết xước đến mức ngu muội quên mất rằng, tình yêu cũng chính là kẻ thù của thời gian. Họ dốc hết sức trẻ để yêu, họ dành mọi thời gian để nhớ, họ bỏ mặc sức khỏe để rong ruổi tìm kiếm nửa kia cho đời mình, họ chật vật dằn xé khi kẻ mang sợi dây tình vẫn mãi là ẩn số, rồi đến khi một người xuất hiện, họ lại bắt đầu lo lắng cho tương lai, bắt đầu đong đếm những tiền bạc, địa vị, công việc, gia đình, tính cách rồi thiệt hơn. Tình yêu qua năm tháng, bỗng biến từ màu hồng lãng mạn sang màu bạc của đồng tiền, từ vị ngọt đôi môi sang vị chát của cuộc đời, từ thề non hẹn biển sang cơm áo gạo tiền. Vậy đấy! khoảng cách không xa nhưng lòng người xa quá, vì dòng đời, vì cơn lũ thời gian mà tấm lòng ta cũng bị bào mòn tự bao giờ. Nhạt nhỉ! Nghoảnh mặt nhìn lại, những mặn nồng chỉ còn là vết tích của kỉ niệm.

 

Đau!

Mãi mê thả mình vào cuộc sống, thứ ta nhớ đôi khi chỉ là số tiền trong túi, số công việc phải hoàn thành, số hóa đơn phải thanh toán, bình xăng đã vơi đi phân nửa hay kẻ may mắn hơn đôi chút thì có được một bóng hình để nhung nhớ, để mỉm cười, để trải hết tâm tư. Ta đón bình minh với vô số công việc, hoàng hôn buông xuống ta chỉ thèm được về nhà, thả mình vào giấc ngủ để bù đắp năng lượng, vòng xoáy công việc khiến ta cũng nhạt như màu đời. Giật mình! Bao lâu rồi ta không về thăm ba mẹ, nhật kí cuộc gọi tự bao giờ chẳng thấy số mẹ cha, qua ngày rồi mới vỗ trán chau mày “hôm qua sinh nhật mẹ”. Tuổi già nào có buông tha ai, ta có thể kiếm được thật nhiều tiền nhưng không thể ngăn nếp nhăn trên mắt mẹ, ta có thể thăng hoa ở vị trí lãnh đạo nhưng không thể ra lệnh cho cơn ho thôi hành hạ cha. Vậy đấy! cuộc đời của ta hay ta sống để phục vụ đời. Thước phim tuổi thơ với những ngày tháng bên cha, mè nheo mẹ đôi lúc trở thành nỗi ám ảnh của những người – đang – lớn. Nhạt nhỉ, cái vòng xoáy đồng tiền đầy ma mị biết đến bao giờ mới cho ta lối nhỏ trở về với yêu thương.

 

Nhớ!

Những ngày tháng bạn bè bên nhau trên trang sách, vui đùa trong sự hồn nhiên, nhẹ nhàng chẳng gợn chút toan tính. Nhớ những nụ cười thả ga giờ đã trở bên bí hiểm, nhớ khuôn mặt mộc mạc giờ đã ẩn sâu lớp phấn son nhằm bắt kịp nhịp sống, nhớ những giây phút vui đùa giờ đã được quy hết sang tiền lương. Đôi khi! thèm một cuộc hẹn, thèm nhập ngụm cafe với lũ bạn nhưng rồi chợt nhớ, cúp học thì dễ chứ cúp làm nào có đơn giản đâu. Thời gian ơi, sao nhạt nhanh quá vậy.

 

Tìm!

Đảo mắt đi tìm chốn bình yên, muốn được yêu như cái tuổi rung động đầu đời nhưng rồi phải vỗ trán, thời gian đâu mà dành cho hò hẹn. Thế là yêu vội, thế là dựa mình vào bảng tiêu chuẩn cứng nhắc của phụ huynh về một nửa hoàn – hảo để mà yêu, để mà cưới. Cái định nghĩa hôn nhân chưa – chớm tình yêu vốn không có trong từ điển nay cũng đành buộc mình phải chấp thuận. Cơm no, áo ấm, con ngoan, nhà yên bình thì tình yêu sẽ tự nhiên gõ cửa.

 

Bất giác!

Hít thật sâu, nghe mùi đời thoang thoảng có mùi thơm.

Không phải lúc nào đời cũng ngai ngái mùi khó chịu, hăng hắc mùi bội bạc, phản phất mùi chia ly mà đâu đó trong mớ hỗn độn ấy, vẫn có chút thơm thơm của lòng người.

Đừng sống bạc để yêu thương trở nên xa xỉ.

Đừng sống vội để lướt qua hết những niềm vui.

Cứ chầm chậm, mở lòng, nghĩ thoáng, bơ đi những bất công để lòng ta nhẹ đi đôi chút!

 

Không có con thuyền chở người đến hạnh phúc, không có con sông đưa người về dĩ vãng, không có cánh cổng né tránh những đau thương, không có con đường rải đầy hoa hồng, không có tình yêu trong phẳng lặng êm đềm mà chỉ có bản lĩnh đưa ta cập bến bình yên.

 

Đời nhạt lắm nhưng ta đừng sống nhạt.

Người cười nhạt còn ta cứ hồn nhiên

Danh phận nhạt thôi ta hãy yên bình!

Giàu tiền bạc chẳng bằng nhẹ tâm hồn.

Nếu tình nhạt, ta hãy cứ buông tình.

Nắm chỉ đau chẳng thể tô thêm hồng

Chỉ nên giữ những mối tình đậm sắc

Níu làm chi kẻ bạc lòng nhạt dạ.

 

Yến Mèo

*Feature Image: Sun haze

Hãy cho nhau những dấu cộng trong cuộc đời mỗi người – Phần 6

Con Dồ lễ mễ, tay này cái túi xốp, tay kia hai cái lồng đèn tre hình ba đồng tiền mà Ba nó đã cặm cụi gò cho nó trước khi đi làm ăn xa. Sà xuống chỗ thằng Đen, chưa kịp đốt nến, lũ nó đã vỗ tay reo hò, ba chân bốn cẳng bươn theo mấy chiếc xe hoa rước đèn quanh phố. Trẻ con, chân tay thường nhanh hơn cái đầu, con Dồ lật đật chạy theo, được mấy bước lại lộn ngược, chụp cái lồng đèn, chớ sao nữa, rước Trung Thu phải có lồng đèn. Tuột đôi dép ra để chạy nhanh cho kịp tụi thằng Mập, mới được ba sải chân, nó quay người vòng lại một lần nữa. Thằng Đen trố mắt nhìn nó tính hỏi, mà chợt nghĩ ra điều gì, nó túm cái túi xốp đưa cho con Dồ, ờ, chắc nó quên cái túi chớ gì. Con Dồ thả đôi dép đánh “bạch”, rồi ngồi phệt xuống thở hào hển làm thằng Đen thất kinh:

– Mày sao dậy?

Cái hàm răng sún toét ra cười:

– Quên. Tao đi luôn rồi mày ngồi đây dới ai.

Thằng Đen cứ há miệng:

– Ơ…ơ…
– Ơ gì mà ơ. Chạy theo tụi nó mệt lắm. Tao dới mày mổ heo đi.

– Mổ heo gì?
– Mày hông biết thiệt hả?

Con Dồ cười khoái trá, lôi mấy con heo dẻo trong túi xốp ra. Thế là hai đứa nó bắt đầu vặt mõm heo, tai heo, đầu heo. cái đuôi cũng chẳng chừa.

– Má tao nói ăn đuôi heo bổ lắm ớ. Cho mày nè.

Phố rộn ràng đèn hoa, đó đây lung linh nến xanh nến hồng, trẻ con la hát vang trời, giữa sắc thu đằm thắm trong trẻo, điểm lất phất mấy hạt mưa bụi, trăng mười bốn vành vạnh nở nụ cười, thật đầy đặn… lên cao… lên cao… như muốn bao bọc ôm trọn nhân gian vào lòng ánh sáng dặt dìu, êm ái… Tiếng loa văn nghệ từ khu vực trung tâm thành phố lảnh lót:

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường…”

Vi Hạ đã từng hỏi Quân:

– Một sinh viên tốt nghiệp hạng ưu như anh, nếu muốn xâm nhập nền văn minh nước ngoài, sao không xin xuất khẩu lao động mà phải tính chuyện xuất cảnh bằng dịch vụ?
– Đi bằng dịch vụ mới ở lại luôn được, còn lao động hết hạn phải về.

Cô tròn mắt:

– Chớ anh tính đi luôn sao?
– Sinh viên đại học phải xứng đáng hưởng thụ một cuộc sống xứng với tầm kiến thức của mình. Mà điều đó chỉ có ở nước ngoài thôi.

Cô đã ngồi thẳng người lên:

– Anh có phải là người Việt Nam không?Em không tranh cãi vấn đề văn minh, tiến bộ, nhưng nên học tập cách làm việc của nước ngoài để mang về “sống” với nơi anh sinh ra.
– Sao em ngây thơ vậy?

Vi Hạ lắc đầu. Cô không hiểu hay không muốn hiểu. Cũng như bây giờ đây, Cô không biết là mình không hiểu hay không muốn hiểu, tại sao hai người kia xô xát đánh đập, xé rách quần áo, cào xước mặt nhau mà lũ người xung quanh, kẻ thì vỗ tay bôm bốp cười hô hố, kẻ sợ hãi bịt mắt chạy vào góc rào. Một góc rào, vì họ đang ở trên một bãi đất đã được rào, dành cho những kẻ tâm thần!!! Và cô, chợt biết là mình đã không muốn hiểu.

Những phong bì tiền, khi dày khi, mỏng. Những xe gạo, nhiều có, ít có. Những bộ quần áo cũ được cóp nhặt, cái to cái nhỏ. Những nhu yếu phẩm rẻ tiền…Chẳng bao giờ là đủ, theo nghĩa đen; chẳng bao giờ là đi hết tận cùng sự chia sẻ, theo nghĩa bóng; so với những thân phận mong manh trong cuộc đời rộng lớn này. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết được cái đắng cay của số phận.

– Về thôi. Tối còn qua trường Phong Lan. Mọi người chờ.

Phong nhìn Lê kéo tay Vi Hạ ra xe. Ừ, còn bao nhiêu việc phải làm. Nhưng cô vẫn không khỏi thắc mắc, những người bất hạnh này, khi cầm miếng bánh vuông vắn kia, họ có một chút mơ hồ nào hôm nay là ngày Trung Thu không? Rồi cô lại tự cười mình vì những suy tư ngớ ngẩn ấy. Có hề gì. Hạnh phúc đối với họ là giấc ngủ êm với cái bụng no đủ ấm áp. Một cảm giác thỏa mãn mà có lẽ chính họ cũng không hiểu được nghĩa của hai từ thỏa mãn. Người điên không biết nhớ. Và quên. Là một điều hạnh phúc đối với họ. Không phải trong tất cả chúng ta, ai cũng ít nhất một lần muốn được quên đi điều gì đó sao? Nhưng quên như họ-như những người tâm thần này-liệu có ai muốn quên???

Thôi đừng nghĩ nhiều. Dẫu sao định mệnh cũng đã cho họ những dấu trừ. Còn chúng ta, hãy cố gắng trao cho họ những dấu cộng. Để mỗi người đều cảm nhận được hạnh phúc theo cách riêng của mình. Dù nhỏ nhoi.

Và trên hết, đó là vì những thăng trầm của những đứa con trên cùng một quê hương.

 

*Featured image: Bw-Future