25 C
Nha Trang
Thứ năm, 24 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 310

Truyền thông chưa được hoạt động như một quyền lực thứ tư như người ta vẫn ảo tưởng

Photo: Halina

 

Gửi bạn X.H, P.T, T.H và các bẹn, à nhầm, các bạn.

Tôi không phải người bảo thủ như kiểu các cán bộ đoàn kém trí tuệ. Nhưng có một thứ tôi luôn kiên định, ấy là kiên định nghi ngờ.

Thời cuộc đang đến hồi mạt vận, mọi thứ đang bắt đầu trở nên rối ren và ngày càng khó kiểm soát. Nhà quản lý có lẽ bây giờ đang phải đau đầu với các vấn đề vĩ mô, nhưng tiêu cực mang tính hệ thống mà không thể một cuộc vận động, một nghị quyết mà có thể giải quyết được ngay.

Nhưng có một giải pháp còn hay hơn nghị quyết, đó là truyền thông gây mê.

Năm 2008, giữa biến cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ gây tử nạn cho mấy chục con người thì đùng đùng xuất hiện scandal của Hoàng Thùy Linh. Mọi trang báo khi ấy đang lúc đổ dồn về việc quy trách nhiệm về phía nhà thầu Nhật Bản thì lại quay ra phân tích clip sex của cô diễn viên trẻ này.

Trên một tờ báo lớn nhất nước, khi ấy đăng một cái tin nhỏ, viết về chuyện hình ảnh một nữ y tá người Nhật Bản cúi đầu xuống rất thấp khi biết bệnh nhân là người Việt Nam. Giữa lúc công phẫn về sự vô trách nhiệm của nhà thầu Nhật Bản đang như ngọn lựa bùng bùng giữa xã hội, một cử chỉ cúi đầu như vậy bỗng chốc làm ấm lòng bất kỳ ai đọc mẩu tin đó.

Tôi nghĩ, có thể chẳng có cô y tá nào cả với cái cúi đầu nào như thế cả. Chỉ là một thủ thuật PR chính trị. Người ta sau khi được chích thuốc mê, bèn dành năng lượng để nghiên cứu tiếp việc truyền thông đánh phá vấn đề Hoàng Thùy Linh cởi quần.

Năm 2011, cơn sóng thần đổ ập vào Nhật Bản gây ra cái chết đau thương cho hàng trăm người Nhật, với thiệt hại tính bằng ngàn tỷ đô la. Giữa lúc ấy, một loạt báo chí Việt Nam cùng đăng một bài viết giống nhau của một tác giả có tên là “H.M.T” (tôi tự viết tắt tên nhân vật này), tự nhận là một cảnh sát Nhật gốc Việt.

Nội dung bài báo sau khi miêu tả sự tang thương, ông tác giả này còn thêm vào chi tiết về một cậu bé 9 tuổi, cậu bé này sau khi nhận được một cái bánh cứu đói, đã bỏ nó vào thùng quà rồi đứng ra phía sau cùng của đoàn người bị nạn để chờ phát quà như mọi người lớn khác, dù cậu đang rất đói. Cậu cho rằng mình không thể được ưu ái vì là trẻ con, cậu muốn được đói một cách công bằng.

Bài báo đó cực kỳ xúc động. Và kết luận đại loại rằng, một dân tộc với những cháu bé 9 tuổi như thế thì chắc chắn phải là một dân tộc vĩ đại.

Một nữ phóng viên là bạn của tôi ngay lập tức được cử đi Nhật Bản. Cô tìm kiếm anh cảnh sát người Nhật gốc Việt tên H.M.T kia thì thấy rắng không thể nào có một anh cảnh sát như thế. Bằng những gì nhìn thấy tận mắt và những bằng chứng rất xác đáng, cô đã cho người ta thấy rằng người Nhật không có ai đến nỗi bị đói sau thảm họa đó và cậu bé 9 tuổi kia chỉ là một Lê Văn Tám của Nhật Bản.

Ngay sau khi bạn tôi trở về và mọi thứ được phơi bày ra, tôi đã phải nghi ngờ rằng đã có một liều thuốc gây mê nào đó được chích vào Việt Nam từ Nhật Bản. Lợi dụng giữa lúc cơn đau đớn ấy, người Nhật dùng truyền thông để chứng tỏ cho Việt Nam thấy rằng họ là một đất nước hùng mạnh và tự cường. Chỉ bằng một bài báo đó thôi, một sự tin tưởng đó thôi, những lợi ích kinh tế kéo theo chắc chắn sẽ không hề nhỏ.

Có thể với việc đăng tải câu chuyện của cậu bé 9 tuổi đó, một loạt báo chí Việt Nam đã ăn thịt lừa. Nhưng với một loạt nhân vật được truyền thông đánh bóng vô lý trong nhiều năm gần đây, đến khi sự thật bẽ bàng được phơi bày, người ta không thể tìm kiếm trong truyền thông lòng tin được nữa.

Tôi có thể kể thêm ra đây 2 trường hợp: Một là năm 2011, VTV với chuyện “cô Lượm” ở Thừa Thiên – Huế, trong chương trình Người xây tổ ấm. Chỉ bằng việc nghe một câu chuyện từ bệnh viên, cô đã bịa ra một bi kịch của cuộc đời mình. Khi phóng viên VTV về quay phim, cô còn nhờ người đóng giả người thân để lừa dối VTV. Chương trình của cô được phát sóng trên VTV, cả nước xem và xúc động. Kỳ thực là họ bị lừa.

Hai là câu chuyện năm 2006, một người đàn ông ngư dân ở Quảng Nam với 13 ngày lênh đênh trên biển sau cơn bão dữ Chanchu. Một cơn bão đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngư dân Việt Nam. Khi biết người đàn ông này trở về, hàng chục tờ báo đã nhảy vào cắn xé, tâng ông lên như một anh hùng. Câu chuyện được ông kể ra trên báo đã nuôi hy vọng cho hàng chục gia đình ngư dân gặp nạn. Kết quả thực ra là do ông này bịa chuyện, ngày các bạn thuyền của ông lên tàu ra khơi, ông đã trốn vào miền nam cở cùng vợ bé.

Một hệ thống truyền thông chưa đủ tin cậy và dễ dàng bị gây mê. Vậy nên, dù có là một người viết báo, tôi cũng chỉ dám khuyên bạn hãy chỉ tìm kiếm trên truyền thông những thông tin chứ đừng tìm kiếm lòng tin.

Tính nghi ngờ cố hữu đã khiến tôi liên tục phải đặt câu hỏi “tại sao”. Trước hàng ngàn vấn đề xã hội đang rất phức tạp như hiện nay thì tại sao lại đùng đùng xuất hiện một văn bản cộng điểm thi đại học cho bà mẹ VNAH, một văn bản vi hiến bắt người ta khi quay phim chụp ảnh CSGT thì phải xin phép… Hay giữa lúc báo chí còn đủ thứ việc phải làm (ví như làm rõ vụ công an bắn nhau ở Đồng Nai) thì lại đổ xô vào một anh học thức đầy mình đang khiếu nại cuốn sách của một cô nhóc con đi du lịch bụi?

Đó là sự thật xã hội hay chỉ là những liều thuốc đang gây mê, để xã hội quên đi những sự thật đang diễn ra ngoài kia?

Bạn của tôi mỗi khi đọc báo, xin đừng nghĩ rằng thứ bạn đang được cung cấp là sự thật. Có một bộ máy khổng lồ đang được trả lương để đứng đằng sau truyền thông, để điều khiển bộ não của bạn đi theo ý của họ.

Thứ bạn cầm nắm trong tay chưa chắc đã là thứ bạn có. Người ta nhìn một mảnh giấy nửa đen nửa trắng thì hoặc là bạn chỉ thấy nó đen, hoặc chỉ thấy nó trắng. Người ta đều đúng. Chỉ có những người đúng hơn khi biết lật mảnh giấy ấy đó lên để xem mặt sau, mà người có thể lật mặt sau lên cần phải có đến sự hoài nghi và tưởng tượng.

Đừng tin vào các khẩu hiệu, mỹ từ mà truyền thông đang cố làm bạn tin. Hoài nghi không bao giờ là thừa. Tính dân chủ ở nơi chúng ta đang sống đây chưa cho phép truyền thông được hoạt động như một quyền lực thứ tư như người ta vẫn ảo tưởng. Chuyện dân chủ ở đây chỉ có thể nói rằng: “Bạn là dân, họ là chủ”.

Với tính dân chủ như thế, bạn hãy là một người thẩm định, chứ đừng bao giờ đi vào những lề lối mà truyền thông đã kẻ sẵn cho bạn.

Như cái vạch chỉ đường cho khách bộ hành bạn vẫn thấy hằng ngày đó thôi. Ở một đất nước khác có thể nó là nơi để bạn qua đường an toàn nhất; nhưng mà ở nơi mà bạn đang sống đây, nó là cái bẫy để khi bạn thong thả đi qua, sẽ có một đoàn xe máy ầm ầm kéo đến để kẹt gãy chân bạn đấy.

 

Sinh Lão Tà

Hãy thử xem tất cả như là những cuộc dạo chơi…

 Photo: pamo67

 

Đam mê là gì hay ước mơ là gì, có thể dễ dàng tìm thấy trong từ điển.

Nhưng xác định được đam mê và ước mơ CỦA MÌNH thì không phải là một câu chuyện đơn giản. Hãy thử trả lời câu hỏi, đến cuối cùng, em muốn mình là gì giữa một cuộc đời bao la rộng lớn như thế này? Nếu câu trả lời của em là sự im lặng, thì không có nghĩa là em không có đam mê, mà là vì em chưa tìm được nó. 

Có thể bởi vì ba mẹ em quá yêu thương em, quá lo lắng cho em, cho phép em làm mọi thứ mình muốn: Em được tự do chọn trường, tự do học tập, tự do theo đuổi sở thích. Nhưng cũng chính vì thế mà em không thể nào thoát ra khỏi cái bóng của tình thương yêu ấy. Em luôn muốn làm hài lòng, làm cho bố mẹ được “nở mặt nở mày” vì em. Chính vì thế, em quyết tâm theo đuổi những-lựa-chọn-và-ước-mơ-được-cho-là-của-em mà đôi khi chính em cũng chẳng biết liệu bản thân mình có thực sự muốn điều đó hay không (vì thực ra nó là ước mơ của ba mẹ em, không phải của em).

Đôi lúc ta cứ phải chạy theo những cái khuôn mẫu mà tất cả mọi người đều đồng ý nó là sự thành công., để rồi có khi phải đứng chôn chân mình tại chỗ một cách vô vọng. Đời người chỉ sống có một lần, sao cứ phải vẽ mẫu cho thẳng tắp, cho đẹp đẽ để rồi không cảm nhận được bất cứ điều gì? Sao không để đời vẽ theo những nét cong uốn lượn ngây ngô, tuy không theo bất kì một hình dáng, một mẫu có “hiệu” nào, những chẳng phải ta có lẽ sẽ rất hạnh phúc nếu được đi theo điều đó sao?

Hãy thử xem tất cả như là những cuộc dạo chơi…

Được đi chơi là điều mà tất cả mọi đứa trẻ đều thích. Không quan trọng là đi đâu, ở đó như thế nào, có thực sự vui hay không, cứ nghe đi chơi là những đứa trẻ lại hân hoan reo hò, một cách vô tư và hiền lành nhất. Niềm vui, tạo nên sự hứng khởi.

Việc chọn địa điểm đi chơi khi em chưa đến nơi đó lần nào thường sẽ dẫn đến “rủi ro”. Hoặc là chỗ đó làm hài lòng em với những niềm vui bất tận, em thích nơi đó, và muốn cứ được đi chơi ở đó hoài hoài. Hoặc là nơi em chọn em cảm thấy thật tẻ nhạt, chán nản, không muốn ở lại thêm bất cứ khoảnh khắc nào nữa. Trong trường hợp thứ hai, em sẽ làm gì? Dĩ nhiên không thể cứ mãi than phiền được, em phải tìm một chỗ khác, hợp với em hơn, nơi em có thể tìm được niềm vui thực sự. Em còn trẻ, em phải được đi chơi chứ 😉 Mà lỡ chỗ mới lại không được, thì em cứ tìm thêm, tìm thêm nhiều chỗ nữa. Có thể em sẽ cho rằng như vậy là mất thời gian, nhưng có sao đâu nè, đi chơi thì phải vậy mà, đúng không?

Đó, đi tìm đam mê của mình là như thế đó. Không thể tìm là có ngay được. Em vẫn còn trẻ, ai cấm em không được quyền thử và không được quyền sai? Xem mọi thứ nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi, em sẽ thấy mình nên tận hưởng nó, hơn là lo lắng và tự dằn vặt bản thân mình. Chuyến đi này không vui, đâu nghĩa chuyến đi khác cũng sẽ buồn. Em có thể thất bại ở thời điểm này, nhưng rồi biết đâu lại thành công rực rỡ ở một thời điểm khác? Nơi em tưởng sẽ vui thật lâu bỗng có lúc tự dưng thấy chán, thì dĩ nhiên em phải tìm một nơi khác tốt hơn. Không hứng thú với điều này nữa có nghĩa nó không phải đam mê của em, dĩ nhiên em phải tiếp tục tìm kiếm đam mê thực sự.

Quan trọng là trong mỗi cuộc đi chơi đều đến lúc phải về nhà, em không thể mãi lang thang.  Khi tìm được đam mê của mình, hãy trân trọng và sử dụng nó thật hiệu quả. Ừ thì tất cả là những cuộc dạo chơi, nhưng là những cuộc đi chơi có mục đích. Ai mà muốn mình mãi là kẻ lang thang chứ. 

Nhớ kĩ, em nhé, không ai cấm em thử và sai hết 🙂 Đừng tự tạo áp lực cho bản thân mình, đừng cấm bản thân không được đi chơi, đừng bắt nó với theo những cơ hội vượt quá khả năng. Mỗi cơ hội chỉ đến một lần trong đời, nhưng đời em đâu chỉ có một cơ hội 😉

Nào, nằm xuống, nhắm mắt, và hãy ngủ thật sâu. Sáng mai thức dậy, lại là một cuộc phiêu lưu mới, nơi mà chị tin, hai đứa sẽ thành công….

Vì cuộc đời là những chuyến đi, tham gia chuyến đi này, chính nó đã là một thành công to lớn….

 

 

“Người yêu tương lai”

 

Phải, “Người yêu tương lai”, đúng rồi đấy, đó là cái cụm từ để chỉ về Anh thích hợp nhất, đối với nó. Cái cụm từ bốn chữ đơn giản mà nó đã phải mất cả mấy tháng trời để có thể nghĩ ra. Kể từ cái lần thấy anh trên tivi trong bốn phút ngắn ngủi nhưng siêu đắt đỏ của show truyền hình thực tế đang vào mùa mới.

 

Cho đến thời điểm hiện tại thì ngoài nó và Anh ra thì cũng chỉ có duy nhất con bạn thân của nó là được phép biết đến sự tồn tại của cái cụm từ này và của cái mối quan hệ điên rồ, dấm dẩn này của nó. Chả điên rồ thì chắc cũng không được bình thường. Nhiều lúc nó thèm thuồng được bình thường đến phát điên, là một người bình thường, có một gia đình bình thường và tìm được một người yêu bình thường để sống trong cái mối tình bình thường ấy một cách thật bình thường. Nhưng rồi thì có cái gì bình thường đến với nó đâu, chính cách nó gặp được Anh cũng quá đỗi bất thường. Kể ra có nhà đầu tư thừa tiền nào dám bỏ tiền vào cho nó làm một cái show thực tế riêng để nó kể về cái chuyện tình này của nó chắc cũng có khối người theo dõi đấy. Ngoài đời làm gì có lắm người bất thường với lắm chuyện dị thường đến với nhau cùng một lúc như vậy chứ.

“Ôm cây đợi thỏ” và “Hạnh phúc sẽ đến với người biết chờ đợi”

“Hạnh phúc sẽ đến với người biết chờ đợi.” – Tôi luôn rất tâm đắc câu này và luôn tin ý nghĩa của nó là chân thật. Nhưng cái mà tôi hoài nghi lại là cách chờ đợi.

Chợt nghĩ đến hình ảnh người vợ trong “Hòn vọng phu” – ôm con chờ chồng đến hoá đá. Không xét đến mối quan hệ phức tạp giữa hai nhân vật trong câu chuyện, chỉ đơn giản nghĩ họ là vợ chồng. Và xoay chuyển một tí về lý do người chồng bỏ đi – có thể xem như do một khúc mắc nào đó trong cuộc sống. Và một người ra đi không nói rõ lý do, người kia ở lại chờ đợi, có phải sự chờ đợi đó mang nhiều hoang mang và dằn vặt lắm? Và thay vì cứ lầm lũi nơi quê nhà chờ người đi chiến đấu quay về, thì tìm kiếm có phải cũng là một cách chờ đợi?

Bởi người ra đi hẳn đã có cho mình lý do để ra đi, những khúc mắc đó không thể nào biết được anh ta có thể tự giải quyết hay cần phải có hai người mới có thể tháo gỡ. Bản thân người đó không nhận ra hoặc chưa nhận ra, thì người ở lại liệu phải chờ đợi đến bao giờ với cái xác suất 50 – 50? Thay vào đó chủ động tìm gặp và xác nhận vấn đề để biết và lựa chọn cách giải quyết có phải sẽ bớt dằn vặt hơn?

Cũng cần phải nói tìm chưa chắc đã gặp, vì làm sao biết được người đi đến phương trời nào. Và cũng không biết phải tìm kiếm bao lâu. Nhưng ít nhất khi bắt đầu đi ta cũng đã có được 50% cơ hội. Và trong thời gian tìm kiếm, việc ta vẫn luôn nuôi giữ tình cảm cho người đó có phải cũng là một hình thức của chờ đợi? Chờ đợi cơ hội để cả hai có thể gặp nhau, và hàn gắn lại.

Và khi gặp được nhau, đã thấu hiểu được vấn đề nhưng làm hết mọi cách vẫn không giải quyết được, lúc đó lại cần tiếp tục chờ đợi. Chờ người hồi tâm chuyển ý, chờ đợi thời gian sẽ cho người – và cả cho ta – thêm hiểu biết để nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, và có cách thức giải quyết khác.

Nhưng trong lúc đó ta vẫn chỉ ngồi im thì liệu người có hồi tâm chuyển ý? Cũng giống như một người đang giận và người kia dù muốn làm hoà cũng không làm gì, thì biết chờ bao lâu cho cơn giận kia nguôi ngoai? Hay nếu như người giận cũng đang chờ ta bước đến làm hoà thì việc im lặng đó có phải đã làm mất đi 50% cơ hội hàn gắn?

Cũng có khi người cần thêm thời gian để tự suy ngẫm lại vấn đề, thì đó là lúc ta nên im lặng chờ đợi, cho người không gian riêng, và tôn trọng quyền tự quyết. Nhưng một lần nữa, “im lặng” đó không có nghĩa là không làm gì cả. Giả như cả hai người đều không xác nhận với nhau về việc “cần được chờ đợi” và “sẽ chờ đợi” thì người cần suy nghĩ liệu có còn tiếp tục nghiêm túc suy nghĩ khi cứ hoang mang “liệu có ai chờ mình?” Hay người “sẽ chờ đợi” liệu là chờ đợi cái gì đây khi mà việc người kia có nghiêm túc suy nghĩ hay không lại là vấn đề xác suất 50 – 50?

Chờ đợi là một hành động có mục đích, có đối tượng. Cũng giống như anh chàng trong câu chuyện “Ôm cây đợi thỏ”, mục đích của anh ta là CÓ được con thỏ, một đối tượng hoạt động, vì vậy việc anh ta “ôm cây” rõ ràng là thất sách. Vậy thì để đạt được mục đích “có thỏ” thì chỉ có hai đường: hoặc thỏ tự nhảy vào tay anh ta hoặc anh ta phải buông cây ra và hành động.

Đều là xác suất 50 – 50, nếu là bạn, bạn sẽ chờ đợi cơ hội hay tìm kiếm cơ hội?

Luôn phải có ai đó chủ động làm một điều gì đó. Muốn đến gần nhau, người này không bước thì người kia phải bước. Một người đi, còn một người đứng yên… chờ thì đến khi nào khoảng cách mới được rút ngắn lại? Và biết đâu được người đi cũng chỉ đi chầm chậm thôi để chờ ta bước đến? Làm sao ta biết được điều đó nếu không hỏi (tìm hiểu) hay người không nói (thể hiện)? Và nếu như ta cứ đứng yên có phải ta đang chối bỏ cơ hội của chính mình? Vậy thì việc chờ đợi đó liệu còn có ý nghĩa gì hay không?

Cũng cần phải biết mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, cũng như một giá trị riêng nhất định. Không phải chờ đợi nghĩa là toàn tâm toàn ý hướng về người đó, quên mất bản thân mình. Người đã chọn con đường cho mình, dù ta tìm kiếm hay đuổi theo thì đó cũng là con đường của riêng ta, ta lựa chọn điều đó. Ta chỉ đi tìm điểm giao, tìm cơ hội để bước chung lần nữa chứ không thể lối đi bên này mà cứ cố với sang bên kia. Rồi bạn có đi đúng hướng được không? Liệu rồi bước chân của bạn có vững vàng? Và có khi nào vì cứ mãi loay hoay vượt đường như thế bạn lại bỏ lỡ bóng hình trước mắt – là người mà bạn đang chờ đợi, đag cố đến gần? Ta chỉ cần cho người biết rằng dù người có đi bao lâu, bao xa thì ta vẫn dõi theo và chờ đợi, thế là đủ. Nếu ta biết cách đi cho đúng, và nếu người cũng có tâm chờ đợi, cả hai rồi cũng sẽ gặp nhau.

Nhưng không phải ai cũng có thể chờ đợi ai mãi được. Tình yêu là một hạt mầm cần được cả hai người vun đắp, nếu chỉ có một người này hoặc người kia cố gắng thì cũng bằng không. Nếu ta cứ cố bước tới, còn người thì cứ cố quay đi, thì đó là lúc ta cần suy nghĩ lại về lựa chọn chờ đợi của mình. Ai làm gì đều có lý do của riêng họ, nếu như họ đã chọn không cần đến sự chờ đợi của mình, thì có phải việc mình cứ khư khư ôm giữ tình cảm đó là một việc làm vô ích, hoài công? Hai thỏi nam châm vốn đã không hút được nhau thì bên này càng cố tiến đến, bên kia cũng sẽ chỉ càng dạt ra xa.

Người có thể đi, ta sẽ chờ. Có thể lúc này người chưa cần sự chờ đợi đó, nhưng nếu còn thấy hy vọng (phải là có hy vọng), ừ thì ta vẫn có thể chờ. Nhưng không phải chờ đợi một cách mù quáng. Nghĩa là nếu như ta đã kiếm tìm, nếu như ta đã làm hết mọi khả năng và cho người thời gian lựa chọn, người vẫn chọn bước đi có nghĩa là người đã chối bỏ cơ hội chứ không phải ta. Và khi đó, sự chờ đợi không còn ý nghĩa gì nữa cả. Nếu vẫn muốn chờ, thì hãy chờ cho vết thương lành lại. Rồi hạnh phúc cũng sẽ đến, nhưng là một hạnh phúc KHÁC, không như ta mong đợi ban đầu nhưng xứng đáng với những gì bản thân ta đã cố gắng. Đôi khi hạnh phúc đó còn vượt ra ngoài mong đợi của ta gấp nhiều lần. Nhưng bạn cần phải biết đón nhận, cần phải can đảm mở ra thì mới biết bên trong gói quà là gì.

Đó chính là HẠNH PHÚC dành cho người BIẾT CÁCH chờ đợi.

*Photo: Lorenzo Quinn

Con người vẫn sợ cảm giác đau

Em đứng ở ban công. Cảm nhận những làn gió thổi nhè nhẹ. Sài Gòn nóng – cái nóng ban đêm. Em đứng đó, đưa mắt về những ánh đèn xa xa, vô tình lục lọi trong mớ ký ức cũ xưa. Bỗng nhiên muốn hỏi, những người đi qua nhau cần bao lâu để gói ghém những hoài niệm cũ?

Hồi trước, em có những sở thích giản đơn. Thích một mình lang thang nhìn ngắm phố phường, thích lách mình qua những con đường nhỏ, thích tự mỉm cười với những hoạt động thường nhật của mọi người. Thích pha và nhâm nhi cái vị đắng của càfe kèm với những giai điệu nhẹ nhàng. Thích vùi đầu vào những cuốn truyện tới tận 2 – 3 giờ sáng để rồi tưởng tượng mình cũng sẽ có cuộc tình lãng mạn. Hồi sau, em vẫn thích những điều đơn giản như thế. Có chăng bổ sung thêm một vài điều nhỏ nhặt. Thích gọi Anh mà không hề tìm ra được lý do. Thích hỏi vớ vẩn rằng sau này Anh ước mơ điều gì. Thích nghe những câu trả lời ngắn ngủn, cộc lốc. Và rồi em cứ chông chênh, chông chênh mãi. Em mệt mỏi tìm con đường thoát ra khỏi những cái thích đó.

Thì ra con người bản chất vẫn là ích kỷ, vẫn sợ đau như thế. Thế mà cứ ngỡ, từng ngỡ trong tình yêu mình có thể làm tất cả. Trước đây em nghĩ, chỉ cần để em tiếp tục lặng lẽ quan sát Anh…thế sẽ đủ. Nhưng rồi trái tim em cảm thấy nhói khi lặng lẽ nhìn Anh cùng người con gái khác. Hóa ra con người ta không rộng rãi như mình nghĩ. Cơ bản thì con người cũng sợ nhất cảm giác đau, người khác làm mình đau là một chuyện nhưng tự làm mình đau lại là một chuyện khác. Con người thì tốt nhất vẫn là nên yêu bản thân mình trước, vậy mà nhiều khi hoặc đa phần cố chấp tự làm tổn thương chính bản thân mình.

Có hôm, Em cafe với người ta, Em lại nhớ tới Anh. Vậy mà lâu nay em cứ tưởng, đang dần dần quên Anh, từ từ rồi sẽ quên Anh, và rồi sẽ quên hẳn Anh. Hóa ra không phải vậy. Em thật phiền phức, có mỗi một chuyện đẩy hình ảnh của Anh ra khỏi tâm trí thôi mà cũng không làm được. Phiền phức chết đi được ấy. Phải không Anh?

Tình cảm là cái thứ rắc rối nhất trên thế gian. Có được nó cũng chẳng dễ dàng gì, đuổi nó đi lại càng khó gấp trăm vạn lần. Làm sao để có, làm sao để đuổi, cái câu hỏi mà cứ khiến con người ta khắc khoải không nguôi. Khắc khoải  hoài, khổ đau hoài, vật vã hoài rồi cũng chẳng thế thoát ra được những cái mớ bòng bong ấy.

Thi thoảng em nghĩ có lẽ cách tốt nhất để quên Anh là quen một người khác. Thi thoảng em cũng nghĩ hay cứ đại đại vào một mối quan hệ nào đó. Nhưng nghĩ là một điều gì đó rất dễ dàng, điều khiển cảm xúc mới là việc khó khăn. Rồi em không làm được điều em nghĩ. Em sợ hãi,  dè chừng, tổn thương một lần khiến em chẳng muốn bước tiếp. Em thu mình lại vào cái chốn cô độc của mình, giống như con ốc sên thụt vào cái vỏ ốc của nó, hoặc cũng có khi xù bộ lông nhím gai góc nhọn hoắt để hù dọa đối phương.

Em lại bao biện cho chính mình “tình cảm chỉ khiến cho em trở nên yếu đuối” nên em không muốn đâm đầu  vào nó nữa, hoặc vì em còn có nhiều thứ phải làm và em không được yếu đuối. Mà thực chất em đang yếu đuối và sợ hãi.

 Hôm trước bạn hỏi “Em còn nhớ tới Anh không?“, em khe khẽ gật đầu, bé lại bảo chắc kiếp trước em hành hạ Anh ghê lắm, nên kiếp này em mới như vậy. Em cười. Có lẽ đó là số mệnh.

Có người bước vào cuộc sống của chúng ta, rồi sau đó đột ngột bước ra, cho dù ta muốn hay không muốn. Cho dù cố gắng níu giữ nhưng vẫn không giữ được. Thì hãy nghĩ rằng sứ mệnh của người đó trong cuộc đời ta đã hoàn thành. Và định mệnh giữa ta và họ chỉ dừng lại ở đó…Có những định mệnh khiến chúng ta không đạt được những điều mình muốn. Giống kiểu khi em xuất hiện trong đời Anh cũng là một sứ mệnh. Và khi hoàn thành sứ mệnh thì em phải đi, không được phép ở lại, dù có muốn hay không .

 Rồi nhận ra – tại sao phải cứ mãi loay hoay, em vẫn tràn đầy nhiệt huyết, vẫn cố gắng, vẫn giữ niềm tin rằng “Rồi em sẽ được hạnh phúc thôi”. Em không chao đảo nữa. Hãy cứ để em như thế! Để em thích những điều giản đơn!

Trang Nguyễn

*Feature Image: voumecasarembh

Tư duy cùng thắng

Trong bảy thói quen của người thành đạt của tác giả Stephen Covey thì tư duy cùng thắng là một trong những thói quen được đánh giá là quan trọng. Tư duy cùng thắng là khi khối óc và con tim tìm kiếm lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác.

Tại sao tôi lại muốn đề cập về vấn đề này? Về cơ bản, người Việt Nam nói chung, đặc biệt giới trẻ Việt Nam thiếu tư duy cùng thắng. Nói một cách khác, giới trẻ Việt Nam thiên về tư duy thắng thua hơn.

Một minh chứng rất đơn giản đó là trong một số chương trình Show truyền hình thì tư duy thắng thua được bộc lộ rõ. Ví dụ chương trình The Voice Kids chẳng hạn, tuy đây là một chương trình giải trí những trong đó, khi mà sự thắng thua làm lấn án đi tính giải trí của nó. Người xem bị cuốn vào vóng xoáy thắng thua của chương trình. Các bạn trẻ cũng vậy, họ cũng ủng hộ những thí sinh trong đó, họ muốn thể hiện lòng yêu quý thần tượng nhí của mình. Họ sẵn sàng lên facebook chửi bới về kết quả của ban giám khảo, họ sẵn sàng lập ra những Pages để nói xấu hay anti các thí sinh tham dự chương trình. Nguyên nhân nào gây nên những phán ứng như vậy? Đơn giản, vì trong tư duy của giới trẻ thì việc thắng thua trong một vấn đề gì đó quá quan trọng. Họ nghĩ rằng, việc thua trong một cuộc chơi là một sự nhục nhã và thấy bất công bằng.

Sau một thời gian suy xét cũng như đánh giá lại quá trình, tôi nhận thấy một điều như sau. Việc hệ thống giáo dục của Việt Nam có ảnh hưởng một phần nào đó đến tư duy cùng thắng của giới trẻ Việt Nam. Từ cấp 1 đến cấp 3, những học sinh Việt Nam phải trải qua rất nhiều kỳ thi, những cuộc chơi. Và trong những cuộc thi đó, nhằm tìm kiếm người giỏi nhất, người xuất sắc nhất mà không phải tìm kiếm một tinh thần đồng đội trong đó. Việc trải qua quá nhiều kỳ thi, cuộc thi mang tính chất căng thẳng đã khiến học sinh Việt Nam ăn sâu tư duy thắng thua trong suy nghĩ rằng “Nếu tôi thắng thì bạn sẽ là người thua và ngược lại.”  Và điều đó có ảnh hưởng rất lớn trong nhận thức cũng như tư duy. Để mỗi khi đối mặt với một vấn đề gì đó trong cuộc sống, ngừoi ta thường có xu hướng muốn là người chiến thắng người khác mà không phải là tìm một sự đồng thuận. Điều này sẽ rất bất lợi cho giới trẻ Việt Nam khi hòa nhập cùng thế giới, họ thiếu kỹ năng trong giải quyết vấn đề nhóm.

Có một câu nói rất nổi tiếng  “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình.” … Vâng, bạn không cần phải bằng mọi giá để chiến thắng người khác. Chỉ cần bạn chiến thắng chính bản thân mình thì đó là một thành công lớn rồi. Nếu bạn giúp đỡ người khác cùng chiến thắng thì lúc đó mới khẳng định rằng bạn là kẻ mạnh thực sự.

Nếu trong một gia đình, vợ chồng muốn thắng nhau thì cả hai sẽ đều thua. Và trong tình yêu cũng vậy, nếu hai người đều muốn thắng thì hai người đều sẽ thua.  Tư duy cùng thắng sẽ giúp giải quyết mẫu thuẫn một cách hợp lý và giúp tìm kiếm giải pháp mang lại lợi ích chung.

Ở Nhật, theo tôi được biết. Khi còn học mẫu giáo, trẻ em được làm việc chung để cùng nhau hoàn thành công việc. Ví dụ: Cho các em cùng nhau làm bánh để các em cùng nhau làm và cùng ăn bánh. Như vậy, trẻ em được rèn luyện tinh thần đồng đội và làm việc nhóm từ khi còn rất nhỏ, dần dần kết hợp với các phương pháp giáo dục sẽ tạo ra một giới trẻ Nhật với tư duy cùng thắng tuyệt vời. So sánh lại với Việt Nam, từ khi còn nhỏ, chúng ta phải lao đầu vào học mà bỏ quên đi những kỹ năng mềm cần thiết. Rồi những kỳ thi làm cho các em mất đi tinh thần đồng đội, khiến cho các em ích kỷ trong suy nghĩ và nhận thức.

Vậy làm thế nào để nâng cao tinh thần cùng thắng. Đơn giản, luôn tham gia các công việc mang tính cộng đồng, xã hội mang lại lợi ích chung. Tham gia các hội từ thiện, hội tình nguyện chẳng hạn… Ở trong đó, mọi người đều chung mục đích, chí hướng và hưởng lợi ích chung. Tham gia các trò chơi mang tính đồng đội, làm việc nhóm để cùng nhau vượt qua.

“Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Từ xa xưa, trong những câu ca dao việc dùng chung sức để hoàn thành công việc đã được đề cao. Vậy tại sao? Thời hiện đại, chúng ta lại đi ngược lại, để cái tôi cá nhân lấn át đi lợi ích chung của tập thể.

Quang Nam

Chạm sâu đến những tâm hồn

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta có những khoảng lặng của riêng mình, ở đó không ai có thể chạm đến, và ta thấy mình được yên bình ở đó. Đôi khi, trong cuộc sống, bạn cũng không hiểu vì sao đột nhiên ai đó im lặng với bạn hoặc bạn cũng không muốn tỏ bày. Đôi khi, chúng ta còn nói được với nhau bằng thứ ngôn ngữ của lặng im. Với những người bạn thân, tri kỷ, nhiều khi, chỉ cần nói với nhau bằng lặng im mà vẫn thấy yên bình.

Khi càng trải nghiệm nhiều đời sống nội tâm con người ta càng phức tạp lên và suy nghĩ đưa người ta đi rất xa, không dừng lại ở vẻ bề ngoài người khác nhìn thấy, hay lời nói thốt ra mọi người nghe được. Ta thấy con người ngoài đời khác con người trong tiểu thuyết vì trong tiểu thuyết đời sống nội tâm của nhân vật được phơi bày trần trụi trên từng trang giấy. Còn con người trong đời thực, có những người không muốn thể hiện, hoặc có những người chẳng biết thể hiện như thế nào. Chứ chính ra thì nội tâm của mỗi con người đều ẩn chứa những câu chuyện hay như tiểu thuyết vậy. Đó cũng là lý do tại sao người ta nói, khi ai đó không nói được bằng lời thì lúc đó thế gian này có thêm một bài thơ,một bản nhạc hoặc một tác phẩm nghệ thuật. Một khi tâm hồn ai đó quá tràn đầy, rất có thể họ sẽ trở thành nghệ sĩ.

Sự thật là chúng ta biết về thế giới của một ai đó thật hữu hạn. Vì thế giới nội tâm của con người luôn đổi thay, trưởng thành và đôi khi chúng ta không nhìn thấy bằng mắt. Phải nhìn bằng trái tim, như trong truyện “Hoàng tử bé” vậy, nếu chúng ta thực sự yêu thương ai đó. Giống như chúng ta chỉ hiểu được cây qua tiếng nói sắc mầu của lá, làm sao biết được nhựa sống đang chảy bên trong lớp vỏ xù xì kia?

Nói về sự biến chuyển trong thế giới nội tâm của con người, trong những phần rất nhỏ và rất nhiều nhân vật của cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót”, có một cô gái bị mắc chứng ĐAU THỂ XÁC ở khắp mọi nơi trên cơ thể khiến cô không thể nào chịu đựng được. Rồi sau đó có một biến cố khiến cô KHÔNG CÒN ĐAU NỮA, nhưng BỊ VÔ CẢM. Sau đó có thêm một biến cố nữa khiến cô có cảm giác đau đớn trở lại nhưng CÓ THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC CÁI ĐAU. Cô gọi đó là sự trải nghiệm của cái tôi thứ nhất, cái tôi thứ hai và cái tôi thứ ba. Sau đó thì cô bắt đầu cuộc hành trình mới.

Trong quá trình trưởng thành chúng ta sẽ trải qua ba trạng thái đó. Sự đau đớn về thể xác và những tình tiết trong truyện thực ra có thể hiểu sang sự đau đớn về tinh thần trong đời sống thực của mỗi con người.

Chúng ta có “một thời yêu thương, một thời bão nổi”, yêu cuồng nhiệt và đắm say đến mức tổn thương, cả trong tình yêu, trong công việc, trong tình bạn hay đối với cả thành phố mình yêu mến. Rất có thể chúng ta đã bị đau khổ đến không thể chịu đựng nổi và rồi để tránh cái đau, chúng ta tìm mọi cách để quên lãng, xóa bó hoàn toàn, im lặng tuyệt đối, đến mức, chúng ta vô cảm. Khi sự vô cảm kéo dài một thời gian chúng ta cảm giác mình đã chết rồi, theo một nghĩa bóng nào đó. Và cần phải thoát ra, đến một sự trải nghiệm cao hơn, đối diện với những vẻ đẹp, sự đam mê làm chúng ta rung động, nhưng cũng biết điều khiển nó khiến chúng ta không còn đau đớn.

Lại nói về trạng thái vô cảm và quên lãng ở một quãng nào đó trong quá trình trải nghiệm của đời sống, không thể không nhắc đến “Và khi tro bụi”. Những ẩn dụ của chuyện hay đến mức không ngờ.

Có một người phụ nữ đã xóa ký ức của mình rằng trong chiến tranh bà đã bỏ rơi đứa em gái nhỏ của mình khi bom nổ để bỏ chạy. Để không phải ân hận, bà đã xóa sạch ký ức và sau một biến cố là chồng chết, bà không còn biết mình là ai, và đã có một cuộc hành trình dài đi tìm mình. Có một anh thanh niên nghi ngờ rằng cha mình đã giết mẹ, nhưng về sau, để mong muốn có một cuộc sống yên ổn với người tình của cha mình, anh ta đã xóa sạch ký ức, phủ nhận luôn cả hình ảnh của em mình đang bị mất trí nhớ trong trại trẻ.

Khi chúng ta cố xóa đi những sự thật khiến chúng ta đau đớn, cũng là lúc chúng ta không biết mình là ai nữa. Có những người chọn cách sống quên lãng những sự thật phũ phàng để yên ổn với đời sống thực tại êm ấm. Có những sự thật không là sự thật trong những lời được nói ra và có những sự thật ở yên trong một góc nào đó của cuộc đời như chính bản thân nó hiện hữu.

Đoàn Minh Hằng

*Feature Image: Minato’s Flower

Những bông hoa đi tìm những trái tim

0

Pháp đã vào thu. Lá cây ngoài đường cứ vàng rực lên đậm hơn cả mầu nắng. Có những ngày trời âm u và lạnh giá, ngồi trong nhà bật lò sưởi, ngồi chờ nắng ấm lên. Tôi bỗng nhớ những tháng năm tuổi trẻ của mình.

Phải, những tháng năm tuổi trẻ, rất dễ nhiều khi thấy lòng mình có những xúc cảm giống như là “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim.” (Tố Hữu)

Dường như nắng, mặt trời, chói chang, là những từ gợi cho người ta cảm giác ấm áp, rạng ngời, ngập tràn sức sống. Giống như là một chân lý, giống như những gì mãnh liệt, là biểu hiện về mặt tích cực của đời sống.

Thế nhưng Trịnh Công Sơn, người viết những bài hát với những ca từ sâu sắc về cuộc đời này đã từng “Trong bình minh chờ đợi để thấy nắng lên, để chiêm nghiệm rằng… nắng buồn hơn mưa.” ( trích trong bài Khánh Ly viết về Trịnh Công Sơn : Nắng buồn hơn mưa). Còn Billi P.S. Lim đã viết trong cuốn Dám Thất Bại rằng “Một mình “ánh nắng” không làm cuộc sống ta hạnh phúc được. Trong cuộc đời mỗi con người phải có vài “cơn mưa” đổ xuống”. Bởi vì khi đó chúng ta mới nhìn thấy cầu vồng.

Sẽ có một lúc nào đó trong cuộc đời mình, khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra rằng những lúc rực rỡ nhất cũng là lúc nực cười nhất của cuộc đời mình là khi mình sống ngập tràn niềm tin và lý tưởng.

Khi có một niềm tin mãnh liệt vào một điều gì đó, một lý tưởng mà bạn miệt mài theo đuổi bạn nghĩ rằng, chỉ cần cố gắng và có niềm tin là sẽ đạt được mọi điều mình mong muốn. Hoặc ít ra, như trên blog tumblr của mình một anh chàng nói rằng “Phàm đã sinh ra ở trên đời, nhất định phải giữ được niềm tin vào một điều gì đó, bất kể điều gì. Để rồi, dù cho có một ngày ta nhận thấy rằng niềm tin ấy là ngu ngốc, thì cũng hãy nhớ rằng, vào một giai đoạn ta đã đi qua trong cuộc đời mình, niềm tin ấy đã giữ cho ta sống.” (http://lucilucius.tumblr.com/)

Thế nhưng trong bộ phim Ngọc Viễn Đông có một đoạn thoại giữa hai nhân vật.

– Cứ tìm sẽ thấy.
– Thấy gì
– Thấy KHÔNG (tiếng anh là NOTHING)

Là một người trẻ tuổi, bạn rất dễ sống có lý tưởng, rất dễ có một niềm tin mãnh liệt vào một chân lý nào đó, rất dễ bị truyền cảm hứng bởi người khác, rất dễ bị ảnh hưởng từ người khác. Và tất nhiên, bạn rất dễ bị suy sụp, thất vọng, rồi sẽ thề thốt rằng tôi sẽ không bao giờ thế nọ thế kia vào điều này điều kia hoặc một ai đó nữa.

Cũng rất có thể, có ai đó đã từng tự tử khi bị sụp đổ lý tưởng. Giống như Actơ chàng trai 17 tuổi trong tác phẩm Ruồi Trâu, sau khi bị người bạn gái không tin mình, bị lừa dối bởi 1 tên mật thám, đặc biệt là phát hiện ra sự thật cha sứ Môngtaneli mà chàng thương yêu, quý trọng như một vị thánh sống chính là cha đẻ của mình, đã từng có ý nghĩ tự tử. Nhưng sau đó anh ta đã trốn ra nước ngoài, từ một cậu ấm, đã phải trải qua biết bao nhiêu đau đớn cả về vật chất và tinh thần, trở thành một người vô thần vô đạo, quay trở lại, chỉ để nói với người cha lúc này trở thành Hồng Y giáo chủ, đang được hàng ngàn con chiên sùng bái rằng “con yêu cha, nhưng cha hãy bỏ đạo và đi với con.” Cả cuộc đời chìm nổi của anh có những lúc rơi vào vực sâu của sự đớn đau về thể xác và tâm hồn nhưng anh đã quyết tâm sống, chỉ với một lý tưởng sống của mình, là quay lại thuyết phục cha sống làm người bình thường, đừng đi truyền đạo nữa. Cuối cùng anh đã chết một cái chết đầy mãn nguyện cho dù người cha không thể bỏ từ bỏ công việc truyền đạo của mình, vì với anh, như vậy là đã đủ. Người cha, Hồng y giáo chủ, làm sao có thể bỏ rơi hàng ngàn con chiên đang sùng bái mình, đang sống dựa dẫm vào những lý tưởng cao cả của Chúa mà ngài đang truyền bá.

Gatsby trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại cũng đã sống nhờ gửi niềm tin của mình vào một đốm sáng xanh ở cuối bến thuyền nhà Daisy. Gatsby và Daisy yêu nhau trong chiến tranh nhưng vì Daisy thuộc gia đình danh giá, Gatsby đã bỏ đi sống một cuộc đời trôi nổi và trở về trở thành một người vô cùng giầu có trong một cung điện lộng lẫy tổ chức nhiều buổi tiệc nổi tiếng khắp vùng. Lâu đài của Gatsby nằm đối diện với nhà của Daisy (lúc đó đã lấy chồng) qua một cái vịnh. Ánh sáng bên bến thuyền nhà Daisy đã nuôi dưỡng tình yêu của anh, để rồi sau những ngày gặp lại, ban đầu Daisy giấu chồng yêu thương anh, nhưng sau đó có nhiều chuyện xảy ra, anh đã phải chết bởi che chở cho Daisy và bị cô ấy phản bội. Thậm chí khi anh chết, người nói yêu thương anh, người anh đã dành cả cuộc đời chìm nổi của mình để trở nên giầu có mong muốn mang lại cuộc sống nhung lụa cho cô, cũng không đến viếng anh.

Vậy đấy, thật ra, mỗi chúng ta đều có những lý do riêng để sống, tin yêu, rồi chợt một ngày nhận ra, à, thì ra những điều chúng ta tin chẳng phải vậy, hoặc không còn đúng nữa. Có thể cuộc sống là một cuộc hành trình đi từ có đến không, đi từ những cảm xúc tích cực đến tiêu cực, và rồi lại ngược trở lại đưa ta đến những đỉnh cao hơn của những trải nghiệm sống. Sẽ có những lúc bạn trách mình dại khờ, nhưng cũng có những khi bạn tiếc những tháng năm khờ dại không còn quay trở lại nữa.

“Những bông hoa đi tìm những trái tim, nhưng chỉ thấy chiếc bình.” (Trích lời tựa trong tuyển tập truyện ngắn Một ngày mưa đẹp trời – Éric Emmanuel Schmitt).

Đoàn Minh Hằng

*Feature Image: Minato

Trầm tích vỏ não

Cuộc sống mỗi người ít khi phải đắn đó, thật sự là vậy, vì hầu hết chúng ta xử lý những việc gặp phải theo lối suy nghĩ của chúng ta, à không, theo lối suy nghĩ mà chúng ta được dạy bảo, hầu hết là vậy, do đó sẽ dễ hiểu được, càng non trẻ, chúng ta càng phân vân về nhiều thứ, vì chúng ta chưa được dạy bảo nhiều, đời sống “chưa” dạy cho chúng ta xử lý một vài tình huống nào đó, khi làm sai, tuổi trẻ bị ghép với cái danh “bồng bột”… Song, điều đó không chứng tỏ 1 cụ già thất bát cửu tuần là không hề đắn đó hay phân vân trước sự lựa chọn cho cách giải quyết một tình cảnh nào đó, và cũng không gì bảo đảm là những điều lão chọn theo kinh nghiệm trường đời sẽ dẫn lão đến một kết quả tốt đẹp, sẽ dễ dàng đặt một cái “chấm tạm” với lý lẽ, không ai học hết được cuộc đời, bất kỳ ai.

Từ cách nhìn nhận trên, tôi không muốn nói về tuổi nào hơn tuổi nào, thế nào mới là cách sống đúng, hay về khả tri và bất khả tri, tôi muốn nói về Cách thức nghiên cứu một lý thuyết về “sống đúng”, tôi muốn nói về cách thức.

Nếu chịu khó để ý, sẽ thấy được, khi chúng ta gạt bỏ các “sự dạy bảo” qua một bên, mà ngẫm nghĩ xa hơn về việc đối mặt, cứ như là bản thân từ bỏ một dụng cụ được cung cấp để giải quyết công việc, “ai gặp tình huống này cũng làm vậy, hà cớ chi mình suy nghĩ, mình cũng làm vậy thôi”, giống như việc mình không lên xe lửa để đi Sapa, mình từ bỏ xe lửa, cả các phương tiên tốn kém chi phí, xin đi quá giang, thậm chí không đi bằng phương tiện được tạo ra, tôi cuốc bộ, và thậm chí từ bỏ cách suy nghĩ của những kẻ phàm phu, ta đây thiền để đi.

Nghe có vẻ khá cực đoan trong suy diễn, nhưng sự thật trong cách chúng ta “đối xử” với đời sống là tầng tầng lớp lớp, núi núi biển biển “sự dạy bảo”, cả từ tự nhiên hay xã hội, trí tuệ hay nhân văn, ngần ấy phương tiện trong suy nghĩ của chúng ta, giúp chúng ta đến được điểm đến “ý nguyện tương đối”. Do đó, việc xóa sạch các sự dạy bảo đó khỏi suy nghĩ, có lẽ là không thể làm được, đúng hơn là hiện tại nó chưa làm được, chưa nói gì đến việc “sự xóa sạch và gạt bỏ” đó đưa ta đến việc thực hiện được “ý nguyện tương đối”. Nhưng, bản thân các “sự dạy bảo” giúp bạn đến “ý nguyện tương đối” cũng chỉ mang tính “tương đối”, do đó chúng dễ dàng gây xung đột với nhau, tận cùng của sự xung đột này cho ra đời các mệnh đề thỏa hiệp, các dấu “chấm tạm” như: Đời sống chuyện gì cũng có thể xảy ra; Con người nhận thức được, nhưng chưa nhận thức hết; Biết sao được ngày mai ra sao; Chúa là đấng toàn năng…

Và, việc đào bới về nguồn gốc để biết về bên dưới lớp trầm tích của “sự dạy bảo” thì chúng ta là gì, điều này đề cập vượt ngoài khái niệm tiến hóa sinh học, “ờ thì trước khi được dạy bảo thì mày ngu lắm, mày là người tiền sử”, vì bản thân ngay cả người tiền sử thì “sự dạy bảo” trong suy nghĩ của họ đã rất nhiều rồi, đương nhiên đó sẽ là lớp trầm tích cứng nhất, khó phá vỡ nhất, sự dạy bảo về đói phải ăn, ngáp phải ngủ, tìm kiếm phương thức tồn tại, đó là sự dạy bảo của tự nhiên, những lớp tiểu não đầu tiên. Phải chăng tôi đang nói về “Bản nguyên trí tuệ”.

Gần giống như mục đích của các ngành Khảo cổ hay Lịch sử, thì công việc đào bới dưới đống trầm tích “sự dạy bảo” giúp chúng ta tìm kiếm đến các giải pháp mang tính “căn nguyên gần tuyệt đối” để giải quyết những vấn đề lớn hơn sắp tới, giống như không phải ở đâu cũng làm được đường ray để có xe lửa, hay những địa hình phù hợp để có phương tiện đi lại, thậm chí những tình huống mà chúng ta có phóng phi thuyền vài tỉ năm “bọ” cũng không đến được “nơi ý nguyện”, thì việc chúng ta tìm phương cách “thiền để đi” trở thành yêu cầu nghiêm túc, chúng ta cần một “sự dạy bảo” mới.

Trần Tỷ

*Feature Image: Golden Morning

Trưa cuối thu…

Trưa cuối thu, nắng trong veo như mật ong. Phố Giang Văn Minh êm đềm qúa, hiếm thấy con phố nào êm ả vậy, xe cộ vừa phải, tán phượng rợp che suốt con phố nhỏ, đan vòng vào nhau phía trên cao, tôi thường mải mê thả tầm mắt vào quãng xanh êm đềm đó, thấy thanh bình lắm.

dau da xoan
Dâu da xoan | Credit: Cây cảnh Thanh Long

Cây dâu da xoan ngay đầu chỗ giao của phố với ngõ Núi Trúc thả từng chùm quả chín vàng đỏ trên cành khiến tôi lại nhớ về quá khứ. Bây giờ ít thấy đứa trẻ nào muốn ăn thứ quả này nữa, thời tôi còn nhỏ thì đó cũng là món ăn thú vị, vừa ngọt vừa chua, hái từ khi còn xanh rồi giấm cho chín. Tôi chợt nghĩ, có ai hái được cho mình chùm quả mọng kia nhỉ? Tự trả lời người có thể hái nó cho tôi là anh rồi. Thường khi anh luôn là người thực tế, đâu có mơ màng như tôi song khi cần thì cũng có thể galant một chút được. Chẳng hạn, cuối hạ năm ngoái, khi về thăm trang trại (nói là trang trại nhưng từ khi mua đến giờ nhà tôi cũng chẳng trồng thêm cây gì), bởi vậy cũng có cái hay. Các cây keo tai tượng cao lớn trải một lớp thảm lá dày xao xác dưới chân, các cụm sim và mua nở hoa tím lác đác. Tôi về còn hái được sim chín nữa, thấy thú vị vô cùng. Đi dưới tán keo tai tượng cảm giác như lạc vào một khu rừng nào đó. Tôi rất thích những vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên, càng ít dấu vết can thiệp cuả con người càng thấy quyến rũ. Lúc này sen dưới ao đã gần lụi, các gương sen (có nơi gọi bắp sen) hạt đã già. Tôi reo lên sung sướng, mấy khi được hái quả ở vườn nhà đâu, mà đây lại là sen nữa, toan lội xuống, anh nói:

– Để anh hái cho. Con gái tròn mắt nhìn bố lội bùn hái sen cho mẹ.

Lần khác đưa bà dì về nhà, nhà dì ở Đông Anh. Sân nhà có cây ngọc lan cao, trổ bông trắng lấp loá sau kẽ lá, duyên dáng như những hạt ngọc, mà ngọc lan là thứ hoa thích nhất của tôi rồi, tôi nói:

– Cháu hái hoa dì nhé? Dì đáp:

– Để dì bảo các em hái cho cháu. Anh bông đùa:

– Dì ơi, để cháu hái. Vợ cháu thích hoa nhưng phải do cháu hái cơ! Cháu hiểu tính vợ cháu mà.

Thế là anh trèo lên cây, mặc dù trước đó đã uống một chút, hơi tây tây rồi. Tôi được một vốc hoa thơm khi xòe vạt áo hứng hoa.

Quán cafe Hoàng Long nơi tôi cùng đồng nghiệp hay ngồi buổi trưa nằm trong  khuôn viên của Bảo tàng binh chủng thông tin, ở đó có các chậu trồng cây nguyệt quế trổ hoa trắng toả hương dịu dàng. Tôi thường hái một vài cành (vì hoa này cũng như hoa nhài, khi hái cành sẽ mọc ra nhiều nhánh hơn) và qúa khứ lại ùa về theo mùi hương dịu nhẹ.

Hồi đó, thỉnh thoảng vào phiên chợ Mơ, tôi lại cùng bố tôi đi chợ, mua cây về trồng trên sân tầng 4. Nhiều loại cây, cây xanh (họ nhà si), cây ngâu, vạn tuế, bạch thiên hương, hồng trà, bạch trà, hoa hồng… trong đó có nguyệt quế nữa.

Quỳnh
Quỳnh | Credit: Cây cảnh Thanh Long

Trên khoảng sân đó, có các loài hoa toả hương về đêm là quỳnh, dạ hương và nguyệt quế. Những chậu trồng quỳnh – giao đã gắn bó với gia đình tôi lâu lắm rồi, từ thuở thiếu thời. Mỗi lần hoa quỳnh nở, bố tôi lại pha cafe mời các ông bạn tâm giao cùng khu tập thể đến thưởng ngoạn. Bố thường nói:

“Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên…”

Gắn bó với những kỷ niệm thuở học trò… với Thoa- bạn đã rất yêu quý tôi, từng tặng một bài thơ cho tôi khi ngắm hoa quỳnh nở. Khi chuyển nhà từ nơi nọ đến nơi kia nhưng nhà tôi luôn có một chậu quỳnh. Và cũng chính hoa quỳnh, là thứ hoa mà tôi đã lấy làm giáo cụ trực quan hướng dẫn cho con trai làm bài văn hồi con học tiểu học.

Lại nhớ, thỉnh thoảng  khi bạn tới chơi, bố lại gật gù:

“Bình minh nhất trản trà,

Bán dạ tam bôi tửu…”

Gần đây, tôi rất buồn lòng khi cây ngâu mà bố con tôi trồng cách đây mười mấy năm đã bị héo khô. Đó là lỗi tại tôi khi tin tưởng vào cô bé giúp việc. Có nhắc cháu tưới cây nhưng không lên kiểm tra vì hàng ngày cháu đều lên trên đó giặt, phơi đồ. Một hôm lên thì thấy có mấy chậu cây trong đó có ngâu “cổ thụ” của nhà tôi héo xơ xác… Thế là những kỷ niệm sống gắn bó với bố mẹ dần dần mất đi… cháu nào hiểu được. Tôi lại nhớ tới con khướu bố tôi nuôi, sau khi bố tôi mất khoảng chừng năm sau chim cũng chết, tôi nghĩ rằng chắc nó buồn nhớ bố tôi…

Ôi, quá khứ ngọt ngào!

 

Trần Thị Tú Anh

*featured image: Bill