28 C
Nha Trang
Thứ năm, 24 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 305

Hẹn…

Photo: Solacz

 

Người đi, hẹn sẽ quay về
Người ở, lại hẹn chuỗi ngày nhớ mong.

 

Yêu nhau, hẹn ngày nên nợ
Mất nhau, hẹn ngày tạm biệt đớn đau

 

Người hẹn sẽ có kẻ chờ
Mang bao chân tình gói vào chữ ” tin “
Người đi rồi kẻ ngồi mong ngóng
Ánh hoàng hôn phủ tối lối thiên đường.

 

HẸN YÊU

Tình yêu vốn chẳng có mùa để lặp lại như quy luật của tự nhiên. Tình yêu vốn không được sinh ra và lớn lên trên những trang sách đầy mĩ từ hoa lệ hay những bộ phim lãng mạn đầy cuốn hút. Tình yêu, chỉ đơn giản là một chữ Hẹn. Hẹn cái ngày sợi dây tình kết dính, duyên phận được se nên, đôi lứa tìm thấy nhau và bài ca hạnh phúc sẽ ngân vang trong hơi ấm mang tên tình – yêu.

Không khí xung quanh ta, thứ mà nhiều người vẫn định nghĩa là không màu, không mùi, không vị thực ra nó có mùi của hạnh phúc và mùi của tình yêu đấy. Chỉ tại ta cứ mãi đắm chìm trong cảm xúc ích kỉ của bản thân, cứ ràng mình vào những viên gạch tình đã vỡ vụn từ bao giờ, cứ hít lấy hít để rồi đổ lỗi cho không khí mang mùi bất hạnh _ chung quy, chỉ tại ta.

Cứ với tay nắm lấy những thứ không tồn tại rồi đổ lỗi thế gian quá bạc tình. Cứ níu kéo một điều từ lâu đã tan biến rồi than trách số phận quá bi thương.

Thật ra, ta có một cái hẹn đã được đặt sẵn ngay từ khi ta có mặt trên cõi đời. Từ lúc Thượng Để gói ta lại để gửi tặng Cha mẹ ta thì Người đã không quên bỏ nó vào. Món quà Hẹn Yên. Món quà sẽ đến bất chợt trên đường đời, chẳng biết sẽ mang lại cho ta niềm vui hay đau đớn, nụ cười hay nước mắt, ngọt ngào hay đắng chát, chỉ biết rằng, Hẹn Yên _ cái hẹn mà nhất định ta phải tới.

 

HẸN HẠNH PHÚC

Cái khái niệm hạnh – phúc trong xã hội tất bật này nghe sao mà xa xỉ quá.

Tôi gặp nhiều người, chẳng hiểu sao nụ cười họ luôn thường trực nhưng ánh mắt họ lại xoáy sâu trong tôi một cảm giác buồn, cô đơn đến lạ lùng.

Tôi tiếp xúc với nhiều người, vì tôi đa cảm hay vì họ quá kém trong che đậy cảm xúc mà nụ cười và những câu chuyện phiếm của họ vẫn không đánh lừa được tôi.

Đau đáu một nỗi niềm, lay lắt cùng tâm tư trĩu nặng thì làm sao đủ sức để chạy đua cùng thời gian.

Vì nỗi đau quá lớn hay vì con người cố chấp không chịu buông?

Xung quanh ta thế giới vẫn màu hồng, bao nhiêu trái tim vẫn hừng hực lửa yêu, bao nhiêu tấm lòng vẫn sẵn sàng rộng mở, tại sao ta không vui để hòa nhịp cùng yêu thương.

Đường đi đến hạnh phúc, tắc nghẽn lâu vậy sao.

Vỗ trán mình tỉnh thức, đặt tay lên tim mình tự nhủ _ mạnh mẽ lên nào, đời đâu có dài để ta dành cho nỗi đau.

Hạnh phúc ơi, hẹn mi ở đoạn đường kế tiếp.

Ta sẽ lách qua mọi chướng ngại để chạm đến mi trước lúc ta nhìn thấy hai chữ ” quá muộn” hiện hữu sau từ ” ân hận”.

 

HẸN LÒNG

Nếu hỏi rằng, ta sống đến nhường này tuổi, ta đã đối xử tệ bạc với ai chưa?

Ta có thể nhanh chóng đáp rằng, người ta bạc đãi nhất chính là bản thân ta.

Ta cố gắng làm cho kịp việc, ta bỏ ăn mất ngủ.

Ta chia tay một kẻ buông tay ta, ta đau đớn, ta quên ăn chán ngủ.

Ta lao vào dòng công việc vào những chuyến công tác, nỗi nhớ cuồn cuộn khi đông về mưa lạnh, ta đau đáu nỗi nhớ mẹ nhớ cha, ta lại vỗ về lòng ta, thôi mà, xong việc ta sẽ về nhà ngay.

Và cứ thế, ta chẳng bao giờ quên những lời yêu thương đến người thân nhưng lại không nghĩ đến việc bản thân mình cũng cần yêu thương lắm. Tha thứ cho bao người dưng nhưng lại nguyền rủa chính ta khi ta phạm sai lầm.

Ta quên mất!

Yêu thương chính ta rồi mới được yêu thương Người.

Bài học tưởng chừng như đơn giản nhất mà ta lại quên đi.

Dằn vặt mình vì những sai lầm của người khác, buồn khổ vì những thị phi của thiên hạ. Ta đang vô tình bóp chết nguồn cội của tình yêu, cào xé chính tấm lòng ta để rồi một ngày nào đó, khi ta muốn yêu, liệu ta có thể yêu người bằng một tấm lòng, một trái tim đầy vết xước ngu muội ấy không.?

 

Hẹn người ta hẹn một cái lịch
Hẹn yêu ta hẹn một cái duyên
Hẹn lòng ta hẹn với bình yên
Chờ nhé bản thân ta yêu quí
Ta sẽ tìm về chốn bình yên.
Dừng chân nghỉ giữa lòng thương mến
Chỉ có lòng ta với nhẹ nhàng.

 

Lạc mãi giữa dòng đời rối rắm
Buồn mãi với tâm tình người dưng
Nhạt nhẽo với mặt nạ thiên hạ
Chông chênh!
Thôi ta hẹn với lòng
Một cuộc hẹn yêu thương
Một bến bờ hạnh phúc
Một lần dừng chân nghỉ
Mặc kệ thế gian cười
Mặc kệ người đời khóc
Ta chăm chút bản thân
Hát lên khúc ân tình
Cho bản thân mình ngủ
Giữa bến bờ bình yên.

 

Yến Mèo

Cuộc Sống…

Photo: La Cueva Ventana

 

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Tạo hóa cho con người được sinh ra và cũng lại để họ ra đi ở cõi vĩnh hằng. Có những thứ mãi ở xa tầm với, có những điều tưởng chừng thật bé nhỏ mỏng manh nhưng lại là một thực thể vô hạn, hữu hình trong cuộc sống này!

Cuộc sống không phải là một chuỗi những bất ngờ, tự nhiên mà có. Cuộc sống là những điều nối tiếp nhau, có nhân có quả, có bắt đầu và có kết thúc. Âu cũng là nhân duyên của tạo hóa, âu cũng là hai chữ “định mệnh” gắn kết những mảnh đời thêm gần nhau để cùng nhau gom nhặt những buồn vui cho cuộc sống thêm trọn vẹn, tròn đầy!

Ta đã đi qua bao nhiêu năm của cuộc đời? Có vội quá không khi ta dám lên tiếng triết lý về “CUỘC ĐỜI” trong khi ta vẫn chưa đi hết chiều dài của thời gian, chiều rộng của thử thách và chiều sâu của trí tuệ. Nhà thơ Xuân Diệu từng thúc giục ta: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ…”. Nhưng ta biết ví mình là gì đây? Một cánh chim chao nghiêng trước bầu trời cao rộng, một bông hoa đang chen lấn giữa cả một rừng hoa, một thực thể vẫn đang tranh đấu trong mòn mỏi để góp nhặt những điều trân quý nhất. Ta có đang vội quá không? Ta có thực sự hòa nhịp được với cuộc đời? Vẫn những lời ta động viên chính mình, vẫn những thói quen cũ, những hành động thỏa hiệp với chính mình… Ta bảo mình phải cố gắng hơn, nhưng cái hơn đó được bao nhiêu đây? Tình yêu có đong đếm được? Lòng người có tính toan được hay chăng?

Cuộc sống thế là đấy! Một mớ hỗn độn, phức tạp… Phức tạp ngay ở trong TÂM ta? Bước tiếp hay dừng lại, nghỉ một chút hay là một chút nữa đây? Ta vẫn luôn mong mỏi có người hiểu mình, nhưng thử hỏi nhiều khi ta còn chẳng hiểu nổi mình thì liệu rằng ta có quyền đòi hỏi ở người khác những gì đây?

Cuộc đời mỗi con người đều như một dòng sông không bao giờ phẳng lặng. Sống trên đời ai cũng phải trải qua những thăng trầm, vui, buồn, hạnh phúc vô biên và cả khi đớn đau tột độ. Cuộc sống cho ta yêu thương nhưng cũng cho ta nhiều cay đắng, mỗi lần nghĩ về cuộc sống là mỗi lần phải thở than trong nỗi cô đơn u hoài… Hình như, ngày sẽ dài hơn khi ta mãi cô đơn!

Cuộc đời vội vã với những ai đang cố gồng mình để thực hiện những ước mơ, hoài bão lớn lao. Nhưng cuộc đời cũng thật ngắn ngủi với những tính toan hèn mọn, những thú vui vô bổ của cám dỗ đời thường… Từng ngày qua đi dạy ta biết trân quý những gì đang hiện hữu quanh mình. Sống là để yêu thương, để cống hiến cho đời bao mộng đẹp. Nhưng lạ thay cuộc đời đâu có dạy ta phải biết buông những thứ ở xa tầm với, biết quên đi những thứ không thuộc về mình?

Có những nụ cười luôn nguyên vẹn trên đôi môi. Có những lúc khó khăn cứ chồng chất khó khăn, những phiền muộn triền miên không dứt… Có cả những toan tính vì cuộc sống quá chênh vênh và rất rất nhiều điều mà mỗi khi nhìn lại ta thấy mình thật dũng cảm, can trường khi đã vượt qua nó. Đời là thế, dù có buồn những vẫn phải cười phải vui. Một nụ cười chưa thể nói lên tất cả nhưng nó vẫn nguyên vẹn khi chúng ta bắt gặp một niềm tin. Giống như ở trang sách nào đó đã từng nói rằng: “Hãy đặt tài sản của bạn vào trong khối óc, sẽ chẳng có ai đánh cắp của bạn được. Những kẻ giàu về vật chất thì vẫn nghèo hơn những ai giàu về tri thức”.

Hành trình của hạnh phúc thật dài. Buồn vui là một phần của cuộc hành trình bất tận đó. Sẽ không bao giờ đến đích đâu, vì nó không có đích, chỉ có chặng đường vui, chặng đường kỉ niệm và những chặng đường buồn nhưng cũng chẳng thể nào quên!!

 

Hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến!

Cuộc sống là để sống chứ không phải để tính toán! ^^

 

 

Khoảng Lặng

 

Che – Tình yêu trong tim nhà cách mạng

La Habana – nhìn từ nóc nhà Che

  Lisa Howard: What is the most important quality for a revolutionary to possess?

Che Guevara: Love. Let me tell you something at the risk of sounding ridiculous. A true revolutionary is guided by great feelings of love… love of humanity, justice, and truth. It’s impossible to conceive of an authentic revolutionary without this one quality.

… đó là nội dung một cuộc phỏng vấn có thật, diễn ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York tháng 12 năm 1964, khi Che Guevara tham dự với tư cách dẫn đầu đoàn đại biểu Cuba… Lúc đó, ông mới 36 tuổi. Ngược dòng lịch sử, Che Guevara là ai ? Ernesto “Che” Guevara (thường gọi là Che) sinh tháng 6 năm 1928 tại Argentina. Tuy nhiên, cuộc đời ông gắn liền với Cuba và nhiều nước Mỹ La tinh khác. Theo học y khoa, nhưng ông từng bỏ học một năm chỉ để rong ruổi khắp Nam Mỹ bằng xe mô tô. Chuyến đi đó đã để lại trong ông những niềm đau, về một tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, và bị áp bức của vô số dân nghèo tại nhiều quốc gia… Có thể nói, chuyến đi đã làm thay đổi nhân sinh quan của ông. Dẫn tới việc sau này, dù tốt nghiệp bác sĩ, Che đã sớm mang những ý tưởng cách mạng…

nhà Che tại Cuba
Nhà Che tại Cuba

Năm 1956, cùng với anh em nhà Fidel và chỉ khoảng ngót nghét một chục người khác, ông lên một chiếc thuyền nhỏ và rời Mexico về Cuba, bắt đầu cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài Batista. Là một bác sĩ, nhà tư tưởng, nhà cách mạng, và nổi tiếng là một nhà quân sự có tài, Che cũng đồng thời viết văn, làm thơ,… đi đến đâu, ông cũng tìm cách xoá nạn mù chữ cho những du kích quân dưới quyền, chăm sóc cho đời sống của người dân nghèo trong vùng, v.v. Che có một đời sống phong phú, phức tạp với nhiều chi tiết còn mang tính huyền thoại. Ông từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, nhưng rồi không tán thành việc Cuba chịu ảnh hưởng của Liên xô. Ông từng đi thăm nhiều quốc gia trên khắp thế giới như một nhà tư tưởng, nhà ngoại giao cho chính quyền của Fidel tại Cuba. Nhiều nhân vật lớn trên thế giới đã từng gặp ông và có ấn tượng sâu sắc như Jean-Paul Sartre, Mao Trạch Đông,v.v. Che bị bắt và thủ tiêu bởi chính quyền Bolivia ngày 9 tháng 10 năm 1967. Tưởng niệm ông tại Cuba, Fidel Castro nói: “Nếu chúng ta được phép nói lên khát vọng về thế hệ tương lai, chúng ta sẽ nói: Hãy để họ như Che! Nếu chúng ta mơ ước chúng ta muốn con cái mình được giáo dục ra sao, chúng ta sẽ nói không lưỡng lự: chúng cần được nuôi dưỡng với tinh thần của Che! Nếu chúng ta muốn một mẫu hình về con người – một người không chỉ thuộc về thời đại này, mà thuộc về tương lai – tôi sẽ nói từ trái tim mình, rằng người đó, không một vết nhơ về phẩm giá hay hành động, chính là Che!

trong nhà Che
Trong nhà Che

Che ra đi khi mới 39 tuổi. Nhiều người thậm chí còn so sánh ông với Chúa, khi ông chết trong lúc đang giúp các nhóm nổi dậy tại Bolivia chống nhà cầm quyền quân sự. Tôi nghĩ, ông được đánh giá cao không phải vì đã giúp Fidel giành độc lập cho Cuba hay ông làm bộ trưởng cho Cuba, huấn luyện quân đội Cuba, cải cách công nghiệp và kinh tế Cuba… mà vì ông đã trở thành một biểu tượng, một ví dụ sinh động của loài người vì dám đi theo đến cùng một lý tưởng. Xét cho cùng, chẳng phải sống là để đạt được một đích nào đó của cuộc đời ? Với đa số, mục đích đó đơn giản và nhỏ hẹp. Với những người như Che, xoá bỏ sự bất công, đấu tranh cho những người cùng khổ, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại một xã hội nhân bản hơn chính là mục đích tối thượng. Và nhiều khi, chúng ta phải có những hành động mạnh mẽ để đạt được điều đó. Điều này dường như đúng ở mọi thời đại, mọi đất nước, và người ta gọi đó là những hành động cách mạng. Như Che nói: “Phẩm chất cần có của một nhà cách mạng ư? Nhà cách mạng thực sự cần mang theo một tình yêu trong tim mình. Tình yêu lớn lao dẫn dắt chúng ta, đó là tình yêu thương con người, tình yêu công lý và sự thật… “

Nhà trên trên đồi, cạnh tượng chúa Kitô

42 năm sau khi Che qua đời, tôi mới có dịp đặt chân đến nơi được gọi là “nhà” ông ở La Habana. Căn nhà bé nhỏ và khiêm nhường, nhưng không hiểu vô tình hay hữu ý, dựng gần một tượng chúa Ki tô trầm mặc trên một quả đồi nhìn sang khu trung tâm của thủ đô Habana. Không vấn vương vào những tranh luận về ý thực hệ, về chủ nghĩa này kia, tôi tự hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có được một tình yêu như của Che trong tim mình? và dám đứng lên tranh đấu vì tình yêu đó? bao nhiêu người có dòng máu “cách mạng” trong người? Tôi không có câu trả lời…

Che: ảnh chụp lại từ bưu thiếp
Che: ảnh chụp lại từ bưu thiếp

Theo tôi về Việt Nam là hai tấm bưu thiếp mang hình ông. Tôi đặt chúng trong tủ kính. Trong tâm trí tôi, hình ảnh một Che trẻ trung, lãng tử, với ánh mắt như thiêu đốt tâm can… Một Che đầy nhiệt huyết, phóng xe máy trên những khúc quanh của Nam Mỹ một thời tuổi trẻ. Một Che chăm sóc cho người bệnh nghèo với bàn tay thầy thuốc – hai bàn tay mà sau này những kẻ thủ tiêu ông đã chặt đi. Hình ảnh Che khuyên nhủ các thanh thiếu niên cần tranh thủ học cho giỏi khi chưa đủ tuổi cầm súng… bởi đất nước họ sẽ cần những người trẻ tuổi có tri thức… mãi là một hình ảnh rất con người, và rất đáng cảm phục. Và trong thời đại ngày nay, khi rất cần những cuộc đấu tranh cho dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới này, đến bao giờ chúng ta lại được  nhìn thấy những Che mới xuất hiện ???

Bài và ảnh: KL

Hồi ký Vipassana

Photo: Jasmine Kaloudis

Cũng giống như những người đi xa mới trở về nhà khác, tôi muốn mang về những món quà nho nhỏ cho những người tôi yêu thương. Ngày trước khi đi, tôi không nghĩ mình có thể mang về món quà gì đó có ý nghĩa cho những người thân xung quanh ngoài cái tâm bình ổn, bớt dao động hơn để tránh làm hỏng việc, tránh đem lại phiền muộn cho người khác. Tôi không ngờ mình có thể đem về một món quà mà tôi cho rằng đó có thể là món quà quý giá nhất trong đời tôi có thể tặng cho những người ở nhà. Chỉ kịp đặt vali xuống, tôi bắt đầu bao gói món quà này dành tặng bạn. Bạn có thể mở ra xem bất cứ khi nào bạn muốn. Và bạn có thể nhận món quà này hay không tùy ý bạn.

Trước khi đến với khóa thiền Vipanassna, tôi chỉ nghĩ đơn giản thiền định sẽ giúp cho tâm mình tĩnh lặng, bớt xáo trộn với quá nhiều ý nghĩ cùng một lúc xuất hiện; giúp mình suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định một vấn đề. Tôi vừa trải qua một thời gian liên tiếp gặp nhiều trắc trở cả trong đời sống tình cảm lẫn công việc. Mặc dù lý lẽ trong đầu đã xác định là phải bỏ bớt tham, sân, si trong đời để bớt khổ. Nhưng trong suy nghĩ, trong lời nói, trong hành vi của tôi thì vẫn luôn còn tham, sân, si. Vẫn luôn tham muốn cái này, tham muốn cái khác, đặc biệt là trong công việc.

Quyết định dời đi 10 ngày để tìm lại một khoảng thời gian yên tĩnh, để nhìn lại mình, nhìn lại quãng thời gian mình đã sống và con đường kế tiếp mình đã chọn; cũng là tìm lại một khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Tôi không nghĩ toàn bộ cuộc đời tiếp theo của mình có thể thay đổi bởi 10 ngày này.

Cũng nhờ duyên may, có thể do còn chút phước phận trước đó, tôi được hai người em giới thiệu về Vipassana. Điều tôi thích khi đọc những thông tin đầu tiên về Vipassana là ở chỗ đây là pháp thiền nguyên thủy, không mang màu sắc tôn giáo, không tông phái, không yêu cầu cải đạo. Nó dành cho tất cả mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi màu da, mọi sắc tộc. Và nó có một bản nội quy rất nghiêm khắc về việc giữ trọn 5 giới trong suốt khóa thiền. Tôi rất ấn tượng với việc người ta yêu cầu các thiền sinh phải im lặng trong suốt 10 ngày, không nói chuyện với những người cùng tham dự, không liên lạc với thế giới bên ngoài bằng bất cứ cách nào. Ngồi thiền suốt 10 tiếng đồng hồ trong mỗi ngày. Tôi cũng ấn tượng bởi việc người ta không thu tiền lệ phí. Tất cả chi phí để tổ chức các khóa thiền là tiền của cúng dường của các thiền sinh cũ đã theo học muốn tạo tặng phúc lành cho những người khóa sau. Và còn một ý nghĩa thâm sâu khác nữa của việc này mà đến ngày cuối khóa tôi mới hiểu được.

NGÀY 0 – NGÀY TẤT BẬT NHƯ LỆ THƯỜNG

Trước khi đi 2 ngày, tôi thông tin trên FB cho những người bạn của mình biết về việc tôi sẽ vắng mặt 10 ngày. Điều lạ lùng là không ai ngạc nhiên khi biết tôi đi học thiền. Có lẽ mọi người đều thấy cái lệ thường là tôi đã sống quá tật bật, quá nhiều ham muốn, khát vọng – nhất là trong công việc. Và mọi người chúc tôi lên đường an lành. Ngay cả chị phụ trách ở công ty tôi đang làm việc. Mặc dù công việc rất nhiều, nhưng chị cũng động viên tôi yên tâm đi học.

Tuy vậy, vốn là người tham lam, tôi vẫn nhắn gửi với những ai đang còn muốn đòi nợ công việc tôi trước khi đi. Và thế là tôi lại nhận lời thêm công việc vào 2 ngày cuối cùng trước khi đi. Kết quả là đêm ngày trước khi đi tôi vẫn còn 2 bài viết dài phải hoàn thành, 1 cuộc hẹn nói chuyện điện thoại dài và 1 cuộc hẹn gặp trực tiếp. Quần áo, đồ đạc mới chỉ mua về chứ chưa thu dọn vào vali. Nhưng vì quá mệt, tôi lăn ra ngủ trước khi hoàn thành công việc.

Sáng ngày khởi ngày, trời mưa rất lớn. Thức giấc từ 6h kém để tiếp tục làm việc, nhưng tôi cũng chỉ kịp hoàn thành bản mô tả 1 dự án, đối thoại một cuộc điện thoại dài trước khi cô bạn của tôi đến nhờ tư vấn. Vừa nói chuyện với bạn, vừa tất bật tập hợp đồ cho vào vali, tôi ra đi trong khi vẫn còn 1 bản viết chưa hoàn thành. Để kịp giờ xe đón lúc 1h, và để cô bạn tôi tiện trở tôi ra bến xe, tôi ra khỏi nhàlúc hơn 12h. Sợ bạn phải về sớm ăn cơm, tôi không kịp ăn gì trước khi đi. Tôi vẫn luôn bị người bạn trai gần đây nhất cằn nhằn về việc luôn vội vàng, không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ như thế này nhiều lần. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chưa thể thay đổi. Nghĩ lại thấy đã có rất nhiều việc mình quyết định một cách quá nhanh chóng. Quyết định trong lúc đang rất hưng phấn, hoặc quá buồn bực đều không tốt. Tâm tôi không đủ tĩnh để suy xét kỹ lưỡng nhiều góc cạnh trước khi quyết định một việc. Và thực tế là tôi đang phải trả giá vì những quyết định nóng vội đó của chính mình.

Tôi bảo bạn dừng ở bãi đỗ đối diện bến xe Mỹ Đình. Điểm hẹn ở đó.

Bước vào quán nước, nơi đang có mấy người đàn ông – chắc là những người lơ xe đang ngồi. Ngày thường có lẽ tôi đã hơi e ngại khi vào đó, nhưng hôm nay tôi thản nhiên bước vào. Tôi kéo ghế ngồi, mua một hộp sữa đậu nành và gói hướng dương làm bữa trưa. Câu chuyện với anh bán mũ tại quán nước khá thú vị. Khi biết tôi đi học thiền, anh hỏi thiền là thế nào. Lúc đó tôi chỉ có thể giải thích với anh là để tâm mình an tĩnh, cho mỗi lời nói hành động của mình đều thể hiện cái ý muốn tốt của mình. Tránh đôi lúc mình có ý tốt, nhưng lời nói, hành động thể hiện ra ngoài lại rất khó nghe, hoặc làm người khác bị tổn thương. Anh gật gù.

Một lúc sau một nhóm các bà kéo vào quán ngồi. Họ rụt rè bảo mua cái kẹo cao su để ngồi nhờ. Anh bán mũ lúc này khá vui tươi bảo: các bà cứ vào ngồi, có ai bắt mua cái gì đâu. Có vẻ cái không khí có một chút tốt đẹp. Câu chuyện rôm rả về việc đi thiền, ai cũng náo nức mong chờ. Quán nước rôm rả với câu chuyện về việc thiền nhờ những thông tin hai bác thiền sinh cũ kể. Tiếng xe ồn ào trước bến làm mấy cô mới từ Thanh Hóa ra đau đầu phải bịt tai lại. Tôi gọi nốt cuộc điện thoại nhờ cô em ở văn phòng viết nốt bài viết mới chỉ gạch đầu dòng được vài ý. Thư giãn ngồi chờ xe.

Xe đến muộn, người đến muộn như cuộc sống lệ thường vẫn thế. 1h30 chúng tôi lên xe, và đoàn người từ phía đầu bên kia bãi đỗ xe kéo lại. Đông hơn tôi tưởng. Tôi tưởng chỉ khoảng 30 người một khóa thiền. Không ngờ có đến cả gần trăm người. Không hiểu sao người ta có thể lo ăn ở miễn phí cho từng đó con người trong suốt 10 ngày. Tiền từ đâu ra?

Trước khi tôi đứng dậy chào để lên xe, anh bán mũ nói với tôi: ” Em đi về rồi khi nào có dịp qua đây thì kể cho anh nghe nhé. Anh nhờ em đấy.” Tôi mỉm cười gật đầu: “Vâng”.

Tôi ngồi cạnh một chị khoảng gần 50, cắt tóc tém, có vẻ ngoài khỏe khoắn và tinh nghịch, nhưng lại mặc quần áo kiểu những người phớt đời. Chị bắt đầu nói chuyện: “Cái thằng bán mũ ấy, nó hiểu đời đấy. Bằng cách riêng của nó, nhưng nó hiểu đời.” Tôi đáp: “Vâng. Anh ấy dặn em nào về ghé qua kể anh nghe về khóa thiền.” Chị tiếp lời: “Ừ, chị cũng đã nghĩ hôm nào đó chị sẽ đưa thầy chị qua đây nói chuyện với nó. Chị thích ngồi mấy hàng nước chè lắm. Nhiều chuyện hay.” Và chị bắt đầu kể, bắt đầu hỏi tôi một số chuyện. Tôi đã xác định đi một khóa thiền im lặng, cũng không muốn nói nhiều nên nói với chị cũng hạn chế. Nhưng đây sẽ là một nhân vật đặc biệt đối với tôi sau khóa thiền.

Chúng tôi ngồi 3 người trên băng ghế. Tôi không có mấy thiện cảm với bác ngồi bên cạnh đơn giản bởi nhìn nét mặt bác có gì đó khó chịu, có gì đó hằn học. Tôi giải thích đó là do trực giác. Và tôi cũng không gợi chuyện bác. Bác này cũng là người gây nhiều sự chú ý của tôi trong suốt khóa. Con trai bác đi cùng, bước lên xe mùi nồng hơi bia.Chắc có lẽ vừa từ quán bia nào đó vào và bắt đầu nói chuyện ồn ào ở hàng ghế dưới cùng. Anh này sau là người bỏ về sau 3 ngày không chịu nổi kỷ luật khắt khe của khóa thiền. Mấy bạn trai trẻ băng ghế sau bàn luận sôi nổi về thiền, về các trường phái thiền – những thứ mà họ đọc được hay nghe người khác nói lại. Tôi im lặng.

Bất chợt tỉnh giấc. Xe đang đi trên một đoạn đường khúc khỉu với hai bên là cánh đồng gốc rạ vàng ươm. Tôi nghĩ chắc đã gần tới nơi. Cả xe bắt đầu thức giấc. Và như để chuẩn bị tâm lý cho nơi đến, hầu như không ai nói với ai câu nào. Tôi không nghĩ nơi học thiền lại gần Việt Phủ Thành Chương. Đã nghe về nơi này lâu rồi, nhưng tôi chưa có dịp ghé qua. Sườn đồi rất đẹp, chúng tôi đi qua con đường xanh mát với trúc và thông. Lấp ló là những ngôi biệt thự thật lớn trên sườn đồi. Xe dừng trước cổng 1 khu giống như khu nghỉ dưỡng. Tôi không thể ngờ chúng tôi lại đến một khu như khu nghỉ dưỡng. Thật đẹp. Thật yên bình!

Đón chúng tôi là 4 anh chị thuộc ban quản lý ngồi ở 4 bàn đăng ký dành cho thiền sinh mới. Chúng tôi ngồi tại một cái lán lớn sạch sẽ với hai khu ghế ngăn nắp, tách biệt cho nam và nữ riêng. Điền lại thông tin vào mẫu đăng ký đã gửi qua email, chúng tôi được cấp số giường và số thứ tự tọa thiền. Ban quản lý thiền sinh nữ trực tiếp có 2 người. Tôi thấy ngạc nhiên vì có một em rất trẻ. Sau này tôi biết em sinh năm 89 và đã ra trường đi làm 3 năm. Em làm thiết kế đồ họa nhưng từ cử chỉ, đầu tóc, quần áo em lại rất giản dị, rất nhu mì, không giống như phong cách dân thiết kế thường nổi trội hơn người khác. Những bạn thiền của tôi gồm đủ các lứa tuổi khác nhau, từ già đến trẻ; cả thành phố lẫn ở tỉnh, sau này tôi còn biết có cả những người từ Đà Lạt, từ Đà Nẵng ra học thiền. Nhưng điểm chung là nét mặt khá là mệt và ai cũng có vẻ không vui, nét mặt đờ đẫn, không tươi tỉnh. Tôi không có thiện cảm với một số chị mặc váy, đi giầy cao gót và vác theo một vali lớn đồ. Cứ như họ đang đi nghỉ mát vậy. Tôi nghĩ khi đã xác định đi thiền thì có gì đó họ đã phải có một suy nghĩ khác.

Chúng tôi được yêu cầu gửi lại tất cả các thiết bị liên lạc gồm điện thoại, máy ảnh, máy nghe nhạc,…và tiền mặt. Họ giữ riêng cho mỗi người vào một túi, đánh số túi và cho vào 1 hòm lớn khóa lại. Nhiều người trước khi gửi điện thoại còn nhắn tin số điện thoại của ban tổ chức để người nhà liên lạc khi cần gấp. Tôi suy nghĩ và quyết định không nhắn số cho ai cả. Không có việc gì gấp phải gọi giật mình từ xa trong 10 ngày này cả. Tắt điện thoại, đếm tiền và gửi cho người quản lý.

Trước khi đi, chúng tôi được dặn mang theo ô dù, đèn pin, chăn màn (nếu muốn dùng riêng), nên tôi đã tưởng tượng người ta sẽ trải chiếu xuống sàn để ngủ. Và nhà vệ sinh chắc hẳn ở một quãng xa chứ không ngờ phòng ngủ chung của chúng tôi là một căn nhà lớn với 35 chiếc giường đơn kê sát nhau thành 3 dãy, mỗi người một giường riêng. Chúng tôi có 4 nhà vệ sinh sạch sẽ, 3 phòng tắm, khu giặt và treo đồ với nhiều dây phơi thoáng mát ngay bên cạnh. Chúng tôi còn có 2 phòng vệ sinh kèm phòng tắm ở sát sườn nhà, nơi nấu nước nóng ngay cạnh, và người ta đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi rất nhiều xô chậu, móc áo, giấy vệ sinh, xà phòng để giặt đồ. Thật là chu đáo quá sức tưởng tượng của tôi.

Tôi nằm giường số 18, thuộc dãy giữa. Cách 1 lối đi nhỏ bên trái giường tôi là giường số 17, 16, 15, bên phải tôi là giường số 19, 20, 21,.. Các giường đều được trang bị sẵn đệm mỏng, chiếu, màn, chăn, gối, vỏ gối. Tất cả đều thơm mới, sạch sẽ. Thật tuyệt! Biết vậy tôi đã không phải vác hẳn 1 vali gồm quần áo mặc cho 10 ngày vì sợ không có chỗ giặt và phơi đồ, kèm theo cả chăn và màn.

Số 17 là 1 chị viên chức, hình như làm ở 1 viện khoa học nào đó. Thấp, nhỏ, nhưng luôn thướt tha với váy dài, áo sát nách và áo khoác dài bên ngoài. Số 16 là một bạn cũng rất mỏng manh nhưng lại toát ra vẻ mạnh mẽ trong nội tâm, có vẻ là người đã có kinh nghiệm đi rất nhiều nơi. Bạn mang theo đệm riêng, bồ đoàn (đệm ngồi thiền), chăn riêng giống kiểu dân phượt hạng sang chuyên nghiệp. Số 15 là một chị cao lớn, nhưng có vẻ thanh thoát, nữ tính và thảnh thơi. Nằm bên giường 19 là một bạn sau này tôi biết là bằng tuổi tôi, nhưng mảnh mai hơn tôi là người đã đọc nhiều về Phật pháp. Bạn thích giảng giải cho em nằm giường số 20 – một cô gái trẻ mang đậm chất dân phượt xe máy nội địa. Giường 21 kế bên là một bác đã gần 60 nhưng tính lại rất sôi nổi, trẻ trung, cười nói sang sảng được xếp chung dọc dãy bọn trẻ tụi tôi. Dãy bên trong là dãy của những người từ 50 – hơn 60. Đối diện giường số 17 là thuộc dãy trong chính là bác gái nhiều tuổi tôi không mấy có cảm tình khi ngồi chung trên xe.

Trong khi rất nhiều người bỏ cả vali và túi lên giường, đặt ngay dưới chân nằm, tôi đưa vali ra góc tường sát ngoài rìa phòng. Có một thứ duy nhất có giá trị lớn trong túi đồ của tôi – cái chứng minh thư, còn lại là quần áo, sữa tắm, sữa rửa mặt, chẳng có gì phải bận tâm. Tôi không thuộc kiểu phụ nữ thích mua sắm và mang theo nhiều đồ đạc. Cả phòng nhốn nháo mất một lúc khi mọi người bàn tán về chuyện ăn uống và lịch tập. Theo lịch học, chúng tôi phải thức dậy từ 4h sáng, ngồi thiền từ 4h30-6h, ăn sáng và nghỉ ngơi, thiền từ 8h-9h, từ 9h30 đến 11h, ăn và nghỉ trưa, rồi lại thiền từ 1h-2h30, từ 2h30-3h30, 3h30-5h; ăn chiều, rồi thiền từ 6h-7h, nghe pháp thoại từ 7h-8h30, thiền từ 8h30-9h, 9h30 đi ngủ. Thật là một lịch dày đặc và điều băn khoăn lớn nhất của mọi người: bữa chiều của chúng tôi chỉ được ăn một chút hoa quả và uống trà. Chúng tôi không ăn cơm tối. Làm sao mà chịu được đói nhỉ?

Chị quản lý bước vào và nhắc chúng tôi giữ Luật Im Lặng – Sự im lặng thánh thiện. Chúng tôi được giải thích là từ kinh nghiệm tổ chức các khóa thiền Vipassanatrên khắp thế giới, các thiền sư thấy rằng thiền sinh sẽ tu tập tốt nhất khi im lặng tuyệt đối. Lúc đầu rất nhiều người khó chịu vì cái luật nghe có vẻ rất vô lý này. Nhưng sau, tất cả chúng tôi đều có thể hiểu được vai trò tuyệt vời của Sự im lặng. Tôi đặc biệt cảm ơn Sự im lặng và thấy nó vô cùng hữu ích với mình.

Chúng tôi được ăn bữa ăn đầu tiên vào lúc 5h chiều. Ngày đầu tiên, chúng tôi chưa phải giữ chế độ chỉ ăn hoa quả và uống sữa. Bữa chiều của chúng tôi là xôi lạc ăn kèm củ cải khô – món này giống như ruốc vậy. Không biết là do sợ đói hay cũng giống cái cách mọi người tham lấy nhiều như khi đi ăn buffet, chỉ chưa đến 2/3 dãy người lấy đồ ăn thì bát củ cải đã hết. Chúng tôi thấy một lọ muối vừng đen trên bàn để hộp đồ uống: sữa đậu nành và trà gạo rang. Thế là những người sau chỉ ăn xôi với muối vừng đen. Một số người lúc đầu đã lấy quá nhiều củ cải khô, sau đã để thừa lại bát vì mặn không thể ăn hết. Món nước gạo rang thật ngon. Trong và thơm ngát. Tôi rất thích loại nước này. Bữa ăn đầu tiên không tránh khỏi sự lộn xộn, nhiều người vẫn nói và tiếng xô ghế vang lên. Nhiều người cau mày khó chịu, bác đứng sau lưng tôi càm ràm vì mọi người không biết giữ ý. Tôi im lặng.

Tôi khá ngạc nhiên khi vị thiền sư chúng tôi được biết mặt tại thiền đường lại không phải là thiền sư Goenkaji, vị thiền sư dạy Vipassana cho chúng tôi. Thiền đường trang nghiêm, rộng rãi, sạch sẽ chia làm hai bên, một bên dành cho nam, và một bên dành cho nữ. Chúng tôi có đệm ngồi màu xanh, gối ngồi, và cả một chiếc khăn đắp mỏng nhẹ màu tím rất mềm của hãng Korean Airline. Hai vị thiền sư phụ tá là một cặp vợ chồng người Việt, nói giọng còn chút gốc miền Nam. Lúc đầu tôi tưởng hai thầy cô sống tại trường thiền này và là người tổ chức các khóa học. Nhưng sau này tôi biết hai thầy cô là phụ tá của thầy Goenkaji, là người gốc Việt và đang sống tại Mỹ. Các thầy cô thiện nguyện tham gia giảng dạy tại các khóa thiền tổ chức trên khắp thế giới. Mọi tài liệu giảng dạy, pháp thoại đều là của thầy Goenkaji nên chúng tôi vẫn được gọi là học trò của Ngài Goenkaji.

Hai thầy cô phụ tá cỡ khoảng trên 60 tuổi, nhưng trông rất khỏe khoắn, trẻ trung, phúc hậu. Giọng của thầy đặc biệt ấm và vang. Tôi có ngay cảm giác yên lành và tin tưởng khi nhìn thấy hai người. Buổi đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn chỉ quan sát hơi thở, hít vào thở ra. Nhưng không phải hít vào thở ra một cách cố tình, mà là theo dõi hơi thở tự nhiên của mình. Vẫn thở một cách bình thường và quan sát nó.

Ngay trước khi được đưa vào Thiền đường (nơi ngồi thiền tập trung của tất cả các thiền sư và thiền sinh), chúng tôi đã được ban quản lý cho nghe băng dịch tiếng Việt về những lời căn dặn liên quan việc giữ 5 giới đạo đức (Sila): Không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống chất gây nghiện và cả sự im lặng thánh thiện, sự không đụng chạm giữa các thiền sinh. Khi vào trong thiền đường, chúng tôi lại được nghe những lời căn dặn như thế thêm một lần nữa; và thầy Goenkaji nhắc chúng tôi về quyết tâm ở trọn 10 ngày trong khóa thiền. Chúng tôi đi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày 1. Đêm đầu tiên tại trường thiền pha trộn nhiều thứ âm thanh: tiếng thì thầm nói chuyện, tiếng ngáy, tiếng dép đi vệ sinh của những người khó ngủ, tiếng trở mình, tiếng côn trùng kêu, tiếng sột soạt của túi nilong đựng đồ của người không chịu nổi đói. Tôi lặng lẽ nghe cho đến khi ngủ thiếp đi.

NGÀY 1 – TÂM TRÍ CHÚNG TA NHƯ NHỮNG CON KHỈ

Keng, Keng, Keng. Tiếng chuông báo thức lúc 4h sáng. Một số người già khó ngủ hơn đã thức từ trước đó khoảng 30 phút với tiếng dép đi loẹt xoẹt trong bóng đêm. Giờ thì 1 bóng điện bắt đầu được bật lên và tiếng ngáy đã tắt. Tôi tập động tác thức giấc Yoga rồi bước xuống giường, bắt đầu công cuộc vệ sinh cá nhân. Đánh răng, rửa mặt xong tôi còn gần 20 phút để gấp chăn màn và xoa bóp chân tay trước giờ thiền. Nhiều giường vẫn nằm ngủ, đặc biệt là dãy giường ở giữa của tôi – dãy gồm những người trẻ nhất. Rồi số 19, 20, 21,..cũng thức giấc, số 16, 15 cũng dậy, chì còn lại số 17 tiếp tục trùm trăn lên mặt che ánh điện và tiếp tục ngủ.

4h20 – Keng,, Keng, keng báo hiệu chuẩn bị giờ lên Thiền đường. Thiền đường nằm trên 1 đường cung, ở giữa khu nhà ở của nữ và nam. Chúng tôi cần đi một đoạn khoảng 100m để tới thiền đường. Bên ngoài trời mưa lạnh và vẫn còn tối. Đây là lý do vì sao chúng tôi cần mang theo đèn pin và ô dù để che khi trời mưa.

Bên ngoài thiền đường để rất nhiều hộp kem chống muỗi Sotifell. Chúng tôi bôi kem chống muỗi và lặng lẽ đi vào thiền đường. Các thiền sinh nam luôn là những người đến thiền đường sớm hơn nữ. Phần lớn họ đã ngồi khoanh chân ngăn nắp trước khi đám nữ thiền sinh bước vào. Hai thầy phụ tá chưa xuất hiện, nhưng khi thấy các anh chị quản lý tắt bớt đèn và bắt đầu ngồi thiền, chúng tôi cũng làm theo. Chúng tôi bắt đầu quan sát hơi thở. Thở một cách tự nhiên, không cố tình hít sâu hay thở sâu như tôi được hướng dẫn trong Yoga.

Khoảng 5h hai thiền sư phụ tá đi vào từ một lối cửa ra vào khác, dẫn từ khu nhà ở của thiền sư. Thiền đường có 3 cửa – 1 cửa cho nữ, một cửa cho nam và 1 cửa cho thiền sư. Sở dĩ tôi đoán đó là khoảng 5h vì khi đó chúng tôi vẫn nhắm mắt theo dõi hơi thở. Và trong suốt cả khóa, tôi vẫn không biết chính xác là mấy giờ thì thiền sư phụ tá xuất hiện, ngày nào cũng đúng vào giờ đó, nhưng ko biết là mấy giờ. Không có đồng hồ treo tường trong thiền đường, tôi không đeo đồng hồ đeo tay, tôi lại không hỏi ai vì giữ luật im lặng. Chiếc đồng hồ duy nhất tôi nhìn thấy là chiếc đồng hồ nhỏ để trên bàn của thiền sư phụ tá nam, cách khá xa chỗ tôi. Khoảng 30 phút trước khi buổi thiền đầu tiên kết thúc thì băng tiếng vang lên. Tiếng tụng niệm của Ngài Goenkaji. Tiếng vang và ấm, có gì đó thật đặc biệt. Thầy tụng bằng tiếng Ấn cổ, và khi đó tôi không biết nó có nghĩa là gì. Chỉ biết nó giống như thầy đang hát một giai điệu và giai điệu đó những ngày sau cứ vang mãi lên trong tâm tôi. Những giai điệu dễ chịu. Kết thúc bài tụng bao giờ cũng là câu: “Bhavatu mandalam… – có nghĩa là “Nguyện cho tất cả chúng sanh được hòa hợp, an lạc, hạnh phúc”. Những ngày tập khó nhọc ngay sau đó, cứ khi nghe tới câu này là như tôi được giải thoát, và đúng là giải thoát thật vì khi đó tôi được duỗi đôi chân đau nhức của mình ra khỏi thế ngồi bán già hay khoanh tròn.

Giờ ăn sáng đầu tiên. Chúng tôi xếp hàng dài để qua bàn để thức ăn. Bữa sáng được dọn ra là một thau nui và một thau canh củ quả nấu với hạt đậu. Ngon tuyệt! Chưa bao giờ tôi ăn món nui ngon thế.

Bữa trưa là những món hoàn toàn chay, nhưng cũng cực kỳ ngon. Tôi chưa bao giờ ăn đồ chay ngon như vậy. Ở những quán cơm chay tại thành phố Hà Nội hay HCM nơi tôi đã từng ăn, người ta thường nấu nhiều dầu, nhiều gia vị và thường hay giả là món thịt này thịt kia. Ở đây chúng tôi hoàn toàn không có món giả này, giả kia, các loại rau củ quả, đậu, nấm, mộc nhĩ, các loại đỗ xào, nấu, om hay luộc vẫn nguyên hình dạng cắt miếng nhưng tuyệt ngon. Sau này chúng tôi hiểu, những người phục vụ cũng chính là các thiền sinh cũ, những người đã theo học khóa thiền 10 ngày và tự nguyện đăng ký đi phục vụ. Và khóa học cũng chỉ chấp nhận những người đã học xong khóa học 10 ngày làm người phục vụ. Họ có tâm từ bi, tình thương yêu đối với các thiền sinh mới, và họ toàn tâm nấu những món ăn đó cho chúng tôi. Đó cũng là một phần đặc biệt quan trọng làm cho những món ăn đó ngon đến vậy.

Nhiều người khó chịu vì không được nói chuyện, vẫn ra hiệu, vẫn thỉnh thoảng thì thầm. Cô bé thiền sinh phục vụ tại nhà ăn thỉnh thoảng lại phải đưa tay lên môi: suỵt

Trên tấm bảng tại nhà ăn có dán một tờ A4 kẻ dòng ngăn nắp để thiền sinh đăng ký họ tên người muốn gặp tham vấn thiền sư, một tờ A3 giải thích về Sự im lặng thánh thiện, 1 tờ A4 giải thích việc tụng niệm của thầy Goenkaji đơn giản là để tạo không khí thích hợp cho buổi thiền. Việc một số thiền sư cũ vái lạy 1 lần trước và sau giờ thiền đơn giản là theo truyền thống tại Ấn Độ người ta muốn cảm ơn. Không ai bắt và muốn các thiền sinh mới làm điều đó. 1 tờ A3 về thời khóa biểu học tập trong ngày. 1 tờ A4 luôn thay đổi mỗi ngày – Hôm nay là ngày 1. Hôm nay là ngày 2,… cho đến ngày 11. Trong suốt khóa thiền, tôi không quan tâm hôm nay là ngày 26, 27, ngày mùng 1, mùng 2 hay ngày mùng 5, mùng 6. Tôi chỉ có khái niệm hôm nay là ngày thứ mấy của khóa thiền.

Chúng tôi có hai khoảng thời gian để các thiền sinh có thể tham vấn hỏi đáp, thắc mắc về những vấn đề gặp phải trong quá trình tu tập với hai thiền sinh phụ tá vào lúc 12h-12h30 và sau 21h mỗi ngày. Thầy giải đáp cho nam, cô giải đáp cho nữ. Tôi nhìn vào bảng đăng ký và suy nghĩ về việc tham vấn thiền sư vào lúc 12h-12h30. Tôi quyết định đăng ký gặp thiền sư phụ tá cùng 3 người khác nữa.
Câu hỏi của tôi là:

– “Thưa cô, con thấy khi theo dõi hơi thở thì rất nhiều ý nghĩ ập đến trong đầu, hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác chứ không liên tục tập trung vào hơi thở được. Như vậy có gì không ổn không?”

– “Thế tốt đấy. Không sao đâu. Con cứ tiếp tục quan sát nó.”

Tôi chỉ hỏi bà đơn giản vậy thôi. Tôi quyết định là mình cứ bình tĩnh làm lần lượt theo sự chỉ dẫn xem sao.

Tất cả những thắc mắc trong ngày của tôi đều được giải đáp trong bài Pháp thoại của thầy Goenkaji vào buổi tối. Sau này tôi biết rằng bài giảng của thầy được thu âm từ cách đây lâu lắm rồi, phải đến 20 năm vì thầy đã già yếu và không còn trực tiếp giảng giải cho thiền sinh cả đến hơn chục năm nay. Vậy mà mọi thứ thầy nói cứ như đang diễn ra với tôi. Chứng tỏ cũng đã rất nhiều người giống như tôi. Và thầy đã được nghe đủ các loại thắc mắc, các triệu chứng của hàng chục nghìn thiền sinh trên khắp thế giới. Tôi quyết định sẽ không cần hỏi gì trong các ngày tiếp theo nữa. Vì mọi thắc mắc trong ngày của tôi sẽ sáng tỏ vào giờ pháp thoại.

“Tâm trí chúng ta như tâm trí của những kẻ điên. Bạn hãy tưởng tượng có một người thấy thương một người bị điên, ông đem cho anh này một đĩa gồm mấy miếng thịt gà. Ngay khi anh này cầm miếng thịt gà lên, tâm trí anh ta bảo đó là miếng xà phòng và anh ta bắt đầu cọ xát nó lên người để tắm. Ngay khi vừa cọ xát lên người, anh ta lại nghĩ: ồ đây là quả bom, kẻ kia muốn giết mình và anh ta ném những miếng thịt gà vào người vừa cho mình.” Tâm trí của chúng ta cũng như vậy. Khi vừa khởi lên ý nghĩ này, nó liền khởi lên ý nghĩ khác, chưa kết thúc ý nghĩ này, nó lại khởi lên ý nghĩ khác. Tâm trí của chúng ta luôn chạy rông và tốn sức cho nhiều điều vô nghĩa. Đó là những nỗi dung mà tôi ấn tượng trong buổi pháp thoại đầu tiên.

Quả đúng như vậy! Tôi đã thực chứng điều đó với tâm trí của mình khi theo dõi hơi thở tự nhiên. Nếu trước đó tôi được yêu cầu hít ra, thở vào sâu một cách cố ý, tôi sẽ chỉ thấy hơi thở, tâm trí rất tập trung. Nhưng khi tôi cứ để hơi thở tự nhiên và theo dõi những gì xảy ra trong đầu mình thì tôi thấy một loạt ý nghĩ thay nhau xuất hiện. “Các ý nghĩ của chúng ta gồm đủ thứ, nhưng có thể chia làm 2 loại: những ý nghĩ về quá khứ hoặc ý nghĩ về tương lai. Nhưng không có ý nghĩ cho hiện tại.” Ồ, đúng vậy. Chúng ta luôn nghĩ về quá khứ, hoặc tương lai mà ít khi chú tâm suy nghĩ về cái thực tại đang diễn ra ngay tại lúc này, ngay tại đây. Nghịch lý của đời là quá khứ đã qua không thể thay đổi, tương lai thì chưa tới và là hệ quả của những gì đang diễn ra, nhưng chúng ta không dành tâm cho hiện tại. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những nỗi khổ của chúng ta.

Bài pháp thoại của thầy dài và nhiều điều thú vị, nhưng đó là những gì ghi dấu sâu nhất với tôi trong ngày 1. Tôi còn ấn tượng về cách mở đầu bài giảng vào mỗi ngày của thầy: “Vậy là ngày thứ …. đã qua đi, chúng ta chỉ còn … để tu tập.” Lúc đầu chỉ ấn tượng ở giọng điệu, nhưng sau tôi nhận thấy nó mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Một câu chuyện trong bài pháp thoại sau này sẽ làm sáng rõ điều này.

Sau buổi pháp thoại, chúng tôi được hướng dẫn cách thực tập thiền cho ngày tiếp theo trong vòng 30 phút. Luôn là như vậy. Tôi thường mong chờ giây phút này vì tôi là đứa thích điều mới mẻ. Mà tôi nghĩ chắc cũng không chỉ có riêng tôi như vậy. Đặc tính của bộ não con người là thích những gì mới lạ. Cả một ngày thực hành đi, thực hành lại một bài tập, não tôi đã rất chán bài tập cũ, chán đến nỗi những giờ tập buổi chiều nhiều lúc tôi phát hiện mình chợt giật mình sau một vài phút ngủ gật.

Photo: Hartwig HKD
Photo: Hartwig HKD

NGÀY 2 – TRỘM?

Buổi tập ngày thứ 2 chúng tôi được hướng dẫn vừa quan sát hơi thở ra vào tự nhiên, từ quan sát cảm giác vùng tam giác mũi; chấp nhận thực tế là tâm trí luôn lang thang. Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát xem tâm trí có quay trở lại với hơi thở trong vòng 5 phút không. Nếu không quay trở lại thì hít vào thở ra một vài hơi mạnh hơn một chút để gọi nó trở về. Mục đích là bắt đầu quá trình mài sắc khả năng quan sát cảm giác. Các buổi tập đối với tôi vẫn khá nhẹ nhàng. Chúng tôi vẫn được đổi tư thế chân, duỗi ra, co vào mỗi khi thấy mỏi và đau. Hơi buồn ngủ vì cứ tập đi tập lại động tác quan sát tam giác mũi cả ngày.

Chuyện làm tôi thấy mệt hơn lại chính là cái thế giới phức tạp của 31 người phụ nữ trong một căn phòng. Khó chịu với tiếng tụng kinh lầm rầm của bác già ở dãy giường trong; khó chịu vì tiếng lầm rầm nói chuyện của mọi người trong giờ nghỉ; khó chịu vì một vài hành vi vô ý thức trong nhà ăn; khó chịu vì phải chờ toa lét, vì bệ ngồi wc ướt nhẹp; vì chờ phòng tắm, vì chờ chỗ giặt, tiếng xả nước, máy sấy tóc vào giờ nằm nghỉ buổi trưa, vì tiếng dép loẹt xoẹt đi lại,…Mặc dù đã có luật im lặng, nhưng rất ít người giữ luật được tuyệt đối. Hầu hết vẫn thích rì rầm khi không thấy bóng dáng người quản lý. Sau một vài lần bị chị quản lý nhắc nhở phải giữ im lặng, nhiều người bắt đầu canh chừng giống như canh chừng cảnh sát. Tôi cảm ơn sự im lặng. Tôi cũng xác định mình phớt lờ. Tôi vẫn cố để có 15 phút ngủ ngắn sau mỗi giờ ăn sáng và trưa.

TRỘM, ÔI TRỘM…

Giặt thót người, chúng tôi choàng dậy. Một số người kêu toáng lên: Đâu? Đâu? Bật điện lên? Nó chạy lối nào rồi? … Tôi không chắc đó có phải là chị số 15 đang nói hay không. Tôi không cố nhìn xem đó là ai.

– Ôi, cháu cứ thấy có ai sờ soạng ở phía dưới chân. Lúc đầu tưởng là có ai đơ đơ trong phòng mình, ai dè, nhìn rõ là có người mà không rõ là nam hay nữ,….
Mọi người bắt đầu lao vào hỏi:
– Tại sao không kêu lên sớm hơn? Nó chạy đường nào nhỉ? …
Lúc đó là gần 1h đêm. Chị quản lý đi từ tầng 2 xuống. Căn nhà có 2 tầng với cầu thang ở bên ngoài cách biệt giữa tầng 1 và tầng 2. Chị bước vào và nói:
– Suỵt, đã bảo là mọi người không được nói mà. Dù có cháy nhà cũng không được nói. Mọi người về chỗ đi ạ.

Không mất gì cả. Chị để vali ở cuối giường và gác chân lên vali. Tôi cũng không biết có trộm thật không. Sau này được một chị nói chị là người phải dậy bật điện lên đầu tiên nhưng thấy các cửa vẫn đóng. Không hiểu có trộm không. Chỉ biết khi đó tôi cũng thót tim. Nhưng nhờ Sự im lặng, mọi người nhanh chóng không bàn tán, hỏi han, kể lể nữa. Tôi quay mặt sang bên phải và cố sử dụng hơi thở để định thần lại. Cái vali và balo của tôi để ở góc tường gần khu cửa ra vào vẫn ở nguyên đó. Có đôi khi người ta thấy mình cứ ki cóp giữ chặt đồ, họ tưởng có cái gì quý giá lại sinh lòng bất thiện. Tôi nghĩ mình cứ để đồ vất vưởng ở ngoài thế lại hay. Mà trong phòng tất cả đồ đạc có giá trị đều đã được gửi, còn gì ngoài quần áo và những thứ vặt vãnh của phụ nữ. May mà không có tên trộm nào bị bắt. Tôi không biết nếu có trộm bị bắt thì sự thể sẽ ra sao. Có khi người ta túm vào đánh rồi cũng nên. Nghĩ đến mà hãi hùng.

Bắt đầu từ ngày hôm đó, mọi cửa luôn được hỏi đã đóng chưa trước giờ đi ngủ. Bác ở dãy trong đôi khi còn sốt ruột ra gài cửa ngay cả khi biết còn người ở ngoài. Khi được người khác nhắc còn người ở ngoài. Bác lầm rầm:

– Đến giờ rồi thì phải đóng chứ. Ai còn ở ngoài cho ở ngoài.

Tôi im lặng.

NGÀY 3 – CHUẨN BỊ GIẢI PHẪU

Chúng tôi được căn dặn ngày 1, ngày 2, ngày 3 chúng tôi chỉ tập thiền Anapana – thiền theo dõi hơi thở – là sự chuẩn bị cho cuộc giải phẫu sâu nội tâm bằng Vipassana. Phải từ ngày thứ 4 chúng tôi mới bắt đầu thực hành Vipassana . Chúng tôi tiếp tục theo dõi hơi thở, nhưng quan sát cảm giác ở vùng nhỏ hơn – vùng ngay dưới mũi và trên môi trên. Chúng tôi mài sắc khả năng quan sát và cảm nhận cảm giác của mình.

Khi tâm trí đã được giao rõ nhiệm vụ là tập trung vào 1 vùng nhỏ nhất định, chúng bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn. Hoặc do hai ngày luyện tập kéo tâm trí về hiện tại của hơi thở, tâm trí tôi đã không còn lang thang nữa. À, lúc này tôi đã hiểu thế nào là ĐỊNH (Samadhi).

Bài pháp thoại của thầy Goenka mỗi buổi tối luôn là những giây phút tuyệt vời. Thầy kể nhiều câu chuyện rất giản đơn, nhưng lúc này tôi thấy nó thật nhiều ý nghĩa sâu sắc. Luôn nhắc chúng tôi phải quyết tâm, phải kiên trì luyện tập, tâm trí luôn quân bình, chấp nhận bản chất: tâm trí lang thang, hơi thở nông hay sâu cũng đều là thực tại. Chỉ khi chúng ta chấp nhận thực tại đúng như nó là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là, hay nó dường như là thì chúng ta mới có giải pháp cho nó được. Tôi không kể chi tiết về bài Pháp Thoại, tốt nhất nên để phần thú vị này cho bạn tự khám phá.

Photo: Hartwig HKD
Photo: Hartwig HKD

Ngày 4: NGÀY VIPASSANA

Cách thức làm việc của tâm chúng ta là như thế nào?

Qua các giác quan và ý thức, khi gặp bất kỳ sự vật, hiện tượng nào tâm chúng ta cũng bắt đầu từ NHẬN BIẾT nó – CẢM GIÁC nó (nó gây cảm giác dễ chịu hay khó chịu, khoan khái hay tắc nghẽn, êm dịu hay đau đớn,..) – NHẬN ĐỊNH nó (nó tốt hay nó xấu, nó đẹp hay không đẹp, hữu ích hay không hữu ích,…)- và PHẢN ỨNG lại (Ham muốn hay ghét bỏ).

Hầu hết chúng ta chỉ bắt đầu nhận thấy tâm ở tầng lớp bề mặt, từ Nhận định (dễ chịu hay khó chịu, đẹp hay không đẹp,..) rồi sinh ra Phản ứng ham muốn hay ghét bỏ đối tượng. Nhưng thực chất, phần vô thức ẩn sâu bên trong vẫn luôn diễn ra ngay cả khi chúng ta không chú ý đến nó. Nó bắt đầu gây cho chúng ta những thay đổi về hơi thở, những thay đổi cảm giác trên chính thân thể chúng ta. Vipassana là pháp thiền quan sát cảm giác chính trên thân thể chúng ta để phát hiện ra chân lý, phát hiện ra quy luật tự nhiên quyết định vạn vật: Luật Vô Thường – mọi thứ đều sinh ra rồi mất đi. Vạn vật đều luôn luôn thay đổi. Tôi của ngày hôm nay đã không còn là tôi của ngày hôm qua. Và tôi của ngày mai khác tôi của ngày hôm nay. Và anh cũng vậy. Vạn vật đều như vậy.

Bản thân mỗi chúng ta, mỗi cái cây, ngọn cỏ, ngay cả đến trái đất này đều do những phân tử nhỏ đến mức không nhỏ được nữa tạo thành. Chúng luôn vận động không ngừng, không ngừng sinh ra rồi diệt đi. Bản chất của vạn vật là không có bản thể. Cái tôi đâu có gì khác là một “đống” các phân tử đang vận động? Vậy tại sao chúng ta cứ bám víu vào cái “không có” ấy để hành động? Tại sao chúng ta lại cứ làm mình khốn khổ vì cái “của tôi”? Ôi, cô gái mà tôi say đắm rất xinh đẹp, nàng dịu hiền và tài giỏi. Nhưng sắc đẹp ấy đâu có mãi như vậy? Lúc này cô ấy dịu hiền, ai đảm bảo 1 năm sau, 2 năm sau cô ta vẫn dịu hiền? Cô ấy tài giỏi lĩnh vực này, chứ đâu chắc giỏi trong lĩnh vực khác. Ngày hôm nay cô ấy đang tài giỏi vì chịu khó luyện tập, nhưng tương lai cô ta thôi luyện tập thì đâu còn tài giỏi nữa? Vậy tại sao tôi lại say đắm cô ta vì những thứ “không mãi luôn như vậy?” Khi những thứ làm tôi say đắm mất đi, tôi sẽ chán ghét cô ta. Và thế là sự khổ đau của tôi bắt đầu, sự khổ đau của cô ta bắt đầu.

Thầy Goenkaji kể rất nhiều câu chuyện trong các bài pháp thoại trong ngày thứ 4 và các ngày kế tiếp để chúng tôi hiểu về cái lẽ vô thường của sự vật. Về sự bám víu, cố chấp của chúng ta về “cái tôi”, “cái của tôi”, là ngọn nguồn của đau khổ. Nhưng điều quan trọng hơn, thầy muốn chứng tôi chứng nghiệm cái luật vô thường ấy ngay trên thân thể của chúng tôi. Đó chính là đóng góp cao quý nhất của Đức phật. Người tìm ra phương pháp để thực chứng trí tuệ về luật tự nhiên trên chính thân thể của chúng ta. Bằng cách quan sát chính các cảm giác trên thân thể của chúng ta. Và bằng cách ngăn chặn các phản ứng ham muốn, ghét bỏ một cách vô thức của tâm, chúng ta sẽ rèn luyện khả năng giữ quân bình, có được trí tuệ nhìn sự vật như đúng bản chất nó đang là, chứ không phải là chúng ta muốn nó là, hay nó dường như là.

Chúng tôi được hướng dẫn tập trung sự chú tâm vào từng phần của cơ thể, rồi quan sát cảm giác trên từng phần đó. Chúng tôi được yêu cầu ngồi thiền với quyết tâm mạnh mẽ – Adhitthanna – 3 tiếng mỗi ngày vào các giờ 8h-9h, 2h30-3h30, 6h-7h tối. Trong các giờ Adhitthana, chúng tôi phải giữ nguyên tư thế chân và tay, không mở mắt liên tục một giờ. Vipassana không yêu cầu bạn phải ngồi kiết già (vắt hai chân lên nhau), bán già (vắt 1 chân lên trên chân còn lại) hay ngồi khoanh chân bình thường. Bạn có thể chọn bất kể tư thế ngồi nào thoải mái, nhưng phải là ngồi. Và bạn phải giữ đúng tư thế đó trong 1 giờ đồng hồ liền.
Nhưng điều quan trọng nhất được nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại trong suốt các buổi tập là chúng tôi phải giữ được sự quân bình – bình tâm trước mọi cảm giác có trên cơ thể. Dù đó là cảm giác dễ chịu, tinh tế, hưng phấn, hay cảm giác đau nhức, mỏi, giật, cứng đặc thì chúng tôi cũng không được khởi sinh ý (sancara) ham thích hay ghét bỏ. Chúng tôi không được mong chờ mãi thêm cảm giác dễ chịu, không được bực bội, tức giận, ghét cái chỗ đau. Chúng tôi phải luôn giữ quân bình, hiểu rằng cái chỗ đang đau rồi cũng sẽ hết đau, ngay sau đó có thể là cảm giác dễ chịu. Cái chỗ đang có cảm giác dễ chịu ấy rồi cũng sẽ hết cảm giác dễ chịu, và rất có thể ngay sau đó là cảm giác đau.

Nghe có vẻ dễ, nhưng thực tế nó chẳng dễ chút nào. Thực tế vô cùng khó khăn để có ngồi Adhitthana đủ trong 1 tiếng đồng hồ với tâm quân bình. Thầy vẫn ghi chú cho phép chúng tôi có thể thay đổi tư thế nếu đã hết sức quyết tâm mà không thể chịu được nổi đau đớn ở hai chân. Nhưng hãy quan sát số lần đổi chân và cố gắng sao cho mỗi buổi tập sau sẽ đổi chân ít lần hơn. Đó là cách thầy khích lệ và tránh cho chúng tôi nổi lên những ý ghét bỏ cái chỗ đau hay cảm giác đau của mình. Đó cũng là giới hạn cho lòng quyết tâm của mỗi cá nhân. Đó là giới hạn để khẳng định ai là người có quyết tâm mạnh mẽ.

Không giống như những pháp thiền bằng cách tập trung hơi thở hay tưởng tượng tới một hình ảnh dễ chịu nào đó, tụng một câu chú nào đó, chuyển sự chú tâm của mình qua một sự việc khác để giữ bình tâm trước sự việc ta đang khó chịu. Vipassana yêu cầu người ta phải quan sát cái khó chịu trên chính cơ thể của mình bằng cặp mắt của một ông bác sĩ đang không bị đau. Không việc gì phải vội, không việc gì phải kêu ca. Từ từ rồi vết đau sẽ hết. Anh cứ ngồi đây và chờ xem nó hết đau. Cứ thoải mái, bình thường nhé. Đừng có nhăn nhó, đừng có bực tức. Đó là cách chúng tôi rèn luyện cho tâm của mình không phải ứng một cách “vô minh” với những cám dỗ hay những thứ đáng ghét trong đời. Vipassana cho tôi cách thực chứng sự sinh ra và mất đi của các cảm giác ngay chính trong thân thể của mình. Không phải đi đâu xa cả. Hãy ngồi lại và nhìn vào tận sâu bên trong mỗi “vi tử” trên cơ thể của chúng ta. Mỗi phần một. Rồi toàn cơ thể. Rồi lại từng phần một.

Chúng tôi cũng được lưu ý Vipassana không giống các pháp thiền khác đơn giản là tạo một lớp bề mặt yên bình lên các âm ỉ bên trong nội tâm. Tôi ví nó như là cách chúng ta quét một lớp sơn mới sạch đẹp lên bức tường bẩn mốc mà không trà sạch trước vết bẩn mốc đó đi. Lúc mới khô nước sơn mới, bức tường có vẻ rất sạch đẹp, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn đang sinh sôi các bẩn mốc, và đến một ngày, từng lớp, từng lớp bẩn đó sẽ trồi lên bề mặt bức tường. Chúng trồi lên một cách nhanh chóng và ở phạm vi rộng hơn những vết bẩn lần trước. Vipassana là pháp thiền để thanh lọc tâm. Chúng ta mổ xẻ từng lớp, từng lớp tâm thức để rửa sạch các bẩn mốc, các cảm giác ham muốn, ghét bỏ, sân hận trong tận sâu đáy lòng để tự sau đó, tâm chúng ta sẽ bình yên. Mặt bức tường sẽ sạch lâu hơn. Tất nhiên, đó là một quá trình thanh lọc liên tục vì mỗi ngày chúng ta lại tiếp xúc với rất nhiều vết bẩn. Rất nhiều vết bẩn bám lên bức tường của chúng ta. Và quá lâu chúng ta không rửa, giờ đây các lớp bẩn chồng nhiều lớp lên nhau. Lần thanh lọc tâm đầu tiên sau nhiều năm bám bẩn bao giờ cũng sẽ là khó khăn, thách thức nhất. Từng lớp bẩn ẩn sâu bên trong sẽ trồi lên trên bề mặt bằng những cảm giác khó chịu, ứ nghẹn, cứng đặc, đau đớn và chúng ta phải giữ bình quân trước những cảm giác đó. Phải hiểu lẽ vô thường rằng chúng sẽ mất đi, dù nhanh dù chậm, chúng cũng sẽ mất đi. Nếu ngay khi những cảm giác khó chịu đó nổi lên và chúng tôi phản ứng bằng tâm ham muốn hay ghét bỏ, ngay lập tức những vết bẩn đó sẽ sinh sôi nhiều hơn.

KHÓC

Đó là phản ứng đầu tiên làm chúng tôi sửng sốt. Tôi nghe tiếng khịt mũi, tiếng nấc nghẹn rồi thì tiếng khóc vang lên, càng dần càng gào to. Đó là tiếng của một thiền sinh nam ngồi cùng dãy với tôi, cách tôi mấy người. Cả phòng bàng hoàng. Một vài người nam nhốn nháo đứng dậy qua chỗ anh kia. Thiền sư phụ tá vẫn ngồi trên bục nói với giọng dứt khoát: ” Về chỗ”. Và thế là mọi người ngồi xuống. Cái xôn xao, bàng hoàng của bên nhóm nữ thiền sinh cũng lặng xuống. Hai thiền sinh nam vác anh chàng đang khóc đứng dạy về khu nhà ở của nam thiền sinh. Tiếng khóc vọng xa dần.

Tôi vốn đã cố gắng không định mở mắt nhìn, nhưng rồi vẫn mở mắt nhìn về phía anh chàng đang khóc rống lên. Một cảm giác bàng hoàng xuất hiện. À, vậy ra đó là sancara đã nổi lên. Đó là khi người ta không kiểm soát được tâm quân bình. Vipassana không phải là pháp thiền đơn giản. Phải hết sức cẩn thận với Vipassana. Đó là lý do tại sao trong tài liệu hướng dẫn thầy Goenkaji nhấn mạnh thiền sinh không tự tập mà không có sự hướng dẫn của thiền sư hay thiền sư phụ tá. Cả những thiền sinh cũ cũng không được chỉ dạy cho thiền sinh mới.

Đến hết ngày thứ 4, tôi vẫn chưa ngồi thành công Adhitthana. Trong suốt cả ngày, tôi làm việc hoàn toàn chú tâm, không buồn ngủ. Nhưng chân và vai bên trái đau rút khủng khiếp. Tôi chưa thể bình tâm khám xét vết đau trên chính cơ thể mình như một vị bác sĩ đang không phải chịu đựng cái đau được. Tôi thay đổi tư thế ngồi 3 lần.

Tuy vậy, tôi thấy Vipassana thực sự sâu sắc. Những gì trước đây tôi mới công nhận ở mặt lý luận của bản thân. Tôi công nhận về luật nhân quả, về việc gieo hạt giống nào thì được quả đó. Tôi công nhận lẽ vô thường, mọi thứ đến rồi đi nên khi nó đến thì cũng đừng quá mừng vui, hay buồn khổ. Khi nó đi thì cũng đừng quá buồn khổ hay mừng vui. Biết vậy, nhưng trong đời thực tôi chưa thể áp dụng được những thứ chân lý đó vào hành động của mình. Tôi không suy xét kỹ từng ý muốn, lời nói, hành vi của mình trước khi cho nó thể hiện ra bên ngoài. Khi chia tay một mối tình tôi vẫn đau khổ, vẫn oán hờn. Khi bị đối tác bội ước, tôi vẫn bực dọc, oán trách. Tất cả những hiểu biết ở mặt lý luận đó, giờ tôi có thể thực chứng bằng Vipassana. Nó giúp tôi thực chứng, trực tiếp trải nghiệm sự đến rồi đi, trải nghiệm cái tác động từ thái độ, từ hành vi của mình. Tôi bắt đầu khởi lên ý tưởng viết hồi ký về những ngày luyện tập ở đây. Tôi muốn bố mẹ tôi được học Vipassana, anh trai, chị dâu, em trai tôi, cháu trai tôi, con trai tôi sớm được học Vipassana để mọi người sớm tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của chính mình. Tôi nảy ra ý tưởng đưa Vipassana vào nhà tù cho các tù nhân. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu những con người đã từng chịu rất nhiều đau khổ ấy được học VIpassana và tôi nghĩ đất nước Việt Nam sẽ có thể làm nên cuộc dạy sóng về tên tuổi khi tổ chức các khóa Vipassana trong nhà tù. Tôi muốn có những khóa học Vipassana dành riêng cho trẻ em, những đứa trẻ cần trang bị hiểu biết này càng sớm càng tốt. Tôi hứng khởi trong lòng và lao về phòng lấy ra cuốn sổ để ghi chép. Mặc dù quy định của khóa thiền là chúng tôi không được đọc, cũng không được viết. Điều đó chắc hẳn là muốn tâm tĩnh lặng. Nhưng đó không phải là điều phạm vào 5 giới đạo đức – là nền tảng cho Định, cho Tuệ giác, nên tôi vẫn viết mỗi ngày chỉ vài dòng ghi lại sự kiện chính. Tôi sợ mình quên.

Photo: Cornelia Kopp
Photo: Cornelia Kopp

Ngày 5: Mổ xẻ với tâm quân bình

Mặc dù chị bạn nằm bên giường số 17 luôn làm tôi khó chịu vì liên tục gõ ghép lộp cộp. Càm ràm với những người bên cạnh về việc khóa thiền quá nặng. Bắt người ta dậy sớm sẽ làm hại sức khỏe. Chị cho rằng ban tổ chức cần cắt giảm thời gian ngồi thiền đi, chỉ cần 3 tiếng một ngày là đủ. Chị nói tôi không được viết trong khi chị lại không hiểu là mình đang liên tục phạm luật về Sự im lặng. Tôi phớt lờ những lời nói của chị.

Mặc dù thân thể đau nhức, mấy đêm liên tục mơ những giấc mơ kỳ lạ và hãi hùng. Trong những giấc mơ, tôi như một kẻ quan sát khách quan rõ từng chi tiết các hành động của mình. Tâm trí tôi vẫn khá phấn khởi với mỗi ngày tập mới. Tôi thức dậy ngay khi nghe tiếng kẻng kêu, thu dọn chăn màn, làm các động tác massage yoga và lặng lẽ đi lên thiền đường. Tôi không nói chuyện với ai cả. Hoàn toàn im lặng và làm mọi việc một mình.

Buổi thiền sáng sớm, tôi vẫn thấy nam thiền sinh đã khóc ngày hôm qua bước vào thiền đường với tâm trạng bình thường. Tôi cứ nghĩ anh ta chắc hẳn phải nằm bẹp sau buổi hôm qua. Nhưng không. Rõ ràng, mọi sự đến rồi đi. Trong buổi thiền sau bữa sáng, tôi nghe hơi thở anh ta bắt đầu gấp gáp, thở lớn và hít lên giống người bị hen suyễn. Và rất nhanh chóng một thiền sinh khác nhấc anh ta đứng lên. Hai chân vẫn quặp ở tư thế kiết già. Anh ta chưa kịp khóc và cũng không tiếng khóc sau đó. Vào những ngày sau này, anh ta hoàn toàn khỏe mạnh. Các chị lớn tuổi hơn nói: đó là nghiệp kiếp trước nổi lên khi thanh lọc tâm. Sancara cũ quá mạnh và người ta không chịu nổi. Tôi lặng lẽ nghe.

Sau khi đã tập quan sát từng phần cơ thể riêng rẽ, giờ chúng tôi tập quan sát đồng thời cùng lúc các bộ phận cơ thể đối xứng, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Sau nhiều giờ nỗ lực, vào giờ thiền buổi tối tôi cũng đã học được cách quan sát vết đau của mình với thái độ của một vị bác sĩ đang không phải chịu đau đớn như tôi. Thầy dạy phải xem xét từng phần vết đau, mổ xẻ nó, so sánh nó, chia tách nó ra từng phần, nhìn sâu vào nó. Tôi làm theo và đau thật là đau. Nhưng nhờ tâm quân bình, sự chú tâm vào việc mổ xẻ thay vì nỗi đau nên nỗi đau cũng bớt dần. Dẫu vậy tôi vẫn chỉ ngồi Adhitthana được 50 phút. Rồi mở mắt và đổi thế chân. Chỉ còn 10 phút nữa. Cố lên.

Thầy Goenkaji tiếp tục kể một câu chuyện. Nhấn mạnh rằng chuyện kể cũng chỉ là chuyện để kể thôi.

“Một bà mẹ đưa cho một đứa con trai của mình 1 cái chai và 10 đồng Rupi, nói cậu bé đi mua dầu ăn. Cậu bé đi mua được đầy chai dầu, và trên đường về vấp vào cục đá. Cậu ngã và làm đổ chai dầu. Dầu đổ ra đường và trong chai còn một nửa lượng dầu. Cậu chạy về nhà nức nở khóc lóc và nói:

– Con đã đánh đổ mất dầu, giờ chỉ còn lại nửa chai thôi.

Bà mẹ này lại đưa cho đứa con trai khác 10 đồng Rupi và một cái chai để đi mua dầu. Cậu bé này cũng bị vấp ngã và đánh đổ mất nửa chai dầu. Cậu đứng dậy và đi về nói với mẹ một cách tươi tỉnh:

– Con bị ngã nhưng may thay chai dầu không bị vỡ. Con vẫn còn giữ được nửa chai dầu.

Bà mẹ lại đưa cho một cậu con trai khác 10 Rupi và một cái chai để đi mua dầu. Cậu bé cũng bị vấp ngã và đánh đổ nửa chai dầu. Nhưng đây là cậu bé Vipassana. Cậu chạy về nói với mẹ một cách bình thản:

– Con bị ngã và đã làm mất nửa chai dầu. Nhưng con vẫn giữ lại được nửa chai.
Và cậu bé này quyết tâm ngày hôm đó phải nỗ lực làm việc thêm để kiếm 5 rupi mua lại nửa chai dầu đã mất.”

Câu chuyện này chính là thứ cho tôi hiểu ý nghĩa sâu sắc trong câu mở đầu của thầy mỗi buổi Pháp thoại: “Ngày thứ … đã qua đi. Chúng ta chỉ còn… ngày để tu tập.” Và cũng như thế, tôi đã qua gần nửa đời người, chỉ còn nửa đời người để tu thân. Tôi cần phải nỗ lực hơn gấp đôi để bù đắp cho nửa đời đã bỏ phí. Tôi quyết tâm ngày mai sẽ cố ngồi cho được Adhitthana.

Ngày 6: Món quà

Phòng chúng tôi phân công cứ 3 người sẽ lo trực nhật một ngày: cọ rửa nhà vệ sinh, quét dọn và nấu nước nóng cho mọi người tắm – hạng mục công việc mà tôi không biết tới vì chưa dùng nước nóng để tắm khi nào.

Rủi thay số của tôi là 18 và tôi làm cùng nhóm với số 16 và 17.

Ngày thứ 6 là tới phiên chúng tôi. Không ai nhắc ai cả. Các nhóm cứ nhớ đến ngày của mình mà tự làm. Sau khi ăn sáng và chờ mọi người vệ sinh một hồi. Tôi và chị số 17 bắt đầu dọn dẹp. Bạn số 16 mặc dù là người có vẻ rất am hiểu, đi nhiều, ở nhiều, nhưng lại không hề có khái niệm về việc trực nhật. Bạn dửng dưng không hề có ý nghĩ đó là ngày trực nhật của bạn. Và trong lúc chúng tôi cọ rửa nhà vệ sinh, quét dọn thì bạn ngồi trang điểm da mặt. Chà, có một chút khó chịu về thái độ đó. Nhưng vì giữ luật im lặng. Tôi không nói. Lặng lẽ làm cho xong việc.

Chị số 17 tỏ ra là người rất chịu khó làm việc. Trong những ngày ăn trước đó, mặc dù chúng tôi được yêu cầu không được nói chuyện. Ai ăn xong thì tự rửa bát của người đó và xếp gọn vào giá đựng, nhưng chị rất mau lẹ nói mấy bác già hay nói chuyện cứ để bát chị rửa. Kết quả là những người đứng hàng sau phải chờ chị rửa dài dài một cách ngán ngẩm. Và trong buổi trực nhật lần này cũng vậy.

Quét dọn xong tôi leo lên giường định chợp mắt một chút trước giờ tập tiếp theo. Đang liu riu ngủ thì giật nảy mình vì có ai đó chạm mạnh lay người tôi : “Em ơi dậy khiêng cho chị cái nồi nước.”

Một trong những quy định chặt chẽ cũng tương ứng với sự im lặng là sự đụng chạm. Mọi người không được đụng chạm vào người nhau. Lý do đơn giản là vì chúng tôi đang rất tĩnh tâm để tự nhìn vào trong mình. Chúng tôi không cần có thêm xúc chạm với ai khác để gây xáo động tâm trí.

Bực bội trong lòng, tôi đứng dậy đi khiêng nồi nước với chị. Vấn đề là cái bếp than đã tắt ngúm và giờ làm sao để nhóm than lại khi không có bật lửa, không có mồi nhóm. Bác già ở dãy trong lại một lần nữa ra và nói: “Đáng lẽ phải thay than từ đêm hôm qua. Trực nhật phải lo việc đó. Giờ xuống nhà bếp để mà xin than nhóm.”

Chị nói tôi:

– Đi, em đi với chị xuống nhà bếp xin than.

Bất đắc dĩ, tôi cũng lững thững đi theo chị xuống nhà bếp cách đó khoảng 100m. Đi được một đoạn ngắn thì nhớ ra là lấy gì đựng than? Lại quay trở lại lấy cái cây gắp than. Tôi vừa quay trở lại thì thấy chị đang hỏi 2 cô thiền sư phục vụ đi từ nhà bếp lên và thấy cô già hơn gật gật đầu và thấy chị quay trở lại. Chị lần thần quay về không nói gì.

Tôi miễn cưỡng hỏi: “sao chị?”
– Cô ấy bảo cứ để đó sẽ có người nhóm cho.

Chưa tới 5 phút sau khi chúng tôi về phòng. Trong lúc chị số 17 vừa ra khỏi phòng thì chị quản lý bước xuống từ tầng hai với giọng bực bội: “Các chị có việc gì cần hỏi thì cứ hỏi người quản lý, hỏi em đây này. Sao lại cứ gặp ai là túm người đó lại hỏi là sao. Đã nói chuyện ăn ở, đau chỗ nào, cần cái gì thì hỏi em cơ mà.” Không khí trở lên sánh đặc. Tôi chợt nhận ra: “À, vậy là kể cả người đã theo học và tu tập rồi vẫn không thể tránh khỏi việc bực bội, nổi giận, vẫn có nhiều lúc không thể bình tâm.”

Tôi im lặng không nói gì. Quay lại tự nhủ với lòng mình. Còn phải tu dài dài. Tốt nhất là không nên tức giận để lại nổi sancara sân hận. Nghĩ vậy, tôi thấy mình nhanh chóng chuyển từ tức giận sang thương cả chị bạn cùng thiền lẫn chị quản lý. Công việc quản lý lo chuyện ăn ở, suốt ngày phải lo nhắc nhở mọi người quả thực là mệt nhọc.

Thầy Goenkaji kể thêm một câu chuyện mà tôi nhớ nội dung đại khái là:

Hồi Đức phật còn tại thế, có vị trưởng phái Balamon nơi người giảng dạy Vipassana vô cùng tức giận vì không những các học trò mà ngay cả vợ con ông giờ đây cũng thực hành Vipassana và không còn nghe theo lời ông nói. Ông quyết tâm tới để đập bể sọ Đức phật ra. Khi ông tới nơi, Đức phật chào hỏi và mời ông ngồi nói chuyện. Nhưng ông nghĩ Đức phật là người rất thông minh, ông quyết không ngồi nói chuyện vì sợ nói chuyện sẽ làm ông không còn giữ được ý định đập bể sọ Đức phật. Đức phật nói với ông:

– Ông chỉ cần trả lời tôi một câu hỏi thôi rồi tôi sẽ để ông làm việc ông muốn làm. Nhà ông thường có khách tới thăm không?
– Tất nhiên là có chứ. Ông hỏi gì lạ vậy?
– Thế khi các vị khách đến thăm ông, họ có mang theo quà tặng ông không?
– Tất nhiên là có rồi. Ông quan tâm tới điều đó làm gì?
– Khi họ tặng ông quà và ông không nhận thì điều gì sẽ xảy ra?
– Thì món qua đó vẫn là của họ.
– Đấy chính là điều tôi muốn nói với ông. Ông đến nhà tôi như một vị khách và ông theo một món quà. Tôi không nhận món quà đó và món quà đó vẫn là của ông.

Vậy đấy. Khi có ai đó tặng bạn một món quà khó chịu. Bạn có quyền từ chối nhận món quà đó và món quà khó chịu đó vẫn thuộc về người khác. Không ai bắt bạn nhận được. Nhưng thay vì từ chối món quà khó chịu, chúng ta lại thường nhận và trao lại cho đối phương cũng một món quà khó chịu khác, và cứ như thế khiến cả hai cùng có nhiều món quà khó chịu. Giờ tôi thấy câu chuyện này thật ngấm đối với tôi.

Tôi kết thúc ngày thứ 6 với sự khoan khoái trong lòng. Tôi đã nhích thêm được 5 phút chịu đựng cái đau ở chân khi ngồi Adhitthana. Chỉ còn phải cố thêm 5 phút nữa thôi. Và bài học quan trọng trong ngày: Tôi muốn nhận món quà nào là tùy ở nơi tôi.

Ngày 7: Ngẫm về Đạo Phật

Tôi vốn rất dị ứng với cảnh người ta chen chân lên chùa, đốt hương, đặt lễ và cầu khấn. Tôi nghĩ giả như các vị như Đức Phật, Chúa Giesu, Thánh Ala, hay bất kỳ vị thượng đế, thần thánh nào khác mà có khả năng nghe được lời cầu khấn của nhân loại thì chắc các vị ấy sẽ phải đau buồn ghê lắm. Cái gốc chung của mọi tôn giáo đều khuyên con người ta phải tự mình phấn đấu, tự mình sống tốt với những người xung quanh và từ đó cuộc sống của mình sẽ trở nên tốt đẹp theo. Nhưng vì nhiều lý do, vì mục đích sử dụng tôn giáo của nhiều người khác đi mà các tôn giáo trở nên biến tướng. Tôi đặc biệt ghét các loại nghi lễ và việc cầu khấn. Tôi cho đó là niềm tin mù quáng.

Trong tất cả các buổi pháp thoại, thiền sư Goenkaji đều nhắc đi nhắc lại việc Đức phật không hề muốn có Đạo phật. Người chỉ tự tìm ra con đường giải thoát cho bản thân khỏi nỗi thống khổ, và vì lòng từ bi người đã giảng dạy con đường đó cho chúng sanh. Bất kể người thuộc giáo phái nào, tin vào vị thần nào, đức thượng đế nào đều có thể theo học pháp thiền thực chứng quy luật tự nhiên của Ngài. Ngài không quan tâm, không yêu cầu việc họ từ bỏ niềm tin tôn giáo của riêng họ. Đức phật chỉ dạy về 3 thứ: Giới – Định – Tuệ và đóng góp lớn nhất của Ngài là phát hiện ra Tuệ thực chứng – là trí tuệ tự chúng ta có thể thực chứng bằng trải nghiệm của bản thân, chứ không đơn thuần chỉ là nghe vị vĩ nhân nào đó nói hay sử dụng lý luận của mình để công nhận. Và điều quan trọng hơn là Ngài đã tự tu tập và tự tìm được con đường giải thoát cho chính mình. Chúng ta chỉ có thể trông cậy vào bản thân chúng ta. Các vị vĩ nhân, Đức phật, Thượng đế hay bất kỳ vị thần thánh nào khác cũng chỉ có thể chỉ dẫn giúp ta con đường đi. Không ai có thể bước đi thay chúng ta được.

Cái đạo mà loài người phải theo đó chính là đạo của trời đất, là quy luật tự nhiên. Đó là luật vô thường, là nhân quả.

Loài người đang tự vẽ nên hình tượng thượng đế theo ý của họ muốn và lại dựa dẫm vào đó để trông chờ phép lạ màu nhiệm. Chính vì thế mà có những người miệng niệm phật, tụng kinh nhưng vẫn luôn làm điều bất thiện. Vẫn luôn khởi phát ý muốn, lời nói, hành vi làm tổn hại đến người khác.

9h sáng, tôi đã ngồi được Adhitthana. Lần đầu tiên bao giờ cũng là khó khăn nhất. Tôi tin tưởng lần sau sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi đã nhầm.

Photo: Hartwig HKD
Photo: Hartwig HKD

Ngày 8: Ngày khó khăn

Trong các buổi pháp thoại, thầy Goenkaji đã cảnh báo trước với các thiền sinh là người ta dễ nản lòng, bỏ cuộc nhất vào ngày thứ 2 và thứ 6, nhưng tôi lại thấy ngày khó khăn nhất ở ngày thứ 8.

Bài tập thực hành cho ngày thứ 7 và thứ 8 bắt đầu khó khăn hơn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó tập luyện hơn nhiều và cả sự bình tâm hơn nhiều. Và có thể chính những sancara cũ – những vết bẩn tồn kho từ trước bắt đầu nổi lên làm cho thân thể mọi người đau nhức, rã rời. Tôi liên tục thấy khắp các bộ phận trên cơ thể mình có những co giật liên hồi và toàn thân mệt như người hết hơi. Chị bạn giường số 17 sau mấy ngày liên tục bỏ buổi thiền sớm, bắt đầu nói to với những người giường bên cạnh là pháp thiền không khoa học. Bắt người ta thức quá sớm ảnh hưởng sức khỏe. Thiền là phải thấy thoải mái chứ ai lại thấy quá căng thẳng thế này. Lại không được nói, khó chịu hết sức. Và bốn chị giường bên bắt đầu rì rầm bàn tán. Góc phía bên phải tôi, góc dãy giường phía trong, dãy giường phía ngoài đều rầm rì tụm 3, tụm 4 nói chuyện. Có một bác khoảng trên 60 đã dọn sẵn hành lý, chờ xin phép thiền sư để ra về. Cảm xúc có tính lan truyền. Tôi có cảm giác là nhiều người thấy nản lòng. Tôi cố gắng kiềm lòng, lặng lẽ nằm quan sát.

Trong buổi thiền sáng, tôi cố gắng tập trung ngồi Adhitthana, tưởng là lần 2 mình làm sẽ dễ dàng hơn, nhưng không phải thế. Trong lòng tôi không được quân bình, tôi thấy chân và vai nhanh chóng đau nhức hơn ngày hôm trước.

Có vẻ như cả chị quản lý và nữ thiền sư phụ tá đều không thuyết phục được bác già cố gắng ở lại để tập cho hết khóa. Tôi không thấy bác vào buổi ăn trưa. Thế nhưng đầu giờ chiều lại rất ngạc nhiên khi thấy bác đã quay trở lại và lên lại thiền đường. Mọi người hỏi thì được câu trả lời: Con trai không cho về. Vào ngày cuối khóa tôi hỏi tại sao bác lại định ra về? Bác bảo do bị hạ huyết áp, ở nhà quen ăn đêm, uống sữa trước khi đi ngủ. Con trai bác đã đi khóa trước và giờ đang tình nguyện làm thiền sinh phục vụ, không cho bác mang sữa đi theo. Bác lại ngại không nói với ban quản lý sắp xếp cho bác ăn chiều nên đói, tụt huyết áp, rụng rời chân tay. Chiều hôm đó mới nói với ban quan lý thì bác được bố trí suất cơm chiều. Tất cả những ai đang điều trị bệnh, hay có bệnh đặc biệt đều được yêu cầu thông tin cho Ban quản lý để có chế độ chăm sóc riêng. Ấy vậy mà bác lại không thông báo. Chà, vậy là bác dở quá rồi. May mà bác đã ở lại.

Sau mấy ngày âm ỉ ý tưởng về việc muốn đóng góp công sức để nhiều người được biết tới Vipassana hơn, ý tưởng về việc đưa các khóa thiền Vipassana vào các nhà tù và khóa thiền dành riêng cho trẻ vị thành niên. Cộng thêm suy nghĩ sẽ có nhiều người đến gặp và nói chuyện với hai thiền sư phụ tá vào ngày thứ 10 – ngày bãi bỏ luật im lặng nên tôi nóng lòng đăng ký gặp thiền sư vào buổi trưa hôm đó. Đến gặp cùng tôi còn có 3 người khác nữa, có cả hai người nằm hai giường cạnh tôi, số 17 và 19, và một cô nằm dãy ngoài. Hai người còn lại đều gặp khó khăn về việc mất ngủ, còn chị số 17 thì có vẻ đã rất nản lòng và gặp stress vì hôm nào cũng không thể dậy cùng giờ với mọi người để lên thiền buổi sớm.

Trong thuyết pháp ngày thứ 7, thiền sư đã chỉ dạy là thiền sinh có thể thiền bằng cách quan sát các cảm giác trên cơ thể của mình ngay cả khi nằm xuống giường. Và với cách quan sát đó thì ngay cả suốt đêm không ngủ được nhưng sáng hôm sau thiền sinh vẫn có thể cảm thấy rất khỏe mạnh, tinh tấn như thường. Nhưng có vẻ người ta cũng chỉ nghe được một vài phần nào đó trong những buổi pháp thoại, chưa nói đến việc áp dụng. Sau khi được cô thiền sư phụ tá giải đáp, động viên, tôi thấy cả 3 lần lượt đi ra có vẻ nhẹ nhõm hơn.

Vì nghĩ mình có rất nhiều điều muốn trao đổi với thiền sư phụ tá. Khi đó tôi vẫn nghĩ chính hai thầy cô thiền sự phụ tá là người lo tổ chức khóa thiền nên mặc dù tôi đăng ký ở số thứ 2, nhưng tôi nói với chị quản lý là tôi xung phong tham vấn cuối cùng để dành cho 2 chị kia tham vấn trước. Tôi không ngờ cả ba người lại mất nhiều thời gian đến thế. Khi đến lượt tôi chị quản lý nói: “Em hỏi ngắn gọn thôi, đừng làm mất thời gian buổi nghỉ trưa của cô”. Ừ nhỉ. Vì rất phấn khích với ý tưởng của mình, tôi quên mất là tôi đang làm mất thời gian của cô. Tôi gật đầu và bước vào thiền đường gặp cô. Tôi hỏi cô về hiện tượng co giật khắp thân của tôi và việc tôi rã rời sau buổi tập. Cô nói tôi cứ tiếp tục quan sát thêm. Vipassana hoàn toàn tốt cho cơ thể khi tập đúng kỹ thuật. Và tôi nói với cô về mong muốn viết hồi ký để nhiều người biết đến Vipassana hơn. Cô nói tôi rất tốt, và hãy từ từ để lại cái ý nghĩ ấy vào ngày cuối khóa, sau khi chính bản thân tôi là người đã tu tập phương pháp thành thục. Đã thực sự thấy lợi ích từ phương pháp. Tôi hiểu ý cô: Mình có thấy được lợi ích tốt rồi thì nói người khác mới nghe. Và điều quan trọng lúc này là tôi cần tập trung tâm trí để tập luyện. Tôi chào cảm ơn cô rồi ra về. Kết thúc tham vấn trong 5 phút và nghĩ mình phải quyết tâm tập cho được.

Mọi người rầm rì nói chuyện trong phòng. Tôi thấy hơi phiền muộn rồi cũng nhủ lòng bình thản, im lặng. Cuối ngày tôi đã ngồi lại được Adhitthana.

Ngày 9: THỰC CHỨNG LUẬT VÔ THƯỜNG

Thực tập liên tục việc thay đổi sự chú tâm để quan sát cả cơ thể từ đầu tới chân, từ chân lên đầu, rồi lại quan sát cảm giác của từng phần riêng biệt của cơ thể, chúng tôi sẽ đạt được luồng cảm giác luân lưu thông suốt nhẹ nhàng khắp cơ thể và cảm giác cơ thể tan ra, không có hình dáng chắc đặc thông thường mà có thể cảm nhận rõ các vi tử đang vận động, đang thay đổi. Có thể thấy rõ bản chất vơ thể của mình. Sau khi có sự tan ra này, các lớp ý thức của tâm (sancara tham ái hay sân hận tích trữ trước đó sẽ dần nổi lên thành những cảm giác khó chịu. Chúng tôi cần bình tâm để quan sát các cảm giác đó, và chúng tôi sẽ thấy nó tan biến. Đó là cách chúng ta chứng nghiệm quy luật vô thường của tự nhiên trên chính cơ thể của mình: quy luật vạn vật khởi lên rồi lại mất đi.

Vào buổi tập sáng ngày 9 tôi đã thực chứng sự tan ra của cơ thể và quan sát việc xuất hiện những vùng đau rồi lại tự tan đi sau một lúc đau nhức. Ngay cả chỗ đau ở chân của tôi cũng tan biến. Thật tuyệt vời! Tôi muốn reo vang lên. Nhưng nguyên tắc là tôi phải bình tâm, nếu không thì các sancara sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở và tôi sẽ không thể diệt trừ mớ những tham ái, sân hận đã tích trữ từ lâu. Vậy là tôi phải kiềm lòng. Tiếp tục quan sát. Từng khu vực vừa lúc trước có cảm giác rất nhẹ nhàng giờ trở nên đau nhức. Khu vực đau nhức lại dần dần tan biến và cả cơ thể có cảm giác nhẹ bẫng, cảm giác rõ sự chuyển động của các phân tử li ti.

Vào gần cuối bữa trưa ngày 9 chúng tôi thấy người ta dán tờ thông báo: Thiền sư Goenkaji đã qua đời vào 10h30 sáng ngày 29/9/2013 tại Ấn Độ. Thọ 90 tuổi. Mọi sự là vô thường. Nguyện cho thiền sự được an lạc, được giải thoát.

Một luồng không khí lạnh toát chạy qua toàn thân từ chân đến đầu. Tôi nhắm mắt, đan chặt hai bàn tay đặt lên trên miệng: nguyện cho thiền sư được giải thoát. Cho tới lúc này tôi mới nhận thấy rõ sợi dây liên kết của Thầy đối với tôi. Trước đó, tôi vẫn chỉ thấy Thầy như một người xa lạ. Những lời pháp thoại của thầy mà chúng tôi được nghe mỗi ngày đã được dịch bằng giọng một thiền sư người Việt nào đó chứ không phải giọng của Thầy. Thứ duy nhất tôi nghe được là những câu tụng mang giai điệu đặc biệt của Thầy.

Tôi cố bình tĩnh trở lại. Mọi sự là vô thường!

Photo: PaulSteinJC
Photo: PaulSteinJC

Ngày 10, 11: Ngày phá bỏ sự im lặng, ngày yêu thương

Vào ngày thứ 10, để chuẩn bị cho thiền sinh quay trở lại với đời sống thường ngày, luật im lặng sẽ được phá bỏ. Mọi người có thể nói chuyện với nhau. Ai cũng háo hức, rộn ràng từ đêm hôm thứ 9. Riêng tôi thì không.

Chúng tôi được phép nói chuyện với nhau bên ngoài khu vực thiền đường từ 9h sáng ngày 10. Nhưng mọi người đã không thể giữ được sự im lặng từ đêm thứ 9. Sáng sớm ngày 10, khi tất cả rộn ràng ồn ào cả phòng. Tôi lặng lẽ lên thiền đường sớm.

Metta được gọi là phương pháp thiền tâm từ. Không giống Vipassana là ta tự soi vào tầng lớp sâu thẳm nhất của nội tâm để thanh lọc tâm, để tìm sự giải thoát cho chính ta, Metta là chúng ta tỏa ra những rung động yêu thương, mong muốn chia sẻ tình yêu thương, sự hòa hợp, thanh thản đến cho những người khác, cho muôn loài khác.

Metta là phần kết của Vipassana. Sau khi đã tìm được con đường giải thoát của bản thân, chúng ta khởi phát lòng từ bi, muốn san sẻ tình thương yêu thuần khiết, không vụ lợi đến cho mọi người khác, cho mọi loài quanh chúng ta. Đó là cái triết lý nhân ái mà tôi rất thích của Vipassana. Chúng tôi được yêu cầu sẽ thực hành thiền 5 phút Metta sau mỗi buổi tập Vipanassa .

Có nhiều người trong chúng tôi thắc mắc: Các chị thiền sinh ở đây nấu cơm chay ngon thế. Thực phẩm không có gì đặc biệt, món làm rất tự nhiên nhưng chúng tôi cảm thấy rất ngon. Và giờ thì chúng tôi đã hiểu. Các thiền sinh phục vụ trao tặng toàn bộ thiện ý Metta vào trong việc chế biến các món ăn. Họ phải thức dậy từ 3h30 và sau khi tất cả các thiền sinh mới đi nghỉ họ mới bắt đầu ngồi thiền cùng hai vị thiền sự phụ tá từ 21h30 cho đến 23h giờ mới ngủ. Rất nhiều người trong chúng tôi đã vô cùng xúc động khi biết rằng vì Hà nội mới tổ chức khóa thứ 3, chưa có đủ thiền sinh cũ thiện nguyện để phục vụ cho khóa mới, nên có cả thiền sinh trong Đà Nẵng, Hồ Chí Minh hay Đà Lạt đã tự nguyện bay ra đây để phục vụ chúng tôi suốt 10 ngày rồi lại bay về.

“Tôi là một người kinh doanh, và tôi thích cái truyền thống đã đi học thì phải trả đủ học phí thì mới học thực sự tốt được. Vì thế các bạn được yêu cầu hãy trả học phí cho tôi bằng cách tu tập Vipassana thật tốt và ban phát Metta cho muôn loài. Trong mọi loại cúng dường thì cúng dường Dhama (Con đường giải thoát khỏi khổ đau) là cao quý nhất. Các bạn hãy cúng dường Dhama bằng những đóng góp cho các khóa học thiền sinh sau.” Đó là lời dặn dò cuối cùng của Ngài Goenkaji trong cuốn băng hướng dẫn chúng tôi vào ngày mãn khóa, sáng sớm ngày thứ 11. Tôi không cầm được những giọt nước mắt tự lăn dài trên má.

Trưa thứ 10 tôi nhức đầu khủng khiếp vì tiếng ồn ào khắp phòng. Tôi vốn thường xuyên bị đau nửa đầu, và trong suốt cả buổi chiều hôm đó, khi ngồi thiền một nửa đầu tôi như một khối bê tông chắc đặc. Tôi ngồi thiền liên tiếp từ 2h30, không nghỉ giữa giờ mà vẫn không làm tan rã được khối bê tông chắc đặc ấy. Phải sau phần tụng kinh cuối cùng của thầy Goenkaji thì toàn thân tôi mới nhẹ nhõm trở lại. Trước khi gặp được thầy của mình, trước khi thực hành Vipassana, Ngài Goenkaji bị mắc chứng bệnh đau nửa đầu kinh niên. Ông đi khắp các nước mà không bệnh viện nào chữa trị được. Cũng chính nhờ chứng đau đầu này mà ông được một người bạn giới thiệu đến với thầy của ông – ngài U Ba Khin. Vipassana được truyền dạy và gìn giữ từ thầy đến trò trong suốt 25 thế kỷ qua. Đã có thời rất thịnh hồi Đức phật còn tại thế, rồi đã suy tàn ngay chính tại quê hương Ấn Độ. Và Goenkaji chính là người đưa Vipassana trở về thịnh hành tại Ấn Độ sau 2500 năm suy tàn.

Đêm ngày 10 mọi người trong phòng dường như không ngủ. Tiếng nói vang lên khắp nơi. Tôi đã chứng kiến một vài cái không hay nho nhỏ từ việc nói giữa những người bạn thiền. Chị bạn giường 17 bỗng nhiên ngày này lại ít nói. Chị đi ngủ từ sớm. Tôi có cuộc trò chuyện thú vị vào buổi chiều với chị phụ trách ban tổ chức và buổi tối với một chị thiền sinh tôi đã gặp ngay từ bến đợi xe. Nói chuyện với chị phụ trách ban tổ chức khóa thiền tôi mới biết khóa thiền hoàn toàn là do các anh chị đứng ra tổ chức, lo mọi thứ. Các thầy thiền sư phụ tá cúng dường chính bằng công sức giảng dạy. Các thầy cũng theo tinh thần hoàn toàn tự nguyện cúng dường công giảng dạy về Việt Nam. Ban tổ chức lo tiến vé đi về. Và đôi khi các thầy cũng cúng dường luôn tiền vé. Còn lại Ban tổ chức phải lo thuê địa điểm, lo toàn bộ thực phẩm, đồ dùng cho các thiền sinh. Tất cả tài chính đến từ cúng dường của các thiền sinh cũ. Những ai chưa qua tu tập 10 ngày Vipassana muốn cúng dường cũng không được. Phần thiếu hụt các anh chị ban tổ chức phải tự thu xếp. Quy tắc của các khóa học Vipassana do thầy Goenkaji giảng dạy là hoàn toàn miễn phí cho các thiền sinh. Đây là cách ông giúp các thiền sinh bỏ bớt “cái tôi”, cái chấp ngã của bản thân trong suốt khóa học. Dù là người nhiều tiền hay ít tiền thì mọi thiền sinh đều được đối xử công bằng như nhau. Và không ai được đòi hỏi ưu ái nào.

Chị phụ trách là một người phụ nữ có vẻ đẹp hết sức đằm thắm, toát lên nét hiền từ, cao quý. Chị hiện vẫn đang làm việc tại Unessco Việt Nam và chị mong muốn có thêm sự chung sức của nhiều anh chị em sao cho có thật nhiều người Việt Nam được hưởng lợi từ pháp thiền tuyệt vời này. Tôi rất tâm đắc với ý nguyện này của chị. Và tôi thực sự nể phục làm sao các anh chị có thể cáng đáng được nhiều đến như vậy. Riêng tiền thuê địa điểm tổ chức cho mỗi khóa thiền 10 ngày đã mất 50 triệu. Tôi có thể làm được những gì?

Các anh chị cũng cố gắng duy trì các buổi thiền chung tại Hà Nội vào ngày chủ nhật mỗi tuần cho các anh chị em thiền sinh cũ. Mấy chị em chúng tôi dặn nhau sẽ tham gia thiền chung.

Đêm không ngủ, tôi trằn trọc suy nghĩ về Vipassana. Đây thưc sự là một phương pháp chứng nghiệm tuyệt vời cho tất cả mọi người. Không chỉ thực chứng được quy luật tự nhiên, con người được giáo dục sống có đạo đức, sống có tâm yên bình và lòng từ bi với mọi người quanh mình. Tôi mong muốn góp công để có thêm nhiều người được hưởng lời từ Vipassana.

Tuy vậy, tôi luôn nhớ lời thầy Goenkaji dặn chúng tôi nhiều lần: Điều quan trọng là bạn phải tự tiếp tục tu tập. Phải duy trì sự tu tập hàng ngày ngay giữa đời thường mới là điều quan trọng. Khóa tu 10 ngày này chỉ là sự khởi đầu của bạn trên con đường của sự giải thoát. Nó không đảm bảo là bạn tìm được sự giải thoát.

Tôi thấy rõ điều đó khi mọi người bắt đầu nói nhiều trở lại. Mặc dù tôi thấy ai cũng vui tươi, phấn khởi, nhường nhịn nhau hơn, yêu thương, trìu mến nhau hơn vào 2 ngày cuối cùng, nhưng tôi vẫn thấy sự lơ đãng tâm trí khi chúng ta nói quá nhiều. Tôi nhớ câu: Nói lời chánh ngữ còn khó hơn nhiều so với việc giữ sự im lặng.

Một khía cạnh tuyệt vời của việc phá bỏ sự im lặng là tôi được nghe nhiều câu chuyện đặc biệt, từ những con người đặc biệt trong khóa thiền. Chuyện này tôi sẽ kể cho các bạn nghe sau. Mỗi hoàn cảnh lại là những bài học về đời và đạo mà bây giờ tôi nghiệm thấy ý nghĩa sâu sa mà trước đây có thể tôi không thấy.

Tôi đăng ký vào danh sách các thiền sinh phục vụ cho khóa thiền kế tiếp vào ngày 20/11. Tôi mong gói quà này của tôi sẽ đến được với thật nhiều người người bạn – những người tôi đã gặp, tôi đang gặp mỗi ngày hay những người bạn tôi chưa gặp. Mong rằng món quà này sẽ đem lại cho bạn những cảm giác dễ chịu, khoan khoái.

Và như câu tụng của thầy tôi mỗi ngày, tôi cũng xin nguyện cho tất cả các bạn được an lạc thực sự, hạnh phúc thực sự, giải thoát thực sự!

P/s: Đây là những nội dung tôi nhớ lại sau khi hoàn thành khóa thiền. Vì không được phép ghi nhật ký dài, có những nội dung tôi không nhớ chính xác hoàn toàn các câu chữ và thời gian. Bạn cũng lưu ý đây là những cảm giác, những trải nghiệm của riêng tôi. Không ai có trải nghiệm giống nhau khi làm cùng một việc.

Bạn có thể xem chi tiết các thông tin về Vipassana tại đây http://ucenlist.org/

 

Bui Hang

Bạn là sinh viên và bạn muốn thành công mà không cần sự trợ cấp từ gia đình?

Ảnh: Mạnh Hải

 

Gửi những người đang và sắp trờ thành sinh viên!

Năm sau mình đã là một sinh viên rồi, vậy là cũng sắp thành người lớn rồi, đôi khi rảnh (thường là vào lúc chuẩn bị lên giường đi ngủ) mình thường nghĩ về tương lai của sinh viên. Ai cũng nói sinh viên là một trong những thời khắc đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Với mình sinh viên là thời khắc chuyển giao từ trẻ con sang người lớn. Cũng như thời khắc giao mùa, thời tiết sẽ là sự pha trộn giữa 2 mùa, đem theo đặc trưng của cả 2 mùa, thực sự rất đẹp. Sinh viên cũng vậy, họ vẫn còn một chút trẻ con, ngây thơ, bồng bột nhưng đầy nhiệt huyết và đam mê bên cạnh đó họ cũng có những suy nghĩ rất chín chắn của người lớn về cuộc sống, về tương lai và họ toan tính nhiều hơn… Bạn mơ về một cuộc sống độc lập không phụ thuộc và sự trợ cấp từ gia đình, họ muốn vừa học, vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên kia mà lại vừa được đi chơi tụ tập cùng đám bạn…

Bạn muốn làm mọi thứ để thời sinh viên trở thành một kỉ niệm đánh nhớ, để có một tương lai tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó nếu bạn sinh ra trong một gia đình nghèo hoặc khá giả (kể cả một số bạn nhà giàu), tôi tin chắc bạn sẽ rất muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình bằng cách tự kiếm tiền trang trải cuộc sống. Điều đó thật tuyệt vời, chúng ra sẽ làm cho bố mẹ tự hào, hãnh diễn với hàng xóm và biết bao điều khác nữa nhưng bạn ạ chúng ta cùng phân tích một chút nhé:

Khi bạn vào đại học, trở thành một sinh viên, bạn sẽ sống trong một môi trường rất phức tạp mà ai ai cũng có những tính toán để giành phần lợi về cho mình. Bạn cũng vậy, nhưng nếu bạn muốn đi lừa những người có mong muốn giống như bạn để kiếm tiền thì mình nghĩ bạn không cần phải đọc nữa đâu. Còn nếu bạn muốn kiếm tiền bằng chính năng lực của mình một cách đàng hoàng thì mình nghĩ bạn cũng nên hiểu rằng kiếm tiền thực sự rất khó, rất vất vả. Và để thành công, ta cần có những quyết định đúng, để có những quyết định đúng, ta cần có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm lại được rút ra từ những lần thất bại hoặc học từ người đi trước. Nếu bạn có thể học hỏi từ những người đi trước, điều đó là rất tốt nhưng bạn ạ, không có công thức cụ thể nào dẫn đến thành công cả vì chả có ai mà những gì họ gặp phải giống hệt với bạn cả. Đến đây có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng mình sẵn sàng trải qua những thất bại đó để có kinh nghiệm + trải nghiệm để tạo đà cho sự thành công vì dù sao bây giờ mình vẫn còn rất trẻ và mình sẽ làm được. Tự tin là tốt nhưng bạn nên biết với mỗi sai lầm thì luôn có những hậu quả đi theo nó, có thể lớn có thể nhỏ như người ta nói trường đời là trường đại học tốt nhất nhưng nó lại là ngôi trường mà để trải qua ta phải trả những cái giá rất đắt so với những trường đại học thông thường. Bạn trẻ và bạn chịu được, tất nhiên là như vậy nhưng bạn có muốn tuổi trẻ trôi qua vất vả như vậy không? Và rất có thể gia đình lại phải gánh chịu hậu quả của những sai lầm từ bạn đấy.

Bạn muốn thành công! Tôi cũng vậy! Ai cũng vậy! Nhưng hãy dừng lại một chút và thử suy nghĩ xem bạn định nghĩa thành công như thế nào (hãy định nghĩa nó thật cụ thể nhé)? Mỗi người có một cách định nghĩa khác nhau nhưng thành công không bao giờ chỉ là kiếm được nhiều tiền, và để thành công thì những kĩ năng thôi là chưa đủ bạn vẫn cần những nguồn lực từ cả bên trong bản thân (ví dụ như những kĩ năng mềm chẳng hạn) lẫn bên ngoài. Dù bạn có tự tin đến mấy đi chăng nữa thì trong hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay bạn cũng chẳng thể có đủ những kĩ năng mềm để “vào đời” ngay khi tốt nghiệp THPT vào ĐH được đâu. Mà trường ĐH sẽ giạy bạn kĩ hơn về điều đó. Vậy là bạn lại phải phụ thuộc vào những nguồn lực từ bên ngoài thôi! Nhưng nguồn lực từ bên ngoài đến từ đâu? Bạn không phải là một ngôi sao để có những nhà đầu tư tài chợ cho bạn đâu, nguồn lực lớn nhất lúc này mà bạn có được chính là gia đình của mình đó. Nhưng chẳng phải à bạn đang muốn không phụ thuộc vào gia đình đó hay sao? Hãy đặt mình vào vị trí của cha mẹ xem sao! Có cha mẹ nào muốn con gồng mình lên với cuộc sống mà khoanh tay đứng nhìn không? Và những nỗ lực trợ giúp đó có làm họ trở nên vất vả hơn không? Tất nhiên là có nhưng họ sẽ thật hạnh phúc biết bao khi có thể hỗ trợ cho cái của mình trong những giai đoạn khó khăn như thế này.

Bạn sống trên trái đất này dĩ nhiên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình mình nhưng bạn sống là để cho bạn chứ không phải để cho bố mẹ bạn vui lòng, tự hào. Bạn sống và tận hưởng những gì cuộc sống đem lai chứ không phải chỉ tồn tại cho qua ngày. Sinh viên là thời khắc đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, hãy tận hưởng cuộc sống chứ đừng sống với những áp lực để rồi trở thành nô lệ của cuộc đời, hãy làm chủ nó!

Nói như vậy không có nghĩa là cứ sống bằng tiền của bố mẹ mãi đâu. Đến khi cảm thấy đủ những kĩ năng cần thiết và tham khảo ý kiếm của bậc anh chị đã đi trước, hãy bắt đầu đi làm và trải nghiệm của sống để được cầm trên tay những đồng tiền mà chính bạn làm ra, bạn sẽ thấy rất hạnh phúc đó.

NHƯNG hãy để trái tim và khối óc chỉ đường dẫn lối chứ đừng chỉ biết nghe theo lời nói phiến diện từ một ai, kể cả bài viết này của tôi cũng vậy.

Lạc…

Photo: ewitsoe

 

Lạc đường dễ hỏi, lạc lối dễ tìm nhưng lạc trong chính mê cung của lòng mình, thoát lối nào đây?

Lạc người dễ đón, lạc chỗ dễ mò nhưng lạc lõng giữa thế giới của riêng mình, dựa vào gì đây?

 

Thế giới này không có một tích tắc nào rơi vào im lặng, ngay cả khi ta giam mình vào phòng tối, xung quanh lạnh ngắt như tờ thì đâu đó vẫn có tiếng đập của trái tim, tiếng thổn thức của những suy nghĩ đã dẫn ta tìm đến chỗ giấu mình trong bóng đêm.

 

Đằng sau mỗi một con người dù vui hay buồn, dù đang cười hay bật khóc, dẫu thành công hay thất bại, kẻ thầm lặng hay người nổi tiếng cũng đều có một góc khuất. Nơi họ tìm về sau ánh hào quang của công việc, của cuộc sống và của tình yêu. Nơi mà họ không cần phải gượng cười trước ống kính, không phải gồng mình trước thị phi _ nơi an nhiên họ được là chính họ. Tránh xa những ngõ lạc, những ánh sáng hắt lạnh lùng của người – dưng, họ trở về con đường của riêng họ, để sống cho họ, dù không có tiếng tung hô ca tụng nhưng lại có tiếng ca nhẹ nhàng của hạnh phúc đời thường.

 

Lạc ..

Cái cảm giác cô đơn ngay tại nơi nhộn nhịp tiếng cười ..

Lạc ..

Cái hụt hẫng chính tại chốn tràn ngập những yêu thương ..

Lạc ..

Chênh vênh ngay trong hạnh phúc của chính mình. Nhói thật!

 

Nếu hỏi rằng, đâu là điều Con Người giỏi nhất. Tôi nghĩ rằng, Con Người thực sự có tài trong lĩnh vực tự lừa dối bản thân, tự xoa diệu nỗi đau bằng những mĩ từ mang màu giả dối “tôi không sao”, “tôi ổn mà”, “tôi hạnh phúc lắm”.. Chẳng có ai sống mà không cất giữ cho riêng mình một vài cái mặt nạ, cái để cười với người dưng, cái để vui với người đời, cái để hả hê với những điều tồi tệ, hạnh phúc ngay cả lúc đớn đau hay vui đùa với kẻ tiểu nhân ghét bỏ mình. Thế giới thật lạ, thế giới của Người nhưng toàn là Siêu Nhân. Ranh giới giữa những giá trị đối nghịch gần như bị xóa bỏ bởi những sợ hãi nực cười. Người sợ bị chê yếu đuối, kẻ sợ bị nói ủy mị, người sợ bị cười vì ế, kẻ sợ chê trách vì đa tình. Và vì sợ, nên họ đành sống giả, gắn mặt nạ để leo lắt cùng thời gian, để đêm về tháo bỏ xuống mọi thứ, thấy mắt mình cay cay thứ nước có mùi cô đơn và lạc lõng.

 

Nhìn thấy một người thành đạt, vẫn chưa có gì chắc chắn họ là người hạnh phúc.

Trông thấy đôi nam nữ quấn quít, lấy gì tin rằng họ sẽ cùng nhau đi đến cuối đời.

Ngưỡng mộ một người nổi tiếng, một người được mọi người nhớ mặt biết tên cũng không thể kết luận “sướng thật, đúng là có số hưởng”.

Bởi, bảng hiệu hạnh phúc ai cũng có thể tự gắn lên để làm lòe mắt thiên hạ duy chỉ có góc lặng sâu thẳm trong lòng người, nơi không ai chạm đến được, không ai nhìn thấy nó, ở đó hạnh phúc thực sự hay nỗi cô đơn đang sợ  mới hiện đúng nguyên hình.

Đừng trông mặt mà bắt hình dong, đừng nhìn môi mà phán đoán tâm trạng.

Nỗi buồn thường hiện lên ở đôi mắt

Nơi có rất ít kẻ đủ tinh tế để nhận ra.

 

Thời gian cứ đi còn ta cứ sống giả

Vì ta cười nên thế gian nhầm tưởng

Ta vô tình bị cuốn vào vòng xoay

Họ nghĩ ta vui nên ta đâm hạnh phúc

Vẫn cứ cười dẫu chẳng hiểu lý do.

Chẳng quan tâm bản thân cần điều gì

Hạnh phúc thực sự là nằm ở nơi đâu?

 

Lạc trong hàng trăm ngõ nhỏ của cuộc sống, ta chênh vênh chẳng biết đi về đâu. Có người nói chỉ cần có gia đình để trở về, có cha mẹ để yêu thương, có anh em để chia sẻ là hạnh phúc rồi. Phải! nhưng có nó rồi ta lại nghe, phải có người yêu mình thực sự, che chở cho đời mình khỏi những đớn đau của trần gian, như thế mới là hạnh phúc. Đúng! rồi lại có định nghĩa hạnh phúc là phải thành đạt, phải thật nhiều tiền, mua được nhiều thứ và được nhiều người biết đến.. Cuối cùng thì hạnh phúc là gì, nếu hạnh phúc là hội tụ đủ những điều đó thì tại sao lại có câu “ông trời chẳng cho ai tất cả”.

 

Vì ta bất hạnh hay vì ta tham lam ta chẳng chịu hài lòng với những gì ta có. Vì số ta khổ hay vì ta mãi bon chen ở những ngõ nghách hướng đến điều xa xôi mà lạc mất giá trị bình yên ngay bên cạnh.

 

Lạc lối yêu thương, lạc tấm lòng.

Lạc đường hạnh phúc, lạc hư vô.

 

Siêu Nhân ngày nay mãi lo chuyện cao siêu để che cái này để giấu cái kia. Để đi đường nào vắng thị phi, vô ngõ nào né soi mói mà vô tình quên mất những giá trị hạnh phúc luôn hiện hữu xung quanh. Mãi giam mình vào bóng đêm vật vã cùng cô đơn mà không chịu bước ra ngõ sáng, biết đâu điều ta cần ở ngay phía trước. Mãi đắm chìm cả giác cô đơn chốn đông người, sao không mở lòng cười vui vẻ với thế nhân. Lòng chân thành rồi sẽ được đáp lại bằng sự chân tình. Mở lòng, trái tim sẽ hướng ta khỏi những lạc lõng và đến với những niềm vui.

Hoa Sữa Mùa này

Photo: Thuvm

Trời lững thững bước trong mùa thu, cái mùa mây trắng, nắng liu riu,vàng nồng đậm. Cái mùa lúa rủ nhau chín vàng ươm. Mùa người ta thích lang thang vào tầm chiều tối để thấy cái man mác, se se của thời tiết trở lạnh. Mùa thu mùa của sắc vàng pha trắng, khiến cho tôi nhớ nhung những con đường ngập mùi hoa sữa.

Lúc nhỏ, tôi không để ý đến hoa sữa, bởi nó có cái màu rất bình dị khiến cho những đứa trẻ ngô nghê ham màu sắc lòe loẹt xanh đỏ như tôi chẳng thể biết đến. Lớn lên, cái thời tuổi trẻ ẩm ương, đã biết thương thầm là gì, tâm hồn mơ mộng hơn một chút tôi mới biết đến hoa sữa. Cái loài hoa màu trắng đục, kết thành từng chùm, bé nhỏ nhưng hương thơm ngào ngạt. Tôi thường đi học về trên một con đường trồng đầy hoa sữa. Bạn tôi than thở cái mùi hương đậm đặc bao phủ khắp không gian hối hả ùa vào tràn ngập lồng ngực khiến cho nó cảm giác khó chịu. Nó rên rỉ rằng ước chi có thể làm cho tất cả hoa sữa biến mất khỏi tầm mắt nó. Lúc đó tôi chỉ cười, có một thời tôi cũng không thích hoa sữa. Cả dãy phố chỉ cần trồng một cây hoa sữa thì mùi thơm của nó sẽ bay đến tận cuối con phố và khủng khiếp nhất là những cánh cửa sổ phòng lấp ló sau cây hoa sữa thì chủ nhân của nó thực sự có một sức chịu đựng lớn. Nhưng có lẽ không có cái gì là mãi mãi, cũng như không có sự yêu và ghét vĩnh viễn, những thói quen đơn giản theo dòng chảy của thời gian cũng có thể dần bị đổi thay.

Tôi thích hoa sữa, thích cái mùi hương nồng nồng ấy bắt đầu từ một buổi tối mùa thu lành lạnh. Như thường lệ, tôi dời khỏi lớp học thêm khi trời đột ngột chuyển mình đổ một màn mưa bụi li ti. Tôi và đứa bạn thân dấm dúi đi theo sau xe của cậu bạn cùng lớp. Bạn tôi thích cậu ấy vì thế chúng tôi quyết định tìm hiểu một ít thông tin và đầu tiên là địa chỉ nhà. Hai đứa đội mưa lén lút đi phía sau xe vờ như vô tình. Thật buồn cười khi hồi đó chúng tôi chẳng nghĩ được rằng cái trò theo dõi đó chỉ nên áp dụng trên phim truyền hình mà thôi, cậu ấy chỉ cần quay đầu lại có thể nhìn thấy chúng tôi ở ngay phía sau.Vậy mà điều đó lại chẳng hề xảy ra. Chúng tôi dừng lại ở đầu ngõ nơi có một cây hoa sữa thơm lừng đang nở hoa. Bạn đuổi theo bóng lưng cậu ấy khuất dần phía xa còn tôi đứng lặng yên đợi chờ. Thời gian trôi qua tưởng như tôi nghĩ mình có thể đếm được có bao nhiêu hạt mưa rơi xuống. Mùi hoa sữa hòa vào cái không khí lạnh lạnh của trời thu bị những hoạt mưa loang lổ khuếch đại tạo nên một hương vị thanh bình nồng ấm vừa đủ. Tôi ngẩng đầu nhìn bóng đèn cao áp vàng nhạt như một vầng mặt trời nhỏ của riêng nơi đây. Những hạt mưa như những bông tuyết lấp lánh phủ đầy trên vai áo tôi. Hai bóng hình phía xa như hòa vào làm một khiến cho người ta cảm giác hạnh phúc và ấm áp. Bỗng như tim tôi hẫng đi một nhịp trống trải, chợt như yếu đuối. Có lẽ từ lúc ấy tôi yêu thích mùi thơm nồng nàn của hoa sữa, nó khiến tôi chẳng hề thấy cô đơn, khiến tôi gắng sức hít lấy hương thơm ấy đầy lồng ngực. Hóa ra khoảnh khắc yêu ghét lại có thể đổi thay chỉ trong một cái chớp mắt. Những ngày đông kế tiếp, bạn tôi cùng cậu ấy vui vẻ đi bên nhau còn tôi, tôi có một mùi hương dìu dắt tôi qua những ngày lạnh giá.

Một mùa thu lại đến, thi thoảng tôi lang thang trên các ngả đường của Hà Nội để cảm nhận mùi hoa sữa bao phủ cả thành phố cổ kính này, cảm nhận vị thu Hà Nội rất riêng biệt. Là tôi, vẫn thích đi một mình mà chưa cảm thấy lạnh giá, vẫn quẩn quanh chậm chạp tìm một người dành cho riêng mình, nắm tay thật chặt kéo tôi đi trên con đường dài phía trước thay thế cho mùi hương ấm áp kia. Một người như một điệu nhạc trầm ổn cứ từ từ len lỏi trong trái tim. Một người đơn giản là bình yên và thích vị thu của nơi này.

“ Nhà tôi ở cuối con phố nhỏ, phía sau ga Hàng Cỏ, phố Ngô Sỹ Liên. Hồi bé, cứ mùa hè về là tôi cùng với lũ bạn cùng phố rủ nhau trèo lên những cây bàng xanh rợp lá, chạy dọc theo những con phố để tìm kím những quả bang chín vàng rồi chia nhau ăn. Ngày đó Hà Nội vẫn còn tàu điện leng keng. Nghỉ hè là ngày nào tôi cũng đi bộ ra cửa Nam để đi tàu điện lên bờ Hồ tức là Hồ Gươm rồi lại đi ngược về chủ vì thích đi tàu điện. Sau này, mãi tới năm 18 tuổi tôi mới bắt đầu vào học trường nhạc viện bắt đầu có bạn gái. Lúc đó tôi mới cảm nhận được mùi thơm của hoa sữa trên đường Nguyễn Du, mới thấy vẻ đẹp cuối thu của  Hà Nội khi lá cây bàng chuyển thành màu đỏ, mới biết hết vẻ đẹp của Hồ Tây khi chiều xuống..”

*Em ơi Hà Nội phố – Bằng Kiều.*

 Kimi

Trò chuyện với con gái

Photo: mardianailyas-sengal

 

Mẹ vừa ngắm lại ảnh con gái mẹ nghịch vui bên lọ hoa hồng, mẹ cười vừa như hãnh diện vừa như lo lắng. Mẹ có lẽ không định danh nổi sự lo lắng vô cớ này, hay bởi nó rõ ràng quá mà mẹ không dám gọi tên? Một cô bé 4 tuổi rưỡi thì chỉ nên là một cô bé bốn tuổi rưỡi, vậy tại sao mẹ cứ mơ hồ về những điều này, mẹ hư quá phải không con?

Khi chọn cho con một cái tên mẹ đã hạnh phúc và viên mãn đến mức như sờ được, ngửi được một mùi hương, mẹ đã như cùng con bước đi trong không gian có phần hư ảo với mùi hương hoa mà như của lá, của đất ấy. Và những ngày này, khi nhìn con say sưa vui đùa bên hoa, khi ngắm con đắm mình với nhạc và múa những điệu múa đến mức mẹ ngỡ ngàng, sao mẹ lại thoáng âu lo? Con chỉ là cô bé bốn tuổi rưỡi cơ mà, và chẳng phải mẹ đã chọn cho con tên này?

Sáng nay trên chặng đường dài về nhà bà ngoại, mẹ cứ vương vấn hình ảnh sinh nhật 18 tuổi của con, mẹ sẽ tặng gì cho con? Con có biết để làm một người tự do đồng nghĩa với việc con sẽ phải chịu trách nhiệm tuyệt đối với mọi việc con làm, thậm chí không có cả chữ số phận để đổ lỗi? Để làm một người đàn bà tự do đồng nghĩa với việc con phải có nghị lực gấp mười những người đàn ông? Làm một người đàn bà đa cảm mà lại mong muốn đạt đến tự do, con có biết con sẽ phải cần nghị lực bằng một trăm lần hơn họ, những người đàn ông.

Nhưng có lẽ mẹ vẫn sẽ cổ vũ cho con làm một người đàn bà tự do và đa cảm. Có lẽ thế, như mẹ đã ít nhiều nhìn thấy nơi con. Và sinh nhật 18 tuổi, mẹ sẽ trò chuyện với con về chữ tự do này chăng? Mẹ sẽ cho con biết con có thể rất nữ tính ngay cả khi con đập tay lên bàn và hét lên với một người đàn ông. Mẹ sẽ cho con biết con có thể và được phép say rượu hay thậm chí là hút thuốc nếu con đã đủ trải nghiệm để hiểu rằng lúc đó con cần làm và muốn làm như thế vì chính nỗi đau con muốn đau cho cạn cùng. Mẹ sẽ cho con biết chỉ khi con trân trọng giá trị của con, của trái tim trong veo và nồng ấm của con, con mới có cơ may gặp gỡ vô tình với một kẻ xa lạ nào đó có khả năng khơi gợi tiếng cười giòn tan nơi con. Mẹ sẽ hỏi con rằng, cuối cùng điều gì là quan trọng nhất với một người đàn bà, và ví thế là với loài người? Con có thể nói với mẹ rằng đó là sắc đẹp, là của cải, là sự nghiệp, là cống hiến, là tuệ minh, là lòng nhân ….Và mẹ sẽ hỏi lại con rằng chẳng phải chỉ khi có tình yêu, con sẽ có tất cả và làm tốt tất cả điều đó ư? Và con hãy nhớ rằng tình yêu mẹ nói tới nó trong veo và đẹp đẽ lắm, có thể chẳng cần một cái nắm tay, có thể chẳng cần một buổi tối hò hẹn, vẫn cứ là yêu! Vậy thì con cứ yêu đi, con sẽ là thi sĩ của cuộc đời con, và lòng nhân sẽ ở bên con!

 

Nguyen

Đàm Vĩnh Hưng đi viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp?

Ảnh: Thái Anh

 

Điều đầu tiên, tôi thực sự lấy làm tiếc về việc một ca sỹ đến viếng một vị tướng đáng kính lại trở thành câu chuyện om xòm trên mặt báo, thậm chí các nhà báo còn soi mói anh ta xem anh ta đi xe gì, đi viếng xong làm gì thì thật sự là có phần làm tổn hại tới sự trang trọng của buổi tang lễ, kể cả cho dù đó chỉ là một tin tức báo chí.

Tôi cho rằng, một nhà báo có đạo đức sẽ không viết về những tin như vậy trong thời điểm này.

Tuy nhiên, câu chuyện về việc Đàm Vĩnh Hưng được đặc cách vào thăm bị phản đối bởi một bộ phận không nhỏ, đặc biệt khi so sánh với hàng nghìn người dân đã phải xếp hàng rất lâu để được vào viếng thì việc này đã liên quan đến một vấn đề mang tính căn bản của công lý và đạo đức.

Hãy cứ giả sử, rằng Đàm Vĩnh Hưng được người nhà đại tướng đưa vào, với lý do việc anh xếp hàng sẽ gây mất trật tự khu vực xếp hàng, vì những nhà báo sẽ liên tục phỏng vấn, chụp ảnh, người dân cũng sẽ hiếu kỳ … Đặc cách này cũng được dành cho “các lãnh đạo, các yếu nhân, các đồng đội cũ cao tuổi, các đồng bào đồng chí gia đình cách mạng ở xa về, các nhân vật nổi tiếng, người của công chúng…”

Liệu điều này có đúng hay không? Đây có phải là thiếu công bằng với những người dân khác (bao gồm cả người già, phụ nữ có thai, trẻ em …)?

Liệu có sự bình đẳng giữa một ca sĩ nổi tiếng và một sinh viên đại học?

Liệu thực sự có bình đằng, và liệu bất bình đẳng có thực sự khó chấp nhận?

Hãy thử xét một trường hợp khác, nếu tổng thống Mỹ Obama đột nhiên xuất hiện và tỏ ý muốn thăm đại tướng, liệu có bất công hay không nếu ông ta được vào thẳng mà không phải xếp hàng?

Có thể lấy lý do rằng Obama là một nhân vật quan trọng, nhưng điều đó liệu có nghĩa là ông ta được quyền không xếp hàng? Có thể bạn cho rằng Đàm Vĩnh Hưng chẳng thể so được với Obama, vậy phải chẳng lẽ thứ tự xếp hàng nên phụ thuộc vào mức độ quan trọng của người đến viếng chứ không phải thời gian?

Nếu cho rằng công bằng có nghĩa là “Mọi người được hưởng xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra” thì rõ ràng sẽ là bất công với những người xếp hàng trong khi một người nổi tiếng hoặc một nhân vật VIP nào đó được vào thẳng. Họ có thể tài giỏi, họ có thể quan trọng, nhưng nói chung điều đó chẳng liên quan gì đến việc miễn xếp hàng vào thăm một người đã mất. Tổng thống Obama có thể được miễn xin visa khi đến một nước vì lý do công vụ, nhưng nếu ông ta chỉ đến để nghỉ mát, vậy ông cần phải dùng hộ chiếu thường.

Nhưng điều gì khiến ta sẽ cảm thấy dễ dàng chấp nhận nếu ông Ban-ki-mun hay Obama không phải xếp hàng, trong khi Đàm Vĩnh Hưng thì không?

Có người sẽ lấy lý do rằng, thời gian của những vị lãnh đạo kia là quý giá, vì chúng ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người. Vậy thì việc một người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng đứng trong hàng có thể làm các phóng viên tập trung phỏng vấn, hoặc người hiếu kỳ đổ ra xem làm ảnh hưởng tới không khí chung. Nếu đồng ý với điều này, chúng ta hẳn là những người theo chủ nghĩa công lợi: “đem đến lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất”. Việc để những yếu nhân được hưởng đặc quyền có thể sẽ đem lại lợi ích về mặt tổng thể lớn hơn cho xã hội. Hiển nhiên, điều này có thể là bất công với một nhóm thiểu số nào đó.

(Thực ra, theo tôi, lý  do quan trọng nhất là vì chúng ta không thích Đàm Vĩnh Hưng) 

Công bằng hay vị lợi ?

Con người chúng ta, hẳn nhiên luôn mâu thuẫn với chính mình trong những quan niệm về đạo đức. Khi có một anh chàng ca sĩ nổi tiếng được hưởng đặc quyền, dù rằng đã được sự đồng ý của người nhà với một lý do “nếu để anh xếp hàng sẽ gây lộn xộn”, chúng ta vẫn cảm thấy điều này là bất công. Tuy vậy, chúng ta lại sẵn sàng hành xử như một người thuộc chủ nghĩa công lợi khi anh chàng ca sĩ biến thành một vị nguyên thủ quốc gia. Điều này dường như phản ánh một điều rằng: “Khi lợi ích của đám đông đủ lớn, sự công bằng với nhóm nhỏ có thể được bỏ qua”.

Tôi cho rằng, coi “tự do” là kim chỉ nam cho các nguyên tắc hành động sẽ giúp chúng ta vượt qua những tình huống như vậy. Đừng quan tâm tới Đàm Vĩnh Hưng hay bất cứ ai khác, bởi vì ai đó được vào hay không nằm ở sự cho phép của người nhà đại tướng chứ không phải bạn. Bạn có quyền từ chối sự bất công và ra về, bạn có quyền ghét bỏ Đàm Vĩnh Hưng, nhưng anh ta rốt cục cũng chẳng xâm phạm quyền tự do của ai cả.

Vì thế, hãy cứ để tâm trí của bạn được tự do, chúng ta vẫn luôn có quyền lựa chọn phải không?

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào viếng | Ảnh: Hoàng Long
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào viếng | Ảnh: Hoàng Long

Hoàng Đức Minh

Nếu một mai anh sẽ qua đời

1. Thần báo tử tóc gẩy light

 

– Này, anh sắp chết rồi đấy!

 

Bạn sẽ làm gì nếu một buổi sáng nọ, trên đường từ bãi đỗ xe ngập nắng nhưng nền gạch vẫn còn vương lại vài vũng nước của trận mưa đêm hôm trước đi vào công ty bạn làm việc thì có một thằng nhóc nói như hét vào mặt  bạn cái câu đó, một cách thật thản nhiên như không. Lơ cái câu nói điên rồ đó đi và tiếp tục sải bước về phía trước, đề phòng sự nhòm ngó của đám paparazzi đang khát tin tức về bạn – một ca sỹ trẻ mới nổi nhưng không may dính phải scandal hát nhép. Hay là quay ngoắt lại và suýt nữa thì bị vũng nước kia làm cho ngã dập cả mặt – như tôi?

 

– Cậu nói cái gì cơ?

 

– Anh sắp chết rồi, thật đấy.

 

Thằng nhóc lặp lại cái câu nó vừa nói lúc nãy bằng cái sự bình thản hết sức có thể như kiểu nó đang đọc lại cái tít “Ca sỹ Hoàng Pi hát nhép siêu hit ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp” mới lên báo sáng nay vậy. Cái mắt nheo nheo lại tránh nắng của thằng nhóc cùng với cái đám tóc được gẩy light màu xanh phất phơ trên đầu của nó khiến tôi càng bực mình. Thế quái nào mà mới sáng ra đã gặp một thằng dở hơi thế này cơ chứ? Cái sự cố trên sân khấu tối qua không phải đã là quá đen đủi với tôi rồi hay sao? Tháo kính, xắn tay áo rồi hất hàm một cái, định dọa thằng bé một trận cho nó biết Hoàng Pi này không phải dạng người dễ bị làm cho bẽ mặt:

 

– Thích làm loạn ở đây hả nhóc? Có biết đây là chỗ nào không? Biến.

 

Thằng nhóc chẳng những không sợ mà còn tiến sát lại gần tôi hơn, bất ngờ dí cái iPhone ốp lưng hình Minions rồi bấm một cái “tách”

 

– Hóa ra mặt của Hoàng Pi khi không make up là như vậy. Cũng không tồi. Nhưng em khuyên là anh lên trang điểm trước khi chết. Hãy làm một con ma xinh đẹp.

 

– Chết chết cái… – chưa kịp dứt câu thì thằng nhóc tóc gẩy light đó đã leo lên chiếc xe đạp dựng sẵn ở đó và chạy mất hút.

 

Có một sự bực bội không hề nhẹ ở đây. Có lẽ không nên phí thời gian vào những chuyện điên rồ và những đứa có đầu óc không bình thường như vậy vào lúc này. Chiều nay chắc sẽ có một tấm ảnh dìm hàng Hoàng Pi trên anti page với cái caption miêu tả gương mặt ngớ ngẩn và phờ phạc vừa rồi của tôi. Nhưng thôi kệ, tôi còn quá nhiều thứ phải nghĩ. Mà chắc sau sự vụ đêm qua thì anti fan cũng tăng lên theo cấp số nhân rồi.

 

 5343_10200915999802541_1402489937_n

 2. Kế hoạch chết chóc

 

Tôi không phải là một con người bình thường. Tôi là một thần báo tử tập sự sống dưới hình dạng con người. Một thằng nhóc lớp 11 không có bố mẹ mà lại sống trong một căn trung cư đắt đỏ nhất thành phố, đi học ở một trường quốc tế xa xỉ bậc nhất và lại còn sở hữu một đống đồ công nghệ tối tân. Bằng đấy thứ đã đủ để tạo nên cái sự bất thường làm vỏ bọc hoàn hảo cho một thần báo tử tập sự như tôi chưa? Chưa, vì tôi còn là gay nữa. Cái này thì là sự thật, không phải vỏ bọc gì cả. Đơn giản là tôi thích và yêu những người đàn ông, vậy thôi.

 

Nghe thật hoang đường đúng không nào? Cái quái gì đây không biết. Có phải bạn đang tự hỏi mình câu hỏi đó đúng không? Tiếc là đến tôi còn chẳng có một câu trả lời cho bản thân mình nên tôi cũng không thể trả lời bạn bất kỳ câu hỏi gì, về tôi.

 

 

 

Tôi sống ở thành phố này đã 17 năm. 17 năm không có quá khứ, không biết tương lai. Với tôi chỉ có một hiện tại, hiện tại của sự cô đơn mà thôi. Tôi chỉ nhớ lúc bé mình có một người bảo mẫu chăm sóc, đến năm 6 tuổi thì được gửi vào học ở trường quốc tế kèm theo một khối tài sản đủ để tôi sống đến khi trưởng thành và tự kiếm được việc làm cho mình. Từ đó đến nay, tôi không hề có khái niệm gia đình, càng không có khái niệm bạn bè. Cuộc sống của tôi chỉ đơn giản là sáng đi học, chiều đi học, tối đi lang thang trong thành phố và hàng tháng nhận được những lá thư gửi từ địa ngục máu lên qua đường ống hút khói.

 

 

 

Còn 7 tháng nữa là tôi sẽ tròn 18 tuổi. Khi đó tôi sẽ trở thành một thần báo tử trưởng thành, có cả một danh sách người sắp chết hàng tháng để cho tôi làm việc. Còn bây giờ, tôi vẫn chỉ là một thần báo tử tập sự, mỗi mùa xuân qua đi tôi chỉ phải thông báo cái chết cho một hoặc hai người, tùy vào xem lúc đó những vị thần trưởng thành có làm hết công việc của mình hay không.

 

 

 

Thường thì vào mùa xuân sẽ có ít người chết hơn mùa hè và mùa đông. Tôi với cái vỏ bọc con người vẫn thường hay post status lên Facebook rằng hình như người ta thường hay chết vì nóng vào mùa hè và chết vì rét vào mùa đông hơn là mùa xuân thì phải.

 

 

 

Vậy mà thế nào lần này thư gửi cho tôi từ địa ngục máu lại bắt tôi phải đi thông báo cái chết cho một chàng ca sỹ nổi tiếng, giữa một sáng mùa xuân. Check lại thông tin nào: Hoàng Pi, ca sỹ độc quyền của EVO Ent, từng có 2 single đứng đầu TOP 100 Vpop, từng có nghi án về giới tính với bạn diễn trong MV và mới dính phải lùm xùm hát nhép trong chương trình truyền hình trực tiếp đón xuân đêm qua.

 

 

 

Hay đây, một đối tượng khá là thú vị đấy chứ. Cái mặt thông minh thế này mà lại để rơi mic vì vũ đạo quá sung à? Khó tin nhỉ. Hay lại là một chiêu trò mới để hâm nóng tên tuổi đây. Thời buổi này có nhiều người muốn nổi tiếng bằng mọi giá lắm, chả biết đâu mà lần. Nhưng dù có như thế nào thì tôi cũng không thích sự dối trá, nhất là nghệ sỹ dối trá với công chúng. Bọn ca sỹ thần tượng thì có phải làm gì ngoài mỗi việc make up thật đẹp, ăn mặc thật thời thượng rồi cầm mic mà hát đâu. Ấy vậy mà còn hát không ra hồn rồi còn bày trò nhép miệng trên sân khấu nữa. Cái thể loại này cũng đáng chết thật.

 

 

 

Đã vậy thì anh phải cho cưng sống dở chết dở, đáng đời.

 

 

 

Nhét lá thư vào chiếc túi da mới mua, tôi nhảy ra salon tóc bảo anh thợ gẩy cho mình mấy sợi light xanh lè lên tóc. Phải xanh như vậy mới dễ làm người khác nổi nóng vì cái tin tức điên rồ mình chuẩn bị thông báo cho họ chứ.

150621_10200434478324805_1248241194_n

 3. Trò chơi không bình thường

Bước ra khỏi văn phòng tổng giám đốc, cố giữ sự bình tĩnh cho mình không vơ lấy bất kỳ cái lọ hoa pha lê nào cắm trên bàn họp và ném xuống đất, tôi có cảm giác như mình…sắp chết. Rõ ràng đêm qua sức khỏe tôi hoàn toàn ổn để có thể hoàn thành phần trình diễn của mình một cách tốt đẹp mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của đĩa thu sẵn. Từ lúc tổng duyệt tôi đã hát live và nghe rất ổn. Ấy vậy mà thằng quản lý mới được tuyển ma xui quỷ khiến thế nào vẫn cứ cố đấm ăn xôi nhét cái CD thu sẵn bài hát vào khi tôi lên sân khấu. Tôi chỉ biết đến khi đèn sân khấu rọi vào mặt, lại đang nhảy bốc lửa với vũ đoàn, cái mic của tôi rớt khỏi tay lúc nào không biết. Tôi chạy theo nhặt lại mic nhưng không kịp, lúc đó giọng tôi đã lại vang lên trên dàn âm thanh khủng bố mất rồi.

 

Một sự việc điên rồ mà rõ ràng lỗi không phải ở tôi, nhưng tôi lại là đứa đầu tiên bị đè ra chịu trận. Hàng loạt loạt cuộc gọi hẹn phỏng vấn về sự cố ê chề của “Giọng ca triển vọng”. Cả hàng dài fan hâm mộ hay là anti fan tôi cũng không biết nữa đang đứng trước cửa công ty. Giám đốc thì hét vào mặt tôi vì sáng nay single tụt hạng và anti page mọc lên như nấm mọc sau mưa. Kiểu này thì bù lỗ làm sao được cho nhóm nhạc đàn em sắp debut đầu tháng tới. Quá nhiều thứ dồn dập đổ vào đầu tôi cùng một lúc, nên sau một đêm nhìn tôi chả khác gì một cái xác sắp chết, chờ đươc phân hủy.

 

Chẳng lẽ thằng nhóc kia nói đúng. Tôi sắp chết thật sao? Không phải là mắt ngừng mở, tim ngừng đập, miệng ngừng hát thì cũng là một cái chết kiểu khác. Một cái chết cũng không nhẹ nhàng gì. Chết với sức ép của truyền thông và người hâm mộ đang muốn tẩy chay thế hệ nghệ sỹ chỉ được phần nhìn. Công sức luyện tập và lao động miệt mài cả năm trời của tôi với chiến lược phát triển hình ảnh không tỳ vết chẳng có lẽ phải đổ xuống sống xuống biển chỉ vì cái hành động ngu xuẩn của thằng quản lý này ư?

 

– Em nói đúng mà, phải không? Anh đang sắp chết.

 

Lại cái giọng đều đều như tụng kinh đó, phát ra từ một cái đầu gẩy light. Chạy xe hơi lên tận trên đỉnh cây cầu vắng vẻ nhất thành phố – cái nơi mà đám người thất tình thường hay leo lên để tự tử này rồi mà vẫn không được yên thân ư.

 

– Phải, tôi đang sắp chết đấy. Cậu muốn gì hả? Đồ điên. Đồ thần kinh. Đồ hãm tài.

 

– Haha – thằng nhóc bật cười khoái chí – Em chẳng muốn gì cả Phan Hải Hoàng ạ. Chỉ đơn giản là em được giao nhiệm vụ phải báo cho anh biết là anh sắp chết. Trong vòng 49 ngày nữa. Hưởng dương 23 tuổi. Anh còn gần năm chục ngày để có thể tự chuẩn bị lễ tang cho mình sao cho hoành tráng nhất, chia tay với người hâm mộ và cũng có thể là viết di chúc để lại số tiền bảo hiểm không nhỏ của mình cho…em. Haha.

 

– À, hóa ra cái cậu cần là tiền hả? – Tôi móc ví, rút ra hết chứng minh thư, bằng lái xe và cái ảnh của mẹ nhét trong đó – Đấy, còn lại là của cậu tất, mật khẩu ATM là sáu số 0. Cứ lấy bao nhiêu tùy thích rồi làm ơn để cho tôi được yên.

 

Phịch. Thằng bé nhảy xuống từ cái thành cầu cheo leo và tiếp đất một cách nhẹ nhàng. Nó lại nheo nheo mắt nhìn tôi như chọc tức.

 

– Hóa ra mặt của Hoàng Pi lúc không make up mà lại còn tức giận nó lại xấu xí đến như này. Haha. Không, anh nhầm rồi. Em không cần tiền của anh, cái em cần là cái chết của anh cơ. Dù sớm muộn gì anh cũng chết nhưng em có trách nhiệm phải cho anh có một cái chết hoàn hảo nhất.

 

– Đồ điên. Cậu nghĩ là tôi sẽ tin những lời cậu lảm nhảm à?

 

– Hừm, đương nhiên là không rồi. Từ trước đến giờ số những người chịu tin vào mỗi lần em nói như này may ra đếm trên đầu ngón tay. Trong đó có một cụ ông nghiện rượu và một đứa con gái thất tình.

 

– Tôi không uống rượu, cũng không thất tình, vậy có gì để tin chứ – Rút chìa khóa xe hơi ra rồi mở cửa, chui vào xe. Tôi thở mạnh rồi đạp ga cho xe phóng vút lên trên cầu. Quá đủ sự điên rồ cho một ngày rồi, tôi không cần thêm một thằng nhóc bị tâm thần phân liệt trong đời này nữa.

 

Kéttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttttt…

 

– Cái quái gì thế???

 

Thằng nhóc tóc gẩy light đứng sừng sững trước mũi xe tôi, mắt vẫn nheo nheo nhìn như thách thức. Rõ ràng tôi đã nhấn ga với tốc độ cao nhất đi cách nó cả km rồi cơ mà. Nó có bay cũng chẳng thể theo kịp tôi chứ đừng nói là có thể chặn đầu như vậy.

 

– Cậu là ai? Cậu muốn chết hả? – Tôi đạp cửa xe rồi chạy ra đứng trước mặt thằng nhóc.

 

– Em là thần báo tử tập sự, em không thể chết. Và người phải chết lúc này, chính là anh.

 

– Trời ơi, ai hãy nói cho tôi chuyện này chỉ là một cơn ác mộng đi.

 

– Rất tiếc, anh chưa ngủ nên đây không phải là một giấc mơ, đây là sự thật.

 

Tôi cố gắng giữ lại chút bình tĩnh cuối cùng để không đạp văng thằng nhóc xuống dưới dòng nước bên dưới chân cầu :

 

– Thần báo tử tập sự ? Cậu là ma hay là người vậy ?

 

– Em không phải ma, cũng không phải người, em là một vị thần. Tin hay không, tùy anh. Chỉ cần biết là 49 ngày nữa, tính từ ngày hôm nay, anh sẽ chết. Và trả lời luôn cho câu hỏi của anh lúc nãy. Anh nói dối em, anh biết uống rượu và lý do anh không thất tình là bởi vì anh chẳng có ai yêu suốt thời gian qua. Vậy nhé, chạy xe về nhà và nghĩ kỹ những gì em nói đi.

 

Thằng nhóc lại nhảy lên cái xe đạp mà hình như nó gọi đến tựa bên thành cầu từ lúc nào rồi vút đi. Bỏ lại tôi đứng ở đó, trước đèn xe ô tô sáng choang, mặt đờ ra như một thằng ngu vừa bị đấm vào mặt.

521562_10200649227653404_1513484348_n

 4. Tình yêu thì không thể chết

Đạp xe như bay từ trên cái cầu lộng gió và cách xa tít thành phố đó về đến chung cư. Vừa đi tôi vừa không hiểu những việc mình vừa làm. Rõ ràng nhiệm vụ của tôi chỉ là thông báo cái chết cho đối tượng được giao, giúp đối tượng làm một vài điều trăn trối trước khi chết và bảo đảm cho đối tượng chết đúng ngày, đúng giờ như lá thư đã đưa – bằng mọi cách. Ấy vậy mà không hiểu sao tôi lại không làm như thế. Chọc tức cho Hoàng phát điên hai lần trong một ngày. Tiêm cho anh ta một sự hoảng loạn tột độ ngay cái lúc anh ta đang khổ sở nhất. Lúc đầu tôi nghĩ việc đó sẽ làm cho tôi vui và khoái chí. Nhưng không phải, tôi đang làm không tròn nhiệm vụ của mình. Lỡ dại nếu lúc đấy anh ta sợ quá hoặc mệt mỏi quá, gieo mình xuống cái sông đen ngòm bên dưới, chết trước ngày được ghi trong lá thư thì chắc tôi cũng khó mà sống nổi. Tôi cảm thấy mình không còn là chính mình nữa. Giải quyết nhanh gọn và dứt điểm đối tượng, không được làm ảnh hưởng đến địa ngục máu đã trở thành một gánh nặng của tôi mất rồi. Tôi có cảm giác yêu thương rồi ư? Không được, đó là cái thứ cảm xúc không được phép để dính dáng vào với công việc. Bởi vì khi yêu thương, tôi sẽ không thể thông báo được cái chết cho người khác nữa. Tình yêu là một thứ gì đó xa xỉ với tôi. Mà cái tên Hoàng Pi đó thì có cái quái gì đâu để mà yêu? À, được cái đẹp trai và hát cũng hay. Nhưng mà tội hát nhép và cái tính nóng nảy không giữ được bản thân bình tĩnh đó thì cũng đáng chết lắm.

 

Trên bầu trời đêm đen kịt, có một ngôi sao vừa tắt sáng. Tôi chép miệng, dù gì thì đây cũng là công việc và tôi phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Phàm là con người thì ai mà chả có lúc chết đi, đôi khi chết sớm lại là một niềm hạnh phúc, nhất là với người đang dính đủ thứ rắc rối như Hoàng. Tôi không được học nhiều về tình yêu trên trường học. Thầy cô chưa bao giờ cho tôi biết chút kiến thức nào về thứ tình cảm rắc rối và kỳ lạ này cả. Tôi từng nghĩ, tình yêu chỉ tồn tại trong thế giới của con người. Vì chỉ có con người mới ngu ngốc gieo vào lòng nhau những cảm xúc ủy mị đó để quên đi nỗi đau thực tại và làm mờ mắt nhau bởi cái thứ hạnh phúc vốn không thể vĩnh hằng. Chỉ có những tạo vật như tôi – những vị thần mới có thể tồn tại vĩnh viễn cùng thời gian. Chúng tôi lớn lên và già đi nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chết. Chẳng lẽ cái thứ tình cảm kia lại cũng có được phép trường sinh bất tử như một vị thần hay sao?

 

– Anh có một đôi mắt buồn, giống em – Tôi vừa nói với Hoàng vừa nhét miếng bánh ngọt cuối cùng vào mồm, nhai nhồm nhoàm.

 

– Mắt anh không buồn.

 

– Thôi, sắp chết rồi thì đừng có chối những thứ thuộc về bản chất của mình nữa. Hehe. Anh có cố gắng đeo bao nhiêu đôi contact lens lên mắt thì cũng không thể giấu được nỗi buồn sau đó đâu, ít nhất là với em.

 

– Lúc nào em cũng thích bóc mẽ anh nhỉ

 

– Đâu có, em chỉ nói lên sự thật thôi. Trách nhiệm của em là thế. Nói ra sự thật phũ phàng về cái chết của người khác để rồi thuyết phục người ta phải chấp nhận với sự thật đó. Làm người ta đau nhưng em vẫn phải làm.

 

– Ước gì cũng được sống thật như em. Tiếc là anh đã quá sai lầm khi dấn thân vào con đường này. Để rồi bây giờ anh cũng chẳng phải là anh nữa. Sống và lao động theo một cái hình tượng quá đỗi hoàn hảo.

 

– Anh còn có 35 ngày thôi, sống vì bản thân mình chút đi. Khán giả làm nên thành công của anh, tạo dựng danh tiếng cho anh, đem về tiền bạc cho anh nhưng họ chẳng thể nào sống thay anh được đâu.

 

– Anh có thể làm như vậy à? – Hoàng khuấy tung lớp bọt café lên rồi ngước đầu nhìn thẳng vào mắt tôi.

 

– Ừ. Anh có quyền được lựa chọn làm như vậy mà.

 

Tôi chỉ dám nhìn vào cái mắt buồn đó một giây lát rồi lại cụp mắt xuống bàn, nhìn những miếng vụn bánh ngọt vương vãi trên đĩa sứ trắng phau. Anh nói sai rồi, tôi cũng đâu có được sống thật. Tôi cũng đang che dấu bản thân mình đấy chứ. Chuyện tôi là một thần báo tử tập sự, lại còn là một thần báo tử đồng tính nữa chứ, có ai biết được đâu. Chuyện tôi không muốn anh chết ngay bây giờ để tôi có thể có thêm nhiều lần ngồi ăn bánh ngọt trong quán café những ngày mưa ngập phố như này, cũng có ai được biết đâu.

 

Tôi chợt hiểu ra rằng, dù là con người hay là bất kỳ tạo vật nào tồn tại trên cõi đời này đều có những mảng tối không thể nói ra của chính mình. Chúng đều phải dùng sự giả dối, nhiều khi là man trá để giấu đi những sự thật không muốn ai biết. Những tạo vật cô đơn và thèm khát được sống thật, thèm khát được yêu thương.

Nếu thực sự tình yêu là vĩnh cửu và không thể chết đi, tôi cũng muốn một lần được yêu để có thể cảm nhận được cái mùi vị bất tử không cần đến ma lực của địa ngục như thế.

 

599377_10200915999602536_1175362670_n

 5. Ranh giới mong manh

Vậy là đã hai tuần kể từ ngày tôi gặp thằng nhóc không bình thường này. Tôi đã cố gắng lên mạng tìm kiếm thông tin về thần báo tử nhưng kết quả dành cho tôi chỉ đơn giản là những bài viết mang đậm chất kinh dị về những mụ tử thần thích giết người bằng tiếng hét của mình, không hơn không kém. Tôi cũng cố gắng bắt bản thân mình không tin vào sự thật rằng thằng nhóc đó là một vị thần chui lên từ địa ngục và tôi thì đang sắp chết. Nhưng tôi biết mình không thể không tin được nữa, không thể lừa dối chính bản thân mình được nữa. Thằng nhóc có thể dịch chuyển nhanh hơn tôi đi xe hơi, có thể đọc được quá khứ của tôi và trên hết là nó có thể cho tôi cảm giác an toàn khi tôi đang sợ hãi. Cũng vì nó vừa nhanh vừa an toàn nên tôi quyết định gọi nó là Phong An – cơn gió bình an.

Xin nghỉ phép khỏi công ty với lý do tránh xa dư luận nhưng thực ra là đi chờ chết cùng thằng nhóc, tôi biết mình đã không còn là tôi của trước kia nữa. Khi mà con người ta không có nhiều sự lựa chọn thì họ sẽ chọn những gì làm họ cảm thấy yên lòng nhất. Mặc dù vẫn còn đâu đó sự hoài nghi về cái chết sắp tới, về thằng nhóc tóc gẩy light này nhưng tôi vẫn chọn cách buông thả bản thân mình trôi với nó ít ngày còn hơn là chui lên mặt báo để thanh minh hay theo lời giám đốc mở hẳn họp báo đính chính lỗi kỹ thuật với công chúng nữa. Tạm thời tôi sợ ánh đèn flash, sợ cả internet và đám paparazzi đang muốn ăn tươi nuốt sống tôi, chèn ép cho tôi đi đến cái chết nhanh hơn. Thà cứ đi cùng một thằng nhóc không quen biết như này còn thoải mái hơn.

 

– Em lớn lên như thế nào khi không có gia đình vậy Phong An?

 

– Cũng giống như anh thôi – thằng nhóc đung đưa chân trên chiếc ghế gỗ cao chót vót của quán café và nhét bánh ngọt vào mồm.

 

– Sao mà giống được, anh mới chỉ mất ba mẹ được 6 năm, trong khi em nói em không có gia đình từ lúc bé xíu.

 

– Anh quên mất em là một vị thần à? Em cứ lớn lên như một cái hạt mầm được tưới nước thôi. Kiến thức và kỹ năng sinh tồn của em thì được đào tạo bài bản ở trong trường rồi. Chỉ có tình cảm và ý thức về bản thân là em thiếu thốn thôi.

 

– Thiếu thốn tình cảm à ? Cái này giống anh.

 

– Không. Em không thiếu thốn. Chỉ là…chỉ là…em không có nhu cầu cần dùng đến thứ vật chất xa xỉ đó. Em vẫn có thể sống được, sống vĩnh cửu mà không lo sợ phải chết như anh.

 

– Tình cảm ? Vật chất ? Em coi tình cảm là vật chất ?

 

– Em luôn nghĩ như vậy và em cảm thấy thoải mái khi nghĩ như vậy. Để cho không phải day dứt mỗi khi thèm yêu thương và lại cân nhắc xem rốt cục có phải chỉ mỗi những kẻ như mình mới là thứ có thể trường tồn mãi mãi với thời gian hay không.

 

Thằng nhóc lại nhét thêm một miếng bánh nữa vào mồm và đầu lắc lắc theo điệu nhạc phát ra từ chiếc radio trong quán :

“Nếu một mai, em sẽ qua đời, hoa phủ đầy người, xa nhịp đằm khơi, xa xôi…

Nếu một mai, không còn ai, đứng bên kia đời, trông vời vợi…”

 

– Tiếc là em sẽ chẳng bao giờ qua đời để có thể nhìn thấy người ta trông theo em mòn mỏi như thế.

 

– Đây là bi kịch của một người không thể chết ?

 

– Có lẽ vậy. Sống mãi đâu có vui hả anh. Nhất là sống cô đơn nữa.

 

Vậy là tôi đã đúng, thằng nhóc cũng có tình cảm và thằng nhóc cũng muốn có được tình yêu. Và thằng nhóc thì lại sai. Tôi không sợ chết như nó nghĩ. Tôi cũng chỉ sợ cô đơn mà thôi. Sáu năm qua, kể từ ngày ba mẹ tôi mất trong một tai nạn xe hơi, tôi không còn có thể tìm kiếm sự bình yên ở bất kỳ đâu trong cái thành phố chật hẹp này. Tôi cố gắng, nỗ lực hết mình để có thể có được chỗ đứng như ngày hôm nay trong làng giải trí nhưng để rồi đến lúc vinh quang vừa đến không được bao lâu thì đủ mọi thứ rắc rối cũng theo đó mà mon men bước vào đời tôi.

 

Mấy tháng trước là chuyện lùm xùm giữa tôi và Tường Linh, bạn diễn và cũng là vũ công với tôi trong MV mới phát hành. Công ty cũng tổ chức họp báo đính chính lên xuống về vấn đề giới tính của tôi cũng như dẹp hết tất cả vũ đoàn cũ để hạ lòng dư luận. Có nhiều người đem mối nghi ngờ đó lên phỏng vấn tôi nhưng tôi vẫn giữ cho mình một hình ảnh thật sạch và chấp nhận đeo mặt nạ để có thể tiến dài trên con đường này mà không lợi dụng đến chiêu trò rẻ tiền như thế. Cho đến lúc này, khi sắp chết và gặp được Phong An, tôi mới thấu hiểu cái khao khát muốn sống thực với bản thân nó mãnh liệt và thôi thúc tôi như thế nào.

 

– Em có muốn thử yêu một lần không ?

 

– Không. Em không thích dính dáng đến thứ tình cảm đó. Nhưng dù như thế nào em cũng không thích lôi sự an nguy của mình ra để thử đâu. Yêu là điều cấm kỵ của thần báo tử đó.

 

– Vậy thì yêu thật đi. Sống thật đi, đó chẳng phải là điều em muốn sao ?

 

– Nhưng mà yêu ai mới được chứ ?

 

– Anh. Yêu anh nhé. Dù gì thì anh cũng chỉ còn sống 35 ngày nữa thôi mà.

 

– Điên à ? Không.

 

Thằng nhóc tụt xuống khỏi chiếc ghế cao rồi mở tung cửa quán cafe ra chạy mất hút, bỏ tôi ở lại một mình với chiếc đĩa đầy vụn bánh ngọt. Hình như tôi vừa tỏ tình, với một thằng con trai, lại còn là một thần báo tử.

1146461_10201789048868222_66263238_n

 6. Không hối tiếc

Hóa ra linh cảm của tôi không nhầm. Hoàng Pi thực sự là gay, lại còn là một chàng gay kín. Hóa ra không phải tự nhiên mà tôi lại không muốn anh ta chết ngay lúc này. Trên đời thực sự có cái gọi là nhân duyên ư ? Không có thì vị thần nào đã đẩy tôi vào cái tình huống trớ trêu như này cơ chứ ? Yêu ư ? Yêu một người đàn ông ư ? Và người đàn ông đó lại còn sắp chết ư ? Chuyện điên rồ gì đang xảy ra vậy ? Hay là anh ta đang chơi xỏ mình vì cái việc mình báo cho anh ta biết rằng anh ta sắp chết ? Không. Cái ánh mắt đấy, cái lời nói ấy chẳng có tý gì là bỡn cợt cả. Chẳng lẽ anh ta nhận ra được mình cũng là gay.

 

Đạp xe bạt mạng trên phố cho đến khi cảm thấy lồng ngực muốn vỡ tung vì hô hấp quá sức, tôi mới chịu dắt xe dựa vào ghế đá trong công viên. Trời bắt đầu mưa, cơn mưa nhè nhẹ của mùa xuân khiến tóc tôi toàn những nước là nước.

 

– Em yêu anh nhưng em không thể anh chết được.

 

– Đồ ngốc, anh đã sẵn sàng đến với cái chết rồi mà. Cho đến lúc này, anh cảm thấy không còn gì để tiếc nuối nữa. Dù chỉ tròn 1 tháng nữa thôi, nhưng đủ để anh cho em thấy tình yêu cũng không thể chết được, An à.

 

– Đó, chính vì như thế nên em không thể yêu. Nếu tình yêu không thể chết thì tại sao anh yêu em mà anh vẫn phải chết ? Em không muốn yêu một các xác chết đâu.

 

– Tình yêu không phải là thứ phép màu khiến cho con người ta bất tử, cũng không phải là thứ khiến họ cải tử hoàn sinh. Nó chỉ mang lại cho người ta cảm giác hạnh phúc và niềm vui thôi.

 

– Hạnh phúc ? Hạnh phúc khi nhìn người mình yêu chết đi ?

 

– Chính em cũng nói sống bất tử và nhìn đời hết ngày này qua tháng khác cũng không phải là điều làm em vui còn gì ?

 

– Nhưng…

 

Tôi đã không thể nói thêm một lời nào sau đó nữa, vì môi tôi đã bị khóa chặt bởi môi anh, miệng tôi đã bị lấp đầy bởi nụ hôn nóng hổi. Mưa xuân rơi trên đầu chúng tôi, lạnh buốt. Nước mắt rơi ra từ mắt tôi, ấm nóng. Nụ hôn của một tình yêu kỳ lạ, đến bất ngờ và không biết bao giờ ra đi. Người yêu đầu tiên của tôi, sắp chết. Hạnh phúc và đau đớn, đến cùng một lúc như này, tôi phải làm sao ?

574592_10201261412837651_146719606_n

 7. Vĩnh biệt

Em đứng giữa nghĩa trang một ngày cuối xuân, nhìn nấm mộ của tôi mới đắp xong phủ trắng đầy hoa hồng của người hâm mộ. Tôi ra đi không mấy bất ngờ với em sau một cơn đau tim đột xuất trên sân khấu. Công ty đưa tôi vào viện cấp cứu nhưng em biết và cả tôi đều biết, tôi không thể qua khỏi.

 

Đôi mắt nheo nheo lại hướng về tấm ảnh của tôi in trên bia mộ. Tôi nhìn em, em nhìn tấm ảnh. Chúng tôi đều hiểu, thực ra chỉ có tình cảm là có thể vĩnh cửu mà thôi. Rồi một ngày nào đó, mọi thứ đều sẽ tiêu tan. Tan đi để có thể tái sinh. Tan đi để có ngày gặp lại.

 

Có một giọt nước mắt của thần báo tử, rơi trên bia mộ.

 

 Một cái kết khác :

 1 tháng sau  

– Anh sắp chết rồi sao ? Anh đang nằm bên cạnh em trên giường của anh, trong căn phòng an toàn tuyệt đối của anh. Điều gì sẽ đem lại cái chết cho anh bây giờ chứ ?

 

– Đèn chùm rơi xuống vỡ đầu. iPhone nổ tan óc. Hoặc là em sẽ cầm dao giết anh cho kịp giờ.

 

– Eoooooooo… Em sẽ làm thế thật à ?

 

– Nếu đến giờ mà anh vẫn chưa chết. Anh còn 10 phút. Có gì để nói không ?

 

– Anh cám ơn em, vì đã đến và báo cho anh biết là anh sắp chết.

 

– Haha. Gần 10 năm làm công việc này, đến bây giờ mới có người cảm ơn em. Cũng không tồi. Anh không buồn chứ ?

 

– Không, mà anh đã nói hết đâu. Anh cám ơn em, vì đã làm người yêu của anh.

 

– Anh tin vào sự bất diệt của tình yêu chứ ?

 

– Anh tin.

 

– Vậy thì em cũng tin.

 

Em hôn tôi. Hôn như chưa bao giờ được hôn. Chúng tôi hôn nhau một nụ hôn thật dài. Bỗng iPhone của tôi rung lên, báo hiệu đến giờ tôi phải chết. Tôi rời đôi môi em ra, một phút, hai phút rồi ba phút. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả, tôi tự hỏi đây phải chăng là trò đùa của Phong An.

 

– Quá giờ 3 phút rồi đó, sao em không giết anh đi?

 

Em cười và rúc vào lòng tôi như một đứa trẻ:

 

– Vì em tin vào sự vĩnh cửu của tình cảm con người, vào tình yêu anh dành cho em, em dành cho anh. Em đã không còn là thần báo tử nữa. Em đổi sự bất tử của mình để lấy sự sống cho anh.

 

– Em…

 

– Đừng nói gì cả. Chúng ta yêu nhau, thế thôi.

Một nụ hôn có đủ không, để khép lại cái chuyện điên rồ này?

 LUKAS  CHUNNY

Featured image: Mew Amazing