20.9 C
Da Lat
Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 314

Thích đường hay vị ngọt của đường?!

Một anh bạn của mình từng hỏi: “em thích đường hay vị ngọt của đường”.

Nó là một câu kiểu như “con gà có trước hay quả trứng có trước” vậy đó…

Lúc ấy đơn giản mình chỉ nghĩ: nếu thích vị ngọt của đường, mình có thể ăn món khác có gần hoàn toàn như thế. Thích đường là thích…đường, chỉ đơn giản vậy thôi. Lựa chọn của mình khi ấy: thích đường. Vì mình đã từng nghĩ, kiên định là 1 điều cần thiết cho đam mê. Đó mới là sự lựa chọn thật tâm chứ không phải là một thứ lựa chọn mang nhiều tính “thay thế”.

Nhưng sau một vài chuyện, mình dần hiểu ra: thích đường chưa hẳn đã là thể hiện sự đam mê với 1 điều gì đó. Nó đôi khi lại là sự lệ thuộc, sự ham muốn sở hữu đối với thứ đó. Ta thích chiếc xe chứ không phải là việc lái xe, ta thích những bài viết chứ không phải là việc viết ra những bài viết, ta thích bức ảnh đó chứ không phải việc chụp ảnh, ta thích người đó chứ không phải cảm giác khi ở bên người đó.

Việc mong cầu, sở hữu hay đam mê một thứ – mình đang nói về “thứ” ở phạm trù vật chất có thể chạm, nghe, sờ, thử, thấy được…đôi khi là một điều nguy hiểm. Vì con người ta có một đặc tính không cưỡng được một cách bản năng” không bao giờ thấy là đủ”. Chỉ tồn tại cảm giác “tiết chế bản thân để định vị sự đủ”. Không bao giờ có cái gọi là đủ. Và lưỡi dao ngược của điều này chính là nguyên nhân của mọi sự đau khổ khi cái ta muốn- theo nghĩa sở hữu – không đạt được sự “đủ”.

Và, đó cũng chẳng phải là cái ta mong muốn thực sự.

Ta muốn việc kiếm ra tiền chứ ko ham tiền, ta thích việc chụp ảnh chứ không phải là những bức ảnh, ta thích việc viết chứ không phải những bài viết. Ta yêu công việc ta làm chứ không hẳn là sản phẩm từ công việc đó. Ta yêu cảm giác ở bên người ấy chứ không yêu người ấy. Tất nhiên, cảm giác ấy chỉ có thể được tạo bởi người ấy chứ không ai khác còn có thể.

Khi cởi bỏ sự ràng buộc của những áp lực do ham muốn không thuần nhất tạo ra, khi ấy, mỗi con người là một cá thể tự do. Tự do trong suy nghĩ, trong hành động. Khi con người tự do, “hạnh phúc” mới là điều đạt được.

Một người bạn khác của mình đã từng chia sẻ: khi hoàn thành xong 1 tác phẩm, anh ấy không còn coi nó là của anh nữa. Mà đơn giản, anh tận hưởng niềm vui khi tạo ra và hoàn thành tác phẩm. Đối với anh, thế là đủ!

Mỗi người trải qua những trải nghiệm của riêng cá nhân bản thân họ. Việc đó định hình chuyện họ thích đường hay thích vị ngọt của đường.Không quan trọng, miễn là bản thân ta quyết định điều đó cho chính ta. Điều này mới quan trọng.

Mình thích vị ngọt của đường.

 

*Feature Image: Wikimedia

Sự thật đôi khi không phải là thứ cần-phải-được-chứng-minh mới thấy!

Mỗi người đến với ta ở một thời điểm nhất định, thay đổi cuộc đời ta theo một cách nào đó – ở một vai trò nhất định. Nếu họ đã làm điều đó, hãy cám ơn họ, rồi buông họ ra, đừng gánh lên người đó cái trách nhiệm phải làm thỏa mãn bạn ở những lần kế tiếp.

Cám ơn bạn, vì ở thời khắc ấy, bạn đã tác động lên tôi theo một cách bạn chẳng ngờ đến đâu – và chính nhờ điều đó, kèm theo những chuỗi chủ động của tôi sau này, tôi đang là cái tôi của hiện tại. Cám ơn bạn vì những gì bạn ko cố ý làm nhưng tôi chủ động nhận lấy. Và với tôi, thế là quá đủ.

– Gửi Chíp – và chân thành cám ơn bạn vì những điều đó.

Tôi không có ý bênh vực ai, cũng chẳng đặt mua tập 2 trong series nhật ký hành trình của bạn. Nhưng đối với tôi, nó là thật hay không chẳng còn quan trọng, quan trọng là tôi đã nhận từ bạn một nguồn cảm hứng – với tôi, giờ nó là của tôi hoàn toàn. Và tôi nghĩ, hàng tá người cũng đã giống như tôi sau khi đọc về bạn.

Khi đọc những dòng ném đá về bạn, tôi đã nghĩ một cách hài hước rằng “bạn đủ đá đề xây nhà chưa nhỉ? những viên đá ấy chắc phải to lắm”. Với tôi, mọi thứ vẫn cứ đơn giản như cách bạn đến với tôi hay cách bạn đã truyền cảm hứng cho tôi. Hy vọng, bạn cũng vẫn giữ sự hài hước như vậy.

Mọi người thường tìm cách lục lọi sai lầm của người khác rồi nhân danh việc “bị làm tổn thương hay bị thất vọng”, nhân danh “người đi tìm công lý hay sự thật cần được chứng tỏ” để tự cho mình cái quyền được chấn vấn, được buộc tội, được bới móc và được hả hê cho cái gọi là “sự thật”.

Người ta tự cho phép mình cái quyền “bị làm tổn thương” rồi quay ra lên án và đòi bồi thường cho cái sự tổn thương ấy. Nhưng thật ra, chẳng ai làm tổn thương nổi bạn nếu bạn không tự cho phép người đó làm thế. Và nếu thế, đó là lỗi của bạn, của việc cho phép tùy tiện, chứ không phải của người kia.

Nhiều người đòi một sự chứng minh để đưa ra “sự thật”. Nhưng, sự thật đôi khi không phải là thứ cần-phải-được-chứng-minh mới thấy.

Có điều này, tôi luôn nghĩ nó thật hợp lý. Làm người tốt và kẻ xấu, đều cần đến tài năng. Bạn ở phân khúc nào, ở vế 1, tôi chẳng quan tâm. Tôi quan tâm đến khía cạnh tài năng của bạn – theo vế 2! Với tôi, thế là hợp lý. Hợp lý đôi khi là một từ đánh giá mang tính chất hoàn hảo nhất mà tôi đặt ra khi so sánh mọi khía cạnh ở mọi thứ diễn ra trong cuộc sống này.

Bạn đã, đang và sẽ là một sự hợp lý đối với tôi và nhiều người. Vậy là đủ nhỉ!? 😉

 

*Featured image: John Taylor

Bản chất thật sự của con người là gì?

Khi bắt đầu đi phân tích vấn đề này tôi đã tự hỏi đi hỏi lại bản thân câu hỏi này. Thực sự nó là cái gì. Nhìn tổng quan xã hội chúng ta bây giờ mà xét, nói là xấu cũng không phải mà tốt cũng chẳng đúng. Mỗi con người có thể hội tụ được những cái hay cái đẹp thì cũng có thể chứa chất những cái hỉ nộ ái ố trong người.

Con người không tự nhiên là tốt, cũng không tự nhiên là tệ. Quan trọng là những người tốt biết cách để lấn át đi những cái xấu xa bên trong họ, những kẻ xấu thì để những thứ tồi tệ làm chủ bản thân họ.

Đi từ thực tế mà ra, các bạn xem, ở Trung Quốc đó, có phải bản chất người Trung Quốc là vô cảm không?

Ngày xưa, thời nhà Chu năm 256 TCN, ta biết đến Khổng Tử – Người đã lập ra những triết lý, đạo lý mà một con người phải có. Nếu lúc đấy, ông không có lòng thương cảm đối với nhân dân, sao nghĩ ra được những điều ấy. Rồi kể đến thời kì Lã Hậu tan rã, Hán Văn Để lên ngôi, nổi tiếng là thương dân, biết lo nghĩ cho dân.

Đấy rồi xem, bao nhiêu người khác nữa, họ mà vô cảm, dửng dưng thì đã không được người đời ca tụng như vậy. Nhưng thực trạng đáng buồn của hiện tại, đất nước càng phát triển, người dân càng trở nên không có tình người. Họ thậm chí lờ đi những tai nạn trên đường, những cuộc đánh nhau ở góc phố mà họ bắt gặp (điều này diễn ra không chỉ ở Trung Quốc mà trên thế giới đã trở thành phổ biến).  Họ thậm chí có thể bắt trẻ con để cắt thịt. xào nấu rồi nhồi vào bánh bao, cười nói hỉ hả mà nhận tiền. Họ nhẫn tâm đến nỗi dùng dao mổ xẻ một đứa bé sơ sinh, lấy nội tạng đem bán mà còn phá lên cười man rợ. Từ những hành động kinh khủng đó, Trung Quốc “tiến” thêm một bước trở thành “tộc người man rợ”.

Nhưng đâu phải tự nhiên sinh ra, Trung Quốc đã trở thành một gã máu lạnh.

Họ trở nên vô cảm phần nào là do xã hội. 

Những người đi đường nhìn thấy đám đánh nhau, nhảy vào can thì bị đánh đến nỗi mắt mũi nhìn không ra; giúp người ta mà phải đi vô viện cả tháng trời.

Có những kẻ muốn làm giàu nhanh chóng vì quá đói khổ, nhưng lại bị mờ mắt vì đồng tiền mà làm những việc mất tự trọng và thiếu tình người. Đồng tiền không có tội, tất cả là do cách chúng ta nhận thức về nó.

Như đã nói ở trên, bản chất con người có xấu, có tốt, biết kìm nén cái xấu thì sẽ trở thành người tốt, nhưng ngay cả việc đó đôi khi cũng phụ thuộc vào môi trường xã hội.

Người Do Thái có kể lại câu truyện có thật về chiếc hộp ma quỷ Dibbuk, rằng ai mở nó ra thì sẽ bị thực thể đen tối bên trong nó ám chết. Thực ra cái hộp là cách ẩn dụ của cuộc sống. Bên trong mỗi con người đều có ma quỷ của riêng mình, mọi thứ sẽ tốt nếu bạn không bao giờ giải phóng nó ra. Nhưng khi có môi trường xã hội tác động vào, kẻ làm người trở nên tuyệt vọng và buông lơi tay việc với “chiếc hộp”, và rồi giải phóng con quỷ ấy ra, cho phép nó lấn át bản thân họ.

Tỉ dụ như Tần Thủy Hoàng, trước đây khi còn là một cậu bé, xin hỏi ông có ác không? Hồi đó Tần Thủy Hoàng chỉ là một cậu bé hiền lành, một thái tử nhưng lại bị chà đạp, ghẻ lạnh. Khi bị đẩy đến mức tuyệt vọng, ông đã đứng lên nhìn đời bằng con mắt hung tợn và ngay thời khắc ấy, ông không còn là đứa trẻ hiền hậu năm nào nữa. Dưới vỏ bọc của một vị vua, ông là một tên sát nhân giết người không cần nghĩ. Ác như vậy, cũng là do cuộc đời đã xô đẩy, ném ông vào vũng bùn, buộc ông phải đứng dậy và biến thành một kẻ hoàn toàn khác.

“Thủy Hoàng hung bạo lại kiêu căng
Thân người đầu hổ tợ yêu tinh
Ăn thịt thế nhân chừa xương trắng
Giết người máu nhuộm chẳng thương tình
Vạn Lý Trường Thành ghi dấu hận
Ngàn sau tiếng oán khó san bằng
Doanh Tần thế lực nay đâu nhỉ!
Ngư ông xứ Nhật rõ tường tình.”

– Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chúng ta không thể thay đổi bản chất nhưng có thể dìm sâu chúng xuống, cất kín như chiếc hộp Pandora và không bao giờ cho phép nó mở ra một lần nữa.

*Feature Image: Lin

Sau YÊU còn có CHIA TAY

Tình yêu đầu tiên. Đó là thứ tình yêu đẹp nhất, khó quên nhất nhưng lại cũng dễ tan vỡ nhất. Bởi vì chúng ta trải qua lần đầu tiên nên cứ nghĩ rằng, cứ mong rằng đó là những điều đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất và duy nhất. Và dễ tan vỡ cũng bởi vì đó là lần đầu tiên. Những sai lầm vì chưa từng biết phải đối mặt thế nào, những nông nổi vì chưa từng biết phải cư xử ra sao, những vụng về vì chưa từng trải nghiệm…Vậy là đành để tình yêu ra đi.

Tình yêu tan vỡ không phải là điều dễ chấp nhận. Có thể nguyên nhân là từ hai phía, vì nhận ra mình không phải dành cho nhau, ngây ngô ban đầu, cùng cảm thấy hết yêu rồi thì… thôi. Nhưng đâu phải cuộc tình nào cũng chấm dứt đơn giản chỉ bởi vì cả 2 cùng nhận ra “chúng ta không hợp nhau”, phải được như thế thì đã không có 2 chữ “thất tình”. Thất tình, là khi chỉ 1 trong 2 người nhận ra rằng người kia không thể nào là một nửa hoàn hảo của mình, trong khi người kia thì vẫn chưa thể chấp nhận “chúng ta sinh ra không phải dành cho nhau”. Và rồi người đi thì cứ đi, còn người ở lại thì cứ mãi day dứt, tự dằn vặt mình bởi những không ngờ, những câu hỏi tại sao, những nuối tiếc, những “giá như…”, “phải chi…” và “nếu…”…

Tình yêu đầu tiên, khi tan vỡ sẽ để lại vết thương đầu tiên. Sẽ khiến ta đau, rất đau, không thể nào chịu đựng được. Ta chưa từng đau đến thế, và tưởng như rằng ta không thể nào đau đớn hơn được nữa, cũng chỉ vì đó là lần đầu tiên. Nếu như còn có lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ… n, thì lấy gì chắc chắn rằng điều ta đang trải qua là duy nhất? Một học sinh không thể nào nói là mình đứng Nhất lớp nếu trong lớp đó chỉ có Duy Nhất một mình nó. Và một khi đã có những trải nghiệm khác hơn, đôi khi nhìn lại ta có thể bật cười rằng sao mình từng kết luận vội vàng đến thế. Nhưng tất nhiên, sẽ chẳng ai mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm đau thương đến vậy.

Có rất nhiều lý do dẫn đến kết thúc một tình yêu. Vì một sai lầm không thể bỏ qua, cảm thấy rằng không thể nào tha thứ được, thì… chia tay. Đó là khi yêu CHƯA TỚI. Yêu một người có nghĩa là yêu tất cả những gì thuộc về người đó, cả những cái xấu và những cái tốt, yêu điều đúng đắn và yêu cả những cái sai để rồi giúp nhau sửa chữa, để hoàn thiện cho nhau và rồi yêu nhau nhiều hơn. Một khi đã không có đủ lòng vị tha để chấp nhận thì chỉ có thể trách rằng tình yêu đó vẫn chưa là tình yêu thật sự.

Cũng có khi người mình yêu đã sai quá sai rồi, đã góp ý rất nhiều lần rồi mà không hề sửa đổi, đã cho nhiều cơ hội nhưng họ không chịu nắm bắt và lại càng làm mình tổn thương nhiều hơn, đã không thể nào chấp nhận được nữa thì đành “dứt áo ra đi” dù trong lòng rất đau đớn. Đó là khi tình yêu DŨNG CẢM đối mặt với sự thật. Ai cũng muốn tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình. Và không thể trách người đã rời bỏ mình để tìm hạnh phúc khác, chỉ có thể trách mình đã không đem đến hạnh phúc trọn vẹn cho người.

Tình yêu VĨ ĐẠI là khi cho mà không cần nhận, nếu có thể ở lại bên cạnh người luôn khiến mình đau khổ chỉ với mong ước là có thể đem đến hạnh phúc cho họ, đó là điều tuyệt vời. Chấp nhận cam chịu, hy sinh, vì một tình yêu. Người được yêu mãnh liệt như thế ắt hẳn là sẽ rất hạnh phúc.

Và cũng bởi vì yêu là mong muốn người mình yêu được hạnh phúc, cho nên, nếu như nhận thấy rằng mình không thể đem đến hạnh phúc cho một ai đó nhưng vẫn muốn đón nhận tình yêu từ họ, đó là khi ta nhầm lẫn giữa ham muốn ÍCH KỈ và tình yêu.

Tình yêu tan vỡ thì chẳng ai muốn, nhất là nguyên nhân chỉ từ một phía, và lời chia tay sẽ khiến người còn lại đau lòng.

Một sớm mai thức dậy chợt nghe người yêu mình bảo rằng cả hai nên chia tay vì họ cảm thấy không còn yêu ta nữa. Sẽ khó mà chấp nhận được lý do đơn giản như vậy để kết thúc một tình yêu mà mình cho là không gì lay chuyển nổi. Tình yêu, cho dù là mặn nồng sâu sắc thì cũng không ai dám chắc rằng mình yêu họ nhiều như họ yêu mình hay ngược lại, sẽ có một chút ít hơn và nhiều hơn, và cũng có lúc người kia đã cạn nhưng ta vẫn tràn đầy. Sẽ là những nghi ngờ dằn vặt, tự hỏi rằng không biết mình đã làm sai điều gì, hay người ta thay lòng đổi dạ, đó chỉ là những câu hỏi không người trả lời. Người đi chỉ đơn giản là muốn kết thúc, và dù muốn hay không muốn, tôn trọng quyết định đó cũng là cách thể hiện tình yêu của mình. Những cố gắng níu kéo, ràng buộc, chỉ càng làm tổn thương nhau và như vậy thì ý nghĩa của một tình yêu đích thực cũng không còn. Chia tay ko hẳn là chấm hết, chỉ là một khởi đầu mới nếu như cả hai đều sẵn lòng.

Và khi, vì ta mắc một sai lầm nào đó không thể sửa chữa mà người quyết định ra đi. Nên biết rằng quyết định đó không dễ dàng hoặc là người đã không đủ kiên nhẫn, không đủ sự cảm thông để cho ta thêm một cơ hội. Dù có thế nào thì ta vẫn không thể xoay chuyển được. Phải biết tự cho mình cơ hội, đừng nên quá khe khắt với bản thân, đừng mãi luẩn quẩn trong vòng vây của mặc cảm, ăn năn, hối hận mà không nhận ra rằng sự ra đi đúng lúc đôi khi lại mở ra cơ hội để cả hai có thể tìm thấy một nửa đích thực của mình. Ngay cả Chí Phèo cũng còn có được bát cháo hành của Thị Nở. Biết đâu, một sai lầm, có thể khó chấp nhận với người này nhưng với người khác lại có thể tha thứ? Nhận ra sai lầm và tự hoàn thiện mình là cách tốt nhất để quên đi những đau buồn quá khứ.

Tan vỡ trong tình yêu cũng xem như là một sự vấp ngã trong cuộc đời. Cái khó là làm sao để không bị vấp ngã nhưng thành công là khi ta đủ mạnh mẽ để đứng dậy sau khi đã ngã rất đau. Đời người không chỉ gói gọn trong vài ba năm, hay vài chục năm, và ta sống không chỉ cho riêng mình mà còn cho nhiều người khác nữa. Sống hạnh phúc chính là món quà to lớn nhất mà ta có thể dành tặng cho những người yêu quý ta, cũng như những người mà ta yêu quý. Bởi chẳng ai có thể vui khi thấy người mà mình yêu thương không hạnh phúc, cũng như sẽ cảm thấy không thanh thản nếu như một ai đó vì yêu thương mình mà đau khổ khôn nguôi.

“Ta phải mất gấp 3 lần thời gian quen biết một người để quên được họ”. Nhưng quên không có nghĩa là quên đi người mà mình đã từng yêu thương, mà là quên tình cảm mình đã dành cho họ. Không ai có đủ can đảm để nói rằng mình có thể quên ngay được một tình yêu sâu nặng, nếu có thể thì chắc rằng họ đã giả vờ yêu sâu nặng. Kỉ niệm càng đẹp thì càng khó quên. Nhưng kỉ niệm đẹp giúp ta sưởi ấm trái tim mỗi khi SOI vào chứ không phải để ta SỐNG mãi trong đó để rồi không bao giờ còn có những kỉ niệm đẹp khác nữa.

Tình yêu ra đi vì đã đến lúc nó không thể tồn tại. Cố gắng níu giữ cũng giống như hy vọng cầm chân một người sắp chết, người đến số chết vẫn sẽ chết, cầm cự chỉ là làm cho cái chết đến nhanh hay chậm mà thôi. Làm cho người chết sống lại là không thể nào, là trái với tự nhiên, giống như cố gắng níu giữ một tình yêu đã chết là một việc làm vô vọng. Người phải đi thì nên để cho đi, người ở lại phải sống hết phần đời của mình một cách xứng đáng. Không thể nào vì quá đau khổ mà chết theo, hoặc chôn vùi cuộc sống trước mắt bằng nỗi tiếc thương. Đó là sống phí, sống uổng ý nghĩa một đời người. Có rất nhiều cách để chứng tỏ ta yêu sâu sắc một người, không nhất thiết cứ phải tự dằn vặt, tiếc nuối mối tình đã qua với người đó. Họ vẫn tiếp tục sống với hiện tại và tương lai của họ, bạn tự chôn mình trong quá khứ chính là bạn đang ngày càng đẩy mình ra xa họ. Bạn không thể nào nhìn thấy cánh cửa của tương lai nếu như vẫn chưa đóng cánh cửa quá khứ. Không thể nào một lúc sống ở hai nơi. Đừng nói rằng hiện tại và tương lai vẫn tiếp diễn nếu như bản thân bạn không vận động, thật sự bạn chỉ đang đứng nhìn thời gian trôi qua. Sẽ chẳng có hiện tại và tương lai cho một người không muốn thức tỉnh khỏi những giấc mơ quá khứ.

Không có vết thương nào là không lành, cần có thời gian để vết thương liền sẹo, có một sự thật là đôi khi liền sẹo rồi vẫn có những lúc đau âm ỉ, nhưng phải tin rằng vết thương nào rồi cũng sẽ liền da. Chỉ cần chờ đủ thời gian. Đừng tự mình khơi gợi nỗi đau của chính mình, còn có nhiều việc khác để làm hơn là chăm chăm ngồi nhìn vết thương rướm máu. Tự tìm cách làm cho bản thân bận rộn rồi sẽ có lúc bạn nhận ra cơn đau đã qua đi từ lúc nào?!

Ai rồi cũng có tình yêu đích thực dành cho mình, chỉ là ta có biết cách tự cho mình cơ hội hay không? Không thể nói tôi đã trải qua những giây phút hạnh phúc nhất rồi, sẽ không gì có thể mang lại điều đó lần nữa. Đừng bao giờ nói rằng không thể nếu như bạn CHƯA BAO GIỜ muốn thử. Và sự thành công luôn luôn đòi hỏi quyết tâm và cố gắng. Vấp ngã một lần không có nghĩa là chấm hết, và phải có sự so sánh mới biết thế nào là tốt hơn. Cũng không nên vì mệt mỏi mà lầm lẫn giữa tình yêu và vô vàn những tình cảm “từa tựa” tình yêu. Nếu như không sáng suốt bạn sẽ chẳng bao giờ có được nhận xét đúng đắn.

Và sẽ chẳng ai có khả năng giúp bạn nếu bạn không muốn tự giúp mình. Tỉnh dậy là nhìn thấy con đường sáng trước mặt, nhưng còn cần sự mạnh mẽ để đặt bước chân đầu tiên và thêm nhiều dũng cảm để tiếp tục đi tới.

 

*Feature Image: The Moment

Hãy cho nhau những dấu cộng trong cuộc đời mỗi người – Phần 7

– Má nó cho nó đem mấy cái này ra đây chơi hả tụi bây?
– Chơi gì mà chơi? Chơi mà cái mặt nó như dậy á?
– Đồ này đâu phải đồ chơi?

Mặc kệ lũ con Lê, thằng Mập xì xầm, con Dồ bày xong gian hàng xén bé tí teo của nó, rồi lủi vào một góc ngồi bí xị cái mặt. Thằng Đen lặng lẽ liếc qua con Dồ, lại dòm xuống mười cái chén kiểu thật đẹp rải ra nằm ngay ngắn trên cái bao vải.

– Mày bán thiệt hay bán chơi hả Dồ?

Câu hỏi lanh chanh của thằng Còi làm con Dồ nhướng cặp mắt lên, rồi như sực nhớ, nó xua tay:

– Tụi bây đi chỗ khác cho tao bán hàng.

Tự nhiên con Sún với thằng Bợm lăn ra cười:

– Bán á? Mười cái chén?

Nhìn con Dồ mím môi trợn mắt, con Lê lật đật kéo tay tụi nhỏ đi chỗ khác. Nhưng lũ nó tò mò lắm nên cứ quanh quẩn, chốc chốc liếc dòm con Dồ. Mười cái chén? Ai mua kia chứ?

*******

Mười cây số cuối cùng ngập chìm trong màn mưa trắng xóa. Gã miết mấy ngón tay lên ô cửa mờ mịt hơi nước để nhìn hàng thông xanh đang vùn vụt lùi về phía sau. Ký ức trong gã thật mãnh liệt với lũ trẻ lóc chóc, nhưng trí nhớ về địa lý trong đầu óc thằng Đen mười hai tuổi chỉ là cái tên thành phố, và căn nhà cổ kính nằm dưới con dốc rêu. Mà con dốc rêu năm nào bây giờ cũng đã khang trang hơn xưa nhiều lắm rồi.

” Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ…”
Giọng hát Khánh Ly nhập nhòa trong màn mưa. Những giọt đen tí tách ôn tồn gõ xuống đáy ly. Căn nhà bên kia đường ẩn hiện mộng mị giữa không gian sũng nước và làn khói thuốc lãng đãng. Gã không biết mình đợi gì nữa.

*******

Quả là không ai mua thật. Con Dồ quyết định “dọn hàng”. Nó cặm cụi cẩn thận bê từng cái chén xếp vào bao.

– Bán hả con?

Nó dừng tay nhìn thằng Đen, tưởng mình nghe nhầm.

– Nè con, chén này bán hả?

Giọng nói giống như của bà Tiên từ trên cao vọng xuống. Con Dồ quay lại cũng là lúc bà Tiên thong thả ngồi xổm xuống:

– Bao nhiêu đây?
– Dạ ba chục ngàn.

– Hai chục được không?
– Dạ má con dặn ba chục.

– Về hỏi Má được hai chục thì mai đem ra cô mua.

Con Dồ mừng rỡ, nó “Dạ” rõ là to. Nụ cười của bà Tiên đẹp mê hồn, kèm theo câu hứa ngọt ngào làm nó mừng quýnh.
Tụi thằng Mập chực sẵn quanh đó:

– Ba chục ngàn?
– Mười cái chén mà ba chục ngàn?

Con Sún đứng nhẩm lâu lắc rồi reo lên:

– Tao biết rồi, là ba chục ổ bánh mì lận đó.

*******

Phong ào vào quán cafe sau khi máng áo mưa lên xe.

– Cho con ly đen chú Nam ơi!

Lệt sệt đôi dép, ông chủ quán với tay kéo chiếc ghế:

– Bữa nay đổi cữ hả mậy?

Phong xát hai bàn tay vào nhau:

– Mưa quá chú à, làm ly đen cho ấm.

Đốt điếu thuốc, chú Nam hất mặt về gã thanh niên sùm sụp cặp kính đen ở bàn ngoài, nói nhỏ:

– Hình như nó cùng mục tiêu với mày, mà không phải dân ở đây.

Anh chưa kịp hỏi, chú Nam lại hất mặt qua căn nhà bên kia đường. Phong trầm ngâm nhíu mày nhìn gã đang thả những cuộn khói mong manh vào màn mưa tháng chín. Phố bắt đầu lên đèn.

*******

Con Dồ le te xách cà mèn cháo lên bệnh viện. Là Mợ nấu giùm, chứ nó đã biết bếp núc là gì. Tay múc cháo cho Má, miệng nó liếng thoắng:

– Bà Tiên hẹn mai ra mua chén, mà bà Tiên nói hai chục ngàn, Má có bán hông?
– Bà Tiên nào, con nói gì vậy?

Nó dừng tay, ngẩn mặt ra rồi khoe cái răng sún:

– Con quên, có một cô nói hai chục ngàn, Má bán thì mai cô mua.
– Ừ thì bán đại đi.

Đêm đó con Dồ mơ giấc mơ thật đẹp. Bà Tiên ngọt ngào đã cầm mười cái chén hoa, để vào tay nó hai chục ngàn, thưởng thêm cho nó một ngàn, không quên bỏ vào cái nón của thằng Đen những năm trăm đồng. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng khi bàn tay bà Tiên chạm vào má nó vuốt ve cứ đi theo những bước chân tung tẩy đến bệnh viện. Nó sẽ đưa tiền cho Má nó, và Má nó sẽ hết bệnh. Những sắc cầu vồng lung linh… lung linh…

Featured Image: Vo Anh Kiet

Khi tôi suy nghĩ về cái chết

*Feature Image: About Change

Tôi chẳng thể tưởng tượng được có ngày cái khái niệm “chết” cứ lỡn vỡn trong từ điển sống của mình. Khi đứng ở balcon trên tầng 3 lộng gió, tôi đã nghĩ “Liệu nhảy từ đây xuống có chết không? Chắc không đâu, có chăng thì gãy tay chân, trầy xước một chút thôi”,  lúc đó vừa đọc xong tác phẩm Bố Già, tôi nhớ tới một câu nói của Bố “Suy nghĩ về hành động tự vẫn là suy nghĩ ngu xuẩn nhất”, chính câu nói này đã giật ngược tôi trở lại, “Mày đang bị gì vậy, tự nhiên cái từ chết chóc lại xuất hiện vậy?”

Rồi khi suốt ngày ôm đầu than đau thì tôi chợt nghĩ “Liệu tôi có bị căn bệnh nan y nào đó không, ví dụ như một khối u não ở trong đầu” Cũng chắc là không. Nếu có thì chắc hẳn Tôi đã chết cách đây mấy mươi đời kiếp rồi chứ chẳng thể chờ tới giờ được nữa.

Hoặc như tối qua, tôi lại nghĩ có khi nào một ngày nào đó người ta sẽ phát hiện ra tôi nằm ở góc phòng này và chết vì uống thuốc liều cao trong  hình ảnh như một thiên thần đang ngủ. Tôi chẳng thể tưởng tượng được tại sao tối nào mình cũng khóc, ở một mình trong căn phòng ấy, những lúc đầu nước mắt chỉ rơi, dần dần những ngày sau này, tôi nức nở lên thành tiếng. Tệ hại thật!

Tôi không cố ý nghĩ, tôi cũng chẳng thể tưởng tượng mình sẽ nghĩ, tôi bị gì vậy? Tôi hỏi bạn, Bạn bảo “T biết rõ mình bị gì mà.” Bạn bảo tôi đang bị khủng hoảng, nặng hơn stress 1 chút. Nếu bị stress, tôi chỉ mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ, hay buông xuôi. Nhưng hiện tại lại khác, tôi rất bình thường, gặp gỡ mọi người tôi vẫn tươi cười, nhưng có những khoảnh khắc tôi bị như thế.

“Không người nào đi hết cuộc đời mà chưa 1 lần trải nghiệm tình cảnh cô độc dữ dội, thậm chí buồn chán, giữa chốn thâm sơn cùng cốc, chỉ dựa vào chính mình và nhờ đó biết được sức mạnh thực sự đang ẩn chứa trong con người mình.” Trích từ một cuốn sách đã đọc mà chẳng nhớ tên. Có lẽ là thế chăng?

Có những ngày tôi cảm thấy cuộc sống này vô vị, có những khi lơ lững ở cái trạng thái lưng chừng để tự hỏi “rốt cuộc mình sống trong cái cuộc đời này để làm gì, ngày cứ trôi qua ngày, mình nhìn điều gì phía trước để tiếp tục bước đến?” Có những lúc những điều phía trước mù mờ khiến Tôi lạc lõng và mất phương hướng. Cảm giác uể oải với cuộc sống. Thực chất thì không phải không nhìn ra điều gì đang hướng tới, thực chất thì đó là những lúc cố tình không muốn nhìn, thực chất đó là những lúc chính mình tự làm hư bản thân, để mặc cho tinh thần sa ngã và lạc lõng. Những điều phía trước với tôi là những thứ mình đã làm, đang làm và sẽ làm cho những người yêu thương. Những điều phía trước với Tôi là cả những ước mơ, đam mê và dự định mà Tôi muốn thực hiện. Nhưng có lẽ chính tôi tham lam quá, hoặc có lẽ Tôi cũng chỉ là một cô gái bé nhỏ thôi hoặc đôi lúc cũng muốn chỉ làm một cô gái bé nhỏ thôi, đôi lúc cũng muốn không phải mạnh mẽ gồng mình muốn làm tất cả mọi thứ.

Có những ngày Tôi thật sự cảm thấy áp lực, mệt mỏi và mất ngủ. Hôm trước ấy, đi làm về, quẳng mọi thứ sang một bên, nằm xoài xuống, trùm mền và khóc, Tôi nghĩ “Mình phải làm gì mỗi khi rơi vào trạng thái như thế này đây?”, Tôi biết những trạng thái như thế chỉ là tức thời, rồi cũng sẽ qua, nhưng đúng vào những cái thời điểm như thế thì thật là kinh khủng. Lúc đó, Tôi đã nhắn tin cho ông Ba thế này “Ba à! Cuộc sống này chả có gì thú vị hết. Giá như có thể chết đi thì hay nhỉ?” Sau đó, tắt ngúm điện thoại vì sợ ba sẽ gọi và Tôi sẽ òa khóc trước ông. Rồi hôm sau, ông cũng gọi, ông không hỏi có chuyện gì xảy ra, ông chỉ bảo “Sống thì phải chiến đấu tới cùng như một người cộng sản. Vì ít nhất con cũng mang trong mình dòng máu cộng sản mà”, gia đình tôi là một gia đình cách mạng chính gốc, ông nội, bà nội cả đã cống hiến cả cuộc đời làm cách mạng, điều đó cũng đáng tự hào đấy chứ. Ba đã nói với Tôi như thế, cho dù mọi việc có tồi tệ như thế nào, cũng phải cố gắng hết mình, không bao giờ được buông xuôi. Trên đời này không có việc gì là không thể giải quyết được, chỉ là bằng cách này hay cách khác. Cách tốt nhất hoặc cách kém tốt hơn.

Có phải tuổi trẻ ai cũng từng trải qua đôi lần như thế không?

~Trang Nguyễn~

Nói với con khi con mười ba tuổi: Hoa ngọc lan

Từng bông, từng bông trắng như ngọc, e ấp chúm chím sau kẽ lá, đoá hoa không khi nào nở hết- kể cả khi mãn khai, các cánh hoa vẫn khép mà toả hương nồng nàn dịu dàng, một mùi hương sâu, đắm say lòng người! Đó là loài hoa mẹ rất thích.

Có một ngày, cách đây 13 năm, một ngày thật đẹp và đặc biệt! Đó là ngày con gái rượu của bố mẹ được sinh ra. Mẹ tin rằng đó là một đoá Ngọc lan mà Chúa dành cho gia đình mình!

Khi chọn đặt tên con – Hoàng Anh, còn có nghĩa là một mùi hương rất thơm. Tên con là một cái tên đẹp, con đừng ngại ngần khi thấy đọc lên có vẻ giống tên con trai, nó rất nữ tính đấy!

Vậy đó, con bây giờ đang bước vào lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời! Con đừng vô tình đánh mất quãng thời gian diệu kỳ này, khi mà tất thảy mọi thứ đều trong trẻo và tinh khôi, con hãy sống, học tập và vui chơi với sự hồn nhiên của mình, đừng vội vã làm mình bị“già” đi nhé! Con sinh vào mùa xuân và mẹ mong rằng con hãy mãi mang mùa xuân đến cho gia đình mình!

Mẹ nhớ, thủa mẹ cũng khoảng bằng tuổi con bây giờ, khi còn ở Xuân Hoà, bà ngoại con đã mua tặng mẹ cuốn sách: Xioncopxki kể chuyện, đó là một câu chuyện thật hay!

Mẹ luôn nhớ về bà ngoại con với những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, bà thông minh hay thương người nhưng bà lại rất nóng tính! Ngày nhỏ mẹ thường bị bà cho roi mỗi khi phạm khuyết điểm, còn ông ngoại thì ngược lại chưa bao giờ cầm đến một ngọn roi nà!

Xioncopxki là ông tổ của ngành du hành vũ trụ. Bố ông là người Nga gốc Ba Lan. Mặc dù cuốn sách đó không dài, nhưng nó đã cho mẹ biết bao cảm xúc! Mẹ của ông ấy là một phụ nữ thật thông minh và nhân hậu, bà có một cách dạy con thật đặc biệt. Khi Xioncopxki là một cậu bé, bà đã dạy toán về phép tính nhân bằng cách đếm các hạt đỗ chia thành từng đống 10 hạt một, còn văn học bà đã dạy con cách cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống ở sự tự nhiên của nó chứ không phải bằng những từ ngữ bóng bẩy. Chẳng hạn, khi bà ra đề văn tả về mùa xuân, khi cậu bé cố gắng tìm những từ ngữ thật hay để tả, với dòng sông nước trong vắt, bầu trời xanh trong, cỏ cây hoa lá với sắc màu rực rỡ, toả hương ngào ngạt…  Sau khi cậu đưa cho mẹ đọc, bà lắc đầu và dẫn con ra ngoài.

Mùa xuân, tuyết mới tan, con đường rừng ẩm ướt, mùi gỗ mục, dòng sông chở nước tuyết tan trộn lẫn bùn lầy, bầu trời xam xám nặng trĩu mây… bà chỉ cho con những điều đó. Khi đi qua cánh đồng, bà hỏi: con có ngửi thấy mùi gì không? cậu bé đang ngẫm nghĩ, bà nói: đó là mùi hăng hắc ngái ngái của luống đất mới cày, không phải thơm ngát hương hoa, nhưng đó là hương vị của mảnh đất quê hương con ạ! Thật là một người mẹ tuyệt vời! Sau này, khi có các con, mẹ cũng học theo điều đó bằng cách đưa các con đi chơi, ngắm nghía, nhận xét, khơi gợi cảm xúc để các con có thể cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên, trau dồi kỹ năng làm văn của mình.

Và con, con gái yêu của bố mẹ, mẹ muốn con là mùa xuân bất tận, với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Con hãy luôn là chính mình! Con hãy tự tạo nên một style của riêng mình con nhé! Muốn vậy, như mẹ vẫn thường nhắc, con chịu khó đọc sách, luôn có ý thức trau dồi kiến thức của mình về nhiều mặt, sách sẽ đem đến cho con nhiều điều kỳ diệu! Rồi một ngày kia, biết đâu đấy con có thể nhận được món quà vô giá khi con 18 tuổi như cô bé con người gác rừng trong truyện Lẵng qủa thông của Pautovxki! Tại sao không nhỉ? Mẹ tin vào điều đó!

Con gái yêu của mẹ, con hãy hài lòng với những gì mình có, có thể con hơi mập mạp một chút, không sao! Con có thể điều chỉnh cân nặng theo ý mình mà, với điều kiện con cố gắng và kiên trì để đạt được mục đích của mình. Hình thức bên ngoài quan trọng, nhưng vẻ đẹp của tâm hồn còn quan trọng hơn. Con cố gắng kết thúc thật tốt năm học này, chăm học hơn nữa để làm nền tảng cho năm học tới con nhé! Mẹ muốn rằng con hãy nữ tính hơn một chút nữa. Vì mình là con gái, hãy phát huy những lợi thế của phái đẹp. Con có thể kết bạn với các bạn trai (thường là các bạn ấy thông minh nên chơi các trò chơi rất thú vị!), tuy nhiên điêù cần làm là con xác định được khoảng cách cần thiết trong quan hệ giao tiếp, điều này rất quan trọng. Nếu con làm được và mẹ tin rằng con làm được thì con sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người. Con  nhanh nhẹn, hoạt bát, không uỷ mị yếu mềm, biết cứng rắn lúc cần thiết nhưng có đủ sự thông minh, tinh tế và nhạy cảm để mình vẫn luôn là con gái con nhé!

Con gái yêu của mẹ, điều mẹ mong muốn nhất là con hãy luôn dịu dàng, kín đáo và trắng tinh khôi với hương thơm riêng không thể lẫn được như hoa Ngọc lan.

 

Con hãy mãi là Ngọc lan con nhé!

 

Trần Thị Tú Anh

*Featured image: Duy Khoa

 

 

“Mẹ ơi đợi con về ăn Tết Đoàn viên muộn nhé!”

Cuộc sống xô bồ và vội vã cuốn tôi vào vòng xoáy của công việc và học tập. Bận rộn với những bài kiểm tra, những deadline dồn dập, những hoạt động ngoại khóa, tôi – với 200% năng lượng – đang cháy hết mình cho những đam mê của tuổi trẻ. Những tưởng đó chính là điều tôi kiếm tìm bấy lâu nhưng thực sự tôi đã nhầm. Mọi thứ dường như bủa vây lấy tôi, khiến tôi không còn đủ thời gian cho chính mình và những người thân. Đã một tháng rồi tôi không gọi điện về hỏi thăm tình hinh bố mẹ ở quê. Đám bạn hỏi thăm chuyện của tôi, tôi trả lời ngắn gọn hết mức có thể. Thậm chí vì lười, tôi còn dùng icon rất nhiều – điều mà trước giờ tôi rất ghét. Bỗng nhìn lại, sao thấy mình vô tâm và ích kỉ đến vậy!

Tết đoàn viên

Hôm nay là rằm tháng Tám, lật giở những trang kí ức ngày xưa, tôi ngỡ ngàng khi chưa một lần tôi ở nhà đón trung thu trọn vẹn với bố mẹ. Ngày bé, đó là những lần đi rước đèn với đám trẻ cùng trang lứa. Lớn hơn một chút thì là những lần tụ tập bạn bè ăn uống, hò hét ầm ĩ, náo loạn cả khu phố. Không riêng gì trung thu mà nhiều dịp lễ trong năm, tôi cũng dành phần lớn thời gian cho bạn bè: bạn cũ, bạn mới, những mối quan hệ xã hội khác. Ngày tháng còn sống trong sự bao bọc của bố mẹ trước đây, tôi cứ mặc nhiên nghĩ rằng đời này bố mẹ sẽ theo mình mãi, sẽ luôn ở bên, che chở và bảo vệ mình. Nhưng từ khi đi học xa nhà, được va chạm nhiều hơn, chín chắn hơn, suy nghĩ non nớt ấy của tôi đã không còn như trước nữa.

Tôi hiểu rằng đời người không ai tránh được sinh lão bệnh tử, giống như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình, càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ 1 ai, chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai, chết thì chẳng bao giờ có 1 cuộc hẹn hò nào trước.” (Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người – NXB Phụ nữ, 2003)

Đón trung thu tại nơi đất khách quê người, thấy nhà nhà vui vẻ quây quần bên mâm cơm, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi muốn bỏ lại tất cả, bắt thẳng một chuyến xe về quê dù chỉ để được ăn một bữa cơm mẹ nấu. Lúc ấy, tự trách mình sao không biết trân trọng những tháng ngày được bố mẹ chăm sóc từng chút một. Phòng trọ nhỏ xíu, bữa cơm qua loa chẳng thể đem lại sự ấm cúng như ở nhà. Thì ra cái cảm giác đáng sợ nhất không phải là lúc tuyệt vọng vì thất bại mà là lúc cô đơn ta chẳng có nơi nào để hướng về!

Không thể đón trung thu bên cạnh bố mẹ, tôi kiếm tìm cảm giác thân thuộc như ở nhà tại nơi cửa Phật. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, tôi tự hào với những đền chùa cổ kính, với bề dày truyền thống văn hóa tự ngàn xưa của quê hương mình. Dù có đi bất cứ đâu, mỗi khi bắt gặp hình ảnh những ngôi chùa, tôi lại thấy thấp thoáng bóng dáng quê hương ở đó. Mùi hương trầm thoang thoảng lan tỏa trong không khí, tiếng các nhà sư tụng kinh, gõ mõ: “Nam mô a di đà phật” như mang theo chút gì đó của quê hương, nhẹ nhàng, sâu lắng, làm vơi đi nỗi nhớ nhà của tôi. Được vãn cảnh chùa, giúp sư cô viết sớ, bỏ mặc sự đời với những bon chen, toan tính ngoài kia, tôi thấy lòng thanh thản lạ kì. Thắp nén nhang, cúi đầu thành kính, tôi cầu mong bình an đến cho gia đình, cho người thân và bạn bè.

“The one who loves you will never leave you, even if there are hundred reasons to give up, they will find one reason to hold on” – Unknown

Dù năm nay lại là một năm nữa đón trung thu xa quê nhưng lòng tôi vẫn luôn hướng về ngôi nhà nhỏ có gia đình thân yêu của mình. Chợt nhận ra công danh, sự nghiệp, tiền bạc, của cải…tất cả đều phù phiếm và dễ dàng tan biến, duy chỉ có gia đình là sẽ mãi ở đó, bên ta mỗi lúc ta đứng trên đỉnh vinh quang hay rơi xuống đáy địa ngục thất bại. Thế rồi tôi dừng hết những việc đang còn dang dở, bắt chuyến xe Hà Nội – Quảng Ninh cuối cùng và gọi 1 cuộc điện thoại về nhà cho mẹ: “Mẹ ơi đợi con về ăn tết đoàn viên muộn nhé!”.

 

Feature image: Hà Nhi

Nói về “Suối Nguồn” của Ayn Rand và Chủ nghĩa vị nhân sinh

“Nếu bạn nghĩ bạn đang xây nhà cho người nghèo, bạn sẽ xây lên toàn ổ chuột.” – khuyết danh

Từng có một dạng xã hội mà mọi cá nhân trong xã hội ấy đều đi theo chủ nghĩa vị nhân sinh. Họ đi theo một cách triệt để và mù quáng. Họ sống và ham muốn những giá trị mà họ biết những người khác trân trọng. Họ làm những việc mà những người khác kêu họ làm. Họ sung sướng theo cách mà người khác sung sướng. Họ vui vẻ trong niềm vui mà người khác bảo là đáng vui mừng.

“Anh sẽ hiểu ý nghĩa tác phẩm này nếu anh đủ đức hạnh để hiểu nó.” Và thế là mọi người ai cũng cố tỏ ra là mình cảm được tác phẩm. Có dạng còn thay thế đức hạnh đó bằng một đức hạnh khiêm tốn phô trương:

  • “Tôi không hoàn toàn hiểu được vở kịch đó muốn nói gì, nhưng tôi cảm được sự thiêng liêng từ nó.”
  • “Tôi dám chắc là anh ấy sẽ nổi tiếng với tài năng đó, tác phẩm đó của anh ấy quá xuất sắc còn tầm cảm nhận của tôi thì hạn chế, nhưng tôi vẫn dám chắc điều đó.”

Dù các tác phẩm ấy có thể toàn là rác rưởi, và được lên sân khấu, viết thành sách, hay dựng lên bởi các thế lực phía sau. Họ sẽ không dám làm nếu người hàng xóm của họ chưa làm, không dám lên tiếng nếu người hàng xóm của anh ta im lặng, và người này sống theo đạo đức và hành vi của người kia, người kia sống theo đạo đức và hành vi của người kia nữa, cứ như thế.

Chủ nghĩa vị nhân sinh dạy cho họ các giá trị về niềm tin vào làm việc tập thể, rằng mỗi người đều tài giỏi về một mặt và sự kết hợp lại là sự hoàn thiện lẫn nhau cho con người về mọi mặt. Con người luôn đầy khiếm khuyết và dã tâm, cần làm việc với tập thể để có sự điều độ, tránh sự độc đoán “anh không nghĩ cho tôi là tôi cũng có ý kiến riêng của tôi đấy chứ.” “Anh đừng nghĩ mình quá tài giỏi mà không chấp nhận ý kiến người khác chứ.”

Và chủ nghĩa vị nhân sinh dạy họ rằng các giá trị từ xa xưa là các khuôn mẫu không thể phá vỡ, là tiêu chuẩn mà anh chỉ cần thêm vài nét của riêng anh là anh đã có một kiệt tác của riêng anh. “Anh là ai mà mong muốn sự thay đổi trên những tín điều mà xã hội ai cũng coi là tiêu chuẩn chân thiện mỹ”, dạy cho họ cách sở hữu những giá trị siêu việt chỉ bằng vài ngón nghề sao chép và chế biến.

Và cuối cùng, chủ nghĩa vị nhân sinh chủ yếu dạy họ sống vì người khác, vì luôn khẳng định con người luôn là những cá thể mang đầy vấn đề, mang đầy khuyết điểm, đến cả những cá thể bất hạnh, khuyết tật về thể chất hoặc tâm hồn, tìm đến những cá thể đó mà ban phát sự giúp đỡ, an hưởng và khoái lạc trên sự ban phát đó, họ tự cho mình quyền giúp đỡ không điều kiện đối với những cá thể mà họ cho là yếu kém hơn, cảm nhận hạnh phúc như kẻ bề trên, dạy họ sống hi sinh bản thân vì những giá trị mà họ được dạy là sự cứu rỗi cho tâm hồn họ bằng việc luôn tìm đến những cá nhân bất hạnh, không hề xuất phát tự ý chí tự thân mà xuất phát từ cám dỗ của một thứ “thuốc phiện” được rao giảng “hãy sống vì người khác”.

Và rồi khi cả xã hội nhuần nhuyễn thứ thuốc phiện đó, điều gì sẽ xảy ra? Mọi thứ đều tốt đẹp hơn? Con người có tình yêu bao la quên mình? Mọi người hòa đồng tương ái?

Đó chỉ là vẻ ngoài đẹp đẽ của cái xã hội bong bóng rỗng toác từ giá trị sống đến vật chất sống. Ở đó tất cả các loại văn chương hổ lốn vô nghĩa đều được đưa ngang tầm với những kiệt tác thật sự, các vở kịch sáo rỗng sao chép đều được tán thưởng nhiệt liệt không thua gì các vở kịch bị nó sao chép, các công trình kiến trúc nhạt nhẽo nhàm chán luôn được ca ngợi là “thật phá cách trong tinh thần thống nhất”.

Và mọi sự xuất sắc siêu việt đều bị chỉnh sửa sao cho hợp với phong cách số đông, tất cả chúng bị ném đá nếu chúng được làm ra dưới tên của một người, nhưng lại được coi là kỳ quan nếu được làm ra dưới tên một hội đồng, mà hội đồng thì luôn đảm bảo nó được làm nên bởi nhiều ý tưởng, các ý tưởng chắp ráp làm nên một quái thai. Tất cả thuộc tính đặc sắc của mỗi cá nhân đều bị nhào nặn và cho sáp nhập chung với tập thể xã hội, học lấy tâm lý bầy đàn, học lấy các giá trị chung mà chủ yếu là chủ nghĩa vị nhân sinh rao giảng, loại bỏ cái tôi, loại bỏ cái vị kỷ. Họ chết khi 25 và được chôn ở tuổi 75. Ở đó các sự siêu việt thiêng liêng kỳ vĩ không bị báng bổ bởi việc đập phá hay dẹp bỏ, mà bị báng bổ bởi việc đưa các thứ rác rưởi, trống rỗng, sao chép lên ngang bằng các đỉnh cao, một xã hội rồi không có đỉnh cao trong bất cứ hệ giá trị nào.

Ở xã hội đó, con người được mặc định là sinh vật yếu kém, khiếm khuyết, chỉ có sự liên kết cùng nhau mới có thể tạo nên một giá trị nào, họ cam nhận ý chí sống bám vào đám đông coi như một đức hạnh, cam nhận ý thức sao chép ăn cắp cái không do họ làm ra như một nghĩa vụ xã hội giao cho. Nó giả dối làm sao trong việc vinh danh quần chúng lên án các sự khác biệt, giả dối làm sao trong việc mang vào mình những chức danh đã bị làm rỗng hay dị dạng, giả dối làm sao khi vinh danh đức hi sinh, vị nhân sinh để tìm lấy đức hạnh tâm hồn do số đông định nghĩa. Hãy làm mọi việc vì nhu cầu tự thân.

Xem thêm

25 danh ngôn Ayn Rand – một trong những triết gia hàng đầu của chủ nghĩa tự do

Mẹ dắt con đi…

Khi con trai hơn 5 tuổi, nhân dịp cô Phương- bạn thân của mẹ ở Sài Gòn chuẩn bị lấy chồng, bố mẹ đưa con cùng đi chơi một chuyến. Lúc đó em còn nhỏ nên ở nhà với ông bà ngoại. Sài Gòn hồi đó (năm 1999) có nhiều khu vui chơi cho trẻ em hơn Hà Nội. Bố mẹ lần lượt dẫn con đi các nơi: Water park, Wonderland, công viên Đầm Sen… Trong công viên Đầm Sen có hai khu vườn lồng kính, nhiệt độ vườn được can thiệp bởi máy lạnh: vườn trông các loại cây miền ôn đới- chủ yếu trồng hoa lan có rất nhiều các giống loài khoe hương sắc rực rỡ được làm lạnh; vườn nhiệt đới nhận cái nóng từ cục nóng của dàn máy lạnh thải ra, chủ yếu trồng xương rồng. Có đủ các loại xương rồng, mọc trên cát, thân vững chãi phủ kín gai nhọn, hầu như toàn cành, lá cây nhỏ tí xíu. Điều gây ngạc nhiên là từ vẻ xù xì gai góc đó, với nguồn dinh dưỡng nuôi cây lấy dưới lớp cát trắng khô cằn với nhiệt độ cao rất khó thích hợp cho đa số các loài thực vật, xương rồng trổ ra những bông hoa thật đẹp và đằm thắm. Vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên hoa xương rồng hiện ra một vẻ đẹp khiến ta ngỡ ngàng với rất nhiều sắc màu, dáng quý phái với nhiều đường nét thật tinh tế, không kém phần rực rỡ so với các loài hoa khác. Con trai rất thích thú quan sát, mẹ hỏi con:

– Con thấy nóng không? Nóng mẹ ạ.

Mà tại sao cây xương rồng lại nhiều gai thế mẹ nhỉ?

Mẹ giải thích:

Đây chỉ là khu vườn mô phỏng nơi sống của xương rồng thôi con à. Thực tế thì xương rồng mọc trên sa mạc, điều kiện thời tiết còn khắc nhiệt hơn ở đây nhiều. Và để tồn tại được, cây phải tự mình biến đổi để thích nghi với môi trường. Sa mạc toàn cát trắng, nắng nóng, rất khô hạn vậy nên lá cây phải thật nhỏ để hạn chế việc thoát nước, thân cây thì phình to, các mao mạch lớn để giữ được nhiều nước. Thân cây có nhiều gai nhọn để dọa nạt các loài động vật, ngăn không cho chúng lấy mình làm thức ăn  khi mà cỏ cây- món ăn của động vật ăn cỏ rất hiếm có trong sa mạc. Vậy đó con ạ, muốn tồn tại và phát triển xương rồng phải tự biến đổi mình để phù hợp với môi trường, với điều kiện sống khắc nghiệt của mình. Trong tự nhiên, rồi đây con sẽ gặp bao điều kỳ thú khác. Sau này lớn lên con sẽ được học về Học thuyết tiến hóa của Darwin , con sẽ lý giải được nhiều vấn đề. Con sẽ tự giải thích được tại sao con cá bơi dưới nước phần bụng lại trắng sáng, phần lưng gáy lại sẫm màu? Tại sao các loài bò sát lại có thể biến đổi màu theo ánh sáng? Con sẽ hiểu được tại sao có những con côn trùng giống hệt chiếc lá và một số loài thì lại giống như tảng đá, gốc cây… đó là sự hòa hợp với thiên nhiên để duy trì mối quan hệ bền vững, một thứ ngụy trang để sinh tồn, tránh kẻ thù phát hiện.

Vậy con có muốn học theo cây xương rồng không?  Con cười thích thú!

Sau này mẹ hay bông đùa rằng mẹ đã tìm ra “triết lý xương rồng”!

Cuộc nói chuyện lần đó cách đây đã 12 năm. Con giờ đây là một chàng trai cao lớn nhưng tính cách vẫn chưa hết nét trẻ con. Bố mẹ đã gửi con vào một trường Trung học quốc tế thuộc top đầu của Canada: Trường Columbia International College. Đó là một cố gắng rất nhiều của bố mẹ- một cố gắng hơi quá sức mình (con hãy xem lại lá thư mẹ gửi con sau khi con đi học gần 3 tháng nhé). Mẹ chỉ muốn nói rằng khi xa nhà các con sẽ gặp những khó khăn nhất định, bởi như các cụ đã dạy: “Sảy nhà ra thất nghiệp”. Song, như mẹ nói với con trước khi đi, cho con đi du học là giấc mơ của bố mẹ, mẹ nghĩ rằng gia đình đã tạo cho con một điều kiện không phải dễ dàng gì mà có được, bởi vậy cho nên con hãy cố gắng thật nhiều. Từ thủa thiếu thời mẹ luôn mơ ước được sang học tập và làm việc ở những vùng đất mới lạ, nó là giấc mơ lớn và giờ đây, con là người thay mẹ thực hiện ước mơ… Mẹ thấy buồn khi có lẽ con cảm nhận nhiều những khó khăn mình gặp phải hơn là những điều kiện thuận lợi mà con có được so với các bạn cùng lứa với con ở nhà. Con chưa tận dụng hết quỹ thời gian của mình vào những việc có ích như đọc sách, rèn luyện thể chất vv…

Con đã học được một năm rưỡi và thời gian này con đang về nghỉ để chờ kỳ học tiếp. Mẹ biết rằng trong quãng thời gian đó con đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên quãng đường phía trước còn dài lắm con à, để đi tới đích con cần thêm kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh hơn nhiều nữa, bởi vậy mẹ vẫn luôn mong muốn con trở thành một “cây xương rồng” và là “cây xương rồng” đáng yêu của mẹ, để con có thể vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại trên chặng đường đời trong tư thế vững chãi. Có thể xù xì gai góc như cây xương rồng nhưng lại trổ được những bông hoa thật đẹp, chắt lọc tinh hoa từ nắng gió và bão cát sa mạc, từ nguồn dinh dưỡng nghèo nàn trong cát trắng cằn khô.

Con dự định sẽ theo học ngành Business, nếu con chịu khó học hỏi, đọc sách con sẽ thấy có những điều không thể lại trở thành có thể. Chẳng hạn khái niệm đường thẳng chính là một đoạn cung tròn của đường tròn có đường kính là vô cùng, và như vậy thì hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau tại một điểm ở vô tận! Có thú vị không con?

Rồi con sẽ vẽ được đồ thị của cuộc sống, sự nghiệp và cả tình cảm nữa, theo mẹ thì đó là đồ thị hình sin con ạ. Nếu quan niệm như vậy thì con sẽ tránh được thất vọng cùng cực khi rơi vào thất bại lớn, bởi con biết được rằng khi thất bại nghĩa là mình đã rơi vào điểm min rồi, con sẽ không thể rơi thêm được nữa, thế nghĩa là con đã xác định được đáy. Khi đó lóe lên tia hi vọng con lại vươn lên được, để đi tới điểm uốn, rồi vươn lên tới max. Ngược lại, khi đạt được thành công, con cũng biết, đã tới đỉnh rồi, không thể có thành công mãi được, cũng như không thể đứng mãi trên đỉnh được, con sẽ chấp nhận có sự tụt lùi (mà cũng có thế xảy ra trường hợp xấu nhất: tụt thảm hại tới đáy!), để rồi tiến tới mình sẽ tiến hành chinh phục những đỉnh cao mới. Mẹ thấy cách quan niệm này cũng giống như Học thuyết âm dương bát quái ngũ hành của Phương Đông vậy. Để hiểu ít nhiều học thuyết này cần rất nhiều thời gian đọc và suy ngẫm. Mẹ chỉ diễn giải một phần như thế này thôi: trong phúc có ẩn chứa mầm họa và trong họa lại manh nha có phúc. Mẹ chờ con trai mẹ đọc để hiểu biết thêm bổ sung cho mẹ nhé!

 

Trần Thị Tú Anh

Featured image: Hoàng Nguyễn